Chênh vênh

Có những niềm vui chênh vênh bên bờ vực thẳm buồn đau…

Có một dạo, chuyện những chiếc đồng hồ trong nhà ông là chủ đề cho những kẻ đến thăm xôn xao, bàn tán. Không hiểu chúng hẹn nhau thế nào mà tất cả đều “chết” cùng giờ, cùng phút, cùng giây. Một sự ngẫu nhiên hay một việc làm có chủ đích của một ai đó…Người ta bàn tán chỉ để bàn tán và theo thời gian, truyện những chiếc đồng hồ kỳ lạ rơi vào vùng quên lãng…Cho đến một ngày, những chiếc đồng hồ kia không cái nào bảo cái nào mà đều cùng nhau “tích…tắc…” kể truyện.

Lịch sử đất nước lờ mờ hiện ra qua “lịch sử” đời ông. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, là những cậu ấm cô chiêu thứ thiệt nên đúng ra đời ông đi trên nhung, đạp trên lụa. Thế nhưng, ông bảo : “Nhung lụa chỉ phủ bề mặt thôi, nào ai thấy được ẩn đàng sau cái vẻ mềm mại, êm ấm đó là thứ gì ! ”. Những thăng trầm, sướng khổ đời ông cứ theo những tiếng “ tích…tắc…” đều đều, đưa người nghe sống lại thời cuộc xưa…

Năn nỉ mãi ông mới lấy trong cái tủ gỗ đầy bí ẩn ra một cuốn album và mở cho tôi xem tấm ảnh ngày cưới của ông bà. Ông tiết lộ rằng bà bước vào đời ông nhẹ nhàng như cơn gió thoảng chiều thu, đến độ khi đã có với nhau một mặt con, nay khi đã được làm ông nội, ông chỉ có thể mỉm cười để trả lời cho câu hỏi “Tại sao hai ông bà quen nhau và gắn bó suốt cuộc đời với nhau…?”

Thấy nụ cười móm mém đầy ẩn ý của ông, tôi nhớ lại truyện những chiếc đồng hồ kì lạ. Chà ! Có lẽ nó cũng liên quan đến bà ! Quả thế, chính ông đã làm cho tất cả đồng hồ trong nhà đứng lại ở cái giây phút đáng nhớ nhưng cũng cần quên ấy – giây phút bà trút hơi thở cuối cùng. Một sự kiện đặc biệt cùng hành động đặc biệt khiến tôi không khỏi suy tư.
Những chiếc đồng hồ chết hay chính lòng ông đã chết đi cùng cái chết của bà. Đôi dép mất đi một chiếc nó trở thành lạc lõng, đơn côi. Vẫn đi, vẫn đứng như bao người khác nhưng ai cũng có thể nhận ra dường như ông chẳng còn thuộc về cái thế giới này nữa…Yêu là thế sao ? Nên một với người mình yêu phải chăng là như vậy ? Ông chỉ cười, không lời giải thích. Như thế, phải chăng yêu thương không cần định nghĩa, yêu thương cần minh chứng bằng hành động mà thôi !

“Với thời gian, cái gì cũng có thể”. Với ông, thời gian đã bù đắp cho ông nỗi đau cùng những xúc cảm chưa được gọi tên. Vẫn nhớ, vẫn thương nhưng cách thức nhớ và thương nay khác rồi. Nếu trước kia, cái ngày bà ra đi không lời từ biệt, ông thấy bước chân mình chênh vênh bên bờ vực thẳm thì nay bước chân ấy đã tìm thấy niềm vui, niềm vui đã có ngay bên cạnh những bước chân chênh vênh, chỉ có điều giờ ông mới nhận ra. Tôi đọc được niềm vui ấy nơi ánh mắt của ông khi ông nói : “Ừ, giờ thì bà ấy đang bên cạnh ông nè !”. Những yêu thương ngày nào nay ùa về nguyên vẹn nơi nụ cười hiền hậu của ông.

Bất giác tôi giật mình khi ánh mắt chạm phải câu Lời Chúa được dán ngay cánh cửa tủ : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga15, 13). Thật thế, nhờ cái chết và sự phục sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa, cái chết không còn là hình phạt, là nỗi đau đớn, tiếc nuối nhưng trở thành cửa ngõ đưa con người vào cuộc sống sung mãn.

“Tích…tắc…tích…tắc…”. Những chiếc đồng hồ tiếp tục nhẫn nại kể truyện để người nghe miên man theo đuổi những suy nghĩ riêng của mình.

Nt. Maria Hồng Nhung, MTG Thủ Đức

Exit mobile version