Cái giá của thời giờ dành cho con

71

Hello anh,

Em là Phượng Mai nè, here is my new phone number! How are you going so far? I will come over to visit you and chị on this Saturday bc chị be will off! By the way, I need your help pls because I have a hard time now with Angie! She gave me a lot of headache and she got some trouble at her school! I’m so frustrated and don’t know how to deal with her! Might be you will give some good advice that show me how to get there!

Thank you.

Cứ mỗi lần nhận được những tâm sự hoặc câu hỏi kiểu này, tâm tư tôi lại toát ra một cảm nghĩ mà theo tôi nó rất đúng, có thể như một chân lý. Đó là: Thời giờ và tình yêu dành cho con cái bao nhiêu sẽ mang lại hoa trái bấy nhiêu. Nếu đem nhận thức này vào một định luật của toán học, nó sẽ như sau:

THỜI GIAN + TÌNH THƯƠNG = THÀNH QUẢ

Tóm lại, thời gian và tình thương của cha mẹ dành cho con bao nhiêu thì thành quả họ gặt được sẽ bấy nhiêu. Dành ít thời giờ cho con, lơ là việc hướng dẫn, ít quan tâm dạy dỗ con thì hậu quả sẽ là những đứa trẻ bị thiệt thòi về giáo dục, thiếu trưởng thành trong đời sống tâm lý, tâm linh và xã hội. Phía phụ huynh sẽ phải hứng chịu những thiệt thòi về tình nghĩa giữa cha mẹ và con cái, những lối sống và cách cư xử vô giáo dục của con cái. Nhưng nhất là những đứa trẻ này rồi ra sẽ trở thành mồi ngon cho những tội phạm của xã hội.

Đã có những cha mẹ mà sống không sống nổi, chết không chết nổi với những đứa con bỏ học, trốn nhà đi hoang, sa đọa trong xì ke, ma túy, trộm cướp, đĩ điếm để rồi đánh mất tuổi trẻ, đánh mất tương lại qua những năm tháng tù tội. Một số đã kết liễu đời mình trong bất mãn, vô vọng!

Và kết quả trên sẽ dẫn đến những hậu quả nào khác nữa? Đó là một gia đình đổ vỡ, vợ chồng bất hòa, và ly dị. Đây có phải là những nhận xét và kết luận bi quan không? Thưa không. Vì ai cũng đều biết rằng: “Gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy”. Chính Chúa Giêsu cũng đã dạy: “Cây tốt không thể sinh trái xấu, mà cây xấu cũng không thể sinh trái tốt. Xem trái thì biết cây. Không ai hái trái vả nơi bụi gai, hoặc trái nho nơi lùm cây.” (Lu-ca 6:43-44). Trên thực tế, làm gì có ai tìm thấy những trái cây tươi tốt, thơm ngon như bưởi, xoài, cam, quít, mít, mận, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… trong những bụi gai?

Và đó cũng là những ứng dụng thực hành mà người xưa đã có những kinh nghiệm vừa quí giá, vừa đắng đót. Đó cũng là những gì mà khoa tâm lý giáo dục ngày nay đang khám phá và rất lấy làm giá trị. Chúng cô đọng trong những câu nói mà rất nhiều và có thể là hầu hết các phụ huynh Việt Nam đều thuộc nằm lòng:

Tâm lý phát triển:

“Dậy con từ thuở còn thơ”. Kinh nghiệm sống này cho đến hôm nay tâm lý phát triển và tâm lý giáo dục đã chứng minh là đúng.

Khi đứa trẻ lên 3 thì 80% những tế bào não bộ đang trong thời gian phát triển. Đây là thời điểm tốt nhất cho việc giáo dục một em bé. Cha ông ta xưa đã nói: “Dậy con từ thuở lên ba” là vậy. Khoa học chứng minh thêm, thời gian này là lúc một em bé phát triển về khả năng NÓI, khả năng ĐỌC, và khả năng CA HÁT.

