Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, và câu đầu tiên của Ngài là một lời chúc: “Bình an cho anh em” (Ga 20:19; Ga 20:21). Điều đó chứng thực rằng sự bình an rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Ở đâu có hòa bình (bình an tâm hồn và xã hội) là có hạnh phúc; ngược lại, ở đâu có chiến tranh là có đau khổ, bất hạnh.
Chắc hẳn nhiều người đã từng nghe nói tới văn sĩ người Nga là Lev Nikolayevich Tolstoy (1828-1910), và tiểu thuyết của ông là “Chiến Tranh và Hòa Bình” (tiếng Nga: Война и мир /voyna i mir/, tiếng Anh: War and Peace). Tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình” là một trong hai kiệt tác của ông – tác phẩm thứ hai là “Anna Karenina”. Ông là tiểu thuyết gia, triết gia, nhà cải cách giáo dục, nhà tư tưởng đạo đức, người ăn chay, người ủng hộ hòa bình, người theo chủ nghĩa vô chính phủ, là tín đồ Cơ Đốc giáo và là người uy tín của dòng họ Tolstoy. Chủ trương bất bạo động của ông đối với các điều xấu đã ảnh hưởng tới Mahatma Gandhi – vị thánh của dân tộc Ấn Độ.
Tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình” là tiểu thuyết lịch sử phản ánh một giai đoạn bi tráng của xã hội Nga, từ giới quý tộc đến nông dân, trong thời đại đế Napoléon. Tác phẩm này được nhà xuất bản Russki Vestnik ấn hành lần đầu trong những năm 1865-1869, và đã được đạo diễn King Vidor dựng phim hồi năm 1956. “Chiến Tranh và Hòa Bình” được đánh giá là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của văn học thế giới.
Nói đến chiến tranh, người ta thường nghĩ ngay tới bạo động, bạo lực, gươm giáo, bom đạn, súng ống,… Tuy nhiên, chiến tranh không chỉ là chém giết nhau hoặc máu lửa, mà còn các loại chiến tranh khác: Chiến tranh tâm lý, chiến tranh văn hóa, chiến tranh tư tưởng, chiến tranh chính trị, chiến tranh tâm linh, chiến tranh nội tâm, chiến tranh đói nghèo, chiến tranh giới tính, chiến tranh hôn nhân, chiến tranh gia đình, chiến tranh giai cấp, chiến tranh đảng phái, chiến tranh tôn giáo,…
Chiến tranh có thể xảy ra giữa nước này với nước khác, giữa vùng này với miền khác, giữa nhóm này với nhóm khác, giữa bộ tộc này với bộ tộc khác, giữa người này với người khác, thậm chí là nội chiến và chiến tranh trong chính con người của mình. Chiến tranh nội tâm là sự giằng co giữa thiện và ác, điều mà Thánh Phaolô đã từng đề cập: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7:15). Chiến tranh nội tâm thật là khủng khiếp, như tục ngữ Việt Nam nói: “Lo bạc râu, sầu bạc tóc”. Đau khổ khiến người ta tiêu điều, tiều tụy và suy sụp rất mau!
Vì miếng ăn và vì quyền lợi mà chiến tranh xảy ra. Có chiến tranh nên luôn cần có hòa bình, có chiến tranh mới biết quý trọng hòa bình – cũng như có đau khổ mới biết quý trọng hạnh phúc. Bình an cuộc sống là điều cần thiết, ai cũng khao khát, vậy mà người ta vẫn gây hấn và hiếu chiến. Chung quy cũng chỉ vì ích kỷ, vì “cái Tôi” quá lớn, chỉ muốn đè bẹp người khác để chứng tỏ “bản lĩnh” của mình. Chiến tranh, dù ở dạng nào, cũng là do thiếu tình yêu thương và vì dã tâm của con người!
Chiến tranh và hòa bình là hai thái cực đối lập. Nhưng người ta nói: “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh”. Câu này là do câu tục ngữ Latin: “Si vis pacem, para bellum”. Nguồn gốc câu tục ngữ này vẫn còn là một điều bí ẩn. Câu tục ngữ này được tin tưởng một cách rộng rãi, có thể là đúng mà cũng có thể là sai. Người ta cho rằng câu đó bắt nguồn từ một câu của sử gia Rôma là Publius Flavius Vegetius Renatus: “Igitur qui desiderat pacem, praeparet bellum”. Câu này có trong một tác phẩm của ông là cuốn “Epitoma Rei Militaris” (Về Quân Sự), có thể đã được viết vào khoảng năm 390.
Có một sự khác biệt khó có thể nhận ra giữa hai câu trên. Câu thứ nhất mạnh mẽ và dứt khoát. Đó là một mệnh đề phụ thuộc, mở đầu là một mệnh đề có trạng từ bổ nghĩa với một động từ. Một câu bình thường yêu cầu phải có một động từ chính để trình bày nhưng tác giả đã biến nó thành câu điều kiện và câu mệnh lệnh: “Nếu bạn thật sự muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh”.
