Lời Chúa Năm C Các bài suy niệm Tuần 32 Thường niên

Các bài suy niệm Tuần 32 Thường niên

SUY NIỆM TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI
ĐỪNG TRỞ NÊN CỚ VẤP PHẠM CHO NGƯỜI KHÁC

(Tt 1:1-9; Lc 17:1-6)

Trong bài đọc 1 hôm nay chúng ta bắt đầu nghe lời của Thánh Phaolô viết cho Titô. Thánh nhân bắt đầu với việc nói về mình và sứ mệnh của mình: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Thiên Chúa và Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô, có nhiệm vụ đưa những kẻ Thiên Chúa chọn đến đức tin và sự nhận biết chân lý phù hợp với đạo thánh, với niềm hy vọng được sự sống đời đời mà Thiên Chúa, Đấng không hề nói dối đã hứa từ thuở đời đời” (Tt 1:1-2). Qua những lời này, Thánh nhân nhận mình là tôi tớ của Thiên Chúa, và sứ mệnh của mình là đưa mang đức tin cho những người Thiên Chúa chọn. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về việc nhìn nhận mình như thế nào trước Thiên Chúa và đâu là sứ mệnh người mong ước mỗi người chúng ta thực hiện. Tiếp theo Thánh nhân cho biết mục đích khi để Titô ở lại đảo Cơrêta, là “để anh hoàn thành công việc tổ chức, và đặt những kỳ mục trong mỗi thành, như tôi đã truyền cho anh” (Tt 1:5). Công việc đặt những kỳ mục, những người hướng dẫn cộng đoàn, là một công việc cần nhiều sự khôn ngoan. Những kỳ mục được chọn phải có những tiêu chuẩn nhất định. Theo Thánh nhân, “kỳ mục phải là người không chê trách được, chỉ có một đời vợ, con cái cũng tin đạo và không mang tiếng là sống phóng đãng hay bất phục tùng” (Tt 1:6). Không những thế, trên khía cạnh nhân bản, kỳ mục phải là người “giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; trái lại, phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mực, công chính, thánh thiện, biết tự chủ; người ấy phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý, để vừa có khả năng dùng giáo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối” (Tt 1:7-9). Mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa đặt lên để chăm sóc anh chị em mình. Trên một khía cạnh nào đó, mỗi người trong chúng ta cũng được xem là kỳ mục. Liệu chúng ta có sở hữu những đức tính như lòng Chúa mong ước không?

Chúng ta có thể nói rằng: Những người không gặp được Đức Khôn Ngoan, sẽ là những người dễ dàng trở thành cớ cho người khác vấp ngã. Chúa Giêsu lên án những người làm cớ cho người khác vấp ngã trong hành trình theo Chúa Giêsu như sau: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. Anh em hãy đề phòng!” (Lc 17:1-3). Trong những lời này, Chúa Giêsu ám chỉ rằng trong khi các môn đệ hành trình trên con đường theo Chúa Giêsu, họ cũng như bao nhiêu người khác, sẽ phải đối diện với những người gây gương mù gương xấu. Theo Chúa Giêsu, đối diện với những gương mù gương xấu thì không nguy hiểm cho bằng trở nên gương mù gương xấu. Những người trở nên gương mù gương xấu sẽ bị cột cối đá lớn vào cổ. Cối đá này cân có thể nặng đến mấy trăm cân. Hình ảnh buộc cối đá vào cổ ám chỉ đến việc thà người đó bị tẩy khỏi danh sách những người đang sống thì tốt hơn là gây cớ cho người khác vấp ngã. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng đối diện với những gương mù gương xấu. Có lần chúng ta thắng được, nhưng cũng có lần chúng ta vấp ngã. Nhưng cũng không ít lần chúng ta trở nên gương mù gương xấu cho anh chị em mình qua những lời ăn tiếng nói hoặc hành động không được tế nhị và thanh cao. Hãy sống cho trọn vẹn, để không có ai vấp ngã vì chúng ta.

Chi tiết thứ hai đáng suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là việc xúc phạm đến nhau. Ông bà ta thường nói: “Sống chung thì đụng.” Tuy nhiên, điều quan trọng là sau khi đụng, chúng ta sẽ có thái độ như thế nào? Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta thái độ cần thiết sau khi bất hoà với nhau là tha thứ cho nhau: “Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận,’ thì anh cũng phải tha cho nó” (Lc 17:3-4). Trong những lời này, Chúa Giêsu muốn những người môn đệ của Ngài không chỉ cầu nguyện lời Kinh Lạy Cha, nhưng còn sống lời kinh này bằng cách tha thứ cho người khác cách không giới hạn và vô điều kiện.

