SUY NIỆM Lời Chúa Các Bài suy niệm Tuần III Mùa Vọng_A

Các Bài suy niệm Tuần III Mùa Vọng_A

TUẦN III MÙA VỌNG  NĂM A

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI
MỌI QUYỀN LỰC CÓ NGUỒN GỐC NƠI THIÊN CHÚA
(Ds 24:2-7.15-17a; Mt 21:23-27)

Bài đọc 1 nói về lời sấm của Bilơam. Trong lời sấm của mình, Bilơam cho biết lời sấm của ông là “sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa, người ngắm nhìn thị kiến Đấng Toàn Năng, của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần” (Ds 24:4). Những lời này trình bày cho chúng ta hình ảnh chân thật của một vị ngôn sứ, đó là người “nghe” các lời của Thiên Chúa, “ngắm nhìn” dung nhan Thiên Chúa và “mắt vẫn mở” [hướng lòng về Chúa] ngay cả trong giấc ngủ. Nói cách khác, ngôn sứ là người “tai nghe mắt thấy kỳ công của Thiên Chúa và hoàn toàn hướng trọn con người của mình về Ngài.” Trong hoàn toàn thuộc về Chúa, ngôn sứ mới có thể nhìn thấy mọi sự bằng ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa để nhận ra mọi sự là tốt đẹp: “Hỡi Giacóp, lều bạt của ngươi đẹp biết mấy! Hỡi Israel, đẹp biết mấy doanh trại của ngươi!” (Ds 24:5). Tuy nhiên, vẻ đẹp của muôn loài là đến từ Đức Chúa: “Như thung lũng trải dài, như vườn cạnh bờ sông, như lô hội Đức Chúa đã trồng, như hương nam mọc bên dòng nước. Từ các bồn của nó, nước tràn ra, và hạt giống nó được tưới dồi dào. Vua của nó cao cả hơn Agác, và vương quốc nó được tôn vinh” (Ds 24:6-7). Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại cách thức mình thấy và nghe. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta thích nghe lời con người và nhìn thấy vinh quang chóng tàn của con người hơn là lắng nghe lời Chúa và nhìn thấy những kỳ công của Ngài. Chúng ta mất nhiều thời gian cho những câu chuyện “ngồi lê mếch nước” hơn là những câu chuyện về yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta cần hướng trọn con người mình lên Chúa để Ngài chiếm lấy. Chỉ có như thể, chúng ta mới nhìn thấy “ngôi sao nhà Giacóp” trỗi dậy và đến với chúng ta trong từng sự kiện của cuộc sống hằng ngày: “Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa, và biết những tư tưởng của Đấng Tối Cao, được Đấng Toàn Năng cho nhìn linh thị, của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần. Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel” (Ds 24:16-17a).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, quyền bính của Chúa Giêsu bị chất vấn (Mt 21:23-37). Điều này xảy ra ngay trong đền thờ, nơi được gọi là nhà Cha của Ngài. Chúng ta cũng tìm thấy trích đoạn hôm nay trong Tin Mừng Thánh Máccô (11:27-33) và Luca (20:1-8). Thánh Mátthêu đã rập khuôn cách chặt chẽ theo trình thuật của Thánh Máccô. Đặt trong bối cảnh của nó, đoạn trích hôm nay có tương quan chặt chẽ với những gì đi theo sau, đó là trích đoạn hôm nay nói về cuộc tranh luận căn bản trên quyền bính của Đức Giêsu (Mt 21:23-27), tiếp theo là ba dụ ngôn về sự phán xét cách khắt khe (Mt 21:28-32, 33-46, 22:1-14), và cuối cùng là bốn cuộc tranh luận trên những điểm cụ thể, đó là nộp thuế, sự sống lại, giới răn trọng nhất, và con vua Đavít (Mt 21:22:15-22, 23-33, 34-40, 41-46). Tất cả những điều này tạo nên sự ‘đối kháng’ giữa Chúa Giêsu và các lãnh đạo ở Giêrusalem, và sự đối kháng này đã đưa họ đến âm mưu giết Chúa Giêsu. Nếu Thiên Chúa bị chống đối, chắc chắn những người môn đệ của Ngài cũng phải đối diện. Vậy tại sao chúng ta còn ngạc nhiên khi gặp chống đối trong cuộc sống, nhất là trong đời sống phục vụ?

Sự chất vấn của các thượng tế và kỳ mục về sức mạnh và quyền của Chúa Giêsu là có căn cứ: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” (Mt

21:23). Những lời này khẳng định cho chúng ta rằng quyền phải được ban cho. Theo truyền thống của người Do Thái, trong lãnh vực tôn giáo, quyền “làm những điều ấy” không thể ban cho một người bên ngoài dòng dõi tư tế. Theo các học giả Kinh Thánh, “những điều ấy” ám chỉ đến sứ vụ chung của Chúa Giêsu, đó là thanh tẩy Đền Thờ, chữa bệnh, dạy dỗ, được đám đông tôn vinh. Thật vậy, Chúa Giêsu không phải là một tư tế Do Thái thuộc chi tộc Lêvi. Những phương pháp quen thuộc là một sự cầu xin trực tiếp với Thiên Chúa được minh xác với những phép lạ hoặc một sự khẩn xin với truyền thống của tiền nhân. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, cuộc tranh luận này được trình bày cách cặn kẽ [từ chương 5 đến 10] và Chúa Giêsu nại đến các công việc mình làm (x. Ga 10:25, 38). Đứng trước chất vấn của các thượng tế và kỳ mục, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng nại đến phép rửa của ông Gioan: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” (Mt 21:24-25). Đây là nghệ thuật đối đáp của các rabbi khôn ngoan thời xưa, họ sử dụng câu hỏi để trả lời câu hỏi hầu ‘bắt’ người hỏi tự tìm ra câu trả lời cho mình. Chúa Giêsu đã nại đến Gioan. Nói cách khác, Ngài đã nại đến truyền thống Ngôn Sứ với mẫu gương đương thời nhất, đó là Gioan. Truyền thống này là một truyền thống thật trong dân Israel [và trong Giáo Hội], nhưng nó lại rất khó cho những người có quyền để thực hiện vì nó nằm bên ngoài lề luật. Lề luật đã đưa ra những tiêu chuẩn (x. Đnl 13:1-5), nhưng các cuộc tranh luận trong sách Ngôn Sứ Giêrêmia (x. 29:21,23,31) chỉ cho chúng ta thấy điều này rất khó để áp dụng. Trong cuộc sống thường ngày, nhất là trong đời sống cộng đoàn, nhiều khi sống theo “luật” sẽ làm mất hết cái tình cái nghĩa. Vì vậy, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta cách thức sống thế nào cho tốt đẹp, đó là chúng ta cần đến luật, nhưng điều cần hơn cả là sống luật bác ái. Luật tối hậu của chúng ta không phải là những lời chết trong cuốn sách, nhưng là chính con người Chúa Giêsu Kitô. Ngài là luật sống của chúng ta!

Khi nghe Chúa Giêsu nại đến truyền thống Ngôn Sứ, các thượng tế và kỳ mục tỏ ra bối rối, vì đối với họ, mọi sự phải dựa trên lề luật, cho nên, “họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: ‘Do Trời,’ thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ Còn nếu mình nói: ‘Do người ta,’ thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ” (Mt 21:25-26). Sự bối rối đã làm cho họ không thể đưa ra câu trả lời trắng đen trước chất vấn của Chúa Giêsu, nên họ đơn giản nói: “Chúng tôi không biết” (Mt 21:27). Với câu trả lời này, những người chất vấn Chúa Giêsu tuyên nhận sự bất lực của mình [sự thiếu khả năng] trong những vấn đề tôn giáo. Điều này không ngăn cản họ khỏi việc nhúng tay vào cái chết của Chúa Giêsu. Đứng trước điều này, Chúa Giêsu “cũng nói với họ: ‘Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy’” (Mt 21:27). Chi tiết này mời gọi chúng ta xét lại cuộc sống của mình. Nhiều lần trong cuộc sống chúng ta không đủ khiêm nhường để chân nhận người khác hơn mình. Chúng ta tìm cách kéo người đó xuống hoặc làm mất danh dự của người đó. Cuộc sống chỉ trở nên đẹp hơn khi chúng ta biết chấp nhận giới hạn của mình cần đến Chúa và anh chị em mình.

THỨ BA
THI HÀNH THÁNH Ý THIÊN CHÚA QUA HÀNH ĐỘNG
(Xp 3:1-2.9-13; Mt 21:28-32)

Ngôn sứ Xôphônia trong bài đọc 1 nói về sự khốn cùng xảy ra cho những thành không tuân phục ý Chúa: “Khốn cho thành phản loạn và ô uế, khốn cho thành tàn bạo, không nghe tiếng kêu mời, chẳng tiếp thu lời sửa dạy, không cậy trông vào Đức Chúa, chẳng đến gần Thiên Chúa của mình” (Xp 3:1-2). Nhưng Đức Chúa không bỏ rơi mà sẽ thanh tẩy muôn dân để họ hợp lời ca vang Đức Chúa: “Bấy giờ, Ta sẽ làm cho môi miệng chư dân nên tinh sạch để tất cả đều kêu cầu danh Đức Chúa và kề vai sát cánh phụng sự Người. Từ bên kia sông ngòi xứ Cút, những kẻ tôn thờ Ta, những kẻ đã bị Ta phân tán, sẽ mang lễ vật đến kính dâng Ta” (Xp 3:9-10). Hình ảnh này được phản chiếu trong cuộc đời chúng ta. Nhiều lần, chúng ta cũng chạy theo những đam mê tội lỗi bỏ quên đường lối của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi để thanh tẩy chúng ta, để làm cho chúng ta thuộc trọn về Ngài hầu phụng sự Ngài với tâm hồn thanh sạch. Liệu chúng ta có để cho Chúa thanh luyện chúng ta không hay mãi sống trong lối sống quen thuộc của mình?

Bên cạnh sự điệp yêu thương, an ủi, Ngôn sứ Xôphônia nói về những người “còn sót lại” trong con cái Israel. Từ họ, Ngài sẽ tỏ vương quyền của Ngài cho muôn dân: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa. Số dân Israel còn sót lại sẽ không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt. Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ” (Xp 3:12-13). Những lời này chuyền tải sứ điệp hy vọng về sự phục hưng của Israel. Chính Đức Chúa sẽ phục hưng Israel từ một nhóm dân nghèo hèn và bé nhỏ. Chi tiết này giúp chúng ta nhận ra đường lối của Thiên Chúa khác với đường lối của con người. Đức Chúa luôn dùng những gì là nhỏ bé đơn sơ nhất để làm nên những kỳ công tuyệt diệu. Nhìn lại chính mình, mỗi người chúng ta cũng chỉ là những tạp vật bé nhỏ đơn sơ trước mặt Thiên Chúa. Điều đáng suy gẫm là chúng ta có để Thiên Chúa chiếm lấy và thực hiện những kỳ công của Ngài trên cuộc đời chúng ta không?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sử dụng dụ ngôn về hai người con để giảng dạy cho các thượng tế và kỳ mục trong dân về việc thi hành thánh ý Thiên Chúa. Đây là dụ ngôn đầu tiên trong ba dụ ngôn phán xét của Chúa Giêsu [dụ ngôn hai người con, dụ ngôn vườn nho và tá điền, dụ ngôn tiệc cưới], là sản phẩm biên soạn của thánh sử. Cả ba dụ ngôn đều có chung một thính giả, đó là các thượng tế và kỳ mục. Dụ ngôn hôm nay công bố lỗi lầm của họ. Thánh Mátthêu sử dụng hình ảnh truyền thống trong Kinh Thánh về hai anh em để truyền tải sứ điệp của mình. Như chúng ta biết, trong hai người con, một người được đón nhận và một người bị loại ra [Cain-Abel, Esau-Giacóp, v.v.). Hình ảnh vườn nho trong bài Tin Mừng tuần trước được sử dụng. Tuy nhiên, những người được mời gọi vào làm trong vườn nho không phải là những người bên ngoài được thuê vào làm để nhận tiền công, nhưng là con cái trong nhà. Đề tài chuyển từ thái độ của ông chủ sang thái độ của những người được mời gọi vào làm trong vườn nho. Thái độ quan trọng duy nhất là vâng phục thi hành ý muốn của chủ vườn nho. Chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là hình ảnh hai người con: Hai người con là ai? Sự phân biệt ở đây không phải là giữa người Do Thái và dân ngoại, nhưng giữa hai loại người Do Thái, những người lãnh đạo không có đức tin và những người bị loại trừ ra ngoài lề xã hội nhưng đáp lại sứ điệp của Chúa Giêsu với lòng tin (câu 31), giữa dân Israel chân thật và giả dối. Tuy nhiên, nhìn từ bối cảnh Tin Mừng, những người ngoại giáo trở lại cũng được bao gồm trong những tội nhân đặt niềm tin vào Chúa Giêsu. Trong hình ảnh hai người con [hai loại người Do Thái], chúng ta thuộc loại nào? Và Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì?

Người con thứ nhất: “Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.’ Nó đáp: ‘Con không muốn!’ Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi” (Mt 21:28-29). Nơi người con thứ nhất, chúng ta thấy có sự biến đổi nội tâm hay đúng hơn là sám hối sau khi nhận ra mình đã làm người cha của mình buồn với sự bất tuân. Đối với Thánh Mátthêu, trung thành với đức tin luôn luôn là thử thách cuối cùng. Hình ảnh người con thứ nhất dạy chúng ta đừng vội xét đoán anh chị em mình. Có thể lúc này họ sống thế này hay hành động như thế kia vì họ đang trải qua những khó khăn mà chúng ta không biết. Mọi sự phải để đến cuối cùng mới biết, nên đừng vội xét đoán người khác dựa trên vẻ bề ngoài.

Người con thứ hai: “Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: ‘Thưa ngài, con đây!’ nhưng rồi lại không đi” (Mt 21:30). Người con thứ hai hoàn toàn ngược với người con thứ nhất, bề ngoài hoàn toàn tỏ ra vâng phục người cha, nhưng bên trong lại không có sự biến đổi, không có sự hoán cải. Nói cách khác, người con thứ hai đặt vẻ bề ngoài quan trọng hơn là sự vâng phục bên trong. Hình ảnh người con thứ hai khuyến cáo chúng ta về lối sống giả hình của mình. Nhiều lần, chúng ta cũng tỏ thái độ “bằng mặt chứ không bằng lòng” với anh chị em mình. Đáng buồn hơn là nhiều lần chúng ta cũng chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài trong đời sống tương quan với Chúa, chứ không có sự biến đổi bên trong nào.

Nơi hình ảnh hai người con, vấn đề được đặt ra là: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” (Mt 21:31). Những lời này chỉ cho chúng ta thấy rằng thi hành ý muốn của người cha [hay của Thiên Chúa] là điều quan trọng nhất và điều này hệ tại ở sự biến đổi nội tâm hay thái độ sám hối. Các kinh sư và kỳ mục cho biết người con thứ nhất là người thi hành ý muốn của người cha – là người phạm lỗi, nhận ra lỗi phạm của mình, biến đổi [sám hối] và làm theo điều người cha mời gọi. Chi tiết này chỉ rõ sự thánh thiện hay tiêu chuẩn để biết một người thi hành ý Thiên Chúa là nhận ra lỗi phạm của mình, sám hối và thi hành điều Thiên Chúa mời gọi chứ không hệ tại “sự vâng phục” trên môi trên miệng, hay vẻ dễ dạy chỉ được diễn tả bên ngoài.

Bài Tin Mừng kết thúc với bài học được rút ra sau: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy” (Mt 21:31-32). Như chúng ta biết, những người thu thuế và những người gái điếm là phần tử những người Do Thái, nhưng họ bị xem là những người vô tri và tội lỗi. Sự đối nghịch đầy kinh ngạc ở đây là những người bị xem là tội lỗi lại là những người vào Nước Trời trước những người xem mình là công chính. Đây chính là trọng tâm của Tin Mừng: Chúa Giêsu đến để kêu gọi những người tội lỗi, biết mở lòng trước sứ điệp Tin Mừng, hơn là những người cho mình là công chính không tỏ lòng sám hối. Cũng nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng xem mình là những người công chính hơn anh chị em khác. Chúng ta cho rằng người khác mới cần sám hối chứ không phải chúng ta. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết sống khiêm nhường và không xét đoán anh chị em mình.

THỨ TƯ
ĐI TRONG ĐÊM ĐEN ĐỨC TIN
(Is 45:6b-8.18.21b-25; Lc 7:19-23)

Sứ điệp sám hối là nội dung chính lời sấm của ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 hôm nay. Thiên Chúa lên tiếng mời gọi con cái Israel trở về với Ngài vì Ngài là Thiên Chúa duy nhất, Đấng sáng tạo mọi loài: “Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác. Ta tạo ra ánh sáng và dựng nên tối tăm, làm ra bình an và dựng nên tai họa. Ta là Đức Chúa, Ta làm nên tất cả” (Is 45:6b-7). Thiên Chúa là chủ muôn loài, ngoài Ngài ra không còn chúa nào khác. Chính nơi Người mà mọi ân sủng được ban cho con người. Vì vậy, để sống trong ân sủng và được cứu độ, con người được mời gọi hướng lòng trí về Thiên Chúa: “Nào muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta, thì các ngươi sẽ được cứu độ, vì Ta là Thiên Chúa, chẳng còn chúa nào khác. Ta lấy chính danh Ta mà thề, lời chân thật này thốt ra khỏi miệng Ta, Ta quyết chẳng bao giờ rút lại: Trước mặt Ta, mọi người sẽ quỳ gối, và mở miệng thề rằng: Chỉ mình

Đức Chúa mới cứu độ và làm cho mạnh sức” (Is 45:22-24). Trong những lời này, điều đáng làm chúng ta suy gẫm là sự trung thành của Thiên Chúa với lời hứa của Ngài. Nói cách khác, những gì Thiên Chúa đã hứa Ngài sẽ thực hiện: Ngài đã hứa sẽ cứu độ con người và ban cho con người sức mạnh để đáp lại lời mời gọi của Ngài. Chất vấn cuộc đời của mình, cũng nhiều lần chúng ta đã không sống đúng với lời mình nói. Đã nhiều lần, chúng ta đã không trung thành với lời hứa mà chúng ta đã hứa với Chúa và anh chị em mình. Chỉ với ơn Chúa chúng ta mới có thể sống lối sống “lời nói đi đôi với hành động”.

Sống trong đêm tối của niềm tin, đôi khi chúng ta cũng nghi ngờ đường lối của Thiên Chúa. Đây chính là hoàn cảnh mà trong đó chúng ta thấy Gioan Tẩy Giả phải đối diện khi phải sống trong bốn bức tường của nhà tù. Trong đêm tối của đức tin, ông “sai hai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: ‘Ông Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: ‘Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?’” (Lc 7:19-20). Ngồi trong tù, Gioan Tẩy Giả chất vấn về căn tính của Chúa Giêsu vì những điều ông rao giảng về Ngài dường như không xảy ra. Ông rao giảng về một Đấng sẽ đến với côn trượng trong tay để xàng lọc dân Thiên Chúa như xàng lọc lúa ra khỏi trấu. Nhưng ông chỉ thấy một Đấng hiền lành và khiêm nhường. Ngày ngày đi rao giảng, chữa lành bệnh tật cho dân chúng. Hình ảnh Đấng Messia trong ông bị thách đố. Đây cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta khi niềm tin của chúng ta bị thách đố. Khi bước đi trong đêm đen của niềm tin, khi bước đường chúng ta đi không thấy bóng Thiên Chúa ở đâu, chúng ta cũng chất vấn về hình ảnh Thiên Chúa mà chúng ta ‘cưu mang’ trong mình suốt thời gian qua. Nhiều lần, chúng ta đã thất vọng về Thiên Chúa vì Ngài luôn im lặng và làm những việc mà “không thích hợp với hình ảnh Thiên Chúa mà chúng ta có trong suy nghĩ.” Trong đêm đen của đức tin, chúng ta cũng chất vấn Chúa như ông Gioan Tẩy Giả.

Một điểm khác mà chúng ta cần lưu ý để suy gẫm trong bài Tin Mừng là câu hỏi được hai môn đệ Gioan Tẩy Giả hỏi Chúa Giêsu xảy ra trong khi Ngài “chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy” (Lc 7:21). Dựa trên những gì Ngài làm, Chúa Giêsu nói cho hai môn đệ Gioan rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7:22-23). Câu trả lời của Chúa Giêsu được trích từ sách ngôn sứ Isaia nói về hình ảnh của Đấng Messia (x. Is 26:19; 29:18-19; 35:5; và 61:1-2). Những công việc Chúa Giêsu làm để hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa. Câu trả lời của Chúa Giêsu trở thành thách đố không chỉ cho Gioan Tẩy Giả và những người cùng thời với ông, nhưng còn cho mỗi người chúng ta là những người thường có khuynh hướng loại trừ và nghi ngờ về đường lối của Thiên Chúa trong thế giới tục hoá hôm nay.

Tóm lại, cá tính khác biệt hoàn toàn này của Chúa Giêsu là điều dằn vặt và gây đau khổ nhất cho Thánh Gioan Tẩy Giả trong suốt những đêm dài trong tù: sự che khuất của Thiên Chúa tiếp tục, và sự chuyển động không thể bị quấy rầy của lịch sử thường là một cái tát vào mặt những người tin. Trong sự đau buồn của mình, Thánh Gioan Tẩy Giả gởi sứ giả đến với Đức Chúa: “Ngài có phải là Đấng phải đến không hay chúng tôi sẽ phải mong chờ mong đấng nào khác?” (Mt 11:3). Đây là vấn nạn mà tất cả chúng ta sẵn sàng hỏi trong những trận đánh bom vào ban đêm của Thế Chiến Thứ Hai, và chúng ta có khuynh hướng hỏi câu hỏi này lần này qua lần khác trong tất cả những đau khổ của chính cuộc sống của chúng ta: Ngài có phải là Đấng Cứu Chuộc của thế giới không? Ngài thật sự ở đây bây giờ như là Đấng Cứu Chuộc không? Có phải đó là tất cả những gì mà Thiên Chúa phải nói với chúng ta không? Để trả lời, Chúa Giêsu nhắc nhở các sứ giả của Gioan Tẩy Giả về những gì ngôn sứ Isaiah đã nói tiên tri một cách chính xác về Đấng Cứu Độ hoà bình, nhân lành và giàu lòng thương xót, Đấng “không kêu la hoặc lên tiếng, hoặc làm cho mình được nghe thấy trên đường phố” (Is 42:2), nhưng sẽ đi giảng dạy và làm việc thiện. Chúa Giêsu thêm vào những lời quan trọng: “Phúc cho người không bị vấp ngã vì tôi.” Điều này có nghĩa là thật sự là có thể cho con người bị vấp ngã vì Ngài. Ngay cả khi Ngài đến Ngài không mang theo một sự rõ ràng tuyệt đối cho hoàn cảnh của con người như là việc loại bỏ tất cả những vấn nạn và giải quyết tất cả những điều bí ẩn; con người có thể vấp ngã vì Ngài, nhưng “phúc cho người không vấp ngã vì tôi.” Phúc cho người ngừng đòi hỏi những dấu lạ và sự rõ ràng hiển nhiên tuyệt đối. Phúc cho người có thể, ngay cả trong bóng tối này, đi theo con đường mình chọn trong niềm tin và tình yêu.

THỨ NĂM
SỰ VĨ ĐẠI ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA
(Is 54:1-10; Lc 7:24-30)

Ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 hôm nay dùng hình ảnh vợ chồng để nói về tình yêu Đức Chúa dành cho Israel. Dù sống trong tủi sầu của lưu đày như “người phụ nữ son sẻ, không sinh con” (Is 54:1), Israel được mời gọi “bật tiếng reo hò mừng vui.” Những lời này cũng được gởi đến mỗi người chúng ta. Dù sống trong khó khăn, thử thách của đời sống thường ngày, chúng ta cũng được mời gọi vui lên trong Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi không e thẹn và hoảng sợ hoặc xấu hổ vì những lỗi lầm của tuổi thanh xuân (x. Is 54:4). Cũng như Israel, được “Đức Chúa đã gọi ngươi về, như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn. Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành?” (Is 54:6), chúng ta cũng được Đức Chúa gọi về trong tình yêu chung thủy của Ngài. Thật vậy, tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta là tình yêu chung thuỷ. Ngôn sứ Isaia diễn tả tình yêu này với những lời tuyệt mỹ sau: “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi,  giao ước hoà  bình của  Ta cũng chẳng chuyển lay,  Đức Chúa là  Đấng thương xót ngươi phán như vậy” (Is. 54:10). Không có lời nào mang lại cho chúng ta niềm vui và sự an ủi trong thử thách, lỗi lầm cho bằng những lời trên! Nếu tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta sâu đậm như thế, chúng ta sẽ đáp lại tình yêu đó như thế nào?

Cuộc sống có nhiều khó khăn và thay đổi. Vì vậy, nhiều khi chúng ta không còn giữ được niềm tin và tình yêu thuở ban đầu. Gioan Tẩy Giả cũng bị rơi vào tình trạng này khi ông bị giam trong tù. Trong bóng đêm của bốn bức tường nhà tù, Gioan Tẩy Giả tự hỏi: Không biết ông Giêsu có phải là “Chiên Thiên Chúa” như ông đã loan báo cho các môn đệ ông không? Không biết ông Giêsu có phải là Đấng sẽ đến sau ông, nhưng quyền năng hơn ông đến nỗi ông không xứng đáng cởi dây giày cho Người không? Đứng trước vấn nạn này, ông “liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: ‘Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?’” (Mt 11:2-3). Trong những lời này, chúng ta đọc thấy được tâm trạng ‘hoang mang’ của Gioan Tẩy Giả. Chúng ta có thể nói rằng sự đau khổ thật của Thánh Gioan Tẩy Giả, sự chuyển thể thật của toàn bộ sự hiện hữu của thánh nhân trong sự liên hệ với Thiên Chúa, bắt đầu một cách đúng đắn với hoạt động của Đức Kitô trong thời gian khi thánh Gioan ở trong tù. Bóng tối của nhà tù không phải là bóng tối đáng sợ nhất mà Thánh Gioan Tẩy Giả đã chịu đựng. Bóng tối thật là những gì mà Martin Buber đã gọi là “sự che khuất của Thiên Chúa,” đó là sự không chắc chắn mà thánh Gioan Tẩy Giả cảm nghiệm về chính sứ mệnh của mình và căn tính của Đấng mà thánh nhân đến để chuẩn bị. Rõ ràng, cá tính khác biệt hoàn toàn với sự mong đợi của Chúa Giêsu là điều dằn vặt và gây đau khổ nhất cho Thánh Gioan Tẩy Giả trong suốt những đêm dài trong tù: sự che khuất của Thiên Chúa tiếp tục. Trong sự đau buồn của mình, Thánh Gioan Tẩy Giả gởi sứ giả đến với Đức Chúa: “Ngài có phải là Đấng phải đến không hay chúng tôi sẽ phải mong chờ mong đấng nào khác?” (Mt 11:3). Đây là vấn nạn mà tất cả chúng ta sẵn sàng hỏi trong những trận đánh bom vào ban đêm của Thế Chiến Thứ Hai, và chúng ta có khuynh hướng hỏi câu hỏi này lần này qua lần khác trong những đau khổ xảy ra nơi chính cuộc sống của chúng ta: Ngài có phải là Đấng Cứu Chuộc của thế giới không? Ngài thật sự ở đây bây giờ như là Đấng Cứu Chuộc không? Có phải đó là tất cả những gì mà Thiên Chúa phải nói với chúng ta không?

Dù gặp bóng đen trong đời sống đức tin, thánh Gioan Tẩy Giả vẫn là người vĩ đại nhất trong số những người được sinh ra từ lòng mẹ. Chúa Giêsu nói về ông như sau: “Anh em đi xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?  Hẳn là không! Thế thì anh em đi xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Nhưng kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện. Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa! Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!” (Lc 7:24-27). Qua những lời này, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy, Thánh Gioan Tẩy Giả ngay cả trong nhà tù phải đáp trả một lần nữa và một cách mới mẻ lời mời gọi đến metanoia hoặc thay đổi não trạng, khi làm được điều đó thánh nhân đã nhận ra Thiên Chúa của mình trong bóng đêm. Thánh nhân đã trở thành người có phúc vì đã không vấp ngã vì Chúa Giêsu.

Cuối cùng Chúa Giêsu khẳng định cho chúng ta hay rằng: “Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông” (Lc 7:28). Những lời này mang lại cho chúng ta sự an ủi, vì chúng ta được mời gọi trở nên người ‘nhỏ nhất trong Nước Trời.’ Để làm được điều này chúng ta phải nhận ra rằng không có con đường nào khác để đạt đến sự thân tình với Thiên Chúa ngoài con đường ngừng tìm kiếm sự hiển nhiên, rõ ràng bên ngoài và bắt đầu xoay chiều từ những gì là hữu hình đến những gì là vô hình và như thế chúng ta sẽ tìm thấy Thiên Chúa, Đấng là nền tảng và sự nâng đỡ thật sự hiện hữu của chúng ta. Chỉ khi hành động theo cách thức này, chúng ta mới hiểu cách sâu xa lời Thánh Gioan Tẩy Giả đã nói:

Ngài phải lớn lên, nhưng tôi phải nhỏ lại” (Ga 3:30). Nói cách khác, chúng ta chỉ có

thể biết Thiên Chúa đến mức độ mà chúng ta được giải phóng khỏi chính mình. Điều này đưa chúng ta trở về với chủ đề chính của Mùa Vọng, đó là chúng ta sẽ biết Thiên Chúa đến mức độ chúng ta để dành chỗ cho Ngài hiện diện trong chúng ta. Một người có thể dùng cả đời mình để tìm kiếm Thiên Chúa một cách vô ích nếu người đó không để cho Thiên Chúa tiếp tục hiện diện trong cuộc sống của mình.

THỨ SÁU
HÃY ĐỂ THIÊN CHÚA TÔN VINH CHÚNG TA
(Is 56:1-3a.6-8; Ga 5:33-36)

Trong bài đọc 1, Ngôn sứ Isaia trình bày cho chúng ta lời sấm của Đức Chúa mời gọi con cái Israel bước đi trong đường lối Ngài: “Hãy tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công minh, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và đức công chính của Ta sắp được biểu lộ” (Is 56:1). Đây là lời mang lại sự an ủi cho những người đang sống trong cảnh lưu đày, đang đối diện với những khó khăn, áp bức trong cuộc sống. Hơn nữa, Đức Chúa còn hứa ban niềm vui cứu độ và lắng nghe những người “ngoại bang”: “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người, hết những ai giữ ngày sabát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56:6-7). Những lời này cho chúng ta thấy ơn cứu độ của Đức Chúa không còn giới hạn cho dân Israel, nhưng mở rộng cho muôn dân. Tính phổ quát của ơn cứu độ trong lời sấm này đã được hoàn thành trong câu chuyện giữa Chúa Giêsu và người đàn bà Canaan hôm nay. Chi tiết này mời gọi chúng ta ra khỏi lối nghĩ hạn hẹp của mình để mở rộng cõi lòng đón nhận tất cả mọi người và yêu thương họ như Chúa yêu thương chúng ta.

Chúa Giêsu tiếp tục nói về mối tương quan của mình với Chúa Cha (Thiên Chúa của Israel) trong bài Tin Mừng hôm nay. Tuy nhiên, Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật” (Ga 5:31). Vì vậy, Ngài nêu ra những nhân vật khác để làm chứng về mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha: (1) Chúa Cha là Đấng làm chứng cho Ngài: “Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người” (Ga 5:37) và “lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật” (Ga 5:32); (2) Gioan Tẩy Giả: “Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật” (Ga 5:33); (3) những công việc của Ngài: “Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi” (Ga 5:36); (4) Kinh Thánh: “Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi” (Ga 5:39). Chúng ta thấy những lời chứng thật hoàn hảo: Thiên Chúa, con người, công việc của chính mình và Kinh Thánh [những gì được ghi chép lại]. Về phần mình, chúng ta cũng được mời gọi làm chứng cho Chúa. Chúng ta được mời gọi sống một cuộc sống yêu thương và tha thứ. Đây là một đời sống hoàn toàn dựa trên lời Chúa và công việc bác ái.

Tuy nhiên, bên cạnh nêu ra những nhân chứng làm chứng cho Ngài, Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta hai điều: (1) đừng dựa vào lời chứng của phàm nhân (x. Ga 5: 34), và (2) nguyên nhân khiến chúng ta không nghe tiếng Chúa và không thấy tôn nhan Ngài vì chúng ta không tin và không để cho lời Chúa Giêsu ở mãi trong lòng chúng ta (x. Ga 5:37-38). Hai điểm này làm chúng ta phải nhìn lại cuộc sống của mình. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đã dựa vào lời chứng của người phàm hơn là lời chứng của Chúa. Nói một cách cụ thể, chúng ta tìm cách làm vui lòng con người hơn là làm vui lòng Chúa. Chúng ta tìm đủ mọi cách để cho người khác công nhận và ân thưởng cho những công việc chúng ta làm. Khi sống như thế, chúng ta đã loại bỏ Chúa ra khỏi đời sống thường ngày của mình. Chúng ta chỉ còn tin vào sức mạnh của con người hơn là sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng ta để cho người khác chiếm trọn những tâm trí và con tim chúng ta đến nổi Thiên Chúa chỉ được chúng ta nghĩ đến khi con người bỏ rơi chúng ta. Ước mong thấy Chúa luôn ẩn chứa trong nơi sâu thẳm của tâm hồn chúng ta. Nhưng chúng ta chỉ có thể nhìn thấy Chúa khi chúng ta nhìn mọi sự vui buồn trong cuộc sống với ánh mắt đức tin, với anh mắt yêu thương và cảm thông của Thiên Chúa.

 

THỨ BẢY
HÃY ĐỂ CHÚA VIẾT LỊCH SỬ ĐỜI CHÚNG TA
(St 49: 2, 8-10; Mt 1:1-17)

Hôm nay, chúng ta nghe Thánh sử Matthêu trình bày về gia phả của Chúa Giêsu. Đọc Tin Mừng gồm toàn tên như hôm nay, chúng ta không khỏi không tư hỏi: Có gì để đánh động tôi không? Như chúng ta biết trong bốn Tin Mừng, chỉ có Thánh sử Matthêu (Mt 1:1-17) và Thánh sử Luca (Lc 3:23:38) viết về gia phả của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, vì mục đích của mình, mỗi Thánh sử trình bày gia phả của Chúa Giêsu từ góc cạnh riêng của mình: Thánh sử Matthêu truy gia phả của Chúa Giêsu đến với Abraham còn Luca thì truy về đến Adam và Thiên Chúa. Thánh sử Matthêu trình bày theo chiều từ trên xuống dưới – từ Abraham đến Chúa Giêsu, còn Thánh sử Luca thì đi theo chiều ngược lại – từ Chúa Giêsu đến Thiên Chúa. Matthêu trình bày Chúa Giêsu như là điểm đến [đỉnh cao] của lịch sử, còn Thánh sử Luca thì trình bày Chúa Giêsu như là khởi đầu [xuất phát] của lịch sử nhân loại. Như thế, Chúa Giêsu là điểm khởi đầu và kết thúc của lịch sử nhân loại, của lịch sử cuộc đời mỗi người chúng ta, và đây chính là ý nghĩa của Mùa Vọng mà chúng ta ít khi ý thức đến.

Chìa khoá để chúng ta hiểu tin mừng hôm nay là câu mà Thánh sử Matthêu bắt đầu bản trình thuật về Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô: “Sách gia phả của Đức Giêsu Kitô, con của Đavít, con của Abraham.” Trong câu này, Thánh sử nhắm đến việc chỉ ra tổ tiên của “con người Giêsu” và Thánh sử cố gắng đặt “con người Giêsu” này vào trong mối tương quan không thể tách rời với lịch sử nhân loại. Với việc chỉ ra “nguồn gốc trần thế” của Chúa Giêsu, Thánh sử Matthêu muốn nói rằng cuộc sống của Chúa Giêsu không phải rơi trực tiếp từ trời, nhưng phát xuất từ một thân cây với một lịch sử rất dài và một cách tuyệt đối là phát xuất từ hai gốc rễ thật vĩ đại mang tên Abraham và Đavít. Vì Thánh sử Matthêu trình bày và chứng minh về “con người Giêsu” trong Tin Mừng của mình và vì lý do này, biểu tượng của Thánh sử là Con Người.

Một điểm khác giúp chúng ta hiểu Tin Mừng hôm nay là Tin Mừng của Thánh sử Matthêu được viết theo kiểu mẫu của Ngũ Kinh trong Cựu Ước. Chính vì vậy, Thánh sử bắt đầu với “con người Giêsu,” để đưa chúng ta về khởi đầu của lịch sử nhân loại được trình bày trong sách Khởi Nguyên, về với trình thuật mà trong đó chứa đựng sự độc thoại mang tính huyền nhiệm của Đấng Tạo Hoá: “Chúng ta hãy tạo nên con người theo hình ảnh của chúng ta, theo ‘chân dung’ của chúng ta, [“giống với chúng ta”] (St 1:26). “Con người Giêsu” đứng tại điểm khởi đầu của Tân Ước nhắc cho chúng ta về viễn tượng ban đêm của Daniel, viễn tượng mà trong đó Daniel nhìn thấy bốn con quái vật xuất hiện từ biển là hình ảnh về sức mạnh và quyền lực của thế giới, những vương quốc mà chia sẻ quyền thống trị thế giới và quyết định quá trình diễn biến của lịch sử. Như thế, “con người Giêsu” là một “vương quyền” mới nổi lên để đòi lại quyền thống trị thế giới từ tay bốn con quái vật và mang lại cho lịch sử con người một ý nghĩa mới. Cũng cách thức ấy, lịch sử mỗi người chúng ta chỉ đi vào một bước ngoặc và mang một ý nghĩa mới chỉ khi chúng ta “cho phép” “con người Giêsu” bước vào, hay đúng hơn là sinh ra, trong cuộc đời của chúng ta.

Thêm vào đó trong gia phả của mình, Thánh sử Matthêu vẽ một cách cẩn thận sự chuyển tiếp từ một dòng lịch sử dài và khó hiểu được ghi lại trong Cựu Ước đến một thực tại mới được bắt đầu với Đức Giêsu Kitô. Thánh sử tóm tắt toàn bộ lịch sử này trong ba bộ mười bốn tên để đến với Chúa Giêsu, Đấng mà suy cho cùng chỉ vì danh Ngài mà lịch sử này tồn tại. Điều này có nghĩa gì? Nếu chúng ta viết số mười bốn theo những ký tự tiếng Do Thái chúng ta có ba phụ âm, những phụ âm này tạo thành tên David. Thật vậy, số mười bốn, số mà chi phối gia phả, là một biểu tượng của vương quyền. Nó biến gia phả thành một gia phả vương giả mà trong đó không chỉ lời hứa với Abraham được hoàn thành, nhưng cả lời hứa với David cũng được thực hiện. Ý nghĩa của việc này là Đấng đang đến là vị Vua thật của thế giới. Ngài thật sự là Thiên Chúa nhân từ, và ngay cả trong khi tỏ lòng thương xót, Ngài vẫn là Đức Chúa, vị Vua mà mệnh lệnh của Ngài chúng ta vâng phục, vị Vua Đấng triệu tập chúng ta và có quyền hạn trên sự vâng phục của chúng ta. Như thế, khi đặt trình thuật về gia phả của Chúa Giêsu tại khởi đầu của Tin Mừng, Thánh sử Matthêu thổi một hồi kèn trumpét chào đón Đức Vua Giêsu. Thánh sử kêu gọi chúng ta đến trước sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, đến với sự vâng phục trước lời của Thiên Chúa, và đến phục vụ Chúa Giêsu, Đấng xem phục vụ là thống trị.

Qua gia phả Chúa Giêsu, Thánh sử Matthêu chỉ ra rằng: lịch sử nhân loại di chuyển theo nhiều con đường khác nhau, bao gồm những “đường phụ,” nhưng cuối cùng lịch sử này vẫn mang đến cho con người Đấng Cứu Độ. Hơn nữa, Thánh sử còn chỉ ra rằng trong suốt những thế kỷ lầm lũi trong bóng đêm của Israel, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài và bây giờ trong Đức Giêsu Kitô đã trở thành một “người anh” cho toàn bộ nhân loại. Nói tóm lại, với gia phả của mình, Thánh sử Matthêu khẳng định cách dứt khoát rằng mục đích chính yếu của lịch sử là đem lại “con người Giêsu.” Và lịch sử mà Chúa Giêsu đã trở thành một “thành phần” là một lịch sử thật bình thường, đầy dẫy những “điều bê bối và ô nhục” được tìm thấy giữa con người – một lịch sử hoàn toàn con người!

Một điểm khác mà chúng ta có thể suy gẫm đó là sự hiện diện của những con người mà chúng ta “xem là thánh thiện.” Chúng ta không khỏi không ngạc nhiên khi có tên của bốn phụ nữ trong gia phả: Tamar, Rahab, Ruth và Bathsheba. Tuy nhiên, bốn phụ nữ này là những nhân chứng hùng hồn cho tội lỗi của con người trong lịch sử: Trong số họ, Rahab là một cô gái điếm; cũng trong số họ là vợ của Uriah, người phụ nữ mà Vua David giành lấy cho chính mình qua hành động ngoại tình và giết người. Những người đàn ông trong gia phả cũng không có khác biệt gì. Ngay cả Abraham hoặc Isaac hoặc Jacob không phải là những con người lý tưởng; Vua David hiển nhiên không phải là người lý tưởng, Vua Solomon cũng thế; và chúng ta cũng gặp phải những người thống trị Israel thật ghê tởm như Ahaz và Manasseh, những người thống trị mà ngai vàng của họ dính đầy máu của những nạn nhân vô tội. Đó là một lịch sử đầy tang tóc mà Chúa Giêsu đã đến, đã bước vào. Chúa Giêsu bước vào một lịch sử không có ánh sáng, không có niềm hy vọng và tiến bộ; Ngài bước vào một lịch sử đầy sự dữ, tội lỗi và thất bại. Chính điều này mang lại cho chúng ta hy vọng và niềm vui: Không cần biết lịch sử cuộc đời của mỗi người chúng ta tội lỗi hay thất bại thế nào, Chúa Giêsu luôn muốn bước vào để đồng hành và mang lại ý nghĩa mới. Chúng ta có cho phép Ngài bước vào hay không?

Điểm cuối cùng chúng ta có thể suy gẫm đó là chi tiết Thánh sử Matthêu bắt đầu gia phả của Chúa Giêsu với Abraham và David. Điều này nhắc nhở cho chúng ta về lời hứa mà Thiên Chúa đã hứa với “Abraham và con cháu của ông đến muôn đời” (Lc 1:55) và với David cùng miêu duệ của ông. Như thế, gia phả làm chứng cho sự trung thành  của  Thiên  Chúa,  Đấng  thực  hiện  lời  hứa  với  Abraham  và  David:  Rằng Abraham sẽ là tác nhân của sự chúc lành cho toàn bộ nhân loại; và rằng vương quyền của nhà David sẽ vô cùng vô tận. Toàn bộ gia phả, với tất cả những xáo trộn của nó là một lời chứng sáng chói cho sự trung thành của Thiên Chúa, Đấng giữ lời hứa của mình dù cho tất cả những thất bại và sự không xứng đáng của con người. Đúng như thế, Thiên Chúa luôn trung thành với chúng ta dù chúng ta có phản bội Ngài. Dù chúng ta không xứng đáng, nhưng chính tình yêu của Thiên Chúa làm cho chúng ta xứng đáng. Chỉ có những ai cảm nghiệm được sự trung thành của Thiên Chúa dành cho mình mới đáp lại bằng một đời sống yêu thương và tha thứ.

Exit mobile version