Câu chuyện đầu năm
Quá khứ có chuyện dĩ vãng, hiện tại có chuyện ngày nay, tương lai có chuyện… phỏng đoán. Rắc rối lắm. Đôi khi hóa “rách việc”. Năm cũ chưa hết chuyện năm cũ mà năm mới lại thêm chuyện năm mới. Và NS Hoài An (*) cũng có “Câu Chuyện Đầu Năm” để hầu chuyện quý vị.
Ông kể: “Trên đường đi lễ Xuân đầu năm, qua một năm ruột rối tơ tằm”, đi lễ Xuân mà cũng chẳng an tâm, lòng cứ rối như tơ vò. Do đó, ông hướng tới năm mới và thầm mơ: “Năm mới nhiều ước vọng chờ mong, may nhiều rủi ít ngóng trông, vui cùng pháo nổ rượu hồng”. Thường thì mơ nhiều mà chẳng được bao nhiêu, nhưng người ta vẫn cứ hy vọng để mà tiếp tục sống cho hết kiếp người.
Xuân đến là việc của thiên nhiên, tứ thời bát tiết luân phiên thay đổi là quy luật càn khôn mà. Còn chúng ta, dù muốn dù không thì cũng phải đón năm mới: “Ta cùng nhau đón thêm mùa xuân, Xuân dù thay đổi biết bao lần”. Người giàu và kẻ nghèo, người vui hoặc kẻ buồn, vấn đề quan trọng là vẫn khát vọng vươn lên: “Xin khấn nguyện kết chặt tình thân, vin cành lộc những bâng khuâng, năm này chắc gặp tình quân!”. Dù thế nào cũng vẫn phải hy vọng một tương lai xán lạn hơn năm cũ.
Xuân đến với mọi người, không phân biệt ai, dù người đó có muốn đón Xuân hay không. Xuân cũng rất hào phóng, luôn trao tặng mọi người những điều tốt đẹp nhất: “Xuân mang niềm tin tới, bao la nguồn yêu mới, như hoa mai nở phơi phới”. Những điều tốt đẹp đó được người ta thể hiện qua nụ cười rạng rỡ: “Thế gian thay nụ cười, đón cho nhau cuộc đời, trên đất mẹ vui khắp nơi”. Chưa cho nhau được điều gì cao xa thì chí ít cũng cần biết trao nhau điều giản dị nhất: Nụ cười. Tuy đơn giản nhưng nụ cười có sức mạnh kỳ lạ. Hãy thể hiện tình yêu thương qua nụ cười, hai người không thể nhìn nhau cười thì chắc chắn “có vấn đề”!
Xuân đến để làm việc thiện: “Xuân gieo lộc khắp chốn”, dù rằng “Xuân đi rồi xuân đến, cho dân gian đầy lưu luyến”. Niềm vui nào cũng kết thúc, và nỗi buồn nào cũng vơi dần theo thời gian. Xuân cứ đến rồi đi, đó cũng là điều tất yếu. Có lưu luyến mới thấy quý. Thiếu cái gì đó có khi lại tạo cảm giác hạnh phúc, vì còn hy vọng, chứ sở hữu rồi thì người ta lại chán ngay. Con người luôn bị giằng co giữa hai thái cực. Nhưng hãy cố gắng bỏ qua mọi phiền muộn mà ăn Tết, người lính vẫn biết quên mình mà nghĩ đến người khác và mong ước: “Đón xuân nơi trận tiền, viết thư thăm bạn hiền, một lời nguyền xin chớ quên”. Lời nguyền gì? Đó là hứa yêu thương nhau, giúp đỡ nhau, và nhớ đến nhau – dù chỉ thi thoảng mà thôi!
Cuối cùng là những ước vọng cho chính mình và cho người khác qua lời chúc Xuân: “Mong đầu năm cuối năm gặp may, gia đình luôn hạnh phúc sum vầy, trên bước đường danh lợi rồng mây, duyên vừa đẹp ý đắp say, ôm nàng Xuân đẹp vào tay!”. Ước gì ai cũng được thỏa nguyện như thế!
