Chiều kích Vâng phục

339

CHIỀU KÍCH VÂNG PHỤC

NHÌN TỪ CÂU CHUYỆN ƠN GỌI CỦA ABRAHAM

(Kính tặng quí dì, quí chị em Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức

nhân dịp mừng năm mươi năm thành lập Hội dòng)

hinhTrước khi cử hành các dịp đại lễ, người tín hữu chúng ta không nên quên những lời Thiên Chúa phán qua miệng ngôn sứ Isaiah: “Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa” (Is 1,14).

Ngôn sứ Isaiah đã loan báo những lời này cho dân Israel cách nay hơn hai ngàn bảy trăm năm. Ngài cho thấy Thiên Chúa không ưa thích những lễ hội mang đậm tính hình thức, nhưng lại thiếu vắng chiều sâu, và phai nhạt ý nghĩa. Có nghĩa gì đâu nếu dân Israel đến với Thiên Chúa bằng đủ màu lễ hội, đủ sắc nghi thức, nhưng lòng họ lại xa Thiên Chúa, khi đôi tay họ còn vấy máu bất công, khi điều thiện bị vứt bỏ, và lẽ công bình không được thực thi (x. Is 1,10-20)?

Kính thưa quí dì, thưa quí chị em, năm mươi năm thành lập Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức là dịp đặc biệt, đặc biệt lắm, không thể không mừng. Lại càng đặc biệt hơn khi quí dì và quí chị em mừng đại lễ này trong Năm Đời Sống Thánh Hiến. Nhưng mừng như thế nào để diễn tả được thực chất tâm tình tạ ơn mà chúng ta cần có trước tình yêu lớn lao Thiên Chúa đã tặng ban cho Hội dòng? Mừng như thế nào để dịp đặc biệt này còn để lại những dấu ấn khó phai nơi chúng ta và nơi các thế hệ mai sau? Mừng thế nào để chúng ta có thêm nhiệt huyết tông đồ để phục vụ Giáo hội và xã hội?

Đấy là mấy câu hỏi đơn sơ tôi đặt ra cho mình khi Dòng Tên Chúa Giêsu mừng bốn trăm năm loan báo Tin Mừng trên Đất Việt (1615-2015). Nay tôi xin “chuyển giao” vẫn mấy câu hỏi ấy cho quí dì và quí chị em. Mong quí dì và quí chị em giúp “soi sáng” cho tôi nhé!

Khi viết một bài chia sẻ cho quí dì và quí chị em trong Hội dòng, tôi nghĩ ngay đến việc kết nối dịp mừng năm mươi năm này với tinh thần của Năm Đời Sống Thánh Hiến, nghĩa là làm thế nào chúng ta, qua việc mừng đại lễ Kim Khánh Hội dòng, có thể đào sâu hơn ơn gọi dâng hiến của mình qua ba lời khấn Phúc Âm. Tuy nhiên, phạm vi bài chia sẻ này chỉ cho phép tôi trình bày một vài nét đơn sơ về lời khấn “vâng phục”, như được phác họa từ câu chuyện Thiên Chúa gọi Abraham ở St 12,1-9. Mong rằng một vài dòng suy tư nho nhỏ này có thể phần nào đó giúp chúng ta sống sâu hơn chiều kích vâng phục trong ơn gọi của mình, như một cách thức nội tâm hóa ý nghĩa của dịp mừng Kim Khánh Hội dòng.

Đức Chúa phán với ông Abram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (c1).

Lệnh truyền của Thiên Chúa dành cho Abram bao gồm hai bước: từ bỏ (thứ đang có) và đi tới (nơi chưa rõ đối với Abram). Bản văn tiếng Do-thái chỉ dùng duy nhất một động từ trong câu này: “ngươi hãy đi”. Động từ diễn tả một sự chuyển động, hàm ý phải bỏ lại sau lưng những thứ gì đó. Cụ thể hơn, những thứ phải từ bỏ bao gồm ba cấp độ: “đất” (địa lý), “họ hàng”, và “nhà cha ngươi” (các mối tương quan). Ba cấp độ từ bỏ này chuyển động theo hướng hẹp dần và càng lúc càng đi vào chiều sâu, đòi hỏi mức độ Abram phải từ bỏ càng lúc càng cao hơn: quê hương > họ hàng > nhà cha mình.

