VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN TÔN GIÁO Chín Phẩm Thiên Thần

Chín Phẩm Thiên Thần

Chúng ta biết gì về các thiên thần? Kinh Thánh cho biết: “Người [Thiên Chúa] truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” (Tv 91:11-12) Các thiên thần cao cấp hơn con người, là các sứ giả của Thiên Chúa và bảo vệ con người. Kinh Thánh nói rằng các thiên thần hiện hữu. Kinh Thánh đề cập thiên thần 250 lần – từ sách Sáng Thế tới sách Khải Huyền.

Kinh Thánh cũng cho biết thiên thần ở khắp nơi: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết.” (Dt 13:2) Có thể bạn đã thấy các sứ giả của Thiên Chúa mà không biết. Mặc dù các thiên thần được đề cập nhiều lần trong Kinh Thánh và luôn ở xung quanh chúng ta, vẫn có nhiều huyền thoại về các thiên thần và không được nói tới trong Kinh Thánh. Một lĩnh vực lẫn lộn là phẩm trật thiên thần.

Kinh Thánh không có đoạn riêng nào đề cập chín phẩm thiên thần, nhưng có những phần nói tới phẩm trật thiên thần. Pseudo-Dionysis, triết gia Kitô giáo cuối thế kỷ 5, trích những đoạn trong Tân Ước và các nguồn khác để trình bày phẩm trật thiên thần trong cuốn “De Cœlesti Hierarchia.” Các thiên thần được chia thành ba cấp và chín phẩm. Trong ba cấp, mỗi cấp có ba phẩm: Cấp I gồm Seraphim (Luyến Thần), Cherubim (Minh Thần) và Bệ Thần (Ngai Thần). Cấp II gồm Quản Thần, Dũng Thần và Quyền Thần. Cấp III gồm Lãnh Thần, Tổng Thần và Thiên Thần.

Đây là chín phẩm thiên thần:

  1. SERAPHIM – Cao nhất trong chín phẩm thiên thần là Seraphim (Luyến Thần, Thần Sốt Mến). Các thiên thần đặc biệt này luôn chầu trước Ngai Thiên Chúa, được đề cập trong Is 6:1-7, cho biết rằng các thiên thần này chúc tụng Thiên Chúa: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” Điều thú vị là thiên thần Seraphim có 6 cánh – 2 cách che mặt, 2 cánh che chân, và 2 cánh để bay.
  2. CHERUBIM – Tiếp theo sau Seraphim là Cherubim (Minh Thần), cao thứ nhì trong chín phẩm thiên thần. Các thiên thần này nhìn giống con người về bề ngoài, có hai cánh và bảo vệ vinh quang Thiên Chúa. Trong Tân Ước, các thiên thần này thường được gọi là những người trời, đề cập trong Kh 4-6.
  3. BỆ THẦN – Các Bệ Thần (Ngai Thần) là phẩm trật thiên thần được Thánh Phaolô đề cập: “Vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.” (Cl 1:16) Bệ Thần là các thiên thần của sự khiêm nhường, sự bình an và sự phục tùng. Nếu các thiên thần phẩm trật dưới cần đến gần Thiên Chúa thì phải qua các Bệ Thần.
  4. QUẢN THẦN – Các Quản Thần giữ cho thế giới đúng trật tự, đem công lý của Thiên Chúa tới những nơi bất công, tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa với con người, và giúp các thiên thần cấp dưới thi hành nhiệm vụ hiệu quả. Các Quản Thần cũng được nhận biết về việc bày tỏ tình yêu vô điều kiện khi họ chứng tỏ công lý của Thiên Chúa.
  5. DŨNG THẦN – Các Dũng Thần kiểm soát các yếu tố. Một số người đề cập các Dũng Thần là “thần chiếu sáng.” Ngoài tư cách là Thần Chuyển Động, các Dũng Thần cũng giúp điều khiển thiên nhiên, các phép lạ, khuyến khích con người giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa.
  6. QUYỀN THẦN – Các Quyền Thần được coi là Thiên Thần Chiến Binh vì họ chiến thắng sự dữ, không chỉ vũ trụ mà cả con người nữa. Được gọi là Quyền Thần vì họ có quyền trên ma quỷ, ngăn cản sức mạnh của chúng. Họ cũng giúp con người đấu tranh với các đam mê và tật xấu để từ bỏ những gì kẻ thù xúi giục.
  7. LÃNH THẦN

Các Lãnh Thần có quyền trên các thiên thần cấp dưới và điều khiển họ hoàn thành mệnh lệnh của Thiên Chúa. Các Lãnh Thần còn được gọi là Hoàng Thân hoặc Người Cai Trị vì họ trực tiếp theo dõi các nhóm lớn và các tổ chức, kể cả các quốc gia và Giáo Hội, đồng thời bảo đảm việc hoàn thành Thiên Ý. Các thiên thần này khôn ngoan và quyền lực nhưng ở khoảng cách xa Thiên Chúa nhất trong các phẩm trật thiên thần để họ có thể giao tiếp với con người bằng những cách mà chúng ta có thể hiểu.

  1. TỔNG THẦN

Các Tổng Lãnh Thiên Thần (TLTT) mệnh danh là Sứ Giả Tin Mừng vì họ được Thiên Chúa sai loan báo các sứ điệp quan trọng cho loài người. Họ giao tiếp và tương tác vói chúng ta. TLTT Michael là người truyền hứng của Thiên Chúa cho Thánh Gioan về những mặc khải ghi trong sách Khải Huyền và được biết là người bảo vệ Giáo Hội, canh giữ Giáo Hội khỏi ma quỷ. TLTT Michael được biết nhiều với vai trò trục xuất Luciphe khỏi Thiên Đàng. Trước tiên, TLTT Gabriel được đề cập trong sách Daniel và giúp Daniel hoàn thành sứ vụ trên thế gian; sau đó, TLTT Gabriel hiện ra với ông Dacaria và Đức Maria, trao sứ điệp mầu nhiệm của Thiên Chúa. TLTT Raphael được đề cập trong sách Tobia, chữa lành ông Tobit và giải thoát bà Sara khỏi ma quỷ. TLTT Raphael hoàn tất cả hai nhiệm vụ, hiện ra trong hình dạng một con người, hướng dẫn ông Tobia hành động.

  1. THIÊN THẦN

Các thiên thần gần nhất với thế giới này và con người. Họ cũng là người chuyển cầu lên Thiên Chúa và chuyển sứ điệp khác cho con người trên thế gian. Một trong các đặc tính của các thiên thần là rất quan tâm và thân thiện trợ giúp những người cầu xin nâng đỡ.

Theo Kinh Thánh, các thiên thần có nhiều nhiệm vụ và nhiều vai trò trong Vương Quốc của Thiên Chúa. Chúng ta được biết rằng các thiên thần của Thiên Chúa luôn làm việc. Cũng có những trường hợp các thiên thần có thể đến thăm chúng ta. Thiên Chúa đã tạo dựng các thiên thần, Ngài cũng hứa với chúng ta rằng Ngài hằng ở bên chúng ta khi đối mặt với bão tố cuộc đời.

LESLIE WHITE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ beliefnet.com)

Exit mobile version