Nhà khoa học lừng danh thế giới Einstein đã viết: Ego = 1/Knowledge tạm dịch là cái tôi của con người sẽ tỷ lệ nghịch với kiến thức của người đó.
Theo tôi nghĩ đây là vấn đề mà mỗi người chúng ta chắc hẳn ai cũng ít nhất một lần quan tâm đến. Vì ai cũng muốn mình sẽ có thể sống tốt, sống hòa nhập với mọi người xung quanh và hơn thế nữa ai cũng muốn mình được nể trọng và tôn kính. Nhưng lắm lúc chính nó – cái tôi của chúng ta khiến chúng ta mất đi bạn thân, ấn tượng xấu với đồng nghiệp rồi người xung quanh không hài lòng về chúng ta.
Vậy cái tôi của bạn nó như thế nào? Nó nên to hay nhỏ là tốt nhất?
Mỗi người chúng ta từ lúc sinh ra đến chết đi ai cũng mang trong mình một cái tôi, nó lớn hay nhỏ, tốt hay xấu tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Theo triết học cái tôi chính là đặc tính để phân biệt tôi với những người xung quanh. Mỗi người trên thế giới này đều tưởng chừng là giống nhau. Gần gủi nhất chính là những anh chị em song sinh cùng trứng, họ là những người rất giống nhau như hai giọt nước nhưng chính cái tôi của họ sẽ giúp chúng ta phân biệt họ.
Trong phân tâm học, cái tôi là phần cốt lõi của tính cách liên quan tới thực tại và chịu ảnh hưởng của tác động xã hội. Cái tôi được hình thành ngay từ khi con người sinh ra và qua tiếp xúc với thế giới bên ngoài, cái tôi học cách cư xử sao cho kiểm soát được những ham muốn vô thức không được xã hội chấp nhận. Cái tôi có vai trò trung gian hòa giải giữa những ham muốn vô thức và những tiêu chuẩn nhân cách và xã hội. Cái tôi của bạn nó sẽ lớn lên từng ngày theo quá trình sống của bạn.
Khi bé, cái tôi của bạn đã bắt đầu xuất hiện, bạn có thể bị người lớn la rầy nhưng thường trẻ con sẽ không để bụng những điều này. Chúng quên đi rất nhanh và không giận dõi ai vì bất cứ điều gì. Nhưng khi bước vào giai đoạn tích lũy kiến thức, nhận thức và trưởng thành thì con người ta càng trở nên khó chịu hơn. Một khi có bạn bè của chúng ta có thành tích cao hơn chúng ta thì phần lớn lại tỏ ra khó chịu và ganh tỵ. Chúng ta không thật sự thoải mái để vui mừng chia sẻ niềm vui với bạn của chúng ta.
Tôi có xem bộ phim “Ba Chàng Ngốc” một phim có tính giáo dục của Ấn Độ, tôi còn nhớ câu này của hai nhân vật trong phim khi họ xem kết quả thi: “Khi bạn chúng ta trượt chúng ta buồn nhưng khi biết bạn chúng ta là người đứng đầu chúng ta lại càng buồn hơn.” Đó là một phản ứng bình thường về hành vi của con người nên chắc hẳn trong cuộc đời mỗi chúng ta ai cũng một lần hay nhiều lần bắt gặt được cảm xúc này. Một cái tôi ích kỷ trong mỗi chúng ta trỗi dậy, chúng ta luôn cảm thấy ấm ức, bực tức rằng tại sao là nó mà không phải chúng ta.
Hoặc khi tranh luận trong lớp học hay tại nơi làm việc khi chúng ta làm việc nhóm. Thông thường việc tranh luận như vậy thường để chứng rằng bạn đúng hoặc tôi đúng mà thôi. Ai cũng muốn giành điều đúng về phần mình và ai cũng muốn bắt người khác phải nghe lời của chính mình. Đó là lúc cái tôi của chúng ta trỗi dậy mạnh mẻ nhất, nó không chịu nghe lời của bất kỳ ai, kể cả chính chúng ta. Chính vì nó quá lớn nên chúng ta thường quên mất là bản chất của tranh luận là để tạo nên sự đồng thuận để giải quyết vấn đề mà chúng ta đang gặp phải, chứ không phải để tìm ra người đúng, người sai.
Trong tình cảm cũng vậy, cái tôi lớn lên làm cho chúng ta trở thành người cố chấp, không chịu nhún nhường nhau. Chính vì vậy có rất nhiều mối quan hệ đỗ vỡ chỉ vì cái tôi của mỗi cá nhân quá lớn. Tại sao chúng ta có thể để cho nó phá nát tất cả mọi thứ của chính chúng ta nhỉ. Chúng ta có hạnh phúc khi làm theo nó không. Chắc là không, mỗi khi chúng ta ganh tị, tranh giành, tự ái, tự ti bản thân hay tranh luận để chứng minh là mình đúng thì đó là lúc chúng ta tự tạo cho mình áp lực và nó ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Khiến chúng ta cảm thấy ức chế và mệt mỏi hơn.
Đôi khi cũng có người có kìm nén cảm xúc dằn cái tôi cá nhân của mình xuống, chúc tụng bạn mình, hạ mình trong làm việc nhóm hay nhún nhường trong các mối quan hệ. Để rồi nén nó lại theo năm tháng, đó chính là các quả bom đã được định giờ và nó sẽ phát nỗ đến khi cực điểm của sự chịu đựng. Ấy nên chúng ta đừng nên giải quyết cái tôi của chúng ta theo cách này nhé.
Tuy nhiên, chắc ai cũng thấy được mặt tiêu cực và tích cực nếu cái tôi của chúng ta được sử dụng hợp lý. Vì không ai có thể triệt tiêu nó được, mất nó chính là mất đi nhận dạng cá nhân, như vậy trái với luật tự nhiên. Nếu cái tôi của bạn quá lớn, lúc nào cũng xem mình là nhất, không chịu thua kém bất kỳ ai, bất cứ việc gì, luôn xem thường suy nghĩ của người khác,…thì lúc đó chúng ta hãy tự soi gọi chính và sữa chữa, khắc phục nó. Đấy là mặt tiêu cực của cái tôi.
Tuy nhiên, nếu mỗi chúng ta biết sử dụng sức mạnh của cái tôi đúng lúc, lớn mạnh đúng lúc và nhỏ dần đúng lúc như khi tranh luận thì chúng ta hăm hở bảo vệ chính kiến của chúng ta nhưng khi có gì mới đáng để học hỏi thì chúng ta chấp nhận lùi bước để đạt được sự đồng thuận thì điều đó sẽ rất tuyệt vời. Vì kiến thức của thế giới này là vô tận, mỗi người một lĩnh vực, không có người là bách khoa toàn thư để rồi có thể trên tường thiên văn mà dưới thì am tường địa lý. Nên việc hạ cái tôi nhỏ bé lại để học hỏi là điều đáng trân trọng và sẽ được xã hội đánh giá cao.
Do vậy, đừng bao giờ để cái tôi cá nhân làm mình mất những người yêu thương xung quanh. Cái tôi cũng như mọi thứ khác, biết sử dụng hợp lý, điều chỉnh hợp lí và dừng lại đúng mức thì vô cùng có lợi. Chúng ta: “Cần cái tôi to và cái tôi nhỏ trong cùng một con người vào cùng một thời điểm.” Để chúng ta có thể thành công hơn trong cuộc sống các bạn nhé.
Mr Lias
nguồn: http://www.triethocduongpho.com/2014/06/05/cai-toi-cua-ban-nhu-the-nao/