“Giuđa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ” (Ga 18:5).
Lịch sử Thiên Chúa – loài người trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu bao gồm nhiều câu chuyện nhỏ về những người nam nữ tham gia vào những mảng sáng, tối của biến cố này. Câu chuyện bi thảm nhất là câu chuyện của Giuđa Iscariot. Đây là một trong số ít các sự kiện được đề cập với cùng một mức nhấn mạnh như nhau bởi cả bốn sách Phúc Âm và phần còn lại của Tân Ước. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã suy tư rất nhiều về sự kiện này và chúng ta thật là bất cẩn nếu không làm như thế. Câu chuyện này có nhiều điều để nói với chúng ta.
Giuđa đã được lựa chọn ngay từ đầu trong Nhóm Mười Hai. Khi đưa tên ông ta vào trong danh sách các tông đồ, Thánh Sử Luca viết: “Giuđa Iscariot, người trở thành (egeneto) một kẻ phản bội” (Lc 6:16). Như thế, Giuđa đã không phải là một kẻ phản bội từ lúc lọt lòng mẹ, và cũng chẳng phải là một kẻ phản bội lúc Chúa Giêsu chọn ông; sau này ông mới trở thành một kẻ phản bội! Chúng ta đang đứng trước một trong những thảm kịch bi đát nhất của tự do con người.
Tại sao anh ta trở thành một kẻ phản bội? Cách đây không lâu, khi luận đề về “Chúa Giêsu cách mạng” đang cuốn hút nhiều người, người ta cố gắng để gán cho hành động phản bội của Giuđa những động cơ mang tính lý tưởng. Có người nhìn thấy trong tên của ông ta “Iscariot” một chút biến tướng của từ sicariot, nghĩa là anh ta thuộc về một nhóm cuồng tín cực đoan chuyên sử dụng một loại dao găm (sica) để chống lại người La Mã. Lại có những người khác nghĩ rằng Giuđa đã thất vọng với Chúa Giêsu về cách Ngài trình bày “vương quốc Thiên Chúa” và muốn buộc Ngài ra tay hành động chống lại các dân ngoại cả trên bình diện chính trị. Đây là Giuđa của vở nhạc kịch nổi tiếng “Jesus Christ Superstar”, của những bộ phim và tiểu thuyết khác được chào đời gần đây – một Giuđa giống như một kẻ nổi tiếng đã phản bội ân nhân mình, là Brutus, người đã giết Julius Caesar để cứu nền Cộng hòa La Mã!
Đây là những tái tạo lại câu chuyện phải được tôn trọng nếu như chúng có giá trị văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, chúng không có bất kỳ cơ sở lịch sử nào. Những sách Phúc Âm là các nguồn đáng tin cậy duy nhất mà chúng ta có về nhân vật Giuđa đều đồng thanh nói về một động cơ rất trần tục: đó là tiền. Giuđa đã được giao phó giữ tiền của nhóm; khi bà Maria xức dầu thơm cho Chúa tại Bethany, Giuđa đã phản đối việc dùng dầu thơm quý giá để đổ lên chân Chúa không phải vì ông quan tâm đến người nghèo nhưng, như thánh Gioan lưu ý, “vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12:6). Đề nghị của ông với các thượng tế thật là rõ ràng: “Các ông định cho tôi bao nhiêu, nếu tôi giao nạp Người cho các ông? Và các thượng tế ấn định số tiền là 30 đồng bạc” (Mt 26:15).
Nhưng tại sao người ta lại ngạc nhiên trước lời giải thích này, câu trả lời hiển nhiên quá mà? Chẳng phải chuyện như thế vẫn luôn xảy ra trong lịch sử và vẫn xảy ra ngày hôm nay sao? Mammon, thần tài, không chỉ là một ngẫu tượng trong số rất nhiều những ngẫu tượng: nhưng đó là thứ ngẫu tượng trỗi vượt nhất, đó là thứ “thần được người ta đúc lên” (x. Xh 34:17) Và chúng ta biết lý do tại sao. Khách quan mà nói ai là kẻ thù thực sự, là đối thủ của Thiên Chúa trong thế giới này? Không phải Satan sao? Chẳng ai quyết định phụng sự Satan mà không có một động cơ . Bất cứ ai quyết định làm như vậy đều tin rằng họ sẽ có được một số quyền thế hoặc lợi ích trần tục nào đó từ hắn ta. Ngoài Thiên Chúa ra, một số người lại có một ông chủ khác đối nghịch với Thiên Chúa, Chúa Giêsu nói với chúng ta rõ ràng người chủ khác ấy là ai: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6:24). Tiền của là thứ “thần có thể nhìn thấy được” trái ngược với Thiên Chúa là Đấng vô hình.
