VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN Câu hỏi của một bác sĩ

Câu hỏi của một bác sĩ

Câu Hỏi Của Một Bác Sĩ


TTCT – LTS: Câu chuyện cuộc sống số này

giới thiệu tâm sự của một bác sĩ chuyên khoa tâm thần,

người đi tìm lời đáp cho một câu hỏi đang làm đau lòng

không ít những người khoác áo blouse trắng.

Câu chuyện về cái chết thương tâm của vị bác sĩ ở Vũ Thư, Thái Bình khiến tôi, một bác sĩ chuyên khoa tâm thần, cảm thấy rất buồn. Có thể nói cái chết của vị bác sĩ đáng kính ấy làm rúng động toàn ngành y cả nước. Không ít người thương cảm, không ít kẻ giật mình.

Câu hỏi mà xã hội đặt ra cho bất cứ ai đang khoác áo blouse trắng là: Vì sao ngày trước bệnh nhân, người nhà bệnh nhân luôn kính trọng bác sĩ, trong khi giờ đây lại liên tiếp xảy ra chuyện kiện tụng, phản ứng, hành hung họ?

Ngoài lương có “bổng” không con?

Quê tôi ở miền Tây, một thị xã nhỏ hiền hòa và nghèo khó. Ba tôi dạy toán cấp trung học phổ thông. Khi bước lên bục giảng, ông không chỉ dạy chữ cho học sinh mà còn dạy cho họ nhiều kiến thức khác về xã hội, ứng xử, cách làm người.

Có nhiều tiết học ba dành để bảo ban, khuyên nhủ học sinh những điều hay lẽ phải. Học sinh vừa kính nể, vừa yêu thương ba tôi nên từ đó có thái độ học rất nghiêm túc, hào hứng. Đó là những năm đầu giải phóng, cả đất nước còn khó khăn, cơm ăn còn độn nhiều bo bo và khoai sắn, thuốc thang thì thiếu thốn. Ba tôi bệnh lao đã lâu nhưng vẫn cố giấu gia đình vì nhà tôi nghèo lắm, chị em tôi còn rất nhỏ, nhà tôi thật sự không có tiền chữa chạy.

Những tháng cuối, ông xin nghỉ việc về quê nội và mất ở đó. Khi ba tôi mất, rất nhiều học sinh đưa tang ba tôi, nhiều học sinh, đồng nghiệp khóc nức nở. Từ đó tôi quyết tâm học giỏi để trở thành một bác sĩ có thể cứu chữa cho những người như ba và hình bóng ba chính là kim chỉ nam cho cuộc đời tôi.

Ngày tôi tốt nghiệp và nhận công tác tại một bệnh viện tâm thần, ba của bạn gái tôi hỏi tôi: “Ngoài lương có “bổng” không con? Nghe nói làm bác sĩ nội khoa, ngoại khoa, sản khoa mới có tiền, con đi chuyên khoa tâm thần thì “hẻo” lắm.

Bây giờ phần lớn bác sĩ đều có thể sống khỏe nhờ phòng mạch tư và phong bì của người nhà bệnh nhân. Và nghề y là nghề khiến người ta giàu có nhanh lắm”. Tôi cảm thấy giận dữ vì câu hỏi đó. Tại sao người ta lại có cái nhìn phiến diện và ấu trĩ như thế về ngành y, về những người làm công việc cứu người?

Thế nhưng mười năm sau, khi có hai mặt con với nhau, vợ tôi cầm đồng lương tôi đưa với ít nhiều băn khoăn: “Đầu năm học này em đóng các khoản tiền trường cho con là hết sạch lương anh rồi”. Lòng tôi chùng xuống, mình đang sống thanh sạch hay mình đang hi sinh gia đình đây? Lời thề Hipocrate không sinh viên y khoa nào không thuộc nhưng quả là trong xã hội này, người khoác áo blouse trắng phải đối mặt với quá nhiều cám dỗ khi đồng lương chỉ bằng số tiền kiếm được của một bác xe ôm đắt khách. Lợi nhuận từ những phong bì hoa hồng của các hãng dược nước ngoài làm nhiều người phải cân nhắc, đấu tranh nội tâm giữa hai bờ tốt xấu.

