Các Bài suy niệm Tuần 24 Thường niên

541

SUY NIỆM TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

 

THỨ HAI TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

THỨ BA TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN (Lễ nhớ Thánh Gioan Kim Khẩu)

THỨ TƯ TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN (Lễ kính: SUY TÔN THÁNH GIÁ)

THỨ NĂM TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN (15/9 lễ nhớ: Đức Mẹ Sầu Bi)

THỨ SÁU TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN ( Lễ nhớ Thánh Cornêliô và Thánh Cypprianô)

THỨ BẢY TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

THỨ HAI TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

 

Lời Chúa: LC 7, 1-10

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: “Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”.

Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: “Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.

 Suy niệm:

Sống thế nào để đẹp lòng Thiên Chúa và được mọi người quý mến? Đó là điều mà bài tin mừng hôm nay muốn nói đến.

Lối sống cao đẹp của viên sĩ quan ngoại giáo người Rôma mà tin mừng thánh Luca hôm nay đề cập đến, đã được Chúa Giêsu khen ngợi; chắc chắn đó  phải là lối sống mà Chúa mong muốn nơi người Kitô hữu chúng ta vươn đến. Vậy đó là lối sống nào?

  1. Trước tiên là lối sống tử tế:

– Tử tế đối với người ăn kẻ ở. Bằng tình thương chân thành qua việc tận tâm lo lắng và vất vả hy sinh tìm thầy chạy thuốc để cứu chữa cho người đầy tớ của ông đang bị bệnh nặng.

– Tử tế với Thầy Giêsu. Với lòng kính trọng Đức Giêsu, ông nghĩ mình không xứng đáng đến gặp trực tiếp Ngài, nên ông đã nhờ những người có uy tín trong đạo làm trung gian giúp ông tiếp cận Chúa Giêsu để xin Ngài cứu chữa cho tên đầy tớ của ông. Hành động ứng xử tinh tế này cho thấy ông quả là con người hết sức nhân bản và tử tế.

– Tử tế với dân tộc Do Thái. Việc làm tử tế của ông không chỉ giới hạn đối với cá nhân một ai đó, mà còn dành cho cả dân tộc Do Thái nữa. Chính vì vậy mà ông đã được người dân Do Thái quý mến qua lời xác nhận: “ông ta đã yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.”

  1. Thứ đến ông có lòng khiêm tốn:

Với chức vị sĩ quan của đế quốc Rôma nên quyền thế của ông rất lớn trong xã hội. Đáng lẽ ra ông chỉ cần ra lệnh là Đức Giêsu cũng phải tùng phục theo mệnh lệnh của ông. Nhưng không, trái lại ông chỉ nhận mình là người bé nhỏ không xứng đáng trực tiếp gặp Chúa Giêsu và còn cho rằng ngôi nhà của ông cũng không xứng hợp để Chúa Giêsu đặt bước chân vào: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi”.

  1. Trên hết, ông ta là người có đức tin mạnh mẽ:

Với kinh nghiệm của một người lãnh đạo quân đội, ông hiểu rằng chỉ cần cấp trên ra lệnh là cấp dưới phải phục tùng. Áp dụng kinh nghiệm ấy vào đời sống đức tin, ông xác tín rằng chỉ cần Đức Giêsu phán một lời thì mọi bệnh tật đều tan biến. Chính niềm xác tín mạnh mẽ đó nên ông đã được Chúa Giêsu khen ngợi hết lòng: “Trong Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và Người đã ra tay chữa lành cho tên đầy tớ theo như ý nguyện của ông.

Xin cho chúng ta biết học nơi người sĩ quan Rôma ngoại giáo này những đức tính cao đẹp trong cách ứng xử, nhờ đó mới mong được mọi người quý mến và xứng đáng đón nhận phúc lành của Chúa.

 

 

THỨ BA TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN (Lễ nhớ Thánh Gioan Kim Khẩu)

 

 Lời Chúa: Lc 7,11-17

Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: “Ðừng khóc nữa”. Ðoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.

Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người”. Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.

Suy niệm:
(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

Khác hẳn với phép lạ Chúa Giêsu chữa lành người đầy tớ viên bách quản trong bài Tin Mừng hôm qua, hôm nay chúng ta thấy Chúa làm phép lạ không phải do người ta xin và người được thụ hưởng phép lạ cũng chẳng hề biết gì về việc này vì anh đã chết.

Hoàn cảnh hôm đó rất đặc biệt. Có hai đoàn người gặp nhau ở gần cổng thành: một đoàn người có Đấng ban sự sống dẫn đầu và một đoàn người khác cùng với một người mẹ goá tiễn đưa đứa con trai duy nhất của bà tới nơi an nghỉ cuối cùng. Tình trạng còn đau khổ hơn nữa khi người mẹ góa này không còn người đàn ông nào đứng ra bảo lãnh tài sản mình trước pháp luật và bảo vệ danh dự cho mình trong một xã hội trọng nam khinh nữ nhiều bất công này.

Đức Giêsu đã xúc động và cảm thông với nỗi đau buồn lớn lao ấy. Người là Con Thiên Chúa cho nên Người thấy rõ những khốn cực của loài người và Người là con người nên lại càng nhạy bén hơn trước những nỗi bất hạnh và đau khổ của họ. Người dừng lại trước bà mẹ đang tuyệt vọng và an ủi bà. “Bà đừng khóc nữa!” (Lc 7,13). Việc đó nói lên sự quan tâm của Chúa.

Vào tháng thứ hai của một khóa học tại trường đào tạo nghiệp vụ y tá, giảng viên cho chúng tôi làm một bài kiểm tra về kiến thức phổ thông.

Tôi vốn là một sinh viên chăm chỉ nên dễ dàng trả lời mọi câu hỏi trong bài kiểm tra, trừ câu hỏi cuối: “Chị tạp vụ ở trường tên là gì?”Tôi nghĩ đó chỉ là một câu hỏi cho vui. Tôi đã trông thấy chị ta vài lần. Chị có dáng người cao, mái tóc nâu sậm và khoảng 50 tuổi, nhưng làm thế nào mà tôi có thể biết tên chị được kia chứ? Tôi nộp bài và bỏ trống không trả lời câu hỏi đó.

Trước khi tan học, một sinh viên đứng lên hỏi giảng viên về cách tính điểm câu hỏi cuối trong bài kiểm tra vừa làm. Giáo sư bộ môn trả lời:

– Tất nhiên là có tính điểm. Trong mọi ngành nghề, các anh chị luôn phải gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Tất cả những con người đó đều có ý nghĩaHọ đáng được các anh chị quan tâm chú ý đến, cho dù tất cả những gì ta có thể làm cho họ chỉ là một lời chào hỏi và một nụ cười.

Tôi đã không quên bài học đó trong suốt cuộc đời mình. Tôi cũng đã biết được tên của chị tạp vụ trong trường. Chị ta tên là Dorothy.

Vâng, chúng ta hãy tập cho mình một thói quen biết cảm thông và chia sẻ. Một trái tim biết cảm thông và chia sẻ là trái tim của con người.

Các nhà đạo đức ngày nay đã nói nhiều về sự dửng dưng và vô cảm của người thời đại. Hình như cuộc sống càng cao, càng sung túc thì con người lại càng ích kỷ thêm. Nhiều người đã biến trái tim của mình trở thành vô cảm trước những nỗi khổ đau của người khác, nhất là những người nghèo khó đau khổ.

Là những người con của Chúa, chúng ta đừng bao giờ làm như thế. Hãy nhớ: Niềm vui biết chia sẻ là niềm vui sẽ được nhân đôi và nỗi buồn được chia sẻ là nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa.

  1. Tin Mừng còn ghi tiếp: “Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ”(Lc 7,15).

Rất tế nhị và cũng rất gần gũi. Chúa Giêsu trao,…trao người đã chết được Ngài cho hồi sinh vào tận tay người mẹ. Bằng cử chỉ như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người hiểu rằng, lúc nào Chúa cũng ở thật gần con người nhất là những ai cần đến Chúa.

Cảm nhận được sự gần gũi của Chúa trong cuộc đời là một cảm nhận rất cần thiết. Nó sẽ đem lại cho con người nhiều nghị lực và niềm vui.

Có một người đàn bà đạo đức nọ, trong cơn bệnh thập tử nhất sinh, chỉ có hy vọng duy nhất để cứu sống bà, đó là giải phẫu. Người đàn bà chấp nhận giải phẫu vì hy vọng còn sống cho người con trai của bà. Khi người ta bắt đầu giải phẫu, bà yêu cầu cho con bà được chứng kiến giờ đau khổ của bà. Vào thời mà thuốc tê chưa có, bệnh nhân thường qua những cơn đau khủng khiếp. Mặc dù đau đớn, nhưng người đàn bà vẫn can đảm chịu đựng. Thế nhưng, vào cuối giờ mổ, khi các y sĩ chạm đến gần tim, người đàn bà rùng mình và kêu: “Lạy Chúa”.

Chứng kiến cảnh đau đớn của mẹ, đứa con trai không làm chủ được cảm xúc, đã thốt lên những lời xúc phạm đến Chúa. Lúc đó, người đàn bà nghiêm nghị bảo con: “Con ơi, im đi, con đã làm mẹ đau đớn hơn các bác sĩ nhiều. Con đã làm sỉ nhục Đấng ban sức mạnh và an ủi cho mẹ”. Nói xong, bà mở tay cho mọi người xem một tượng chịu nạn nhỏ bà nắm chặt trong tay suốt giờ mổ. Sau mấy tháng quằn quại đau đớn, người đàn bà đã an nghỉ trong Chúa. Trước khi lìa đời, bà trao ảnh chuộc tội đó cho con trai và căn dặn: “Con hãy giữ lấy ảnh này, vì đó sẽ là niềm an ủi cho con”.

 

THỨ TƯ TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN (Lễ kính: SUY TÔN THÁNH GIÁ)

Lời Chúa: Ga 3,13-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: “Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.

“Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”.

 Suy niệm:

(ĐGM. Phaolô M. Cao Đình Thuyên)

Một nhà thông thái nằm mơ thấy mình để cả cuộc đời đi tìm một cuốn sách hay nhất gồm tóm mọi sự trên đời, cuốn sách đó chỉ tóm gọn trong một trang hay nhất, rồi trang ấy gồm trong một dòng hay nhất, rồi dòng ấy trong một chữ hay nhất. Ông giật mình tỉnh dậy, trên bàn ông có một chữ to tướng: Crux, Thánh Giá.

Phải, Thánh Giá là chữ hay nhất gồm tóm những bài học hay nhất, của một dòng chữ hay nhất, của một trang hay nhất, của một cuốn sách hay nhất. Vậy Thánh Giá là gì? Chắc chắn ta không nhìn và giải thích về mặt thể lý: 2 thanh gỗ, sắt, đồng, chì, vàng, bạc đóng vào nhau thành hình chữ thập, dù có gắn ảnh chuộc tội hay không.

Thánh Giá là tình thương vô biên của Thiên Chúa qua Chúa Kitô, đã tỏ cho loài người bằng cách hứng chịu mọi đau khổ trên thập giá để cứu độ chúng ta, và ngược lại, Chúa muốn chúng ta cũng qua Thánh Giá đóng góp phần mình vào ơn cứu độ để cứu mình và anh em, để tất cả được sống lại vinh quang với Chúa. Chỉ một vài dòng đơn sơ, nhưng nói đến Thánh Giá là động chạm đến bao vấn đề hết sức quan trọng và sâu sắc.

Trước hết, Thánh Giá là tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Thánh Gioan viết: “Tình yêu Thiên Chúa cốt tại điều này là không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước nhưng chính là Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước. Tình yêu của Thiên Chúa biểu hiện qua việc Ngài đã sai Con Một Ngài vào trong thế gian để làm của lễ đền tội chúng ta”. Như thế, tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu nhưng không, vô vị lợi. Chúa yêu chúng ta không phải vì chúng ta tốt hay vì Ngài cần chúng ta, nhưng chỉ vì Chúa tốt lành vô song. Tiên tri Giêrêmia đã nói rất cảm động: “Ta đã yêu con bằng tình yêu muôn đời, bởi thế Ta đã giữ bền ân nghĩa với con” (Giêrêmia 31,3). Thánh Augustin cũng nói: “Nguồn nước có được lợi gì khi kẻ khát nước đến uống ở đó, mặt trời có lợi gì khi con mắt được ánh sáng chiếu tới”. Nhà thần học Don Scot dòng Phanxicô, vào thế kỷ 14 còn nói mạnh hơn: “Giả thiết loài người không phạm tội thì vì yêu ta Chúa cũng có thể làm người và chịu nạn chịu chết”. Giả thiết vậy để kích thích ta thêm lòng đạo đức, đào sâu thêm huyền nhiệm tình yêu, chứ thực tế loài người đã phạm tội và Chúa đã sai con Ngài xuống thế gian thật để cứu chúng ta bằng cả cuộc sống của Ngài, mà cao điểm là cuộc khổ nạn và chết trên thập giá. Trước một tình yêu cao cả và vô vị lợi như thế sao ta lại dễ thất vọng chán nản mỗi khi gặp thử thách? Là con cái Chúa, là tu sỹ, nhất là tu sỹ Mến Thánh Giá lại ngã lòng mỗi khi Chúa muốn chúng ta chia sẻ Thánh Giá với Ngài? Phải chăng ta còn quá ích kỷ trong việc mến yêu Chúa? Ta yêu Ngài chỉ vì ta cần đến Ngài chẳng khác gì coi Ngài như cái vòi nước, khi cần thì đến vặn dùng, xong lại đóng sập lại ngay.

Một nhà mục sư Tin Lành giảng về câu Kinh Thánh của Thánh Gioan trên rất hay: 2 gia đình, 1 Công giáo, 1 Tin lành đi lại với nhau rất thân, gia đình Công giáo có 5 người con, ông bà Tin lành đã già mà không có con. Họ quý mến nhau lắm và mọi sự thông cảm chia sẻ với nhau rất quảng đại. Một hôm ông bà Tin lành mạnh dạn nói với ông bà Công giáo: Cả 2 ta cùng thờ một Chúa Giavê, một Chúa Kitô, tuy là 2 Hội Thánh nhưng chúng ta vẫn quý mến nhau vì cũng gặp ở một Chúa. Chúa cho gia đình bác nhiều cô cậu, còn tôi trong cảnh già nua buồn bã, tôi muốn xin bác cho chúng tôi 1 cô hoặc 1 cậu để ông bà làm vui. Tôi hứa sẽ yêu thương giáo dục cháu hết sức! Ông bà Công giáo cảm động quá về bàn với nhau xem nên cho đứa nào.

– Con cả là một cậu trai tuấn tú, thông minh, ngoan ngoãn, nhất định không được. Vả ai lại cho trưởng nam đi.

– Con thứ là một cô gái xinh đẹp đạo đức lại vừa đính hôn với một thanh niên xứ bạn, ai lại cho đi đứa con chỉ vài ba tháng nữa sẽ về nhà chồng.

– Con thứ ba là cậu trai tàn tật, què chân. Hai vợ chồng buồn bã cho số phận hẩm hiu của con nên càng đem lòng ưu ái con để bù thiệt cho nó, thì sao có thể cho nó đi và lại cho bạn một đứa con tàn tật, làm sao coi được.

– Con thứ tư là một cô thiếu nữ 10 tuổi. Vừa nói tới bà đã khóc tru trếu vì bà coi cô như hòn ngọc. Bà coi cô là hình ảnh sống động của mình vì lời ăn tiếng nói, nụ cười, cả dáng đi đều giống hệt như bà.

– Con thứ 5 là cậu trai út, 4 tuổi, suốt ngày nói nói cười cười, khi ngồi trên gối mẹ, lúc lại nằm trên tay cha. Đi nhà thờ, đi dạo chơi luôn kèm theo mẹ cha sao có thể rời được. Rút cuộc đành phải báo lại cho ông bạn Tin lành là không thể cho ông bạn được đứa nào cả

Nhà mục sư cao giọng: Con người thân thiết nhau đến thế mà người có 5 con không thể cho ông bạn 1 đứa. Thế mà Thiên Chúa và nhân loại có thân thiết nhau được như thế không? Tội lỗi đã làm con người nên tử thần với Chúa, Chúa Cha lại chỉ có 1 người con vô cùng quý hóa, ấy mà Ngài lại cho con mình xuống trần gian tội lỗi chịu trăm ngàn đau khổ mà cao điểm là Thánh Giá để loài người được an vui.

Chúng ta nghĩ sao về tình yêu Chúa đối với ta và tình mến ta với Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ cho nỗi vong ân bội nghĩa của chúng con!

Cũng vì thế mà đứng trước Thánh Giá chúng con vẫn không một chút mủi lòng. Vì không cảm hết được tình yêu Chúa đã tự triệt tiêu mình vì chúng con. Chúng con mang Thánh Giá trong mình mà chúng con lại mau mắn xua đuổi Thánh Giá đi xa dù chỉ là một Thánh Giá nhỏ nhẹ – một chút nhức đầu sổ mũi, một lời nói đùa cợt, một sự góp ý xây dựng đã đủ làm con phản ứng gay gắt, đỏ mày đỏ mặt, cử chỉ thô bạo, lắm lúc còn ấm ức tìm cách báo thù.

Ôi thật là lạ lùng! Thế mà con còn dám hãnh diện vì mình là người yêu Thánh Giá. Lạy Chúa, nghĩ lại chúng con thật đáng xấu hổ thẹn thùng. Thật đáng Chúa quở trách: Bọn này thờ ta bằng môi bằng miệng. Chúng con thật đáng liệt vào hạng ngoại giáo, thu thuế và bọn Biệt phái trong Phúc Âm.

Cũng vì không cảm hết được tình Chúa yêu con đến triệt tiêu mình cho con, nên con thường mắc bệnh chủ quan và luôn nhìn và phóng đại đau khổ mình mà không biết nhìn đến những thánh giá kẻ khác. Đau khổ mình thì dùng kính hiển vi mà phóng đại để tủi thân, để phàn nàn, để than trách. Còn đau khổ kẻ khác thì lại coi nhẹ, cho là việc nhà giàu đứt tay, không đáng kể. Ôi thật là ích kỷ! Sao con không nhìn lên Thánh Giá với những đau khổ dữ dằn hồn xác của Chúa đã gánh chịu cho con và cho tha nhân con. Tự hào là những người yêu Thánh Giá hơn ai, mến Chúa hơn ai mà con lại không biến cải những Thánh Giá chúng con thành những cây Thánh Giá để nên giống Chúa, để biểu lộ tình yêu Chúa yêu tha nhân? Thánh Têrêxa Avila thì nói: “Hoặc đau khổ hoặc chết”. Thánh Mađalêna de Passi: “Không chết nhưng xin đau khổ mãi mãi”. Thánh Rosa Lima: “Lấy vòng gai có mũi nhọn đội lên đầu, vác cây khổ giá nặng lâu giờ trong một ngày, ban đêm tự treo 2 tay lên khổ giá để kết hợp với Chúa hấp hối trên thánh giá xưa. Thế mà con, tu sỹ Thánh Giá thì lạikhiếp sợ Thánh Giá, chê chối tránh né Thánh Giá. Thật dân này chỉ mến ta bằng môi bằng miệng. Nhà văn Montalenebat viết trong cuốn “Các đan sỹ Phơng Tây” miêu tả lời than của cây gỗ Thánh Giá rất cảm động như sau: Từ năm xửa năm xưa, lâu lắm rồi, tôi không còn nhớ nữa, lúc đó tôi mọc ở khu rừng, họ đã hạ tôi xuống đất, cưa chặt và mang tôi đi. Những kẻ thù thô lỗ đã chiếm lấy tôi để thành một trò hề. Họ đem tôi lên một ngọn núi và chôn tôi xuống đất. Ở đó tôi thấy Chúa tể loài người trong uy quyền đi tới trèo lên tôi. Để khỏi bất tuân với người tôi không dám gẫy cũng không dám cong, tôi cảm thấy đất run rẩy dưới chân tôi. Tôi cũng run khi thấy vị anh hùng ôm lên lấy tôi, nhưng tôi không dám cúi mình xuống, cũng không dám lún sâu xuống đất. Dù sao tôi cũng phải đứng thẳng và vươn lên để dương cao trên dân chúng Đấng là vua cao cả, là Chúa trời đất. Họ xuyên thủng tôi bằng những cái đinh màu xám, những vết thương còn biểu hiện trên mình tôi ngày nay. Cả Ngài lẫn tôi đều bị chửi rủa. Máu từ cạnh sườn Ngài loang đổ trên mình tôi. Mặt trời tối sẫm, cả vũ trụ than khóc vua họ bị ngã xuống. Trong cuộc thương khó trên Núi Sọ, cây gỗ giá đã đồng hóa mình với Chúa Giêsu, đã góp phần vào ơn cứu chuộc – Cây gỗ giá đã tuyên bố không dám gãy không dám cong mà cứ đứng thẳng và vươn lên. Còn ta, những người tự hào mình là kẻ hợp tác với ơn cứu độ, chuyền thông ơn cứu độ lại không dám đồng hóa với Chúa Kitô, không dám vươn lên, không dám vươn cao cho thế giới biết Đấng chịu đóng đinh là Chúa Trời Đất yêu thương ta vô cùng sao? Lạy Chúa, xin cho con can đảm như Cha Charle de Foucauld: Khi tôi ôm lấy Thánh Giá thì một trật tôi ôm lấy Chúa Kitô chịu đóng đinh vào đó.

 

THỨ NĂM TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN (15/9 lễ nhớ: Đức Mẹ Sầu Bi)

Lời Chúa: Ga 19, 25-27

Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

 Suy niệm:

Hôm qua, chúng ta mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá. Suy tôn Thánh giá là suy tôn chính tình yêu tự hiến của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô để đem lại ơn cứu chuộc cho nhân loại. Hôm nay, chúng ta mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi, tức là chúng ta kính nhớ đến những đau khổ của Đức Mẹ phải chịu để thông phần vào ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Đó là lý do mà Giáo Hội mừng hai ngày lễ này sát kề nhau. 

“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người.” (Ga 19, 25). Hành trình môn đệ của Mẹ Maria là tiếng xin vâng trọn vẹn. Mẹ đã vâng phục ý Chúa khi sứ thần truyền tin. Mẹ cũng dõi bước theo Chúa Giêsu trên con đường sứ vụ của Ngài và hiện diện bên Ngài trong những giây phút cuối của cuộc khổ nạn.

Dưới chân thập giá, trong thân phận người phụ nữ yếu đuối, trái tim Mẹ đã tan nát như điều mà cụ già Simêon đã tiên báo thuở xưa. Mẹ chứng kiến những làn roi, những vết thương đang rỉ máu trên thân thể người con yêu dấu mà mẹ đã sinh hạ. Có người nào có thể hiểu thấu nỗi đau mà mẹ đang chịu đựng. Tuy nhiên, mẹ chấp nhận tất cả bằng việc phó thác mọi điều đang xảy ra trong chương trình của Chúa. Chính tự nơi đây và giờ phút này, hình ảnh người môn đệ càng thể hiện tuyệt hảo nơi mẹ. Đứng bên thập giá Chúa Kitô, mẹ cảm nghiệm được trọn vẹn thực tại ơn cứu độ để rồi thâm tín vào tình yêu và quyền năng của Chúa. Mẹ đã làm trọn vẹn lời xin vâng của mình.

Người môn đệ của Chúa là người vâng phục ý Chúa, đáp lại lời mời gọi của Chúa và bước theo con đường Ngài đã đi. Con đường đầy gian nan thử thách và đỉnh cao là cái chết trên thập giá. Đức Maria đã đi trọn vẹn con đường này và cùng với Chúa Giêsu, dâng chính cuộc sống mình trong thánh ý Thiên Chúa.

Mỗi người chúng ta hãy học theo mẹ Maria, tin tưởng, phó dâng cuộc đời mình trong bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa. Điều này thể hiện qua sự chấp nhận những thua thiệt, hy sinh trong đời sống thường ngày vì tình yêu Chúa.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con Mẹ Maria, một tấm gương tuyệt hảo để bước theo Chúa trong cuộc hành trình tiến về quê trời. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ, xin Chúa ban cho chúng con thêm lòng tin tưởng và yêu mến Chúa, để chúng con nhận ra tình yêu của Chúa qua mọi sự xảy đến với chúng con. Amen.

THỨ SÁU TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN ( Lễ nhớ Thánh Cornêliô và Thánh Cypprianô)

 Lời Chúa: Lc 8,1-3

Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

 Suy niệm:

Để thực thi sứ mạng loan báo tin mừng đến muôn dân, Chúa Giêsu luôn cần đến sự cộng tác của mọi người, thuộc mọi thành phần. Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết ngoài sự cộng tác của các tông đồ, còn có một thành phần đặc biệt cùng đồng hành với Chúa Giêsu trên bước đường rao giảng Tin mừng. Đó là những người phụ nữ. Xin cho chúng ta biết ý thức tích cực góp phần cộng tác với Chúa và GH trong việc loan báo tin mừng.

Quan niệm người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng như người Việt Nam chúng ta trước đây là trọng nam khinh nữ. Do đó phụ nữ là thành phần thấp kém và bị xã hội xem thường. Tiếng nói hay việc làm của họ không được xã hội đề cao. Trong mắt mọi người, người phụ nữ đúng nghĩa phải là người phụ nữ truyền thống và gia đình mà thôi.

Ngày nay ở Việt Nam chúng ta có cái nhìn cởi mở hơn. Một người phụ nữ được đánh giá cao là người phụ nữ biết kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Nghĩa là người ấy một mặt biết chăm lo tốt gia đình mình nhưng cũng phải là người tích cực tham gia vào các công việc ngoài xã hội.

Chúa Giêsu đã có cái nhìn rất hiện đại nhưng cũng rất truyền thống. Chính vì thế mà Ngài không khinh chê sự đóng góp của những người phụ nữ đã hy sinh đồng hành và giúp đỡ Ngài cũng như các tông đồ trên hành trình rao giảng Tin mừng. Cái nhìn của Chúa Giêsu là cái nhìn của dung hòa, của bao dung với hết mọi người cũng như luôn trân trọng mọi đóng góp cho công việc loan báo Tin mừng tình thương.

Xin cho mọi người, mọi thành phần trong GH ý thức được sự cần thiết của Chúa đối với mỗi người chúng ta trong việc loan niềm vui tin mừng, để dùng hết khả năng hay địa vị của mình mà cộng tác tích cực với GH trong việc truyền giáo.

THỨ BẢY TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Lc 8, 4-15

Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: “Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm”.

Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: “Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.

Suy Niệm 1: Gieo và gặt
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thật lạ lùng quá trình gieo và gặt. Quá trình mất và được. Từ bỏ và lấy lại. Chết và sống. Quá trình nảy sinh sự sống. Sự sống mới. Phong phú dồi dào. Và cao vượt. Mầu nhiệm sự sống tự nhiên đã kỳ diệu. Mầu nhiệm sự sống siêu nhiên còn kỳ diệu gấp bội.

Chúa Giê-su là người đi gieo Tin mừng. Thiên Chúa kiên trì gieo Lời Người xuống trần gian. Trải qua bao đời. Qua bao thất bại. Đến lúc phải gieo chính Ngôi Lời. Chúa Giê-su gieo chính mình. Người trở thành hạt giống. Mục nát đi để trổ sinh một mùa gặt mênh mông. Một nhân loại mới mọc lên từ Người. Giống như Người.

Nhưng để trở thành mùa gặt con người phải trở thành đất tốt. Phải cầy bừa con đường đi đã chai cứng. Phải nhặt đá sỏi. Phải nhổ bụi gai. Phải từ bỏ con người cũ. Con người của xác thịt. Con người của hời hợt nông cạn. Con người của dục vọng đam mê. Để sống theo Thần Khí. Phải gieo chính mình như Chúa Giê-su.

Đó là điều thánh Phao-lô mời gọi ta trong thư Cô-rin-tô. Ta cũng phải gieo chính mình. Phải trở thành hạt giống mục nát như Chúa. Phải từ bỏ con người cũ. Ta sẽ sống lại thành con người mới. Ta sẽ có mùa gặt mới: “Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí”. Và thánh nhân giải nghĩa con người có sinh khí là con người của A-đam, con người theo xác thịt. Con người có thần khí là con người giống A-đam mới, là Chúa Ki-tô: “Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến” (năm chẵn).

Đây là một quá trình khó khăn. Phải mục nát đi. Phải từ bỏ chính mình. Vì thế phải quảng đại và kiên trì như lời Chúa giải thích: “Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”. Theo thánh Phao-lô từ bỏ và kiên trì đó là: “hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện” (năm lẻ).

Mùa gieo hạt như thế sẽ kéo dài suốt cả cuộc đời. Ta còn phải cầy bừa những con đường. Nhặt đá sỏi nông nổi hời hợt. Nhổ bụi gai đam mê xác thịt. Để hoàn toàn chết đi cho con người mới. Rồi mới có mùa gặt trong Chúa Ki-tô.

Suy Niệm 2: Với tấm lòng cao thượng
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Đức Kitô hào phóng gieo vãi lời của Thiên Chúa khắp nơi.

Ngài như người gieo hạt giống, tung gieo trong gió,

có vẻ như chẳng để ý đến chuyện có hạt rơi vào đất cằn khô,

và một số hạt không bao giờ sinh huê lợi.

Các Kitô hữu sơ khai đã đọc dụ ngôn này và thấy nơi đó một lời nhắn nhủ.

Họ thấy mình chính là người đã nhận được hạt giống lời Chúa.

Nhưng không phải hạt giống nào cũng thành cây lúa trĩu hạt.

Có những hạt giống bị thui chột bởi những lý do bên ngoài và bên trong.

Làm sao để mọi hạt giống được gieo trong tim ta, đều sinh hoa trái?

Câu hỏi của Giáo hội sơ khai cũng là câu hỏi của Giáo hội bây giờ.

Thửa đất là trái tim con người xưa nay vẫn thế.

Hạt giống Lời Chúa hôm xưa và hôm nay cũng vẫn là một.

Cả bốn hạng người trong dụ ngôn đều đã nghe (cc. 12. 13. 14. 15),

nghĩa là đều đã đón nhận Lời Chúa vào trái tim, vào trung tâm đời mình.

Nhưng có Lời bị đánh cắp.

Quỷ đến và lấy Lời đã gieo ra khỏi trái tim người nghe

vì sợ họ tin mà được cứu độ (c. 12).

Quỷ giống như chim trời đến ăn mất hạt giống rơi xuống vệ đường (c. 5).

Tại quỷ hay tại trái tim con người như đất vệ đường quá cứng?

Hạt giống nằm chơ vơ, trở thành mồi ngon cho bao tấn công đe dọa.

Nhưng có Lời không mọc rễ.

Nghe Lời và vui vẻ đón nhận vẫn chưa đủ.

Hạt giống cần có nhiều đất để mọc rễ nuôi sống cây.

Đất nhiều sỏi đá chỉ cho một lòng tin nhất thời, khi mọi sự dễ dàng,

nhưng không đủ sức đứng vững khi thử thách ập tới.

Đã và đang có những Kitô hữu quỵ ngã trước những thách đố cam go,

vì Lời Chúa chưa bao giờ mọc rễ trong tim họ.

Thử thách của đời Kitô hữu làm lộ ra tình trạng “không rễ” của ta,

và đòi ta tránh gặp gỡ Lời Chúa một cách hời hợt, nông cạn.

Nhưng có Lời bị chết ngộp.

Ngộp vì những thứ trói buộc của cuộc đời phù vân này,

những lo âu trăn trở, những thèm muốn khoái lạc, giàu sang.

Cây lúa có mọc lên cũng bị chết ngộp bởi bụi gai ở ngay nơi tim tôi.

Cuối cùng có Lời được nắm giữ.

Dù thửa đất tốt là trái tim cao thượng và quảng đại,

Nhưng nắm giữ Lời Chúa cũng đòi một nỗ lực không ngừng.

Bất chấp những tấn công từ bên ngoài, hay thèm muốn bên trong,

cần có thái độ kiên trì để vượt qua những khủng hoảng không tránh khỏi.

Xin được trân trọng nghe Lời Chúa trong thánh đường và trong cuộc sống.

Xin được khiêm tốn nghe Lời Chúa qua các bậc thầy và qua trẻ thơ.

Ước gì Lời Chúa giúp ta làm cho đất của tim mình xốp hơn và mềm lại,

bớt đá sỏi, thêm đất màu, bớt bụi gai, thêm ẩm ướt.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa

và dạy con bước đi

ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày.

Xin truyền cho con sức mạnh của Người.

Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con

tìm lại được sức trẻ

để gieo trồng hàng ngàn cây xanh

cho một thế giới mới

Ước gì mồ hôi con

pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.

Ước gì máu con

hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ

để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn

vì bất công và ích kỷ.

Chúc tụng Chúa là Cha,

đã dẫn con đi đến cùng,

đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung

với tràn trề bình an và niềm vui. (ĐHY Roger Etchegaray)