CÁC BÀI SUY NIỆM TUẦN TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Lm. Ngọc Dũng, SDB
THỨ HAI
LÀM CHỨNG CHO ĐỨC KITÔ BẰNG LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM
(1Ga 2:22-28; Ga 1,19-28)
Trong cuộc sống thường ngày, có những người thấy cuộc sống qua nhiều nước mắt và đau thương thì lại muốn rút ngắn cuộc đời của mình. Đây là một mâu thuẫn nội tại bên trong con người thời hiện đại của chúng ta. Khi hạnh phúc chúng ta muốn sống thật lâu để hưởng phúc, còn khi đau khổ thì than trách cả ngày sinh của mình và cả những người đã đưa mình vào trong thế giới như ông Job. Tuy nhiên, trong tận thâm sâu của con người lại chứa đựng “bản năng sinh tồn” hay còn gọi là khát vọng được sống và sống lâu. Thật vậy, ai trong chúng ta cũng muốn sống lâu trăm tuổi! Đó là lời chúc mà chúng ta thường trao cho nhau trong ngày sinh nhật hoặc trong ngày đầu năm. Trong Cựu Ước, người sống lâu để thấy con cái đến mấy đời là người được Chúa chúc lành. Khát vọng sống lâu là động lực giúp con người thực hiện những nghiên cứu y khoa để sáng chế ra những loại thuốc và những phương pháp chữa trị bệnh hữu hiệu để kéo dài sự sống con người. Dù cho khoa học có phát triển đến đâu thì cũng không thể làm cho con người sống mãi! Vậy khát vọng sống mãi, sống muôn đời của con người sẽ bị chôn vùi trong nấm mồ sao?
Bài đọc 1 hôm nay cho chúng ta câu trả lời về vấn nạn khao khát sống muôn đời của con người. Sự sống muôn đời chính là điều Chúa Giêsu hứa ban ngay từ khởi đầu: “Và đây là điều mà chính Đức Ki-tô đã hứa ban cho chúng ta: sự sống đời đời” (1Ga 2:25). Như vậy, sự sống muôn đời của chúng ta chỉ tìm thấy nơi Đức Kitô: “Còn ai uống nước Tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4:14). Chỉ có những người ở lại trong Đức Kitô, hay đúng hơn, để Đức Kitô ở lại trong họ mới có được sự sống đời đời. Nói một cách khác, con người chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời của mình trong Đức Kitô. Chỉ khi chúng ta “ở lại trong Người, thì khi Người xuất hiện, chúng ta được mạnh dạn, chứ không bị xấu hổ, vì phải xa cách Người trong ngày Người quang lâm” (1Ga 2:18).
Điều thứ hai để chúng ta suy gẫm là thái độ của chúng ta khi làm việc. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa Giêsu bằng cách quy chiếu mọi sự về Chúa Giêsu. Ông không nhận cho mình những danh hiệu mà người khác nghĩ ngài sẽ là. Ngay cả những việc vĩ đại ông làm ông cũng quy chiếu về Chúa. Về phần chúng ta, khi được nổi tiếng, được nhiều người chú ý đến, chúng ta cảm thấy hãnh diện và chúng ta muốn mình trở thành trung tâm mọi sự. Chúng ta thường hãnh diện với tài năng của mình nhưng chúng ta quên mất người ban cho chúng ta những tài năng đó. Đôi khi, chúng ta nhận cho mình những gì không thuộc chúng ta. Điều này nhắc nhở cho những người đã thánh hiến đời mình cho Chúa. Khi chúng ta tuyên khấn, chúng ta đã dâng cho Chúa mọi sự, chúng ta không còn sở hữu gì cho chính mình. Vậy mà trong cuộc sống thường ngày, chúng ta từ từ rút lại những gì chúng ta đã dâng cho Chúa. Thật là đáng buồn: Tặng quà cho người khác hôm nay và ngày mai lấy lại!
Điều thứ ba chúng ta rút ra từ bài Tin Mừng là làm sao biết chính mình. Nhiều người trong chúng ta mất nhiều thời gian và tiền của để tìm biết mình là ai, nhất là qua tâm lý học. Chìa khoá để biết chính mình trong Tin Mừng hôm nay là “mối tương quan thâm sâu với Chúa Giêsu.” Chúng ta nhận thấy điều này trong hình ảnh của Thánh Gioan Tẩy Giả, người suốt đời chỉ làm chứng cho Chúa Giêsu và chỉ cho mọi người thấy Chúa Giêsu là ai. Bài Tin Mừng ghi lại quá trình biết chính mình của Thánh Gioan Tẩy Giả thật tuyệt vời như sau: Một số người Do Thái từ Giê-ru-sa-lem đến hỏi:
- “Ông là ai?”
- “Tôi không phải là Đấng Kitô.”
- “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?”
- “Không phải.”
- “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?”
- “Không.”
- “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?”
- “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.”
- “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?”
