Cầu nguyện là nói chuyện với Thiên Chúa

452

Cầu nguyện là nói chuyện với Thiên Chúa

Cầu nguyện là nói chuyện với Thiên Chúa. Nhưng nó không phải là việc ngẫu nhiên, mà cần phải tập cầu nguyện, hầu như để luôn luôn chiếm hữu được trở lại nghệ thuật này. Cả những người rất tấn tới trong đời sống thiêng liêng cũng luôn luôn cảm thấy nhu cầu theo học nơi trường của Chúa Giêsu để tập cầu nguyện đích thực.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định như trên trước hơn 25.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 4-5-2011.

Trong số hàng trăm phái đoàn tham dự cũng có phái đoàn 50 tín hữu Việt Nam do Cha Nguyễn Đức Vượng, dòng Đaminh, Cha sở Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington, Virginia, Hoa Kỳ, hướng dẫn.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã bắt đầu loạt bài giáo lý mới về lời cầu nguyện, là một đề tài mọi người đều lưu tâm, đặc biệt là lời cầu nguyện Kitô, nghĩa là lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu và Giáo Hội tiếp tục dạy dỗ chúng ta. Đức Thánh Cha nói:

Thật thế, chính nơi Chúa Giêsu mà con người có khả năng đến gần Thiên Chúa với sự sâu xa và thân tình của tương quan hiền phụ và con thảo. Như vậy, cùng với các môn đệ tiên khởi chúng ta hãy khiêm tốn tin tưởng hướng tới Thầy và xin Người: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1). Bài học đầu tiên là chính gương sống của Chúa Giêsu. Các Phúc Âm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu liên lỉ đối thoại thân tình với Thiên Chúa Cha: đó là một sự kết hiệp sâu xa của người đã đến trần gian không phải để làm theo ý mình, mà là để làm theo ý Thiên Chúa Cha, Đấng đã gửi Người đến để cứu rỗi nhân loại.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đơn cử một số thí dụ về lời cầu nguyện trong các nền văn hoá cổ xưa để cho thấy con người luôn luôn hướng về Thiên Chúa như thế nào.

Chẳng hạn bên Ai Cập, lời cầu của một người mù xin thần linh cho ông ta được sáng mắt cho thấy lời cầu đơn sơ và thuần tuý là lời xin từ phía người đau khổ. Ông mù cầu nguyện như sau: “Tim tôi ước ao trông thấy Ngài… Ngài đã làm cho tôi thấy tối tăm, xin hãy tạo dựng ánh sáng cho tôi. Ước chi tôi đựơc trông thấy Ngài! Xin hãy ghé mặt yêu thương của Ngài xuống trên tôi” (A. Baruq – F. Daumas, Hymnes et prières de l;Egypte ancienne, Paris 1980, trad. it. in Preghiere dell’umanità, Brescia 1993, tr. 30).

Trong các tôn giáo vùng Medopotamia, tuy trong lời cầu nguyện người ta ý thức được sự nghiêm trọng của lỗi lầm làm tê liệt, nhưng lời cầu cũng không thiếu niềm hy vọng được Thiên Chúa cứu chuộc và giải thoát. Thí dụ lời cầu của một tín hữu như sau: “Ôi Thiên Chúa là Đấng nhân từ cả đối với lỗi lầm trầm trọng nhất, xin xá giải tội lỗi của con… Lạy Chúa, xin hãy nhìn xem tôi tớ kiệt lực của Ngài và thổi làn gió mát nhẹ của Ngài trên nó: đừng chậm trễ tha thứ cho nó… Xin hãy làm vơi nhẹ sự trừng phạt nghiêm minh của Ngài. Xin làm cho con lại thở được và thoát các dây trói; xin hãy bẻ gãy xiềng xích của con, xin hãy cởi các dây trói buộc cho con” (M. J Seux, Hymnes et prières aux Dieux de Babylone et d’Assyrie, Paris 1976, trd.it. in Preghiere dell’umanità, op. cit., tr. 37). Các kiểu diễn tả này cho thấy con người trực giác được một đàng là tội lỗi của mình, đàng khác là lòng lành và sự xót thương của Thiên Chúa.

Bên trong tôn giáo của Hy Lạp cổ, người ta chứng kiến một sự tiến triển rất ý nghĩa: tuy tiếp tục là các lời kêu cứu thần linh trợ giúp trong các tình huống khác nhau của cuộc sống thường ngày, và để được các lợi ích vật chất, các lời cầu từ từ hướng tới các cầu xin vô vị lợi hơn, cho phép con người đào sâu tương quan với Thiên Chúa và trở nên tốt lành hơn. Chẳng hạn đại triết gia Platon ghi lại lời cầu của Socrate thầy mình như sau: “Xin cho con xinh đẹp ở bên trong. Ước chi con coi người khôn ngoan là giàu có và chỉ có số tiền mà người khôn ngoan có thể lấy và đem theo. Con không xin gì khác nữa” (Opere I. Fedro 279c, trd.it. P. Pucci, Bari 1966). Nghĩa là ông muốn được xinh đẹp trong nội tâm và khôn ngoan, chứ không muốn tiền bạc.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ về lời cầu nguyện:

Trong các tuyệt tác của nền văn chương thuộc mọi thời đại có các bi kịch hy lạ. Cả ngày nay nữa, sau 25 thế kỷ, chúng được đọc, suy gẫm và diễn lại, và trong đó có các lời cầu diễn tả ước muốn hiểu biết Thiên Chúa và thờ lạy sự cao cả của Ngài.

