Các bài suy niệm Tuần 25 Thường niên

261

TUẦN XXV MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lm. Ngọc Dũng, SDB

CHÚA NHẬT

THỨ HAI

THỨ BA

THỨ TƯ ( Kính Thánh Matthêu, Tông đồ)

THỨ NĂM

THỨ SÁU

THỨ BẢY

CHÚA NHẬT

DỨT KHOÁT CHỌN LỰA CHÚA TRÊN TIỀN CỦA

(Am 8:4-7; 1 Tm 2:1-8; Lc 16:1-13)

Tuần trước chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng tình yêu vô điều kiện Thiên Chúa dành cho những người được cho là tội lỗi. Tuần này, lời Chúa mời gọi chúng ta phải biết hành xử thế nào khi đã được tha thứ và hoà giải với Chúa [với anh chị em mình]. Bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Amos khuyến cáo những người “đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ” (Am 8:4). Ngôn sứ Amos là ngôn sứ chống lại sự bất công trong xã hội. Sứ điệp của ngôn sứ là nói về việc Đức Chúa đứng về phía những những người nghèo, những người bị áp bức để bảo vệ quyền lợi của họ. Điều này được diễn tả trong những lời Đức Chúa phán: “Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng” (Am 8:7). Những hành vi mà Đức Chúa không quên là những hành vi bất công mà những người “đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt những kẻ nghèo trong xứ” là (1) bày thóc bán lúa với giá “cắt cổ”; (2) làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm để “ăn bớt” của dân; (3) làm lệch cán cân “công bình” để đánh lừa thiên hạ; (4) lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ làm đầy tớ; (5) bán lúa nát gạo mục (x. Am 8:5-6). Những hành vi của họ là những hành vi bất công, chèn ép người nghèo và cô thế cô thân. Nhưng Đức Chúa không bao giờ quên một hành vi nào. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta phải cẩn thận về hành vi của mình.

Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta, những người đã cảm nghiệm được tình yêu tha thứ của Chúa hãy sống một cuộc sống cho đẹp lòng Ngài. Thánh nhân cũng chỉ ra cho chúng ta cách thức để sống đẹp lòng Chúa, đó là chúng ta “ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (1 Tm 2:1-2). Một cách cụ thể hơn, để sống đẹp lòng Chúa, chúng ta phải chạy đến với Đức Giêsu Kitô, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người và là Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người (1 Tm 2:5-6). Chúng ta phải học ở nơi Đức Giêsu nghệ thuật tự hiến chính mình để yêu thương và phục vụ anh chị em. Nói tóm lại, để sống đẹp lòng Thiên Chúa, chúng ta phải trở nên như Đức Giêsu Kitô, Đấng là con yêu dấu của Chúa Cha và Chúa Cha hài lòng về Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta câu chuyện về người quản gia. Chúng ta thường gọi dụ ngôn hôm nay là Dụ Ngôn Người Quản Gia Bất Lương. Để hiểu dụ ngôn này, chúng ta cần lưu ý rằng, trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu nói với các “môn đệ.” Nếu xem xét kỹ dụ ngôn này, chúng ta thấy hình ảnh “người con thứ” trong Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu [chúng ta nghe tuần trước] được phản chiếu trong hình ảnh người quản gia. Điều này được diễn tả trong “cáo danh” nhắm đến người quản gia, đó là “phung phí của cải nhà ông” [như đứa con thứ phung phí hết tài sản của cha, là phần gia nghiệp anh được hưởng]. Chi tiết đầu tiên này mời gọi chúng ta xem xét lại cách thức chúng ta sử dụng “những của cải được trao cho chúng ta quản lý” như thế nào. Chúng ta đang sử dụng những của cải được trao để làm lợi cho chính mình hay cho người khác.

Dụ ngôn này phải được hiểu dưới ánh sáng của dụ ngôn người đầy tớ trung thành: phân phát của ăn đúng thời đúng buổi. Vì không phải của cải là của mình, chúng ta phải sử dụng những thứ được trao theo ý chủ, là sinh lợi cho người khác. Đây là sợi chỉ nối kết những câu chuyện [giáo huấn] “không liên quan” đến nhau trong chương 16 này. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng hôm nay ra làm ba phần: phần 1 (Lc 16:1-8) kể về Dụ Ngôn  Người Quản Gia; phần 2 là giáo huấn của Chúa Giêsu về việc sử dụng tiền của (Lc 16:9-12); và trong phần 3 Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ một kết luận về sự chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền của vì họ chỉ có thể phục vụ một trong hai mà thôi (Lc 16:13).

