Cây Mai Trụi Lá

104

 WGPSG — Những cơn gió của mùa Đông hình như còn luyến tiếc không gian. Chúng vẫn lẩn khuất đâu đây, thỉnh thoảng ùa ra, tỏa hơi lạnh buốt làm cho cây cỏ rùng mình, khép nép. Tất nhiên, không gì cản được bước chân đi của mùa Xuân, những bước chân reo vui của Năm Mới. Gió lạnh cũng đành nhường bước cho những dải lụa vàng ấm áp buông tỏa khắp nơi.

“Xuân về rũ áo ưu phiền.

Chào nhau phúc hạnh giữa miền phúc ân” (Hoa Văn).

Sáng Mồng Một Tết, khởi đầu ngày linh thiêng nhất trong năm mới, ngắm những cánh hoa Mai vừa nở. Một vẻ đẹp dịu dàng và tươi mát làm căn phòng khách ấm áp, sáng lên nét trẻ trung. Bầu trời mùa Xuân trong vắt. Khí hậu mùa Xuân thơm lành. Cỏ cây mùa Xuân tươi thắm. Hoa mùa Xuân nở rộ khắp nơi, trong vườn nhà, ngoài công viên, trên đồi cao, bên vệ đường. Ở đâu cũng có những bông hoa tươi thắm và khí trời đẫm ngát hương thơm.

Xuân về Tết đến, hoa được bày bán khắp nơi. Hoa đủ loại đủ màu đủ kiểu cách. Hoa muôn màu muôn vẻ. Nhà nhà mua hoa về thưởng lãm hương vị Tết. Những chậu hoa, những cành hoa được nâng niu, trưng bày trong trong nhà thờ, trong gia đình, trên bàn thờ tổ tiên. Trong muôn loại hoa, Mai nổi bật với sắc vàng tươi thắm. Màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng. Với người Việt Nam, màu vàng còn tượng trưng cho Vua. Màu vàng thuộc hành Thổ trong ngũ hành.

Từ ngàn xưa, người Việt đã xếp Mai vào loại hoa quý nhất trong các loài hoa. Hoa Mai đem đến nhiều may mắn. Hoa Mai nở rộ vào dịp Xuân về Tết đến. Đặc biệt, hoa Mai nở đúng vào ngày người chủ đã ước định, khi khéo canh ngày tỉa lá trước thời gian, biết chăm sóc cho hoa nở đúng hạn kỳ. Mai là loài hoa có sức chịu dẻo dai, qua thời tiết băng giá mùa Đông rồi bừng dậy trổ nụ đâm bông và nở hoa rực rỡ khi mùa Xuân tiết trời ấm áp đang về. Hoa Mai có năm cánh kết thành vòng tròn là biểu tượng ánh thái dương lan tỏa của tiết trời nắng ấm toả xuống chan hoà cho trái đất hồi sinh, cho nhân gian được vui tươi. Buổi sáng ngày đầu Xuân, Mai nở tươi đẹp đưa ta vào ngày mới hạnh phúc. Với các đặc tính như thế, nó xứng đáng được gọi là hoa Mai. Gia đình nào cũng muốn có cây Mai trưng nhà trong ba ngày Tết như cầu mong sự may mắn hạnh phúc cho cả nhà suốt một năm mới.

Trong nhiều bức tranh cổ xưa, có tranh Tứ Bình vẽ bốn loại hoa quý là Mai, Lan, Cúc, Trúc. Bức tranh Tứ Thời cũng vẽ bốn loại hoa cảnh nổi tiếng nữa là Tùng, Cúc, Trúc, Mai hay Lan, Sen, Cúc, Mai.

Hoa Mai thường chỉ có năm cánh. Ngày nay, theo phương pháp lai giống chiết cành, người ta tạo ra được rất nhiều loại giống Mai mới. Có loại hoa Mai nở tới mười cánh. Cây Mai có nhiều cành mềm mại duyên dáng. Cánh hoa màu sắc thắm tươi, mỏng manh cho đến khi lìa cành mà sắc màu vẫn không thay đổi.

Hoa Mai là đề tài tạo hứng cho các tâm hồn văn nhân thi sĩ, họa sĩ, nghệ nhân, sáng tạo những tác phẩm để đời.