Là bác sĩ tâm thần, mở phòng mạch tư, đời sống kinh tế có đỡ hơn. Không chỉ thế, một lực lượng đông đảo trình dược viên còn tìm gặp, hi vọng có thể khiến tôi mê… hoa hồng mà kê những toa thuốc “cắt cổ”. Bệnh nhân tâm thần rất đông, có cả những người đang làm việc ở các công ty nước ngoài, những doanh nhân đang ăn nên làm ra, những luật sư, những người có địa vị xã hội.

Nhìn quanh, những đồng nghiệp tốt nghiệp ngành sản khoa hoặc nhi khoa không ít người đã sắm nhà lầu, xe hơi, tiền bạc rủng rỉnh, không phải lòng tôi không có lúc thoáng chao đảo. Nhưng chỉ là thoáng qua mà thôi. Khi nhìn vào những đôi mắt lạc hồn của bệnh nhân hay những giọt nước mắt âu lo của người nhà họ, tôi hiểu rằng không bao giờ tôi có thể bắt tay với các hãng dược mà làm trái lời dạy về sự trung thực, sự chân thành của ba mình.

Một lần tôi đến quán cà phê cùng một học trò. Dốc vào quán khá cao. Học trò tôi đi chiếc SH, được nhân viên của quán xăng xái dắt xe cho. Còn tôi đi chiếc Future cũ thì không nhân viên nào chịu dắt xe giúp cả. Anh học trò cả cười nói với họ: “Thầy tôi đây nè, bác sĩ đó nghe. Trông mặt không “bắt hình dong” được sao”.

Một anh nhân viên buột miệng: “Bác sĩ gì ơi, làm gì ông không sắm được chiếc SH đi cho nó đã hả ông? Tiền đem chôn hết rồi à?”. Tôi không giận câu đùa đó nhưng không khỏi chạnh buồn.

Một xã hội mà giá trị vật chất được đề cao quá mức, trên các phương tiện truyền thông thì ra rả những mặt hàng “sành điệu”, “phong cách mới”, “thời trang hàng đầu”, “bản lĩnh đàn ông” khi mua những món hàng sang trọng…; một xã hội mà người với người thầm đánh giá nhau qua ôtô đời mới, điện thoại xịn, laptop xịn, người khoác blouse trắng bản lĩnh tới đâu để thoát ra ngoài những giá trị ảo đó, đứng trên những giá trị ảo đó và xây dựng một hệ thống giá trị riêng cho mình đây? Dẫu sao bác sĩ cũng là con người. Trong cơn đại hồng thủy của chủ nghĩa tiêu dùng, một số trong chúng tôi đã không giữ được mình, đánh mất chữ tâm bởi thiếu bản lĩnh mà thôi.

Khi những giá trị xã hội nhập nhòa…

Trong chương trình phổ thông và cả đại học, tính nhân văn chưa được chú trọng. Đó là một chương trình thật sự lệch pha, nặng về kiến thức hàn lâm, thiếu trầm trọng về kỹ năng và giá trị sống. Điều này phản ánh rõ qua kỳ thi đại học.

Tại các nước tiên tiến, trong những kỳ thi tuyển sinh vào đại học y khoa, người ta chú trọng đặc biệt vào phẩm chất con người, nhân sinh quan, nền tảng đạo đức, văn hóa của thí sinh. Vượt qua kỳ thi SAT với môn văn và toán, trong hồ sơ dự sơ tuyển của thí sinh y khoa phải có báo cáo đầy đủ về hoạt động ngoại khóa rèn kỹ năng sống, những kinh nghiệm làm công tác xã hội hay các công việc thiện nguyện, một bài tự luận và thư giới thiệu của giáo viên trực tiếp giảng dạy cấp trung học phổ thông.

