CẢM NGHIỆM
THỰC TẬP TÔNG ĐỒ MIỀN TÂY
Nhớ về miền Tây, trong tâm trí tôi hiện ra những kỷ niệm của chuyến đi thực tập tông đồ vừa qua. Nhớ rất nhiều những hàng dừa xanh nghiêng bóng, những giọng ca vọng cổ rất buồn, và cả những câu hát vấn vương lòng người: “Nhắn ai đi về, miền đất Phương Nam, trời xanh mây trắng, con đò nhỏ mênh mang…”
Hai Tập sinh chúng tôi được Dì giáo gửi đi thực tập tông đồ tại xứ đạo Vị Tín, thuộc giáo họ Vị Thanh – Hậu Giang. Chúng tôi có dịp đi thăm những người già neo đơn, người bệnh tật, người lương dân và người nghèo. Mỗi người mỗi cảnh, mỗi gia đình mỗi vấn đề. Nỗi khổ đau của họ quá nhiều! Có người vợ bày tỏ về căn bệnh của chồng mình với chúng tôi bằng những giọt nước mắt. Có bà mẹ chia sẻ rằng bà đã chăm đứa con bị chất độc màu da cam 35 năm rồi và bà chưa giây phút nào rời con… Chứng kiến cuộc sống của họ, lời nguyện cầu của tôi cho đến hôm nay mãi không thôi day dứt và hy vọng: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ” (Kh 21, 3-4).
Đợt thực tập tông đồ chỉ vỏn vẹn một tháng, nhưng dường như tôi được “đụng chạm” đến trải nghiệm của Chúa Giêsu xưa kia, khi Người nhìn đám đông mà “chạnh lòng thương vì họ bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt” (Mc 6, 34). Tôi tin rằng Chúa đã mượn cánh tay Cha sở và Cha phó ở đây để mời gọi và giúp đỡ những người lương dân. Tôi cảm nhận tình thương của các cha dành cho những người mới “mon men” đi tìm Chúa này rất sâu sắc. Các cha như những vị mục tử nhân lành, tận tình vun trồng chăm sóc niềm tin đơn sơ của người tân tòng và giúp họ tìm đến với Chúa.
Một buổi chiều, tôi đang cầu nguyện trong nhà thờ, bỗng có nhóm người dự tòng tiến vào. Họ đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa. Khi nguyện kinh Lạy Cha, họ giang tay thành kính, bày tỏ niềm tín thác cậy trông. Hiệp thông với họ, tâm hồn tôi nhẹ nhõm và sâu lắng lạ thường. Tôi say niềm tin đơn sơ con thảo của họ.
Khi đến với các em thiếu nhi lương dân và các em thuộc xứ đạo qua các giờ giáo lý, tôi nhận thấy sự đơn sơ, dễ thương, gần gũi của các em. Ngắm nhìn các em vui chơi, tôi cảm tạ Chúa vì niềm tin Ngài hun đúc trong các em, và tình thương của Ngài diễn tả qua sự chăm sóc, dạy dỗ của các Cha, các Dì, các anh chị giáo lý viên. Các em là tương lai Nước Trời.
Xa nơi ấy, tôi cảm thấy rất nhớ những cuộc trò chuyện vui đùa, những nụ cười cũng như giọng nói miền Nam ngọt ngào của các em. Trở lại nhà Tập rồi, mà trong lòng tôi vẫn vấn vương câu hát: “Làm sao quên được nơi đây tiếng ca tiếng cười những lúc vỗ tay reo hò. Làm sao quên được nơi đây…”
Như Phượng – Hồng Thu
Tập Viện – HD Mến Thánh Giá Thủ Đức