1. Cây mai biểu tượng cho kẻ sĩ

Hoa Mai là biểu tượng cho người có chí anh hùng, cho đấng trượng phu. Vì Mai chịu đựng được các thời tiết đổi thay dù ấm áp hay giá buốt. Xuân về Tết đến, Mai luôn nở hoa chào đón mùa Xuân. Bởi đó, Mai hấp dẫn lôi cuốn nhiều người. Mai là hiện thân của kẻ sĩ, của đấng trượng phu, có sức chịu đựng thử thách dâu biển của cuộc đời, coi thường danh lợi.

Các bàn tay nghệ nhân uốn sửa cây Mai thành các “thế”, “chi” mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Có khi là dấu ấn về tín ngưỡng, tôn giáo, đạo đức, triết lý sống của người quân tử theo văn hóa Trung Hoa và Việt Nam… Các nghệ nhân cây cảnh dựa vào dáng tự nhiên sẵn có của từng cây Mai mà tạo ra những dáng cây phù hợp. Chẳng hạn từ cây Mai có dáng tự nhiên sẵn có là “trực” hoặc dáng “hoành”… được uốn sửa theo đúng dáng thế mà họ thấy là phù hợp và dễ dàng nhất.

Các đề tài được khai thác ở cây Mai đều nhằm vào việc đề cao các triết lý về Tam giáo là Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo. Có khi là các đề tài xoay quanh cây Mai thế về các lĩnh vực đạo đức, quan niệm sống cũng như ước vọng của gia chủ… Thông thường những đề tài được khai thác nhiều nhất từ việc uốn, ghép cây Mai cảnh và các loại cây cảnh bonsai khác theo một chuẩn mực được định sẵn…

a. Dáng “Tam cương ngũ thường”

Tam cương còn gọi là tam càn, có nghĩa là ba giềng mối lớn của đạo làm người của thuyết Nho giáo gồm: quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu thê (vợ chồng). Còn ngũ thường là năm đạo làm người thời xưa gồm: Nhân (biết thương người), lễ (những nghi lễ trong giao tiếp), nghĩa (theo việc đúng đắn mà làm), trí (sự thông minh, khôn ngoan) và tín (giữ lời hứa, không gian dối). Người nào hội đủ được cả “Tam cương ngũ thường” là người mẫu mực, đáng trọng vọng trong xã hội. Cây cảnh được uốn theo dáng “Tam cương ngũ thường” chính là mong muốn của người chơi Mai vậy.

b. Dáng Tam tài “Thiên, Địa, Nhân”

Chủ đề cây bonsai hướng đến ba ngôi thứ là Trời, Đất, Người. Trong ba ngôi thứ đó thì người thể hiện ở chính giữa, làm chủ muôn loài…

c. Dáng thế “Tam tòng tứ đức”

Do câu “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Đó là tam tòng (con gái chưa xuất giá ở chung với cha mẹ, và vâng lời cha mẹ; khi lấy chồng thì phải theo chồng, và nghe lời chồng; nếu chồng chết thì ở vậy nuôi dạy con). Còn tứ đức là công, dung, ngôn, hạnh (giỏi việc bếp núc và may vá thêu thùa chính là quan niệm xưa về công; giữ gìn nhan sắc luôn tươi đẹp là dung; rèn luyện lời ăn tiếng nói mềm mỏng, lễ phép là ngôn; có nết na, đạo hạnh, đoan chính là hạnh). Câu này cũng được hiểu là “hiếu – để – trung – tín”… Cây Mai uốn thế “Tam tòng tứ đức” chính là vậy.

d. Dáng “Nhất trụ kình thiên”

Dáng cây hàm ý nói đến chí khí bất khuất của người anh hùng, đầu đội trời, chân đạp đất, hiên ngang đứng giữa trời đất, không luồn cúi, nịnh bợ ai, gặp việc phải, đúng là làm, dù biết hiểm nguy đang chờ đợi mình ở phía trước…

e. Dáng Tam đa “Phúc – Lộc – Thọ”

Nói lên ước vọng của người chủ cây Mai là mong gia đình, thân quyến luôn có được ba điều: đa Phúc là gặp nhiều việc tốt lành; đa Lộc là nhiều bổng lộc, giàu có; đa Thọ là mong muốn được sống đến trăm tuổi, sống thọ vĩnh hằng trên đời…

f. Dáng “Phụ tử và Mẫu tử”