Thần tài chống lại Thiên Chúa vì nó tạo ra nơi con người một vũ trụ tinh thần khác; nó thay đổi mục đích của nhân đức đối thần. Đức tin, hy vọng và lòng bác ái không còn được đặt vào Thiên Chúa nhưng vào tiền. Một đảo ngược nham hiểm của tất cả các giá trị xảy ra. Kinh Thánh nói: “Cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin” (Mc 9:23), nhưng thế gian nói: “Có tiền mua tiên cũng được”. Và trên một bình diện nhất định, mọi thứ dường như là như thế thật.
Kinh Thánh nói: “Lòng yêu mến tiền bạc là căn nguyên của mọi tội lỗi” (1 Tim 6:10). Đằng sau mọi sự dữ trong xã hội của chúng ta là tiền bạc, hay ít nhất cũng có dính líu đến tiền. Chúng ta nhớ lại trong Kinh Thánh câu chuyện các thanh niên nam nữ đã phải hy sinh cho thần Mo-lóc (x. Gr 32:35 ) hay câu chuyện thần Aztec mà hàng ngày một số lượng nhất định dân chúng bị giết để lấy tim dâng lên thần. Những gì nằm phía sau nạn buôn bán ma túy phá hủy rất nhiều cuộc sống của con người, đằng sau hiện tượng mafia, đằng sau việc tham nhũng của các chính trị gia, đằng sau việc sản xuất và bán các loại vũ khí, và thậm chí đằng sau một điều thật khủng khiếp – khi phải đề cập đến – là việc bán nội tạng con người lấy từ trẻ em? Và còn cuộc khủng hoảng tài chính mà thế giới đã và đang trải qua cũng như đất nước này vẫn còn đang gánh chịu, không phải phần lớn là do “sự ham hố tiền của đáng nguyền rủa” của một số người sao? Giuđa đã bắt đầu nhón khỏi ví chung cuả cả nhóm. Còn một số các quản trị viên công quỹ thì sao?
Tuy nhiên, bên cạnh những tội phạm hình sự để có tiền, còn có cả những xì căng đan trong đó một số người kiếm được tiền lương và hưu trí đôi khi cao hơn so với những người làm việc cho họ 100 lần và họ ồn ào phản đối khi một đề nghị được đưa ra để giảm tiền lương của họ ngõ hầu xã hội có thể công bằng hơn?
Trong những thập niên 1970 và 1980, tại Ý, để giải thích cho những thay đổi chính trị bất ngờ, những hành xử quyền lực bí ẩn, khủng bố, và tất cả các loại bí ẩn gây phiền hà cho cuộc sống dân sự, người ta bắt đầu đề cập đến ý tưởng bán thần thoại về sự tồn tại của một “Bố Già”, một nhân vật quỷ quyệt và quyền thế là kẻ đứng sau hậu trường giật dây cho tất cả mọi chuyện để đạt đến những mục tiêu chỉ mình hắn ta biết mà thôi. “Bố Già” quyền uy ngất ngưởng này thực sự tồn tại và chẳng phải là một huyền thoại đâu. Tên hắn ta là tiền!
Giống như tất cả các ngẫu tượng khác, thần tài quỷ quyệt gian ngoa: nó hứa hẹn an ninh nhưng thay vào đó nó lấy đi; nó hứa hẹn tự do nhưng thực tế lại phá hủy tự do. Thánh Phanxicô Assisi , với một mức độ nghiêm khắc không thường thấy nơi ngài, đã mô tả giờ phút kết thúc cuộc đời của một người đã sống chỉ để làm tăng “vốn liếng” của mình. Khi gần chết ông ta mời linh mục đến. Vị linh mục hỏi người sắp chết: “Ông có muốn được tha thứ tất cả tội lỗi của ông không?”. Và ông trả lời: “Thưa có”. Linh mục hỏi tiếp: “Ông có sẵn sàng để sửa chữa những sai lầm ông đã gây ra, khôi phục lại những thứ ông đã lừa đảo của những người khác không?”. Người đàn ông sắp chết thều thào trả lời: “không, không thể được”. “Tại sao lại không thể được?”. “Bởi vì tôi đã giao phó mọi sự trong tay của người thân và bạn bè của tôi”. Như thế, ông ta chết đi mà không ăn năn hối cải, và trong khi thi hài ông bắt đầu lạnh dần, người thân và bạn bè của ông tụ họp lại bên cạnh. Họ nói: “Thằng chết tiệt này! Lẽ ra nó nên kiếm nhiều tiền hơn để lại cho chúng ta mới phải chứ”.
Bao nhiêu lần trong thời buổi này chúng ta lẽ ra phải suy nghĩ lại một lần nữa tiếng Chúa Giêsu kêu lên với người phú hộ trong dụ ngôn về người cứ lo thu tóm của cải bất tận và nghĩ rằng phần còn lại của cuộc đời mình sẽ được an toàn: “Đồ ngu! Nội đêm nay, mạng ngươi bị đòi lại, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12:20).
Những người có quyền chức tham ô đến nỗi hết nhớ nổi ngân hàng nào, thiên đường tài chính nào tàng trữ bao nhiêu tiền tham nhũng của mình đã nhận ra bản thân mình đang bị xét xử tại tòa án hoặc tại một nhà tù đúng ngay vào lúc họ tự nhủ với lòng mình: “Yên tâm mà hưởng đi, hồn tôi ơi!”. Họ làm điều đó cho ai? Nó có đáng không? Phải chăng họ làm như thế vì lợi ích của con em và gia đình của họ, hoặc đảng phái của họ, nếu thực sự họ nghĩ như thế? Hay là chỉ hủy hoại bản thân và những người khác?
Sự phản bội của Giuđa vẫn tiếp tục xuyên suốt trong lịch sử, và người bị phản bội luôn luôn là Chúa Giêsu. Giuđa bán Đầu [ý chỉ Chúa Giêsu – chú thích của người dịch], trong khi những kẻ bắt chước ông bán phần thân mình, vì người nghèo là chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô, cho dù họ biết điều đó hay không. “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40). Tuy nhiên , sự phản bội của Giuđa không chỉ tiếp tục trong phạm vi các nhân vật cao cấp các loại mà tôi vừa đề cập. Thật là an ủi cho chúng ta nếu được như thế, nhưng không phải vậy đâu. Bài giảng mà cha Primo Mazzolari vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 1958 về “anh Giuđa của chúng ta” vẫn còn rất nổi tiếng. Ngài nói với vài giáo dân ngồi trước mặt ngài: “Hãy để tôi suy nghĩ về cái tên Giuđa trong người tôi đây một lúc, về cái tên Giuđa, có lẽ cũng có cả bên trong anh chị em”.
Người ta có thể phản bội Chúa Giêsu để đổi lấy những thứ khác hơn là 30 đồng bạc. Một người đàn ông phản bội vợ mình, hoặc người vợ phản bội chồng, là phản bội Chúa Kitô. Các thừa tác viên của Chúa không trung thành với đấng bậc của mình trong cuộc sống, hoặc thay vì nuôi dưỡng những con chiên được giao phó cho ngài lại dùng những con chiên ấy như nguồn vỗ béo cho chính mình, là phản bội Chúa Giêsu. Bất cứ ai phản bội lương tâm của họ đều phản bội Chúa Giêsu. Thậm chí tôi có thể phản bội Ngài ngay lúc này đây – và điều này làm cho tôi run sợ – nếu như trong khi giảng về Giuđa tôi quan tâm đến sự đồng thuận của khán giả hơn là dự phần trong nỗi buồn bao la của Đấng Cứu Thế. Có một trường hợp giảm khinh trong trường hợp của Giuđa mà tôi không có. Ông ta không biết Chúa Giêsu là ai và chỉ coi Ngài là “một người công chính”; ông không biết rõ như chúng ta rằng Ngài là Con Thiên Chúa!
Mỗi năm khi Mùa Phục Sinh đến gần, tôi đều muốn nghe lại bản “Cuộc thương khó Chúa Kitô theo Thánh Matthêu” của Bach. Nó bao gồm một chi tiết khiến tôi rùng mình mỗi lần. “Ðang bữa ăn, Người nói: Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Mt 26:21). Khi Chúa Giêsu thông báo như thế, tất cả các tông đồ đều hỏi Chúa Giêsu: “Có phải con không, thưa Thầy?”. Trước khi chúng ta nghe câu trả lời của Chúa Kitô , nhà soạn nhạc – xóa đi khoảng cách giữa biến cố và việc tưởng niệm biến cố ấy – thêm vào một hợp xướng bắt đầu như thế này: “Đó là con. Con là kẻ phản bội! Con cần phải đền bù tội lỗi con”. Giống như tất cả các hợp xướng thánh ca trong tác phẩm âm nhạc này, nó thể hiện tình cảm của những người đang lắng nghe. Nó cũng là một lời mời gọi chúng ta xưng thú tội lỗi mình.
Tin Mừng mô tả cái kết cục khủng khiếp của Giuđa: “Bấy giờ, Giuđa, kẻ nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan”. Nhưng họ đáp: ‘Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!’ Giuđa ném số bạc vào Ðền Thờ rồi lui ra và đi thắt cổ” (Mt 27:3-5). Nhưng chúng ta không nên đưa ra một phán quyết vội vàng ở đây. Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi Giuđa, và không ai biết, sau khi ông treo mình lên cây với một sợi dây thừng quanh cổ, ông ta sẽ đi về đâu: trong tay của Satan hay trong bàn tay của Thiên Chúa. Ai có thể biết được điều gì đã loé lên trong tâm hồn ông trong những giây phút cuối cùng này? “Bạn” là từ cuối cùng mà Chúa Giêsu gọi ông, và ông không thể quên được, cũng giống như ông không thể quên ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn ông.
Đúng là khi nói chuyện với Chúa Cha về các môn đệ của Ngài, Chúa Giêsu đã nói về Giuđa, “không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng”(Ga 17:12) . Nhưng ở đây, như trong rất nhiều trường hợp khác, Ngài đang nói từ quan điểm của thời gian và không phải vĩnh hằng. Tầm cỡ của sự phản bội này tự mình đã đủ, không cần phải tính đến sự thất bại đó là vĩnh cửu để giải thích một bản án đáng sợ khác nói về Giuđa: “Ðã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!” (Mc 14 : 21). Số phận đời đời của một con người là một bí mật bất khả xâm phạm được gìn giữ bởi Thiên Chúa. Giáo Hội bảo đảm với chúng ta rằng một người nam hay một người nữ được công bố là một vị thánh đang được nếm hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng Giáo Hội không biết chắc chắn rằng một người cụ thể nào đó đã phải sa hoả ngục hay không.
Dante Alighieri, là một nhà thơ, là người đã đặt Giuđa trong tầng cuối cùng sâu nhất của địa ngục trong tác phẩm Divine Comedy của mình, đã kể về việc hoán cải vào giờ phút cuối cùng của Manfred, con trai Hoàng Đế Frederick II và là vua xứ Sicily, người mà tất cả mọi người vào thời điểm đó đều coi y là đáng nguyền rủa vì ông đã chết trong vạ tuyệt thông. Bị thương chí mạng trong một trận chiến, Manfred tâm sự với nhà thơ rằng vào thời điểm cuối cùng của cuộc đời mình”,… trong than khóc, tôi đã phó linh hồn tôi cho Đấng đã sẵn sàng tha thứ” và ông đã gửi một tin nhắn từ Luyện Ngục về trái đất mà ngày nay vẫn còn có liên quan tới chúng ta:
Khủng khiếp là bản chất của tội lỗi tôi, nhưng lòng thương xót vô biên mở rộng vòng tay của mình cho bất kỳ người nào tìm kiếm nó.
Đây là điều mà câu chuyện về người anh em Giuđa của chúng ta nên khiến chúng ta phải làm: ấy là sấp mình trước Đấng sẵn lòng tha thứ cho chúng ta cách nhưng không, là ném mình tương tự như vậy vào cánh tay đang dang ra của Đấng chịu đóng đinh. Điều quan trọng nhất trong câu chuyện của Giuđa không phải là sự phản bội của ông ta nhưng là phản ứng của Chúa Giêsu đối với ông. Ngài biết rõ những gì đã phát triển trong trái tim người môn đệ mình, nhưng Ngài không phơi bày ra; Ngài muốn cho Giuđa cơ hội cho tới tận phút cuối cùng để quay trở lại, và gần như che chắn cho anh ta. Ngài biết lý do tại sao Giuđa đến vườn ô liu, nhưng Ngài không từ chối nụ hôn lạnh lùng của y và thậm chí còn gọi y là “bạn” (xem Mt 26:50 ). Ngài đã tìm ra Phêrô sau khi chối Chúa để tha thứ cho ông, vì vậy Ngài có thể đã tìm ra Giuđa tại chỗ nào đó trên đường lên núi Sọ! Khi Chúa Giêsu cầu nguyện từ trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho chúng; vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23:34). Chúa chắc chắn không loại trừ Giuđa trong số những người mà Ngài cầu nguyện cho.
Vì vậy, những gì chúng ta sẽ làm là gì? Ai là người mà chúng ta nên noi theo, Giuđa hay Phêrô? Phêrô đã hối hận vì những gì ông đã làm, nhưng chẳng phải Giuđa cũng đã hối hận đến mức bật khóc sao? “Tôi đã phản bội máu người vô tội!”. Và ông đã trả lại ba mươi đồng bạc. Vậy đâu là sự khác biệt? Chỉ là một điều này thôi: đó là Phêrô thì tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa Kitô, còn Giuđa thì không! Tội lỗi lớn nhất của Giuđa không phải là phản bội Chúa Kitô nhưng là đã nghi ngờ lòng thương xót vô biên của Ngài.
Nếu chúng ta đã bắt chước Giuđa ít nhiều trong sự phản bội của ông, chúng ta đừng bắt chước ông trong sự thiếu niềm tin vào sự tha thứ. Có một bí tích mà qua đó chúng ta có thể kinh nghiệm chắc chắn về lòng thương xót của Chúa Kitô: đó là bí tích hòa giải. Bí tích này tuyệt vời là ngần nào! Thật là ngọt ngào để cảm nghiệm về Chúa Giêsu là Thầy, là Chúa , nhưng thậm chí còn ngọt ngào hơn để cảm nghiệm Ngài là Đấng Cứu Thế, là Đấng lôi anh chị em ra khỏi vực thẳm, như Ngài đã kéo Phêrô khỏi chìm xuống biển, để cảm nghiệm Ngài là Đấng đã chạm vào anh chị em như Ngài đã làm với người bị bệnh phong, và nói với anh chị em: “Tôi muốn, anh sạch đi” (Mt 8:3).
Bí tích Hòa Giải cho chúng ta cảm nghiệm chính bản thân mình những gì Giáo Hội nói về tội lỗi của Ađam vào đêm Phục Sinh trong bài “Vinh Tụng Ca”: “Ôi tội hồng phúc vì đã đem đến một Đấng Cứu Chuộc vĩ đại và vinh quang”. Chúa Giêsu biết làm thế nào để lấy đi tất cả tội lỗi của chúng ta, khi chúng ta có lòng ăn năn, và làm cho những tội lỗi này thành “tội hồng phúc”, những tội lỗi đó sẽ không còn được nhớ đến, chúng chỉ là dịp để chúng ta cảm nghiệm lòng thương xót và sự dịu dàng của Thiên Chúa.
Tôi có một mong muốn cho bản thân mình và cho tất cả những người cha, người anh, người chị, người em đáng kính: đó là cầu xin cho vào sáng Phục Sinh, chúng ta có thể thức giấc và để cho những lời của một người cải đạo vĩ đại trong thời hiện đại là Paul Claudel, vang vọng trong trái tim của chúng ta.
Thiên Chúa của con, con đã được hồi sinh, và con sống với Chúa một lần nữa!
Con đang mê ngủ, duỗi thẳng tứ chi như một người đã chết trong đêm. Chúa nói: “Hãy có ánh sáng!”. Và con tỉnh dậy òa khóc!
Cha của con, Chúa là Đấng đã ban cho con cuộc sống trước lúc rạng đông, con đặt bản thân con trong sự hiện diện của Chúa.
Con tim con tự do và miệng của con sạch sẽ; cơ thể và tinh thần của con đang chay tịnh. Con đã được xá khỏi tất cả các tội lỗi của con, những tội con đã thú nhận từng tội một.
Chiếc nhẫn cưới trên ngón tay con và khuôn mặt của con được rửa sạch. Con giống như một con người vô tội trong ân sủng mà Ngài ban cho con.
Đây là những gì lễ Vượt Qua của Chúa Kitô có thể làm cho chúng ta.
Lm RANIERO CANTALAMESSA
Bản dịch của J.B. Đặng Minh An