Như chúng ta đã trình bày, Dụ Ngôn Người Quản Gia kết thúc với câu 8: “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo.” Tại sao ông chủ lại “khen” người quản gia khi ông ta là người “bất lương.” Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nói điều gì? Theo các học giả Kinh Thánh, Thánh Luca thường dùng “chuyện kể” thay vì “dụ ngôn” để gây chú ý cho người nghe. Câu chuyện Người Quản Gia Bất Lương có thể được giải thích theo hai hướng: (1) Lối giải thích mà nhiều người sử dụng [và nghe] tạo ra nhiều vấn đề. Đó là lối giải thích cho rằng Chúa Giêsu dạy các môn đệ bắt chước hành động bất lương của người quản gia (x. câu 5-7). Nhìn từ khía cạnh luân lý, giáo huấn như thế không thể chấp nhận. Theo các học giả Kinh Thánh, điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ bắt chước là sự “khôn khéo” của người quản gia trong việc sử dụng của cải [mặc dù những của cải này không thuộc về mình]. Nói cách cụ thể hơn, điều Chúa Giêsu nhắm đến là các môn đệ phải biết dùng của cải mình có [của cái Chúa ban] để sinh lợi cho người khác, nhất là những người thiếu thốn, nghèo khổ. (2) Lối giải thích thứ hai xem câu chuyện này như một dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Theo lối giải thích này, điểm tương đồng giữa những hành động trong dụ ngôn và thính giả của Chúa Giêsu trên hành trình Ngài lên Giêrusalem, đó là người quản gia rất dứt khoát [kiên quyết] khi đối diện với khủng hoảng và khó khăn. Cũng vậy, thính giả của Chúa Giêsu là những người đang lưỡng lự trong chọn lựa của họ để theo Chúa Giêsu và sứ điệp Nước Thiên Chúa của Ngài phải dứt khoát trong chọn lựa. Điều này giải thích cho câu kết của bài Tin Mừng, đó là việc Chúa Giêsu khẳng định: “Không ai làm tôi hai chủ.” Họ phải dứt khoát chọn lựa! Chúng ta cũng phải dứt khoát và kiên định trong chọn lựa của chúng ta. Nhiều lần, chúng ta đã chọn tiền, tài, danh vọng hơn là chọn Chúa. Chúng ta phục vụ những ông chủ thế gian hơn là Thiên Chúa. Đây là lời mời gọi để chúng ta xem lại đức tin dễ “bị lung lay” của chúng ta.  Trong lối giải thích thứ hai này, chúng ta cũng tìm thấy một điểm tương đồng khác dựa trên sự khác biệt, đó là “cảm thức về đức công bình” được áp dụng trong biểu tượng vương quốc không tương hợp với lối hành xử của người chủ trong câu 8. Làm thế nào mà người chủ khen hành động của người quản gia bất lương đã gây ra tổn hại cho mình và không xử phạt? Có phải tiêu chuẩn về đức công bình bị phủ nhận trong Vương Quốc mà Chúa Giêsu rao giảng? Câu trả lời cho những câu hỏi này là: Trong  Vương Quốc công bình và uy quyền mà Chúa Giêsu giảng dạy, những người chủ không theo lẽ công bằng “kiểu đổi chác.” Hướng giải thích này chỉ cho thấy ý nghĩa của dụ ngôn này tương hợp với mệnh lệnh yêu thương kẻ thù (x. 6:27-35) và giáo huấn về việc không trả thù và yêu thương những người bắt bớ mình (x. Lc 9:51-55; 10:29-37; 17:11-19; 22:47-55; 23:34).

Phần 2 là trung tâm lời dạy Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ. Nhiều lối giải thích khác nhau được đưa ra cho phần này. Nhưng chung quy, các lối giải thích đó tập trung vào việc sử dụng của cải và ví dụ quan trọng về lối suy luận hai chiều của Thánh Luca, đó là tiền của có thể cám dỗ người môn đệ từ bỏ Thiên Chúa, nhưng người môn đệ phải sử dụng tiền của – ngay bây giờ – cho việc bố thí. Câu nói của Chúa Giêsu: “Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại,” ám chỉ việc người quản gia là người đại diện cho lối đáp trả rất nhanh nhẹn của những người thuộc thế hệ này khi đối xử với nhau và đối nghịch với sự đáp trả mang tính “lờ mờ” của các môn đệ trước sứ điệp của Chúa Giêsu về Nước Thiên Chúa. Khi dạy các môn đệ dùng “Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè,” Chúa Giêsu muốn nhắc nhở các môn đệ rằng mọi tiền của [thứ mà các môn đệ đặt niềm tin tưởng vào] thuộc về thế hệ này. Họ không thể mang theo khi từ giã  thế hệ này. Vì vậy, người môn đệ phải chuyển đổi tiền của thành “tiền vốn trên trời” bằng cách chia sẻ cho người khác, đặc biệt là những người nghèo khổ. Chúng ta thấy điều này được diễn tả trong những lời sau: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16:9). Tạo bạn bè trong “trong thế hệ này,” để khi chết [hết tiền bạc], chúng ta sẽ được rước vào “nơi ở vĩnh cửu.” Những lời này mời gọi chúng ta nhìn lại sự quảng đại của mình trong việc chia sẻ cho người khác. Người ta thường nói: Không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho, và cũng không ai giàu đến nỗi không còn gì để nhận. Ai trong chúng ta cũng thiếu thốn cái này hay cái khác. Người thì thiếu thốn tiền của, kẻ thì thiếu thốn tình thương; người thì thiếu thốn chén cơm, kẻ thì thiếu thốn nụ cười. Hãy sử dụng tất cả những gì mình được ban để chia sẻ cho nhau, hầu khi chết chúng ta sẽ được đón nhận vào nơi ở vĩnh cửu.

Trong phần 2, Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ về sự trung tín: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16:10). Những lời này nói cho chúng ta biết về mục đích của dụ ngôn Người Quản Gia Bất Lương, đó là sự khẩn thiết của sự trung thành mỗi ngày. Nếu người môn đệ chia sẻ của cải của mình, là thứ mình được “giao phó” [bởi Thiên Chúa], thì họ sẽ được trao cho kho tàng ở trên trời, là “của cải dành riêng” cho họ (x. Lc 16:11-12). Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Chúng ta đã được trao ban cho nhiều món quà về vật chất và thiêng liêng. Chúng ta phải biết rằng, những món quà này được giao phó cho chúng ta hầu giúp chúng ta chia sẻ cho người khác để rồi chuẩn bị cho mình một kho tàng trên trời của riêng mình. Hãy cho đi ở dưới đất, để nhận lại ở trên trời.

Bài Tin Mừng kết với những lời khuyến cáo sau [trong phần 3]: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16:13). Trong những lời này, Chúa Giêsu ám chỉ việc người môn đệ phải hoàn toàn trung thành [trung tín] với Thiên Chúa hoặc chống lại sự nô lệ cho tiền của, đồng thời người môn đệ trung tín với Thiên Chúa qua việc chia sẻ tiền của cho người khác, đặc biệt là những người thiếu thốn. Lời khuyến cáo này cũng nhắm đến chúng ta, những người đang sống trong một thế hệ tôn vinh tiền của và sự giàu sang. Chúng ta đang phục vụ ai: Thiên Chúa hay tiền của?