“Nói, đọc, và ca hát” là những khả năng tiềm ẩn của trí khôn, lý trí, và tài năng của đứa trẻ. Và điều này cũng phù hợp với kinh nghiệm nuôi dạy con cái của người xưa: “Con lên ba, cả nhà tập nói.” Do đó, việc cha mẹ quan tâm, lo lắng, và dành thời giờ cho con trong thời gian này trở thành hết sức quan trọng và cần thiết. Nó sẽ giúp đứa trẻ phát triển những gì mà chúng sẽ sở hữu sau này.

Song song với sự phát triển về thể lý, hiểu biết và tài năng, đứa trẻ còn phải được dạy dỗ về mặt tâm lý, tình cảm và tâm lý đạo đức. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Rất tiếc ở phương diện này có ít cha mẹ quan tâm và dành thời giờ với con cái. Theo một khảo cứu thì trung bình cha mẹ chỉ dành khoảng 8 phút mỗi ngày cho con cái trong đó bao gồm mọi thứ kể cả mắng, chửi, và sửa phạt. Phần đông phụ huynh thường chỉ phó mặc hay khoán trắng cho nhà trường, nhà thờ, chùa chiền, hoặc các trung tâm dậy trẻ mà quên rằng ở những nơi ấy, chủ yếu là dạy con họ học đọc, học viết, học chữ nghĩa, học khoa học, học phát triển tài năng. Họ quên rằng chính họ phải là những người dạy cho các em cách sống, lối sống, và ý nghĩa cuộc sống mới chính là cha mẹ trong khung cảnh của gia đình.

Sự phát triển toàn diện của con người cần phải được tiếp tục nuôi dưỡng và kéo dài trong thời gian bao lâu. Riêng về tâm lý, nó cần đến 30 năm. Kinh nghiệm sống của người xưa là “Tam nhập nhi lập”. Điều này cũng phù hợp với khoa học. Theo sinh vật học, thùy trán thuộc não bộ là trung tâm lưu giữ những dữ liệu để xây dựng cá tính và tư cách hành động sau này của một người. Trong suốt thời gian từ khi mới sinh đến lúc khoảng 30 tuổi, mỗi lần một kích thích hoặc một phản ứng nào xảy ra nó đều được ghi khắc vào đây giống như một vết cắt chờ khô cứng và thành sẹo. Như vậy, nếu mỗi lần một em nhỏ hoặc một thanh thiếu niên cãi trả cha mẹ, không vâng lời cha mẹ, hành động buông thả sống theo bản năng thì như một vết cắt được ghi đậm. Nếu không được sửa sai, hoặc không được huấn luyện trở lại, nó sẽ biến thành tập quán và lối sống sau này.

“Bệnh chữa được, nhưng tật không chữa được”. Một lỗi lầm, một khuyết điểm có thể sửa sai, nhưng khi nó trở thành tập quán, thành lối sống của một người thì không hy vọng sửa đổi.

Ứng dụng tâm lý giáo dục:

“Bé không vin, cả gẫy ngành”.

“Cây nghiêng chiều nào, sẽ đổ theo chiều nấy”.

Trở lại nguyên tắc giáo dục và ứng dụng của tâm lý giáo dục, thời gian tuổi thơ, tuổi trẻ và cả thời gian vị thành niên cũng vẫn là thời điểm tốt để giáo dục, sửa sai những khuyết điểm. Nếu phụ huynh, cha mẹ lơ là, coi thường hoặc ít quan tâm thì cái “tính bản thiện” nơi con cái, chẳng mấy chốc nó sẽ biến thành thói hư, tật xấu.

Như một hệ quả tất yếu, tập quán xấu sẽ dẫn một người tới đời sống xấu, hành động xấu. Đó cũng là kết quả, là tương lai, là hướng đi do những năm tháng tuổi thơ thiếu thốn tình thương và sự dạy đỗ của cha mẹ.

