Chấp nhận ý Chúa khi thất vọng

81

“Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Người. Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.” (Tv 34:1-5)

Trong nhiều loại cảm xúc, thất vọng được liệt kê dưới dáng vẻ của nỗi buồn và sự xấu hổ. Sự thất vọng kéo dài có thể chuyển sang cảm giác mất tinh thần hoặc không hài lòng. Những từ đồng nghĩa này tiết lộ nhiều điều cho tâm hồn đang gặp rắc rối. Trong các chu kỳ tôn giáo, nơi tâm linh tươi sáng được đề cao, sự thất vọng bị che giấu, bị vô hiệu, bị làm ngơ. Tuy nhiên, hầu như mọi Kitô hữu đều trải qua sự thất vọng ở một mức độ nào đó trong cuộc sống.

Cách đây không lâu, con gái lớn của tôi muốn bày tỏ cảm giác thất vọng khi một người họ hàng gần quyết định từ chối chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng trước. Con gái tôi đã hủy chuyến đi theo đúng nghĩa đen một tuần trước khi chuyến bay đến Indiana. Nói Felicity thất vọng sẽ đánh giá thấp cảm xúc của con gái; nó đã bị tàn phá, bị nghiền nát. Theo yêu cầu của con gái, chúng tôi đã tìm cách chia sẻ cảm xúc của nó một cách trung thực và cởi mở. Phản ứng mà con gái tôi nhận được là “Mọi người đều thất vọng trong cuộc sống. Bạn sẽ phải học cách đối phó với nó.”

Đôi khi chúng ta hiểu cùng một thông điệp này khi chúng ta thất vọng về ý Chúa đối với cuộc sống của chúng ta. Có thể chúng ta đã mong đợi một kết quả khác với lời cầu nguyện của mình hoặc được yêu cầu “có thêm đức tin” rằng Thiên Chúa sẽ ban một phép lạ. Khi điều có vẻ trái ngược với phúc lành làm suy sụp niềm tin của chúng ta vào lòng nhân lành của Thiên Chúa, thì thật khó để tiếp tục theo cách tương tự. Chúng ta cảm thấy bị lừa dối và kiệt quệ, xa rời việc cầu nguyện – như thể bí ẩn vĩnh cửu về cách thức và lý do Thiên Chúa chọn hoặc cho phép những hoàn cảnh nào đó tạo ra vực thẳm nghi ngờ trong chúng ta.

Ở đây, Thánh Vịnh gia biết rõ về sự thất vọng. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhảy vượt từ việc thực hiện ước mơ của mình đến một nơi vui mừng và ca ngợi Thiên Chúa. Thay vào đó, đức tin của chúng ta linh hoạt hơn và thường lên xuống khi chúng ta vật lộn với những gì Chúa có thể yêu cầu chúng ta chịu đựng.

Phần đầu của Tv 34 sử dụng cách đặt liền nhau giữa người nghèo và người giàu. Thánh Vịnh gia không viết về sự giàu có hay nghèo khó về vật chất, mà nói đến người nghèo về tinh thần. Điển hình như trong thực tại tâm linh, chúng ta thấy một nghịch lý – người nghèo thực sự là người giàu, trong khi người giàu lại thiếu những gì quan trọng nhất.

Có vẻ như Thánh Vịnh gia muốn chúng ta nhớ rằng, khi thất vọng hoặc nản lòng, chúng ta lớn lên trong ơn phúc của sự nghèo nàn về tinh thần. Chúng ta trở nên trống rỗng về bản thân, và dù đau đớn đến đâu, chúng ta vẫn mở lòng để Thiên Chúa di chuyển tự do hơn trong chúng ta. Trong Thánh Vịnh này, người nghèo là những người đã “tìm kiếm Chúa” và “kêu cầu” với Ngài. Cũng vậy, chúng ta có xu hướng khuỵu gối trong nỗi tuyệt vọng và khóc lóc khi dồn dập có những sự mất mát.

Thật thú vị khi Thánh Vịnh gia muốn bắt đầu bằng việc ca ngợi Thiên Chúa, bởi vì điều đó có vẻ khó khăn hơn khi chúng ta chán nản và cố gắng chấp nhận ý Chúa dành cho chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta hành động trái với cảm xúc của mình và nhớ lại đường lối của Chúa rất rộng lớn, những điều kỳ diệu của sự sáng tạo của Ngài, và những phúc lành trong quá khứ mà chúng ta đã nhận được, điều đó tạo ra lời cầu được xây dựng trên đức tính kiên cường và sau đó có thể chịu đựng được đau khổ lớn hơn.

Ở đây, điều an ủi là Thiên Chúa thấy người đau khổ đang quay về với Ngài. Chúng ta có thể không nhận được câu trả lời mà chúng ta đang tìm kiếm khi cầu nguyện. Chúng ta có thể không có thập giá cụ thể nào bị loại bỏ khỏi cuộc đời mình. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng Thiên Chúa lắng nghe và không quên chúng ta.

Cuối cùng, ai kính sợ Chúa và kiên định thì tìm thấy phần thưởng của mình. Thánh Vịnh gia nhắc nhở chúng ta rằng sự trung thành với Thiên Chúa là nền tảng khi chúng ta gần đến bờ vực thẳm của sự vô vọng và muốn bỏ cầu nguyện. Kính sợ Chúa không phải là khiếp sợ Chúa như bạo chúa nhưng là khiêm nhường và nhận biết rằng những cách thức huyền bí và nghịch lý của Chúa đến từ nơi có tình yêu thương sâu sắc đối với chúng ta.

Giống như bất kỳ cảm xúc nào, sự thất vọng phải được nhận biết và chấp nhận chính điều đó. Chúng ta có thể làm điều này mà không suy sụp, nhưng thay vào đó bằng cách vượt qua những thăng trầm trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Như trong tất cả các mối quan hệ, thử thách và kiểm tra thường tạo ra kết quả tốt đẹp nhất – nếu chúng ta sẵn sàng đi đúng hướng và chịu đựng những gì gian khổ và khó khăn.

JEANNIE EWING

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)