Chủ đề cây cảnh hướng theo tình cảm cha con, mẹ con, nhằm đề cao bổn phận thiêng liêng và tình yêu cao cả, rộng lớn của cha mẹ dành cho con cái…

g. Những điều cấm ky khi tạo dáng cây cảnh bonsai

Đề tài cây cảnh bonsai rất rộng, kể cả chủ đề xưa và nay, những nghệ nhân hoa kiểng ngày xưa khi sáng tác cũng gặp những lệ luật rất khắt khe chi phối từ nhiều phía như: chính trị, tôn giáo, mỹ tục… nghĩa là cũng bị gò bó theo khuôn phép của nề nếp xã hội (chống Trời…), không được phạm thượng (tàn nhánh không nhiều, cây lùn vừa phải…). Chẳng hạn khi tạo dáng, thế cho cây, nghệ nhân không được cưa ngọn cây và cũng không dùng cây đã bị cụt ngọn. Không được cưa thân cây kiểng, dù là để tạo thân mới cho cây bằng cành nhánh sắp mọc của chính cây đó.

2. Cách tạo dáng thế

Thông thường muốn tạo “thế” đẹp cho cây Mai cảnh trước hết phải dựa theo dáng sẵn có của từng cây (cây M) để từ đó nghĩ cách tạo ra các “thế” phù hợp cho cây. Tất nhiên là phải quan sát từng phần để có cách uốn sửa.

a. Bộ rễ Mai cảnh

Bộ rễ của cây Mai gồm có một rễ cái khá dài, nhờ đó mà cắm sâu xuống đất để hút được nhiều chất bổ dưỡng nuôi thân, lá; đồng thời, cũng giữ được thế đứng vững chắc cho cây trước phong ba bão táp. Mọc ra từ rễ cái là vô số rễ con, tất cả bộ rễ đó đều chôn vùi trong đất chậu. Thế nhưng, với kiểng cổ, qua tài nghề của nghệ nhân, bộ rễ vẫn góp phần làm đẹp cho cây Mai cảnh. Người ta tạo ra nét già nua hoặc tùy trường hợp mà có những hình tượng lạ khác từ bộ rễ.

Muốn được vậy, phải có sự kỳ công và mất nhiều thời gian. Trước hết, ta phải nắm vững hình dạng bộ rễ của từng cây Mai, nhân cơ hội sang chậu; thay đất mới cho cây hằng năm. Chỉ những nhánh rễ phụ nằm gần tầng đất trên mặt mới được sử dụng vào việc tôn nét thẩm mỹ cho cây.

Chẳng hạn: chùm rễ phụ của cây Mai được người ta đưa trồi lên khỏi mặt đất, bố trí cho nằm về các hướng khác nhau với thế uốn éo ngoằn ngoèo như những con rắn, vừa tạo được sự già nua cho cây lại vừa tạo được ấn tượng đối với người thưởng thức. Nếu gặp được gốc Mai già đã có sẵn hình muông thú thì chọn ra những rễ con (cũng nằm ở tầng mặt) to khỏe xếp vào vị trí phù hợp để tạo chân thú sau này…

Sửa một bộ rễ cho định hình, nhiều khi phải chờ đến ba bốn năm, thậm chí lâu hơn mới thành công.

b. Gốc cây Mai cảnh

Gốc của những cây Mai già có khi suôn đuột, nhưng cũng có những hình thù khác lạ. Tùy theo hình thù của cây Mai già mà kết hợp với việc uốn sửa các rễ con để tạo nên những hình tượng độc đáo như “hổ phục”, “phượng vũ”… Nếu là gốc thuộc dạng suôn đuột thì lão hóa thành những u nần, hốc lõm, hoặc đôi chỗ vỏ bị trầy xước, mốc meo… giống như lớp da nhăn nheo của người già…

c. Thân cây Mai cảnh

Thân cây Mai thường được chọn ở bên dưới to, trên nhỏ mới phù hợp. Theo luật xưa, phải dùng thân chủ, dù có cao cũng không được cưa cụt để tạo thân mới từ cành non của nó. Phải uốn thân từ lúc cây còn non vì lõi gỗ còn mềm dẻo dễ uốn. Mai vốn là cây mềm mại, ẻo lả nên thân cây không nên để suôn đuột, cũng không nên uốn sửa đến độ cong queo uốn lượn nhiều khúc như thân con rắn mất độ tự nhiên. Với cây Mai nhiều năm tuổi (hoặc cây được lão hóa) cần phải có lớp vỏ sù sì, nhăn nheo, rồi những hốc lồi lõm mới gây được sự chú ý của người xem.

