Các Bài suy niệm Tuần 30 Thường niên_C

248

CÁC BÀI SUY NIỆM TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI
NIỀM VUI ĐƯỢC GIẢI THOÁT KHỎI ÁCH NÔ LỆ SỰ DỮ
(Ep 4:32 – 5:8; Lc 13:10-17)

Thánh Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay kêu gọi các tín hữu Êphêsô phải đối xử với nhau như thế nào. Họ phải “đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô (Ep 4:32). Họ chỉ bắt chước Thiên Chúa vì họ là con cái của Ngài. Chúng ta thường nghe nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.” Nếu là con Thiên Chúa, chúng ta cũng phải nên giống Người trong đời sống yêu thương. Tình yêu đó được thể hiện nơi Đức Kitô, Đấng “vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5:2). Là con cái Thiên Chúa, chúng ta phải tránh “chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là những người trong dân thánh. Đừng nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả: đó là những điều không nên” (Ep 5:3-4). Chúng ta phải luôn mặc lấy tâm tình tạ ơn vì Thiên Chúa đã đưa chúng ta ra khỏi bóng tối để trở nên con cái ánh sáng: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng” (Ep 5:8). Qua bí tích rửa tội, chúng ta được trở nên con cái ánh sáng. Chúng ta đã sống ơn gọi này như thế nào?

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu chữa một người phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật. Đây là một trong những minh hoạ về bản chất của Nước Thiên Chúa. Chúng ta chỉ tìm thấy câu chuyện này trong Tin Mừng Thánh Luca. Qua câu chuyện này, Thánh Luca chỉ ra ý nghĩa của Nước Thiên Chúa được diễn tả qua hành động của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng ra làm hai phần: Phần 1 (Lc 13:10-13) thuật lại việc Chúa Giêsu chữa người phụ nữ và phần 2 (Lc 13:14) là cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với ông trưởng hội đường về việc Chúa Giêsu chữa bệnh vào ngày sabát.

Điểm đầu tiên làm chúng ta lưu ý là việc người phụ nữ xuất hiện trong hội đường khi Chúa Giêsu giảng dạy ở đó: “Khi ấy, Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được” (Lc 13:10-11). Những lời này cho thấy bà đến đây để lắng nghe Chúa Giêsu và có thể với hy vọng là được Chúa Giêsu chữa lành. Tuy nhiên, việc Thánh Luca đặt bà hiện diện ở đây để nói lên rằng Nước Thiên Chúa không chỉ dành cho người nam. Những người “bé mọn” như bà là những người đã đáp lại quyền lực của Nước Thiên Chúa đang hoạt động trong bà qua việc tôn vinh Thiên Chúa sau khi được Chúa Giêsu chữa lành: “Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: ‘Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!’ Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 13:12-13). Phản ứng của bà hoàn toàn trái ngược với phản ứng của những người lãnh đạo tôn giáo, là những người có thể trở nên mù loà trước sự hiện diện của Nước Thiên Chúa để rồi không sám hối để được cứu độ. Chúng ta thấy điều này trong phản ứng của ông trưởng hội đường. Đây cũng là phản ứng của nhiều người trong chúng ta khi thấy người khác được “may mắn” hơn mình. Phản ứng khó chịu và ghen ghét nhiều lần làm chúng ta bị mù trước sự hiện diện của Thiên Chúa đang ở bên và kêu mời chúng ta trở về với Ngài.

Phần 2 trình bày cho chúng ta cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với ông trưởng hội đường về việc chữa lành trong ngày sabát. Như chúng ta đã nói ở trên, khi thấy Chúa Giêsu chữa lành người phụ nữ, “ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày sabát” (Lc 13:14). Dù tức tối với Chúa Giêsu, nhưng ông trưởng hội đường không dám nói trực tiếp với Chúa Giêsu mà nói với đám đông: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabát!” Thay vì đám đông trả lời thì Chúa Giêsu lên tiếng chỉ trích không chỉ ông trưởng hội đường mà cả những người theo ông [và cả chúng ta, những người có thái đội tức tối hoặc ghen tức khi thấy người khác nhận được điều tốt lành]: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sabát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này là con cháu ông Ápraham, bà ấy bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?” (Lc 13:15-16). Trong những lời này, ngoài việc chỉ trích những người đạo đức giả, Chúa Giêsu còn khẳng định rằng những người nữ cũng là con cháu Ápraham, cũng được hưởng những gì đã hứa cho con cháu ông chứ không chỉ những người nam mới được hưởng lời hứa đó. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu còn khẳng định ý nghĩa của ngày sabát là để làm điều thiện, làm điều tốt cho người khác. Nói cách khác, điều Chúa Giêsu làm trong ngày sabát thật sự mang một ý nghĩa thần học sâu xa, đó là giải phóng con người khỏi xiềng xích của Xatan. Mục đích của sabát được hoàn thành không phải bởi việc cấm không cho làm những việc tốt, mà là khuyến khích làm việc tốt cho anh chị em mình. Sự chân thật trong lời nói và hành động của Chúa Giêsu đã làm cho “tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện” (Lc 13:17). Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về việc chúng ta xem ngày sabát (Chúa Nhật) có ý nghĩa gì đối với mình. Nhiều người trong chúng ta chủ yếu đến tham dự thánh lễ trong ngày Chúa Nhật để tránh phạm tội “không đi lễ ngày Chúa Nhật,” nhưng trong lòng lại chứa đựng những hờn ghen, những ý tưởng không hay không tốt về anh chị em mình. Tệ hơn là nhiều khi chúng ta sử dụng ngày Chúa Nhật để gặp gỡ nhau hầu nói xấu người này người nọ trong cộng đoàn. Ngày Chúa Nhật [mỗi ngày vì thời gian thuộc về Thiên Chúa] là ngày để nghĩ tốt, nói tốt và làm tốt cho anh chị em mình.

THỨ BA
SỰ NHỎ BÉ CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA KHI KHỞI ĐẦU
(Ep 5:21-33; Lc 13:18-21)

Thánh Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay nói về mối tương gian giữa chồng và vợ. Họ phải đối xử với nhau như thế nào? Điểm chúng ta cần lưu ý là việc Thánh Phaolô chỉ ra việc chồng và vợ tùng phục lẫn nhau phải xuất phát từ lòng kính sợ Thiên Chúa (x. Ep 5:21). Thánh Phaolô sử dụng mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh để nói về mối tương quan giữa chồng với vợ: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy” (Ep 5:22-24). Vì là đầu của vợ như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, người chồng phải yêu thương vợ với tình yêu Đức Kitô yêu Hội Thánh: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5:25-27). Thánh Phaolô chỉ ra cho những người chồng biết rằng: “Chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình” (Ep 5:28). Từ những điều này, chúng ta có thể rút ra điều gì? Tình yêu chân thật trong tất cả các mối tương quan giữa con người với nhau chỉ tìm thấy kiểu mẫu nơi tình yêu của Chúa Giêsu. Bên cạnh đó, chúng ta có thể rút ra được điều này, đó là thái độ chúng ta đối xử với nhau phải phản chiếu thái độ hay đúng hơn tình yêu của Đức Kitô dành cho mỗi người chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Chúng ta tìm thấy sự song song với hai dụ ngôn này trong Tin Mừng Thánh Mátthêu (x. Mt 13:31-33). Chúng ám chỉ về việc Nước Thiên Chúa vẫn tăng triển dù gặp chống đối. Chúng ta phải lưu ý rằng, hai dụ ngôn này không nhấn mạnh đến sự đối nghịch giữa sự nhỏ bé của khởi đầu và sự vĩ đại của sản phẩm cuối cùng. Điều cả hai nhấn mạnh chính là “sự tăng trưởng,” cho dù có gặp khó khăn nào cũng xảy ra.

Trong bối cảnh đi liền trước hai dụ ngôn này, Thánh Luca nhấn mạnh đến sự chống lại Chúa Giêsu (x. Lc 11:13-13:17). Và trong những đoạn theo sau, đề tài về sự chống đối cũng rất mạnh mẽ (x. Lc 14:1-24; 15: 1-2). Những dụ ngôn này an ủi các môn đệ là những người tiếp tục hành trình của Thầy mình. Họ sẽ phải đối diện với sự chống đối ác liệt hơn như Thầy họ đã phải đối diện. Noi gương Chúa Giêsu, họ không thoái lui. Hai dụ ngôn này cũng chỉ ra lý do tại sao sứ mệnh rao giảng về Nước Thiên Chúa bị chống đối. Đó là vì sứ mệnh này không bị giới hạn vào một nhóm người được tuyển chọn và hướng đến những người tội lỗi, những người được xem là không trong sạch và như vậy bị loại ra bên lề xã hội. Trong dụ ngôn thứ nhất, Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt cải để nói về sự phát triển của Nước Thiên Chúa: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: ‘Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được’” (Lc 13:18-19). Hình ảnh “hạt cải” đưa chúng ta đến với sự kiện được trình thuật sau này (x. Lc 17:6) mà trong đó Chúa Giêsu nói các môn đệ của Ngài chỉ cần có đức tin bằng hạt cải thì họ có thể làm những điều vĩ đại mà với sức người không thể làm được. Tuy nhiên, trong dụ ngôn này, Thánh Luca ám chỉ đến tính cách phổ quát của Nước Thiên Chúa. Nói cách khác, Nước Thiên Chúa dành cho hết mọi người. Tính phổ quát này là hệ quả của việc Chúa Giêsu phải chịu sự chống đối bởi vì Ngài đón tiếp những người tội lỗi và bị loại ra bên lề xã hội vào ngồi chung bàn với Ngài như dấu chỉ của Nước Thiên Chúa. Điều này được diễn tả qua những lời “chim trời làm tổ trên cành được.” Chi tiết này tìm thấy điểm đối chiếu trong Thánh Vịnh 104 [câu 12] và trong sách Ngôn Sứ Đanien [4:9, 18]. Trong hai sách này, chúng ta thấy việc nhiều người đến tìm nương ẩn trong Nước Thiên Chúa. Dụ ngôn thứ nhất mời gọi chúng ta sống tinh thần của Chúa Giêsu, đó là không loại trừ bất kỳ ai ra khỏi tình yêu của mình. Lời mời gọi này thách đố chúng ta ra khỏi chính mình để “ngồi chung bàn,” chia sẻ cuộc sống với những người làm chúng ta tổn thương và đau khổ. Nó cũng thách đố chúng ta làm bạn với những người không có bạn, yêu thương những người không được yêu thương và tha thứ cho những người không đáng được tha thứ. Chúng ta sẽ làm được tất cả những điều này, nếu chúng ta bắt đầu với những cử chỉ nhỏ bé đầy yêu thương như Chúa Giêsu: Một ánh mắt, một lời nói khích lệ, hoặc một cử chỉ thân thương.