Tuy nhiên, tha thứ cần phải có lòng tin. Đây chính là điều mà các Tông Đồ xin Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17:5). Lòng tin này bắt đầu rất nhỏ bé mong manh. Thật vậy, sau khi bị người khác xúc phạm đến mình, chúng ta thường mất niềm tin vào họ. Chính vì vậy, Chúa Giêsu chỉ mong các môn đệ có được “lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc,’ nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17:6). Sự tha thứ nhiều khi tưởng như là điều không thể, nhưng nếu chúng ta có chút lòng tin là người kia sẽ được Chúa biến đổi để trở nên tốt hơn, thì lúc đó chúng ta sẽ thấy sự tha thứ trở nên dễ dàng hơn. Tóm lại, những gì người môn đệ Chúa Giêsu cần cho hành trình của mình là một đức tin sâu xa vào Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, là Đấng có thể và sẽ giải thoát họ khỏi những chống đối và những mãnh lực phá huỷ của thế gian. Hãy xin Chúa ban cho chúng ta thêm niềm tin.

 

THỨ BA
SỐNG KHIÊM NHƯỜNG TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA

(Tt 2:1-8.11-14; Lc 17:7-10)

Trong bài đọc 1, Thánh Phaolô hướng dẫn Titô phải giảng dạy như thế nào cho các thành phần khác nhau trong cộng đoàn của mình. Thánh nhân đưa ra những lời dạy phù hợp cho từng thành phần như sau: (1) Đối với các cụ ông cụ bà: “Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành” (Tt 2:2-3); (2) đối với những cặp vợ chồng trẻ: “dạy cho người vợ trẻ biết yêu chồng, thương con, biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà, phục tùng chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm” (Tt 2:4-5); (3) đối với các thanh niên, thiếu nữ, hãy dạy cho họ “chừng mực trong mọi sự” (Tt 2:6). Những lời trên mời gọi chúng ta xét lại cuộc sống của mình. Chúng ta cũng thường vấp ngã rơi vào những lỗi mà Thánh Phaolô đã nêu ra ở trên. Chúng ta cần bắt đầu lại, vì chúng ta không muốn để lời Thiên Chúa bị người khác xúc phạm. Chúng ta không muốn để người khác cười nhạo đạo của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần sống xứng đáng với niềm tin, với danh xưng Kitô hữu của mình. Bên cạnh đưa ra những hướng dẫn cho các thành phần khác nhau, Thánh Phaolô còn kêu gọi Titô phải là người thực hành, làm gương sáng về tất cả những gì mình dạy cho người khác: “Chính anh hãy làm gương về mặt đức hạnh. Khi anh giảng dạy thì đạo lý phải tinh tuyền, thái độ phải đàng hoàng, lời lẽ phải lành mạnh, không ai bắt bẻ được, khiến đối phương phải bẽ mặt, vì không thể nói xấu chúng ta được điều gì” (Tt 2:7-8). Những người hướng dẫn người khác phải là những người thực hành những gì mình giảng dạy. Chính cuộc sống tốt lành thánh thiện của họ là lời dạy thuyết phục nhất.

Sau khi dạy các môn đệ về sự cần thiết của lòng tin trong việc tha thứ cho anh chị em mình, Chúa Giêsu tiếp tục dạy họ về thái độ cần thiết sau khi làm xong những công việc được trao phó. Chúa Giêsu sử dụng mối tương quan chủ-tớ để nói đến trách nhiệm của người môn đệ trong tương quan với Thiên Chúa. Trong phần 1, Chúa Giêsu sử dụng “dụ ngôn” để dạy các Tông Đồ rằng: Trong bất kỳ tương quan nào [nhất là chủ-tớ], mỗi người phải sống đúng với vị trí của mình. Đừng bao giờ đặt mình vào vị trí không phải là của mình. Chúng ta nhận ra điều này trong những lời sau: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi,’ chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’?” (Lc 17:7-8). Trong tất cả các tương quan, khi chúng ta không tôn trọng vị trí của nhau sẽ có sự xáo trộn và hệ quả là chúng ta sẽ tự chia rẽ trong đời sống chung. Trong tương quan với Thiên Chúa, khi chúng ta đặt mình vào vị trí của Chúa, tức là Chúa không còn là trung tâm của cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ trở nên những ông chúa [bà chúa]. Và khi chúng ta trở nên những ông chúa [bà chúa], chúng ta bắt đầu quyết định cho định mệnh đời mình và người khác theo ý của mình. Hệ quả là chúng ta trở nên những bạo chúa đối với nhau. Hãy sống là mình trước mặt Chúa và đối với anh chị em của mình. Đừng cố gắng làm người khác khi mình không phải là!