d. Nghệ thuật bố trí cành Mai

Với Mai cổ điển, cành còn được hiểu là tầng, là tay (chi). Theo luật uốn sửa cây kiểng ngày xưa thì số cành trên cây phải là số lẻ: 3 – 5 – 7… Nhưng kiểng xưa hầu hết người ta chỉ chọn từ 3 hoặc 5 cành trên mỗi cây. Các cành đều được phân bố hợp lý. Cành dưới gốc (phủ địa) phải đủ cao (bằng 1/3 chiều cao của thân cây), các cành phía trên được uốn sửa cho phân bố với khoảng cách tạo được độ thông thoáng.

Vị trí của cành thường có nhiều dạng như: chiết chi nhị diện (hai cành mọc đối xứng với nhau), chiết chi tứ diện (bốn cành mọc theo bốn hướng khác nhau theo hình xoắn ốc). Trong việc uốn sửa cành, nhiều trường hợp cành không nằm đúng vị trí mong muốn, ta phải dùng cách uốn “tế than” (tế: che lấp), tức uốn cành vòng qua thân cây để chuyển về hướng khác.

e. Sửa tán lá cho cây

Cây Mai có tán lá xanh tươi, bóng mướt mới được đánh giá là đẹp. Thế nhưng, tán lá không được đè lên nhau, che khuất nhau tạo sự rậm rạp làm lu mờ đường nét đặc thù của cây.

Người xưa không am tường đến kỹ thuật ghép, giâm cành, chiết cành như cách nhân giống, lai giống “Mai giảo” của chúng ta ngày nay. Đã thế, họ cũng không có những dụng cụ chuyên dùng để trợ lực cho việc uốn sửa này như các loại kềm kéo để cắt rễ, cắt cành, như kẹp chuyên dụng để uốn cành và thân cứng, như dây kẽm, dây nhôm để uốn cành… Thế nhưng, họ cũng có phương pháp riêng và tận dụng những dụng cụ sẵn có như cây, ván, dây thừng qua các cách treo, neo, nêm chống chỏi. (theo “Tản mạn về dáng Mai xuân”, từ web: baomoi.com).

Ngày nay, người mua thường quan tâm đến những cành Mai có dáng đẹp như: cò bay, ốc lượn tròn, chân quỳ… khách hàng còn chú trọng đến gốc Mai to, da sần sùi, tán rộng, rêu phong…

3. Hoa Mai biểu tượng cho cái đẹp thanh nhã

Hoa Mai cũng được các văn nhân thi sĩ dùng làm cảm hứng để diễn tả nét đài trang, thanh nhã của những người phụ nữ đẹp qua các thời đại tân cổ. Cụ Tiên Điền Nguyễn Du tả về sắc đẹp của hai chị em Thúy Kiều và Thuý Vân:

“Mai cốt cách, tuyết tinh thần.

Một người một vẻ, mười phân vẹn mười”.

Một nhành Mai, một chậu Mai nở rộ tươi thắm, làm tươi đẹp không gian gia đình. Mai tượng trưng cho sự cao thượng và giàu sang. Mai biểu tượng cho cái đẹp thanh cao, sự thịnh vượng, khởi đầu một năm mới.

4. Cây Mai biểu tượng cho hành trình “đau khổ” đến “vinh quang”

Có một cây Mai xanh tươi cành lá. Ngày tháng dần trôi qua. Rễ Mai len lỏi trong đất hút nhựa chuyển trao cho từng cành, từng lá nuôi sống bổ dưỡng. Càng ngày Mai càng lớn nhanh xanh tốt.

Cây Mai luôn nghĩ là mình sẽ mãi mãi xanh tươi tốt đẹp với đất trời, với những cây cối chung quanh, dù năm tháng, dù từng mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông tiếp nối trôi qua.

