Cám ơn

744

Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17).

“Cám ơn” là câu nói ngắn gọn, khá phổ biến và quen thuộc mà bất cứ ai cũng có thể nói được. Thế nhưng, không phải mọi người đều nói lời cám ơn một cách chân thành, đúng lúc, đúng chỗ. Chẳng hạn như câu chuyện mười người phong hủi được khỏi bệnh mà chỉ có một người ngoại bang trở lại cám ơn Thiên Chúa.

Một lần kia tôi nghe có người phàn nàn với tôi. Mấy đứa nhỏ đó chúng thật là vô ơn. Lúc chúng gặp khó khăn không có chỗ ở, không có việc làm bác đã cho chúng ở nhờ, tìm việc cho chúng làm. Đến khi chúng có công ăn việc làm ổn định chẳng thấy mặt mũi đứa nào về thăm bác cả. Thỉnh thoảng chúng gọi điện hỏi thăm rồi gửi một chút quà biếu bác nhưng những thứ đó bác đâu cần. Điều bác mong muốn là chúng ghé về thăm bác. Nói tới đây bác nghẹn ngào nước mắt… Tôi ôm bác vào lòng. Trái tim tôi thổn thức vì tôi chợt nhận ra có lúc tôi cũng là một trong những đứa trẻ sống dửng dưng vô ơn như thế.

Tục ngữ có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Có thể thấy, lời cảm ơn tuy là lời nói giản dị nhỏ bé nhưng lại mang đến nhiều ý nghĩa. Cuộc đời trôi qua sẽ thật tẻ nhạt biết bao nếu những giá trị tinh thần, những nét đẹp yêu thương không được giữ gìn và nhân rộng. Tôi rất ngưỡng mộ Ông gióp. Cuộc đời ông đầy những đau khổ, thử thách, tưởng chừng như chẳng còn gì để sống. Vậy mà ông vẫn một lòng cậy trông, tin tưởng vào Thiên Chúa. Bấy giờ ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Chúa! Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa.” (G 1, 20-22). Vì thế, trong mọi hoàn cảnh dù thuận lợi hay bất thuận lợi mà chúng ta vẫn sống với lòng biết ơn thì đó mới chính là ta đang sống trong tình yêu của Chúa. Tất cả những khó khăn thử thách mà chúng ta gặp phải, những lời góp ý dù khó nghe, những người ta gặp không mấy thiện cảm họ đã làm tổn thương ta tưởng chừng như chẳng giúp ích gì cho cuộc đời ta. Nhưng thật ra qua những biến cố đó ta lại học được một bài học nào đó. Vậy tại sao ta lại khó chịu. Hãy cảm ơn vì tất cả những điều bất như ý xảy đến vì nhờ đó mà ta biết mình, hiểu người khác.

Một người được xem là trưởng thành, sống hạnh phúc điều này không phu thuộc vào tài năng, sự giàu có, thành công hay địa vị nhưng là người biết sống với lòng tri ân. Chỉ khi có lòng biết ơn bạn mới thật sự trở nên có giá trị. Qua một lời nói cảm ơn người ta có thể đánh giá được nhân cách của bạn và đánh giá được trình độ văn hóa, nền giáo dục của gia đình và cả xã hội. Thử tưởng tượng nếu một ngày thế giới này mọi người không còn nói cảm ơn nhau thì thế giới này sẽ như thế nào? Con người sẽ vô cảm hơn. Họ sẽ thấy cuộc sống này chỉ nên sống cho mình không cần phải nói cảm ơn với bất kỳ ai cũng như không cần giúp đỡ ai. Mối quan hệ của con người cứ thế mà lỏng lẻo dần. Cuộc sống như vậy còn đâu là ý nghĩa?

Đừng ngần ngại nói 2 từ “cảm ơn” cả đối với những việc nhỏ nhé. Chính lời cảm ơn giúp chúng ta sống hạnh phúc, nắm bắt được giá trị cuộc sống là gì, tạo mối tương quan gần gũi giữa người với người, giúp khoảng cách giữa giàu và nghèo, giữa người tốt và người xấu…sẽ dần mất đi và góp phần làm cho thế giới thêm tốt đẹp hơn.

Sr. Anna Nguyễn Thị Khiêm, MTG Thủ Đức