THỨ HAI

TRỞ NÊN ÁNH SÁNG MANG NGƯỜI KHÁC ĐẾN VỚI CHÚA

(Cn 3:27-34; Lc 8:16-18)

Tác giả sách Châm Ngôn thuật lại cho chúng ta lời dạy của một người cha (mẹ) dành cho con cái mình. Lời dạy này chứ đựng hai bình diện: (1) Bình diện tích cực là làm điều tốt, điều lành cho người khác: “Hỡi con, khi có thể, con đừng từ chối làm điều lành cho ai đáng được hưởng. Khi có thể cho ngay, thì con đừng có nói: ‘Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho anh’” (Cn 3:27-28). Trong lời dạy tích cực này, chúng ta thấy người cha (mẹ) dạy con mình làm điều tốt cho những ai đáng được hưởng, và làm điều đó ngay lập tức, không chần chừ lưỡng lự. Chi tiết này nhắc chúng ta về tình yêu vô điều kiện của mình và sự sẵn sàng giúp đỡ anh chị em trong cảnh túng nghèo mà không so đo tính toán. (2) Bình diện tiêu cực là không làm điều gì hại người khác: “Đừng mưu hại tha nhân, hại người đang cùng con sống yên ổn. Đừng cãi cọ với ai vô cớ, khi họ chẳng làm gì để hại con. Chớ phân bì với ai tàn bạo, đừng chọn bất cứ con đường nào nó đã đi” (Cn 3:29-31). Động lực để thực hiện hai điều này không mang tính con người, nhưng có nguồn gốc bởi lòng mến Thiên Chúa. Nói cách khác, làm điều tốt hoặc tránh làm hại người khác phát xuất từ lòng yêu mến Thiên Chúa; phát xuất từ việc tin rằng Thiên Chúa sẽ thưởng phạt công minh trong ngày sau hết, “vì đối với Đức Chúa, kẻ gian tà là đồ ghê tởm; còn những ai chính trực, thì Người nhận làm bạn tâm giao. Đức Chúa giáng lời chúc dữ xuống nhà kẻ gian ác, nhưng tuôn đổ phúc lành trên nơi ở của những người chính trực công minh. Chúa chế giễu đứa hay nhạo báng, nhưng thi ân cho kẻ khiêm nhường” (Cn 3:32-34).

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục điều bài đọc 1 trình bày, đó là Chúa sử dụng những cách thức khác nhau để biểu hiện thánh ý Ngài. Bài Tin Mừng được đặt trong bối cảnh những cách thức khác nhau để lắng nghe lời Chúa. Những lời Chúa Giêsu nói mang tính cách ngạn ngữ. Những hình ảnh Ngài sử dụng cũng rất gần gũi với đời sống hằng ngày của người nghe. Ngài sử dụng những hình ảnh quen thuộc này để chuyển tải sứ điệp Ngài muốn dạy. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh “đốt đèn”: “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng” (Lc 8:16). Câu này trình bày cho chúng ta thấy kiểu nhà mà Thánh Luca biết, đó là nhà với sảnh và hành lang. Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh này để ám chỉ đời sống của các môn đệ [trong cộng đoàn Thánh Luca] phải là ánh sáng để đưa những ai tìm Chúa gặp được Ngài. Nói cách khác, người môn đệ phải biểu lộ cho người khác ánh sáng của Lời Chúa. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Chúng ta đã trở nên ánh sáng để soi rõ bước chân cho những anh chị em đang đi tìm Chúa chưa? Nhiều lần, thay vì là ánh sáng, chúng ta trở thành bóng tối che khuất đi lời Chúa để những người tìm kiếm không thể tìm thấy. Điều này xảy ra khi chúng ta không sống đúng với căn tính của mình là Kitô hữu hay những người được thánh hiến. Hãy là ánh sáng dọi bước chân cho những người tìm kiếm Chúa.

Chi tiết thứ hai trong bài Tin Mừng hôm nay để chúng ta suy gẫm là lời dạy của Chúa Giêsu về việc không có gì có thể che giấu “suốt đời”: “Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng” (Lc 8:17). Trong những lời này, nhiều người cho rằng Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải sống thành thật, không dối trá. Chúng ta có thể hiểu là như thế. Tuy nhiên, trong bối cảnh của trình thuật, câu này ám chỉ rằng sự hiểu biết về những “bí ẩn” của Nước Thiên Chúa [x. câu 10] không mang tính cách riêng tư hoặc chỉ dành riêng cho một số người được tuyển chọn. Sự hiểu biết này phải được chia sẻ cho mọi người. Nói cách cụ thể hơn, sự hiểu biết và niềm vui có Chúa không phải là điều chúng ta giữ riêng cho mình. Niềm vui có Chúa phải được chia sẻ cho mọi người. Điều này giả định rằng trước khi chia sẻ niềm vui có Chúa thì chúng ta phải “có Chúa” và cảm nghiệm được niềm vui có Ngài trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta đã có được điều này chưa? Nhà truyền giáo vĩ đại nhất không phải là người giảng thuyết lừng danh, nhưng là người có khả năng cảm nghiệm được niềm vui đích thật khi có Chúa trong cuộc đời mình.

Bài Tin Mừng kết với lời khuyến cáo của Chúa Giêsu cho các môn đệ về cách thức họ lắng nghe: “Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất” (Lc 8:18). Nghe mà không hiểu lời, đặc biệt là sự hiểu biết bắt nguồn từ nỗ lực truyền tải lời Chúa cho người khác, dẫn đến việc hoàn  toàn đánh mất việc lắng nghe. Nghe và hiểu phải đi với nhau. Nghe mà không hiểu thì cái mình nghe không có ý nghĩa gì. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại việc [thái độ] chúng ta lắng nghe lời Chúa. Nhiều khi chúng ta chỉ lắng nghe với đôi tai thể lý, còn con tim và tâm trí thì không lắng nghe. Để “được thêm” những gì chúng ta đã có qua việc lắng nghe lời Chúa từ trước đến giờ, chúng ta phải lắng nghe không chỉ với đôi tai thể lý, nhưng với cả trọn con tim và khối óc. Có như thế, chúng ta mới hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta.

