LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIỮ ĐƯỢC BÌNH TĨNH TRƯỚC NHỮNG ĐIỀU BỰC DỌC HẰNG NGÀY
Richard Carlson, Ph.D.
Hầu hết chúng ta đều có một sức chịu đựng mạnh mẽ trước những thảm hoạ xảy ra trong cuộc sống – sự ra đi vĩnh viễn của người thân yêu, thiên tai… Tuy nhiên, một số người trong chúng ta lại không thể chịu đựng được khi gặp kẹt xe, khi để lạc mất chìa khoá, khi đối mặt với những đồng nghiệp khiếm nhã, và khi đương đầu với những điều khó chịu hằng ngày.
Dường như có vẻ quen thuộc phải không? Hãy đọc những cách thức dưới đây để tránh những phản ứng kịch liệt khi đương đầu với những điều không hài lòng.
Hãy xem những người gây cho bạn phiền muộn như những người thầy. Mặc dù đoạn đường dài nhưng người bán hàng vẫn đi nhỡn nhơ ư? Nếu thế, hoặc bạn sẽ cảm thấy bực bội trước hành động lãng phí thời gian của cô/anh ta – và bạn nóng giận với hành động ấy. Hoặc bạn xem người bán hàng như một người thầy đang dạy bạn bài học về tính kiên nhẫn và lòng biết ơn những cá nhân làm việc thật vất vả nhưng chỉ với đồng lương ít ỏi. Áp dụng tương tự cho nhiều trường hợp khác.
Ví dụ 1: một người lái xe ôtô bỗng nhiên cắt ngang trước mặt bạn trên đường xa lộ. Anh ta dạy cho bạn bài học rằng thật là một điều điên rồ khi chạy nhanh như thế và có thể gặp phải những rủi ro không cần thiết.
Ví dụ 2: Một phụ nữ chen lên trước bạn và dành chiếc taxi bạn đã gọi. Cô ta chỉ cho bạn bài học về tính quan trọng của việc phải biết sắp xếp để có thời gian thong thả cho cuộc hẹn và bài học về việc biết quan tâm đến người khác.
Đừng gán cho mọi việc là “tốt” hay “xấu”
Khi một sự việc nào đó thất bại, hãy tìm một con đường khác. Có rất nhiều con đường.
Hãy có cái nhìn xa hơn trước những nỗi bất hạnh xảy đến
Mặc dù khó có thể nhìn nhận ra điều này khi sự việc xảy đến, việc làm đổ súp vào quần áo của bạn chỉ ngay trước khi một cuộc hẹn quan trọng không hẵn là một điều kinh khủng. Ngay cả việc chiếc ví bị ăn cắp nếu xét xa hơn thì cũng không hẳn là một việc quá quan trọng.
Trước khi bạn cho rằng một sự cố nào đó là một tai hoạ, hãy dừng lại giây lát và tự hình dung rằng một năm sau bạn sẽ nhìn lại sự cố này như thế nào. Liệu vết bẩn trên quần áo có thật sự quan trọng không? Dĩ nhiên không. Liệu bạn có được cấp lại những giấy tờ tuỳ thân không? Chắc chắn là được rồi. Và cuộc sống vẫn tiếp diễn.
Hãy tránh những căng thẳng không cần thiết
Nếu bạn cảm thấy gót chân bị đau nhói trong khi chạy bộ, tốt hơn là nên dừng lại, tránh làm cho vết thương có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Tương tự như vậy, tốt hơn là kiên quyết tránh những trường hợp gây căng thẳng.
Ví dụ: nếu trong đầu bạn đang lên danh sách tất cả những việc phải làm, hãy chú ý đến quá trình suy nghĩ của bạn ngay lập tức. Hãy dừng lại trước khi mất kiểm soát.
Những cảm giác căng thẳng là dấu hiệu cảnh báo rằng cần được chú ý. Có thể bạn đang ôm lấy quá nhiều việc, hoặc có thể bạn đang để cho những việc nhỏ nhặt khiến bạn lo lắng quá nhiều. Hoặc bạn cần phải thay đổi.
Đừng quá xem trọng vật chất
Hãy nghĩ xem những thứ vật chất gì bạn hết sức coi trọng – chiếc bình gia truyền, chiếc vòng cổ xinh xắn, bức tranh vẽ đầu tiên của con bạn…
Chúng ta biết rằng những thứ ấy rất dễ vỡ, dễ hư hỏng, hoặc dễ mất, tuy nhiên chúng ta lại ít khi nào nghĩ những mối đe doạ trên là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế. Và khi một thứ gì đó đáng giá đối với chúng ta bị mất, chúng ta rất bực tức.