- “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”
Chúng ta thấy tiến trình “biết mình” của Thánh Gioan Tẩy Giả bắt đầu với việc khẳng định những gì ông ta “không phải là,” để cuối cùng dừng lại với những gì “ông ta là.” Và điều “ông ta là” chính là điều Chúa muốn ông và được tiên báo trong sách Ngôn sứ I-sai-a. Thật vậy, những câu hỏi xoay quanh căn tính và công việc của Gioan Tẩy Giả, nhưng ông không trả lời về bản thân mình, mà luôn quy chiếu về Đức Kitô, Đấng mà ông không xứng đáng để cởi quai dép cho Người. Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Điều này cho chúng ta hay rằng: Căn tính và công việc của chúng ta sẽ không có giá trị gì nếu chúng không quy chiếu mọi sự về Đức Kitô và làm chứng cho Ngài. Để biết mình là ai, hãy đến với Chúa, Đấng đã “hình thành và thánh hiến con ngay khi con còn trong bụng mẹ” (Ger 1:5).
THỨ BA
CON CHIÊN XOÁ TỘI TRẦN GIAN
(1 Ga 2: 29 – 3: 6; Ga 1: 29-34)
Một trong những điều Thánh Phao-lô đề cập nhiều trong thư gởi tín hữu Rô-ma là vấn đề công chính trước mặt Chúa hoặc được Chúa làm cho nên công chính. Công chính là gì? Bài đọc 1 cho chúng ta hay rằng: Nếu chúng ta sống công chính thì chúng ta được sinh ra bởi Thiên Chúa (1 Ga 2:29). Chúng ta trở lại với hình ảnh của Thánh Giuse, Đấng được gọi là Đấng Công Chính. Thánh Giuse trở nên công chính vì Ngài luôn lắng nghe và tin điều Thiên Chúa nói với ngài qua thiên thần trong các giấc mơ. Như vậy, hai đặc tính để làm cho một người nên công chính là: lắng nghe và tin vào lời Thiên Chúa. Quả vậy, đức tin là điều làm cho Abraham được nên công chính: “Thật vậy, Kinh Thánh nói gì? Ông Áp-ra-ham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính. Người nào làm việc, thì lương trả cho người ấy không được kể là ân huệ, mà là nợ. Trái lại người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì lòng tin làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính” (Rm 4:2-5).
Nếu đọc lời Chúa với lòng tin, chúng ta nhận ra lời Chúa trong bài đọc 1 hôm nay thật an ủi và ấm áp. Thánh Gioan nói về tình yêu Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta trở thành ‘người mà chúng ta không phải là’ và ‘sở hữu những thứ không thuộc về chúng ta’: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người (1 Ga 3:1). Thật tuyệt vời! Nhưng có phải là thế gian không biết chúng ta là con cái Chúa vì họ không biết Người không? Hay thế gian không biết Chúa vì chúng ta không sống đúng ơn gọi là con cái của Ngài? Chúng ta phải thú nhận rằng: Chúng ta không làm cho người khác nhận ra Chúa vì chúng ta không sống đúng với ơn gọi làm con, làm môn đệ của Chúa Giêsu: “Cứ dấu này mà người khác nhận biết anh [chị] em là môn đệ của Thầy là anh [chị] em yêu thương nhau” (Ga 13:35). Đã nhiều lần chúng ta để cho sự ghen ghét, hận thù chiến thắng và bóp chết con tim chúng ta để rồi chúng ta sống trong sự cay đắng và bất an trong thời gian dài hoặc đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Hãy tha thứ, hãy để tình yêu của Thiên Chúa chiếu sáng trong chúng ta! Hãy là những người con ngoan của Thiên Chúa tình yêu.
Điểm thứ hai trong bài đọc 1 làm chúng ta suy nghĩ là thực tế của việc phạm tội trong tương quan với tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta không thể chối bỏ rằng: Ai trong chúng ta cũng phạm tội. Chúng ta phạm tội vì chúng ta đi xa khỏi tình yêu của Chúa. Thật vậy, càng đến gần Chúa là ánh sáng bao nhiêu thì bóng tối trong cuộc đời của chúng ta bị đẩy lui. Thánh Gioan cho chúng ta hay rằng: “Phàm ai ở lại trong Người [Đức Ki-tô] thì không phạm tội. Còn ai phạm tội thì đã không thấy Người, và cũng chẳng biết Người” (1 Ga 3:6). Chúng ta tự hào là chúng ta ‘thấy’ và ‘biết’ Chúa Giêsu: Chúng ta ‘thấy’ Ngài khi chúng ta đón nhận Ngài trên bàn tay nhỏ bé của chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể; chúng ta ‘biết’ Ngài qua việc lắng nghe, suy gẫm lời Chúa và học giáo lý [thần học]. Vậy tại sao chúng ta vẫn phạm tội? Vì chúng ta chỉ thấy Ngài với đôi mắt thể xác và biết Ngài qua những tư tưởng cao siêu. Chúng ta chưa thấy và biết Ngài với ánh mắt đức tin và con tim đầy tình yêu. Chỉ có những người yêu nhiều và cảm nghiệm được yêu nhiều mới hiểu lời nói: “Những ai ở trong Đức Ki-tô thì không phạm tội.”
Tư tưởng về ‘tội’ là điểm nối kết hai bài đọc hôm nay. Để giúp chúng ta hiểu hơn về điểm nối kết này, chúng ta cần trở lại với Lời Chúa trong Mùa Vọng và Giáng Sinh.