Cả nơi người Roma đã xây dựng một đế quốc rộng lớn, trong đó một phần lớn Kitô giáo tiên khởi nảy sinh và phố biến, tuy có trộn lẫn với quan niệm vụ lợi và gắn liền với việc xin thần linh phù trợ cuộc sống của cộng đoàn dân sự, lời cầu nguyện cũng rộng mở cho các lời khấn cầu đáng ca ngợi xin cho lòng đạo đức cá nhân, biến trở thành lời chúc tụng và cảm tạ. Thí dụ như lời cầu của ông Apuleio, một tác giả Phi châu sống vào thế kỷ thứ II sau công nguyên. Trong các bút tích của mình, ông bày tỏ sự không thoả mãn của các người đồng thời đối với tôn giáo cổ truyền, và ước mong có một tương quan đích thực hơn với Thiên Chúa. Trong tuyệt tác tựa đề “Các sự biến hình”, có một tín hữu hướng tới một nữ thần với các lời sau đây: “Ngài thực là thánh, ngài cứu vớt nhân loại trong mọi lúc; trong sự quảng đại của ngài, ngài luôn trợ giúp con người phải chết; ngài cống hiến cho những kẻ bần cùng đang gặp khốn khó lòng yêu mến hiền dịu của một bà mẹ. Không có một ngày, một đêm, một lúc nào, cho dù có ngắn ngủi tới mấy đi nữa, mà ngài lại không đổ tràn đầy trên nó các ân huệ của ngài” (Apuleio di Madaura, Metamorfosi IX,25, trad. it., C. Annaratone, in Preghiere dell’umanità, op, cit., tr. 79).

Trong cùng thời đó, hoàng đế Marco Aurelio, là một triết gia suy tư về điều kiện là người, khẳng định sự cần thiết phải cầu nguyện để thiết lập một sự cộng tác phong phú giữa hoạt động của thần linh và hoạt động của con người. Ông viết trong tác phẩm “Các kỷ niệm”: “Ai đã nói với bạn rằng các thần linh không trợ giúp chúng ta, cả trong điều tuỳ thuộc nơi chúng ta? Vậy hãy bắt đầu cầu khấn các ngài đi, và bạn sẽ thấy” (Dictionnaire de Spiritualité XII/2, col. 2213). Và Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa lời khuyên này của hoàng đế như sau:

Nhiều thế hệ con người trước Chúa Kitô đã thực thi lời khuyên này của hoàng đế triết gia. Nó chứng minh cho thấy rằng cuộc sống con người mà không có lời cầu nguyện, là điều mở cuộc sống chúng ta ra cho mầu nhiệm của Thiên Chúa, thì trở thành vô ý nghĩa và không có điểm quy chiếu. Thật vậy, trong mỗi một lời cầu luôn luôn diễn tả sự thật của bản tính con người, một đàng sống kinh nghiệm sự yếu đuối và bất xứng, và vì thế xin Trời trợ giúp, đàng khác nó lại có được một phẩm giá ngoại thường, bởi vì nó đang chuẩn bị mình đón nhận Mạc Khải của Thiên Chúa, nó khám phá ra mình có khả năng bước vào sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau:

Các bạn thân mến, trong các thí dụ về lời cầu nguyện của nhiều thời đại và nền văn minh này, nổi bật lên ý thức con người có về điều kiện là thụ tạo và sự tuỳ thuộc của nó đối với Một Đấng Khác, cao hơn nó và là suối nguồn của mọi sự thiện. Con người thuộc mọi thời đại cầu nguyện, bởi vì nó không thể làm gì khác hơn là tự hỏi xem đâu là ý nghĩa cuộc sống. Nó tối tăm và không an ủi, nếu không được đặt trong tương quan với mầu nhiệm của Thiên Chúa và chương trình của Ngài đối với thế giới. Cuộc sống con người là một giao thoa giữa thiện và ác, khổ đau vô tội, niềm vui và vẻ đẹp. Nó thúc đẩy chúng ta xin Thiên Chúa ban ánh sáng và sức mạnh nội tâm cứu giúp chúng ta trên trần gian này, và rộng mở chúng ta cho một niềm hy vọng vượt ngoài ranh giới của cái chết.

Trong các thí dụ lời cầu của các nền văn hoá khác nhau, chúng ta có thể thấy một chứng tá của chiều kích tôn giáo và ước muốn Thiên Chúa ghi sâu trong trái tim của mọi người. Chúng nhận được sự thành toàn và diễn tả tràn đầy trong Thánh Kinh Cựu và Tân Ước. Mạc Khải thanh tẩy và đem khát vọng Thiên Chúa của con người nguyên thuỷ tới sự tràn đầy, bằng cách cống hiến cho nó khả năng của một tương quan sâu xa hơn với Thiên chúa Cha trên trời, trong lời cầu nguyện. Chúng ta hãy xin Chúa soi sáng trí tuệ và con tim chúng ta để tương quan của chúng ta với Người trong lời cầu nguyện luôn trọn vẹn, yêu thương và liên lỉ hơn.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Chào các bạn trẻ, các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nói tháng 5 là tháng Kitô hữu kính Đức Mẹ, vừa mới bắt đầu. Ngài xin người trẻ mỗi ngày noi gương và học nơi trường của Mẹ Maria Rất Thánh để biết chu toàn ý muốn của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha xin các anh chị em đau yếu biết chiêm ngưỡng Mẹ và tiếp nhận giá trị cứu rỗi của mọi khổ đau kết hiệp với khổ đau của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Ngài xin Mẹ che chở các cặp vợ chồng mới cưới để bầu khí Thánh Gia Nazareth luôn ngự trị trong gia đình họ.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Nguồn: RV