Hãy tránh bị bực tức bằng cách luôn tưởng tượng rằng những món quý giá ấy đã biến mất rồi. Buổi hoàng hôn tuyệt đẹp vẫn còn chứ? Dĩ nhiên vẫn còn. Và bạn vẫn có thể giữ lại ký ức về những đồ vật mà bạn đã mất và luôn nhớ đến và thưởng thức chúng. Giờ đây, nếu một ai đó làm vỡ chiếc bình đó, hoặc làm đổ cà phê lên bức tranh, bạn sẽ không hề bị suy sụp hoàn toàn.
Hãy lên kế hoạch cho việc thư giãn
Cuộc sống luôn mách bảo chúng ta nên hoãng lại việc thư giãn. Chúng ta có suy nghĩ rằng chúng ta sẽ dành thời gian thư giãn vào kỳ nghỉ sau, hoặc trong thời gian nghỉ hưu.
Những suy nghĩ trên hoàn toàn sai lầm. Một người trung bình một năm chỉ có vài tuần nghỉ ngơi, và hầu hết chúng ta phải làm việc cho đến những năm 60 tuổi mới có thể nhận được những khoảng lợi ích hưu trí.
Trong khi đó, chúng ta sử dụng quá nhiều thời gian để chạy ngược chạy xuôi và để suy nghĩ xem tiếp theo cần phải làm gì đến nỗi chúng ta không thể nào tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống.
Cách tốt hơn là: dù có bận rộn đến mấy, cũng hãy lên kế hoạch thư giãn cho một ngày của bạn. Rất đơn giản chỉ cần bạn dành vài phút để hít thở sâu, đi bộ vài bước, hoặc viết một lời nhắn cho ai đó đang cần sự động viên của bạn.
Hãy chống lại khuynh hướng cố thuyết phục bạn hoãn lại thời gian thư giãn vào ngày mai. Hãy nhớ – khi “ngày mai” đến, nó sẽ trở thành là “ngày hôm nay”. Hãy dành ít phút hôm nay để thư giãn – hãy thư giãn mỗi ngày.
Đừng mong đợi rằng mọi người đều yêu thích bạn
Đó chính là một thực tế trong cuộc sống – một số người bạn gặp gỡ trong cuộc sống sẽ thích bạn nhưng sẽ có những người không ưa thích bạn. Cố gắng bằng mọi cách để làm cho mọi người thích bạn sẽ dẫn đến sự căng thẳng tâm lý hết sức lớn.
Hãy luôn cố gắng hết sức mình, nhưng đừng bực tức hay khó chịu khi ai đó dường như không thích bạn.
Nếu ai đó phê bình bạn, hãy làm giảm đi cảm giác nặng nề của bạn chỉ đơn giản bằng cách chấp nhận lời phê bình ấy và tiếp tục tiến lên phía trước.
Hãy luôn linh hoạt
Việc tổ chức và lên kế hoạch trước là điều tốt, nhưng đừng ngạc nhiên hay bực tức khi kế hoạch của bạn bị thay đổi. Hãy nghĩ rằng – chuyến bay có thể bị hoãn, lời hứa có thể không được giữ, và thời tiết không phải lúc nào cũng như ý bạn muốn.
Khi những việc này xảy ra, đừng nóng giận. Hãy giũ sạch tất cả và hãy hài lòng với cuộc sống.
***
Cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để giảm căng thẳng
Có rất nhiều việc xảy ra trong cuộc sống và dường như quá sức chịu đựng của chúng ta, nhưng đối với Thiên Chúa thì chẳng là gì cả. Hãy xin Ngài ban cho bạn “bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên hết mọi hiểu biết” (Pl 4,7), bình an ấy sẽ đến với bạn khi bạn nói với Ngài những khó khăn của bạn. Có thể mất thời gian để giải quyết một sự việc nào đó, nhưng Thiên Chúa sẽ giúp bạn xoá đi những cảm giác căng thẳng mà những sự việc ấy mang lại. Vậy đừng cố gắng một mình đương đầu với những buồn bực hằng ngày. Hãy xin Thiên Chúa giúp đỡ, và điều đầu tiên Ngài giúp đỡ bạn chính là gửi đến cho bạn bình an của Ngài. (Nana Williams)
Thiên Ân dịch