Các bài suy niệm Tuần 23 Thường niên

370

TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Mục lục

THỨ HAI TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

THỨ BA TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

THỨ TƯ TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

THỨ NĂM TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN (08-09: Lễ KÍNH SINH NHẬT ĐỨC MARIA)

THỨ SÁU TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

THỨ BẢY TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

   

THỨ HAI TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Hiền Lâm

1.ĐỌC TIN MỪNG: Lc 6,6-11

Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây! ” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt? ” Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra! ” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.

2. SUY NIỆM

Giới răn Sabat được giải thích từ việc tin rằng Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật trong sáu ngày và ngày thứ bảy thì Người nghỉ ngơi. Chính vì vậy, nguyên thủy người ta nghỉ ngày thứ bảy (Sabat) như là một sự bắt chước Thiên Chúa, đồng thời dành một ngày cuối tuần để chỉ dành riêng cho việc phụng sự Thiên Chúa. Thế nhưng, càng ngày, luật Sabat được các luật sĩ giải thích chi tiết, cặn kẽ và dừng lại ở mặt chữ của luật: chỉ dừng lại ở cái lý mà đánh mất cái tình, giữ luật vì luật chứ không còn vì yêu mến Chúa và đánh mất đức ái mà luật nhắm tới.

Hạn từ sabat có nghĩa là “nghỉ ngơi”. Thần học sáng tạo II (St 2,1-3) muốn chứng minh việc Thiên Chúa muốn phải thánh hóa một ngày trong tuần, không hẳn để tụ họp cử hành phụng vụ cho bằng để mọi người được nghỉ ngơi (xem them Xh 20,10). Bởi vì Thiên Chúa Chí Thánh không muốn một dân thánh lại làm nhu cầu ăn uống hằng ngày hoặc chỉ lo lao động.

Như thế, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ – kinh sư – biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.

Theo Biệt Phái – Pharisiêu, bộ luật dành cho Do-thái dạy phải kiêng việc xác ngày Sa-bát cách triệt để theo mặt chữ, nếu ngày đó có ai đó chỉ cần đi lượm vài nhánh củi về để đun bếp nướng bánh cũng phải bị xử ném đá chết, ngay cả đường đi cũng có một số con đường bị cấm không được đi vào ngày sa-bát.

Có câu chuyện kể rằng, hôm ấy một Rabi Do-thái cưỡi ngựa đi từ Giêricô về Giêrusalem vừa đi vừa hát thánh ca, trên đường đi, chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực, nhanh tay vớ được cành cây nên Rabi không rơi xuống vực. Ông thấy con ngựa rơi xuống nước nên không hề hấn gì, nhưng bờ cao không lên được, ông định chặt nhành cây lấp đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày sa-bát không được làm việc tay chân nên thôi, ông liền phục trong bụi cây rình thấy một người hành hương cưỡi ngựa đi qua, ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực, cướp ngựa phóng đi và tiếp tục hát thánh ca.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy việc Chúa Giêsu vạch trần sự giả hình của họ, ngày Sa-bát mọi người đến nghe Lời Chúa thì họ đến với ý đồ xấu nhằm để hại người. Giống như câu chuyện trên, Rabi kia không dám cứu con ngựa của mình lên vì sợ phạm luật nhưng lại dễ dàng giết người cướp ngựa… Luật đối với họ sẵn sàng ném đá chết một người lượm củi nấu ăn, không dám đi đường cấm dù cấp bách liên quan đến sự sống cần cấp cứu. Họ coi việc giữ những điều lặt vặt hơn là mạng sống của một con người. Chúa Giêsu biết họ đang rình mò tìm kế hại Người, nhưng Người vẫn không ngần ngại chữa lành cho người bị bại tay, và qua đó Người chấn vấn họ “ngày Sa-bát nên làm điều lành hay làm điều dữ?”. Người đã ra tay làm điều lành trước mắt họ vì đối với Người luật yêu thương bác ái vượt trên tất cả mọi của lễ mà họ dâng. Thế nhưng, họ đã không chịu nhận ra mà còn giận điên lên và bàn nhau tìm cơ hội khác để giết Chúa Giêsu.

Còn chúng ta thì sao?

Chúng ta đi lễ cốt để nghe Lời Chúa hay là để tìm cớ lên án nhau?

Ngày Chúa Nhật, chúng ta đã thực sự tìm kiếm việc lành, hay vẫn để mình buông theo những điều tội lỗi?

Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

Chúng ta giữ gìn luật Ngày Chúa Nhật cốt để phô trương chính mình và lên án người khác không?

Trong trường hợp của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu có thể nói với người bị bại tay: Sao anh lại xin tôi làm một điều bị cấm trong ngày sabat? Ngày mai anh trở lại đây để tôi chữa cho… Nhưng không, Chúa Giêsu thấy đức ái cần vượt lên trên, vì Tin Mừng là để giải phóng, và người ta được giải tỏa khi nhận ra rằng trong xã hội không có gì là tuyệt đối, cho dù xã hội muốn áp dụng những luật lệ nào đó với nhãn hiệu là bất khả xâm phạm. Luật sabat đúng là một trong những luật căn bản của Sách Thánh, nhưng không khỏi có những trường hợp luật ép buộc thay vì giải tỏa. Cũng thế, ngay trong Giáo Hội, những luật lệ được coi là linh thiêng nhưng một lúc nào đó lại trở thành chướng ngại vật cho Tin Mừng, và nếu đúng như vậy, thì dưới ánh sáng của Thánh Thần, lương tâm Ki-tô giáo phải tìm ra một giải pháp cho thời điểm ấy. Dám làm như thế mới thực sự là người tự do làm con cái Thiên Chúa (x. 1Cr 3,21-23; 8,4; Cl 2,20-23).

Lạy Chúa Giêsu, mọi điều luật chỉ có giá trị cứu độ khi được tuân giữ với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, xin cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tâm tình cảm mến tri ân và đến với anh chị em với tấm lòng yêu thương. Đó mới là tinh thần của điều răn mới mà Chúa muốn nơi mọi người chúng con. Amen.

Về mục lục

.

THỨ BA TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Tam Thái

1. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 6, 12-19

Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đônđến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

2. SUY NIỆM:

Phụng vụ lời Chúa hôm nay, mang tính mục vụ xây dựng cộng đoàn, muốn được một cộng đoàn phát triển, thì cộng đoàn đó phải: Để tâm mở mang Nước Chúa – Tránh được đổ vỡ cộng đoàn.

Kinh nghiệm Giáo Hội đã phải trả giá rất đắt, khi Giáo Hội quên đi nhiệm vụ ưu tiên của mình là Truyền giáo mà chỉ lo củng cố địa vị. Vì thế trong tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng”, đức thánh cha Phanxicô đã nhấn mạnh: “Tôi muốn có một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám vứu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục”. (số 49)

Nhìn vào bài Tin mừng. Chúa Giêsu xuống trần gian, Ngài không xây dựng pháo đài, khoanh vùng ranh giới. Nhưng đối tượng Ngài nhắm đến là Tin mừng cho con người, đào tạo con người, giải thoát con người. Vì thế hôm nay Tin mừng cho chúng ta thấy, Chúa tuyển chọn mười hai Tông đồ, để huấn luyện.  Chúa ra đi rao giảng để chữa lành các bệnh nhân và quỷ ám, và trang Tin mừng rất đẹp kể lại,:”Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.”

Trái lại nơi cộng đoàn Côrintô, thánh Phaolô phải đau đầu vì họ tranh dành nhau quyền lợi, dẫn đến việc kiện cáo nhau, và càng đau khổ hơn nữa, nhưng chuyện kiện cáo lại mang ra tòa đời, để nhờ họ xét xử dân thánh của Chúa: “Đằng này, anh em đã kiện cáo nhau thì chớ, lại còn đem nhau ra trước toà những người không có đức tin”!

“Dĩ hòa vi quý”, Thánh Phaolô khuyên họ: “Dù sao, nguyên việc anh em kiện cáo nhau đã là một thất bại cho anh em rồi. Tại sao anh em chẳng thà chịu bất công? Tại sao anh em chẳng thà chịu thiệt thòi?”

Vì thế, phụng vụ bài đọc hôm nay là một bài học về mục vụ cộng đoàn. Ước gì những cộng đoàn luôn lấy tôn chỉ: “Truyền giáo phải đứng vị trí hàng đầu” (số 15) để giúp công đoàn mỗi ngày thêm vững mạnh.

Về mục lục

.

THỨ TƯ TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

 Vinhsơn Ngọc Biển SSP

1.ĐỌC TIN MỪNG: Lc 6, 20-26

Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.

2.SUY NIỆM:

Đức Giêsu được mọi người biết đến là một người nghèo. Nghèo từ khi sinh ra đến lúc từ giã thế gian để về với Chúa Cha.

Chính Đức Giêsu đã ví cuộc đời của mình như: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ dựa đầu”.

Lúc sinh thời, nhất là trong thời gian loan báo Tin Mừng, từ lối sống đến hành động, Ngài luôn quan tâm đến tận cùng kiếp sống con người, nhất là những người khốn khó, bệnh hoạn, tật nguyền. Nên Đức Giêsu không ngần ngại để sống với những người nghèo hèn, cảm thông cho những người tội lỗi và ăn uống với họ, đồng thời, luôn coi họ như những người bạn, sẵn sàng đứng về phía họ để bênh đỡ, chở che.

Tinh thần và lối sống đó hôm nay được Đức Giêsu chính thức chúc phúc, và qua đó như một lời mời gọi mọi người đi theo con đường đó để được hạnh phúc: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi”. 

Phải chăng Đức Giêsu là người cổ hủ, lỗi thời khi cổ súy cho cái nghèo? Hơn nữa, Ngài lại còn mời gọi những ai muốn đi theo và làm môn đệ cũng phải sống một cuộc sống bần cùng, cơ cực?

Thưa! Hẳn là không! Qua mối phúc này, Đức Giêsu muốn cho con người được hạnh phúc hoàn toàn, khi không bị chi phối bởi lòng ham muốn tiền bạc, vì nếu mê mẩn với chúng thì sẽ trở thành nô lệ cho tiền bạc.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy hướng tâm hồn lên Đức Giêsu và quy chiếu cuộc đời của ta với Ngài, để vui mừng khi được sống tinh thần nghèo khó như Ngài.

Một cách cụ thể, đó là sống hết mình và hiến thân trọn vẹn cho tha nhân, nhất là những người bần cùng trong xã hội.

Cần phải xác định thật rõ rằng: gia tài đích thực của chúng ta là Thiên Chúa. Giá trị lớn lao nhất là sống cho Thiên Chúa qua cung cách phục vụ tha nhân. Cùng đích của con người không phải là của cải chóng qua đời này mà là cuộc sống mai hậu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương Chúa để mặc lấy tâm tình nghèo khó như Ngài, ngõ hầu chúng con được tự do để dấn thân phục vụ người nghèo cách vô vị lợi như Chúa khi xưa. Amen.

Về mục lục

.

THỨ NĂM TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
(08-09: Lễ KÍNH SINH NHẬT ĐỨC MARIA)

  Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

1.BÀI TIN MỪNG: Mt 1,1-16.18-23

 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham: Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; ông Gie-sê sinh Đa-vít. Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon. Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

2.SUY NIỆM:

Ngày lễ sinh nhật Mẹ Maria hôm nay, Giáo hội cho chúng ta đọc lại gia phả của Chúa Giêsu. Ta thấy, trong suốt chiều dài lịch sử thấy Thiên Chúa đã tuyển chọn gia tộc cho Người cách đặc biệt.

Hình ảnh bốn phụ nữ được Kinh Thánh nói đến như là một tiên báo cách kín đáo về Đức Kitô, Đấng sẽ đến để cứu độ những người tội lỗi, và đón nhận mọi dân mọi nước vào vương quốc của Người. Việc tuyển chọn những nhân vật này không phải là điều đáng tự hào vì lý lịch của họ. Nhưng tiêu chuẩn của Thiên Chúa khác với con người. Người chọn sự yếu kém để nói lên lượng từ bi của Người.