THỨ BA

LẮNG NGHE VÀ ĐEM LỜI CHÚA RA THỰC HÀNH

(Cn 21:1-6.10-13; Lc 8:19-21)

Trong bài đọc 1, tác giả sách Châm Ngôn chỉ cho chúng ta thấy Thiên Chúa thấu suốt mọi tâm can. Ngài thấu suốt động lực làm việc của mỗi người. Còn chúng ta thì chỉ thấy những biểu hiện ở bên ngoài. Với Đức Chúa, điều quan trọng không phải là bề ngoài được thể hiện qua việc dâng của lễ, nhưng là cõi lòng, là lối sống công minh chính trực (x. Cn 21:2-3). Chúng ta cũng được khuyến cáo tránh những lối sống sau: (1) tỏ lòng kiêu hãnh, tự cao và chạy theo vẻ hào nhoáng của thế gian; (2) siêng năng tìm kiếm lợi nhuận cho riêng mình và luôn vội vàng hấp tấp trong mọi sự không biết suy nghĩ; (3) dùng môi miệng điêu ngoa để thu tích kho tàng. Đây chính là bẫy tự hại chính mình; (4) ước ao sự dữ cho kẻ khác; (5) bịt tai trước tiếng kêu của người cô thế (x. Cn 21:4-6.10-13). Nếu chân thành xét lại lòng mình, chúng ta không nhiều thì ít cũng rơi vào một trong những lối sống trên. Nhiều lần chúng ta cũng vội vàng trong lời nói hoặc hành động để rồi làm tổn thương anh chị em mình; hay chúng ta ước ao sự dữ cho những người làm chúng ta đau khổ. Cũng có lúc chúng ta bịt tai trước tiếng kêu giúp đỡ của anh chị em hay dùng miệng lưỡi của mình để thu góp vinh hoa cho riêng mình. Thiên Chúa thấu suốt tâm can mỗi người, nên chúng ta hãy sống thật với ơn gọi của mình trong mọi hoàn cảnh. Chỉ có như thế chúng ta mới trở thành người luôn đi trong đường lối Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay rất ngắn nhưng nó mang một ý nghĩa rất lớn cho những người Kitô hữu nói chung và những người thánh hiến cho Thiên Chúa nói riêng. Tầm quan trọng của bài Tin mừng nằm ở việc nó chỉ ra cho chúng ta tiêu chuẩn cần thiết để trở thành thành viên trong gia đình mới mà Chúa Giêsu đến để thiết lập. Bài Tin Mừng bắt đầu với sự kiện “mẹ và anh em Đức Giêsu đến gặp Người” (Lc 8:19). Chi tiết này cho thấy những người tìm Ngài có một mối tương quan “máu mủ” với Ngài. Đây chính là lối suy nghĩ của người Do Thái [thời đó]: chỉ những người có tương quan máu mủ mới được xem là “thuộc về gia đình” [hay thuộc về dân được tuyển chọn của Thiên Chúa vì là con cái Abraham]. Lối suy nghĩ này “cản trở” chúng ta lại gần Chúa Giêsu. Điều này được diễn tả trong việc “họ không làm sao lại gần [Chúa Giêsu] được” (Lc 8:19). Họ không lại gần Chúa Giêsu được vì họ không biết rằng tiêu chuẩn máu mủ không còn là tiêu chuẩn chính để thuộc về gia đình mới của Thiên Chúa [dân riêng] mà Chúa Giêsu đến để thiết lập. Khi liên hệ máu mủ không còn là tiêu chuẩn, thì “dân chúng quá đông” sẽ đến được gần Thiên Chúa [Chúa Giêsu].

Tiêu chuẩn Chúa Giêsu đưa ra để trở thành thành viên trong gia đình mới là: “nghe lời Thiên Chúa” và “đem ra thực hành” (Lc 8:21). Hai tiêu chuẩn này không thể tách rời. Tiêu chuẩn thứ nhất nối kết chúng ta với đoạn trích đi trước (Lc 8:16-18). Trong trích đoạn đó, Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ [và mọi người] “hãy để ý tới cách thức anh em nghe” (Lc 8:18). Cách thức nghe tuyệt hảo nhất là “giữ trong lòng, suy niệm và đem ra thực hành.” Đây chính là tiêu chuẩn mà Chúa Giêsu đưa ra cho những ai muốn trở thành môn đệ, thành viên trong gia đình mới của Ngài. Chúng ta cũng nghe lời Chúa mỗi ngày [hoặc ít nhất là mỗi Chúa nhật], chúng ta nghe như thế nào? Chắc chắn chúng ta nghe với đôi tai thể lý. Nhưng nghe với đôi tai thể lý không làm cho chúng ta trở thành môn đệ Chúa Giêsu. Chúng ta phải nghe với con tim [cõi lòng] và tâm trí rộng mở hầu có thể hiểu sứ điệp Chúa muốn nói với chúng ta. Bước cuối cùng của tiến trình nghe là “đem ra thực hành.” Như thế, cách thức nghe mà Chúa Giêsu đề nghị cho người môn đệ gồm ba bước: (1) nghe với đôi tai thể lý [với con tim và tâm trí rộng mở]; (2) giữ và suy niệm trong lòng; (3) đem ra thực hành.

