Chân dung Thánh Gioan Tẩy Giả

124

Chân dung Thánh Gioan Tẩy Giả

Chúa Giêsu đề cao những con người hèn mọn khi gọi Thánh Gioan Tẩy Giả là người cao trọng nhất: “Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông” (Lc 7:28).
Thánh Gioan sống khổ hạnh trong hoang địa, bắt đầu rao giảng Nước Trời và kêu gọi mọi người canh tân đời sống. Ngài là người dọn đường cho Chúa Giêsu đến. Ngài nói rằng Phép Rửa của ngài bằng Nước là để ăn năn sám hối, nhưng Đấng đến sau ngài sẽ làm Phép Rửa bằng Lửa và Thánh Thần. Ngài tự nhận mình không đáng cởi quai dép cho Đấng đó. Thái độ của ngài đối với Chúa Giêsu: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3:30).
Thánh Gioan đã thu hút vô số người đến bờ sông Giođan, nhưng ngài luôn làm theo ý Chúa Giêsu, ngay cả việc sai một số những người theo Chúa trở thành các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu.
Khi ở trong tù, ngài đã sai một số môn đệ của ngài đến hỏi xem Chúa Giêsu có phải là Đấng Thiên Sai hay không. Chúa Giêsu trả lời rằng Đấng Thiên Sai là Người Tôi Tớ Đau Khổ trong sách tiên tri Isaia. Và rồi chính Thánh Gioan cũng đã thông phần đau khổ là chịu chém đầu vì nữ tỳ Hêrôđia.
Thánh Gioan là người giảng lưu động và là VIP (Very Important Person – nhân vật quan trọng) được nói tới trong các Phúc Âm và kinh Koran (Qur’an). Phúc Âm theo Thánh Luca diễn tả ngài có họ hàng với Chúa Giêsu và đã làm Phép Rửa cho Ngài tại sông Giođan. Thánh Gioan được coi là Ngôn sứ (Tiên tri) trong Kitô giáo, Hồi giáo, Bahai giáo (Bahá’í Faith, tôn giáo độc thần – monotheistic religion), nhấn mạnh sự kết hợp tâm linh của nhân loại trong Bahá’í và Mandaeism (thuyết nhân tính và thần tính, giáo phái Men-đê ở Irắc).
Thánh Gioan Tẩy Giả sống khiêm nhường, chỉ nhận mình là “tiếng kêu trong hoang địa” (Mt 3:3), đồng thời ngài cũng rất “bụi đời” trong cuộc sống hàng ngày, quần áo “te tua”, ăn uống đạm bạc, đúng là một lãng tử chính hiệu: “Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3:4).
Nhưng ngài cũng rất thẳng thắn, trái tai gai mắt là “phang” liền. Chẳng hạn, khi thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ngài nói thẳng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham’. Tôi nói cho các anh hay: Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham đấy nhá” (Mt 3:7-9). Vừa độc đáo vừa đáo để. Mà cũng phải thế mới được!
Theo Tân ước, Thánh Gioan biết trước Đấng Thiên Sai sẽ cao trọng hơn mình, và Chúa Giêsu đã xuất hiện đúng như Thánh Gioan tiên báo. Thánh Gioan là sứ giả hoặc người tiên phong của Chúa Giêsu, một vai trò quan trọng được Thiên Chúa trao. Thánh Gioan còn được đồng hóa với Ngôn sứ Êlia. Thời sơ khai, một số người theo Chúa Giêsu cũng đã từng là môn đệ của Thánh Gioan. Thậm chí một số học giả còn cho rằng chính Chúa Giêsu cũng là môn đệ của Thánh Gioan một thời gian, nhưng điều này bị bác bỏ.
Tân ước nói về Thánh Gioan trong cương vị sứ giả: “Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1:17), và trong cương vị người tiên phong: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1:76).
Có vài đoạn trong Cựu ước được các Kitô hữu hiểu Thánh Gioan Tẩy Giả trong vai trò Ngôn sứ. Chẳng hạn trong sách Malakhi nói về một Tiên tri dọn đường cho Chúa Giêsu:“Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến” (Mlk 3:1). Hoặc: “Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt” (Mlk 3:23-24).
Trong trình thuật Ga 1:29-30, Thánh sử Gioan cho biết: Khi người Do-thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?”. Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Kitô”. Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không?”. Ông nói: “Không phải”. Họ lại hỏi: “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?”. Ông đáp: “Không”. Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?”. Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói”.
Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?”. Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa. Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”.
