Các Bài suy niệm Tuần 29 Thường niên

266

TUẦN XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lm Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI
GIỮ MÌNH KHỎI SỰ QUYẾN RŨ CỦA CỦA CẢI VẬT CHẤT
(Ep 2:1-10; Lc 12:13-21)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu Êphêsô về những điều Chúa Giêsu đã mang lại cho những người tin vào Ngài. Thánh nhân bắt đầu với việc vẽ lên bức tranh tương phản con người bẩm sinh và con người được Chúa Kitô cứu độ. Những người sống theo bẩm sinh là những người sống “theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục” (Ep 2:1-2). Không những thế, những người sống theo bẩm sinh là những người “buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác” (Ep 2:3). Còn những người được Chúa Giêsu cứu độ là những người “được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2:6). Tuy nhiên, Thánh Phaolô khuyến cáo rằng việc chúng ta được cứu độ không phải là do công trạng của chúng ta, nhưng là ân huệ của Thiên Chúa, nên chúng ta không có gì để tự phụ (x. Ep 2:8- 9). Chính ân huệ của Thiên Chúa đã biến chúng ta thành những “tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2:10). Những lời này giúp chúng ta nhận ra giá trị cao quý của mình. Chúng ta là những tuyệt phẩm của Thiên Chúa. Chúng ta sống là để thực hiện công trình tốt đẹp mà Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta, đó là được chia sẻ trong tình yêu và sự sống của Ngài. Thật vậy, mục đích tối hậu của đời người là được chia sẻ trong tình yêu và sự sống của Thiên Chúa. Để đạt được điều này, chúng ta phải tránh đi lối sống “bẩm sinh” của mình và hoàn toàn sống trong sự sống mới mà Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với một suy gẫm dài về những hậu quả làm băng hoại người môn đệ Chúa Giêsu bởi của cải vật chất. Đề tài này sẽ được tiếp tục cho đến câu 34 và sẽ được lặp lại trong câu 45. Hai câu mở đầu trong bài Tin Mừng cho thấy khuynh hướng “đam mê” của cải vật chất của con người: Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: ‘Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi. Người đáp: ‘Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?’” (Lc 12:13-14). Trong những lời này, chúng ta có thể nhận ra việc tranh chấp “gia tài” giữa hai anh em trong cùng một gia đình. Chi tiết này cho thấy của cải vật chất có thể làm rạn nứt hay phá hoại tương quan trong gia đình. Chúng ta đã từng chứng kiến trong cuộc sống thường ngày: con cái từ bố mẹ, anh chị em không nhìn mặt nhau chỉ vì một miếng đất, một số tiền; vợ chồng cãi cọ, bỏ nhau cũng chỉ vì vấn đề tiền bạc; bạn bè trở thành kẻ thù của nhau và còn nhiều mối tương quan khác bị phá huỷ cũng chỉ bởi vật chất. Tại sao chúng ta lại để cho những thứ không hồn, không trường sinh làm chủ và huỷ hoại chúng ta, những con người có hồn và có sự sống vĩnh cửu?

Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu về việc giữ mình khỏi mọi thứ tham lam đáng để chúng ta suy gẫm: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12:15). Theo các học giả Kinh Thánh, những lời này là một phần của luận chiến chống lại những thầy dạy giả tạo trong cộng đoàn. Họ là những người chu toàn công việc với mục đích thu gom của cải vật chất hơn là mang lại ích lợi thiêng liêng cho những người nghe. Chính thái độ tham lam của cải vật chất làm cho người môn đệ Chúa Giêsu khép mình lại trong những gì mình có và quên mất vai trò của mình là những người mang Tin Mừng đến cho anh chị em. Chúng ta đang tham lam điều gì: của cải dưới đất hay của cải trên trời? Dụ ngôn Chúa Giêsu giúp chúng ta biết mình phải tham lam điều gì.

Một chi tiết quan trọng nhất trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể là cách sử dụng từ ngữ để cho thấy đâu là mấu chốt của “sự ngu ngốc” của nhà phú hộ. Hình ảnh của nhà phú hộ được vén mở theo những bước sau: (1) Ông ta là người có nhiều của cải vật chất [“ruộng nương sinh nhiều hoa lợi”] (Lc 12:16). Ở đây, chúng ta thấy ông phú hộ không có gì sai và có thể nói là ông được chúc lành. (2) Vì có nhiều của cải nên ông mới “nghĩ bụng” về việc làm thế nào với tài sản của mình (x. Lc 12:16). Ở bước này, chúng ta thấy ông ta đang tìm cho mình một cách thức để sử dụng của cải mình có.

(3) Sau khi “nghĩ bụng” xong, ông “tự bảo” sẽ phá cái cũ, xây cái mới để tích trữ tất cả những gì ông có vào trong đó. Lại một lần nữa, chúng ta có thể nói ông vẫn chưa có gì sai, vì đó là điều chúng ta thường làm [phá đi cái cũ mà không thể chứa đựng những gì mình có và xây lại cái lớn hơn để chứa đựng hoa lợi]. (4) Điều đáng khiển trách của ông phú hộ là việc “nhủ lòng” của ông: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12:19). Trong những lời này chúng ta có thể nhận ra sự “ích kỷ” của ông phú hộ. Điều này được chứng tỏ rõ ràng hơn qua việc ông tập trung vào chính mình đến nỗi loại trừ Thiên Chúa và người khác ra khỏi cuộc sống mình. Thứ ông ta luôn nghĩ đến chỉ là của cải vật chất. Chỉ trong 4 câu, thuật ngữ “tôi” và “của tôi” lặp lại nhiều lần. Nói cách cụ thể hơn, điều làm cho ông phú hộ bị lên án là ông chỉ tìm kiếm, tích trữ, và sử dụng của cải mình có cho riêng mình mà không nghĩ đến người khác. Thành thật mà nói, nhiều lần trong cuộc sống chúng ta cũng đã hành xử như nhà phú hộ. Chúng ta cũng ích kỷ, chỉ nghĩ đến chính mình, tìm kiếm niềm vui chóng qua và tạm thời đến nỗi Thiên Chúa và người khác không có chỗ trong con tim chúng ta. Lời khiển trách của Chúa Giêsu làm chúng ta thức tỉnh: “‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12:20-21). Những lời này nhắc nhở đến một thực tế mà chúng ta phải đối diện, đó là cái chết. Thật vậy, chính cái chết sẽ làm chúng ta bỏ lại tất cả những gì chúng ta thu gom và tích trữ. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt lại giá trị trong cuộc sống của mình. Những gì chúng ta có phải được chia sẻ cho người khác. Đó là cách thức làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi ngày hãy trao cho nhau những gì Chúa đã ban cho chúng ta: một nụ cười, một lời khen, một lời khích lệ, một vật gì đó làm người khác hạnh phúc và cảm thấy gần Chúa và gần nhau.

THỨ BA
BIẾN ĐỜI SỐNG THÀNH TIN MỪNG CỦA CHÚA GIÊSU
Thánh Luca, Tác Giả Sách Tin Mừng
(2 Tm 4:10-17; Lc 10:1-9)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính Thánh Luca, Tác Giả Sách Tin Mừng. Thánh nhân là ai? Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta biết thánh sử là một trong những cộng sự của Thánh Phaolô: “Anh thân mến, anh Đêma đã bỏ tôi, bởi yêu mến thế gian này; anh ta đã đi Thêxalônica. Anh Cơrétxen đã đi sang miền Galát, anh Titô đi sang miền Đanmatia. Chỉ còn một mình anh Luca ở với tôi” (2 Tm 4:10-11). Dù người khác bỏ Thánh Phaolô, Luca không bỏ rơi. Điều này chứng tỏ thánh nhân là một người “trung thành” với ơn kêu gọi của mình và sẵn sàng gắn bó và cộng tác với người khác trong công việc loan báo Tin Mừng. Đây chính là điều đầu tiên chúng ta có thể học hỏi ở thánh nhân. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta không cộng tác với những người chúng ta thấy không hợp, không thích. Chúng ta đánh đổi niềm vui mang Chúa đến cho người khác với một vài cảm xúc khó chịu khi sống và làm việc chung với người khác. Đừng để bất kỳ điều gì cướp mất niềm vui rao giảng Tin Mừng của chúng ta.

Như chúng ta biết, Thánh Luca được xem là tác giả của Tin Mừng và Sách Công Vụ Các Tông Đồ. Ngài được đồng hoá với Luca của Thánh Phaolô, là một thầy thuốc được yêu thương (x. Cl 4:14). Vì vậy, thánh nhân là bổn mạng của các y bác sĩ và phẫu thuật gia. Biểu tượng của thánh sử là con bò [hay con bê] bởi vì đây là những biểu tượng của hy tế – hy tế của Chúa Giêsu cho toàn thể nhân loại. Mừng lễ kính thánh sử, chúng ta được mời gọi biến cuộc đời chúng ta thành một hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa qua việc biến cuộc đời mình thành một Tin Mừng sống động để loan báo sứ điệp tình yêu và tha thứ của Thiên Chúa cho mọi người.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc “Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10:1). Chi tiết này cho thấy, nhóm môn đệ này khác với nhóm Mười Hai. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là “chính Chúa Giêsu chỉ định” họ chứ không phải họ tự chỉ định. Từ chỉ định ở đây có thể được hiểu là “chọn.” Họ được chọn để được sai “từng hai người một đi trước” Chúa Giêsu. Vai trò của họ là được sai đi như những người báo tin, những người chuẩn bị cho người khác để đón Chúa Giêsu. Đây là điều Thánh Luca đã làm qua việc trình thuật những gì Chúa Giêsu đã làm, đã nói. Đây cũng là sứ mệnh của mỗi người chúng ta. Chúng ta được chọn và sai đi để chuẩn bị anh chị em chúng ta đón nhận Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không được sai đi một mình mà được sai đi với anh chị em của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần học làm việc với nhau hay đúng hơn, chúng ta được chọn và sai đến với nhau trước khi được chọn và sai đến những người bên ngoài. Một chi tiết quan trọng khác là việc các ông được sai đi đến “tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.” Những lời này ám chỉ rằng các môn đệ không đi đến những nơi mình muốn đến, mà đến những nơi Chúa muốn đến.

Trước khi sai các môn đệ đến những nơi Ngài muốn đến, Chúa Giêsu trình bày cho họ (1) thái độ họ cần có trước khi ra đi, (2) những điều cần thiết họ phải mang cho hành trình, (3) những điều họ cần phải nói, và (4) những điều họ cần phải làm. Chúng ta cùng nhau chia sẻ vắn tắt về những điều này.

Thái độ cần có trước khi các môn đệ được sai đi là thái độ cầu nguyện liên lỉ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10:2). Nhờ cầu nguyện, các môn đệ sẽ ý thức được mình là thợ gặt chứ không phải chủ mùa gặt. Nói cách khác, cầu nguyện giúp cho người môn đệ biết được căn tính của mình. Qua cầu nguyện, người môn đệ sẽ nhận ra rằng: mọi sự bắt đầu từ Thiên Chúa và trở về với Ngài. Nếu không gắn bó với Ngài, người môn đệ sẽ không gặt hái gì cho Thiên Chúa, mà chỉ chiếm lấy “chiến lợi phẩm” cho chính mình.

Theo Chúa Giêsu, điều cần thiết cho hành trình là sự “hiền lành và đơn sơ” của con chiên. Khi có hai điều này, người môn đệ nhận ra rằng những thứ vật chất như túi tiền, bao bị, giày dép hoặc những mối tương quan chào hỏi mang tính xã giao dọc đường không phải là những thứ quan trọng cho hành trình (x. Lc 10:3-4). Nếu chúng ta xem xét kỹ, chúng ta sẽ nhận ra rằng, hiền lành và đơn của con chiên ám chỉ về Chúa Giêsu, Đấng là Chiên Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta nhận ra điều Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ mang theo cho hành trình là chính Ngài.

Sứ điệp hoà bình hay sứ điệp bình an là điều các môn đệ phải rao giảng: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em” (Lc 10:5-6). Đây là điều mà Chúa Giêsu mang đến cho con người. Vì vậy, đây cũng là điều mà các môn đệ phải mang đến cho người khác. Nói cách khác, các môn đệ Chúa Giêsu phải là những con người của bình an, những người mang lại hoà bình chứ không phải là những người mang chiến tranh. Nhưng đáng buồn thay, điều này không luôn luôn xảy ra nơi các môn đệ Chúa Giêsu. Chúng ta đã từng chứng kiến những “trận chiến tàn khốc” giữa những người tự hào mình là môn đệ Chúa Giêsu. Hãy trở nên những con người mang lại hoà bình! Điều này chỉ có được khi chúng ta có được sự bình an của Chúa Giêsu. Thứ bình an này chính là hoa trái của một cảm nghiệm “được yêu và được tha thứ vô điều kiện.”

Cuối cùng, điều các môn đệ cần làm là “chấp nhận” những gì người khác “trao tặng” cho mình, dù đó là điều tốt hay chống đối. Nhưng trên hết, họ phải làm hai điều mà chính Chúa Giêsu làm, đó là “chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’” (Lc 10:9). Người môn đệ là người chữa lành những vết thương của anh chị em mình. Điều này mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ sống của mình. Chúng ta phải chân nhận rằng, nhiều lần chúng ta thay vì chữa lành anh chị em, chúng ta lại tạo ra những vết thương nơi thân xác và nhất là trong tâm hồn [tâm trí] của anh chị em mình. Hãy là những người chữa lành, chứ đừng gây tổn thương cho người khác. Đây chính là điều Thánh Luca đã thực hiện, không chỉ với nghề nghiệp của mình, nhưng với ơn gọi và sứ mệnh của ngài như là một thánh sử.

THỨ TƯ
ĐỢI CHỜ CHỦ VỀ VỚI NIỀM VUI VÀ TỈNH THỨC
(Ep 3:2-12; Lc 12:39-48)

Thánh Phaolô trong bài đọc 1 nói cho các tín hữu Êphêsô về kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho họ. Kế hoạch này được uỷ thác cho thánh nhân đó là được biết mầu nhiệm về Đức Kitô (x. Ep 3:2-5). “Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3:6). Những lời này cho thấy trong kế hoạch yêu thương của mình, Thiên Chúa đã muốn quy tụ con cái của Ngài thành một, để mọi người được chia sẻ trong tình yêu tuyệt đối của Ngài được thể hiện nơi Đức Kitô. Để kế hoạch này được thực hiện, Thiên Chúa đã chọn Thánh Phaolô để thánh nhân “đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi, khi Người thi thố quyền năng của Người” (Ep 3:7). Thánh Phaolô đã nhận ra vai trò của mình trong kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi tìm ra vai trò của mình trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Để làm được điều này, chúng ta cần phải trau dồi một tương quan mật thiết với Đức Kitô vì chỉ trong Ngài và nhờ tin vào Ngài, “chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa” (Ep 3:12). Thật vậy, những ai càng gần Chúa Giêsu, người đó càng nhận ra vai trò mà mình được mời gọi thực hiện để cộng tác vào trong công trình yêu thương của Thiên Chúa. Càng ở gần Đức Kitô bao nhiêu, chúng ta càng trở nên khiêm nhường bấy nhiều để nhận ra rằng chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng được mời gọi chia sẻ trong sứ mệnh của Đức Kitô.

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ về những khó khăn và đối kháng mà họ phải đối diện. Ngài mời gọi họ phải luôn tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh để được bình tĩnh và nhận ra Ngài đến với họ trong những thời khắc mà họ không ngờ đến. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng hôm nay ra làm ba phần: Phần 1 (Lc 12:39-40) là lời dạy của Chúa Giêsu về việc các môn đệ phải luôn sẵn sàng chờ Ngài đến. Phần 2 (Lc 12:41-46) trình bày hình ảnh của người đầy tớ trung tín và bất trung và thái độ của ông chủ đối với họ. Phần 3 (Lc 12:47-48) nói về các cấp độ khác nhau của hình phạt cho những đầy tớ bất trung.

Trong phần 1, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cụ thể của cuộc sống hằng ngày để dạy các môn đệ và mỗi người chúng ta về điều cần phải biết khi chờ Ngài đến: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” Trong những lời này, điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải có là “biết”: Người môn đệ phải “biết” kẻ thù [kẻ trộm] là ai và họ muốn lấy đi điều gì. Chỉ khi biết được điều này, người môn đệ mới có được những phương án thích hợp để đối phó hầu không bị kẻ trộm lấy đi những điều quý giá mình có. Từ kinh nghiệm thường ngày này, người môn đệ học cách để biết được những phương án, những thái độ cần thiết khi Con Người [Chúa Giêsu đến]. Phần này mời gọi chúng ta nhìn lại chính mình. Nhiều lần, chúng ta không biết kẻ thù của mình là ai nên không có sự đề phòng và như thế chúng ta đã để những thứ quý giá trong cuộc sống của mình bị lấy đi. Cũng đôi khi chúng ta “biết” kẻ thù của mình là ai và chúng thường tấn công những lãnh vực nào trong cuộc sống, nhưng chúng ta không chống lại. Hãy tỉnh thức! Đừng để kẻ trộm lấy đi những giá trị cao quý của cuộc đời chúng ta như gia đình, tình thân và niềm vui có Chúa.

Phần hai là câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi của Phêrô: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” (Lc 12:41). Đây là câu hỏi của người đại diện cho những người lãnh đạo trong Giáo Hội. Chúa Giêsu trả lời cho Phêrô bằng cách chỉ ra vai trò của người quản gia trung tín, khôn ngoan, đó là người được “ông chủ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để phân phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc” (Lc 12:42). Người đầy tớ trung tín và khôn ngoan phải biết mình là ai và công việc của mình là gì: họ là người được “đặt lên” và như thế phải thực hiện những công việc mà người đặt họ lên mong đợi. Chi tiết này cho thấy, một người lãnh đạo là người biết quyền bính của mình là từ Thiên Chúa và họ chỉ làm những điều Chúa muốn họ làm chứ không làm điều mình muốn. Điều này được làm sáng tỏ trong hình ảnh của người đầy tớ trung tín và thất tín: “Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Còn lâu chủ ta mới về,’ và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín” (Lc 12:43-46). Chúng ta thuộc loại nào trong hai đầy tớ này: trung tín hay thất tín? Chúng ta đang sử dụng những gì Chúa ban để phục vụ anh chị em mình hay chúng ta đang sử dụng những điều Chúa ban để chiếm lấy chỗ của Chúa và “thống trị” anh chị em mình.

Bài Tin Mừng kết thúc với phần ba, phần nói về hình phạt dành cho những người không làm theo ý chủ. Phần này đưa chúng ta về lại với phần 1 và chìa khoá nối kết hai phần là chữ “biết.” Trong phần 1, nếu người chủ nhà biết lúc nào kẻ trộm đến thì ông sẽ có cách đối phó. Điều này chỉ cho thấy sự tấn công đến từ bên ngoài. Nói cách khác, cái biết ở đây là cái biết về những gì xảy ra bên ngoài. Còn trong phần này, cái biết đến từ bên trong, đó là “biết ý chủ.” Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta hai loại: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12:47-48). Cả hai đều thực hiện điều không đẹp lòng chủ. Nhưng hình phạt của họ lệ thuộc vào cái biết của họ. Cái biết ở đây được giải thích rõ trong câu “ai được cho nhiều” và “ai được giao phó nhiều.” Những người môn đệ là những người được giao phó nhiều về mầu nhiệm nước trời. Vì vậy, họ sẽ phải là những người chia sẻ những điều được giao phó hầu sinh ích lợi cho anh chị em mình. Trong mọi điều chúng ta được giao phó, con tim là điều quý giá nhất. Con tim đó được giao phó để chúng ta yêu thương người khác: Chúng ta đã làm điều này thế nào? Con tim chúng ta chứa đầy tình yêu hày sự chua chát, đắng cay và hận thù?

THỨ NĂM
NGỌN LỬA SỰ THẬT LÀ TIÊU CHUẨN PHÂN RẼ TÂM CAM CON NGƯỜI
(Ep 3:14-21; Lc 12:49-53)

Thánh Phaolô trong bài đọc 1 đã khẳng định Thiên Chúa là nguồn gốc mọi sự trên trời dưới đất. Đặt niềm tin vào Thiên Chúa, thánh Phaolô đã nguyện xin cho các tín hữu Êphêsô những điều sau: (1) củng cố con người nội tâm của họ được vững vàng [“Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng” (Ep 3:16)]; (2) được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; (3) được bén rễ sâu và xây dựng trên đức ái; (4) hiểu thấu mầu nhiệm Thiên Chúa và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết” (Ep 3:19). Nói cách khác, Thánh Phaolô nguyện xin cho các tín hữu Êphêsô được tình yêu và sự sống viên mãn của Thiên Chúa chiếm lấy. Tâm tình của Thánh Phaolô dành cho các tín hữu Êphêsô là gương sáng cho chúng ta khi chúng ta đối xử với anh chị em mình. Trong đời sống cầu nguyện, chúng ta thường nguyện xin gì cho anh chị em mình, nhất là những người làm chúng ta tổn thương bằng lời nói hoặc bằng hành động? Trong mọi sự, nhất là trong đời sống cầu nguyện, hãy tìm kiếm điều tốt lành mà thực hiện cho anh chị em mình.

Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những đoạn khó giải thích vì mới đọc chúng ta thấy điều Chúa Giêsu nói về Ngài dường như trái ngược với mong đợi của con người. Những lời của Chúa Giêsu trong trích đoạn hôm nay chỉ ra cho chúng ta hai điều Chúa Giêsu đem vào thế gian: lửa và sự chia rẽ. Chúng ta phải hiểu hai điều này như thế nào?

Trước tiên chúng ta nói đến lửa: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12:49-50). Theo các học giả Kinh Thánh, lửa được sử dụng ở đây ám chỉ đến sứ điệp Chúa Giêsu có năng lực thanh luyện và là nguyên nhân để phân biệt những gì là giả tạo và những gì là thật. Nói cách cụ thể hơn, sứ điệp Chúa Giêsu mang lại có sức thanh luyện con người và như thế phân biệt người sống thật [sống yêu thương] với người sống giả tạo [sống ghen ghét]. Chúa Giêsu đem lửa “sự thật” đó và mong nó bùng cháy trong con tim mỗi người chúng ta hầu thanh luyện chúng ta thành những người sống trọn vẹn cho Ngài qua việc sẵn sàng chịu phép rửa mà Ngài đã chịu. Phép rửa ở đây được sử dụng như một hình ảnh ám chỉ đến việc một người bị đè nặng bởi những tai ương, nhưng không bỏ cuộc, không chạy trốn. Đây là hình ảnh của Chúa Giêsu. Vâng phục Chúa Cha, Chúa Giêsu hành trình lên Giêrusalem để hoàn thành cuộc xuất hành của Ngài, dù biết sẽ bị nhiều chống đối và đau khổ. Đây cũng chính là hành trình của mỗi người. Chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn và chống đối khi làm một người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu. Liệu chúng ta có đứng vững, vâng phục như Chúa Giêsu không hay chúng ta bỏ cuộc?

Điều thứ hai Chúa Giêsu mang đến chính là sự chia rẽ: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12:51). Chúng ta chỉ hiểu những lời này khi liên kết với hình ảnh lửa. Như chúng ta đã trình bày, lửa ám chỉ việc thanh luyện và phân tách cái chân thật khỏi cái giả tạo. Đây chính lá ý nghĩa của từ “chia rẽ.” Từ này được hiểu theo nghĩa “phân rẽ” giữa những người sống theo sứ điệp Chúa Giêsu mang đến khỏi những người không sống theo. Sự phân rẽ này xảy ra ngay chính trong gia đình: “Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng” (Lc 12:52-53). Nói cách khác, sự phân rẽ này xảy ra ngay chính trong cộng đoàn của Thánh Luca. Nói cách cụ thể hơn, trong cộng đoàn có những người sống theo sứ điệp của Chúa Giêsu, nhưng cũng có nhiều người thì không. Chúng ta vẫn chứng kiến điều này trong ngày hôm nay. Chỉ khi chúng ta hiểu rằng để đạt được sự hoà bình, chúng ta không được đánh đổi lời Chúa cho những giá trị chóng qua ở đời này. Nói cách khác, hoà bình chỉ có được khi mọi người trong cộng đoàn sống theo sứ điệp Tin Mừng, khi mỗi người biết tha thứ cho người khác từ tận đáy con tim mình và hoà giải với nhau ngay cả khi không phải là lỗi của mình.

THỨ SÁU
NHẬN BIẾT SỨ ĐIỆP TIN MỪNG QUA SỰ KIỆN SỐNG MỖI NGÀY
(Ep 4:1-6; Lc 12:54-59)

Mỗi người chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi sống những bậc sống khác nhau: gia đình, độc thân, hay thánh hiến tu trì. Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Êphêsô [chúng ta] sống xứng đáng với ơn gọi của mình. Để sống xứng đáng với ơn gọi của mình, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta phải “ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau” (Ep 4:2-3). Trong những lời này, Thánh Phaolô chỉ ra những nhân đức chúng ta cần phải có khi sống với nhau, nhất là trong đời sống gia đình và trong cộng đoàn tu trì. Bên cạnh đó, Thánh Phaolô cũng chỉ ra rằng khi sống đúng với ơn gọi của mình, chúng ta nhận ra mình được nối kết với anh chị em khác trong cùng một thân thể, được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng, cùng tin vào một phép rửa, tin vào một Chúa là “Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người” (x. Ep 4:4-6). Nếu chúng ta được nối kết với những anh chị em khác trong cùng một phép rửa, một đức tin và một Thiên Chúa, tại sao lại có sự chia rẽ giữa chúng ta? Đó là vì chúng ta không sống đúng với ơn gọi của mình và mặc lấy những nhân đức mà Thánh Phaolô đã kể ra ở trên. Hãy là những con người khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại và lấy tình yêu mà chịu đựng những khuyết điểm của nhau. Chỉ như thế chúng ta mới cảm nghiệm được sự bình an và hiệp nhất trong Chúa.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sử dụng những hình ảnh thường ngày để dạy cho dân chúng biết cách đọc được sứ điệp của Ngài: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: ‘Mưa đến nơi rồi’, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: ‘Trời sẽ oi bức’, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?” (Lc 12:54-56). Trong những lời này, Chúa Giêsu đưa các thính giả của Ngài trở về với việc giả hình của những người Pharisêu (x. Lc 12:1). Tuy nhiên, trong trích đoạn này, sự giả hình được áp dụng cho đám đông. Họ được xem là những người quan tâm đến vẻ bên ngoài, là những người xem những dấu chỉ của đất trời [mây- gió] mà không quan tâm đến sứ điệp bên trong của những dấu chỉ này. Chính sự giả hình đã đưa họ đến tình trạng từ chối không chấp nhận Chúa Giêsu (x. Lc 12:56). Nói cách khác, họ không biết đọc những dấu lạ mà Ngài làm để tin nhận Ngài chính là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Mỗi ngày sống cũng là một dấu chỉ của tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa cho chúng ta. Liệu chúng ta có nhận ra và đáp trả lại với trọn niềm tin tưởng và phó thác không?

Phần thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay là lời khuyến cáo của Chúa Giêsu cho thính giả của mình về việc họ phải dàn xếp những tranh chấp với đối phương trước khi đến quan toà: “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng” (Lc 12:57-59). Những lời này ám chỉ việc đám đông sở hữu một sự thông minh đủ trong những vấn đề mang tính pháp lý để đạt đến sự hoà giải và được tự do khỏi cảnh tù đày. Họ được mời gọi sử dụng lối hành xử này để để đọc những dấu chỉ của thời đại trong Chúa Giêsu. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cho rằng mình thông minh, mình biết thật nhiều trong mọi lãnh vực. Chúng ta biết cách làm thế nào để càng ngày càng trở nên chuyên viên trong các lãnh vực đó. Tuy nhiên, điều đáng buồn là chúng ta không áp dụng cách thức đó để lớn lên trong sự hiểu biết về Thiên Chúa, về những dấu lạ mà Chúa Giêsu thực hiện trong từng ngày sống của chúng ta. Hãy là người môn đệ không chỉ sở hữu kiến thức sâu rộng về con người, nhưng còn sở hữu kiến thức sâu rộng về Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô.

THỨ BẢY
KIÊN NHẪN CHỜ ĐỢI ĐẾN PHÚT CUỐI
(Ep 4:7-16; Lc 13:1-9)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô nói cho các tín hữu Êphêsô biết rằng mỗi người “đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho” (Ep 4:7). Những lời này vừa là lời mời gọi chúng ta nhận ra ân sủng riêng biệt Thiên Chúa ban đồng thời cũng là lời nhắc nhở chúng ta sử dụng ân sủng của mình để xây dựng dân thánh: “Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4:11-13). Những lời này làm chúng ta suy gẫm về thái độ hằng ngày khi thấy người khác được ban những ân sủng khác với chúng ta ta hoặc đạt được những điều tốt đẹp hơn. Chúng ta so sánh mình với anh chị em rồi tỏ ra ghen tỵ và đôi khi trách Chúa, cho rằng Ngài bất công. Thiên Chúa ban cho mỗi người mỗi ân sủng khác nhau để chúng ta “cần” đến nhau hầu đạt tới “sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa” như Thánh Phaolô nói. Như vậy, sự khác biệt trong những ân sủng hay tài năng nhằm mục đích mang lại sự hiệp nhất và dẫn đến Đức Kitô chứ không phải là nguyên nhân của chia rẽ và ghen tỵ giữa chúng ta. Điều này được Thánh Phaolô chỉ ra khi nói đến việc Chúa Giêsu chính là Đầu của thân thể, Đấng nối kết ân sủng của mỗi người như những bộ phận khác nhau trong cơ thể, để “cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4:16). Chỉ trong Đức Kitô, chúng ta mới được hiệp nhấp và lớn lên trong tình yêu dành cho nhau.

Chúa Giêsu dạy chúng ta về nhu cầu cần sám hối trong bài Tin Mừng hôm nay. Sự sám hối này là lời mời gọi cho hết mọi người chứ không chỉ dành cho một số người mà chúng ta gọi là tội lỗi. Trích đoạn hôm nay chỉ tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Luca. Đoạn trích này dạy các môn đệ rằng Chúa Giêsu là Đấng nhân từ, giàu lòng thương xót, nhưng không sống theo kiểu cách dễ dãi. Ngài đòi hỏi tội nhân phải sám hối trước khi quá muộn. Chúa Giêsu lặp lại hai lần huấn thị phải sám hối trong câu 3 và 5 sẽ là nền tảng cho câu hỏi sau này về việc chỉ một số ít người sẽ được cứu (x. Lc 13:23).

Chúa Giêsu dựa trên hai sự kiện xảy ra để dạy đám đông về sự cần thiết phải sám hối. Sự kiện thứ nhất là “chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng” (Lc 13:1). Và câu chuyện thứ hai là câu chuyện về “mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết” (Lc 13:4). Từ hai câu chuyện này, Chúa Giêsu đặt ra cùng một câu hỏi để thính giả chất vấn lương tâm mình, đó là câu hỏi về thân phận tội lỗi của mỗi người [“Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao?” (câu 2) và “các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao?” câu 4]. Qua hai câu hỏi này, Chúa Giêsu ám chỉ rằng mỗi người chúng ta là một tội nhân. Chúng ta cùng chia sẻ một thân phận tội lỗi như anh chị em mình. Vì vậy chúng ta cần phải sám hối, nếu không, chúng ta cũng sẽ chịu chung một số phận như họ. Điều này được diễn tả cách rõ ràng trong câu khuyến cáo của Chúa Giêsu với thính giả của Ngài: “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13:3,5). Là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta cần phải sám hối mỗi ngày. Chúng ta phải ý thức rằng chúng ta mang trong mình sự yếu đuối của thân phận con người. Anh chị em của chúng ta cũng thế. Vì vậy, chúng ta phải có một con tim cảm thông, một tâm trí mở rộng, không xét đoán. Chúng ta muốn có thời gian để sám hối, để thay đổi, thì chúng ta cũng có thái độ đó với anh chị em mình.

Sám hối là một tiến trình trở về với Chúa. Đó là một sự thay đổi tận căn để hoàn toàn thuộc về Chúa. Để đạt được điều này, Thiên Chúa rất quảng đại với chúng ta qua việc cho chúng ta thời gian. Điều này được trình bày rõ trong dụ ngôn cây vả: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’ Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi’” (Lc 13:6-9). Dụ ngôn này gồm hai ý: Một mặt, đây là dụ ngôn cho thấy lòng thương xót của Chúa. Đây là một sự an ủi cho những môn đệ vấp ngã trên đường theo Chúa. Nhưng mặt khác, nó cũng là lời khuyến cáo cho những môn đệ không sinh hoa trái. Họ sẽ bị chặt đi. Trong dụ ngôn này, thái độ của người làm vườn cho thấy sự kiên nhẫn của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Dù nhiều lần không sinh hoa trái tốt, Thiên Chúa vẫn dành cho chúng ta thời gian và cơ hội. Điều quan trọng là chúng ta có biết tận dụng thời gian mình có để sinh hoa trái thánh thiện không? Nhiều người trong chúng ta nhận ra mình có những thái độ sống không xứng hợp với Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại không đủ can đảm để từ bỏ. Chúng ta sống mãi trong tình trạng tội lỗi của mình. Mỗi ngày qua đi là một cơ hội Chúa ban để trở về với Ngài, để trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Hãy sống ngày sống của mình cho tốt. Đừng đợi đến lúc quá muộn mới sám hối và sống thánh thiện.