Lòng Chúa Thương Xót luôn gắn liền với các linh hồn. Ơn Cứu Độ cũng chỉ vì các linh hồn, trong đó có mỗi chúng ta. Ơn Cứu Độ và Lòng Chúa Thương Xót cũng gắn liền với sự đau khổ.

Trong Nhật Ký của Thánh Faustina, danh từ “đau khổ” xuất hiện hơn 450 lần, chắc chắn Thánh Faustina muốn chia sẻ kinh nghiệm về việc chịu đau khổ của Chị khi còn sinh thời.

Chị chịu đau đớn về thể lý vì chứng bệnh nan y bất trị, và trải nghiệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu trong thân xác Chị. Chị chịu đau khổ về tinh thần khi Chị trải qua “Đêm Tối của Linh Hồn”. Chị chịu đau khổ về tình cảm vì các nữ tu cùng dòng không tin Chị bị bệnh, cho rằng Chị giả bệnh để trốn việc. Chị chịu đau khổ về tâm trí vì Chị trải nghiệm hiện tượng tâm linh khác thường: Thị kiến về Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh. Chúa Giêsu dạy chị truyền bá Lòng Thương Xót cho thế giới, nhưng Chị lại không biết làm cách nào. Chị nghi ngờ chính mình vì không biết mình có bị tâm thần hay không, hoặc không biết mình có trải nghiệm sự bí ẩn tâm linh trong suốt 3 năm hay không. Cuộc đời Chị chịu nhiều đau khổ lắm. Đau khổ là “dấu ấn vàng” của các thánh.

Tháng Cầu Hồn, chúng ta cùng chậm rãi đọc lại vài đoạn quan trọng trong Nhật Ký của Thánh Faustina để suy tư, hy vọng sẽ thêm lợi ích tâm linh cho linh hồn chúng ta, và cũng là dịp để chúng ta chân thành cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Hình.

1. Hôm nay, Chúa nói với tôi: “Con cần chịu đau khổ để cứu các linh hồn”. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy làm như Ngài muốn. Tôi không đủ can đảm xin Chúa Giêsu chịu đau khổ nhiều hơn, vì tôi đã chịu đau khổ nhiều vào đêm hôm trước đến nỗi tôi không thể chịu được thêm một chút gì mà Chúa Giêsu đã trao cho tôi (Nhật Ký, số 1612).

2. Hôm nay tôi cảm thấy khỏe, tôi vui vì tôi có thể làm Giờ Thánh. Nhưng khi tôi bắt đầu Giờ Thánh, đau đớn thân xác tôi tăng lên, đến nỗi tôi không cầu nguyện được. Khi hết Giờ Thánh, đau đớn của tôi cũng hết, và tôi thưa với Chúa rằng tôi rất muốn dìm mình vào Cuộc Khổ Nạn của Ngài, nhưng đau đớn của tôi không cho phép tôi làm vậy. Chúa Giêsu nói với tôi: “Ái Nữ ơi, con hãy biết rằng nếu Ta cho phép con cảm thấy và và hiểu biết sâu sắc hơn về nỗi đau khổ của Ta, đó là Hồng Ân của Ta. Nhưng khi tâm trí con mờ nhạt và đau khổ của con nhiều, đó là con tham dự vào Cuộc Khổ Nạn của Ta, và Ta làm cho con thích nghi với Ta. Nhiệm vụ của con là tuân phục Thánh Ý của Ta vào những lúc đó, chứ không là những lúc khác” (Nhật Ký, số 1697).

3. Hôm nay, Chúa Giêsu nói với tôi: “Ta muốn con biết sâu sắc hơn về lửa tình yêu bùng cháy trong Thánh Tâm Ta dành cho các linh hồn, và con sẽ hiểu điều này khi con suy niệm về Cuộc Khổ Nạn của Ta. Con hãy xin lòng thương xót của Ta thay cho các tội nhân; Ta muốn cứu độ họ. Khi con thành tín cầu nguyện thay các tội nhân, Ta sẽ ban cho họ ơn hoán cải. Đây là lời cầu nguyện: “Kính lạy Máu và Nước đã tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu như nguồn mạch thương xót của chúng con, con tín thác vào Ngài(Nhật Ký, số 186-187).

4. Mặc dù đây là những điều gây sợ hãi, linh hồn không nên sợ hãi, vì Thiên Chúa không bao giờ thử thách chúng ta vượt khả năng chịu đau khổ của chúng ta. Mặt khác, có thể Ngài không gởi đến chúng ta các đau khổ như vậy, nhưng tôi viết điều này vì, nếu Chúa muốn một linh hồn trải qua các đau khổ như vậy, linh hồn đó đừng sợ hãi, điều này tùy vào linh hồn đó, nên tin tưởng vào Thiên Chúa. Ngài không làm tổn thương linh hồn, vì chính Ngài là Tình Yêu, và tình yêu khôn dò này mời gọi linh hồn đó bước vào tình yêu. Tuy nhiên, khi tôi đau khổ, tôi lại không hiểu điều này (Nhật Ký, số 106).