Bối cảnh của câu chuyện cho phép chúng ta hiểu rằng Abram nhận được tiếng Chúa gọi khi ông đang ở tại Kharan (x. St 11,31). Nếu đúng như vậy, thì Kharan, tuy không phải là nơi Abram được sinh ra (thành Ur), nhưng đây là nơi Abram đã cùng cha và người thân của mình đến định cư tại đây (x. St 11,27-32), thân thương đối với Abram như nơi chôn nhau cắt rốn của mình[1].

Bỏ đi một vùng đất quen thuộc và thân thương như quê hương đã là khó. Bỏ họ hàng lại càng khó hơn. Nhưng khó nhất là bỏ lại đàng sau những người thân thích nhất, ở phạm vi hẹp nhất là gia đình của chính mình.

Vùng đất Abram đang sống sẽ được thay bằng “vùng đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”: vùng đất này đã rõ trong thánh ý của Thiên Chúa, nhưng chưa rõ đối với Abram, vì thế lệnh truyền trên đòi Abram phải đặt trọn niềm tin vào Đấng đã gọi ông.

aTa sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, bsẽ chúc phúc cho ngươi. cTa sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, dvà ngươi sẽ là một mối phúc lành (c2).

Nếu câu 1 là việc Abram phải thi hành, thì các câu 2 lại là lời hứa của Thiên Chúa dành cho ông. Lời hứa ấy bao hàm ba việc kỳ diệu Thiên Chúa sẽ làm cho Abram (a-b-c), và ý nghĩa của những việc này đối với Abram, và qua ông, đối với nhân loại (d). Như thế, Thiên Chúa không gọi Abram mà lại chẳng hứa ban cho ông điều gì. Thiên Chúa có một kế hoạch cho Abram, và qua ông, cho nhân loại. Ơn gọi nào đến từ Thiên Chúa cũng phải có mục đích. Điều chúng ta cần làm là khám phá ra mục đích ấy và sống mục đích ấy cách sung mãn trong cuộc đời mình.

Thiên Chúa không chịu thua sự quảng đại của con người. Nếu Abram dám ra đi, không sợ gì Thiên Chúa lại chẳng ban cho ông gấp bội những gì ông đã từ bỏ. Trong Tân Ước, tinh thần quảng đại này của Thiên Chúa đã được Chúa Giêsu khẳng định, trước băn khoăn của Phêrô: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19,29).

Ông Abram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Kharan. Ông Abram đem theo vợ là bà Sarai, cháu là ông Lót… Họ ra đi về phía đất Canaan và đã tới đất đóBấy giờ người Canaan đang ở trong đất ấy (cc4b.5b.6b).

Ông Abram ra đi khi ông đã lớn tuổi, độ tuổi mà người ta thường thích nghỉ ngơi, ở yên một chỗ, không còn muốn nay đây mai đó nữa. Abram đã đi ngược thói thường đó vì ông đã sẵn lòng vâng theo lệnh truyền của Thiên Chúa. Abram không ra đi một mình. Ông đi với bà Sarai và ông Lót. Ông Abram đã từng nhờ đến “sắc đẹp” của bà Sarai để cứu lấy mạng mình (x. St 12,10-20; 20,1-18), nhưng bà Sarah cũng gây không ít buồn phiền cho Abraham[2] sau này (x. St 21,8-20). Abraham cũng gặp không ít khó khăn vì Lót (x. St 14,12-16; 19,27-29). Cuối cùng, Abram và đoàn người đã tiến vào đất Canaan, là vùng đất đã có các dân khác cư ngụ. Nếu Abram đến một vùng đất không có người ở, tại đó ông tự khai hoang, mở mang, có lẽ mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn cho ông và cho con cháu ông sau này. Không, Thiên Chúa lại gọi ông đến vùng đất đã có các dân khác cư ngụ. Abram phải sống cách “dung hòa” thế nào với những người hàng xóm này?

