Theo quan niệm trong Nho giáo: “người là cái đức của Trời Đất, sự giao hợp giữa âm dương, sự tụ hội của các thần, cái khí tinh tú của ngũ hành”[1] cho dù có cao cả trên hết vạn vật, mang cái đức của trời đất, được linh tụ bởi tinh tú, sự kết hợp giữa thần linh, nhưng cũng không tương xứng độ cao thật với con người theo cách diễn tả của Thánh Kinh. Con người là hoạ ảnh và hình ảnh của Đấng dựng nên mình. Sự cao cả của con người là bắt nguồn từ chính Đấng là Sự Sống, Đấng Hằng Sống, con người là hình ảnh và hoạ ảnh của Đấng vô thuỷ vô chung, nên sự sống con người mang hình thái bất diệt, vượt xa các loài được tạo dựng. Lòng thương xót của Thiên Chúa không dựng nên con người, theo cái bên ngoài của Thiên Chúa, nhưng cho con người mang hoạ ảnh và hình ảnh của Người. Theo Nho Giáo, con người là sự tích tụ của tinh thần và khí chất nên con người có sự sáng suốt để hiểu các sự vật. Là hoạ ảnh và hình ảnh của Thiên Chúa, con người có một phẩm giá trổi vượt trên các loài được tạo dựng, con người một phần giống Thiên Chúa bởi quyền cai quản trên vạn vật và bởi con người có trí khôn, tự do…

Một cát bụi ngỏ lời với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên mình, không những chỉ là ngỏ lời mà còn có những lần mặc cả, khi Thiên Chúa muốn ra tay tiêu diệt: “Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá hủy cả thành sao? “Chúa đáp: “Không! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người.”[2] Một cát bụi không do ngẫu nhiên của quy luật tiến hoá hình thành, cũng không do sự luân chuyển của sự phát triển âm dương, đó là một cát bụi tuyệt vời được mời gọi bước chân vào sự sống, có đối thoại, có ý thức và tự do. Chính vì lẽ đó mà cát bụi có thể phân bua mặc cả với Đấng Tạo Dựng về thân phận của mình. Không cứ gì Người dựng nên nó có quyền huỷ diệt nó mà lại không tìm hiểu, trao đổi cùng nó. Tình thương sáng tạo nên cũng là tình thương cứu vớt, cát bụi hoá thân, để Người “nghiêng trời ngự xuống” và cát bụi cứ hoài băn khoăn:“Lạy Chúa, con người có là chi, mà Chúa cần biết đến? Phàm nhân đáng là gì, mà Chúa phải lưu tâm?  Ấy con người khác chi hơi thở, vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu. Lạy CHÚA, xin nghiêng trời ngự xuống, chạm núi cao cho toả khói mịt mù”[3]; Cát bụi tuyệt vời là thế, giống như đất sét trong tay người thợ gốm mà cũng khác với bình sành dễ vỡ, bởi tay người thợ gốm giữ gìn, bởi chính tay Đấng Sáng Tạo nâng dậy.

Cát bụi được Thiên Chúa viếng thăm, tìm kiếm khi thất lạc, mở đường khi bít lối, cứu thoát khi bị bủa vây, vượt xa trên những quan niệm định mệnh mà Trương Xa Tử viết trong sách Ngọc Linh Kinh “Điều lành dữ của con người ta đều tuỳ thuộc ở ngày chịu kết thai, ai cũng chịu ảnh hưởng cái tính chất của tinh tú trên trời. Người gặp được thánh tú thì thành ông thánh, gặp được hiền tú thì thành ông thánh hiền, gặp ông văn tú thì thành nhà văn, gặp được ông võ tú thì thành nhà võ, gặp được quý tú thì sang, gặp được phú tú thì giàu, gặp phải tiện tú thì hèn…” Mỗi người theo quan niệm ấy, có một ngôi sao định mệnh chiếu chỉ. Nếu hạt bụi hóa kiếp gặp ngôi sao xấu, mang theo mình cả một định mệnh xấu, cả đời lâm lũi trong đường tối tăm, hạt bụi nào dám hoá kiếp để rồi lênh đênh mười hai bến nước, bến đục, bến trong? Có định mệnh nào không khi Con Thiên Chúa lựa chọn làm người, mang một thân phận bụi đất, một thân phận trong những người nghèo? Định mệnh có chăng là một cuộc hoán đổi, Con Thiên Chúa làm người để con người trở thành con Thiên Chúa, trở thành nghèo khó để con người được giàu có trong ân sủng. Vượt quá xa quan niệm của hạt bụi hoá kiếp làm người của chúng ta.

Thiên Chúa làm đổi thay những ý niệm để những hạt bụi thôi đừng xô nhau, hạt bụi hoá kiếp nào cũng mang một định mệnh được sống và sống dồi dào. Hãy tạo những môi sinh để con người được sống, đó là định mệnh chung của những hạt bụi hoá kiếp.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

——-

[1] Nho giáo, quyển thượng, Trần Trọng Kim, NXB Tân Việt.

[2] St 18, 27 -28

[3] Tv 144, 3-4