GÓC SUY TƯ MÙA CHAY - PHỤC SINH Câu chuyện Emmaus: một giáo hội thu nhỏ

Câu chuyện Emmaus: một giáo hội thu nhỏ

Ronald D. Witherup, SS
Nội dung câu chuyện đã quá quen thuộc nên không cần nhắc lại. Khi suy tư về câu chuyện này trong nhiều năm, tôi chợt nhận ra nó chứa đựng nhiều chi tiết quý giá về đời sống đức tin của Giáo Hội. Tôi chỉ lên 4 điểm chính.

Lời và Bí tích

Ý nghĩa hiển nhiên của câu chuyện xoay quanh sự nhận biết của các môn đệ nhờ các hình thức liên hệ lẫn nhau là Kinh Thánh và Thánh Thể. Chúng ta được định nghĩa là cộng đoàn đức tin, tụ họp lại quanh Lời Chúa và Bí Tích, mà Công đồng Vatican II nói là “bàn tiệc Lời Chúa và Thân Thể Đức Kitô” (Dei Verbum, số 21). Lời và Bí Tích gắn bó với nhau vì cả hai bộc lộ Thiên Chúa của mặc khải, vươn ra để giúp đỡ nhân loại và lôi kéo chúng ta hiệp thông với tha nhân và Thiên Chúa.

Trong câu chuyện Emmaus, việc giải thích Kinh Thánh của Chúa Giêsu có chiều kích ngôn sứ vì bắt đầu với Môisê và các ngôn sứ, rồi giải thích toàn bộ Kinh Thánh cho hai môn đệ đang hoang mang. Nhưng chính nhờ hành động Thánh Thể sau đó, khi Chúa Giêsu lập lại các cử chỉ của Bữa Tối Cuối Cùng (chúc tụng, bẻ và trao bánh), họ mới nhận ra người khách lạ. Khi bánh được bẻ và “mắt họ được mở ra”, Chúa Giêsu biến mất. Hãy chú ý đến động từ ở thể thụ động. Cuối cùng, ân sủng Thiên Chúa đã cho phép họ nhận ra Chúa Giêsu phục sinh trong bữa tiệc Thánh Thể.

Lại lên đường

Điểm thứ hai cũng là một hình ảnh thách đố cho Giáo Hội. Câu chuyện bắt đầu và kết thúc với cuộc hành trình “lên đường”. Trước tiên, hai môn đệ mà một người được nêu tên là Cleopas nào đó, họ đang rời Giêrusalem. Nhưng sau khi nhận ra Chúa Giêsu phục sinh nhờ Lời và Bí Tích, họ quay về để chia sẻ kinh nghiệm của mình với các môn đệ khác ở Thành Thánh. Cuộc trò chuyện của họ xảy ra trên đường. Kinh nghiệm về Chúa Giêsu phục sinh của họ xảy ra trong một cuộc hành trình, trước hết là thất vọng và có cả sợ hãi nữa, nhưng rồi lại kết thúc với một cuộc hành trình khác, lần này với mong muốn chia sẻ vận may của họ. Thế là trên đường đi họ đã trở thành chứng nhân cho Chúa Giêsu Kitô, Đấng Messia đau khổ.

Một đặc điểm của Vatican II là cách sử dụng ẩn dụ “Giáo Hội lữ hành” (Lumen Gentium, số 7). Đây là điều đi ngược lại với cách hiểu truyền thống về Giáo Hội như là một thể chế bất động và không thay đổi. Là một cộng đoàn lữ hành, luôn chuyển động hướng về định mệnh của mình trong Nước Thiên Chúa, đó là lời nhắc nhở nhận biết những giới hạn của chúng ta trên trần gian. Đồng thời, hình ảnh này cũng nhắc nhớ rằng Chúa phục sinh đến với chúng ta trên đường đi. Thật vậy, Ngài đồng hành với chúng ta, ngay cả khi chúng ta không nhận ra Ngài.

