Cám Ơn (Chúa Nhật 28 Thường Niên_C)

91

camonMột trong những tiếng được kể là đẹp nhất trong kho tàng ngôn ngữ con người, từ đông sang tây, từ bắc tới nam, tức là khắp mọi nơi. Một tiếng rất ngắn nhưng đưa đi rất xa, nếu chúng ta biết sử dụng nó một cách trọn vẹn, chân tình. Đó là tiếng “cám ơn”. Nhưng trong thực tế, dường như người ta còn quá dè dặt và tiết kiệm tỏ lòng biết ơn nhau và cám ơn nhau.

Bài Tin Mừng Chúa Giêsu lưu ý chúng ta về lỗ hổng trầm trọng ấy. Chúa đã làm phép lạ chữa lành cho cả mười người phong cùi. Thế là họ ra đi sung sướng, thỏa mãn, chỉ có một người nghĩ tới việc trở lại cám ơn Chúa. Chúa hỏi người ấy: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?” Chỉ là vì họ quên cám ơn. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta quên: cố tình quên hoặc vô tình quên như thế.

Có phải chúng ta vẫn thường coi việc người khác làm cho chúng ta hay phục vụ chúng ta như là những chuyện đương nhiên, những việc họ phải làm? Chẳng hạn khi có người lưu ý một ông giám đốc hay một ông chủ về sự tận tâm của người thừa hành hay người giúp việc, thì các vị này đã tỉnh bơ trả lời: “Họ đã được trả lương để làm việc ấy mà”. Người ta trả tiền công và tưởng thế là sòng phẳng.

Chúng ta nên suy nghĩ tới đức bác ái Kitô giáo, tới tình người được gói ghém trong tiếng “cám ơn”, dù khi đã trả tiền công. Thực vậy, có biết bao nhiêu chuyện mà người ta không thể thanh toán được bằng tiền bạc, nhưng bằng một nụ cười, một thoáng quan tâm, một tiếng cám ơn. Những người bán hoa đã viết một biểu ngữ trước quầy hàng của họ thế này: “Hãy diễn tả tâm tình của bạn bằng những bông hoa”. Cũng vậy, chúng ta phải diễn tả tâm tình của mình ra nhờ những cái gì khác hơn là tiền bạc, hoặc cả tiền “puộc boa”, tiền trà nước, đó là lời cám ơn. Có cả một nghệ thuật bày tỏ lòng tri ân mà chúng ta phải tập để biết sử dụng hợp thời, đúng lúc và tinh tế khéo léo.

Chúng ta phải biết cám ơn những người sống chung quanh mình, bắt đầu từ những người gần gũi nhất, đó là những người trong gia đình. Người ta nói: hạnh phúc của mái gia đình tùy thuộc một phần không nhỏ vào bổn phận nhớ ơn nhau. Cuộc sống của chúng ta được dệt thành bởi trăm ngàn điều nhỏ mọn chẳng đáng kể gì, thế mà hạnh phúc gia đình phần lớn lại lệ thuộc vào những điều chẳng đáng kể gì đó, là tiếng “cám ơn” bé nhỏ nói cho đúng lúc.

Thực vậy, hạnh phúc thay gia đình nào có những người con biết nói cám ơn người cha người mẹ vẫn tận tâm tận lực lo lắng cho chúng và suốt ngày tảo tần mưu ích cho chúng. Và cũng thật hạnh phúc cho gia đình nào người chồng biết nói cám ơn đối với người vợ và người vợ biết nói cám ơn đối với người chồng. Tiếng cám ơn người chồng nói với người vợ đáng giá hơn tất cả mọi thứ vật chất, vì nó chứng tỏ người chồng lưu ý tới những gì người vợ làm cho mình. Cũng vậy, tiếng cám ơn người vợ nói với người chồng sẽ động viên cho ông thêm nghị lực, thêm can đảm, thêm sức mạnh để hăng say với công việc đều đều cực nhọc vất vả hằng ngày.

