Chiêm ngắm Chúa trong hoạt động để thấy Chúa trong anh chị em

246

CHIÊM NGẮM CHÚA TRONG HOẠT ĐỘNG ĐỂ THẤY CHÚA TRONG ANH CHỊ EM

Lời Chúa: Lc 4, 38-44

Bài Giảng Tĩnh Tâm Dòng MTG Thủ Đức

Ngày 18 tháng 04 năm 2021

Dẫn Nhập:

Tĩnh tâm tháng Ba vừa qua, chúng ta cùng nhau suy niệm về đề tài: “Gặp gỡ Chúa trong thinh lặng để thấy Chúa trong đời thường”. Tháng Tư này, chúng ta tiếp tục con đường tìm gặp Chúa không chỉ trong thinh lặng nhưng là trong mọi hoạt động sứ vụ tông đồ với đề tài: “Chiêm ngắm Chúa trong hoạt động để thấy Chúa trong anh chị em”. Nói vắn tắt là: “Chiêm ngắm Chúa trong anh chị em qua sứ vụ tông đồ”.

Nhìn chung, con người sống trong xã hội thường nghiêng về những hoạt động: học tập, lao động, công việc, du lịch, mua sắm, ăn uống… Nhờ hoạt động, con người làm cho thế giới ngày càng phát triển hơn, vật chất giàu sang hơn, tiện nghi, hiện đại và tốt đẹp hơn. Cũng nhờ hoạt động con người tạo ra được của cải vật chất phong phú và đa dạng, giúp cho xã hội ngày càng thăng tiến hơn, đời sống nhân loại ngày một vươn cao. Những điều này rất tốt, rất quý!

Bên cạnh những điều tốt đẹp đó, nếu con người không biết tìm ra ý nghĩa đích thực của hoạt động sẽ dễ bị bất an và làm cho chính mình rơi vào sự mệt mỏi, căng thẳng, chán nản cuộc đời. Lắm lúc con người do hoạt động quá mức đã để lại trong tâm hồn sự hụt hẫng, trống rỗng và đã không nhận ra ý nghĩa đích thực với những công việc của mình. Nhưng với một bức tranh có hai mặt như thế, chúng ta có một mẫu gương tuyệt hảo đó chính là hoạt động của Đức Giêsu.

Đức Giêsu hiện diện, Ngài là mẫu gương của hoạt động, mỗi hoạt động của Ngài đều có ý nghĩa và mang lại cho con người hạnh phúc, bình an, tin tưởng, phó thác, được chữa lành, được thứ tha tội lỗi. Đặc biệt ngang qua mọi hoạt động của Ngài, Ngài làm cho con người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).

I. Đức Giêsu Hoạt Động

  1. Những hoạt động:

Qua Kinh Thánh, cho chúng ta biết: Đức Giêsu đã sống ở trần gian khoảng 33 năm; Ngài đã sống ẩn dật cùng Đức Mẹ và Thánh Giuse tại làng quê Nazaret. Khi “Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Ngài trạc 30 tuổi” (x. Lc 3, 23). Trong 3 năm cuối đời, Ngài rong ruổi mọi nơi để loan báo Tin Mừng. Ngài kết thúc cuộc đời bằng cái chết trên Thập giá và Ngài khải hoàn Phục Sinh. Tất cả cuộc đời của Ngài nơi trần thế đó là một cuộc đời hoạt động không ngừng nghỉ, không biết mệt mỏi. Các hoạt động của Đức Giêsu nơi trần thế rất đa dạng, phong phú với tha nhân:

  • Đức Giêsu cầu nguyện (Lc 22, 39-46)
  • Đức Giêsu giảng dạy dân chúng (Lc 4, 42-44)
  • Đức Giêsu chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho dân (Mt 12, 9-14)
  • Đức Giêsu tuyển chọn và huấn luyện các Tông đồ (Mc 3, 13-19)
  • Đức Giêsu tha thứ tội lỗi (Lc 7, 36- 50)
  • Đức Giêsu giảng dạy về tình yêu và lòng thương xót (Lc 15, 1-31)
  • Đức Giêsu cho dân chúng ăn (Ga 6, 1-15)…

Đó là những hoạt động Đức Giêsu đã sống, đã rao giảng và đã làm để tôn vinh Chúa Cha và cứu độ nhân loại. Mọi hoạt động từ đôi tay, khối óc, trái tim của Chúa Giêsu là nói lên Tình Yêu đến cùng dành cho Chúa Cha và cho nhân loại. Tất cả mọi hoạt động của Đức Giêsu được chuyển tải thành con đường cứu độ cho nhân loại.

