CÂY CAO DỄ GÃY
Sau một trận bão, người ta thường thấy những câu cao bị đổ gãy, trái lại những cây nhỏ và thấp, thì vẫn đứng trơ trơ. Sau cuộc chính biến, những kẻ quyền cao chức trọng bị lật đổ, bị mất chức, bị tù tội còn những kẻ thấp cổ bé miệng thì trước sau vẫn vậy.
Tuy nhiên, trong bất kỳ xã hội, bất kỳ tổ chức nào cũng thế, người ta vẫn tranh nhau những chức vụ cao để hưởng nếu không phải là lợi lộc, thì ít ra cũng là danh vọng. Mâm cao cỗ đầy. Chức càng lớn thì bổng lộc càng nhiều, đi tới đâu cũng được trọng vọng. Ngày xưa thì võng cáng, lọng che còn ngày nay thì mô tô hộ tống, cảnh sát còi hụ dẹp đường, lính tráng dàn chào. Cái thói ham danh vọng này không tha cả những người lãnh đạo tôn giáo vì thế các chức sắc đạo Do Thái ngày xưa thích mặc áo thụng, may dài thẻ kinh tới đâu thì cũng chiếm hàng ghế đầu, còn ngồi ở bàn tiệc thì chọn chỗ nhất.
Vì thế Chúa Giêsu không ngần ngại lên tiếng chỉ trích họ, nhân dịp Ngài được mời dự tiệc trong nhà một ông biệt phái. Dĩ nhiên đa số khách mời đều là biệt phái cả. Họ không ưa gì Chúa Giêsu và hôm nay họ được dịp dò xét kỹ để bắt lỗi. Chẳng hạn họ để ý xem Người có rửa tay trước khi ăn hay không? Nhưng họ đâu ngờ rằng chính họ lại đang bị Chúa Giêsu dò xét, bởi vì Ngài thấy ông nào ông nấy cũng đều ham địa vị cao, thích ngồi vào chỗ danh dự nhất trong đam khách được mời.
Bài học của Ngài hôm nay là bài học khiêm nhường, có lẽ đã làm cho họ ăn mất ngon và hẳn nhiều ông đã mất mặt. Chúa Giêsu không chỉ nhận xét về khách dự tiệc mà còn thẳng thắn đưa ra một bài học khác cho chủ nhà, bởi vì ông này mở tiệc đãi khách, thực ra không hpải vì khách mà vì mình. Thực vậy, cái thói mời người có chức quyền, mời người giàu sang để khoe rằng mình quen biết lớn, giao thiệp rộng, rằng bè bạn của mình toàn là những ông to bà lớn. Cái thói này ở mọi nơi, mọi thời đều rất thịnh hành. Ông chủ nhà hôm nay cũng là một trong những kẻ thích khoe khoang. Ông ta mời Chúa Giêsu có lẽ chẳng phải vì mến phục, nhưng chỉ để khoe với bè bạn về tài giao thiệp của mình, bởi vì lúc bấy giờ Chúa Giêsu đã là một nhân vật nổi tiếng.
Thế nhưng được ăn thì cũng phải được nói, nhân dịp này Chúa Giêsu nhắc nhở ông đừng tốn của cho những kẻ vốn đã giàu sang, nhưng hãy nghĩ đến những người nghèo khó, những người đang cần được ăn để sống chứ không sống để ăn như những kẻ giàu sang quyền quý.
Lòng khiêm tốn và nhân hậu chính là nền tảng của đạo đức, nên Ngài mời gọi chúng ta hãy noi gương bắt chước Ngài. Thói thường, thì những kẻ làm lớn thì ăn trên ngồi trốc, thống trị mọi người. Còn Chúa Giêsu thì khác, Ngài không đến để được hầu hạ, nhưng đến để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Ngài đòi hỏi các môn đệ, những kẻ bước theo Ngài cũng phải sống như vậy. Thế nhưng lòng khiêm tốn phải đi đôi với tình bác ái, với tinh thần phục vụ. Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học phục vụ. Chúa Giêsu đã hạ mình xuống để phục vụ, để nâng đỡ gánh nặng của người khác, còn chúng ta thì sao?