Tin Giáo hội Giáo huấn Cầu nguyện là hơi thở của đức tin

Cầu nguyện là hơi thở của đức tin

Bài giáo lý về Mầu nhiệm cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sáng thứ tư 06/05/2020 tại thư viện Tông tòa Vatican

Anh chị em thân mến

Hôm nay chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý mới về chủ đề cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở của đức tin, là biểu hiện đặc thù nhất của đức tin. Cầu nguyện giống như tiếng kêu phát ra từ con tim của những người tin và phó thác nơi Thiên Chúa.

Chúng ta hãy nghĩ về câu chuyện của người mù Bartimê, một nhân vật trong Tin mừng (x. Mc 10, 46-52) và thú thật, đối với tôi anh ta là người đáng yêu nhất trong tất cả. Anh bị mù, ngồi ăn xin bên vệ đường ở ngoại ô thành phố Giêricô. Anh không phải là người vô danh. Anh có khuôn mặt và một cái tên: Bartimê, nghĩa là “con của Timêô”. Một ngày kia, anh nghe nói rằng Chúa Giêsu sẽ đi ngang qua đó. Thực ra, Giêricô là giao lộ của người dân, lúc nào cũng có khách hành hương và các thương nhân đi qua. Lúc đó Bartimê nằm đợi chờ: anh làm mọi cách để có thể gặp được Chúa Giêsu. Dân chúng nhiều người cũng làm như vậy. Chúng ta nhớ lại ông Giakêu, người trèo lên cây. Rất nhiều người muốn nhìn thấy Chúa Giêsu, ông cũng vậy.

Như vậy, người đàn ông này bước vào Tin mừng với một giọng kêu la. Anh ta không nhìn thấy gì, không biết Chúa Giêsu đang ở gần hay xa, nhưng anh nghe được, anh hiểu được đám đông, ở một thời điểm nhất định đang tăng dần khi Chúa gần đến… Tuy nhiên, anh hoàn toàn cô độc vì không ai quan tâm đến anh. Bartimê làm gì? Anh kêu lên và cứ tiếp tục hét lên. Anh dùng thứ vũ khí duy nhất mà anh đang sở hữu : tiếng kêu. Anh bắt đầu la lên : “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (c.47). Và anh cứ kêu như vậy mãi.

Anh lặp đi lặp lại tiếng thét đầy khó chịu, có vẻ không được lịch sự, và nhiều người quát nạt bảo anh phải im lặng: “Hãy lịch sự, đừng la lên như vậy!”. Nhưng Bartimê không im lặng, trái lại, anh càng la to: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (c.47). Sự bướng bỉnh đó rất tuyệt vời đối với những ai tìm kiếm ân sủng và gõ cửa, gõ cửa trái tim Thiên Chúa. Anh ta la hét, gõ cửa. Cụm từ “Con vua Đavít” rất quan trọng; nghĩa là “Đấng Cứu Thế” – anh tuyên xưng vào Đấng Cứu Thế – đó là lời tuyên xưng của niềm tin phát xuất từ miệng của một con người bị mọi người miệt thị.

Và Chúa Giêsu đã nghe được tiếng kêu la của anh ta. Lời cầu nguyện của Bartimê chạm vào con tim Chúa, và Ngài đã mở ra cho anh cánh cửa của ơn cứu rỗi. Chúa Giêsu gọi anh. Anh nhảy cẫng lên và những người mà trước kia bảo anh im lặng giờ đây dẫn anh đến với vị Tôn sư. Chúa Giêsu nói với anh ta, yêu cầu anh ta biểu lộ khát mong của mình – điều này thực quan trọng – và tiếng kêu la trở thành lời cầu xin: “Thưa Thầy, xin cho tôi được nhìn thấy” (c. 51).

Chúa Giêsu nói với anh: “Hãy đi, đức tin của anh đã cứu chữa anh” (c. 52). Chúa nhận ra nơi người đàn ông nghèo khổ, yếu thế, bị coi thường, tất cả sức mạnh của niềm tin, nó lôi kéo lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa.

Tin là đưa hai tay lên với một tiếng kêu để cầu xin ơn cứu rỗi. Giáo lý Công giáo khẳng định rằng “sự khiêm nhường là nền tảng của việc cầu nguyện” (GLCG 1559). Cầu nguyện nảy sinh từ đất, từ bụi đất – từ đó phát sinh “sự khiêm nhường” “khiêm tốn” – nó đến từ trạng thái bất ổn của chúng ta, từ việc khao khát Thiên Chúa liên lỉ của chúng ta (2560-2561).

Đức tin mà chúng ta thấy ở Bartimê là tiếng kêu; không có đức tin thì tiếng kêu bị bóp nghẹt. Thái độ của dân chúng trong việc bắt anh ta phải im lặng đó là: họ không phải là những người có đức tin, còn anh ta thì có. Bóp nghẹt tiếng kêu là một kiểu của “luật giang hồ”. Đức tin phản kháng chống lại một hoàn cảnh đau đớn mà chúng ta không hiểu tại sao; phi đức tin thì bản thân bị giới hạn trong việc chịu đựng một tình huống mà chúng ta đã thích ứng. Tin là hy vọng được cứu độ; không tin là để làm quen với sự dữ và nó đè nặng chúng ta mãi.

Anh chị em thân mến, chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý bằng tiếng kêu của Bartimê, bởi vì có lẽ mọi thứ đã được viết trong một nhân vật như anh. Bartimê là người kiên trì. Xung quanh anh ta có rất nhiều người đã giải thích rằng cầu khẩn chỉ thêm vô ích, đó là một tiếng thét mà không có câu trả lời, anh la ồn ào, chỉ làm phiền thôi, làm ơn đừng la hét: nhưng anh ta vẫn không im lặng. Cuối anh ta đã đạt được điều mình mong muốn.

Có một tiếng nói trong con tim của con người khi nguyện xin, nó mạnh mẽ hơn bất cứ lập luận trái ngược nào. Tất cả chúng ta đều có tiếng nói này trong lòng. Một tiếng nói phát ra cách tự phát, không một ai ra lệnh, một tiếng nói tra vấn về ý nghĩa cuộc hành trình của chúng ta trên dương thế, nhất là khi chúng ta chìm trong bóng đêm: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con! Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con”. Đó là lời cầu nguyện tuyệt vời.

Nhưng có lẽ những lời này không được khắc ghi trong toàn thể thụ tạo? Hết thảy đều cầu xin và khẩn nài để mầu nhiệm của lòng xót thương được hoàn tất cách dứt khoát. Người Kitô hữu không chỉ cầu nguyện: họ còn chia sẻ tiếng kêu cầu nguyện với tất cả mọi người. Tuy nhiên, có lẽ viễn tượng có thể được mở rộng hơn: thánh Phaolô khẳng định rằng, “muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,22). Các nghệ sĩ thường biến mình thành người phiên dịch cho tiếng kêu thầm lặng của thụ tạo, nó đè nặng nơi mỗi sinh vật và đặc biệt nổi lên trong con tim của con người, vì con người là “kẻ ăn xin của Thiên Chúa” (GLCG 2559). Định nghĩa vẻ đẹp của con người là “kẻ ăn xin của Thiên Chúa”. Cám ơn.

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Exit mobile version