Trong dụ ngôn thứ hai, Chúa Giêsu dùng hình ảnh “nắm men” để nói về Nước Thiên Chúa: “Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men” (Lc 13:20-21). Dụ ngôn này nói đến người phụ nữ để đi cặp với người người đàn ông trong dụ ngôn trước. R. W. Funk kêu gọi chúng ta lưu ý đến ba chi tiết lạ thường trong dụ ngôn ngắn này: (1) Nước Thiên Chúa được so sánh với một cái gì đó không trong sạch và làm hư hoại, đó là men; (2) Nước Thiên Chúa dưới hình ảnh của nắm men thì ẩn kín; (3) Nước Thiên Chúa được giấu kín trong thúng bột được dùng để đáp lại cách trang trọng trong sự tỏ lộ của Thiên Chúa (St 18:6). Trong Tin Mừng Thánh Luca, sự so sánh Nước Thiên Chúa với một cái gì đó mà không thanh sạch như nắm men thách đố những ý tưởng thông thường về những gì là thanh sạch. Đây cũng là thách đố cho chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta thường rất khó để ra khỏi những gì mình đã quá quen thuộc và chấp nhận một cái gì đó mới, nhất là điều đó đòi buộc chúng ta phải thay đổi cái nhìn và lối sống của mình. Chỉ những người sẵn sàng để cho mình bị thách đố bởi sứ điệp Nước Thiên Chúa mới có thể khám phá ra sự kín ẩn của Nước Thiên Chúa. Thật vậy, Nước Thiên Chúa được giấu kín, đặc biệt khỏi những người khôn ngoan và thông hiểu (x. Lc 10:21). Trong Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu công bố bằng lời và hành động rằng có một sự hiển linh của Thiên Chúa cho những ai mở mắt và tai của mình để nhìn và nghe những điều Ngài công bố. Những người môn đệ có thể tin tưởng rằng Nước Thiên Chúa, giống như một tác nhân có sức huỷ hoại mạnh mẽ, như nắm nem, luôn hoạt động và sẽ đạt mục đích của mình dù có nhiều dấu hiệu của sự chống đối và thử thách. Điều này làm cho chúng ta không thất vọng khi thất bại vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa sẽ làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp cho những ai kính sợ Ngài.

THỨ TƯ
BIẾT CHÚA GIÊSU QUA VIỆC SỐNG LỐI SỐNG CỦA NGÀI

(Eph 6:1-9; Lc 13:22-30)

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta đọc thấy những lời khuyên của Thánh Phaolô cho những người làm con và những người làm nô lệ. Đối với những người làm con, họ phải vâng lời cha mẹ, nhưng phải theo tinh thần của Chúa. Thánh nhân còn cho biết lời hứa kèm theo việc tôn kính cha mẹ của những người làm con là “để được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt này” (Eph 6:3). Để được con cái tôn kính, thánh Phaolô khuyên những người làm cha mẹ “đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Eph 6:4). Còn những người nô lệ, thánh Phaolô khuyên nhủ họ hãy “vâng lời những người chủ ở đời này với thái độ run rẩy và sợ sệt, với lòng đơn sơ, như vâng lời Đức Kitô” (Eph 6:5). Họ phải phục vụ với tinh thần yêu thương như đang phục vụ Chúa. Họ phải xem những việc họ làm không phải như những công việc phải làm của một người đầy tớ, nhưng là những việc tốt họ làm với lòng mến Chúa. Về phần mình, để được tôn trọng, những người làm chủ cũng phải đối xử đầy yêu thương với những người nô lệ. Họ phải “phải biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai” (Eph 6:9). Những lời này cho biết, trong Đức Kitô chúng ta trở nên một. Không còn đối xử với nhau dựa theo vị thế, nhưng yêu thương nhau như anh chị em. Đây là thái độ sống mà Thiên Chúa muốn mọi người chúng ta đối xử với anh chị em mình.

Chúng ta bắt đầu phần thứ hai của việc Chúa Giêsu hướng dẫn các môn đệ về ý nghĩa của đời sống Kitô hữu trong bài Tin Mừng hôm nay. Những hướng dẫn này tiếp tục được đặt trong bối cảnh Chúa Giêsu đang hành trình lên Giêrusalem (x. Lc 13:22). Bài Tin Mừng hôm nay nói về nhu cầu cần phải sám hối của người môn đệ. Có lẽ Thánh Luca sử dụng nguồn Q trong trích đoạn hôm nay để xây dựng những liên kết với sự sám hối được nói đến trong Lc 13:3, 5, đồng thời nhấn mạnh rằng lối sống của người Kitô hữu đòi hỏi sự hoàn toàn trung thành với Chúa Giêsu và cung cấp những người đồng hành trong hành trình từ mọi nơi trên thế giới cũng như những nơi chốn tại bàn tiệc trong thời cánh chung. Chi tiết này được diễn tả qua hành trình đi ngang qua các thành thị và làng mạc của Chúa Giêsu (Lc 13:22).

Lời mời gọi sám hối được bắt đầu với câu hỏi về những ai sẽ được cứu độ: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” (Lc 13:23). Những lời này ám chỉ hai nghĩa: (1) ơn cứu độ chỉ dành riêng cho một số người; (2) rất ít người có khả năng đạt đến ơn cứu độ. Trong câu hỏi này, người hỏi công nhận rằng để được cứu độ không phải là một chuyện dễ dàng. Người muốn được cứu độ phải phấn đấu nhiều. Thật vậy, câu trả lời của Chúa Giêsu chứng thực điều đó: “Người bảo họ: ‘Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được’” (Lc 13:24). Thuật ngữ “cửa hẹp” ở đây ám chỉ đến sự tương phản giữa những cổng thành lớn của một thành phố lớn mà nhiều người có thể đi qua cùng một lúc và cổng nhỏ chỉ một người có thể đi qua, nhưng cần phải hạ thấp mình.

Trong lời giải thích kế tiếp, Thánh Luca thay đổi hình ảnh “cổng hẹp” thành cánh cửa mà Chúa Giêsu khoá lại trước những người tự hào rằng họ quen biết Ngài và sứ điệp của Ngài: “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.’ Nhưng ông sẽ đáp lại: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’” (Lc 13:25-27). Qua những lời này, Chúa Giêsu khẳng định rằng việc ăn và uống mang tính cách tình cờ [ngẫu nhiên, không trịnh trọng] với Chúa Giêsu thì không đủ. Chúng ta phải chia sẻ trong cuộc sống của ngài được tượng trưng hoá qua bàn tiệc mà Ngài chia sẻ với những người tội lỗi và bị loại ra. Chi tiết này mời gọi chúng ta xét lại thái độ của mình khi đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta không chỉ đến với Ngài chỉ để chu toàn bổn phận rồi sau đó không có ảnh hưởng gì đến lối sống, cách cư xử của mình với người khác. Ăn uống với Chúa Giêsu đồng nghĩa với việc đón nhận những anh chị em mà chúng ta xem là những người tội lỗi, những người đáng ghét, những người làm chúng ta đau khổ. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể nói rằng mình đã biết Chúa Giêsu và biết mong muốn của Ngài cho những môn đệ của Ngài. Nếu không chúng ta sẽ phải “khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13:28-29). Nước Thiên Chúa bây giờ được trình bày như một bàn tiệc cánh chung (x. Is 25:6-8). Những ai không dấn thân theo lối sống của Chúa Giêsu sẽ thấy mình bị loại ra bên ngoài. Trong sự quảng đại và nhân từ của Ngài, Thiên Chúa mở rộng bữa tiệc này cho hết mọi dân nước. Những người này giờ đây tạo thành một dân Israel mới. Chúng ta tự hỏi, tôi có thuộc về dân mới này không?

Thánh Luca kết thúc đoạn trích với đề tại đổi ngược quen thuộc của mình: “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13:30). Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng: đừng tự mãn khi thành công, nhưng đừng thất vọng khi thất bại. Hãy đi cho đến cuối con đường. Lúc đó mọi sự sẽ được sáng tỏ!

THỨ NĂM
TÌNH YÊU QUY TỤ

(Ep 6:10-20; Lc 13:31-35)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô chỉ ra cho các tín hữu Êphêsô biết để đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ họ phải tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Chúa. Đồng thời, họ phải mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa (x. Ep 6:10-11). Thánh Phaolô chỉ ra lý do tại sao chúng ta cần đến sức mạnh của Thiên Chúa “vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6:12). Chi tiết hơn, Thánh Phaolô chỉ rõ: “Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa” (Ep 6:14-17). Trong những lời này, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta về thực tại của thân phận con người, đó là với sức của mình, chúng ta không thể chiến thắng những mưu chước của ma quỷ. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm thất bại nặng nề khi chỉ dựa vào sức của riêng mình. Đứng trước những khó khăn và thử thách trong cuộc sống, hãy nhớ đến Chúa và để cho Ngài hoạt động trong chúng ta.

Điều đáng để chúng ta học hỏi nơi Thánh Phaolô là sự khiêm nhường của Ngài khi cầu xin các tín hữu Êphêsô cầu nguyện cho ngài để ngài mạnh dạn loan báo Tin Mừng ngay cả khi gặp thử thách đau khổ: “Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói” (Ep 6:19-20). Đời sống làm chứng cho Chúa cần rất nhiều ơn thánh. Chúng ta nhận ra điều này trong ngày sống của mình. Nhiều người không tin hoặc chưa tin vào Chúa thường nhìn vào lời nói hay hành động của chúng ta để đức tin được gieo mầm trong lòng họ. Nhưng nhiều lần chúng ta không đủ can đảm để sống xứng đáng với ơn gọi làm con Thiên Chúa của mình để rồi lời nói và hành động của chúng ta làm cho người khác không tin hoặc mất niềm tin vào Chúa. Chúng ta phải luôn khiêm nhường cầu xin Chúa và xin người khác cầu nguyện cho mình để mỗi ngày chúng ta sống xứng đáng là chứng nhân của Tin Mừng.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca làm nổi bật sự vâng phục của Chúa Giêsu với thánh ý của Thiên Chúa và sự chăm sóc đầy yêu thương của Ngài cho Thành Giêrusalem, thành của Thiên Chúa, và dân trong thành. Ẩn dấu bên dưới đề tài lớn này là đề tài chống đối quen thuộc mà Chúa Giêsu, vị ngôn sứ của Thiên Chúa, luôn đối diện trong suốt sứ vụ của mình. Điều đáng làm chúng ta ngạc nhiên trong đoạn trích hôm nay là những người Pharisêu đến khuyến cáo Chúa Giêsu về mối nguy hiểm đang chờ đợi Ngài: “Khi ấy, tại Giêrusalem, có mấy người Pharisêu đến thưa Đức Giêsu rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!” (Lc 13:31). Chúng ta ngạc nhiên vì những người Pharisêu thường là những người chống lại và muốn giết Chúa Giêsu. Nhưng ở đây, họ lại giúp Ngài. Đây có thể là chứng từ mang tính tích cực duy nhất về những người Pharisêu trong Tin Mừng Thánh Luca. Chi tiết này cho thấy dù những người được xem là “xấu” cũng có lúc làm việc tốt. Chúng ta không nên rơi vào tình trạng “đóng khung” anh chị em mình. Ai trong chúng ta cũng được ban cho lý trí và ý chí để biết và để muốn. Hai khả năng này sẽ giúp chúng ta chọn lựa và quyết định để thay đổi. Hãy để cho chính mình và người khác cơ hội thay đổi khi nhận ra mình đang sống một lối sống chống lại Chúa Giêsu.

Trong câu trả lời cho những người Pharisêu, Chúa Giêsu khẳng định rằng, Ngài không lùi bước dù có bị giết chết: “Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất” (Lc 13:32). Những lời này cho thấy, Chúa Giêsu phải vâng phục Thiên Chúa hơn là nghe theo người đời. Ngài kính sợ Thiên Chúa [Cha Ngài] hơn là sợ con người. Chúa Giêsu xem Hêrôđê Antipas là một người xảo quyệt và ranh mãnh. Chúng ta không nên bỏ qua việc đưa lời phê bình về một hình ảnh mang tính chính trị trong trích đoạn này. Trong Tin Mừng Thánh Luca, không có gì được xâm phạm đến trật tự xã hội mà người La Mã đã thiết lập hoặc những người như Hêrôđê, là những người gìn giữ trật tự đó. Chúa Giêsu phê bình họ cách tự do. Điều này cho thấy Chúa Giêsu không lệ thuộc vào trật tự xã hội và những lối thực hành mà người La Mã cũng như đồng minh dấn thân sống. Ngài từ chối bạo lực và lối sống bóc lột mà họ chấp nhận như là một sự bình thường của cuộc sống, và lời giảng dạy cũng như hành vi của Ngài đối nghịch với nhiều lối sống khác mà họ chấp nhận và phổ biến. Là những môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta có sẵn sàng sống một lối sống khác biệt, đó là thánh thiện, thành thật và thanh thản dù những người chung quanh chúng ta không sống không? Chúa Giêsu cho biết, trong ba ngày Ngài sẽ hoàn tất công việc của Ngài. Điều này cho thấy Hêrôđê không thể ngăn chặn Chúa Giêsu khỏi việc thực hiện sứ mệnh rao giảng Nước Thiên Chúa từ ngày này sang ngày khác. Chỉ trong thời gian của Thiên Chúa, Chúa Giêsu sẽ đến Giêrusalem và sẽ được làm cho sống lại trong vinh quang bởi Thiên Chúa trong ngày thứ ba. “Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13:33). Những lời này cho thấy Chúa Giêsu quyết định đón nhận thánh ý Thiên Chúa (Điều này được diễn tả cách mạnh mẽ trong thuật ngữ “phải” [Gk. dei]). Chúng ta có quyết định đón nhận thánh ý Thiên Chúa dù phải đối diện với sự loại trừ và đau khổ không?

Bài Tin Mừng kết thúc với những lời đầy yêu thương của Chúa Giêsu dành cho Giêrusalem, thành của Thiên Chúa và con cháu của thành: “Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” (Lc 13:34-35). Giêrusalem không chỉ là nơi Chúa Giêsu bị giết, nhưng cả những người được sai đến với thành và con cháu của thành. Qua hình ảnh gà mẹ, Thánh Luca nói đến hình ảnh một Chúa Giêsu đầy yêu thương. Ngài chăm sóc và bảo vệ những ai thuộc về Ngài. Ngài luôn yêu thương họ và sẵn sàng chịu mọi sự để cho họ được bình an. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi chăm sóc và bảo vệ những ai thuộc về mình bằng cách yêu thương và sẵn sàng chịu mọi khó khăn để mang cho họ sự bình an mà Chúa Giêsu đã hứa.

THỨ SÁU
ĐƯỢC CHỌN VÀ SAI ĐI Thánh Simon Và Thánh Giuđa, Tông Đồ
(Ep 2:19-22; Lc 6:12-19)

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Simon và Thánh Giuđa tông đồ. Cả hai vị thánh là những người bình thường được chính Chúa Giêsu chọn để dạy người khác về tình yêu của Thiên Chúa. Cuộc sống của các ngài giúp chúng ta hiểu rằng ngay cả những người bình thường, yếu đuối có thể trở thành những vị thánh khi họ quyết định theo Chúa Giêsu. Cả hai được biết đến bằng những tên khác khi còn sống. Thánh Simon được gọi là “Người Nhiệt Thành.” Một người nhiệt thành là người dấn thân một cách mạnh mẽ cho một cái gì đó. Trong trường hợp của Simon, thánh nhân tin chắc vào tầm quan trọng của những người theo luật Do Thái. Khi gặp Chúa Giêsu, cuộc sống của thánh nhân đã bị thay đổi và thánh nhân tin rằng điều quan trọng nhất trong cuộc sống là theo Chúa Giêsu và đem những lời giảng dạy của Ngài ra thực hành. Từ Thánh Simon chúng ta học biết nhận ra việc theo Chúa Giêsu là quan trọng nhất. Liệu chúng ta có đánh đổi việc theo Chúa Giêsu cho những điều khác không?

Thánh Giuđa cũng được gọi là Giuđa Tađêô. Chúng ta thường dùng tên này để không lẫn lộn với Giuđa là người môn đệ trong nhóm Mười Hai đã phản bội và nộp Chúa Giêsu. Thánh Giuđa là bổn mạng của những người không có hy vọng hoặc đang sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Nhiều người thường cầu nguyện với thánh Giuđa khi họ cảm thấy không có ai hiểu họ và không có ai để họ chạy đến kêu cứu. Họ xin thánh nhân mang những khó khăn của họ đến với Chúa Giêsu. Bởi vì thánh Giuđa có một đức tin mạnh mẽ, chúng ta biết rằng không có gì là không thể cho những ai tin tưởng vào Thiên Chúa. Từ Thánh Giuđa chúng ta được mời gọi trở nên chỗ dựa cho những anh chị em không tìm thấy nơi nương tựa nơi người khác.

Thánh Simon và Thánh Giuđa hành trình với nhau để dạy người khác về Chúa Giêsu. Bởi vì họ là những chứng nhân đầu tiên về những phép lạ, sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu, nên nhiều người đã tin vào lời chứng của các ngài và tin vào Thiên Chúa. Theo tương truyền, Thánh Simon và Giuđa chết cho niềm tin trong cùng một ngày ở Bêrút. Thi thể của Thánh Giuđa được đưa về Rôma nơi thánh nhân được chôn trong một phần mộ dưới Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Khi chúng ta tôn kính hai thánh nhân, chúng ta được mời gọi học hỏi tất cả những điều cần thiết về Chúa Giêsu để chia sẻ cho người khác như các ngài đã làm. Chúng ta cùng nhau học hỏi những điều cần biết về Chúa Giêsu trong các bài đọc của ngày lễ mừng kính các ngài.

Trong bài đọc 1, Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu chính là “đá tảng góc tường’ trên đó các Tông Đồ là nền móng và mọi người là dân thánh được xây dựng cách vững chắc. Chính Chúa Giêsu là Đấng mang lại sự hiệp nhất của toàn bộ những ai thuộc dân thánh. Chỉ trong Chúa Giêsu, “toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2:21-22). Những lời này mời gọi chúng ta nhìn lại nền tảng của cuộc sống mình. Đồng thời, những lời này cũng cảnh báo rằng nơi nào có sự chia rẽ và phân tán, ở đó Chúa Giêsu không còn là trung tâm điểm mọi người quy chiếu về.

Bài Tin Mừng hôm nay có thể được chia ra làm hai phần: phần thứ nhất (Lc 6:12-16) nói về việc Chúa Giêsu chọn những người mà Ngài gọi là các Tông Đồ. Trong phần thứ hai (Lc 6:17-19), Chúa Giêsu tỏ cho các Tông Đồ mà Ngài đã tuyển chọn được biết những việc Ngài làm, những việc mà chính họ sẽ được sai đi để thực hiện. Điều chúng ta cần suy gẫm trong lễ kính hôm nay là những điều cần biết về Chúa Giêsu. Vậy, chúng ta rút ra được điều gì về Chúa Giêsu từ bài Tin Mừng hôm nay?

Điều thứ nhất chúng ta cần biết là Chúa Giêsu luôn dành thời gian để đối thoại với Thiên Chúa. Một cách cụ thể hơn, Ngài luôn cầu nguyện trước khi “đưa ra những quyết định quan trọng: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6:12). Trong những lời này, chúng ta cần lưu ý đến hai hình ảnh, đó là hình ảnh “núi” và “màn đêm.” Trong Kinh Thánh, hình ảnh “núi” ám chỉ đến nơi Thiên Chúa hiện diện, hay nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Chúa Giêsu đi ra núi ám chỉ việc Ngài gặp gỡ Thiên Chúa và điều này xảy ra trong khi Ngài cầu nguyện. Nhìn từ khía cạnh này, cầu nguyện là hình thức mà qua đó chúng ta sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa và đồng thời gặp gỡ Ngài cách cá vị. Hình ảnh thứ hai là hình ảnh màn đêm. Hình ảnh này luôn ám chỉ đến mãnh lực sự dữ. Chi tiết Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm nhắc nhở chúng ta về việc liên lỉ cầu nguyện, nhất là khi chúng ta đang bước đi trong đêm tối của cuộc đời. Càng gặp khó khăn bao nhiêu, chúng ta phải bám vào Chúa bấy nhiêu.

Điều thứ hai chúng ta cần biết về Chúa Giêsu là Ngài gọi và chọn những người theo Ngài và những người Ngài chọn thuộc mọi tầng lớp khác nhau: “Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Simôn mà

Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simôn biệt danh là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê, và Giuđa Ítcariốt, người đã trở thành kẻ phản bội” (Lc 6:13-16). Điểm đầu tiên chúng ta cần lưu ý là hình ảnh “ánh sáng.” Sau khi ra khỏi “bóng đêm” với lời cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa, Chúa Giêsu có “ánh sáng” của ban ngày để “kêu gọi” và “chọn” các Tông Đồ. Chi tiết này mời gọi chúng ta phải luôn khôn ngoan trong các quyết định của mình. Chúng ta không quyết định gì, nhất là những quyết định quan trọng trong cuộc sống, nếu chúng ta đang đi trong bóng đêm và chưa có đủ ánh sáng từ Thiên Chúa để thấy rõ mọi sự trước khi quyết định.

Điều thứ ba chúng ta cần biết về Chúa Giêsu là Chúa Giêsu luôn đồng hành và hiện diện với các môn đệ của Ngài. Sự hiện diện của Ngài luôn mang lại sự chữa lành: “Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người” (Lc 6:17-19). Trong những lời này, Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ hai việc quan trọng mà Ngài mời gọi họ học ở Ngài để Ngài sẽ sai họ đi thực hiện là giảng dạy về Nước Thiên Chúa và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng. Nói cách cụ thể hơn, ở đâu có sự hiện diện của Chúa Giêsu hoặc các môn đệ của Ngài, ở đó có Tin Mừng được rao giảng và có sự chữa lành. Là những môn đệ Chúa Giêsu, sự hiện diện của chúng ta với những người khác như thế nào: chúng ta có đem Tin Mừng và sự chữa lành cho người khác không?

THỨ BẢY
KHIÊM NHƯỜNG CHỌN CHỖ RỐT HẾT
(Pl 1:18-26; Lc 14:1.7-11)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô nói cho các tín hữu Philipphê biết về hai loại người rao giảng về Đức Kitô: “Thưa anh em, có những kẻ rao giảng về Đức Kitô vì lòng ganh tị và tranh chấp, song những người khác lại làm công việc đó vì ý ngay lành, nhưng dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Kitô được rao giảng là tôi mừng” (Pl 1:18). Trong những lời này, Thánh Phaolô cho thấy trong việc rao giảng Tin Mừng, động lực tốt hay xấu không quan trọng. Điều quan trọng là Tin

Mừng được rao giảng. Thật vậy, nếu rao giảng với động lực tìm hư danh cho mình thì đã được thưởng ở đời này với những lời khen ngợi, còn nếu rao giảng Tin Mừng với ý ngay lành, thì sẽ nhận được phần thưởng trong sự sống đời sau. Tuy nhiên, những lời trên nhắc nhở chúng ta nhìn lại chính mình khi làm chứng cho Chúa hay khi phục vụ anh chị em. Nhiều khi chúng ta phục vụ để tỏ ra mình hơn người khác hoặc muốn đạt được địa vị danh vọng cũng như những lời chúc tụng từ người khác.

Bên cạnh đó, Thánh Phaolô còn cho biết điều gì làm cho ngài vui mừng, đó là ngài đạt được ơn cứu độ nhờ lời cầu nguyện của họ và “nhờ Thần Khí của Đức Giêsu Kitô phù trợ” (Pl 1:18-19). Cuộc sống của chúng ta trên dương thế là đạt đến ơn cứu độ. Để đạt được điều đó, Thánh Phaolô cho chúng ta biết điều quan trọng nhất đối với ngài là: “sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1:21). Ngài sống là sống cho Đức Kitô và chết là được ở với Đức Kitô. Chúng ta đang sống cho ai và chúng ta có nhìn cái chết của mình như một mối lợi vì được ở với Đức Kitô không? Đối diện với vấn nạn này, chúng ta cũng như Thánh Phaolô, “bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần” (Pl 1:23). Nhưng dù về với Đức Kitô là điều tốt, thánh nhân vẫn chọn ở lại sống trên dương thế để “giúp anh em tấn tới và được hưởng niềm vui đức tin mang lại cho anh em” (Pl 1:25). Chi tiết này mời gọi chúng ta sống từng ngày sống của mình cho trọn vẹn, sống cho Đức Kitô qua việc phục vụ anh chị em mình hầu giúp họ lớn mạnh trong đời sống đức tin.

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục thuật lại cho chúng ta nghe câu chuyện Chúa Giêsu đến dùng bữa ở nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu trong một ngày sabát. Hôm qua chúng ta đã nghe về việc Chúa Giêsu chữa lành một người mắc bệnh phù thũng. Hôm nay thánh sử trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu dạy các thực khách phải làm gì khi được mời dự tiệc. Một chi tiết quan trọng trong trình thuật hôm nay mà chúng ta cần lưu ý là việc nhóm Pharisêu “cố dò xét Người.” Nhưng thay vì “dò xét” Chúa Giêsu, thì họ bị Chúa Giêsu “dò xét”: “Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi” (Lc 14:7). Đây chính là bối cảnh của dụ ngôn [hay lời dạy của Chúa Giêsu cho các thực khách]. Trong Tin Mừng Thánh Luca, dụ ngôn này cũng là phần đầu của những lời dạy đầy khôn ngoan của Chúa Giêsu cho những ứng xử thường ngày. Thuật ngữ chúng ta cần lưu ý trong những lời trên là “khách dự tiệc” (đúng hơn là “khách được mời” – Gk. keklemenoi). Thuật ngữ này trong Tin Mừng Thánh Luca có nghĩa là “những người được chọn” hoặc “những người tự xem mình được chọn.” Chúng ta thuộc loại người nào: cảm nghiệm được niềm vui được chọn hay tự hào cho mình là xứng đáng để được chọn?

Trong bối cảnh Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy có cả hai loại người này phản chiếu trong dụ ngôn [lời dạy] Chúa Giêsu kể cho các thực khách: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn” (Lc 14:8-10). Những lời này chỉ cho thấy những người tự cho mình được tuyển chọn thường tìm chỗ nhất để ngồi khi được mời dự tiệc, còn những người được chọn thì ngược lại, họ biết mình chỉ là những người không xứng đáng nhưng được chọn, nên thường tìm chỗ rốt hết để ngồi. Chi tiết này nhắc chúng ta rằng trong bàn tiệc Nước Thiên Chúa, chỗ ngồi không quan trọng cho bằng thái độ khiêm nhường khi đến tham dự tiệc. Chính thái độ khiêm nhường làm thay đổi điểm kết của câu chuyện khi Chúa Giêsu cho biết kết quả cuối cùng của hai loại khách mời sẽ như sau: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14:11). Những lời này nhắc nhở chúng ta về thái độ “tự cho mình là công chính” đến nỗi chê những người khác không được thánh thiện công chính như mình. Hãy sống khiêm nhường và có lòng tạ ơn trong mọi sự vì chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và chọn để phục vụ Tin Mừng.