  1. Một ngày sống:

Khi lần mở lại trang Tin Mừng, thánh sử Luca mời gọi mỗi người chiêm ngắm chân dung hoạt động của Đức Giêsu. Ngài làm việc cả ngày cho tới khi mặt trời đã lặn (x. Lc 4, 38-44).

Ngày mới bắt đầu, Ngài đi ra một nơi hoang vắng cầu nguyện. Rồi Ngài chữa lành cơn sốt cho mẹ vợ ông Phêrô và bà chỗi dậy phục vụ mọi người. Qua đó, nhấn mạnh về sứ mạng Chúa Giêsu phục hồi đời sống phục vụ cho tha nhân. Ban đêm, khi những ngôi sao đầu tiên xuất hiện trên bầu trời, Ngài chữa lành cho nhiều người mắc đủ thứ bệnh hoạn, bị quỷ ám… là những người không có ai để ý đến họ. Họ mong đợi lòng bác ái nơi người qua lại. Hơn nữa, tôn giáo thời bấy giờ xem họ như là kẻ ô uế và loại bỏ họ như thể Thiên Chúa từ chối họ. Chúa Giêsu hiện diện, đón nhận, chữa lành và hội nhập họ vào cộng đoàn để yêu thương: sống với và sống cùng mọi người.

Tuy một ngày sống của Ngài rất bận rộn nhưng Ngài luôn ưu tiên cho việc cầu nguyện: Ngài lui vào nơi hoang vắng để kết hợp với Chúa Cha trong thinh lặng. Nhờ cầu nguyện, Ngài làm cho sứ mạng của Ngài được sống động, hay nói một cách khác Ngài hoạt động và không nghĩ đến thành công, không nghĩ đến kéo người khác về phía mình, cũng không tìm danh vọng, tư lợi nơi hoạt động. Dân chúng đi theo Ngài và không muốn Ngài rời bỏ họ.

Trong giáo huấn của Chúa Giêsu, Ngài còn đi xa hơn: Ngài đồng hóa mình với những người bệnh tật, những người nghèo đói, những kẻ “sa cơ lỡ bước”, những người bị cầm tù. Ngài nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (x. Mt 25, 31-46). Đón tiếp một em nhỏ, cho người thấp kém trong xã hội dù chỉ một ly nước lã, cũng là một việc làm đáng được ân thưởng trên trời. Lý do giản dị là Chúa đã tự đồng hoá mình với những kẻ mọn hèn.

Thật vậy, nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu đầy ắp yêu thương trong mọi công việc phục vụ. Ngài có một tấm lòng bao dung, một trái tim nhân hậu “chạnh lòng thương”. Ngài xem mọi người là quà tặng của Thiên Chúa Cha trao ban cho Ngài. Ngài đụng chạm đến biển khổ của nhân loại. Ngài không mong múc cạn, chỉ mong làm vơi đi và ban cho nó một ý nghĩa. Những ai đến với Ngài đều cảm nhận được sự thân tình như chính Ngài là người thân của họ, họ là gia đình của Ngài. Ngài cùng sống với họ và đồng hành với họ trên muôn nẻo đường. Nơi Ngài họ thực sự cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa một cách nhưng không. Nơi Ngài những khổ đau sẽ được tan biến, những mất mát sẽ được lấp đầy, những buồn sầu sẽ được ủi an. Như thế, mọi hoạt động của Đức Giêsu được biểu lộ trong tình thương với hết mọi người.

II. Thi Hành Sứ Vụ Để Thấy Chúa Trong Anh Chị Em

Là Nữ tu Mến Thánh Giá và là môn đệ theo sát Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh, tôi phải ý thức rằng cuộc đời tôi được thêu dệt bằng sự hy sinh phục vụ tha nhân và kết hợp với việc phụng thờ, tôn vinh Thiên Chúa. Tôi biết mình đang đi trên một con đường mang tên Giêsu. Trên con đường này tôi không đi một mình nhưng có Thiên Chúa Ba Ngôi, Chư Thánh và tha nhân cùng đồng hành. Giả như tôi chỉ biết dõi theo Chúa Giêsu để rồi vô tâm bỏ mặc tha nhân thì tôi quả là ích kỷ, đáng lên án. Ngược lại giả như tôi chỉ chú tâm đến tha nhân mà quên đi sự tồn tại của Thiên Chúa thì chắc chắn tôi sẽ lạc lối, nhưng điều quan trọng là tôi phải bám chặt vào Chúa, vào Thánh Giá của Ngài và kéo tha nhân về với Ngài.

Hơn nữa, tôi còn được mời gọi chiêm ngắm Chúa trong hoạt động cụ thể qua “Đời Sống Tông Đồ” theo sát Ngài để trở nên “Cánh tay hữu hình và trung gian của Đức Kitô”. Khi suy ngẫm “hồn tông đồ” của Nữ tu Mến Thánh Giá tại điều 70 trong Hiến Chương, tôi sẽ hiểu hơn điều mà Chúa khao khát trong tâm hồn, đó là: khi yêu mến Đức Kitô Chịu Đóng Đinh cũng chính là lúc tôi cần ôm trọn những anh chị em đau khổ, bị lãng quên, cô đơn cả về tinh thần lẫn thể xác.

Như thế, nếu tôi trở nên đồng hình đồng dạng với Lời của Tin Mừng: “Ai cho một trong những kẻ bé mọn dù chỉ một ly nước lã, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Người dùng hình ảnh chén nước lã, và một người anh em hèn mọn nhất, để đo lường và cân nhắc thái độ đón tiếp của tôi dành cho người khác. Cho đi một ly sữa hay một chén nước lã là cử chỉ nhỏ bé ai cũng có thể làm được, dù là một đứa trẻ. “Một chén nước lã” đối với Chúa lại là “một chén ân tình”. Điều đó cho thấy, Thiên Chúa không hề bỏ sót một nghĩa cử yêu thương nào của tôi. Dù chỉ là nghĩa cử nhỏ bé, một khi đã được thực thi từ lòng mến thì nó trở nên cao cả. Tôi cũng được mời gọi sống những điều đơn sơ và nhỏ bé này để ngang qua sứ vụ, tôi có thể nhận ra Chúa và trao ban tình thương đến những người nhỏ bé và khổ đau.

Tình thương chính là trọng tâm của đời sống chứng tá, là môn đệ đích thực của Thiên Chúa. Tình thương làm cho thập giá trở nên nhẹ nhàng, vừa sức cho tôi và cho người khác. Tình thương là sức mạnh giúp cho tôi dám mất mạng sống vì Đức Giêsu. Tình thương đã làm cho tôi yêu mến Chúa hơn cha mẹ, con cái, cũng sẽ giúp cho tôi yêu thương phục vụ mọi người cách thiết thực, chân tình. Yêu thương phải là nền tảng của mọi dâng hiến. Bởi vì “nếu tôi đem cả gia tài vốn liếng mà bố thí; và nếu như tôi nộp mình chịu thiêu đốt, nhưng lại không có lòng mến thì cũng hư không vô ích cho tôi” (1Cor 13, 3).

Đời Sống Tông Đồ (Hiến Luật, Chương VII, điều 69) mời gọi người Nữ tu MTG:

“Từ Thập Giá tuôn trào ơn cứu độ và Thần Khí dũng lực thúc đẩy các tông đồ của Đức Kitô ra đi rao giảng sự hoán cải và ơn tha tội cho muôn dân, để biến họ thành môn đệ của Người. Theo quan niệm của Đức Cha Lambert:

  • Người tông đồ tự đồng hóa mình với Đức Kitô để tiếp nối sứ mạng cứu rỗi của Người.
  • Người tông đồ là cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Cứu Thế.
  • Người tông đồ hoạt động giữa lòng Giáo Hội để xây dựng nhiệm thể Đức Kitô ngay trong môi trường văn hóa, xã hội mình đang sống.
  • Người tông đồ theo sát tinh thần Phúc Âm, đến với mọi người trong thái độ kính trọng, hiền hòa, khiêm nhu và rao giảng Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những công việc phục vụ thiết thực, nhất là bằng chính đời sống phù hợp với mầu nhiệm Thập Giá của Đấng mình rao giảng”.

Thiết nghĩ rằng, đã rất nhiều lần chúng ta gặp gỡ những người mang hình ảnh Chúa: một trẻ em lang thang trên đường phố, một người hàng xóm nghèo khổ đang sống cạnh tôi, một người tàn tật trên vỉa hè, những cụ già, những em bé bán vé số, những em khiếm thính khiếm thị… Tôi có vui vẻ, trân trọng đón nhận và nhận ra Chúa hiện diện nơi họ chưa? Tôi có nhận ra một Giêsu đang cần trái tim, khối óc, đôi chân, đôi tay của tôi không? Trong đời sống cộng đoàn tôi cũng thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với những chị em khác biệt nhau về sở thích, tính tình, một ánh mắt lạnh lùng, một sự tổn thương trong lời nói… tôi có đón nhận họ và nhìn thấy Chúa trong họ không, có nhận ra chị em là quà tặng Chúa cho tôi không? Trong sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, Ngài đã không loại trừ ai ra khỏi quỹ đạo yêu thương của Ngài. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ một sứ vụ nào tôi đang trách nhiệm, tôi vẫn được Chúa mời gọi nên giống Chúa qua việc yêu thương tha nhân trong mọi hoạt động của tôi, nhất là những người Chúa gửi đến cho tôi và mời tôi yêu thương họ hết tình. Chúa muốn tôi đón tiếp Chúa qua họ. Để có thể đọc được thông điệp và nhận ra Chúa nơi tha nhân, tôi cần noi gương Chúa, ở lại bên Ngài trong thinh lặng, chìm sâu trong cầu nguyện để lắng nghe thông điệp Ngài gửi đến cho tôi, đó là dịp tốt giúp tôi nhận ra Chúa nơi anh chị em mình.

