CẢM THỨC VỀ NỖI ĐAU
Không thể có một lòng trắc ẩn thật sự mà không có nhiều nước mắt. Có thể chúng ta sẽ không thấy những giọt nước mắt xuất hiện trên khuôn mặt một ai đó, nhưng không có nghĩa là không có những giọt lệ trào tuôn từ trái tim họ. Đã là con người thì không thể không tránh khỏi những giây phút dường như bị nghiền tán trong hoài nghi, đau khổ và sự cô độc. Một trong những cảm thức về nỗi đau sâu thẳm hơn cả nơi con người bắt nguồn từ sự hiểu lầm. Điều tôi muốn nói đến ở đây, là sự hiểu lầm bất công nhất mà loài người đã dành cho Đấng Chịu-Đóng-Đinh trên Thánh Giá!
Cho đến hôm nay, đã hơn 20 thế kỷ qua, cảm thức về nỗi đau tột cùng ấy vẫn khiến nhân loại day dứt khôn nguôi! Có thể nói, “cơn hấp hối” của Chúa Giêsu trong vườn Giêtsemani và cơn cám dỗ do ma quỷ trên núi 40 ngày chay giới, có lẽ là những mầu nhiệm bí ẩn và kinh hãi hơn cả trong cuộc đời Chúa Cứu Thế” ( Tin Mừng Về Đau Khổ – Lm. E. Hocedez, S.J).
Còn nơi cuộc đời mỗi người chúng ta thì sao? Đâu là những khoảnh khắc hãi hùng mà nhân loại đã từng đương đầu? Đâu là những giờ phút khắc khoải mà con người phải đối diện và tranh đấu? Có ai đau khổ hơn người đã bước ra ngoài những ranh giới được chấp nhận? Một tù nhân mang án tử hình, một kẻ lang thang sống ngoài vòng pháp luật, cho đến những người nghèo sống vất vưởng bên lề xã hôi, hay những kẻ đang vật vã vì cơn “ đói thuốc”…Thế nhưng, chưa từng ai đã có được một cảm thức về nỗi đau giống như Chúa Giêsu đã từng cảm nhận. “Bấy giờ, có thiên thần từ trời hiện ra an ủi Người đang lâm cơn hấp hối. Người cầu nguyện tha thiết hơn, và mồ hôi Người chảy ra như những giọt máu rơi xuống đất” ( Lc 24, 43-44). Cơn hấp hối (Agonie) theo nguyên ngữ Hi Lạp – có nghĩa là sự cố gắng tuyệt mức của một lực sĩ trong hí trường, được áp dụng cho cuộc đối kháng cuối cùng của con người với sự chết. Và chúng ta có thể hình dung trong tâm trí mình, nỗi đau của Đấng đang gánh lấy tội lỗi của cả nhân loại – nơi bài giảng của một Linh mục ngày thứ sáu Tuần Thánh, đó là “sự buồn bực làm cho tâm hồn không muốn sống, coi thời gian như một khối nặng; sự lo sợ làm đảo lộn tâm hồn trước viễn ảnh nhiều khốn khó sắp đổ sập xuống; sự ưu phiền phủ xuống một màn tang tóc và sự suy nhược làm mất hết nhuệ khí”…
Kinh nghiệm thường cho thấy, con người ta khó mà hoàn toàn tự chủ trong khi bị bệnh tật làm suy nhược, hay khi bị mê man vì quá đau đớn trong thân xác. Còn đối với Chúa Giêsu, tối tăm càng dày đặc, buồn phiền càng gia tăng, thì lời van xin của Chúa càng trở nên tha thiết: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con mà xin theo ý Cha” ( Mt 26, 39b). Như thế, “bất kể con người đang ở chỗ nào trong cuộc hành trình thiêng liêng, họ sẽ vẫn phải đương đầu với sự chia rẽ nội tâm, và với cảm giác như sắp bị các thế lực độc lập với ý chí của họ cuốn trôi mọi cố gắng” (Là Người Trọn Vẹn, Thiên Chúa Trọn Vẹn – Michael Casey). Tôi muốn nói đến khoảng trống khủng khiếp do nỗi đau tạo nên nơi tâm hồn một con người. Quả thật, chỉ khi chúng ta trải nghiệm đến tận cùng nỗi đau của thân phận con người – nơi không còn gì để mất – thì chúng ta mới có khả năng thấu cảm nỗi đau của người khác. Giống như Chúa Giêsu, việc gánh lấy tội lỗi của cả nhân loại khiến Ngài bị thương tổn bởi những người bị tổn thương. Nhưng Ngài sẽ không bao giờ quay lưng khỏi họ, hay để họ rời Ngài trong đau đớn. Vì chính Ngài đã từng kinh qua nỗi sợ này: “Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa tôi! Cớ sao Chúa bỏ tôi?” (Mt 27, 46).
Cảm thức về nỗi đau – không đơn giản chỉ đề cập đến lòng trắc ẩn của con người, nó còn mang chiều kích tâm linh sâu xa hơn thế nữa, khi nó muốn nói đến một vết xoáy vào tâm khảm của con người, khiến họ thực sự ý thức về nỗi đau đã tạo nên những cảm xúc nơi chính mình. Giống như nỗi đau khi tôi để cho tội lỗi của tôi và của thế gian xuyên qua trái tim tôi làm cho tôi phải khóc nấc lên, khóc rất nhiều; khi tôi nghĩ đến thảm trạng của các tội nhân, họ như những con chiên đi lạc vào vùng vô định của tham lam, thô bạo, giận dữ, hận thù…Khi tôi nhìn những chuyện này với cặp mắt của trái tim Thiên Chúa, tôi không khỏi đau đớn và rên xiết vì buồn phiền, nhất là trong thời khắc của ân sủng này – những tuần Chay Thánh theo Luật Giáo Hội – tôi thiết nghĩ, nếu mỗi chúng ta biết dành thời gian, kinh nghiệm và sự cởi mở đối với nỗi đau của tha nhân, thì điều đó sẽ làm cho cảm năng của chúng ta bén nhạy hơn, trước những nhu cầu sâu xa nhất nơi người anh chị em mình. Đó cũng là ý nghĩa làm người của mỗi con người – được nên “ đồng hình đồng dạng” với Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Ki-tô.
Têrêsa Âu Thị Phương Anh
Tập Viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức