Bạn thân mến,
Vì thế, chẳng bao giờ chúng ta có thể lãng quên được công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ. Truyền thống Á Đông, và đặc biệt, nơi mảnh đất Việt Nam con rồng cháu tiên này, tâm thức của đạo làm con, đạo hiếu thảo với cha mẹ ông bà luôn được đề cao. Từ thuở bé, chúng ta đã được dạy cho biết về thái độ “một lòng thờ mẹ kính cha.” Đó là lẽ sống cho những ai muốn nên đạo làm con. Không chỉ là truyền thống, đạo làm con cũng được các tôn giáo đề cập đến. Phật giáo có cả một mùa Vu Lan báo hiếu, Công giáo có cả một tháng cầu nguyện cho các linh hồn, thánh lễ mùng hai tết để nhớ đến những bậc tổ tiên.
Đó là những dịp người ta được mời gọi một cách đặc biệt để nhớ về nguồn cội, diễn tả lòng biết ơn đối với ông bà cha mẹ. Là người Công giáo, Thiên Chúa nhắc mỗi người con: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.” (Xh 20,12). Nhưng làm thế nào báo hiếu tốt nhất đối với ông bà, cha mẹ mình?
Có muôn vàn cách để phận làm con như chúng ta thể hiện lòng hiếu thảo của mình mỗi ngày. Kính trọng, vâng lời, yêu thương và chăm sóc…là những thái độ và hành vi diễn tả cách báo hiếu tuyệt vời. Những mỹ từ ấy nên trọn vẹn hơn khi được thể hiện trong lối sống của mình. Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình nên người, thêm tuổi thêm khôn lớn và nhân đức. Và nét đẹp đầu tiên cho thấy điều đó chính là thái độ lễ phép, biết ơn và hiếu thảo của con cái dành cho mình.
Chẳng hạn cha mẹ nào cũng vui khi thấy con mình chăm ngoan học hành lễ phép, trưởng thành vững bước vào đời. Cha mẹ sẽ rất buồn khi con mình rơi vào đủ thứ nghiện ngập ăn chơi, dẫn đến bất hiếu hỗn hào và chẳng màng đến những lời khuyên răn của mẹ cha. Ước mong những ai đang khiến cha mẹ đau lòng, sớm can đảm trở về con đường lương thiện. Xin đừng để cha mẹ cứ vất vả khổ tâm vì mình hoài. Các ngài muốn con cái được hạnh phúc bình an. Ước mơ ấy không gì khác hơn là cho ta thành nhân. Một người tốt hẳn là biết cách kiến tạo cuộc sống an bình vui tươi và luôn thể hiện đạo hiếu một cách tự nhiên chân thành.
Đọc tới đây chắc có người thắc mắc thế nào là người tốt. Đây là một câu hỏi thú vị và cũng rất quan trọng cho cả một đời người. Thiết tưởng mỗi người đều muốn trả lời bằng chính đời sống cụ thể của mình. Đương nhiên người tốt không phải là người xấu, không làm điều ác nhân ác đức. Người tốt luôn nghĩ và làm điều thiện để và người khác an vui. Thật đau lòng khi chứng kiến nơi xã hội chúng ta còn có những người con đối xử tệ bạc với cha mẹ mình. Đó là đại nghịch bất đạo. Một người con tốt sẽ được phần thưởng Chúa ban; ngược lại, kẻ bất hiếu sẽ bị Chúa luận phạt: “Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng… Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.” (sách Huấn Ca 3,1-16).
Trước đây người ta hiểu lầm về người Công giáo khi theo Thiên Chúa phải từ bỏ việc thờ kính ông bà tổ tiên. Nhiều người hiểu lầm, cho rằng giữa “thờ phượng Thiên Chúa” với “thờ kính ông bà tổ tiên” có sự đối nghịch. Thật ra, chúng không những không đối nghịch mà còn hoà quyện với nhau: để có thể thờ phượng Thiên Chúa đúng đắn, phải có lòng hiếu thảo với tổ tiên. Điều răn thứ bốn của Thập Điều dạy phải thảo kính cha mẹ. Thánh Phaolô cũng nói: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”(Ep 6,1-3). Đó là nhân bản, là đạo đức thiêng liêng, là đường lối Thiên Chúa dạy để sống với người sinh thành nuôi dưỡng ta.
Cảm ơn và gửi những lời nguyện ước chân thành, những tình cảm yêu thương đến cha mẹ ông bà trong từng ngày sống. Ước mong trong tâm tình ấy, chúng con tự nhắc mình sống sao cho nên người. Nguyện xin Thiên Chúa ban nhiều thật nhiều ân sủng cho gia đình chúng con. Đặc biệt xin Thiên Chúa ban ơn giúp chúng con sống nên người con ngoan đạo, hiếu thảo với ông bà và là một người tốt trước Thiên Chúa và người ta.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