Khi chúng ta làm đúng và sống đúng với vị trí của mình, chúng ta sẽ sống trong tâm tình tạ ơn. Vì chỉ có những người sống đúng với ơn gọi của mình mới hiểu được rằng mọi sự là ân sủng. Tự mình chúng ta sẽ không làm được điều gì. Mọi sự đến từ Thiên Chúa. Vì vậy, lòng biết ơn là tâm tình của các tạo vật trước tình yêu vô điều kiện của Đấng Tạo Hoá. Những lời sau khuyến cáo chúng ta về thái độ “hòn đá ném đi hòn chì ném lại” khi làm việc cho Chúa: “Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?” (Lc 17:9). Đây chính là thái độ của mỗi người chúng ta khi làm những việc hằng ngày của mình: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17:10). Sự khiêm nhường chỉ có trong tâm hồn của những người biết mình không làm được gì nếu không có ơn Chúa. Nói cách khác, những người sống khiêm nhường và luôn có lòng biết ơn là những người làm việc với thái độ cộng tác vào công trình sáng tạo [liên tục] và cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta có đang sống thái độ này không?

THỨ TƯ
SỐNG XỨNG ĐÁNG LÀ THÁNH ĐƯỜNG CỦA THIÊN CHÚA
Cung Hiến Thánh Đường Latêranô
(Ed 47:1-2.8-9.12; Ga 2:13-22)

Hôm nay, Giáo Hội cử hành lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô ở Rôma. Đây là thánh đường cổ nhất và có vị trí cao nhất trong bốn thành đường ở Rôma. Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô là nhà thờ chính toà của địa phận Rôma, là ngai của Đức Giáo Hoàng, giám mục của Rôma, không phải là thánh đường thánh Phêrô như nhiều người hiểu sai. Thánh đường cũng còn được gọi là Nhà Thờ của Đấng Cứu Thế hoặc Nhà Thờ Thánh Gioan Tẩy Giả. Trong thời Rôma cổ xưa, nhà thờ này là nơi mà mọi người được rửa tội. Nó là nhà thờ cổ nhất bên phương tây, được xây dựng bởi Constantine và được thánh hiến bởi Đức Thánh Cha Sylvester năm 324. Thánh lễ này trở thành phổ quát để tôn kính thánh đường mẹ, được gọi là “mẹ” của tất cả các nhà thờ ở Rôma và trên thế giới. Thánh đường này là dấu chỉ của tình yêu và sự hiệp nhất với thánh Phêrô và những người kế nhiệm ngài. Cử hành thánh lễ cung hiến hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại đền thờ của Thiên Chúa nơi cuộc đời mỗi người chúng ta. Hãy để lời Chúa hướng dẫn chúng ta trong việc thánh hiến lại cuộc đời mình hầu trở thành đền thánh xứng đáng cho Chúa ngự.

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta thị kiến Êdêkien thấy nơi cửa Đền Thờ. Êdêkien nhìn thấy một dòng nước “vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía đông. Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy xuống phía nam bàn thờ. Người ấy đưa tôi ra theo lối cổng bắc và dẫn tôi đi vòng quanh theo lối bên ngoài, đến cổng ngoài quay mặt về phía đông, và này: nước từ phía bên phải chảy ra.” (Ed 47:1-2). Đặc tính quan trọng của dòng nước này là nó chảy ra Biển Chết và làm cho nước biển hoá lành. Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống. Trên hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết: mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ có nước chảy ra từ thánh điện. Trái dùng làm lương thực còn lá để làm thuốc” (Ed 47:8-9.12). Ở đâu có dòng nước này, ở đó có sự sống và chữa lành. Chi tiết này cho thấy có một sức sống mãnh liệt xuất phát từ đền thờ. Điều này mời gọi chúng ta nhìn lại đền thờ cuộc đời mình. Những ai tiếp xúc với chúng ta có tìm được sự sống và có được chữa lành không? Nhiều người trong chúng ta quên rằng mình là đền thờ của Thiên Chúa nên đã không sống một đời sống xứng đáng. Nhiều khi chúng ta có những thái độ mang lại sự chết cho những ai tiếp xúc với chúng ta hơn là mang lại sự sống; chúng ta mang thương tích hơn là chữa lành. Hãy trở nên những đền thánh xứng đáng của Thiên Chúa nơi người khác tìm được sự nghỉ ngơi, sự bình an, tình yêu, sự cảm thông và sự tha thứ.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hành vi “thánh hiến” Đền Thờ Giêrusalem của Chúa Giêsu. Một cách cụ thể, bài Tin Mừng này nói về dấu chỉ của sự phục sinh. Hành động thánh hiến đầu tiên mà Chúa Giêsu thực hiện là “lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: ‘Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán’” (Ga 2:15-16). Đây là hành động lấy đi những gì không xứng đáng ra khỏi đền thờ. Chi tiết này mời gọi chúng ta bỏ đi những thái độ sống, những lời ăn tiếng nói, những hành động cử chỉ không tương xứng với đền thánh của Thiên Chúa là chính mình. Cuộc sống của chúng ta phải là một hành vi thờ phượng [hay một nơi mà chính chúng ta và người khác gặp được Thiên Chúa]. Chúng ta không thể sử dụng đền thờ là thân mình để làm lợi về mặt con người mà trở nên nghèo nàn trước mặt Thiên Chúa.

Điều cần thiết thứ hai cho việc thánh hiến Đền Thờ chính là việc “phá huỷ” và “dựng lại”: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2:19). Những lời này ám chỉ về chính thân thể của Người: “Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói” (Ga 2:21-22). Hai hành động “phá huỷ” và “dựng lại” này nói đến mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu: Ngài phải chết nhưng ba ngày Ngài sẽ sống lại. Chi tiết này mời gọi chúng ta thánh hiến đền thánh cuộc đời chúng ta bằng việc “chết đi cho tội” và “sống lại cho Chúa.” Đây chính là hành động thánh hiến cao đẹp nhất mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta thực hiện mỗi ngày.

THỨ  NĂM
SỐNG TRUNG THÀNH CHO ĐẾN KHI CHÚA ĐẾN
(Plm 7-20; Lc 17:20-25)

Thánh Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay nói cho Philêmon biết điều gì làm cho thánh nhân cảm thấy vui và được an ủi, đó là thấy Philêmon sống yêu thương. Chính đức ái Philêmon tỏ ra đã làm “cho lòng trí các người trong dân thánh được phấn khởi” (Plm 7). Tình yêu chân thật luôn mang lại niềm vui, còn tình yêu dối trá luôn mang lại đau thương và nước mắt. Thánh Phaolô viết cho Philêmon những lời này khi đã già nua và đang ở trong tù. Ngài kêu gọi Philêmon đón nhận Ônêximô với tình yêu như là một người anh em trong Đức Kitô chứ không phải như là một người nô lệ: “Tôi là Phaolô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Kitô Giêsu, tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ônêximô, kẻ xưa kia đối với anh là vô dụng, thì nay đã thành người hữu ích cho cả anh lẫn tôi, tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi” (Plm 9-12). Tình yêu phá tan mọi hàng rào phân cách, biến con người thành anh chị em của nhau. Tình yêu của người Kitô hữu bao gồm cả tình người và tình nghĩa trong Thiên Chúa. Nói cách khác, là những người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không chỉ đối xử với người khác theo tình người vì họ là những con người, nhưng còn đối xử với họ theo tình yêu của Thiên Chúa. Đây là tình yêu có sức mạnh biến tất cả chúng ta thành con cái của Ngài. Chỉ những người sống cách trọn vẹn trong tình yêu này mới cảm nếm được thế nào là niềm vui trong Chúa. Chi tiết này mời gọi chúng ta vượt qua khuynh hướng tự nhiên trong yêu thương để đạt đến lối yêu thương không loại trừ như Đức Kitô.

Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh lời kêu gọi của Chúa Giêsu cho các môn đệ phải sống trung thành cho đến khi Con Người đến. Đây chính là lời mời gọi những người môn đệ đang hành trình lên Giêrusalem với Chúa Giêsu. Sự chậm đến của Chúa Giêsu là nguyên nhân của những vấn đề bất ổn trong cuộc sống của người môn đệ. Một trong những vấn đề là việc các môn đệ phải đối diện với những bách hại mà Thiên Chúa lại chậm trễ đến giải cứu. Điều này cũng xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Nhiều lần chúng ta đối diện với khó khăn và thử thách, chúng ta kêu cứu những chẳng thấy Chúa đâu. Điều này làm chúng ta nản chí sờn lòng. Nhưng Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta phải trung thành và giữ vững đức tin vì chắc chắn Ngài sẽ đến. Ngài đến không theo thời gian chúng ta đưa ra cho Ngài. Ngài đến theo như kế hoạch nhiệm mầu của Ngài. Đừng bỏ cuộc, nhưng kiên định trong con đường yêu thương như Chúa Giêsu đã đi xưa.

Câu hỏi được đặt ra cho Chúa Giêsu từ người Pharisêu liên quan đến “ngày giờ” Triều Đại Thiên Chúa đến. Đứng trước câu hỏi này, Chúa Giêsu trả lời rằng: “Triều Đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ hay ‘Ở kia kìa!’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17:20-21). Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định cho các môn đệ rằng Nước Thiên Chúa khác biệt với các nước trên thế gian này. Nước Thiên Chúa không thể quan sát được bằng thể lý. Nhưng chỉ được nhận ra bằng con mắt đức tin như người phong hủi Samaria. Bên cạnh đó, những lời trên còn trình bày cho chúng ta thần học của Thánh Luca, đó là thánh nhân muốn khẳng định cho các tín hữu có “trí hiểu hạn hẹp,” rằng họ không thể nhận ra sự hiện diện của Nước Thiên Chúa nếu họ không hiểu những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện như chữa lành những người phong hủi và đức tin đầy cảm mến của người Samaria (x. Lc 17:11-19). Những sự kiện đó tiên báo đến sứ mệnh của Giáo Hội cho dân ngoại. Nói cách cụ thể hơn, trong khi chờ đợi Nước Thiên Chúa đến, họ không được sống trong tình trạng thụ động hay chỉ đi tìm kiếm những gì mang vẻ bề ngoài. Nhưng họ phải tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu, đặc biệt cho những người dân ngoại.

Sau khi cho các môn đệ biết Nước Thiên Chúa đang ngự giữa họ, Chúa Giêsu khuyến cáo họ rằng: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo. Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người” (Lc 17:22-24). Chúa Giêsu cho họ biết rằng ngày của Con Người sẽ đến bất chợt như một ánh chớp chói loà không ai biết. Để nhận ra ngày đó, các môn đệ phải tỉnh thức, không chạy theo những dư luận của công chúng. Chi tiết này cho thấy Chúa Giêsu đến với mỗi người chúng ta cách cá biệt. Ngài đến những nơi không ai biết và vào giờ không ai hay. Nói cách khác, không ai có thể chỉ rõ cách trắng đen Ngài ở đây hay Ngài ở kia. Chỉ có con tim tràn đầy yêu thương mới có thể cảm nhận được sự hiện diện và gần gũi của người yêu mình. Hơn nữa, một thực tại mà nhiều người môn đệ Chúa Giêsu không chấp nhận hay chấp nhận cách miễn cưỡng là họ chỉ có thể nhận ra Ngài trong chính những đau khổ của ngày sống. Đây chính là điều Chúa Giêsu đã nói cho họ biết: Trước khi Con Người đến trong vinh quang, “Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ” (Lc 17:25). Cùng cách thức ấy, trên con đường đến vinh quang, người môn đệ Chúa Giêsu cũng phải trải qua đau khổ và chống đối. Hiểu được điều này, tại sao chúng ta lại không sống một đời sống ý nghĩa ngay cả khi phải đau khổ và bị loại bỏ? Những ai muốn nên giống Chúa Giêsu, con đường chắc chắn nhất là con đường thập giá!

THỨ SÁU
SỐNG TRỌN VẸN TỪNG GIÂY PHÚT CHO CHÚA
(2 Ga 4-9; Lc 17:26-37)

Sống sự thật luôn là một trong những lời mời gọi của Tin Mừng và cũng là một thách đố cho con người qua mọi thời đại. Trong bài đọc 1, Thánh Gioan nói về mối tương quan giữa sự thật và mệnh lệnh yêu thương: Những người sống trong sự thật là những người sống điều răn “đã nhận được từ Chúa Cha” (2 Ga 4). Điều răn này không phải được con người đưa ra, nhưng có nguồn gốc ở nơi Thiên Chúa, “đó là: chúng ta phải yêu thương nhau. Yêu thương là sống theo các điều răn của Thiên Chúa. Như anh em đã được nghe từ lúc khởi đầu, điều răn này là: anh em phải sống trong tình thương” (2 Ga 5-6). Trong những lời này, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta nghe một sự thật, đó là tự bản chất con người sinh ra để yêu và được yêu; tự bản chất, con người được Thiên Chúa ghi khắc mệnh lệnh yêu thương trong tận thâm sâu của con tim. Nhưng con người nhiều khi để cho những kẻ mê hoặc hay phản Kitô lôi kéo, để rồi không còn sống theo mệnh lệnh yêu thương. Mệnh lệnh mà được Thiên Chúa diễn tả cách trọn vẹn nhất qua chính sự nhập thể của Đức Kitô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi ban Con Một của Ngài” (Ga 3:16). Niềm tin vào mầu nhiệm nhập thể là vấn nạn mà những tín hữu trong cộng đoàn của Thánh Gioan đang đối diện. Thánh Gioan kêu gọi các tín hữu trong cộng đoàn đứng vững trong niềm tin của mình, vì chỉ qua Đức Kitô, họ mới có thể đến được với Thiên Chúa: “Phàm ai đi quá xa, không ở lại trong giáo huấn của Đức Kitô, thì không có Thiên Chúa. Còn ai ở lại trong giáo huấn, thì người ấy có Chúa Cha và Chúa Con” (2 Ga 9). Niềm tin vào nhập thể mời gọi chúng ta biến tình yêu của mình dành cho người khác bằng những hành động cụ thể chứ không còn là những lời nói suông như gió thoảng bay.

Bài Tin Mừng hôm qua trình bày cho chúng ta việc ngày của Con Người sẽ đến bất ngờ. Còn bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta thấy thái độ không sẵn sàng và không chuẩn bị cẩn thận cho ngày của Con Người của nhiều người môn đệ. Chúng ta có đang sống trong thái độ sẵn sàng chờ đón Chúa đến không hay chúng ta vẫn đang nô lệ cho những lo lắng của những công việc hằng ngày? Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng ra làm hai phần: Phần 1 (Lc 17:26-30) trình bày cho chúng ta những ví dụ và hậu quả của những người không chuẩn bị cho ngày của Con Người; phần 2 (Lc 17:31-37) nói về những điều cần phải làm và những điều sẽ xảy ra trong ngày của Con Người.

Trong phần 1, Chúa Giêsu trình bày cho các môn đệ những ví dụ cụ thể về những người không chuẩn bị cho ngày của Con Người. Họ là những người cùng thời với ông Nôê. Trong khi ông Nôê “đóng tàu” để chờ đón Ngày đó [đây là hình ảnh của người làm theo huấn lệnh của Thiên Chúa], thì những người đồng thời với ông “ăn uống, cưới vợ lấy chồng” (Lc 17:27). Hành vi này cũng được tìm thấy nơi những người ở Xơđôm: “thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất” (Lc 17:28). Những người không chuẩn bị đều có cùng một kết cục, đó là tất cả đều bị tiêu diệt (x. Lc 17: 27, 29). Qua những lời này, Chúa Giêsu muốn khuyến cáo các môn đệ phải cảnh thức, đừng để cho những lo lắng của cơm áo gạo tiền thay thế sự mong chờ ngày Ngài đến cách chủ động và cá vị. Hãy tránh thái độ làm việc để cho xong việc. Nhưng hãy làm với thái độ cộng tác với Chúa và mong chờ Ngài tỏ mình ra trong những gì mình đang làm. Những ai làm việc với tâm trí và con tim hướng về Thiên Chúa thì sẽ nhận ra Ngài khi Ngài đến [dù ban ngày hay đêm khuya].

Phần 2 trình bày cho chúng ta những điều sẽ xảy ra trong ngày của Con Người và những điều chúng ta phải làm. Trong phần này, chúng ta có thể rút ra những điều sau để suy gẫm: Thứ nhất, khi Con Người đến, các môn đệ phải làm gì? “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại” (Lc 17:31). Qua những lời này, Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ rằng, họ chỉ sẵn sàng cho việc Ngài đến khi họ từ bỏ sự lệ thuộc vào của cải vật chất. Họ đang ở chỗ nào, thì theo Ngài ở chỗ đó chứ không tiếc nuối những gì bỏ lại đằng sau. Nói cách khác, những người sẵn sàng theo Chúa là những người từ bỏ thái độ “nhớ củ hành củ tỏi bên Ai Cập” – tức là không so đo, tính toán. Họ chỉ còn có một bận tâm, đó là đi theo Chúa khi Ngài đến, còn những thứ khác không quan trọng. Chúng ta đã sống thái độ từ bỏ này như thế nào? Mong rằng chúng ta không đặt của cải vật chất lên trên niềm vui theo Chúa.

Thứ hai, các môn đệ sẽ làm gì khi đối diện với sự chống đối và bắt bớ? Trong tình huống đó, Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống” (Lc 17:33). Câu này chỉ được hiểu trong bối cảnh lời tiên báo của Chúa Giêsu về việc bị người khác loại bỏ và việc Ngài đã chiến thắng khải hoàn. Như Chúa Giêsu, các môn đệ sẽ bị chống đối vì họ đi theo Ngài. Khi đối diện với sự chống đối và bắt bớ, người môn đệ được cảnh báo rằng họ phải luôn suy gẫm về ý nghĩa cuộc sống dương thế này hệ tại điều gì: Có phải họ từ chối Ngài để kéo dài mạng sống thêm một vài gang tấc hay để làm vui lòng con người? Hoặc có phải họ sẽ từ chối vinh hoa phú quý ở đời để làm chứng cho Ngài? Ý nghĩa cuộc sống dương thế này chỉ tìm thấy khi nó đưa chúng ta về với sự sống vĩnh cửu.

Thứ ba, điều gì xảy ra khi Con Người đến? “Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại” (Lc 17:34-36). Những lời này chỉ được hiểu trong bối cảnh của phần 1, đó là bối cảnh của ông Nôê và ông Lót. Nói cách cụ thể hơn, khi gặp tai ương, bắt bớ, có người sẽ được đưa ra khỏi sự huỷ diệt, nhưng có người lại không. Chi tiết này cũng cho thấy sự gần gũi giữa các thành viên trong cuộc sống này không phải là yếu tố bảo đảm cho điều kiện sinh tồn của cộng đoàn khi Con Người đến. Điều làm cho cộng đoàn sinh tồn là việc mỗi thành viên phải liều mất mạng sống mình cho Con Người. Chi tiết này mời gọi chúng ta xét lại các mối tương quan của mình. Nhiều lần, chúng ta có những tương quan rất gần gũi với người khác trong cuộc sống này. Nhưng sự gần gũi đó không bảo đảm cho chúng ta cuộc sống đời sau.

Cuối cùng, Chúa Giêsu khẳng định ngày của Con Người sẽ xảy đến cách chắc chắn: “Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giêsu: ‘Thưa Thầy, ở đâu vậy?’ Người nói với các ông: ‘Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó” (Lc 17:37). Chúa Giêsu sử dụng một hình ảnh tự nhiên để nói về sự hiển nhiên của ngày Con Người đến. Nói cách khác, việc Con Người đến thì hiển nhiên như xác chết hiện diện ở nơi đâu, chim diều hâu tụ họp ở đó. Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến với mỗi người chúng ta. Đây là một điều hiển nhiên, đáng tin cậy. Đừng bỏ cuộc khi Ngài “chậm đến” với chúng ta.

THỨ BẢY
ĐỪNG BỎ CUỘC TRONG ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN
(3 Ga 5-8; Lc 18:1-8)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Gioan mời gọi Gaiô phải luôn đưa đức tin của mình vào trong những hành động hằng ngày, dù hành động đó được thực hiện cho những người cùng niềm tin, quen thuộc hay những người không cùng niềm tin và xa lạ. Đời sống thấm nhiễm đức tin là đời sống làm chứng về đức ái. Hay nói cách khác, những người sống theo đức tin Kitô giáo là những người có một đức ái tuyệt hảo vì trung tâm điểm của Kitô giáo là đức ái. Theo Thánh Gioan, người Kitô hữu là người đồng hành với những người khác trên con đường về thiên quốc. Họ không chỉ sống xứng đáng trước mặt Thiên Chúa mà còn giúp cho những người đồng hành với họ sống xứng đáng với Thiên Chúa qua chính đời sống gương mẫu của mình: “Anh sẽ làm một việc nghĩa, nếu anh giúp đỡ cho chuyến đi của họ cách xứng đáng trước mặt Thiên Chúa. Quả thật, chính vì danh Chúa, họ đã ra đi mà không nhận gì của người ngoại” (3 Ga 6-7). Tình yêu của người Kitô hữu là tình yêu vô điều kiện, không loại trừ bất kỳ ai. Người Kitô hữu luôn sẵn sàng đón tiếp mọi người, nhất là những người muốn cộng tác vào việc truyền bá sự thật Nước Thiên Chúa qua đời sống bác ái. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại con tim mình: chúng ta có loại trừ ai ra khỏi tình yêu của mình không? Chúng ta có làm gương sáng về đời sống đức tin và đức ái cho người khác không?

Chúng ta đã nghe đoạn Tin Mừng này trong Chúa Nhật tuần XXIX  vừa qua. Chúng ta thấy mục đích của dụ ngôn này được nêu ra ngay trong câu đầu tiên: “Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18:1). Những lời này cho chúng ta biết thính giả của dụ ngôn là các môn đệ Chúa Giêsu và mục đích của dụ ngôn là “để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.” Tại sao cầu nguyện là điều quan trọng đối với người môn đệ Chúa Giêsu? Chúng ta phân tích hai nhân vật trong dụ ngôn để rút ra những bài học cần thiết cho đời sống cầu nguyện của mình.

Trong phần dụ ngôn, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh của người quan toà để ám chỉ về ngày cánh chung. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là thái độ “cứng đầu” của người quan toà. Ông là người không sống theo giới răn mến Chúa, yêu người: “Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (Lc 18:2). Hay nói cách khác, ông là một người dân ngoại. Dù không sống theo giới răn yêu thương, nhưng sự quấy rầy của bà goá, người đến với ông để đòi sự “công bình.” Chúng ta có thể nói rằng, động lực thúc đẩy ông phân xử cho bà goá không đến từ tình bác ái, nhưng mang tính rất tự nhiên, đó là sợ bị làm phiền (x. Lc 18:4-5). Điều này cho thấy, tự trong bản chất con người có một “tia sáng” của tình yêu [tình yêu hướng về chính mình – sợ bị quấy rầy]. Chi tiết khác chúng ta đáng suy nghĩ là cả hai nhân vật đều sống trong cùng một thành (x. Lc 18:2-3). Chi tiết này cho thấy cả hai có sống trong sự hiệp thông: Hành động của người này ảnh hưởng đến người kia. Nói cách cụ thể, hành động của người quan toà mang lại công lý cho bà goá, và hành động của bà goá quấy rầy ông quan toà. Điều này mời gọi chúng ta phải luôn cẩn thận trong “cách ăn nết ở” của mình. Mỗi lời nói và hành động của chúng ta ảnh hưởng đến người khác.

Đi từ kinh nghiệm của con người, kinh nghiệm của ông quan toà và bà goá, Chúa Giêsu đưa các môn đệ đến một kinh nghiệm cao hơn, đó là kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa. Ông quan toà, dù là người bất chính (x. Lc 18:6), đã đáp lại lời cầu xin của bà goá. Làm sao các môn đệ lại không có niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng “chậm giận và giàu tình thương.” Điều này được Chúa Giêsu diễn tả cách đầy yêu thương như sau: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ” (Lc 18:7-8). Quả thật, Thiên Chúa luôn lắng nghe và đáp lại những gì mà những người tuyển chọn của Ngài kêu xin. Ngài sẽ nhanh chóng minh xét cho họ. Điều kiện cần thiết của người môn đệ khi chờ đợi để được Thiên Chúa minh xét là niềm tin. “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18:8). Điều này khuyến cáo chúng ta rằng đừng vội đánh mất niềm tin của mình khi chưa nhận được những gì mình cầu xin. Đời sống cầu nguyện phải được nâng đỡ bởi đức tin sâu đậm. Nói cách hình tượng hơn, đức tin là dầu còn cầu nguyện là tim đèn. Như tim đèn sẽ không cháy lâu nếu không có dầu, thì cầu nguyện sẽ lụi tàn nếu không có đức tin.

Exit mobile version