Một chi tiết quan trọng trong bài Tin Mừng này chúng ta cần lưu ý là việc Thánh Luca trình bày Mẹ Maria như là kiểu mẫu của người môn đệ Chúa Giêsu. Mẹ là “thành viên kiểu mẫu nhất” trong gia đình mới Chúa Giêsu thiết lập, hay đúng hơn, Mẹ là Mẹ của gia đình này. Trong những lời [“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”], Chúa Giêsu không tỏ thái độ “bất hiếu” với Mẹ Maria, nhưng là tôn vinh Mẹ vì Mẹ là người “giữ lời Chúa và suy niệm trong lòng” (x. Lc 2:19). Mẹ không chỉ giữ và suy niệm trong lòng, nhưng mẹ còn đem ra thực hành. Là những người con của Mẹ [những người môn đệ Chúa Giêsu], chúng ta có giữ, suy niệm và đem ra thực hành lời Chúa không?

THỨ TƯ

ĐÁP LẠI LỜI MỜI GỌI CỦA CHÚA GIÊSU
Thánh Mátthêu, Tông Đồ, Tác Giả Sách Tin Mừng

(Ep 4:1-7.11-13; Mt 9:9-13)

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính Thánh Mátthêu Tông Đồ, một trong bốn tác giả sách Tin Mừng. Hình ảnh thánh nhân mang lại cho chúng ta nhiều niềm vui và hy vọng vào tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Ngài yêu thương và gọi chúng ta ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân. Vì vậy, chúng ta không có lý do gì để thất vọng khi nhận ra thân phận yếu đuối của mình. Nhưng sẵn sàng đứng lên để đáp lại tiếng Chúa Giêsu gọi chúng ta ngay trong những bận rộn “bất chính” của ngày sống. Trong ngày mừng kính Thánh Mátthêu, chúng ta để lời Chúa nói với chúng ta, vì lời Chúa là lời mang lại sự sống và có khả năng thanh luyện chúng ta.

Trong bài đọc 1, Thánh Phaolô trong cảnh tù ngục của mình khuyên nhủ tín hữu Êphêsô sống trung thành với ơn gọi mà Thiên Chúa ban cho họ (Ep 4:1). Thánh nhân đưa ra cách thức cụ thể để biết họ sống xứng đáng với ơn gọi của họ, đó là, “anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau” (Ep 4:2-3). Bên cạnh đó, thánh nhân sử dụng hình ảnh thân thể để nói về sự hiệp nhất của mọi người trong Đức Giêsu vì nhờ một Thần Khí. Họ nên một vì đối với họ chỉ “có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người” (Ep 4:5-6). Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là Thánh Phaolô cho biết họ “đồng nhất” chứ không “đồng hoá.” Nói cách khác, việc nên một trong Đức Kitô không làm cho họ mất đi ân sủng mỗi người “đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho” (Ep 4:7). Chính sự khác biệt này làm cho dân thánh nên phong phú hầu “chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là “xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4:12-13). Mỗi người chúng ta cũng được Chúa mời gọi để trở thành một bộ phận trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta được mời gọi để “bổ xung” và nâng đỡ nhau hầu trở nên một thân thể. Vì vậy, hãy sống cho xứng đáng với ơn gọi của mình, đừng trở nên nguyên nhân chia rẽ và bất đồng trong thân thể Chúa Giêsu [trong gia đình hay cộng đoàn].

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại ơn gọi của Thánh Mátthêu. Câu chuyện này cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô (2:13-17) và Thánh Luca (5:27-32). Câu chuyện được kể trong hai phần: ơn gọi của Thánh Mátthêu được trình thuật cách vội vàng trong câu 9 và đoạn kế tiếp nói về bữa ăn với những người tội lỗi trong câu 11-13. Theo các học giả Kinh Thánh, cùng với câu 14-17, trích đoạn này tạo nên một gián đoạn trong chuỗi mười phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện. Theo cấu trúc của câu chuyện, câu 9 nói về ơn gọi của Thánh Matthêu, và câu 10-13 là lời giải thích của Chúa Giêsu [trong ba câu nói của Chúa Giêsu nằm ở câu 12 và 13] cho những người chất vấn Ngài về lý do tại sao Ngài chọn một người “bị xem là tội lỗi” làm môn đệ Ngài.

Như chúng ta biết, đây là câu chuyện duy nhất về việc Chúa Giêsu dùng bữa với người thu thuế và tội lỗi trong Tin Mừng Thánh Mátthêu. Khi trình thuật điều này, Thánh Mátthêu muốn chỉ ra đây là lối thực hành rất chân thật của một Đức Kitô lịch sử hầu giúp chúng ta hiểu khía cạnh quan trọng của tính độc đáo và cụ thể trong sứ mệnh của Ngài. Nói cách khác, qua việc chia sẻ bữa ăn với tội nhân, Chúa Giêsu cho thấy Ngài hoàn toàn “nên một” với họ vì họ là “lý do” mà Ngài được sai đến. Cuộc sống của Ngài hoàn toàn khác biệt với những bậc thầy Do Thái thời đó. Ngài không đến để phá huỷ Do Thái Giáo, nhưng là để cứu những người bị Do Thái Giáo loại ra bên lề. Mục đích của Ngài cũng giống với những người Pharisêu [trong giai đoạn đầu], nhưng “chiến thuật” của Ngài thì khác. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về thái độ sống loại trừ của mình. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta xem mình là những người tốt, những người thánh thiện để loại trừ những thành viên khác trong cộng đoàn. Học theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi đến với những anh chị em bị loại trừ, chia sẻ cuộc sống với họ [ngồi chung bàn ăn với họ], lắng nghe những ưu tư cũng như những thất bại của họ. Hãy mang cho họ niềm tin và sự hy vọng, để họ đứng lên trở về với Chúa và trở về với anh chị em mình.