Bỗng nhiên, một hôm có mấy người đến nhẫn tâm vặt trụi lá xanh trên cành. Cây Mai đau đớn ứa máu khóc than. Dù mai có gào la, có rên rỉ nhưng người ta vẫn cứ vặt trụi hết lá xanh trên cây. Giờ đây, Mai chỉ còn trơ trụi gốc cành như một cây khô. Mai buồn và khóc cho số phận hẩm hiu của mình.

Một tháng sau, chị mùa Xuân ấm áp tươi trẻ, đến thay chỗ cho bà già mùa Đông lạnh giá hay cau có. Cây Mai khẳng khiu giờ bừng dậy sức sống mới với những lá non tươi mơn mởn, với những chồi nụ xinh xinh với những hoa vàng rực rỡ khoe sắc thắm. Mọi người, mọi vật, mọi cây cối chung quanh nhìn ngắm mai nõn nà lá non, hoa vàng và hết lời trầm trồ khen ngợi.

Cây Mai bây giờ mới cảm thấy dâng đầy hãnh diện và tràn trề hạnh phúc. Cây Mai cảm nhận được hành trình “phải qua đau khổ mới đạt đến vinh quang!”, phải chịu đau đớn khi trụi lá mới có được những bông hoa tuyệt vời, góp phần cho mùa Xuân đẹp hơn, lung linh hơn, ấm áp hơn, hạnh phúc hơn.

Cây Mai trụi lá để mang đến cho đời những bông hoa tươi đẹp. Một triết lý nhân sinh giản đơn mà sâu xa. Bên trong cành mai mùa Đông, sức sống mãnh liệt của mùa Xuân vẫn tiềm ẩn. Bên dưới lớp đất chỗ gốc Mai mọc lên, nguồn mạch sự sống vẫn tràn đầy, sung mãn. Mạch nước ngọt ngào bổ dưỡng luân chuyển qua đây. Rễ cội Mai hút chất bổ duỡng biến thành dòng nhựa dự trữ trong thân và lưu dẫn tới các cành trao tặng sức sống. Trong sức sống ấy, những chồi non, những lá mướt, những nụ, những hoa tiềm ẩn, chờ tới một ngày vũ trụ định trước, làm nẻ lớp vỏ cây khô, vươn ra chào đón nắng vàng gió mát. Ngày ấy là mùa Xuân. Cây Mai kia chỉ là một hình ảnh. Vũ trụ còn bao nhiêu bí mật kì diệu và đáng yêu khác. Những bí mật ấy, hầu như được tỏ lộ rất nhiều trong mùa Xuân. Sự luân chuyển của bốn mùa là một bí mật kì diệu. Đời người trải qua biết bao nhiêu mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông nhưng rất ít khi người ta suy nghĩ về nó. Những điều kì diệu, những phép lạ của cuộc đời xảy ra quá nhiều khiến cho người ta không còn cho đó là kì diệu, lạ lùng nữa, nó đã trở thành một chuyện tự nhiên. Thật ra không phải tự nhiên mà có mùa Xuân, cũng như không phải tự nhiên mà có những mùa khác trong năm. Sự vận hành kì diệu của trái đất, mặt trời và thái dương hệ theo chu kì kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu, nhiệt độ, khung cảnh không gian, điều kiện dinh dưỡng và phát triển vạn vật… mới tạo nên các mùa trong năm. Sự luân chuyển bốn mùa trong năm khiến cho mùa Xuân theo đúng chu kì mới trở lại.

Đời người cũng có mùa Xuân. Tuổi trẻ với niềm vui tươi thắm, sức sống dạt dào, khối óc và trái tim mở ra với muôn tình ý cao đẹp. Đó chính là mùa Xuân của cuộc đời.

Để giữ mãi mùa Xuân cuộc đời cần hướng lòng về Thiên Chúa. Ngài tạo dựng mùa Xuân đất trời cũng như mùa Xuân cuộc đời. Ngài làm cho tuổi thanh xuân con người hân hoan. Ngài cũng chính là mùa Xuân miên viễn. Hướng lòng về Ngài để nhận ánh sáng ấm áp, giữ cho mùa Xuân cuộc đời nở tươi mãi mãi.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An