Cháu gặp lại bác trong tiết trời ngày 27 tết. Trời se lạnh và có lun phun mưa xuân. Bước vào sân, cháu chẳng nhận ra bác nữa – đã 3 năm rồi. Tóc bác dài, kẹp lại, râu cũng dài, thân hình bác gầy gò và đen quá. Cháu không hiểu !
Chị là con gái bác. Đã 2 năm trôi qua, chị rời xa bác sau tai nạn ngã lầu. Bác thương chị lắm. Bác quyết tâm để tang chị đến khi mãn tang. Bao kí ức về bác dồn về trong cháu. Bác là một con người … rất khó hiểu.
Bác là dân đạo Thiên Chúa gốc. Làng bác tuy nhỏ, ít dân nhưng sùng đạo. Còn bác, bác không thuộc những người ấy. Bác không đi lễ, chẳng ngó ngàng nhà thờ và bỏ bê các phép bí tích cần thiết. Nhưng bữa cơm nào bác cũng đọc kinh, buổi tối nào bác cũng lần hạt. Trên mọi bức tường, bác đều treo, vẽ “đường sự sống”; chỗ nào cũng thấy sách vở về Lời Chúa do bác viết. Cháu không hiểu !
Vợ và các con mà đi lễ, đi nhà thờ thì bác đánh, bác chửi và phá đồ đạc trong nhà. Nhưng, nhà bác chỉ có ba phòng, thế mà bác dành riêng một phòng trang hoàng lộng lẫy, đặt tượng Chúa chịu nạn. Mỗi lần có ai tới chơi, bác thích lắm. Bác nói cho họ biết, hiểu về “đường sự sống” của bác. Cháu đã được nghe, nhưng không hiểu gì hết. Phải chăng, nó quá triết học ? Cháu không hiểu !
Kinh tế nhà bác có lẽ chỉ đủ ăn. Cháu không biết tại sao bác cứ bắt bác gái làm bánh, nấu chè rồi gọi người ngoài đường vào ăn. Có lúc, bác bắt bác gái mang gạo, mang tiền cho cha xứ, trong khi nhìn bữa cơm nhà bác cũng chỉ đĩa rau muống luộc, chén mắm với vài miếng đậu hũ. Thế là sao ? Cháu không hiểu !
Ai cũng có quê hương, ít nhất là dịp lễ giỗ, dịp tết phải về, nhưng bác gái thì hiếm, bác thì không bao giờ. Nghe nói, mỗi lần bác gái về thăm mẹ, thì đều phải nói dối là đi thăm cha xứ hay đi khám bệnh; nếu chuyện lộ ra, bác gái sẽ bị nhừ đòn từ bác. Bác cứ một mình ở nhà, đi làm, tuyệt nhiên không hàng xóm, không nội cũng chẳng ngoại, tất cả như người dưng vậy. Thế mà, mỗi năm bác bất chấp tất cả để đi hành hương đức Mẹ ở xứ Cao Bằng, quãng đường cũng cả 200 km chứ đâu gần gì. Cháu không hiểu !
Chuyện khó hiểu hơn nữa, bác nhận một người con nuôi. Bác có hai con, một trai, một gái. Sao lại nhận nuôi…? Đùng một cái, bác nói với bác gái rằng, sẽ nhận nuôi một đứa. Chị ấy là một cô sinh viên, học đại học năm 2 ngoài Hà Nội. Mỗi tuần, chị về hai lần. Chính sự xuất hiện này mà bác niềm nở hơn, nhưng bác gái thì thêm buồn và lo lắng. Nhất là, con gái út trở nên lạ thường và muốn bỏ học cấp III để đi làm phụ mẹ. Mặc ai nói gì, hàng xóm và anh em khuyên gì bác vẫn cứ làm thinh, không đổi ý kiến. Bó tay ! Cháu không hiểu ! Không hiểu gì hết !
Thật sự cháu không hiểu nổi bác! Cháu không muốn xét đoán bác. Hôm nay, bước vào nhà bác, cháu thấy rùng mình. Không khí vẫn lạnh lẽo và hiu quạnh như lúc trước. Bác tha lỗi cho cháu nhé. Cháu chỉ chào bác kiểu hình thức cho xong. Cháu vội chuồn vào góc đặt ảnh chị, thắp cho chị nén nhang và gửi chị vài lời nguyện. Cháu thương bác gái, thương anh và thương cả bác nữa. Cháu không thể làm gì hơn để giúp cả gia đình bác. Những tình cảm của cháu dành cho gia đình bác, cháu chỉ biết dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria thôi. Tất cả, cháu chỉ để trong lòng, suy nghĩ và cầu nguyện như Mẹ Maria ngày xưa. Đây có phải là ý Chúa ?
Tết sắp đến, quốn lịch lại sang trang. Cuộc đời con người có thêm một trang mới. Còn bác, liệu có gì đổi thay ? Trên đường về, cháu suy tư về bác nhiều lắm. Cháu chỉ biết phó thác bác cho lòng từ bi và nhân hậu của Chúa. Hy vọng Chúa xuân năm nay sẽ mang đấy ắp nắng ấm sưởi nóng lại tâm hồn con chiên “lạ” của Chúa.
Cháu xin dâng một lời nguyện chân thành để cầu nguyện cho gia đình bác: Lạy chúa, xin ở cùng bác con. Amen.
Cháu chào bác! Chúc bác luôn tìm được một “ con đường sự sống đích thật.”
Thanh Tuyển sinh, MTG Thủ Đức