5. Thiên Chúa cho tôi biết tình yêu đích thực bao gồm những gì và soi sáng cho tôi biết cách minh chứng tình yêu dành cho Ngài. Tình yêu đích thực của Thiên Chúa bao gồm việc thực hiện Ý Chúa. Để chứng tỏ cho Thiên Chúa biết tình yêu của chúng ta trong những gì chúng ta làm, trong mọi động thái, chúng ta phải bắt nguồn từ tình yêu Chúa. Chúa nói với tôi: “Này con, con làm Ta vui lòng bằng cách chịu đau khổ. Ái Nữ của Ta, qua đau khổ tinh thần và thể lý của con, đừng mong sự cảm thông của người khác. Ta muốn hương thơm từ đau khổ của con tinh tuyền và thuần khiết. Ta muốn con tách biệt, không chỉ tách khỏi các thụ tạo, mà còn tách khỏi chính con. Ái Nữ của Ta, Ta muốn vui mừng trong tình yêu nơi trái tim con, một tình yêu tinh tuyền, thuần khiết, không vết nhơ, không hoen ố. Con càng muốn đau khổ, tình yêu của con càng tinh tuyền dành cho Ta”(Nhật Ký, số 279).

6. Khi tôi bệnh [có thể bắt đầu chứng lao] sau khi tiên khấn, mặc dù Bề trên an ủi và bác sĩ tận tình chăm sóc, tôi vẫn cảm thấy bình thường, không tệ hơn cũng chẳng khá hơn, tôi bắt đầu hiểu rằng tôi đang giả vờ. Với điều đó, đau khổ của tôi tăng gấp đôi, và điều này kéo dài khá lâu. Một hôm, tôi thưa với Chúa Giêsu rằng tôi đang là gánh nặng cho các chị em. Chúa Giêsu nói với tôi: Con không sống cho con mà sống cho các linh hồn, và các linh hồn khác sẽ có lợi nhờ đau khổ của con. Đau khổ lâu dài của con sẽ cho họ ánh sáng và sức mạnh để chấp nhận Thánh Ý của Ta” (Nhật Ký, số 67).

Thánh Faustina được Chúa Giêsu giải thích rằng Ngài cần đau khổ của Chị để giúp Ngài “cứu các linh hồn” (Nhật Ký, số 1612). Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng đau khổ xảy ra để chúng ta không ỷ lại vào mình mà biết cậy nhờ Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ chết trỗi dậy (x. 2 Cr 1:9). Đau khổ của chúng ta có thể cứu các linh hồn nếu chúng ta dâng đau khổ đó lên Thiên Chúa. Đó là vì Đức Ái và Đức Tin mà chúng ta chịu đau khổ để cứu các linh hồn, và Thiên Chúa vui nhận động thái đó.

Thánh Inhaxio Loyola nói: “Nếu Thiên Chúa gởi nhiều đau khổ cho chúng ta, đó là dấu hiệu Ngài có kế hoạch lớn dành cho chúng ta và chắc chắn Ngài muốn làm cho bạn nên thánh”. Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Đau khổ là con đường hẹp, qua con đường này mới vào được Thiên Đàng. Thập giá là “cây gậy” để chúng ta chống đi trên con đường hẹp và gồ ghề. Ai muốn đi đường rộng thênh thang thì dễ lạc đường”. Thật vậy, Thiên Chúa tin tưởng bạn nên mới trao đau khổ cho bạn, và Ngài muốn làm cho bạn yêu mến Ngài hết lòng hết sức.

Thánh Teresa Avila nói: “Người ta không được nghĩ rằng chịu đau khổ không là cầu nguyện. Khi dâng đau khổ lên Thiên Chúa, người ta cầu nguyện nhiều lần hơn là suy niệm, nếu người đó bật khóc, đó là cầu nguyện”. Thánh Aloysio Gonzaga nói: “Ai muốn yêu mến Chúa mà không muốn chịu đau khổ vì Ngài thì không yêu mến Ngài”. Và Thánh Phanxico Xavie nói: “Tất cả khoa học của các thánh bao gồm hai điều: Hành động và chịu đau khổ. Ai làm tốt hai điều này thì tự làm cho mình nên thánh”.

Đau khổ là một lời hứa của Thiên Chúa, Đấng trung tín và giữ lời hứa. Thánh Phêrô nói:“Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3:9).

Đau khổ là cách Thiên Chúa thỏa mãn ước vọng của chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu. Xin tôn vinh Thiên Chúa là Cha chúng ta, đến muôn thuở muôn đời! Amen” (Pl 4:19-20).

Đau khổ là mầu nhiệm, phải có can đảm mới có thể hiểu và chấp nhận đau khổ. Đau khổ là thua thiệt, thập giá là điên rồ, tư tưởng phàm nhân không thể hiểu nổi, nhưng với Thiên Chúa lại khác hẳn: “Điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” (Lc 16:15).

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con can đảm chịu đau khổ để hiệp thông với Ngài, để cứu các linh hồn, và để đền tội của con. Vì Máu và Nước từ Thánh Tâm Ngài, xin tẩy rửa và cho các linh hồn được sớm hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa. Xin cho con cũng được ở nơi nào có Ngài. Vâng, Ngài là Đấng cứu độ của con, Ngài hằng sinh và hiển trị cùng với Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Thiên Chúa Thánh Thần, đến muôn đời. Amen.

KHA ĐÔNG ANH

Mùa Đại Xá, tháng 11-2014