Cám dỗ là gì? Từ điển Wikitionary định nghĩa: “Cám dỗ là khơi dậy lòng ham muốn đến mức làm cho sa ngã”. Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam (Nguyễn Lân, NXB TPHCM, 1998) định nghĩa: “Cám dỗ là tìm mọi cách quyến rũ làm việc gì không hay”.
Dù định nghĩa thế nào thì vẫn cho thấy sự cám dỗ có động lực xấu xa, trái với luân thường đạo lý, mang tính liên đới là gây hậu quả xấu cho chính mình và người xung quanh. Cám dỗ chẳng trừ ai – nam, phụ, lão ấu, dân thường hay người có chức tước. Cám dỗ cũng đa dạng và có nhiều mức độ. Khi suy nghĩ về những cơn cám dỗ của cuộc đời, cụ Tú Xương đã phải “gãi đầu” mà thốt lên:
Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà
Can đảm chống lại cơn cám dỗ là điều khó thực hiện, và chừa được tật xấu nào đó cũng thật là nhiêu khê. Chẳng ai nói mạnh được. Chỉ trong tích tắc cũng đủ người ta phải ân hận cả đời. Và cũng vì thế mà chúng ta cần cảm thông, yêu thương và tha thứ cho nhau.
Về sản phẩm đầu mùa, sách Đệ Nhị Luật cho biết: “Tư tế sẽ nhận lấy giỏ từ tay anh em và đem đặt trước bàn thờ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Bấy giờ, anh em sẽ lên tiếng thưa trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em rằng: Người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi” (Ðnl 26:4-6). Lúc đó, họ đã kêu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông họ; và Ngài đã nghe tiếng kêu xin của họ, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức mà họ phải chịu. Vì thế, chính Đức Chúa đã đích thân dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng để đưa họ ra khỏi Ai-cập (Ðnl 26:7-8).
Không chỉ được Thiên Chúa cứu thoát, họ còn được Thiên Chúa ban cho những thứ ngoài sức tưởng tượng:: “Ngài đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật. Và bây giờ, lạy Đức Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con” (Ðnl 26:9-10). Đó là động thái của lòng biết ơn, một động thái rất cần thiết trong cuộc sống thường nhật, với cả Thiên Chúa và với tha nhân.
Tác giả Thánh vịnh mời gọi: “Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối, hãy thưa với Chúa rằng: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài” (Tv 91:1-2). Thiên Chúa biết rõ mọi sự, ngay từ trong suy nghĩ, nhưng bổn phận chúng ta vẫn phải chân thành cầu nguyện. Nếu biết tín thác vào Ngài, chúng ta sẽ có lợi nhiều: “Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng tới nhà, bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Tv 91:10-12).
Không chỉ lợi ích về tinh thần mà còn lợi ích cả về thể lý: “Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long” (Tv 91:13). Đó là điều chắc chắn, vì chính Đức Chúa đã phán hứa: “Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì. Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên” (Tv 91:14-15). Thật là trên cả tuyệt vời!
Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Kinh Thánh nói gì? Thưa: Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin” (Rm 10:8). Lời Chúa được Giáo hội coi trọng như Thánh Thể, và cả hai đều đòi hỏi đức tin minh bạch và mạnh mẽ. Thánh nhân giải thích: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10:9-10). Như người Việt chúng ta cũng nói: “Có đầy mới tràn”, lòng có thế nào thì mới nói ra.
Kinh Thánh xác định: “Mọi kẻ tin vào Ngài sẽ không phải thất vọng” (Rm 10:11). Vì thế, không có sự khác biệt giữa người này với người kia, dân tộc này hay dân tộc nọ, người lượm ve chai hay ông giám đốc, giáo sĩ hay giáo dân,… vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Ngài. Tắt một lời: “Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát” (Rm 10:13). Đó là lời hứa tuyệt đối!
Thánh sử Luca kể: Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Ngài được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Ngài không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, theo nhân tính, Ngài cũng cảm thấy đói.
Vật chất là một trong những thứ cám dỗ mạnh nhất, đặc biệt là thực phẩm khi người ta đói ngấu. Chẳng vậy mà người ta có thể liều mạng mà cướp giật thực phẩm của người khác và ăn ngấu nghiến, danh dự lúc này cũng chỉ là “chuyện nhỏ”. Điều đó cũng cho thấy bản năng sinh tồn của con người rất mạnh.
Bấy giờ, quỷ nói với Chúa Giêsu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” (Lc 4:3). Nhưng Đức Giêsu “phang” ngay: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4:4).
Thua keo này, nó bày keo khác. Nó đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó “dụ” Ngài: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4:6-7). Nhưng Đức Giêsu nói thẳng: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Lc 4:8).
Trong cuộc sống đời thường chúng ta cũng thường gặp những “bả” vinh hoa và lợi lộc, thế nên kẻ nào “yếu bóng vía” là dính líu vào vụ tham nhũng này, hối lộ kia, hoặc làm giấy tờ khống để lừa bịp và ăn chặn của người khác. Trong các đoàn thể cũng không phải không có “bả” này, vì thế mà người ta hay “lên mặt” vì có chức danh nào đó, vì thế mà người ta muốn “ra lệnh” hoặc muốn chứng tỏ mình là người “hét ra lửa”. Ngay trong các giáo phận, giáo xứ, chủng viện và tu viện cũng không loại trừ! Nói chung, ai cũng muốn mình phải là “số dzách” (số một, number one).
Chưa hết, sau 2 lần thua cuộc, quỷ lại đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Ngài trên nóc Đền Thờ, rồi “khoe mẽ” và “nổ tung” tới chín tầng mây: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Lc 4:9-11). To gan thật! Nhãi ranh mà dám thách thức Thiên Chúa.
Và rồi Đức Giêsu nghiêm nghị đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4:12). Thế là quỷ cũng đành “bó tay”, hết cách xoay xở hòng cám dỗ Ngài. Nó lủi thủi bỏ đi, nhưng “cay cú” lắm, nên nó vẫn rắp tâm mưu mô ranh mãnh là “chờ đợi thời cơ” (Lc 4:13).
Thế gian, xác thịt, và ma quỷ. Đó là ba kẻ đại thù. Không lúc nào hết những cơn cám dỗ trên đường lữ hành trần gian này. Cám dỗ như những con sóng ngoài biển khơi, không sóng lớn thì sóng nhỏ, không sóng cồn thì sóng ngầm, chứ biển chẳng bao giờ hết sóng, ngay cả những lúc chúng ta thấy biển có vẻ êm ả nhất. Vì thế mà luôn cần phải tỉnh thức và cầu nguyện: “Hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14:38).
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp chúng con luôn can đảm chống trả mọi chước cám dỗ bất kỳ lúc nào. Xin giúp chúng con luôn tỉnh thức và theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Lạy Sư Phụ Giêsu, Ngài đã chiến thắng tất cả để làm gương cho chúng con, xin giúp chúng con hiên ngang và vững bước theo Ngài mọi nơi và mọi lúc. Xin cậy nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của chúng con. Amen.