Có nhiều ý kiến cho rằng: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, nhưng đây chỉ là một lối bào chữa vụng về, trốn tránh trách nhiệm. Thực tế, không có Trời, Phật hay thánh thần nào sinh ra cái tính xấu của một người. Bởi vì xấu là vắng bóng điều tốt. Khuyết điểm là sự thiếu sót của thiện hảo.

Giáo dục gia đình:

“Cha nào, con nấy”.

“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.

Ngược lại với những thành quả của những bậc cha mẹ biết dành thời giờ, biết quan tâm lo lắng cho việc giáo dục, hướng dẫn con cái, là hậu quả đắng đót mà những cha mẹ, phụ huynh đã không màng gì đến tương lai của con cái. “Không có lấy gì mà cho?” Nguyên tắc triết học này được cho là đúng khi ứng dụng vào giáo dục. Thực tế nhất là “không cho” con cái thời giờ, và “không cho” con cái sự quan tâm, dạy dỗ khi chúng còn nhỏ, cần đến mình.

Con hư tại mẹ hay tại bà? Có thể là tại cả hai, tại bà và tại mẹ, hoặc tại cả cha lẫn mẹ, cả ông lẫn bà nếu trong trường hợp ông bà, cha mẹ không đặt đúng vai trò tình thương, và nhất là không ý thức về ảnh hưởng giáo dục khi con cháu còn nhỏ tuổi.

KẾT LUẬN

Tóm lại, bạn sẽ rất khó chịu khi có ai phê bình, hoặc tỏ dấu không hài lòng với con cái của mình. Nhưng bạn nghĩ sao, nếu một ngày kia, con cái bạn lại làm cái “rất khó chịu” ấy cho bạn, biến bạn thành nạn nhân của chính những gì mà bạn đã làm ra.

Vậy để tránh cho con cái cũng như chính bạn khỏi phải liên lụy đến những hệ quả xấu sau này, thì tốt hơn hết và quan trọng nhất là hãy đành thời giờ và sự quan tâm lo lắng để yêu thương, giáo dục chúng khi chúng còn trẻ.

Bạn đừng sốt ruột, câu trả lời sẽ đến ngay trước mắt khi con bạn bước vào tuổi vị thành niên. Cái tuổi mà ngay cả những cha mẹ tốt, luôn yêu thương, săn sóc và giáo dục con đôi khi cũng gặp phải những phiền phức, nói gì đến những người không một chút quan tâm và dành thời giờ cho con cái mình?!!!

Vậy hãy bắt đầu tư hôm nay, mỗi ngày dành ít nhất 5 đến 10 phút để:

NÓI. Không chỉ là con nói với cha mẹ, nhưng cả cha mẹ cùng học cách để nói chuyện với con cái. Hãy nói với con lúc tuổi còn thơ để sau này khi khôn lớn, con cái bạn cũng sẽ biết cách thăm hỏi và trò truyện với bạn.

ĐỌC. Là lắng nghe tâm sự của con cũng như để con nhận ra, đọc được tình cảm và sự quan tâm của bạn. Con cái hiểu cha mẹ và cha mẹ hiểu con cái. Sự hiểu biết càng nhiều thì mối dây thân tình và hạnh phúc càng bền chặt.

Và cùng HÁT với con, tức là sinh hoạt và cùng vui chơi với con. Giúp con phát triển những tài năng. Gia đình rộn rã tiếng cười.

5 hoặc 10 phút ngắn ngủi mỗi ngày nhưng sẽ giúp cả cha mẹ lẫn con cái có một tương lai tốt, vui vẻ, hạnh phúc, và thấm đậm tình nghĩa.

Kết quả của những tháng ngày tưới bón, tỉa cành, và bắt sâu, là một mùa thu hoặch tốt. Cây sẽ đâm chồi nẩy lộc, đơm bông kết trái, và trái chín thơm đầy cành.

Trần Mỹ Duyệt