Bài tự luận là phần mang tính quyết định của việc xét tuyển, qua đó người xét tuyển đánh giá chiều sâu nội tâm, năng lực tinh thần, quan điểm sống của thí sinh có phù hợp với mục đích cứu người của nghề y hay không.

Vượt qua sơ khảo, thí sinh y khoa còn phải trải qua thêm một kỳ phỏng vấn trực tiếp với các giáo sư mà hệ thống câu hỏi lần nữa liên quan nhiều đến kiến thức xã hội, gia đình, văn chương nghệ thuật, những trải nghiệm, suy tư về cuộc sống… để nhà trường hình dung đầy đủ nhất về phẩm chất con người của thí sinh có khả năng trở thành một lương y “như từ mẫu” hay không.

Ở nước ta, thí sinh giỏi toán, hóa, sinh là có thể đậu y khoa. Thí sinh bước vào ngành y như vào một trường nghề cấp cao, nơi đào tạo những “kỹ sư khám chữa bệnh”. Thêm vào đó, cơn lốc chủ nghĩa vật chất của xã hội không ít khi khiến người làm nghề bác sĩ ít nhiều cư xử không thích hợp với vai trò cứu người của mình, khiến người bệnh bất an, không tin tưởng.

Đành rằng áp lực công việc rất lớn, một buổi sáng mỗi bác sĩ có thể khám hàng trăm bệnh nhân nhưng không thể vì thế mà người khoác áo blouse trắng cho mình cái quyền được có thái độ dửng dưng, thờ ơ, lạnh lùng, quát mắng bệnh nhân…

Có những bác sĩ trẻ nói chuyện với bệnh nhân đáng tuổi cha chú mà quên mất chủ ngữ, quên cả việc dạ thưa, lại to tiếng hống hách. Người bệnh đã đau đớn vì bệnh tật, đã lo lắng, khổ sở về tinh thần và thể xác còn phải hứng chịu những lời khó nghe, những lời xỉ vả và có cảm giác mình phải đi “xin xỏ”, mình bị coi thường, bị bỏ mặc… Đương nhiên khi những sai sót nghề nghiệp của bác sĩ vô tình xảy ra, họ sẽ bị phản ứng dữ dội hơn.

Tôi có một người bạn đồng nghiệp tên Đ., công tác tại Bệnh viên Tâm thần Đà Nẵng. Anh giỏi chuyên môn, tính tình khá… khác thường. Trong quá trình khám và chữa bệnh, anh có thể trò chuyện với người bệnh tâm thần như với người thân vậy. Anh lại thường xuyên xuất lương của mình mua quà bánh cho bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân hết bệnh sau này lập gia đình, sống hạnh phúc bên vợ con, họ trở lại thăm anh.

Ngày tết hằng năm anh dẫn những bệnh nhân không người thân về nhà mình ăn tết, có năm anh đưa về cả 30-40 người, thật… hết biết. Tôi rất khâm phục anh bởi chính tôi cũng không thể giống anh được. Khi tôi có ý định bàn về y đức với anh, anh buồn bã nói: “Nói làm gì chuyện y đức. Chỉ vì xã hội cả thôi, ai ai cũng muốn đạp đổ tất cả để làm giàu, cha mẹ nuôi con chỉ muốn con làm nghề gì đó kiếm thật nhiều tiền cho vinh thân phì gia. Chuyện tham nhũng, làm luật chưa thấy xử lý nghiêm, trắng đen không rõ ràng, giá trị đạo đức truyền thống bị đảo lộn, bị lợi dụng… Xã hội như thế, trắng đen nhập nhòa, riêng gì ngành y tiêu cực?”.

Riêng tôi, tôi tự hỏi: Chuyện y đức đang là một thách thức, một câu hỏi không lời đáp. Nói ra thì đụng chạm, đau lòng nhau nhưng không nói có được chăng?

 

TR.H.
(bác sĩ Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 Biên Hòa)

(theo tuoitre.vn ngày 17.9.2011)

Exit mobile version