Lời Chúa: Lc 24, 35-48
35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em! “37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.38 Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? “40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không? “42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
44 Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
.
Chỉ cần một tiếng a-lô chào nhau qua điện thoại, ta có thể biết chính xác người đang nói chuyện với mình là ai, có được khả năng đó là nhờ đôi tai. Bằng đôi mắt trong nghề, người ta có thể phân biệt được sản phẩm của họ làm ra tốt hay xấu, giá trị cao hoặc thấp. Trong tình yêu, người ta có thể lừa dối nhau đôi lần, nhưng có hai điều không thể giấu được đó là say rượu và say tình. Từ kinh nghiệm nơi những môn đệ thân tín của Thầy Giêsu, dù mắt tinh tai thính hoặc tình sâu đậm, tình nông cạn, các ông cũng không thể nhận ra tình yêu của Đấng Phục Sinh !
Người già phản ứng chậm, vì nặng tai mắt mờ là điều dễ hiểu, trẻ em, phụ nữ, yếu bóng vía người ta chấp nhận được; Các môn đệ bối rối, hoảng sợ khi nghe lời chào chúc bình an của Thầy mình, quả là điều khó hiểu ! Tin Mừng kể về việc sợ hãi của các môn đệ, nhiều người nghĩ rằng các ông đã gặp một vị khách xa lạ, vóc dáng, khuôn mặt, giọng nói cũng chẳng có điểm gì thân quen. Suy xét như thế có khả năng chúng ta sẽ oán trách những đồ đệ ấy thật bạc nghĩa vô ơn, chỉ 3 ngày mà các ông đã quên Thầy rồi !
Thực ra các môn đệ vì đã sử dụng tai mắt tự nhiên, nên các ông không thể nhận ra Thầy mình đang hiện diện sát bên, Thầy Giêsu chịu đau khổ đã chết thật, mắt xác phàm sẽ không thể nhận biết được Đấng Phục Sinh rạng ngời vinh quang. Nếu Đấng Phục Sinh không mở tai, mở mắt, mở trí cho các học trò, hẳn các ông không thể gặp; vì các ông chỉ nghĩ tới hình ảnh Đức Giêsu chịu đau khổ, chịu chết ! Bằng tình yêu và ơn bình an của Đấng Phục Sinh tỏa chiếu, trái tim của các ông mới trở lại nhịp đập bình thường, các ông nghe, hiểu được tín hiệu “chính Thầy đây, đừng sợ”, và nhận ra vị khách lạ kia “chính là Thầy”.
Miệng người giầu sang có gang có thép, họ dễ dàng nổi tiếng nổi danh. Thầy Giêsu không giầu sang phú quí, Thầy đã bị người đời đóng đinh, các ông cẩn thận, sợ liên lụy, hồi hộp khi nghe một ai đó xưng danh “chính Thầy đây”, tự nhiên các ông phải cảnh giác là đúng rồi. Để sưởi ấm tâm hồn giá lạnh của các học trò, xóa tan những ám ảnh về mất mát xa cách, Đấng Phục Sinh cho thấy sự thân tình khi cho các ông xem lỗ đinh ở chân tay, và ăn uống trước mặt mọi người.
Lời khẳng định “chính Thầy đây”, là mạc khải về tình yêu thương của Đấng Phục Sinh, là lời gọi mời khám phá niềm vui sự hiện diện của Đấng sống lại từ cõi chết. Tình Thầy-Trò mãi bền chặt yêu thương cảm thông cho thấy : không ai trưởng thành mà không vấp ngã, rất cần đến sự dũng cảm nhìn vào lỗi lầm, của quá khứ, để làm cho hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn. Thầy Giêsu đã chiến thắng đau khổ sự chết, sau khi sống lại Thầy còn chiến thắng sự hoài nghi cứng lòng của các học trò, của tất cả những ai biết nhìn đến tình yêu Thập Giá. Amen.
Lm. Jos. DĐH, Gp. Xuân Lộc