Thay Lời Kết:

Kính thưa Quý Soeurs, qua kinh nghiệm thiêng liêng trong thinh lặng và trong hoạt động, mỗi người trong chúng ta có cảm thấy rằng: Tình yêu Giêsu nơi những hình hài không nguyên vẹn, không đẹp, không ưa thích dưới nhãn quan của mình lại là một Thiên Chúa ẩn mình. Có một câu chuyện đẹp về thánh Phanxicô Assisi như thế này: “Một hôm vừa ra khỏi Assisi, Phanxicô gặp một người phong cùi, mang thứ bệnh ghê tởm nhất và bị mọi người xa lánh. Khi thấy người cùi đến gần, tiếng chuông leng keng, Phanxicô đã cố chạy nhanh để tránh mặt. Nhưng chính lúc ấy, dường như có một bàn tay nào đó níu bàn chân lại khiến chàng trai phải trực diện với bệnh nhân. Lúc này Phanxicô mới nhận ra sự biến dạng khủng khiếp trên thân thể con người đang chống nạng lê bước tới Phanxicô: môi bị ăn mòn, mũi chỉ còn một lỗ hổng khủng khiếp. Một mùi hôi thối xông lên làm chàng ngạt thở. Tuy khó chịu, nhưng chàng vẫn cảm thấy bị thúc bách tiến về phía người cùi. Khi đến nơi, thấy bàn tay lở loét, Phanxicô muốn quay đi. Nhưng cuối cùng, Phanxicô đã cúi xuống và hôn lên bàn tay ghê tởm ấy, rồi Phanxicô lấy mảnh chiếu quấn lấy người cùi và bế trên tay, lê bước liêu xiêu. Khi đến đầu làng, Phanxicô mở chiếu ra thì trên tay chỉ còn lại mảnh chiếu rách, người cùi đã biến mất. Hai hàng nước mắt chảy, hai đầu gối quỵ sụp xuống, Phanxicô biết là người cùi ấy chính là Đức Giêsu, Ngài đã thử lòng Phanxicô trong bộ dạng rách rưới, bệnh tật và hôi thối đó”. Như thế, bất cứ nơi nào mà người ta tuân giữ điều răn mới Chúa dạy, sống tinh thần yêu thương, phục vụ, thì nơi đó Vương quyền của Đức Kitô được thực hiện, và Nước Chúa trị đến.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết kết hợp với Chúa trong cầu nguyện để kín múc sức mạnh, tình yêu, nguồn trợ lực từ nơi Chúa và biết mang trong mình Hồn Tông Đồ mà Đấng Sáng Lập mời gọi chúng con sống để phục vụ tha nhân. Xin cho chúng con luôn thấy Chúa trong anh chị em mình để cùng với họ chúng con phụng sự Chúa. Và xin cho đôi mắt đức tin chúng con sáng suốt để nhận ra Chúa nơi những người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng con ngang qua sứ vụ mà từng người chúng con đang thi hành. Amen.

Gợi ý suy niệm:

  1. Đâu là niềm vui, hạnh phúc và hy vọng của Chị Em khi thi hành sứ vụ? Đâu là những khó khăn, gian khổ mà Chị Em đang gặp phải trong sứ vụ tông đồ của mình cũng như của Hội Dòng? Để hoạt động tông đồ tốt, Chị Em đã có những kinh nghiệm nào và những điểm nào Chị Em cần phải được định hướng lại cho sứ vụ tông đồ?
  2. Hiến Chương điều 69 và 70 của Hội Dòng nói đến “Thập Giá và Tinh Thần Tông Đồ; Tâm Hồn Tông Đồ Của Người Nữ Tu MTG”. Vậy khi thi hành sứ vụ, Chị Em có dễ dàng để nhận ra Chúa đang hiện diện trong sứ vụ của mình không? Với những anh chị em nghèo đói, khổ đau, bệnh tật… Chị Em có tìm thấy ý nghĩa đời tu của mình nơi những anh chị em như thế không?

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD