Các Kitô hữu tiên khởi đã bảo vệ Mình Thánh Chúa như thế nào?

80

Các Giáo phụ đầu tiên của Giáo hội đã hướng dẫn cho các linh mục và giáo dân không được phép để dù chỉ một mảnh vụn của Mình Thánh Chúa rơi xuống đất.

Vào những thế kỷ đầu, các giám mục và linh mục siêng năng trông coi Mình Thánh Chúa cách đặc biệt.

Các Giáo phụ thời đầu nhấn mạnh rằng không được để dù chỉ một mảnh vụn rơi xuống đất.

Thánh Hippolytus giám mục, thế kỷ II, viết trong Truyền thống Tông đồ như sau:

“Mỗi tín hữu hãy lo rước Thánh Thể trước khi ăn uống. Mọi người hãy để ý không để người nào chưa tin Chúa được nếm Thánh Thể, cũng đừng để chuột hay bất cứ động vật nào khác làm vậy, và đừng làm rơi hay để mất, vì Mình Thánh Chúa Kitô phải được các tín hữu rước lấy và không được khinh thường. Chén, khi anh chị em dâng lời tạ ơn nhân danh Chúa, anh chị em đã chấp nhận nó như hình ảnh của Máu Chúa Kitô. Vì vậy, không được phép làm Máu Chúa đổ ra ngoài, để không một quỉ thần xa lạ nào có thể lợi dụng, như thể khinh thường Máu Thánh; anh chị em sẽ mắc tội với Máu như thể đã coi thường cái giá mà mình phải trả”.

Thánh Cyrillô thành Giêrusalem, thế kỷ thứ tư, tái xác nhận các giáo huấn về sư phạm giáo lý của ngài, khi so sánh việc chăm sóc Thánh Thể với việc coi sóc bụi vàng:

“Anh em hãy cẩn thận thánh hóa đôi mắt của mình khi chạm vào Mình Thánh, và rồi hãy chia sẻ, bằng cách chú ý đừng để rơi mất bất kỳ phần nào của Mình Thánh Chúa. Việc mất mát đó sẽ giống như là hủy hoại cơ thể của chính anh em. Vì nếu anh em được ban cho bụi vàng thì tại sao không cẩn thận giữ nó lại, không để một hạt nào lọt qua kẽ tay, để anh em không trở thành kẻ quá nghèo? Vì vậy, với sự chăm sóc cẩn thận, anh em nên tránh đừng để rơi mất dù chỉ một mảnh vụn của thứ giá trị hơn vàng và đá quý.”

Thậm chí có những bằng chứng cho thấy rằng người ta đã dùng một tấm vải đặc biệt để thu lượm những mảnh vụn Thánh Thể có thể rơi xuống khi vị linh mục trao Mình Thánh Chúa.

Truyền thống này được duy trì trong Giáo hội Chính thống, dùng một tấm vải màu đỏ được gọi là maktron, đặt dưới miệng của giáo dân để hứng những mảnh vụn Thánh Thể.

Các truyền thống tương tự được áp dụng trong nghi lễ Rôma, như trong trường hợp dùng dĩa hứng khi rước lễ, được phát minh vào thế kỷ 19.

Những thực hành của các tín hữu sơ khai này nhấn mạnh rằng bánh được rước khi hiệp lễ không phải là bánh thông thường mà đó là Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô.

Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