Một trong hai hình ảnh nổi bật trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh là Thánh Gioan Tẩy Giả [và Mẹ Maria]. Trong những ngày qua, Tin Mừng thuật lại cho chúng ta công việc của Thánh Gioan Tẩy Giả: Ông đến chuẩn bị dân để đón Đấng Cứu Thế bằng việc “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lk 3:3). Khi Chúa Giêsu xuất hiện thì chỉ cho dân biết: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1:29-30). Chúa Giêsu được nhận ra là Đấng Cứu Thế qua phép rửa. Hay nói cách khác, chính qua phép rửa Chúa Giêsu được tỏ ra cho dân Ít-ra-en là Đấng Cứu Thế. Điều này đưa chúng ta trở về với ngày chúng ta được rửa tội. Trong ngày ấy, chúng ta được Thiên Chúa chiếm lấy làm của riêng Ngài và tẩy rửa chúng ta sạch mọi tỳ ố của tội lỗi. Năm tháng trôi qua, chúng ta dần dần để cho thế gian chiếm lấy chúng ta và chúng ta không còn hoàn toàn thuộc về Chúa. Hãy bắt đầu lại, sống trọn vẹn ơn gọi ‘thánh hiến’ chúng ta lãnh nhận khi rửa tội: Từ bỏ ma quỷ và thuộc trọn về Chúa.
Điểm cuối cùng chúng ta rút ra trong bài Tin Mừng hôm nay là ‘thấy.” ‘Thấy’ là một trong những điều cần thiết trong Tin Mừng Gioan cho những ai muốn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, và của những người muốn làm chứng cho Ngài: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1:34). ‘Thấy’ là lời Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ đầu tiên khi họ muốn theo Ngài: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” các môn đệ hỏi. “Hãy đến và xem” (Ga 1:39). ‘Thấy’ ở trong Tin Mừng của Gioan không chỉ mang nghĩa thể lý, nhưng còn hiểu được ý nghĩa hàm chứa đằng sau các dấu lạ Chúa Giêsu làm. Chúng ta muốn thấy gì trong cuộc sống? Chúng ta thấy nhiều thứ và nhiều người trong ngày sống của chúng ta: Có những thứ, những người làm chúng ta thích thú khi nhìn thấy, nhưng cũng có những thứ hoặc những người làm chúng ta không mấy hạnh phúc. Tuy nhiên, liệu chúng ta có đọc được ý nghĩa [bài học] đằng sau những gì chúng ta thấy trong ngày sống không? Liệu chúng ta có nhìn thấy được ‘bàn tay vô hình’ của Chúa hiện diện trong những gì chúng ta thấy với con mắt thể xác không?
THỨ TƯ
CHÚNG TA ĐANG TÌM GÌ TRONG CUỘC SỐNG?
(1 Ga 3: 7-10; Ga 1: 35-42)
Như chúng ta đã biết, Thánh sử Gioan rất thích dùng hình ảnh tương phản trong Tin Mừng và các thư của mình. Và trong bài đọc 1 hôm nay, hình ảnh tương phản được sử dụng là: Phạm tội-không phạm tội, con cái Thiên Chúa-con cái ma quỷ. Thánh Gioan muốn nhắc nhở cho chúng ta về một thực tế luôn xảy ra trong cuộc đời chúng ta, đó là, chúng ta luôn đứng giữa sự giằng co của hai thế lực: Sự thiện và sự dữ. Sự giằng co này được Thánh Phao-lô diễn tả cách trung thực như sau: “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. … Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi” (Rm 7:15-20). Khi đứng về phía Thiên Chúa, chúng ta sẽ làm điều thiện; còn khi để xác thịt chiến thắng, chúng ta sẽ phạm tội. Chúng ta rút ra được điều gì ở điểm này? Theo Thánh Gioan, nếu chúng ta ở trong Thiên Chúa thì chúng ta không phạm tội. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc không phạm tội, chúng ta chỉ mới đạt đến mức “hoàn hảo tối thiểu.” Sự “hoàn hảo tối đa” là: “Hãy đi, bán hết những gì anh có, bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Tôi” (Mc 10:21; Mt 19:21). Để hoàn toàn ở trong Thiên Chúa như Đức Ki-tô chúng ta phải “làm việc thiện” và trở nên giống Đức Ki-tô trong mọi sự.
Trong bài đọc 1, Thánh Gioan tiếp tục khai triển đề tài ‘công chính’ và ‘không phạm tội’ mà chúng ta đã nghe ngày hôm qua. Tuy nhiên, trong bài đọc hôm nay, Thánh Gioan liên kết tội với tư tưởng ‘đi lạc đường,’ tức là, đi theo ma quỷ (1 Ga 3:7-8). Tiếp đến, Ngài nối kết sự công chính với tình yêu. Sống công chính và yêu thương là hai tiêu chuẩn để biết một người thuộc về Thiên Chúa hay không. Như chúng ta đã biết, công chính hệ tại việc nghe và tin vào lời Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta thấy có nhiều người tự hào về việc đi lễ mỗi ngày để nghe lời Chúa, và là người tin Chúa. Nhưng họ lại sống trong hận thù, ghen tỵ, không tha thứ và cảm thông. Khi Thánh Gioan liên kết tư tưởng công chính với tình yêu, hay đúng hơn, đồng hoá sự công chính với đời sống tình yêu, ngài cảnh báo chúng ta về tình trạng nghe lời Chúa, tin vào Chúa mà không sống yêu thương. Tiêu chuẩn để thẩm định một người có nghe lời Chúa hoặc tin Chúa hay không tuỳ thuộc vào lối sống của họ: yêu thương hoặc không yêu thương!
Bài Tin Mừng hôm nay đặt chúng ta đối diện với thực tế của đời mình với câu hỏi của Chúa Giêsu: “Các anh tìm gì thế?” (Ga 1: 38). Trong ngày sống, chúng ta thường bận rộn với nhiều việc và chúng ta thường cho rằng mình đã làm quá nhiều việc và đôi khi cảm thấy thoả mãn và tự hào về những thành quả mà mình đạt được. Nhưng khi nhìn lại, chúng ta tự hỏi: Tôi đang chạy theo cái gì? Khi đi vào sự thinh lặng của tâm hồn và đối diện với Thiên Chúa, chúng ta không khỏi ngậm ngùi tự nhận rằng: Tôi đang chạy theo những gì không quan trọng và bỏ quên những gì quan trọng. Chúa Giêsu cũng hỏi mỗi người chúng ta: “Con đang tìm gì thế?” Các tông đồ đầu tiên không tìm gì khác ngoài “nơi ở” của Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1:38). Tại sao các tông đồ không tìm gì khác ngoài “chỗ ở” của Chúa Giêsu? Đây là điểm mấu chốt để biết được một trong những đề tài quan trọng của Tin Mừng Thánh Gioan, đó là, đề tài “ở lại.” Điều này chúng ta thấy ngay trong hành động của các tông đồ sau khi đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu “đến và xem” (Ga 1: 39): “Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1:39). Trong câu này có một điểm cần chú ý nhất: Các môn đệ đầu tiên không ở lại với ai khác ngoài Chúa Giêsu. Như vậy, “ở lại với Chúa Giêsu” quyết định ơn gọi làm môn đệ của những ai muốn theo Chúa. Các môn đệ ‘tìm chỗ ở’ của Chúa Giêsu, nhưng ‘không ở lại trong chỗ ở,’ mà ‘ở lại với Chúa Giêsu.’ Nói một cách cụ thể, ‘nơi ở’ không làm nên người môn đệ của Chúa Giêsu, vì “con chồn có hang, chim trời có tổ, còn Con Người không có chỗ gối đầu” (Mt 8:20; Lc 9:58). Chỉ có ‘ở lại với Chúa Giêsu’ mới làm nên người môn đệ.
Điểm kế tiếp mà bài Tin Mừn gợi cho chúng ta là việc khẳng định rằng: Chỉ có người môn đệ ‘ở lại với Chúa Giêsu’ mới có khả năng giới thiệu Chúa cho người khác cách thuyết phục và đem họ đến với Chúa. Chúng ta thấy điều này nơi hình ảnh của ông An-rê. Sau khi ở với Chúa Giêsu, ông đến gặp em mình và nói cho em mình về Chúa Giêsu. Điều làm chúng ta ngạc nhiên ở đây là việc ông chỉ mới ở với Chúa Giêsu một ngày, thời gian rất ngắn, nhưng ông ta biết được căn tính của Chúa Giêsu: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (Ga 1:41). Danh hiệu này chính là danh hiệu mà sau này Phê-rô sẽ đại diện nhóm Mười Hai tuyên xưng khi Chúa Giêsu hỏi các ông: “Còn anh em, anh em gọi Thầy là ai?” (Mt 16:16; Mc 8:29). Điều này làm cho chúng ta ý thức rằng: Chỉ những ai ở lại với Chúa mới có thể biết Chúa Giêsu là ai để giới thiệu cho người khác. Chúng ta không thể nói cho người khác về Đấng chúng ta không biết và không yêu.
Điểm cuối cùng cho chúng ta suy gẫm hôm nay là mẫu gương của Thánh Gioan Tẩy Giả. Trong thực tế thường ngày, khi thấy một ai đó hơn mình chúng ta cũng có tí ghen tỵ và ‘ước muốn’ hơn họ. Nếu có một ai đó hơn mình, liệu chúng ta có can đảm để cho những người thuộc về chúng ta đi theo người đó không? Chúng ta luôn có khuynh hướng giữ lại cho mình những thứ và những người mà mình cảm thấy gần gũi hoặc mang lại cho mình sự an toàn và vui vẻ. Hơn nữa, chúng ta phải đồng ý rằng: Bỏ đi một thứ gì thì dễ hơn bỏ đi một người mà mình đã gắn bó. Chúng ta thấy ở Thánh Gioan Tẩy Giả một sự thanh thoát không chỉ trong tương quan với sự vật, mà còn cả trong tương quan với những người đã theo ngài. Ngài không giữ lại cho chính mình cái gì, dù là môn đệ của mình. Tất cả đều dành cho Chúa Giêsu. Như vậy, Thánh Gioan Tẩy Giả dạy cho chúng ta rằng: Đừng để một tương quan với con người nào ngăn cản chúng ta đến với Chúa và trở thành môn đệ của Ngài. Những tương quan không giúp người khác đến với Chúa và gần Chúa là những tương quan mang tính con người!
THỨ NĂM
TÌM CHÚA TRONG CÁI BÌNH THƯỜNG CỦA NGÀY SỐNG
(1Ga 3: 11-21; Ga 1: 43-51)
Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Gioan sử dụng hình ảnh tương phản giữa yêu-ghét để áp dụng vào mối tương quan cụ thể trong đời sống cộng đoàn của những người tin. Theo thánh nhân, chỉ có một điều cần thiết trong đời sống cộng đoàn: “Chúng ta hãy yêu thương nhau” (1Ga 3:11). Điều này nhắc chúng ta về điều răn của Chúa Giêsu: “Điều thầy truyền cho anh [chị] em, là anh [chị] em hãy yêu thương nhau … như Thầy đã yêu thương anh [chị] em” (Ga 3:34-35). Bên cạnh đó, thánh nhân cũng cảnh báo chúng ta về nguy cơ trở nên giống Ca-in, người chối bỏ vai trò ‘coi sóc em của mình’ (x. St 4:9). Trong sách Sáng Thế, chúng ta thấy lý do Ca-in giết em mình là vì lòng ghen tỵ và trở nên ‘giận dữ và sầm nét mặt’ (x. St 4:6). Còn trong bài đọc 1, Thánh Gioan cho biết lý do là vì ‘việc Ca-in làm thì xấu xa, còn việc A-ben làm thì công chính’ (1Ga 3:12). Chúng ta thấy ở đây mối dây liên kết chặt chẽ giữa giận dữ và giết chết người khác.
Thánh Gioan khai triển mối tương quan giữa “giận dữ” và “giết chết” bằng việc sử dụng cặp tương phản yêu-ghét và sống-chết: Ai yêu thương sẽ ở trong cõi sống, còn ai không yêu thương [ghét] thì ở lại trong sự chết (1Ga 3:14). Thánh nhân muốn chúng ta xem xét thái độ sống của chúng ta với người khác qua khẳng định: “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân” (1Ga 3:15). Ở đây, Thánh Gioan chỉ ra cho chúng ta mối tương quan giữa giận dữ – ghét – giết người. Khi chúng ta giận một người anh [chị] em, chúng ta sẽ ‘ghét’ người đó, và khi chúng ta ghét họ, chúng ta ‘muốn giết’ hoặc đã giết họ, ít là trong trái tim chúng ta. Thật vậy, khi chúng ta tức giận hoặc ghét một ai đó, chúng ta thường loại bỏ họ khỏi trái tim mình. Đối với chúng ta, họ sống ‘như đã chết’ hoặc ‘không hiện hữu.’ Giận dữ là “vũ khí nguy hiểm” nhất để giết người khác và nhất là chính mình. Chúng ta phải biết rằng: Người hay nổi giận là người kiêu ngạo và tự mãn nhưng yếu kém vì trước khi ra trận chiến đấu với người khác đã bị đánh bại bởi một cảm xúc của mình. Hãy học ở Đức Chúa là Đấng chậm giận, nhưng giàu tình thương và lòng thành tín (x. Ex 34:6; Tv 86:5, 15). Còn trong bài đọc 1, Thánh Gioan lại mời gọi chúng ta học nơi Chúa Ki- tô: Chúa Ki-tô thí mạng vì chúng ta, chúng ta cũng phải thí mạng cho nhau (1Ga 3:16).
Thái độ thứ hai Thánh Gioan nói đến trong bài đọc 1 là chia sẻ. Sau khi nhắc nhở chúng ta tránh thái độ tiêu cực của giận dữ và ghen ghét, thánh nhân muốn chúng ta phát triển thái độ tích cực: “Của cải chúng ta có là để chia sẻ cho anh em mình. Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1Ga 3: 17). Ở đây chúng ta thấy thánh nhân đưa ra một tiêu chuẩn ‘tích cực’ để biết một người “ở lại trong Thiên Chúa” hay không, đó là, “động lòng thương và chia sẽ.” Khác với những ngày vừa qua thánh nhân đưa ra tiêu chuẩn ‘tiêu cực’ để biết một người ở trong Thiên Chúa là “không phạm tội.” Hơn nữa, đối với Thánh Gioan, tình yêu không phải là một công thức mang tính lý thuyết, nhưng là một hành động cụ thể, một quyết định để chia sẻ những gì chúng ta có và chúng ta là cho người khác: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3:18).
Trong Tin Mừng hôm nay, Tháng Gioan khai triển đề tài “trở thành môn đệ của Chúa Giêsu” theo cùng khuôn mẫu với Tin Mừng hôm qua. Điều lặp lại trong Tin Mừng hôm nay là tư tưởng: Chỉ những ai “ở lại với Chúa Giêsu” mới có khả năng giới thiệu Ngài cho người khác. Ngày hôm qua An-rê giới thiệu Chúa Giêsu cho Phê- rô, còn hôm nay Phi-lip-phê giới thiệu Chúa Giêsu cho Na-tha-na-en. Cả An-rê và Phi-lip-phê đã đến, xem, và ở lại với Chúa Giêsu. Tuy nhiên, các điểm khác biệt đáng lưu ý là: Ông An-rê giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng Mê-si-a cho Phê-rô, còn ông Phi- lip-phê giới thiệu Chúa Giêsu là “ông Giêsu con ông Giu-se người Na-da-rét” (Ga 1:45). Chúng ta thấy thái độ đón nhận của hai người được giới thiệu hoàn toàn khác nhau: Phê-rô không chất vấn về Đấng Mê-si-a, còn Na-tha-na-en thì mỉa mai ‘ông Giêsu, con ông Giuse, người Na-da-rét.’ Thánh Gioan muốn nói điều gì ở đây? Ngài muốn khẳng định rằng: Khi Chúa Giêsu được giới thiệu với danh xưng đầy uy quyền, như Đấng đến từ Thiên Chúa thì các môn đệ đi theo ‘ngay lập tức và không có chất vấn gì.’ Còn khi Ngài được giới thiệu với danh hiệu thật tầm thường, ‘con bác thợ mộc,’ các môn đệ sẽ ‘mỉa mai và đặt nghi vấn.’ Ngài có gì hay chứ! Tại sao tôi lại theo? Nhưng để giải quyết vấn nạn thắc mắc, Thánh Gioan lặp lại điệp khúc: “Cứ đến mà xem” (Ga 1:46). Suy gẫm sâu xa hơn về chi tiết này, chúng ta nhận ra Thánh Gioan không chỉ dừng lại ở đó. Ngài muốn muốn khẳng định rằng: Đấng Me-si-a mà An-rê tuyên xưng và giới thiệu cho Phê-rô chính là “ông Giêsu, con ông Giuse, người Na-da-rét” mà Phi-lip-phê giới thiệu cho Na-tha-na-en. Điều này đưa chúng ta về với sứ điệp của No-en và cũng là trung tâm điểm của phần dẫn nhập của Tin Mừng Gioan: Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa…. Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1:1, 14). Nhiều lần trong đời sống thường ngày, chúng ta muốn gặp Chúa Giêsu, nhưng chúng ta không chấp nhận Ngài hiện diện trong những gì là rất bình thường, nên chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để gặp Ngài. Chúng ta cũng hỏi như Na-tha-na-en: Cái đó có gì hay? Người đó có gì tốt? Chúng ta đi tìm Chúa Giêsu trong thế giới không phải của con người, trong khi Ngài là “người thật” và là “Chúa thật.” Chỉ có những người ở lại với Chúa Giêsu mới có thể nhìn thấy cái phi thường trong cái tầm thường, thấy Thiên Chúa oai hùng trong Hài Nhi quấn trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ.
Từ Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể rút ra thêm bài học sau: Trước khi chúng ta biết Chúa thì Ngài đã biết chúng ta. Và chính cái biết của Chúa Giêsu về chúng ta làm cho chúng ta tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa chứ không phải là cái biết của chúng ta về Ngài. Điều này chúng ta thấy trong hình ảnh của Na-tha-na-en. Ông được phi-lip-phê mời đến xem. Nhưng khi ông đến với Chúa Giêsu để “xem” Ngài, thì ông đã ‘bị Chúa Giêsu xem trước’: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi” (Ga 1:48). Thật vậy, không phải việc ‘xem thấy Chúa Giêsu’ của chúng ta làm chúng ta tin vào Ngài, nhưng chính việc Chúa Giêsu nhìn thấy chúng ta làm phát sinh đức tin: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” (Ga 1:50). Quả thật, mầu nhiệm nước trời chỉ được mặc khải cho những ai để Chúa biết và nhìn thấy!
THỨ SÁU
HÃY XIN ĐIỀU CHÚA MUỐN
(1Ga 5:5-13; Mc 1:7-11)
Bài đọc 1 hôm nay là phần cuối thư Thứ Nhất của Thánh Gioan. Chúng ta có thể nói rằng: đây là kết luận của tất cả những luận chứng mà Thánh Gioan đã trình bày để làm chứng cho mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu: qua việc “mặc lấy xác phàm,” Chúa Giêsu là chứng từ hữu hình và sống động của tình yêu của Chúa Cha dành cho con người, và cũng là Đấng kêu gọi chúng ta hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Thánh Gioan muốn nói rõ cho chúng ta những lời chứng về Đức Kitô mà Ngài đề cập trong thư của ngài không phải là lời chứng của người phàm, nhưng là của Thần khí: “Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật” (1Ga 5:6). Theo Thánh Gioan, không chỉ có Thần Khí là chứng nhân duy nhất, nhưng còn nước và máu: “Có ba chứng nhân: Thần Khí, nước, và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều” (1Ga 5:7-8). Khi nói đến Thần Khí, nước và máu, Thánh Gioan muốn đưa chúng ta về với mầu nhiệm Thập Giá, là đỉnh cao của tình yêu của Thiên Chúa, nơi con tim của Chúa Giêsu bị đâm thâu để nước và máu chảy ra trở nên nguồn suối ân sủng cho con người (Ga 19:34). Thập giá chính là lời chứng hùng hồn và chân thật nhất của Chúa Cha về việc “yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của mình” (Ga 13:1). Đây là điều Thánh Gioan khẳng định trong câu: “Lời chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người” (1Ga 5:11).
Tuy nhiên, Thánh Gioan cũng khuyến cáo chúng ta về việc chậm tin của chúng ta vào lời chứng của Chúa Cha, lời chứng của tình yêu thập giá. “Chúng ta vẫn nhận lời chứng của người phàm, thế mà lời chứng của Thiên Chúa còn cao trọng hơn, vì đó là lời chứng của Thiên Chúa, lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người (1Ga 5:9). Chúng ta thường nhận lời chứng của người phàm, còn lời chứng tình yêu cao trọng của thập giá thì đôi khi chúng ta không đón nhận vì có sự “rợp bóng” của đau khổ. Mấy ai trong chúng ta chấp nhận rằng: Đau khổ là dấu chứng hùng hồn nhất của một tình yêu chung thuỷ. Nhưng quả vậy, một tình yêu chân thật và trung thành với bản chất của mình [yêu cho đến cùng] chỉ được chứng thực khi đối diện với đau khổ và sự chết mà vẫn trung thành với chính mình. Còn một tình yêu bỏ cuộc khi đối diện với đau khổ là tình yêu nửa vời.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Đây là một sự kiện mang tính thần học rất quan trọng nên được cả bốn thánh sử trình thuật lại, nhưng bằng những cách thức khác nhau. Trình thuật Tin Mừng Thánh Máccô bắt đầu với lời chứng của Gioan Tẩy Giả: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần” (Mc 1:7-8). Theo các học giả Kinh Thánh, theo truyền thống Kinh Thánh, “Đấng quyền thế” ám chỉ về việc ngự đến của Thiên Chúa với quyền năng khi Nước Thiên Chúa đến. Trong bối cảnh của Tin Mừng Thánh Máccô, “Đấng quyền thế” ám chỉ đến Chúa Giêsu. Ngài là Đấng mà Gioan kính trọng đến nỗi xem mình không xứng đáng để cúi xuống cởi quai dép cho Ngài như một người đầy tớ cúi xuống cởi quai dép cho chủ mình. Nói cách khác, trước sự thánh thiện của Ngài, Gioan thấy mình không xứng đáng. Ngay cả phép rửa ông đang thực hiện cũng không là gì sánh với phép rửa mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện để thánh hoá con người. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ cung kính mỗi khi đến trước Thiên Chúa. Sống trong thế giới tục hoá, chúng ta cũng thường “tục hoá” những nơi thánh thiện. Chúng ta thường lấy cớ nói rằng “Chúa không bao giờ trách” để biện minh cho những cách ăn mặc hay cử chỉ không mang tính tôn kính khi chúng ta đến với Chúa. Trước sự thánh thiện của Thiên Chúa, chúng ta cần có thái độ tôn kính tương xứng.
Thánh Máccô bắt đầu sự kiện phép rửa của Chúa Giêsu với lời tường thuật ngắn gọn: “Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan” (Mc 1:9). Khác với Tin Mừng Thánh Mátthêu, Thánh Máccô chỉ đề cập đến việc Chúa Giêsu đến chịu phép rửa chứ không nói đến bản chất của phép rửa là để giục lòng sám hối (x. Mt 3:11). Thánh Máccô cũng không nói cho thính giả biết lý do tại sao Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan. Thánh Máccô làm như thế vì thánh sử chỉ quan tâm đến việc mặc khải chân tính của Chúa Giêsu qua phép rửa: “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán: ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con’” (Mc 1:10-11). Những lời này cho thấy, Chúa Giêsu là con yêu dấu của Chúa Cha. Qua phép rửa, chúng ta cũng trở nên những người con yêu dấu của Thiên Chúa. Điều đáng để chúng ta suy gẫm là: Thiên Chúa đã hài lòng về chúng ta chưa? Nếu chúng ta chưa làm Thiên Chúa hài lòng qua đời sống yêu thương, cảm thông và tha thứ của mình, hãy bắt đầu từ hôm nay!
THỨ BẢY
HÃY ĐỂ CHÚA LỚN LÊN TRONG CHÚNG TA
(1 Ga 5:14-21; Ga 3:22-30)
Bài đọc 1 hôm nay gồm hai phần: phần đầu (1Ga 5: 14-17) là lời cầu nguyện cho những tội nhân và phần thứ hai là “bản tóm tắt” của toàn bộ lá thư của Thánh Gioan (1Ga 5:18-21). Phần một, lời nhắc nhở cầu nguyện cho những người tội lỗi có lẽ là điều gần gũi với mỗi người chúng ta nhất, vì tất cả chúng ta đều là tội nhân. Thánh Gioan bắt đầu phần này với việc khuyến khích chúng ta rằng: Chúng ta hãy mạnh dạn vì Thiên Chúa luôn “nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người” (1Ga 5:14). Tiếp đến, Thánh Gioan chỉ ra thái độ chúng ta cần phải có khi biết một anh em mình phạm tội: không lên án, không xét đoán, nhưng cầu nguyện cho họ: “Nếu ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin, và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho người anh em ấy; đó là nói về những ai phạm thứ tội không đưa đến cái chết. Có một thứ tội đưa đến cái chết, tôi không bảo phải cầu xin cho những người phạm thứ tội ấy” (1Ga 5:16). Điều này trái ngược với kinh nghiệm thường ngày của chúng ta. Khi biết một ai đó phạm tội, chúng ta thường lên án và có cái nhìn không thiện cảm về họ. Thật vậy, chẳng có mấy khi chúng ta cầu nguyện cho những người phạm tội. Có chăng chúng ta cũng chỉ cầu nguyện cách chung chung cho các tội nhân, chứ ít khi cho một người mà chúng ta “biết” được tội của họ. Tuy nhiên, điều chúng ta thắc mặc ở đây là Thánh Gioan phân ra hai loại tội: Tội không đưa đến sự chết và tội đưa đến sự chết. Chúng ta chỉ cầu xin cho những người phạm thứ tội không đưa đến sự chết. Những tội này là gì? Chúng ta chỉ trả lời câu hỏi này khi đặt nó trong bối cảnh của cộng đoàn của Thánh Gioan. Theo Thánh Gioan, “Mọi điều bất chính đều là tội, nhưng có một thứ tội không đưa đến cái chết” (1Ga 5:17). Theo các học giả Kinh Thánh, hiểu theo tư tưởng của Thánh Gioan thì tội dẫn đến cái chết là tội “tách mình ra khỏi cộng đoàn những người tin,” nói cách khác là “tách mình ra khỏi Chúa Giêsu, không còn tin Ngài là Đấng ban sự sống. Còn những tội khác là những tội không dẫn đến cái chết.
Trong phần hai, vì là bản “tóm tắt” của lá thư, chúng ta thấy Thánh Gioan trình bày về mối tương quan giữa việc được sinh ra bởi Thiên Chúa và phạm tội: “Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, người đó không phạm tội; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy được” (1Ga 5:18); vấn đề của những người thuộc về Thiên Chúa và thuộc về thế gian: “Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần” (1Ga 5:19); vai trò của Chúa Giêsu trong việc làm cho chúng ta biết tình yêu của Chúa Cha qua việc nhập thể của Ngài: “Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và ban cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật. Chúng ta ở trong Thiên Chúa thật, ở trong Con của Người là Đức Giêsu Kitô” (1Ga 5:20). Ngài kết thúc với câu khuyến dụ thật chân thành: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, hãy tránh xa các tà thần!” (1Ga 5:21). Theo Thánh Gioan, qua Chúa Giêsu, chúng ta đã biết Thiên Chúa thật: Ngài là tình yêu. Cho nên chúng ta phải tránh xa lối sống ghen ghét, hận thù, không yêu thương; tránh xa lối sống của những người không thuộc về Thiên Chúa!
Tin Mừng của Gioan là Tin Mừng chứa đựng nhiều hình ảnh. Chúng ta cùng nhau suy gẫm trên một vài hình ảnh để rút ra những điều cần thiết cho cuộc sống của chúng ta.
Hình ảnh thứ nhất là hình ảnh rượu. Trong Kinh Thánh, rượu chính là hình ảnh của niềm vui. Nhìn theo khía cạnh này, khi Mẹ Maria đến nói với Chúa Giêsu, “họ hết rượu rồi,” điều này có nghĩa là, “họ không còn niềm vui khi đi theo con nữa.” Đi theo Chúa phải vui. Làm sao chúng ta không vui được khi chúng ta là những người nghe ‘tin mừng’ mỗi ngày. Không có ai nghe ‘tin mừng’ mà buồn. Vui với Chúa là dễ nhất. Vui với những người chúng ta yêu thương thì cũng dễ, nhưng vui với những người chúng ta không thích thì rất khó và đôi khi không thể. Theo Chúa mà chúng ta sống như những người không có Chúa. Thánh Têrêsa Calcutta nói rằng: “Một nụ cười chính là một ‘thực tại’ của Thiên Chúa mà chúng ta có thể đem đến cho cuộc sống của người khác.”
Hình ảnh thứ hai là sáu chum rượu. Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, số sáu được sử dụng một vài lần vì đối với Gioan đây chính là cách thức để chuyển tải sứ điệp của mình. Trong tư tưởng của người Do Thái, số bảy là số hoàn hảo. Khi đề cập đến “Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước” (Ga 2:6). Thánh Gioan muốn nói rằng: việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái vẫn chưa hoàn hảo. Chúa Giêsu đến mang lại rượu mới, mang lại sự hoàn hảo cho cuộc sống con người. Ở đâu có sự hiện diện của Chúa Giêsu, ở đó có niềm vui và tình yêu. Niềm vui của Chúa Giêsu mang lại là niềm vui hoàn hảo: “Thầy nói với anh em những điều này để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” Chúng ta thấy điều này trong lời của quản tiệc: “Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ” (Ga 2:10).
Hình ảnh thứ ba là “giờ của Chúa Giêsu.” Chúng ta có thể nói rằng: “Giờ của Chúa Giêsu” chính là nội dung chính của Tin Mừng của Thánh Gioan. Những giờ này là gì mà Chúa Giêsu nói là “chính vì giờ này mà Ta đến trong thế gian.” Mục đích của giờ này là để Chúa Cha được tôn vinh. Chúng ta tìm thấy điều này trong câu cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2:11). Vinh quang của Chúa Giêsu được tỏ hiện trong bối cảnh của tiệc cưới và gắn liền với hình ảnh ‘rượu’ [hay còn gọi là niềm vui]. Nói cách khác, vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện trong tình yêu và niềm vui mà Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta. Chúng ta tìm thấy đỉnh cao của vinh quang này trên thập giá vì ở đó niềm vui trọn vẹn nhất được tìm thấy khi tội lỗi bị đóng đinh trên thập già và con người được hoà giải với Thiên Chúa, khi sự chết bị đánh bại. Hãy trở nên vinh quang của Thiên Chúa qua đời sống đầy yêu thương và vui tươi của mình!