Các Bài Suy niệm Tuần II Mùa Vọng

207

CÁC BÀI SUY NIỆM TUẦN II MÙA VỌNG NĂM A

LM. NGỌC DŨNG, SDB

CHÚA NHẬT

SỐNG ƠN GỌI LÀM TIỀN HÔ CỦA CHÚA GIÊSU

(Is 11:1-10; Rm 15:4-9; Mt 3:1-12)

Trong mọi thời và mọi nơi, con người luôn mong ước được sống bình an, không chiến tranh, không hận thù. Con người đã làm đủ cách để có được bình an và giữ bình an trong tâm hồn, trong gia đình, giáo xứ [hội dòng], quốc gia hay thế giới. Dù cho mỗi người trong chúng ta mong muốn có bình an và hoà bình, tại sao vẫn còn nhiều sự bất an trong cuộc sống mỗi người và trên thế giới. Lời Chúa tuần thứ hai Mùa Vọng đưa ra cho chúng ta chìa khoá để có sự bình an.

Trong bài đọc 1, Ngôn Sứ Isaia nói về viễn cảnh của ngày mà “nhánh nhỏ, từ cội rễ Giesê sẽ mọc ra” (Is 11:1). “Nhánh nhỏ,” từ cội rễ Giesê ám chỉ Đấng Cứu Thế, Đấng sẽ mang lại cho dân sự bình an đích thực vì “Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11:2). Trong ngày “nhánh nhỏ từ cội rễ Giesê mọc ra,” mọi người và mọi loài sẽ được tận hưởng sự bình an tuyệt đối trên núi thánh của Thiên Chúa: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển” (Is 11:6-9). Những lời này đưa chúng ta về sự bình an của vườn địa đàng khi Thiên Chúa tạo dựng con người và muôn loàn muôn vật. Mọi sự sống hoà hợp với nhau, không có ghen ghét, tranh chấp vì mọi sự sống trong sự hiện diện và theo thánh ý của Thiên Chúa. Đây chính là chìa khoá đầu tiên để mang lại bình an. Kinh nghiệm trong ngày sống dạy chúng ta rằng khi không sống dưới sự hiện diện và theo thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở thành “chúa” của cuộc đời mình và không những thế chúng ta còn trở thành những “bạo chúa” trong tương quan với anh chị em và các tạo vật khác. Chính điều này đã tạo ra chiến tranh và chống đối trong chính con người của chúng ta, với anh chị em và với vũ trụ. Để tái thiết lại sự bình an, chúng ta cần phải “sám hối,” thay đổi hoàn toàn con người của mình để hoàn toàn sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa.

Về phần mình, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 kêu gọi các tín hữu Rôma tập trung vào Kinh Thánh vì những lời đó “đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15:4). Trong những lời này, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy lời Chúa dạy dỗ chúng ta trên con đường nhân đức, nhất là sự kiên nhẫn và trông cậy. Đây chính là hai nhân đức cần thiết khi sống chung với nhau. Hai nhân đức này sẽ giúp chúng ta sống đồng tâm nhất trí và hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa (x. Rm 15:5-6). Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể có được hai nhân đức này khi chúng ta sống theo mẫu gương của Đức Giêsu Kitô, Đấng rất kiên nhẫn và luôn hy vọng rằng chúng ta sẽ sám hối. Như vậy, Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta chìa khoá mang lại bình an, nhất là trong đời sống chung, đó là sự kiên nhẫn và đức hy vọng. Khi có hai nhân đức này, chúng ta mới hiểu được lời mời gọi kế tiếp của Thánh Phaolô: “Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa” (Rm 15:7). Chỉ những người cảm nhận được Đức Kitô đã đón nhận mình cách vô điều kiện, ngay cả khi mình là một tội nhân, mới có khả năng đón nhận anh chị em mình để làm rạng danh Thiên Chúa.

Phụng vụ Mùa Vọng được chi phối bởi ba nhân vật, đó là Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Lời Chúa trong Chúa Nhật thứ hai và ba Mùa Vọng tập trung vào vị tiền hô, còn lời Chúa trong Chúa Nhật thứ tư sẽ tập trung vào Mẹ Maria. Hai nhân vật này [một nam và một nữ, đại diện cho toàn thể nhân loại] là những gương mẫu của những người chuẩn bị để đón Chúa Giêsu. Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta đến với hình ảnh của Gioan Tẩy Giả. Chúng ta thấy Thánh Mátthêu đã vẽ lên một vị tiền hô của Chúa Giêsu thật nhiệt thành và sống triệt để cho các giá trị Tin Mừng. Chúng ta cùng nhau phân tích căn tính và sứ mệnh của Thánh Gioan Tẩy giả để rút ra những bài học cần thiết cho đời sống của mình.

Trước tiên, sứ điệp Gioan Tẩy Giả rao giảng là: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3:2). Đây cũng chính là sứ điệp mà Chúa Giêsu sẽ rao giảng khi Ngài bắt đầu đời sống sứ vụ công khai (x. Mt 3:2; 4:17). Mới đọc qua, chúng ta thấy đây là một “câu điều kiện” – hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần. Nếu Nước Trời chưa đến gần thì sao? Nhiều người trong chúng ta đồng hoá chữ “sám hối” [metanoia] với chữ “ăn năn,” đó là sự khóc than cho tội của mình [và của người khác]. Tuy nhiên, đây chỉ là một khía cạnh nhỏ của “sám hối.” Sám hối là sự “thay đổi một cách triệt để lối suy nghĩ, hành động, và lối sống của mình” để hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta nhận ra rằng chỉ những người sám hối mới có thể nhận ra sự gần gũi của Nước Trời.

Thứ hai là căn tính của Thánh Gioan Tẩy Giả: “Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3:3). Những lời này cho thấy Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ là “tiếng hô” kêu gọi mọi người chuẩn bị con đường tâm hồn của mình để Đức Chúa đi vào. Suy gẫm về “tiếng hô,” các giáo phụ dạy rằng: Tiếng hô [tiếng kêu] sẽ không có giá trị gì và không chuyển tải được một sứ điệp nào nếu không có lời. Đứng tách riêng ra một mình, tiếng hô chỉ tạo ra những âm thanh vô nghĩa. Nhưng khi có lời, tiếng hô sẽ có ý nghĩa vì nó chuyển tải được sứ điệp cho người nghe. Gioan Tẩy Giả là tiếng kêu, Chúa Giêsu là lời. Như vậy, cuộc sống của Gioan Tẩy Giả chỉ có ý nghĩa khi gắn chặt với Chúa Giêsu. Đây chính là điều mỗi người chúng ta được mời gọi để sống. Mỗi người chúng ta là tiếng hô của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Nhưng chúng ta chỉ mang sứ điệp Tin Mừng đến cho người khác chỉ khi chúng ta gắn chặt đời mình với Chúa Giêsu. Đừng tách ra khỏi Chúa Giêsu, nếu không chúng ta sẽ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống mình.

Thứ ba, lối sống của Gioan Tẩy Giả đã hấp dẫn nhiều người đến chuẩn bị mình cho sứ điệp Tin Mừng mà Chúa Giêsu sẽ mang đến: “Bấy giờ, người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan” (Mt 3:5-6). Nhiều người đã kính trọng Gioan Tẩy Giả vì lối sống triệt để cho Tin Mừng của ông. Điều này cho thấy, sự kính trọng dành cho Gioan Tẩy Giả và sự hấp dẫn của ông không đến từ tính cách tự nhiên của ông, nhưng đến từ vẻ đẹp của Tin Mừng mà ông đã sống. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc đời của mình: Vẻ đẹp và sự kính trọng của người khác dành cho chúng ta không hệ tại những món quà tự nhiên chúng ta có, nhưng hệ tại lối sống hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa của chúng ta. Sống thánh, sống vui là sống cách triệt để các giá trị Tin Mừng.

Thứ tư, Thánh Gioan Tẩy Giả không sợ những người có uy quyền: “Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng:

‘Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham.’ Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3:7-10). Đọc những lời này làm chúng ta cũng chột dạ vì nhiều lần trong cuộc sống, vì tính “cả nể” nên chúng ta không dám “sửa lỗi huynh đệ” với những người có quyền thế. Một phần có thể vì sợ, một phần có thể vì một tí lợi ích nào đó chúng ta đang hưởng mà nếu “góp ý” chúng ta sẽ mất lợi ích đó. Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi chúng ta mạnh dạn làm chứng cho Chúa mà không sợ nói những lời khuyến cáo cần thiết để sinh ích lợi cho anh chị em có quyền thế của mình.

Cuối cùng, Thánh Gioan nói về chính mình trong tương quan với Chúa Giêsu, Đấng sẽ đến: “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho các anh bằng nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh bằng Thánh Thần và bằng lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3:11-12). Dù được nhiều người kính trọng và xem như đấng messia, Thánh Gioan Tẩy Giả không ngộ nhận điều này. Ngài sống đúng với căn tính của mình, là một người đi trước dọn đường cho Chúa. Đức tính này của thánh nhân rất cần thiết cho chúng ta ngày hôm nay khi nhiều người trong chúng ta chạy theo một lối sống không đúng với căn tính của mình. Chúng ta không muốn là chính mình mà muốn là một người không phải là mình. Là một người Kitô hữu mà không sống như dân ngoại. Mẫu gương của Thánh Gioan Tẩy Giả nhắc nhở chúng ta về căn tính của mình: Tôi là một con người, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1:26-27); không những thế, tôi còn là con Thiên Chúa, là người đồng thừa tự với Đức Giêsu. Nếu tôi có một nhân phẩm cao quý như thế, tại sao tôi phải chạy theo một lối sống khác không thuộc về mình?

THỨ HAI

CHỮA LÀNH VẾT THƯƠNG ĐỨC TIN

(Is 35:1-10; Lc 5:17-26)

Sứ điệp của ngôn sứ Isaia cho dân Israel trong thời lưu đày được trình thuật trong bài đọc 1 hôm nay hàm chứa một cung giọng thật ấm áp và đầy an ủi. Lời kêu gọi hãy vui lên vì Đức Chúa đang đến để cứu thoát dân Người vang vọng trong vùng “sa mạc và đồng khô cỏ cháy” (Is 35:1). Trong khi chờ đợi Đức Chúa đến, con cái Israel được mời gọi “hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng. Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em” (Is 35:3-4). Qua những lời này, Đức Chúa mời gọi con cái Israel trở nên sức mạnh của nhau và nâng đỡ nhau để vượt qua thời gian thử thách đau thương. Đây cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta. Trong đời sống thường ngày, ai trong chúng ta cũng có thánh giá riêng của mình. Hãy trở nên sức mạnh của nhau; hãy nâng đỡ nhau để cùng nhau hoàn thành hành trình vác thập giá mình theo Chúa Giêsu cho trọn; đừng trở nên gánh nặng và thập giá của nhau.

Chi tiết thứ hai để chúng ta suy gẫm trong bài đọc 1 là hình ảnh bình an vì được chữa lành mà dân Israel sẽ được tận hưởng khi Đức Chúa đến cứu thoát họ: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. Vì có nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu. Miền nóng bỏng biến thành ao hồ, đất khô cằn có mạch nước trào ra. …. Ở đó sẽ không có sư tử, thú dữ ăn thịt cũng chẳng vãng lai, không thấy bóng dáng một con nào, những ai được Chúa cứu chuộc sẽ bước đi trên đó” (Is 35:5-9). Hình ảnh này chỉ cho chúng ta thấy, nơi nào có sự thăm viếng và hiện diện của Thiên Chúa, nơi đó có sự chữa lành và bình an. Nhìn từ khía cạnh thiêng liêng, những tâm hồn được Chúa viếng thăm và cư ngụ sẽ được chữa lành và tận hưởng sự bình an bất tận. Khi được chữa lành và bình an, nơi nào có sự hiện diện của họ, nơi đó có sự chữa lành và cảm nghiệm được bầu khí bình an của tin yêu và tha thứ. Mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa thăm viếng mỗi ngày. Chúng ta có đón tiếp và để cho Chúa chữa lành những vết thương của chúng ta hầu mang lại cho chúng ta sự bình an đích thật không?

Sứ điệp chữa lành được ngôn sứ Isaia nói đến trong bài đọc 1 cho con cái Israel được hoàn thành nơi Đức Giêsu Kitô, điều mà Thánh Luca đã trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay. Trích đoạn Tin mừng hôm nay nằm trong bối cảnh các lãnh đạo tôn giáo [những người Pharisêu và luật sĩ] chống đối Chúa Giêsu về sứ điệp Nước Trời của Ngài (x. Lc 5:17-6:11). Như chúng ta biết, từ Lc 4:31-5:16, Thánh Luca trình bày quyền năng của Chúa Giêsu trong việc chữa bệnh và trừ quỷ. Trong câu chuyện chữa lành được trình thuật hôm nay, Thánh Luca thuật lại một điều thật lạ thường (x. 5:26), đó là Chúa Giêsu tha tội, điều mà chỉ một mình Thiên Chúa có thể làm. Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể suy gẫm dựa trên những chi tiết sau:

Chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là Chúa Giêsu chữa bệnh với quyền năng của Thiên Chúa: “Quyền năng Chúa ở với Người, để Người chữa bệnh” (Lc 5:11). Điều này đưa chúng ta đến những lời Chúa Giêsu khẳng định với những người Pharisêu khi họ nói Ngài dựa thế quỷ Bêendêbun mà trừ quỷ. Ngài mạnh dạn khẳng định: “Nếu tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11:19-20). Chi tiết đầu tiên này nhắc nhở chúng ta về sự lệ thuộc của mình vào Thiên Chúa giống như Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ không làm được gì nếu không có ơn Chúa. Sự chữa lành những vết thương mà chúng ta gây ra cho nhau sẽ chỉ được chữa lành khi chúng ta có sức mạnh của Thiên Chúa. Nói cách khác, nếu không có đời sống cầu nguyện sâu xa và không để tình yêu Thiên Chúa chiếm lấy, chúng ta sẽ không thể nào hàn gắn và tha thứ cho những người đã làm tổn thương mình.

Chi tiết thứ hai là bối cảnh của việc chữa lành: “Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh  nhân  bị  bại  liệt  nằm  trên  giường,  họ  tìm  cách  đem  vào  đặt  trước  mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giêsu. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: ‘Này anh, tội anh được tha cho anh rồi’” (Lc 5:18-20). Những lời này cho thấy những người bạn của người bị bại liệt có một niềm tin sâu đậm vào quyền năng của Thiên Chúa đang hoạt động trong Chúa Giêsu. Nói cách khác, phép lạ xảy ra dựa trên đức tin của những người bạn chứ không phải dựa trên đức tin của người bại liệt. Tuy nhiên, điều đáng để chúng ta suy gẫm ở đây là trước tất cả mọi sự, điều đầu tiên Chúa Chúa Giêsu thực hiện là phục hồi tương quan của người bại liệt với Thiên Chúa qua việc nói cho anh biết tội của anh đã được tha. Chi tiết này giúp chúng ta hiểu rằng trước khi tất cả những tương quan với người khác và chính mình được phục hồi, tương quan với Thiên Chúa phải được phục hồi trước. Điều này nói lên vị trí tối thượng của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta.

Chi tiết thứ ba là sự bắt lỗi và chống đối của các kinh sự và các người Pharisêu: “Các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu suy nghĩ: ‘Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có thể tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?’” (Lc 5:21). Đối với những người Pharisêu, những lời Chúa Giêsu nói là phạm thượng vì qua những lời này Chúa Giêsu đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa, Đấng duy nhất có quyền tha tội. Những người Pharisêu đã không nhận ra chân tính của Chúa Giêsu vì họ tự giam hãm mình trong lối nhìn hạn hẹp. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng giam hãm chính mình trong lối nhìn hạn hẹp và đầy thành kiến của mình. Vì vậy, chúng ta không thể nhận ra và hiểu đường lối của Thiên Chúa. Chúng ta cần có con tim rộng mở, biết ngạc nhiên trước mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chỉ như thế chúng ta mới hiểu đường lối của Thiên Chúa thì khác với đường lối của người phàm.

Chi tiết thứ tư mà chúng ta có thể suy gẫm là phản ứng của Chúa Giêsu trước chống đối: “Nhưng Đức Giêsu thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: ‘Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy? Trong hai điều: một là bảo: ‘Tội anh được tha cho anh rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giêsu nói với người bại liệt: Tôi bảo anh: Đứng dậy, vác giường mà đi về nhà!’” (Lc 5:22-24). Chúa Giêsu không dừng làm việc tốt ngay cả khi bị chống đối. Vì biết hết tư tưởng của thính giả, Chúa Giêsu giải thích cho họ phải chọn lựa giữa hai điều để thực hiện: một dễ và một khó. Dẫu biết việc tha tội là việc khó, nhưng Chúa Giêsu vẫn thực hiện vì đó là cách thức để mạc khải căn tính của Ngài. Một cách cụ thể, trong những lời trên, Chúa Giêsu thực hiện việc khó để mạc khải cho những người Pharisêu [đại diện cho những người cứng lòng tin!] Ngài là Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng thực hiện việc dễ hơn đó là chữa lành người bị bại liệt. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về việc cẩn trọng trong lời nói và hành động vì lời nói và hành động của chúng ta luôn có ảnh hưởng trên người khác.

Chi tiết cuối cùng là thái độ của người bại liệt sau khi được chữa lành và phản ứng của đám đông dân chúng: “Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái giường anh đã nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa. Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Lòng đầy sợ hãi, họ bảo nhau: ‘Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!’” (Lc 5:25-26). Niềm vui được chữa lành của người bị bại liệt và sự kinh ngạc của đám đông dân chúng trước kỳ công Chúa Giêsu thực hiện nhắc nhở chúng ta về niềm vui khi nhận ra bàn tay Thiên Chúa luôn nâng đỡ và đồng hành với chúng ta trong từng ngày sống. Nhiều khi chúng ta xem mọi sự xảy ra trong ngày sống như là một cái gì đó lặp đi lặp lại, không có gì mới mẻ để rồi chúng ta đánh mất thái độ biết kinh ngạc trước những kỳ công Thiên Chúa thực hiện. Chỉ những người có con tim rộng mở mới có thể biết kinh ngạc trước những điều bình thường của cuộc sống vì họ nhận ra bàn tay yêu thương của Thiên Chúa trong tất cả những sự kiện xảy ra trong ngày sống mình.

THỨ BA

NIỀM VUI TÌM ĐƯỢC ANH CHỊ EM ĐI LẠC VỀ

(Is 40:1-11; Mt 18:12-14)

Bài đọc 1 hôm nay trình thuật cho chúng ta lời an ủi của Thiên Chúa cho dân của Ngài đang bị lưu đày qua miệng Ngôn Sứ Isaia. Để chuẩn bị cho ngày dân được giải phóng, ngôn sứ đưa ra những điều sau: (1) lấy đi những vật cản không làm cho vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện [“Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán” (Is 40:3-5)]; (2) nhận ra thân phận chóng tàn của chính mình và sự vĩnh cửu của lời Chúa [“Người phàm nào cũng đều là cỏ, mọi vẻ đẹp của nó như hoa đồng nội. Cỏ héo, hoa tàn khi thần khí Đức Chúa thổi qua. Phải, dân là cỏ: cỏ héo, hoa tàn, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững” (Is 40:6-8)]; (3) Đức Chúa sẽ là mục tử chăn dắt dân Ngài [“Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40:11)]. Những chi tiết này vừa thách đố vừa an ủi chúng ta: thách đố vì chúng ta phải nhận ra và loại bỏ đi những vật ngăn cách chúng ta với Chúa và với nhau, điều mà nhiều người trong chúng ta nhiều khi không muốn làm hoặc có muốn làm lại không đủ sức mạnh và can đảm để làm vì nó đòi hỏi chúng ta phải bỏ đi chính con người của mình; vừa an ủi vì dù thân phận chúng ta chóng tàn như hoa cỏ đồng nội mà Thiên Chúa lại đoái thương nhìn đến và chăm sóc như mục tử chăm sóc đàn chiên mình. Chúng ta cố gắng sống một cuộc sống xứng đáng với ơn Chúa.

Dụ ngôn con chiên lạc là một trong những dụ ngôn đánh động nhiều con tim, nhất là con tim của những người đi tìm sự tha thứ và bình an trong Chúa. Chúng ta tìm thấy trình thuật này trong Tin Mừng Thánh Luca (15:3-7). Chúng ta chỉ hiểu đoạn trích này khi đặt nó trong bối cảnh của gia đình, của cộng đoàn mình sống. Điều đầu tiên chúng ta lưu ý là trích đoạn này cho chúng ta biết chính Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của Ngài [và mỗi người chúng ta hôm nay] về thái độ cần có khi một anh chị em trong gia đinh hay cộng đoàn đi lạc. Qua chính kinh nghiệm thường ngày trong gia đình và cộng đoàn, Chúa Giêsu đưa chúng ta đến với kinh nghiệm về Thiên Chúa.

Câu hỏi của Chúa Giêsu vẫn vang vọng trong ngày sống chúng ta: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?” (Mt 18:12). Trong những lời này, Chúa Giêsu thách đố chúng ta tìm ra câu trả lời cho vấn đề của một “con sâu làm rầu nồi canh.” Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, con chiên không mất như trong Tin Mừng Thánh Luca, nhưng chỉ đi lạc khỏi đàn chiên. Đây là dấu hiệu của việc “đi mạo hiểm.” Chi tiết thứ hai là việc để chín mươi chín con để đi tìm một con. Điều này ám chỉ đến sự mạo hiểm hay liều lĩnh. Trong bối cảnh thời đó, vấn đề là chín mươi chín con chiên không đi lạc sẽ được một người khác chăm sóc hoặc chó chăn chiên bảo vệ. Nhưng trong bối cảnh của dụ ngôn, đây không phải là vấn đề đang bàn đến. Vấn đề nằm ở chỗ là người chăn chiên sẵn sàng liều lĩnh và chấp nhận mọi nguy hiểm để đi tìm con chiên lạc. Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, dụ ngôn này nhắm đến việc quan tâm đến một thành viên đi lạc trong cộng đoàn, trong khi đó trong Tin Mừng Thánh Luca, dụ ngôn nhắm đến việc trả lời câu hỏi: Chúa Giêsu đối xử với tội nhân như thế nào? Đây chính là điều mà Chúa Giêsu hỏi: Các con sẽ nghĩ và làm gì khi một trong những anh chị em của con trở thành nỗi đau của gia đình và cộng đoàn? Theo lẽ tự nhiên, nhiều người trong chúng ta tìm cách loại trừ hoặc tìm đồng minh để chống lại người đó. Nếu không thì chúng ta cũng tìm cách để nói không tốt về người anh chị em đi lạc đó.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tránh những thái độ tiêu cực khi có một anh chị em đi lạc. Ngài mời gọi chúng ta đi tìm họ về. Động lực để làm điều đó chính là niềm vui tìm được con chiên lạc: “Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc” (Mt 18:13). Nhìn từ khía cạnh mục vụ, nhiều khi cũng nên liều “bỏ quên” chín mươi chín con chiên không đi lạc để đi tìm một con người có một linh hồn đáng giá và khi chiến thắng được linh hồn này, đàn chiên sẽ trở nên đầy đủ và hoàn thiện. Chi tiết này mời gọi chúng ta biết nhìn thấy giá trị thật của mỗi anh chị em mình, vì chỉ có như thế chúng ta mới hiểu được lý do tại sao lại phải “liều lĩnh” một tí để đem anh chị em của mình trở về với Chúa.

Từ kinh nghiệm của niềm vui tìm được người anh chị em đi lạc về, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui khi chúng ta hoặc một anh chị em trở về với Chúa: “Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18:14). Thiên Chúa không muốn bất kỳ ai trong chúng ta phải hư mất. Đây cũng là tâm tình của mỗi người chúng ta. Chúng ta phải vượt qua bản tính tự nhiên của mình, bản tính mà nhiều khi cảm thấy hạnh phúc khi thấy anh chị em mình thất bại. Chúng ta phải vun trồng thái độ “vui với người vui, khóc với người khóc,” nhất là trong đời sống gia đình và cộng đoàn.

THỨ TƯ

HÃY ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU ĐỂ ĐƯỢC NGHỈ NGƠI

(Is 40:25-31; Mt 11:28-30)

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta hay so sánh người này với người kia, vật này với vật nọ. Ít hay nhiều chúng ta cũng có lần đem tôn giáo của mình so sánh với tôn giáo của người khác, Thiên Chúa của mình với các thần minh khác, để rồi cũng có lần chúng ta tự hỏi tại sao phải theo Thiên Chúa này, Đấng đòi hỏi chúng ta phải sống yêu thương và tha thứ. Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn Sứ Isaia trình bày cho chúng ta cảm thức bị Thiên Chúa bỏ rơi của con dân Israel trong thời lưu đày: “Hỡi Giacóp, sao ngươi nói, hỡi Israel, sao ngươi bảo: ‘Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?’” Họ nghĩ rằng Thiên Chúa của họ không bằng những thần minh khác nên đã không thể bảo vệ họ. Đứng trước điều này, Đức Chúa khẳng định với dân rằng Ngài là Thiên Chúa duy nhất, Đấng ban sức mạnh cho người cậy trông Ngài: “Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo. Nhưng những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân” (Is 40:29-31). Những lời này chỉ cho chúng ta biết nơi đâu chúng ta chạy đến khi cuộc đời trở nên mệt mỏi và đau khổ. Chỉ nơi Chúa chúng ta mới tìm được sức mạnh để đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Chỉ nơi Chúa chúng ta mới tìm được sự nghỉ ngơi khi mệt mỏi và thất vọng.

Chúng ta chỉ có thể hiểu bài Tin Mừng hôm nay khi chúng ta đặt nó trong bối cảnh của niềm vui năm thánh và lời mời gọi của Đấng Cứu Độ. Trong bối cảnh của niềm vui và sự nghỉ ngơi của năm thánh, Chúa Giêsu đã thốt lên những lời sau: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30). Những lời này âm hưởng lại những lời của

Ngôn Sứ Isaia được trình thuật trong bài đọc 1. Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định những điều sau:

Thứ nhất, Ngài khẳng định Ngài là sự Khôn Ngoan được nói đến trong sách châm ngôn (chương 8) với những đặc tính của một người nữ như là người mang lại sự nghỉ ngơi và an ủi. Ngài mở rộng lời mời gọi cho hết mọi người. Với cuộc sống bận rộn hôm nay, chúng ta đôi lúc cũng muốn có những giây phút để nghỉ ngơi. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với Ngài để được nghỉ ngơi và xa rời sự ồn ào của cuộc sống. Chúng ta có đón nhận lời mời gọi của Ngài không? Đừng để bị cuốn theo sự ồn ào của cuộc sống để rồi cuối cùng không còn có giờ cho Chúa, cho mình, cho gia đình và những người thân.

Thứ hai, Ngài mời gọi chúng ta mang lấy ách của Ngài. Các thầy Rabbi nói về cái ách

của Torah và cái ách của vương quốc. Khi Chúa Giêsu nói đến cái ách, Ngài ám chỉ đến lời giải thích của mình về luật. Trong cuộc sống, chúng ta cũng có nhiều luật để theo. Nhiều lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi vì phải theo nhiều luật. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với Ngài để cảm nghiệm được sự nhẹ nhàng của luật Ngài đưa ra, đó là luật yêu thương. Ai sống trong yêu thương mới hiểu được sự êm ái và niềm vui mà tình yêu mang lại dù cho có khó khăn và thách đố của cuộc sống.

Thứ ba, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ và chúng ta học ở Ngài. Người môn đệ luôn là người theo học cho đến cuối đời. Chúa Giêsu muốn chúng ta học ở Ngài hai điều, đó là sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Hiền lành để chúng ta đối xử nhẹ nhàng với hết mọi người; còn khiêm nhường để biết rằng mình rất cần Thiên Chúa vì chúng ta là những con người yếu đuối, tội lỗi. Trong bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay, sự khiêm nhường của Chúa Giêsu vừa là mẫu gương của người thầy vừa là nội dung lý tưởng bởi vì chính Ngài là Torah được cá vị hoá. Khi đến với Ngài chúng ta sẽ tìm được sự nghỉ ngơi. Điều này ám chỉ đến việc nghỉ trong ngày Sabbath là biểu tượng của sự an nghỉ trong Nước Thiên Chúa. Trong Thiên Chúa, chúng ta sẽ tìm được niềm vui.

Thứ tư, Chúa Giêsu khẳng định ách của Ngài êm ái, gánh của Ngài nhẹ nhàng. Chúng ta hiểu điều này khi đặt nó trong sự so sánh với halaka của người Pharisêu. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu có thể nói về số lượng dễ dàng hơn bởi vì ngắn hơn và tập trung vào những điều quan trọng. Nhưng để đáp ứng được lời mời gọi trở nên công chính như trong Mt 5:20, lời giảng dạy của Chúa Giêsu về chất lượng lại khó hơn, bởi vì sự đòi hỏi của tình yêu dành cho Thiên Chúa và người thân cận thì vô tận. Nói cách khác, tình yêu dành cho Thiên Chúa và người thân cận đòi chúng ta phải diễn tả trong lời nói và hành động hằng ngày của mình: Mỗi lời nói, mỗi hành động là một diễn tả tình yêu dành cho Chúa và anh chị em mình.

THỨ NĂM

TRỞ NÊN THANH KHIẾT NHƯ MẸ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

(St 3:9-15.20; Ep 1:3-6.11-12; Lc 1:26-38)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng trọng thể lễ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thánh lễ này được cử hành để mừng trọng thể Tín Điều Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức Thánh Cha Piô IX công bố năm 1854. Đức Thánh Cha Piô IX đã công bố tín điều như sau: “Đức Trinh Nữ Diẽm Phúc Maria, đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố nguyên toi ngay từ lúc tượng thai, do ân sủng và tình thương đac biet của Thiên Chúa toàn nang, nhờ công nghiep của Đức Giêsu Kitô Đáng Cứu Đo loài người (DS, 2803). Chúng ta tự hỏi: Thánh lễ này có ý nghĩa gì với chúng ta ngày hôm nay không? Chúng ta để lời Chúa hướng dẫn hầu trở nên như Mẹ, đó là trở thành những người sống trọn vẹn cho Chúa và sống một cuộc đời thanh sạch, trong trắng.

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta “thảm cảnh” của nhân loại sau khi Adam và Eva ăn trái cây giữa vườn, cây biết thiện biết ác. Con người đã không còn có được mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và với nhau. Với Thiên Chúa, con người đã lẩn trốn: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn” (St 3:10). Con người nhận ra sự “trần truồng,” hay đúng hơn sự giới hạn của mình và như thế lẩn trốn khỏi Thiên Chúa. Họ lẩn trốn vì sợ hãi và vì xấu hổ. Đây chính là cảm thức của con người khi phạm tội. Cảm thức này vẫn hiện diện trong mỗi người chúng ta. Nói cách cụ thể, mỗi khi phạm tội, trong chúng ta có một cảm giác xấu hổ, không dám đối diện với Thiên Chúa. Chúng ta muốn trốn chạy khỏi Ngài. Nhưng chúng ta thấy, dù con người trốn chạy, Thiên Chúa vẫn gọi chúng ta: “Ngươi ở đâu?” và Ngài chờ đợi chúng ta trả lời từ trong chỗ ẩn nấp của mình. Sau khi phạm tội, đừng sợ việc trả lời Thiên Chúa khi Ngài gọi. Hãy trả lời cách nhanh chóng, để được Ngài chữa lành. Còn với tha nhân, con người đổ lỗi cho nhau và đổ lỗi cho hoàn cảnh để biện mình cho lỗi phạm của mình: “Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi: ‘Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?’ Con người thưa: ‘Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.’ Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: ‘Ngươi đã làm gì thế?’ Người đàn bà thưa: ‘Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn’” (St 3:11-14). Chúng ta vẫn sống kinh nghiệm này ngày hôm nay. Nhiều lần chúng ta cũng đổ lỗi cho người khác và hoàn cảnh về những thất bại của mình.

Tuy nhiên, trong thảm cảnh đó, chúng ta nhận ra tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho con người. Ngài không bỏ rơi con người, nhưng hứa ban Đấng Cứu Thế. Tin Mừng đầu tiên được công bố: “Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn:

‘Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi

loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó’” (St 3:14-15). Trong những lời này, chúng ta thấy Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người. Ngài đã có một kế hoạch để cứu chuộc con người bằng cách tiên báo sự chiến thắng trên mãnh lực của sự dữ. Là dòng giống của người “đàn bà,” chúng ta có chiến đấu để chiến thắng mãnh lực của con rắn không hay chúng ta đang làm nô lệ cho nó?

Thánh Phaolô trong bài đọc 2 chúc tụng Thiên Chúa vì những kỳ công Ngài thực hiện cho con người trong Đức Kitô. Như chúng ta đọc thấy trong bài đọc 1, sau khi con người phạm tội, con người lẩn trốn khỏi Thiên Chúa. Nhưng trong Đức Kitô, Thiên Chúa “đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1:4). Không những thế, “theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1:5-6). Những lời này cho chúng ta thấy nhân phẩm cao quý của mình, đó là chúng  ta không chỉ trở nên tinh tuyền thánh thiện mà còn được làm nghĩa tử và nghĩa nữ của Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta hiểu được ý nghĩa của thánh lễ hôm nay, đó là trong ý định của Thiên Chúa, Ngài tiền định cho chúng ta làm con cái của Ngài nhờ Đức Kitô. Khi trở nên con cái, chúng ta được mời gọi sống một cuộc sống thánh thiện và tinh tuyền, không vương tỳ ố của tội lỗi. Mẹ Maria đã được ơn sủng Thiên Chúa bao bọc khi thụ thai, nên Mẹ luôn tinh tuyền thánh thiện trước mặt Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật biến cố truyền tin của thiên thần Gabriel cho Mẹ Maria. Chúng ta đã nghe và suy gẫm về đoạn Tin Mừng này nhiều lần, nên hôm nay chúng ta chỉ chọn một điểm quan trọng để nói lên ý nghĩa của thánh lễ hôm nay. Chi tiết đó chính là lời chào của Thiên Thần Gabriel: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1:28). Lời chào này làm cho Mẹ Maria phải bối rối và tự hỏi nó có ý nghĩa gì. Tại sao? Vì lời chào này đưa Mẹ về với toàn bộ lịch sử của dân Mẹ và nói lên ơn gọi của Mẹ, đó là được Thiên Chúa tuyển chọn. Khi Thiên Chúa chào mừng, ‘mừng vui lên,’ Mẹ tự hỏi: Làm sao Mẹ có thể vui được vì dân của Mẹ đang sống trong cảnh bị áp bức? Làm sao một cô gái ‘bình thường’ như Mẹ lại được Thiên Chúa để mắt đến và ban đầy ân sủng? Làm sao Mẹ có được diễm phúc ‘Đức Chúa ở cùng?’ Đây là những điều làm cho mẹ bối rối và tự hỏi. Tuy nhiên, chi tiết đáng lưu ý nhất trong lời chào này là: “hỡi Đấng đầy ân sủng.” Đây chính là nền tảng Kinh Thánh của tín điều Mẹ Vô Nhiễm mà chúng ta mừng kính trọng thể hôm nay. Vì Mẹ được “đầy ân sủng,” nên Mẹ không bị một tì ố nào của tội lỗi. Giáo Hội đã dạy về điều này như sau: “Suót dọc chièu dài lịch sử, Hoi Thánh đã nhan thức ràng Đức Maria, vì được Thiên Chúa ban cho ‘đày ơn phúc’ (Lc 1:28), nên được cứu chuoc ngay từ lúc tượng thai” (GLGHC, 491). Chính vì ‘đầy ân phúc,’ nên Mẹ đã được nâng đỡ để hoàn toàn tự do đáp lại lời mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu độ của Ngài: “Đẻ   làm Mẹ Đáng Cứu thé, Đức Maria ‘đã được Chúa ban cho nhièu ơn xứng với nhiem vụ cao cả áy’ (x. LG, 56). Lúc truyèn tin, thiên sứ Gáprien đã chào Mẹ ‘là đáng đày ơn phúc’ (x. Lc l:28). That vay, Mẹ càn được ân sủng Chúa nâng đỡ đẻ có thẻ hoàn toàn tự do trong đức tin mà đáp lại lời loan báo ơn gọi của Người”  (GLGHC, 490). Chi tiết nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Chúng ta biết ơn Chúa luôn đủ cho chúng ta (x. 2 Cr 12:9). Nhưng nhiều khi chúng ta  không để cho ơn Chúa lấp đầy cuộc sống mình, nên chúng ta vẫn nuông chiều theo tội. Giống như một ly nước, khi nước đã đầy đến miệng thì không thể đổ thêm gì vào được. Cuộc sống chúng ta cũng thế, nếu tràn đầy ân sủng của Chúa thì không còn chỗ cho tội lỗi. Hãy làm trống những nơi ơn sủng Chúa chưa đổ đầy và xin Chúa đổ đầy những nơi đó với tình yêu của Ngài để chúng ta có thể trở nên như Mẹ, sống một đời sống thánh thiện tinh tuyền trước nhan thánh Chúa.

THỨ SÁU

SỰ KHÔN NGOAN ĐƯỢC TỎ LỘ QUA HÀNH ĐỘNG

(Is 48:17-19; Mt 11:16-19)

Ai trong chúng ta cũng được Đức Chúa hướng dẫn và dạy dỗ mỗi ngày qua lời Ngài hoặc qua những biến cố trong cuộc sống. Nhưng chúng ta thường không tuân theo nên cuộc sống hằng ngày vẫn còn đó những điều bất an. Điều này phản ảnh kinh nghiệm của con cái Israel khi họ không đi theo đường lối Thiên Chúa chỉ dạy. Ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 nhắc nhở cho dân biết rằng Thiên Chúa luôn dạy họ những điều bổ ích, nếu họ tuân theo, họ sẽ có được thái bình, thịnh vượng: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng dạy ngươi những điều bổ ích, Đấng hướng dẫn ngươi trên đường ngươi đi. Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển. Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát, con cái ngươi sinh ra sẽ hằng hà sa số; tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt, chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt Ta” (Is 48:17-19). Những lời trên gợi lại cho chúng ta những giây phút bất an vì chúng ta đã không lưu ý đến mệnh lệnh của Đức Chúa để sống yêu thương, cảm thông và tha thứ. Thật vậy, sự bất an xảy ra khi chúng ta không sống yêu thương. Cuộc sống của chúng ta trở nên cằn cỗi và danh thơm tiếng tốt bị xem thường khi chúng ta sống một cuộc sống chua cay, giận hờn. Để được bình an, chúng ta cần lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành trong từng giây phút của ngày sống.

Đoạn trích Tin Mừng hôm nay nói về sự phê bình [phán xét] của Chúa Giêsu về thế hệ của Ngài qua việc sử dụng một dụ ngôn nhỏ (Mt 11:16-17), và một lời giải thích về dụ ngôn (Mt 11:18-19a), và một lời nói khôn ngoan mà có thể được thêm vào sau này (Mt 11:19b).

Theo các học giả Kinh Thánh, dụ ngôn không phải dễ để giải thích: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông rằng: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than’” (Mt 11:16-17). Theo họ, khả thể lớn nhất để giải thích dụ ngôn này là những đứa trẻ là Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Theo nghĩa của bản văn lời mời gọi của những đứa trẻ là chơi trò chơi đám cưới và sau đó là đám tang. Nhưng khi được mời sống niềm vui của đám cưới hoặc nỗi buồn của đám tang thì ‘những đứa trẻ khác’ không đáp lại. Nói theo Kinh Thánh, khi lắng nghe lời Tin Mừng cứu độ, họ không tỏ ra hạnh phúc và vui vẻ đón nhận. Khi được mời gọi để ăn năn sám hối thì họ lại tìm vui trong những thú vui trần thế. Điều này cũng có thể xảy ra cho chúng ta ngày hôm nay. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta không thấy vui vẻ để đến với Chúa, cũng không khóc than cho lầm lỗi của mình. Chúng ta sống chai lì trong lối sống dửng dưng và vô cảm trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Hãy trở nên dễ dạy với Chúa! Hãy đáp lại sứ điệp Tin Mừng của Chúa trong từng hoàn cảnh sống của cuộc đời.

Chi tiết thứ hai để chúng ta suy gẫm là thái độ của “những đứa trẻ khác.” Những đứa trẻ này là những người cùng thời với Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu, là những người loại trừ lối sống quá khắt khe của Gioan Tẩy Giả và cái ách nhẹ nhàng của Chúa Giêsu: “Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’” (Mt 11:18-19). Điều này dạy chúng ta rằng chúng ta sẽ không bao giờ làm vừa lòng hết mọi người. Thật vậy, trong cuộc sống chúng ta thường nghe câu: “Làm dâu trăm họ.” Chúng ta không bao giờ có thể làm vừa lòng hết mọi người. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng dù có làm việc tốt như thế nào đi nữa, vẫn có những tiếng thị phi trong thiên hạ. Hãy cố gắng làm đẹp lòng Chúa và tìm niềm vui trong Ngài hơn là làm vừa lòng người khác mà mất lòng Thiên Chúa.

Câu kết của bài Tin Mừng cho thấy, mọi sự được thực hiện với đức Khôn Ngoan sẽ được chứng minh qua hành động: “Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động” (Mt 11:19b). Chi tiết này khác với Tin Mừng Thánh Luca. Trong hình thức của Thánh Luca chúng ta đọc thấy: “Nhưng đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho” (Lc 7:35). Theo các học giả Kinh Thánh, hình thức của Thánh Luca có thể là bản nguyên thuỷ. Câu này có nghĩa rằng Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu là con cái của sự khôn ngoan. Chính các Ngài đến dùng hành động của mình để minh chứng cho tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi để dùng đời sống và hành động của mình hầu làm cho mọi người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa.

THỨ BẢY

TRỞ NÊN NGÔN SỨ CỦA THIÊN CHÚA

(Hc 48:1-4.9-11; Mt 17:10-13)

Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả Sách Huấn Ca trình bày cho chúng ta về ngôn sứ Êlia. Hình ảnh của ngôn sứ Êlia được vẽ lên với nét đặc biệt sau: ông như ngọn lửa thanh luyện dân để trở về với sự thờ kính Thiên Chúa cách chân thật: “Ngày ấy, ngôn sứ Êlia xuất hiện, ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng” (Hc 48:1). Điều đáng để chúng ta suy gẫm là “lời của Êlia” có sức mạnh biến đổi. Với lời của mình, ngôn sứ Isaia đã làm phép lạ: “Ông khiến cho nạn đói hoành hành trong dân, và do lòng nhiệt thành, ông làm cho số dân giảm bớt. Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời, và ba lần cũng cho lửa đổ xuống” (Hc

48:2-3). Sức mạnh của lời ông không phải đến từ ông mà đến từ Đức Chúa. Ông đã sử dụng lời Thiên Chúa để thực hiện bao nhiêu việc hiển hách. Chi tiết nhắc nhở chúng ta về việc sử dụng lời nói của mình. Chỉ những ai sử dụng lời Thiên Chúa mới có thể mang lại sự biến đổi nơi chính mình và nơi người khác, đồng thời làm cho cuộc sống của mình trở nên “vinh quang hiển hách” (Hc 48:4).

Một chi tiết khác chúng ta được mời gọi để suy gẫm trong bài đọc 1 là việc ngôn sứ Êlia đã sử dụng lời nói của mình để mang dân trở về với Đức Chúa: “Những lời khiển trách vào thời sẽ đến, ông đã được nêu danh, để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ bùng lên, để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và tái lập các chi tộc Giacóp. Phúc cho ai được nhìn thấy ông, và cho kẻ được an nghỉ trong tình yêu Thiên Chúa, vì cả chúng tôi, chắc chắn cũng sẽ được sống” (Hc 48:10-11). Cuộc sống của ông đã trở nên lời rao giảng để qua đó con cái Israel trở về với Đức Chúa, không còn làm cho cơn giận của Chúa bùng lên. Lời của Êlia có sức mạnh biến đổi, cuộc sống của ông là mối phúc cho những ai gặp ông. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về lối sống của mình. Chúng ta được mời gọi biến cuộc sống của mình thành mối phúc cho người khác. Ngôn sứ Êlia trở nên mối phúc cho những ai nhìn thấy ông. Còn chúng ta thế nào: Chúng ta có là mối phúc cho người khác không?

Đoạn Tin Mừng hôm nay là phần kết của biến cố Chúa Giêsu biến hình. Trong phần này, chúng ta thấy vấn nạn về việc Êlia sẽ trở lại được các môn đệ đưa ra. Điều này chứng tỏ họ đã một phần nào đó biết được căn tính của Chúa Giêsu là Đấng Messia. Chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là việc các môn đệ đặt câu hỏi khi thầy trò “đang trên núi xuống”: “Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, các môn đệ hỏi Đức Giêsu rằng: ‘Sao các kinh sư nói rằng ông Êlia phải đến trước?’ (Mt 17:10). Hình ảnh trên núi đi xuống nói lên sự trở về với thực tại của đời sống thường ngày. Trên núi, giây phút thân tình với Thiên Chúa đã làm cho các môn đệ hạnh phúc, nhưng cũng có thể làm cho các ông quên đi thực tại cụ thể của đời sống thường ngày. Việc các môn đệ đặt vấn nạn với Chúa Giêsu khi đang trên núi xuống ám chỉ rằng những thực tế trong cuộc sống thường ngày nhiều khi làm chúng ta đặt vấn nạn với Chúa về những gì xảy ra cho mình và cho người khác. Chi tiết này cũng cho chúng ta thấy rằng khi hạnh phúc vui sướng [trên núi với Chúa], chúng ta không bao giờ đặt vấn đề với Chúa. Nhưng khi đụng chạm đến những thực tại sinh, lão, bệnh, tử của cuộc sống thường ngày của con người, chúng ta lại đặt nhiều câu hỏi. Dù chúng ta có nhiều vấn nạn cho cuộc sống mình, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn đồng hành và giải thích cho chúng ta. Liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn để đi theo Ngài để được Ngài giải thích cho không?

Chúa Giêsu khẳng định với các môn đệ rằng: “Đúng thế, ông Êlia đến và sẽ chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế” (Mt 17:11-12). Những lời này đưa chúng ta về với bài đọc 1. Chúa Giêsu cũng khẳng định cho các môn đệ về vai trò của Êlia là đến để chỉnh đốn dân chúng để đón mừng ngày được giải thoát. Nhưng Chúa Giêsu cũng khuyến cáo các môn đệ về việc họ có thể không nhận ra người Thiên Chúa sai đến như những người trong thời của Ngôn Sứ Êlia. Trong ngày sống của mình, Thiên Chúa cũng gởi nhiều ngôn sứ của Ngài đến để chỉnh đốn đời sống của chúng ta, nhưng chúng ta không nhận ra hoặc không muốn nghe. Thiên Chúa không chỉ sai các ngôn sứ của Ngài đến, nhưng chính Ngài đến với chúng ta và nhiều khi chúng ta không nhận ra, và nếu nhận ra chúng ta không tiếp đón Ngài vào trong ngày sống của mình. Hãy để cho Chúa một cơ hội để được đón nhận vào trong con tim của chúng ta hôm nay.

Chi tiết kết thúc bài Tin Mừng hôm nay mang lại cho chúng ta sự an ủi vì các môn đệ dường như “hiểu” những điều Chúa Giêsu nói: “Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 17:13). Trong Tin Mừng, chúng ta thường thấy các môn đệ không hiểu hoặc hiểu sai những gì Chúa Giêsu dạy. Nhưng trong trường hợp này, họ lại hiểu. Đâu là lý do? Chính ánh sáng của kinh nghiệm biến hình đã chiếu soi tâm hồn các ông, giúp các ông hiểu được những gì Chúa Giêsu nói. Nói cách cụ thể hơn, chính kinh nghiệm sống thân tình với Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ hiểu được những lời dạy của Chúa Giêsu. Như vậy, để biết và hiểu điều Chúa Giêsu dạy [hay thánh ý Thiên Chúa], chúng ta phải chìm sâu trong những giây phút thân tình với Thiên Chúa, điều mà chúng ta thường gọi là cầu nguyện. Người không cầu nguyện, dù có học giỏi và có nhiều bằng cấp thì cũng chỉ có được những tư tưởng về Chúa chứ không có Chúa trong cuộc sống, nên sẽ không bao giờ biết và hiểu được thánh ý của Ngài.