Cùng nhau làm môn đệ

Yếu tố thứ ba của câu chuyện Emmaus là chính các môn đệ. Vài học giả cho rằng hai người trên đường đi, Cleopas và bạn đồng hành, có thể là một cặp vợ chồng! Điều này không phải là không thể vì Tân Ước đã từng nói đến những cặp vợi chồng làm môn đệ. Ta nghĩ ngay đến các bạn đồng hành của Phaolô ở Côrintô là cặp vợ chồng Prítca và Aquila (Rm 16,3; 1 Cr 16,19), được giáo hội ở Rôma gởi lời chào thăm. Cũng có thể là cả cặp Andrônicô và Junia, được gọi là “những người xuất sắc trong các tông đồ” (Rm 16,7). Thế nhưng bản văn Luca không đưa ra chi tiết nào nói rằng hai môn đệ trên đường về Emmaus là cặp vợ chồng. Đây đơn thuần chỉ là suy diễn.

Điều quan trọng hơn cả là họ cùng đi với nhau và cùng đau buồn về số phận của Chúa Giêsu. Phản ứng và bối rối của họ là do chứng từ của các môn đệ khác, những người phụ nữ báo tin cho Phêrô và các môn đệ khác về ngôi mộ trống (Lc 24,10-11,22). Đây là cả một hệ thống làm môn đệ. Không ai được kêu gọi đi vào trong cộng đoàn đức tin một mình nhưng là cùng với những người khác. Thêm vào đó, các môn đệ chia sẻ với nhau câu chuyện của Đức Giêsu Nazareth, họ vui mừng trong những thời khắc hân hoan và buồn đau khi hoạn nạn, và cuối cùng họ tìm chốn náu nương trong cộng đoàn Lời và Bí Tích, cộng đoàn lưu giữ đức tin của các tông đồ.

Vai trò của phụ nữ

Một trong những vấn đề nhạy cảm nhất hiện nay trong Giáo Hội xoay quanh vai trò của phụ nữ. Hẳn nhiên, bối cảnh văn hóa của Tân Ước khác hẳn với chúng ta nên cẩn thận đừng lệ thuộc quá vào bản văn. Tôi nghĩ sự hiện diện của các phụ nữ trong câu chuyện này không phải là không có ý nghĩa. Trong các Tin Mừng, Luca quan tâm nhiều hơn hết đến các phụ nữ trong những câu chuyện về Chúa Giêsu (Maria, Anna, Elizabeth, các phụ nữ thành Giêrusalem, etc.).

Có ba điểm nổi bật. Trước hết, các phụ nữ là những người đầu tiên nhận thấy ngôi mộ trống, lãnh nhận sứ điệp phục sinh và nhận ra ý nghĩa của nó. Hơn nữa, sự trung thành của họ với Chúa Giêsu trong lúc hấp hối, khi mà các môn đệ khác bỏ trốn, đã nói lên nhiều điều về lòng trung thành và sự can đảm của họ (Lc 23,55; 24,1-11; etc.). Thứ đến, chứng từ của họ về sự phục sinh đã không được tin, vì nó có vẻ vô lý (24,11), hoặc đáng kinh ngạc (24,22), và điều này cho thấy các kitô hữu vượt ra ngoài khuôn khổ của thời đại mình. Thường thì chứng từ của phụ nữ không được chấp nhận như là bằng chứng trong xã hội Do Thái, song Kitô giáo sơ thời đã dựa vào chứng từ của họ. (Nhiều học giả cho rằng Maria Magđalêna là người đầu tiên nhận lãnh tin phục sinh [Ga 20,11-18], và truyền thống gọi bà là apostola apostalorum — tông đồ của các tông đồ)

Giáo Hội thu nhỏ

Bốn đặc điểm của câu chuyện Emmaus không cho chúng ta toàn cảnh bức tranh nhưng cho chúng ta một vài khía cạnh của một giáo hội thu nhỏ. Ít nhất, chúng khiến ta nhận ra một cộng đoàn môn đệ – gồm cả nam lẫn nữ – đang trên đường đi, sẵn sàng nhận lãnh Lời và Bí Tích và luôn mở lòng mình ra với mạc khải mà Thiên Chúa gởi đến qua người Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô.


Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Exit mobile version