Trong câu thứ nhì, tư tưởng của Vegetius chỉ là một giả thuyết. Nó ít quả quyết, ít dứt khoát hơn, trong điều kiện giả định với một mệnh đề với cả hai động từ trong lối trình bày là dạng mệnh lệnh cách: “Bất cứ ai trước khi muốn có hòa bình đều phải chuẩn bị cho chiến tranh”. Tất nhiên câu này không mang ý nghĩa khuyến khích chiến tranh.
Chiến tranh thật là khủng khiếp. Nếu là người Việt Nam từ 50 tuổi trở lên thì có thể “trực tiếp” biết sự tàn khốc của chiến tranh về cả thể lý lẫn tinh thần và tâm lý, sự tàn phá cứ âm ỉ và dai dẳng. Cái chết của người thân bị giết gây ảnh hưởng nặng nề tới ông bà, cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em, bạn bè, xóm giềng,… Lệ sầu rơi xuống không chỉ cay mắt và mặn môi, rồi sẽ khô và nguôi ngoai theo thời gian, nhưng quan trọng hơn là nó còn làm “ướt” nhiều thứ khác và hầu như không bao giờ “khô” được. Vết thương thể lý sẽ khỏi, chẳng chóng thì chày, nhưng vết thương tâm lý lại rất khó lành – đôi khi có thể trở thành mãn tính!
Bà Agatha Christie (1890-1976), nữ tiểu thuyết gia về tội phạm và kịch tác gia người Anh, nhận định:“Bây giờ người ta kinh hãi nhận ra rằng chiến tranh chẳng giải quyết cái gì cả, thắng một cuộc chiến cũng thảm khốc như thua cuộc”. Người Việt cũng nói: “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ”. Chuyện đời lạ lắm, đôi khi người hả hê thắng cuộc lại chính là người thê thảm thua cuộc, người bị coi là thua cuộc lại chính là người thắng cuộc.
Thật vậy, lịch sử cho thấy rõ ràng: Chúa Giêsu bị người ta giết chết thê thảm trên Thập Giá, người đời coi như Ngài bị thua cuộc, nhưng không ngờ Ngại lại dùng chính Thập Giá làm đòn bẩy để tới chiến thắng hiển hách: Phục Sinh vinh quang. Đau khổ không là bất hạnh mà là hạnh phúc: “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt” (Dt 12:6). Và chắc chắn, sau đó sẽ là phần thưởng ngọt ngào khôn tả!
Ông John Abbott (1821-1893), thủ tướng thứ ba của Canada, định nghĩa: “Chiến tranh là khoa học của sự hủy diệt”. Một cách định nghĩa thật thú vị, hay quá! Còn ông Deepak Chopra (sinh 22-10-1947), tác giả và diễn giả người Mỹ, xác định: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là biến đổi ý thức của mình để bạo lực không còn là một lựa chọn trong cuộc sống cá nhân, để hiểu rằng một thế giới hòa bình chỉ có thể có được nếu chúng ta coi nhau như những con người hòa bình, từng cá nhân một”. Bất bạo động, ôn hòa, hiền lành và khiêm nhường, đó là những thứ tạo nên hòa bình. Chúa Giêsu nhắn nhủ: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:29-30).
Thi sĩ Ralph Waldo Emerson (1803-1882), người Mỹ, cho biết: “Những chiến thắng đích thực và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, chứ không phải là chiến thắng của chiến tranh”. Quả thật, không có chiến thắng nào vinh quang bằng chến thắng của Hòa bình và Công lý, vì đó mới chính là Sự Thật hoàn toàn thật. Và người chiến thắng vẻ vang là chiến thắng của những người biết kiến tạo hòa bình vì danh Chúa: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9).
Còn nhiều nơi trên thế giới còn đủ dạng chiến tranh, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, đặc biệt là các Kitô hữu đang bị bách hại bởi những kẻ dã tâm ngông cuồng thuộc ISIS (Islamic State of Iraq and Syria, Nhà nước Hồi giáo). Có những quốc gia đang hưởng hòa bình về phương diện xã hội, nhưng họ chưa thực sự có hòa bình đích thực về tinh thần. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa thương xót và ban hoà bình cho những nơi trên thế giới đang bị tàn phá bởi chiến tranh và bạo lực, nhất là xin cho họ luôn được bình an tâm hồn. Chúng ta cầu nguyện cho họ cũng chính là cầu nguyện cho chính mình vậy:“Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Kinh Hòa Bình, Thánh Phanxicô Assisi).
Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng sinh và giàu lòng thương xót, xin giải thoát chúng con khỏi mọi thứ chiến tranh. Xin giúp chúng con biết đoàn kết cùng nhau tiêu diệt chiến tranh và kiến tạo hòa bình, để chúng con NÊN MỘT (Ga 17:20) như Chúa Cha và Chúa Con, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, để nhờ hiệp nhất như vậy mà chúng con được ở trong chính Thiên Chúa. Xin ban Thần Khí của Chân Lý, Công Lý và Bình An để chúng con trở thành những khí cụ bình an hiệu quả của Ngài mọi nơi và mọi lúc. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU