Cánh diều tự do
Giữa tầng không chơi vơi,
Diều ta đón gió giữa trời
Dây diều còn vững, ta còn vui chơi
Tuổi thơ của tôi gắn liền với cánh diều vào buổi chiều trong xanh ngày đó. Thật thích thú khi cầm dây thả diều. Cánh diều ấy như một bài nhạc với những cung bậc rộn ràng khoáng đãng. Phần hay nhất của bản nhạc là nốt cao của điệp khúc khi cánh diều no gió trên tầng không. Trở ngược lại phần đầu phiên khúc với nốt trầm nhẹ khi cánh diều đang thành hình. Rồi cả những dấu lặng đây đó diễn tả sự ngỡ ngàng trước không gian rộng mở. Còn có những đảo phách tựa hoa lá muôn màu chấm phết đan xen. Liền sau “sự ngỡ ngàng” là những nốt trung dài tựa lúc con diều đón gió để bay lên tầng cao. Con diều chao lượn, bài ca cứ mãi ngân nga.
Ngắm nhìn cánh diều trên không trung, tâm hồn người xem không khỏi phơi phới. Dù tham gia trọn vẹn hay chỉ đứng nhìn, cả hai cũng đều thỏa mãn. Có người ngất ngây được nghe trọn bài hát cao vút trong trẻo ấy. Có người chỉ nghe phần đặc sắc nhất của bài hát khi cánh diều đã no gió vút cao. Ừ thì mỗi người một cảm nhận riêng. Nhưng cả hai đều có điểm chung là cõi lòng được nâng lên cao. Khi ấy, lòng người được hóa vào cánh diều, cánh diều lột tả thay lời một khát khao âm ỉ: tự do. Cánh diều no gió làm cho lòng người bật lên khao khát tự do dạt dào ấy. Tự do không vô định vì được đặt trên một nền tảng nào đó, cũng như con diều không chơi vơi nhưng tự tin ngắm nhìn thế giới nhờ sợi dây níu giữ. Nền tảng ấy thể hiện cách khác nhau nơi mỗi người: lời nhắn nhủ của cha mẹ, tình yêu đối với con cái, trách nhiệm đối với gia đình, người thân, tình yêu làng xóm, quê hương.
Bản nhạc ấy cũng có những nốt nhạc chấm dôi, dành phần cho những cánh chim chao liệng như muốn thi thố cùng cánh diều. Chúng làm cho nhiều người hồ nghi liệu diều ta nhất thiết phải có dây níu giữ? Câu trả lời là không. Ừ thì chim bay không có dây nhưng nó phải có đôi cánh. Đôi cánh dùng để giữ thăng bằng, để giữ thân chim trên cao và để định hướng. Khi ấy, ta phải mệt mỏi hơn để không bị chao đảo trước bầu trời rộng lớn, trước những cơn gió dập dồn. Để lòng ta được “gió cuốn đi” nhưng không chới với giữa đời. Ta sẽ vất vả hơn nhưng sẽ có nhiều niềm vui trước những chân trời rộng mở. Dù là cánh diều hay chim trời, cả hai đều là những nốt nhạc cao làm thỏa lòng người, làm bật lên khao khát tự do. Cả hai đều cần một điều gì đó để níu giữ để cuộc đời khỏi chới với. Ừ thì, nếu là chim ta cần có đôi cánh, nếu là diều ta cần thêm sợi dây.
Phiên khúc hai có cùng giai điệu như phiên khúc một, nhưng lời của nó hoài niệm hơn, xa xôi hơn. “Đã xa rồi cánh diều tuổi thơ…”. Giờ thì ta biết ước mơ hướng ta đến đích, nhưng rồi chính ta cần bước đi. Đôi lần ta thấp thỏm, hoặc quá bám vào ước mơ mà dừng lại, hoặc quá bám vào hiện tại mà quên mất tương lai. Dù thế nào đi nữa, xin hãy cho ước mơ ngân lên để đón gió vào hồn, để hát tiếp điệp khúc tự do.
Mark Minh Trị, S.J.