Trước đó, khi nghe đồn về Chúa Giêsu, các môn đệ báo cho Thánh Gioan Tẩy Giả biết tất cả những việc ấy. Thế rồi chính ngài cũng ngạc nhiên nên liền sai hai đệ tử đến hỏi Chúa:“Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7:18-19). Họ đến gặp Đức Giêsu và nói: “Ông Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy có thật là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7:20). Lúc ấy, Chúa Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và làm cho nhiều người mù được thấy. Chắc hẳn Ngài cũng lắc đầu và cười, nhưng Ngài không nói thẳng mà chỉ nói:“Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Lc 7:22).
Cả bốn Phúc Âm đều nói về việc Thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng và làm Phép Rửa tại sông Giođan. Thánh Gioan Tẩy Giả nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Phép Rửa đánh dấu khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu. Phúc Âm theo Thánh sử Máccô, Matthêu và Luca (rõ nhất) thuật lại rằng Chúa Giêsu đến từ Galilê đến với Thánh Gioan ở Giuđê và được Thánh Gioan làm Phép Rửa, có Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu và có tiếng nói từ trời nói Ngài là Con Thiên Chúa. Phúc Âm theo Thánh sử Gioan không trực tiếp cho biết về Phép Rửa, nhưng sau đó mới được mô tả (x. Ga 1:32-33). Và Thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu với các môn đệ của ngài rằng Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1:29-36).
Khi Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực từ chối vì ông đã biết Đấng Thiên Sai là ai: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3:14). Nhưng Chúa Giêsu nói: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3:15).
Chính Chúa Giêsu đã gọi Thánh Gioan Tẩy Giả là “ngọn đèn cháy sáng và muốn vui hưởng ánh sáng ấy trong một thời gian” (Ga 5:35). Sách Công vụ phác họa các môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả là những người theo Chúa Giêsu (x. Cv 18:24–19:6), về trường hợp của Thánh Anrê, anh của Thánh Phêrô, là người đầu tiên được gặp Chúa Giêsu (x. Ga 1:35-42).
Về cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả, vua Hêrôđê đã bỏ tù và xử trảm ngài vì “tội” ngăn cản cuộc hôn nhân loạn luân của vua. Chuyện là Thánh Gioan Tẩy Giả phản đối vua hêrôđê kết hôn với nàng Hêrôđia (vợ của Philip, anh của Hêrôđê, và cũng là cháu của Hêrôđê), tức là vi phạm luật Cựu ước. Sau đó, con gái của Hêrôđia là Salome (vừa là cháu nội của Hêrôđê, vừa là con gái riêng) múa cho Hêrôđê xem. Hêrôđê khoái chí nên hứa thưởng cho bất cứ thứ gì, dù là nửa đất nước. Bó tay! Biết vua mê mẩn mình nên Hêrôđia nói với con gái cố xin cho được cái thủ cấp của Thánh Gioan Tẩy Giả. Hêrôđê buồn lắm, nhưng lỡ hứa rồi, thôi cũng đành cho chém đầu Gioan và đặt lên dĩa làm “quà” cho mẹ con “Tấm Cám” ác độc kia (Mc 6:14-29).
Năm 2010, người ta phát hiện các khúc xương tại một nhà thờ ở Bulgaria. Người ta xét nghiệm DNA và radio carbon thì thấy đó là xương của một đàn ông ở Trung Đông, sống hồi thế kỷ I. Các khoa học gia nói rằng hài cốt này rất có thể là xương của Thánh Gioan Tẩy Giả. Hài cốt này gồm 6 xương: một xương lóng tay phải, một răng, một phần xương sọ, một xương sườn, một xương trụ, và một xương cánh tay.
Về sinh nhật của Thánh Gioan tẩy Giả, cha mẹ ngài là ông Dacaria (tư tế Do Thái) và bà Êlidabet. Hai ông bà không có con cái và đã luống tuổi, ngoài tuổi sinh sản. Đến phiên trực của ông Dacaria trong Đền thờ Giêrusalem, và đến giờ ông dâng hương. Tại bàn thờ ở Nơi Thánh, Tổng lãnh Thiên thần Gabriel đã hiện ra với ông và thông báo rằng vợ chồng ông sẽ sinh con trai, tên nam nhi đó sẽ là Gioan. Ông không tin sứ điệp của Sứ thần Gabriel là sự thật, thế nên ông bị câm cho tới khi Thánh nhi Gioan ra đời (Lc 1:5-25). Lúc đó, mọi người trong gia tộc muốn đặt tên cho con trẻ theo tên cha, nhưng ông Dacaria xin tấm bảng và ghi: “Tên cháu là Gioan” (Lc 1:63). Ai cũng thấy lạ. Rồi ông nói được như trước. Mọi người càng kinh ngạc hơn!
Ông Dacaria liền dâng lời chúc tụng Thiên Chúa bằng Bài ca Chúc tụng (Benedictus), nói về thiên chức tiên tri, sứ giả và tiên phong của con trẻ Gioan (Lc 1:67-79).
Thánh Gioan sinh trước Chúa Giêsu khoảng 6 tháng, nên lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả vào ngày 24-6, trước lễ Giáng sinh đúng 6 tháng. Thánh Gioan Tẩy Giả là một trong số ít các thánh được Giáo hội mừng sinh nhật, không chỉ vậy, ngài còn được Giáo hội nhớ giỗ vào ngày 29-8 hàng năm.
Lạy Thánh Gioan Tẩy Giả, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, 24-6-2013