Cái sự đời!!!

31

Cái sự đời!!!

Tản bộ. Hóng gió. Thưởng ngoạn. Đó là thú vui của không ít người trên hành tinh này. Mỗi người một cái nghĩ riêng về chúng theo quan điểm của mình.

Đang tản bộ, tôi tình cờ nghe cuộc đối thoại giữa Chú Ong Thợ và “Bác Trâu”:

– Ê mày! Làm gì mà cặm cụi vậy? Trâu hỏi Ong.

– Tôi đang hút mật từ những bông hoa xinh đẹp – Ong trả lời.

– Ôi dào! (Trâu chép miệng). Thời đại này còn làm ba cái công việc thủ công, lại cần mẫn thế để làm gì?

Chú Ong vẫn lặng lẽ làm công việc của mình cách hăng say, chẳng thèm để ý tới lời Trâu nói.

Bác Trâu lên giọng: Như tao đây này, chẳng cần làm gì cả, người ta vẫn “mang” cỏ tới, người ta vẫn “bưng” nước cho tao uống. Đời phải thế, thế mới gọi là đời chứ. Ka ka ka.

Anh sống như thế có vui không? Có hạnh phúc không? Ý nghĩa và mục đích anh đang sống là gì? – Ong hỏi Trâu.

Tôi tiếp tục rảo bước để nghe lời của gió, chào đón ánh hoàng hôn đang buông xuống. Và cảm tạ Đấng Tạo Hóa bởi tôi còn đang hiện diện trên cuộc đời, chiêm ngắm vẻ đẹp huy hoàng của vạn vật, muôn tinh tú mà Ngài đã tạo dựng cách tốt lành.

Giật mình tự hỏi: Tôi là “Bác Trâu” hay là Chú Ong Thợ!? Trong xã hội hôm nay, có lẽ tỉ lệ này đang khá chênh lệch: Trâu ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Ong Thợ đang dần mai một, ít đi; thậm chí tồn tại mà đang bị lãng quên. Cũng giống như tỷ lệ giàu – nghèo ngày càng cao; sự bất công, bạo hành, thiếu tình người ngày một gia tăng. Phải chăng đó là cái sự đời nó thế?

Con người ta thường thích hưởng thụ, vui chơi, giải trí, và không muốn thay đổi. Họ không thích bị đụng chạm tới quyền lợi riêng của mình, sống ích kỷ hơn. Họ thích bàn tán, chỉ trích lên án kẻ khác. Họ thích được cung phụng, thích ra lệnh, “ngồi mát ăn bát vàng”. Họ không thích làm việc, ngại phải thay đổi ngay cả cái đã quá lỗi thời trong xu thế hội nhập và phát triển. Họ không có khái niệm “cần mẫn” như Chú Ong Thợ. Vì họ nghĩ, làm thế thì phải “nghèo” như những kẻ bần cùng. Họ có đủ mọi “chiêu”, mọi “thủ đoạn”, mọi “mánh khóe” cùng với những chiến lược “ranh mãnh” để sống, để tồn tại, để có được cái của người khác là vật sở hữu của ta; điều đau đớn của người khác là niềm vui sướng của mình. Vì sao họ vẫn tồn tại và không bị lên án? Đơn giản vì họ có “Tiền và Quyền”.

Đâu là niềm vui, hạnh phúc của họ? Cũng chẳng lạ gì: Những cuộc vui thâu đêm, những cuộc truy hoan. Tàn canh là sự mỏi mệt, chán chường. Cuộc sống trôi qua với những lo toan, sợ hãi, thiếu vắng, hụt hững. Đó là hạnh phúc mà họ cho là đáng tận hưởng. Ai bảo những điều ấy không phải là hạnh phúc? Phải chứ, chẳng ai thừa nhận, chính họ công nhận thế. Đó là sự đời.