Chúng ta có thể suy gẫm bài Tin Mừng hôm nay theo cách trình bày các nhân vật liên quan. Trước hết là Thánh Mátthêu. Kinh Thánh cho chúng ta biết, thánh nhân là một người thu thuế. Ngài bị liệt vào hạng những người tội lỗi (x. Mt 9:10). Tuy nhiên, điều đáng để chúng ta lưu ý là sự sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu và sự thay đổi tận căn của thánh nhân. Ngay khi được Chúa Giêsu gọi: “Anh hãy theo tôi,” Mátthêu liền “đứng dậy,” đi khỏi chỗ ông kiếm sống, nơi ông làm việc mỗi ngày để đi theo Chúa Giêsu. Hơn nữa, ông còn mời Chúa Giêsu đến để dùng bữa tại nhà mình (x. Mt 9:9-10). Chúng ta thấy ở đây hai “chuyển vận” – “đứng dậy đi theo” và “mời vào trong nhà dùng bữa.”

Phản ứng của những người Pharisêu cũng là điều để chúng ta suy gẫm vì đây cũng là phản ứng của chúng ta khi nhìn thấy điều “không như chúng ta nghĩ”: “Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: ‘Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?’” Nhiều lần, chúng ta cũng “trách” hay “chê bai” Chúa: Tại sao Chúa lại cho những người tội lỗi đến gần Chúa; tại sao Chúa lại cho những người “sống ác” được thành công? Khi có ý định trách Chúa hay trách người khác, hãy nhìn vào trong tận con tim mình và tự nhủ: Tôi cũng là một tội nhân, tại sao tôi lại chê trách và loại trừ người khác? Tôi cũng cần Chúa như những người tội lỗi.

Cuối cùng, trong ba lời nói của Chúa Giêsu, Ngài chỉ ra tình trạng của Mátthêu [và của mỗi người chúng ta], đó là Mátthêu đang cần một thầy thuốc vì ông là người đau ốm: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt 9:12). Ngài cũng chỉ ra ý muốn và sứ mệnh của Ngài: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9:13). Đây cũng chính là tình trạng của mỗi người chúng ta và Chúa Giêsu cũng đến với chúng ta như đã đến với Mátthêu. Điều quan trọng là chúng ta có nhận mình là người đau ốm cần đến Ngài không hay chúng ta cũng như những người Pharisêu, là những người xem mình công chính, thánh thiện hơn người khác, không cần đến Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đến để gần gũi những người tội lỗi. Đây cũng là sứ mệnh của những người theo Ngài. Chúng ta cũng phải gần gũi những người chúng ta xem là tội lỗi, để yêu thương, tha thứ và đem họ về với Chúa.

THỨ NĂM

GẶP CHÚA VÌ TÌNH YÊU HƠN LÀ VÌ TÒ MÒ

(Gv 1:2-11; Lc 9:7-9)

Hôm nay, chúng ta bắt đầu nghe bài đọc 1 từ sách Giảng Viên [hay còn gọi là sách Côhelét] trong. Lời đầu tiên làm chúng ta đáng suy gẫm: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1:2). Nhìn lại lịch sử thế giới và cuộc đời mỗi người, chúng ta nhận ra mọi sự đều qua đi. Tìm kiếm vinh quang lợi lộc rồi con người cũng trở về cát bụi: “Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới” (Gv 1:3-8). Những chi tiết này không có ý đưa ra một lối suy nghĩ bi quan yếm thế, nhưng dạy cho chúng ta biết sống thế nào khi biết mọi sự chỉ là phù vân trong đời. Trong những lời trên chúng ta thấy mọi vật trong đời luôn sống đúng với bản chất của chúng và tuân theo định luật được đặt ra cho chúng. Điều này nhắc nhở chúng ta sống đúng với bản chất “người” [con Thiên Chúa] của mình đồng thời tuân theo đường lối Thiên Chúa vạch ra để chúng ta đạt đến cùng đích sống của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay nói về định mệnh vị tiền hô của Chúa Giêsu. Khi trình thuật về sự kiện này, Thánh Luca muốn nhắc nhở thính giả của mình rằng: định mệnh của vị tiền hô tiên báo về định mệnh của Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài. Đoạn trích này cũng được Thánh Máccô (Mc 6:14-16) thuật lại. Nếu đặt trong cấu trúc, chúng ta sẽ thấy trích đoạn này là phần “thịt” được kẹp bên trong hai miếng “bánh mì,” đó là sai các môn đệ đi rao giảng (Lc 9:1-6) và các môn đệ trở về (Lc 9:10-17). Giống như sứ vụ của Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu gặp nhiều chống đối, thì Giáo Hội [các môn đệ của Chúa Giêsu] cũng sẽ gặp chống đối.

Chi tiết đầu tiên là thái độ của Hêrôđê khi nghe biết tất cả những gì Chúa Giêsu [và các môn đệ được sai đi] thực hiện, thì ông “phân vân”: “Khi ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm” (Lc 9:7). Từ những gì xảy ra, ông phân vân về “con người.” Nói cách khác, từ những gì xảy ra đã làm cho ông băn khoăn tự hỏi: Chúa Giêsu là ai? Trong phần này, chúng ta thấy hình bóng của câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ: Người ta gọi thầy là ai? Còn anh em, anh em gọi thầy là ai? Bất kỳ ai trong chúng ta cũng phải đối diện với những câu hỏi này. Ngay cả Hêrôđê, ông cũng đối diện với câu hỏi như thế. Ông cũng nghe người ta nói về Chúa Giêsu là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy hay ông Êlia xuất hiện hay một ngôn sứ thời xưa sống lại (x. Lc 9:8). Những “ý kiến” của người khác không giải toả được sự phân vân của Hêrôđê. Ông muốn đi tìm câu trả lời về căn tính Chúa Giêsu cho riêng mình: “Còn vua Hêrôđê thì nói: ‘Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?’ Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu” (Lc 9:9). Trong những lời này, chúng ta thấy chứa đựng một chân lý mà chúng ta cần lưu ý, đó là nếu muốn có câu trả lời cho riêng mình về Chúa Giêsu, chúng ta phải “tìm cách gặp Đức Giêsu.” Thái độ “tìm gặp của Hêrôđê” được đặt đối nghịch với thái độ của những người mở rộng với mạc khải của Thiên Chúa trong cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (x. Lc 23:35-49). Nói cách khác, Hêrôđê muốn gặp Chúa Giêsu để thoả mãn tình “tò mò” của mình chứ không phải để “trở nên môn đệ của Ngài.” Còn những người mở rộng cõi lòng đón nhận mạc khải của Thiên Chúa qua Đấng bị treo trên thập giá không phải để thoả mãn sự tò mò, nhưng để trở nên môn đệ của Ngài hầu được sai đi loan báo điều họ vừa chứng kiến. Tóm lại, điều Thánh Luca muốn thính giả mình nhận ra trong trình thuật hôm nay là nếu họ không tìm cách gặp gỡ Chúa Giêsu, họ sẽ không bao giờ biết được Ngài là ai. Bên cạnh đó, họ phải xét lại động lực tìm gặp Chúa Giêsu: họ tìm gặp không phải để thoả mãn tính tò mò, nhưng là để trở thành môn đệ của Ngài.

THỨ SÁU

ĐỐI VỚI TỐI, CHÚA GIÊSU LÀ AI?

(Gv 3:1-11; Lc 9:18-22)

Tác giả của sách Giảng Viên trình bày cho chúng ta mọi sự dưới bầu đều có thời của chúng, không có gì là vĩnh viễn. Hay nói cách khác, mọi sự xảy ra đều có ý nghĩa của chúng: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà” (Gv 3:1-8). Nhìn lại cuộc sống của mình, chúng ta thấy mỗi người cũng đã kênh qua những thời khắc khác nhau. Ngay cả trong một ngày sống, có khi chúng ta vui, có khi lại buồn, có khi quảng đại nhưng cũng có khi keo kiệt. Mỗi sự kiện xảy ra nối kết với nhau để tạo nên ý nghĩa của ngày sống. Chúng ta thường nghe, “không ai giàu ba họ mà cũng không ai khó ba đời.” Có chăng điều quan trọng là thái độ của chúng ta trước những sự kiện xảy ra trong cuộc sống như thế nào. Nếu luôn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận ra rằng: “Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử” (Gv 3:11). Mọi sự xảy ra đúng thời đúng lúc hầu theo thánh ý Ngài. Chỉ với con mắt đức tin chúng ta mới nhận ra được điều này vì dù trí hiểu chúng ta có siêu phàm đến đâu, chúng ta cũng không thể hiểu được mầu nhiệm thánh ý Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta cần phải vui trồng thái độ tín thác yêu thương, hoàn toàn đặt mình trong bàn tay hiền từ quan phòng của Thiên Chúa.

Như chúng ta đã thấy trong bài Tin Mừng hôm qua việc Hêrôđê “tò mò” để biết Chúa Giêsu là ai. Câu hỏi của ông được trả lời trong Tin Mừng hôm nay. Chi tiết đầu tiên mà chúng ta cần lưu ý trong hành trình “tìm cách để biết Chúa Giêsu” là việc “ở lại với Chúa Giêsu”: “Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người” (Lc 9:18). Các môn đệ cũng ở đó, trong giây phút cầu nguyện với Chúa Giêsu. Nói cách khác, Chúa Giêsu và các môn đệ đang cùng thực hiện một hành động, đó là cầu nguyện – kết hiệp mật thiết với Chúa Cha. Chính trong giây phút kết hiệp với Chúa Cha mà Chúa Giêsu “ý thức” mình là ai và như thế Ngài hỏi các môn đệ xem họ có biết Ngài là ai không: “Người hỏi các ông rằng: ‘Dân chúng nói Thầy là ai? Các ông thưa: ‘Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.’ Người lại hỏi: ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ Ông Phêrô thưa: ‘Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.’Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai” (Lc 9:18-21). Trong những lời này, chúng ta nhận ra hai giai đoạn trong việc đạt đến “kiến thức” chính xác về căn tính của Chúa Giêsu. Giai đoạn 1 là “biết về” Chúa Giêsu. Trong giai đoạn này, kiến thức được thu tập qua việc lắng nghe [hoặc đọc] những người biết về Chúa Giêsu. Chúng ta thấy điều này giống với bài Tin Mừng hôm qua. Kiến thức thu tập được trong giai đoạn này cũng quan trọng, nhưng không phản ánh cách trung thực về Chúa Giêsu vì nó mang tính “lý thuyết.” Giai đoạn 2 bắt đầu với lời mời gọi “gặp gỡ cá vị.” Giai đoạn này được gọi là giai đoạn “biết Chúa.” Yếu tố quan trọng trong giai đoạn này là “gặp gỡ cá vị” trong cùng một hành động với Chúa Giêsu [trong tương quan với Chúa Cha]. Kiến thức đạt được trong giai đoạn này là “một tương quan” chặt chẽ với Thiên Chúa chứ không phải là một mớ kiến thức trừu tượng.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý rằng dù chúng ta có được kiến thức chân thật về Chúa Giêsu trong việc gặp gỡ cá vị của Ngài, kiến thức của chúng ta vẫn giới hạn và chưa hoàn toàn đầy đủ. Trong câu trả lời của Phêrô, chúng ta nhận thấy một cái nhìn “phiến diện” về “Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Phêrô và các môn đệ “biết” đúng về Chúa Giêsu là Đấng Kitô, nhưng “hiểu” chưa đúng về Ngài. Họ hiểu Ngài là Đấng Kitô theo truyền thống Con Người Vinh Quang trong sách Đanien. Cái hiểu này chưa phản ánh trung thực về căn tính của Chúa Giêsu, nên Ngài nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. Để bổ sung cho cái hiểu phiến diện của các môn đệ, Chúa Giêsu trình bày khía cạnh thứ hai về căn tính của Ngài, đó là Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Isaiah: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9:22). Như vậy, một hình ảnh hoàn hảo về căn tính của Chúa Giêsu được thiết lập, đó là một Đức Kitô đạt đến vinh quang qua con đường đau khổ, đạt đến phục sinh qua sự chết. Đây là hai khía cạnh không thể tách rời trong “căn tính” của Chúa Giêsu và cũng là hai yếu tố không thể tách rời trong đời sống người môn đệ Chúa Giêsu.

THỨ BẢY

ĐAU KHỔ: ĐIỀU TẤT YẾU CỦA CUỘC SỐNG

(Gv 11:9 – 12:8; Lc 9:43b-45)

Với sự khôn ngoan của mình, tác giả sách Giảng Viên khuyên các bạn thanh niên đang trong tuổi thanh xuân “cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn, và làm cho tâm hồn được hạnh phúc trong những ngày còn trẻ: cứ chiều theo ước muốn của lòng mình và những gì mắt mình ưa thích. Nhưng bạn phải biết rằng: về tất cả những điều đó, Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử” (Gv 11:9). Lời khuyên này muốn người trẻ vui hưởng tuổi thanh xuân của mình trong việc tìm kiếm những gì mà lòng mình mong ước với tinh thần trách nhiệm vì phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa cho những gì mình làm trong tuổi thanh xuân [nhiều lần bồng bột]. Bên cạnh đó, những người đang giữa tuổi thanh xuân cần nhận ra sự chóng tàn của tuổi xuân mà “tưởng nhớ đến Đấng dựng nên mình” (Gv 12:1). Họ cũng phải thực hiện bốn cái “đừng”: (1) “Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới, đừng chờ cho năm tháng qua đi, những năm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói: “Tôi chẳng có được một niềm vui nào trong thời gian đó cả!” (Gv 12:1); (2) “Đừng chờ đến khi mặt trời với ánh sáng, mặt trăng cùng tinh tú đều trở thành tối tăm, và mây đen tụ lại khi cơn mưa đã dứt” (Gv 12:2); (3) “Đừng chờ đến khi chỉ bạc đứt, bình vàng vỡ, vò nước bể ngay tại hồ chứa nước, ròng rọc gãy, vụt rơi xuống giếng sâu” (Gv 12:6); (4) “Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất, khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa hơi thở Người đã ban cho mình” (Gv 12:7). Nói tóm lại, bốn cái đừng nhắc nhở chúng ta, nhất là những người đang trong tuổi thanh xuân một điều, đó là đừng chờ đến lúc quá muộn để yêu Chúa và yêu anh chị em mình.

Bài Tin Mừng hôm nay gồm ba câu. Nếu chúng ta lưu ý cẩn thận, chúng ta thấy cấu trúc bài Tin Mừng được sắp xếp cách cẩn thận để truyền tải cho chúng ta sứ điệp Chúa Giêsu muốn nói đến. Nội dung chính của sứ điệp đó nằm trong câu giữa (câu 44):  “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Những lời này đưa chúng ta về với lời khẳng định của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm qua về Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa. Để “biết” và “hiểu” điều này, thái độ cần thiết mà người môn đệ phải có là “lắng tai nghe cho kỹ.” Lắng nghe là thái độ mà người Do Thái được mời gọi để sống trong tương quan với Thiên Chúa. Đây là mệnh lệnh được tìm thấy trong “Shema Israel” (Đnl 4:6). Còn đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, thái độ lắng nghe phải là thái độ cần thiết nhất trong hành trình biết Chúa Giêsu là ai. Ngài là Lời của Thiên Chúa. Lời phải được lắng nghe. Chúng ta sẽ không biết và hiểu được Lời nếu chúng ta không lắng nghe cho kỹ.

Thái độ lắng nghe của người môn đệ được đặt đối nghịch với thái độ “bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giêsu làm” của mọi người. Ở đây chúng ta cần lưu ý rằng: trong Tin Mừng Thánh Luca, tất cả các việc làm của Chúa Giêsu phải được nhìn từ khía cạnh của thập giá. Thái độ này được đặt đối diện với thái độ “tò mò” của Hêrôđê về những việc Chúa Giêsu làm. Qua việc làm của Chúa Giêsu, nhiều người đặt nghi vấn về căn tính của Ngài. Ở đây chúng ta nhận ra một định luật triết học, đó là hành động mạc khải hữu thể. Nói cách khác, qua hành động chúng ta biết được hữu thể. Cũng vậy, qua hành động của mình, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết Ngài là ai. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về đời sống của mình. Chính hành động của chúng ta tỏ cho người khác biết mình là ai. Vấn đề ở đây là chúng ta không chỉ là những “con người” như những người thuộc tôn giáo khác. Chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu; chúng ta là “con Thiên Chúa.” Liệu hành động của chúng ta có phản chiếu những thực tại này không?

Trước lời khẳng định về “căn tính của mình” là Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa, các môn đệ “không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy” (Lc 9:45). Theo Marshall, câu này là lối diễn tả của Thánh Luca về “sự bí mật về đau khổ.” Nói cách cụ thể hơn, đau khổ hàm chứa một bí mật mà không ai có thể hiểu được. Chính bí mật này làm cho con người đôi khi cảm thấy sợ hãi. Quả vậy, kinh nghiệm cuộc sống dạy chúng ta rằng khi đối diện với đau khổ, chúng ta thường hỏi “tại sao.” Và chúng ta nhiều lần không tìm thấy câu trả lời. Đau khổ quả là một huyền nhiệm làm cho ai trong chúng ta cũng hoảng sợ. Chúng ta hoảng sợ đến nỗi, như các môn đệ, không dám hỏi Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một câu trả lời về đau khổ. Chỉ sau khi Chúa Giêsu phục sinh và món quà của sự hiểu biết được ban (x. Lc 24:13-35), các môn đệ mới hiểu được ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm của đau khổ. Cũng vậy, chỉ trong mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu chúng ta mới có thể hiểu được những đau khổ mà mình đã hoặc đang đối diện. Càng đau khổ bao nhiêu, chúng ta càng phải ngước nhìn Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá bấy nhiêu. Chỉ trong ánh sáng của mầu nhiệm thập giá mà chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của những đau khổ chúng ta chịu.