Tại đây ông dựng một bàn thờ kính Đức Chúa… Tại đây ông dựng bàn thờ để kính Đức Chúa và ông kêu cầu danh Đức Chúa (cc7b.8c).

Những nơi Abram đặt chân đến thường được ghi dấu thiêng liêng bằng một bàn thờ được ông dựng lên để kính Đức Chúa. Abram biến những mảnh đất nơi ông đặt chân đến thành những nơi Danh Chúa được cất lên và được kêu cầu.

Từ câu chuyện này, tôi xin rút ra một vài ý nghĩa của hạn từ “vâng phục” cho đời sống dâng hiến của chúng ta hôm nay:

  1. Vâng phục hàm ý một sự từ bỏ. Tôi đã từ bỏ điều gì? Mức độ từ bỏ thế nào? So với Abram, tôi đã từ bỏ thế nào?
  2. Vâng phục trong đời sống cộng đoàn hàm ý tôi đón nhận cuộc sống và sứ mạng Chúa trao cùng với những chị em khác. Nơi chị em tôi đang sống và phục vụ, tôi đã thấy mình được nâng đỡ điều gì? Bị thách đố điều gì? Mỗi người chúng ta cần phải làm gì, cần có thái độ gì… để đời sống cộng đoàn mang lại ý nghĩa tích cực cho từng thành viên, để mỗi thành viên được sống sung mãn, và từng người chúng ta có thể mang lại những điều hữu ích cho những ai chúng ta được sai đến phục vụ?
  3. Vâng phục đòi tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “miền đất” hay sứ vụ mà Ngài trao phó có thể đã có nhiều người khác “định cư”, đã có nhiều người khác thực hiện. Điều này có nghĩa sứ vụ mà chúng ta được trao phó có thể gặp thuận lợi, nhưng cũng có thể gặp nhiều thách đố. Đôi lúc chúng ta mơ ước: mình có thể được trao sứ vụ mà trước đó chưa ai làm; mình sẵn sàng đến với “vùng đất” chưa hề được khai phá, để chúng ta thỏa sức thực hiện theo những sáng kiến của riêng mình. Không, phần lớn chúng ta được trao sứ mạng mà trước đó đã có người khác thực hiện. Vâng phục là đón nhận khả thể chúng ta có thể làm tốt hơn hay cũng có thể làm kém hơn những vị tiền nhiệm. Ngoài ra, nhiều xung đột cũng có thể nảy sinh từ những “vùng đất” đã có người ở này. Kinh nghiệm sống đời dâng hiến của tôi trong thời gian qua cụ thể hóa điều này như thế nào? Làm sao tôi hay cộng đoàn của tôi đã hóa giải được những điều này?
  4. Vâng phục luôn gắn liền với chiều kích thiêng liêng. Những môi trường tôi đang sống và phục vụ có được ghi đậm bằng những “dấu chỉ” Thiên Chúa hiện diện không? Làm thế nào để cộng đoàn của tôi có thể sống mạnh mẽ chiều kích “phụng tự” trong đời sống dâng hiến của mình? Làm thế nào để cộng đoàn dâng hiến phải vượt lên trên hình thái của một tổ chức xã hội thông thường?

 

                                                                                       Lm. Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, SJ

[1] Cv 7,2 hiểu rằng lệnh truyền này của Đức Chúa dành cho Abram đã xảy ra tại thành Ur, trước khi Abram đến định cư tại Haran. Tuy nhiên, trích dẫn tại Cv 7,3 không đề cập đến cấp độ từ bỏ thứ ba: “bỏ nhà cha ngươi”.

[2] Abram được đổi tên thành Abraham ở St 17,5; Sarai được gọi là Sarah ở St 17,15.