Pascal so sánh: “Con người là cây sậy có lý trí”. Cây sậy là loại thực vật yếu mềm. Ông so sánh như vậy chứng tỏ con người rất yếu đuối, cả tinh thần lẫn thể lý. Vì thế, người ta luôn khao khát yêu và được yêu, luôn cần được quan tâm, an ủi, nâng đỡ, tha thứ,
..…
Hãy cùng nhau quyết định thay đổi cách sống để cuộc đời mãi tươi đẹp như mùa Xuân!
Câu chuyện đầu năm của con-người-phàm-tục có nhiều loại đã đành, mà câu chuyện đầu năm của con-người-tâm-linh cũng đa dạng.
Thánh Phaolô đã tự thú: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7:15). Quả thật, con người quá ngược đời, quá nhiêu khê, đôi khi không nhận biết ngay cả chính mình. Muốn thì muốn lắm, mà làm thì chẳng được. Không chỉ chuyện đời thường là vậy, ngay cả vấn đề tâm linh cũng chẳng khá hơn: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7:19). Khốn nạn thật! Ấy thế mà người ta vẫn lên mặt và tự cao tự đại, theo ngôn ngữ thời nay, người ta gọi dạng người đó là “chảnh”. Đó là chính mỗi chúng ta, mỗi người “chảnh” mỗi kiểu và với mức độ khác nhau.
Thiên Chúa đã cảnh báo nhiều lần và nhiều cách: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3:2), hoặc là: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15), thậm chí là: “Nếu không sám hối, thì sẽ chết hết” (Lc 13:1. 3 & 5). Thế nhưng chúng ta vẫn coi đó là “chuyện nhỏ”, vả lại “Chúa nói người khác chứ không nói đến mình”.
Thiên Chúa còn mặc khải cho Thánh Gioan Tông đồ: “Hãy nhiệt thành và hối cải ăn năn” (Kh 3:19). Và rồi chúng ta vẫn “bằng chân như vại”, chẳng “xi-nhê” gì ráo trọi. Bằng chứng là chúng ta cứ phải xưng tội nhiều lần trong một năm, càng cao niên càng xưng tội nhiều lần – nghĩa là tội lỗi nhiều, tái phạm nhiều lần, và thất hứa với Chúa nhiều lần.
Tại sao phải canh tân lối sống? Vì “chúng đã ra hư đốn, làm những điều ghê tởm, chẳng có một ai làm điều thiện (Tv 53:2). Khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima, một trong ba mệnh lệnh Đức Mẹ đưa ra cũng liên quan việc đổi mới: “Hãy canh tân đời sống”. Nhưng để thay đổi cuộc sống một cách hiệu quả, Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta một bí quyết: “Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em” (Ep 4:23).
Lạy Chúa, chúng con rất yếu hèn nên rất cần Ngài điều trị (x. Lc 5:31). Chúng con chỉ là bụi cát (x. St 3:19), hoàn toàn bất xứng, xin thương xót chúng con là những tội nhân khốn nạn (x. Lc 18:13). Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đấng làm người và cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Chào Xuân Quý Tỵ – 2013
____________________________
Giai điệu và ca từ trong các nhạc phẩm của ông đầy chất trữ tình nhưng mộc mạc, giản dị, dễ thuộc. Một nửa số ca khúc của ông là tình ca, một nửa là ca ngợi quê hương, với tình cảm lãng mạn và trong sáng. Nhiều người hát những bài ca do ông sáng tác nhưng hoàn toàn không biết tên tác giả. Đó chính là lý do gia tài âm nhạc của ông có đến trăm tác phẩm nhưng cũng bị thất lạc không ít.
Ông qua đời vào chiều 15-3-2012, tại tư gia số 56 Phạm Văn Hai, Q. Tân Bình, Saigon, hưởng thọ 83 tuổi. Ông được an táng tại nghĩa trang Đa Phước (Bình Chánh, Saigon).