Theo hơi gió bấc gờn gợn thổi, vạn vật đều co ro run rẩy trong cơn giá buốt mùa đông. Nhưng lạ thay, hồn người không rét cóng theo thời tiết, trái lại như rộn ràng bừng ấm hẳn lên: Noel lại về! Khắp nơi, các xứ đạo hân hoan tưng bừng chuẩn bị đón mừng ngày Chúa giáng thế: Thánh đường được trang hoàng lộng lẫy, những máng cỏ hang lừa được dựng lên khắp mọi phố, nhạc giáng sinh thánh thót vang vang, nhà nhà giăng đèn kết hoa, người người mừng vui rạng rỡ. Trong bầu không khí tưng bừng rộn rã ấy, tôi cũng đón Noel qua những trang văn, qua từng lời thơ, ý nhạc viết về Chúa Hài Đồng.
Trong khi đang bâng khuâng thả hồn theo từng bài thơ trong cuốn “Quê hương và tình đạo” của nhà thơ Xuân Ly Băng, tôi chợt sửng sốt với một bài thơ lạ. Vâng! Rất lạ… “Noel không có Chúa”. Ồ, Chúa đang hiện diện khắp nơi kia mà: Chúa cao sang trong thánh đường, Chúa rạng ngời trong các máng cỏ, Chúa long lanh trong đôi mắt em thơ, Chúa nhân từ trên gương mặt hiền hòa phúc hậu của ông già bà lão, Chúa đang nở hoa trong lòng người rộn rã…
Thế thì, “Noel không có Chúa” phải chăng là lời than của kẻ sầu đau tuyệt vọng đang ảo nảo cất lên, hay là lời khinh bạc, chối bỏ Chúa của kẻ vong mạng kiêu hãnh nào đó. “Không ! Hãy bình tâm lại, rồi từ tốn đọc và suy ngẫm, ắt hẳn thi nhân đang khắc khoải ký gửi nỗi niềm, đang trăn trở theo từng câu chữ đây, bài thơ trên được viết ra với ẩn ý sâu xa gì chăng?”. Tôi tự nhủ thầm, rồi cố dẹp nỗi sững sờ, cố dằn sự xao xuyến xuống, và ý thơ mênh mang dần dần thâm nhập và thắp sáng tâm trí tôi, xua tan sự hồ đồ nông nổi của cảm nhận ban đầu.
“Noel không có Chúa” là bài thơ dài, viết theo thể tự do, bằng ngôn ngữ thơ lạ. Bài thơ lại mở đầu bằng những câu thơ thật đột ngột, thật nghịch lý, thật chói tai, dễ gây ấn tượng choáng váng sửng sốt cho người đọc, như người đi đêm gặp phải luồng sáng chói lòa chiếu thẳng vào mắt, nhưng khi đã bình tâm đọc và suy gẫm chín chắn thì những câu thơ tưởng như là nghịch lý ấy lại khắc họa một suy tư sâu sắc.
Noel:
Chúa đâu ở trong đền thờ
Ngài nằm nơi cổng đền thánh
Cao quá đối với Ngài
Vì Ngài không bằng viên đá thấp nhất
Sang quá đối với Ngài
Vì tất cả Ngài
Giá không bằng vòng xích sắt
Đẹp quá đối với Ngài
Vì da dẻ Ngài nhăn nheo
Không được mịn màng như màu sơn bạch tuyết
Theo Kinh Thánh Thiên chúa giáo, từ trời cao Chúa xuống thế làm người. Ngài không chọn chốn cung vàng điện ngọc lộng lẫy mà chọn máng cỏ hang lừa tồi tàn làm nơi mở mắt chào đời. Ngài không chọn mùa xuân ấm áp, mùa thu mát mẻ mà chọn mùa đông buốt giá để ngay buổi sơ sinh phải chịu trần thân rét cóng. Ngài đến trần gian không chỉ để được ngự trên đền đài sang trọng, nhận lấy sự phủ phục tung hô mà còn đến để hạ mình cam chịu làm kẻ bé mọn nhất trong tất cả những kẻ bé mọn, cho bao kẻ thấp hèn được an ủi, cho nỗi đau nhân thế được xoa dịu. “Và kìa, có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13, 30). Ngài chấp nhận vòng xích sắt, đinh câu rút và cây thập giá khổ hình như một kẻ tội đồ, rồi phải đổ máu ra, để loài người – những kẻ tội đồ, được cứu chuộc ra khỏi chốn khách đày. “Vì Con Người đến để cứu cái gì đã hư mất” (Mt 18,II).
Chào đón Đấng cứu thế giáng sinh, khắp nơi tưng bừng rộn rã. Đêm Noel tưng bừng hoan lạc, tiệc réveillon cuồng nhiệt mê say, tiếng ly cốc chạm nhau hể hả, tiếng nhạc vang lừng, rượu bia tuôn chảy. Trong khi đó, Chúa đang hiện hữu trong thân phận kẻ lưu lạc không nhà, tứ cố vô thân, đang bơ vơ thất thểu lê gót trên hè phố, trong mưa phùn gió bấc căm căm, sau khi bị đánh đập vì bới tìm mẫu xương thừa nơi đống rác nhầy nhụa để có chút gì dằn bụng qua cơn đói khát cồn cào. Thật trớ trêu thay, chúng ta đang chào đón Chúa, nhưng Chúa đang đói cơm rách áo, đang cô đơn lang thang cơ nhỡ trong đêm đông mờ mịt, vẫn không được ai đoái hoài thương tưởng.
Noel:
Chúa đâu ở đền thờ
Ngài đang nằm trên hè phố
Mưa gió bơ vơ
Nghe nhạc rượu say sưa
Và tiếng ly chén loảng xoảng
Ở một tầng lầu cao trên đầu Ngài
Làm Ngài tưởng nhớ
Hình ảnh một đống rác nham nhở
Ở ngoại ô
Và Ngài bị đánh
Vì một mẫu xương khô
Trong bài thơ “Noel không có Chúa”, Chúa không chỉ hiện thân qua hình ảnh người cô lữ đói rách đêm đông, Chúa còn hiện hữu khắp nơi qua hình ảnh người cùng khổ, qua những mảnh đời đau thương: Đứa trẻ sơ sinh bị người mẹ khốn khổ vất bỏ trên cống rãnh tanh hôi – Bầy trẻ mồ côi đã bị mất cha lại phải não nùng khóc tang mẹ trong nghĩa trang chiều ảm đạm – Người thương binh bị vợ ruồng bỏ, chống nạng lê la hè phố, cùng đứa con côi hát dạo, ngửa tay nhận bố thí của khách qua đường – Những kiếp người lầm than chui rúc dưới gầm cầu, chen chúc trong khu nhà ổ chuột, đội nón mê lặn lội dưới bùn sâu… Chúa còn hiện thân qua hình ảnh cụ già đang quỳ dưới đáy đền thờ, Ngài đang rét run cầm cập trong manh áo đơn rách nát, trong khi dòng người dự thánh lễ đang ấm áp với những bộ quần áo rực rỡ thời trang trăm hồng nghìn tía. Cụ già đáng thương lại phải lập cập tránh lối cho khỏi bị tuôn ngã, khi dòng người xô đẩy lúc tan lễ về ; cụ còn tủi thân lo buồn khi cháu bé thơ ngây thức dậy khóc đòi quà Noel mà cụ thì tay trắng vẫn hoàn trắng tay.
Noel:
Chúa đâu ở trong hang đá
Ngài đang quỳ đó
Ở dưới đáy đền thờ
Bên anh và bên tôi
Ngài đã già cả
Rét run quần áo tơi tả
Ngài đang lo chốc nữa lễ hết rồi
Chống gậy lối nào cho xe người ta đừng tuôn ngã
Và đứa cháu thức dậy đòi quà
Biết lấy gì cho nó
Bài thơ “Noel không có Chúa” có giọng thơ đượm buồn, một nỗi buồn khắc khoải suy tư, một nỗi buồn thấm đẫm rồi nhỏ giọt theo từng khổ thơ, giọng thơ tuy buồn nhưng không quá bi lụy não nùng đến bế tắc vô vọng. Trái lại, nỗi khắc khoải, niềm suy tư dằn vặt ấy lại có tác dụng tích cực như một hồi chuông gióng giả làm thức tỉnh cơn mê muội của tín hữu Thiên chúa giáo và độc giả thiện tâm.
Rồi đây, liệu có ai giật mình chăng, khi nhớ đến lời Chúa: “Vì xưa ta đói, các ngươi không cho ăn. Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom” (Mt. 25, 42-43). Có lẽ, do vô tâm, do thờ ơ lạnh lùng, do chai sạn cõi lòng nên con người phàm tục mờ mắt không phát hiện ra Chúa nơi người anh em khốn khổ; nên e rằng, rồi cũng có lúc ấp úng thốt lên: “Lạy Chúa, có bao giờ con đã thấy Chúa đói, khát hoặc là khách lạ hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù mà không phục vụ Chúa đâu” (Mt. 25, 46). Vâng, Chúa đâu ở trong đền thờ, Ngài cũng không ở trong hang đá, vì chính Ngài đã thốt lên: “Ta chỉ muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mc. 9, 13). Mỗi tín đồ Thiên chúa giáo đều khát khao mơ ước được hội ngộ với Chúa để sung sướng được nhận lãnh ân phúc từ tay Ngài ban cho, nhưng để gặp Chúa, sao chỉ cứ dõi mắt mê mải kiếm tìm Ngài trong hào nhoáng phù vân, trong phồn hoa tạm bợ. Để gặp Chúa, sao cứ đi hoài trên con đường rộng thênh thang, thẳng tắp, bằng phẳng, trong khi Chúa chỉ có mặt trên con đường hẹp chênh vênh gập ghềnh mà thôi; sao không trải lòng ra mà thương xót, vỗ về, đùm bọc người anh em khốn khổ đang quằn quại đau đớn kia? Sao không rộng mở lòng để sống chan hòa với nhau…
Nếu không gặp Ngài trong tối tăm
Chẳng bao giờ thấy Ngài trong ánh sáng
Nếu không gặp Ngài trong nghèo khổ
Chẳng bao giờ thấy Ngài trong cao sang
Nếu không gặp Ngài ở dưới đất
Chẳng bao giờ thấy Ngài cõi thiên đường
Bài thơ “Noel không có Chúa” chính lại là lời phản biện rất hùng hồn: Không! Noel luôn có Chúa. Chúa hiện hữu đời đời, Chúa hiện hữu muôn nơi. Ngài không chỉ hiển hiện trong đền thờ, trong hang đá mà Ngài còn ẩn thân nơi bùn lầy nước đọng. Ngài náu mình trong dòng đời lầm than cơ cực. Ngài biến hình trong lốt kẻ bị đọa đày khổ ải. Và, những ai kiếm tìm Chúa, nhưng suốt đời mãi mãi sẽ không gặp Ngài. Nếu họ vẫn cứng lòng chai mặt không đoái hoài thương xót, cưu mang những người anh em khốn khổ đang quằn quại rên xiết chung quanh, hoặc cứ một mực rẻ coi khinh, bởi: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này, quả thật, thầy nói cho anh em biết: Các thiên thần của họ trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan cha thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt. 18, 10).
Noel:
Chúa đâu ở trong đền thờ
Ngài cũng không ở trong hang đá
Ta tìm Ngài và muôn năm không gặp Ngài
Nếu lòng ta không mở
Cho những ai thiếu ánh sáng mặt trời
Lây lất trong những mảng đời u thảm
Của một xã hội thừa súng đạn thiếu bánh cơm./.
La Thụy