Thế thì đâu là thành công mà họ cho là. Cũng dễ dàng thôi: Tiền và Quyền. Là có nhà “đại lầu”, là xe “đại sang”, và túi luôn rủng rỉnh tiền. Quả đó là điều hạnh phúc thực sự nếu những thứ ấy là do năng lực và tài năng của họ tạo nên. Mỉa mai thay, chúng lại là những thứ họ “cướp” từ chính miếng cơm manh áo, giọt nước mắt, máu của những người khác để bỏ vào túi mình. Vậy mà họ vẫn được ca ngợi là giỏi giang, là có năng lực. Sao nghịch lý vậy? Đời vẫn thế mà, thế mới gọi là cái sự đời.

Vậy thì, sự cần mẫn của Chú Ong Thợ không được ghi nhận sao? Là đáng cười nhạt ư? Nếu bạn cho là thế thì nó là thế. Bởi đó là cái lý bạn cho là. Nhưng hãy nhìn xem thành quả của những lao công, cần mẫn ấy? Là những tảng mật tinh ròng; là những giọt mật tinh tuyền mát lạnh mang tới vị ngọt cho đời và cho cuộc sống. Những Chú Ong Thợ luôn hài lòng, tự hào với công việc, với bổn phận của mình.

Thử hỏi, trong xã hội hôm nay, mấy ai làm được như những chú ong: cần mẫn, kiên nhẫn, chăm chỉ, đều đặn, có tổ chức, tuân thủ luật lệ. Và rồi đạt được những thành quả đáng ca ngợi. Đáng được trân trọng. Bạn cũng sẽ đạt được những thành công như thế nếu bạn thực sự nỗ lực, dám thực hiện và tin rằng bạn làm được.

Thế thì đâu là thành công thực sự? David Niven quan niệm “Thành công của một đời người không phụ thuộc vào những mục đích bạn đạt được. Bạn sẽ cảm thấy thành công thực sự khi đã làm việc hết mình, sống trọn vẹn với niềm tin và tình yêu vào cuộc sống”. Tôi nghĩ rằng thành công của một đời người không hệ tại ở những gì bạn có được. Nhưng là những gì bạn đã tạo ra cho nó một ý nghĩa thực sự và đóng góp vào hạnh phúc của người khác, của chính bạn. Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc thực sự khi đã làm việc hết mình, sống trọn vẹn giây phút hiện tại với tất cả niềm tin và tình yêu vào cuộc sống. Nên bạn đừng nghĩ rằng cái sự đời luôn nhạt nhẽo.

Ý nghĩa thực sự của cuộc sống là gì? Là khi bạn biết cho đi, sống cái “tình” trong thẳm sâu tâm hồn mình mà Đấng Tạo Hóa đã đặt để. Là khi bạn biết yêu thương, sẻ chia với người khác. Là khi bạn cảm thấy hài lòng với những gì bạn có được, chứ không phải “cố” sở hữu cái không thuộc về mình mà bạn đang chiếm giữ. Ai bảo rằng cái sự đời không có tình yêu thương và tình người?

Vậy, bạn đang chọn cách sống nào: Vì một tương lai tốt đẹp? Vì một thế giới thế giới hòa bình, công bằng, bác ái, yêu thương? Vì một xã hội không còn áp bức, bất công, thủ đoạn, mánh khóe, tham nhũng? Bạn sẽ là Chú Ong Thợ cần mẫn hay sẽ là “Bác Trâu” lười biếng, cao ngạo? Tất cả, hệ tại ở cái cách mà bạn chọn thái độ sống cho mình từ hôm nay. Đừng nghĩ rằng đời là thế, cái sự đời nó vậy. Nhưng hãy hành động để sự thật được tồn tại; công lý được thực thi; yêu thương được lan tỏa trên toàn cõi địa cầu.

Ước mong rằng tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, luôn ý thức được những gì mình đang sống, đang hành động. Hãy chung tay, nỗ lực vì một tương lai tốt đẹp hơn.

 

Xuân Minh

Nguồn: VRNs