Sau hết nhưng trước hết và trên hết, chúng ta phải biết cám ơn Thiên Chúa, vì tất cả những gì chúng ta đang có, đang sử dụng: về ngôi nhà đang che chở chúng ta, cái bàn kia, cái giường ấy, chiếc tủ này, những quyển sách đó, cái đèn đang cháy sáng kia, những người bạn chúng ta gặp tình cờ trong cuộc sống, và hàng trăm hàng ngàn điều khác đang ở trong tầm tay chúng ta… Chính Thiên Chúa ban cho chúng ta những điều ấy xuyên qua những nguyên do phụ thuộc. Vì thế, chúng ta phải luôn dâng lên Thiên Chúa tâm tình cảm tạ tri ân như đối với nguyên nhân tối hậu, từ đó phát xuất ra mọi điều thiện hảo cho chúng ta.

Có một người cha trong gia đình đã ghi lại câu chuyện và những ý nghĩ sau đây: Một đêm kia, trong lúc đang đọc báo, tôi nghe đứa con gái bé nhỏ của tôi nói: “Bố ơi, con sẽ đếm xem trên trời có bao nhiêu ngôi sao nhé”. Sau đó, tôi nghe giọng nói êm đềm của con tôi bắt đầu đếm 1,2,3,4… Rồi tôi chăm chú vào việc đọc báo, không để ý đến tiếng con tôi đếm các ngôi sao nữa. Đến khi đọc xong bài báo, tôi chú ý lắng tai và nghe tiếng nó vẫn tiếp tục đếm 123, 124, 125…Đến đây nó bỗng ngừng lại, không đếm nữa, rồi quay sang nói với tôi: “Bố ơi, con không dè trên trời lại có nhiều sao đến thế”. Nghe con gái nhận xét như vậy, tôi chợt nhớ là thỉnh thoảng tôi cũng âm thầm nói với Chúa: “Chúa ơi, để con thử đếm xem con đã nhận lãnh bao nhiêu ơn lành Chúa đã ban”, và càng đếm, trái tim tôi hình như càng cảm thấy thổn thức, không phải vì âu sầu mà vì bị quá nhiều hồng ân Chúa đè nặng. Rồi tôi cũng thường phải thốt lên như con gái tôi: “Lạy Chúa, con không dè đời con lại có quá nhiều hồng ân của Chúa đến thế”.

Hôm nay, mỗi người chúng ta hãy nhìn lại thời gian đã qua, nghĩ lại quá khứ cuộc đời mình và gia đình mình: có phải chúng ta đã lãnh nhận được rất nhiều ơn lành của Chúa mà rất ít khi chúng ta để ý cám ơn Chúa và tri ân Ngài không? Đó là một thiếu sót lớn lao đấy. Cuộc đời chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa, từ mọi người thực là nhiều: từ một đồng bạc đến một sản nghiệp, từ một nụ cười đến một tình thương, từ một lời chào đến những lời an ủi, khích lệ, trao đổi, gặp gỡ… tất cả và bất cứ sự gì chúng ta lãnh nhận được đều là những viên gạch xây dựng đời chúng ta và gia đình chúng ta. Nên chúng ta phải luôn tạ ơn Chúa và cám ơn mọi người. Tạ ơn Chúa là chúng ta đem các ơn mình đã lãnh nhận được trình bày với Chúa, để rồi Chúa sẽ ban lại nhiều hơn, như người ta thường nói: “Một lần cám ơn là hai lần xin ơn”.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết sống trong tâm tình tạ ơn Chúa như thánh Phaolô đã khuyên bảo giáo dân Côlôsê: “Anh em hãy luôn sống trong tâm tình tạ ơn Chúa và biết ơn Chúa”. Đồng thời, chúng ta cũng phải luôn biết cám ơn mọi người, vì có thể nói, tất cả những người có liên hệ xa gần với chúng ta, đều là những ân nhân của chúng ta.

Sưu tầm