Philip Kosloski
Các linh mục, tu sĩ nam nữ cần có đời sống cầu nguyện cá nhân. Nếu không cầu nguyện họ rất khó trung thành với lời hứa của mình.
Cầu nguyện là một trụ cột quan trọng trong đời sống của mọi Kitô hữu, nó còn là một trong những nền tảng căn bản của những người sống đời thánh hiến.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo giải thích, trước hết, các giám mục, linh mục và phó tế phải cầu nguyện và dạy người khác cầu nguyện như thế nào:
“Các thừa tác viên có chức thánh cũng là những người có trách nhiệm trong việc đào tạo cho anh chị em mình trong Đức Kitô biết cầu nguyện. Những người này, là các tôi tớ của vị Mục tử nhân lành, được truyền chức thánh để dẫn dắt dân Thiên Chúa đến các nguồn mạch sống động của việc cầu nguyện: đến Lời Chúa, phụng vụ, đời sống đối thần, đến “Ngày hôm nay” của Thiên Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể” (GLCG 2686).
Nền tảng của đời sống tu trì
Hơn nữa, tất cả những người sống đời thánh hiến cần lấy việc cầu nguyện làm nền tảng cho đời sống tu trì của mình:
“Nhiều tu sĩ đã dâng hiến trọn đời để cầu nguyện. Từ sa mạc Ai-cập, các ẩn sĩ, các đan sĩ nam nữ đã dành thời giờ để ca ngợi Thiên Chúa và chuyển cầu cho dân Ngài. Đời sống thánh hiến không thể tồn tại và triển nở nếu không có kinh nguyện. Đời sống này là một trong những nguồn mạch sống động của việc chiêm niệm và đời sống thiêng liêng trong Hội Thánh” (GLCG 2687).
Nguồn năng lượng cho sự trung thành với thừa tác vụ của mình
Thật hợp lý khi một người nam hay nữ dành cả cuộc đời để cầu nguyện cần phải duy trì đời sống cầu nguyện liên lỉ.
Nếu người sống đời thánh hiến trước tiên không kín múc việc cầu nguyện thì người ấy sẽ không có năng lực để trung thành với thừa tác vụ của mình.
Thánh Têrêsa Calcutta đã hiểu thực tại này từ trải nghiệm cá nhân, vì ngài luôn cầu nguyện một giờ mỗi ngày trước khi làm việc với những người nghèo nhất trong xã hội.
Lời cầu nguyện riêng tư vẫn là trụ cột chính của bất cứ ai tận hiến phục vụ Giáo hội.
G. Võ Tá Hoàng