Đây là “gia phả của đức tin và ân sủng”. Vì cho dẫu gia phả này được đan dệt bằng biết bao tội nhân và những kẻ gian ác, nhưng lịch sử ấy lại là lịch sử của tình thương và lòng thương xót Chúa, được chính Thiên Chúa can thiệp đúng lúc. Thiên Chúa đã viết lịch sử ấy bằng những nét đặc biệt, khác thường. Cái đặc biệt nhất vẫn là Thiên Chúa đã không bỏ rơi một nhân loại phản bội lại Ngài, không làm ngơ trước sự đau khổ và tội lỗi của con người. Thiên Chúa đã hành xử thật tốt đẹp với con người, đối với từng người. Chính vì một lịch sử, một thế giới tội lỗi mà Mẹ Maria đã sinh ra để cưu mang Chúa Giêsu Đấng cứu độ chúng ta

Mẹ Maria đã làm loé lên niềm hy vọng cho một trần gian đang lầm lỗi. Mẹ đã điểm tô cho một lịch sử đã bị ông bà nguyên tổ làm lu mờ vì tội phản nghịch cùng Thiên Chúa. Mẹ Maria đã làm cho lịch sử hồi sinh khi ông bà nguyên tổ làm hoen ố vì tội lỗi. Nhân loại đáng lẽ bị đắm chìm trong sự chết, nhưng Mẹ đã làm cho có sự sống viên mãn.

Hôm nay là lễ sinh nhật Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu và là Mẹ chúng ta, chúng ta hân hoan và cùng nhau chúc mừng tuổi Mẹ. Ngày này phải là ngày vui chung của toàn thế giới, chứ không phải riêng cho một dân tộc hay một nhóm người nào. Bởi ngày sinh của Mẹ có liên quan trực tiếp đến biến cố Ngôi Lời Nhập Thể. Ngày Mẹ chào đời đánh dấu sự nối kết giữa Tân ước và Cựu ước, chấm dứt thời kỳ chờ đợi và những lời hứa, khai mở một thời kỳ mới, thời kỳ ân sủng và ơn cứu độ trong Đức Kitô. Mẹ thật xứng : “Đức Mẹ làm cho chúng con vui mừng”.

Maria ! Mẹ Ngôi Hai Con Chúa
Chúc tụng Mẹ! Mừng Sinh nhật hôm nay
Chúa thương Mẹ ban ơn phúc dư đầy
Hình ảnh Mẹ, ngàn đời con ca tụng.

Quả thật, ngày sinh nhật của Mẹ đã khai mở lời hứa của Thiên Chúa bước đầu thành sự, đồng thời, Mẹ là Nữ Tử Sion, là hy vọng của nhân loại. Mẹ ra đời để làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Có cuộc sinh nhật của Mẹ, mới có sự ra đời của Đức Giêsu, có Đức Giêsu mới có Đấng cứu độ chúng ta. Như vậy, ngày sinh nhật của Mẹ đã được đặt vào Mầu Nhiệm Nhập Thể, cứu độ. Mẹ như Sao mai dẫn lối đưa đường, Mẹ chính là hừng đông, là ánh bình minh báo trước Mặt trời công chính là Đức Kitô.

Vì thế trong ngày Đức Maria chào đời Giáo hội đã kêu lên : “Ôi lạy Mẹ! Ngày sinh của Mẹ đã đem lại cho thế giới sứ điệp vui mừng và hy vọng. Vì Đức Kitô Chúa chúng con là Mặt trời soi đường nay nẻo chính đã từ cung lòng Mẹ sinh ra, Ngài là Đấng huỷ bỏ lời chúc dữ, đem lại muôn phúc lành, Đấng tiêu diệt thần chết và ban phúc trường sinh”.

Thánh Gioan Đamatsô đã dâng lời ca tụng : “Hết thảy mọi người hãy đến, chúng ta hân hoan mừng ngày sinh ra niềm vui sướng của cả thế giới ! Hôm nay đây, từ một bản tính thế trần, một thiên đàng đã thành hình dưới thế. Hôm nay đây, việc cứu rỗi đã bắt đầu cho thế giới!”

Vậy, hôm nay, mọi loài trên trời dưới đất hãy cùng nhau hoan hỷ và đồng ca, nhảy múa biểu lộ niềm vui bất cứ vật nào ở trong trần gian cũng như ở trên trần gian hãy họp nhau mừng lễ. Quả thật, hôm nay thánh điện của Đấng tạo thành muôn vật đã được xây lên, và một thọ tạo, vì một lý do mới mẻ và thích đáng, đã được chuẩn bị làm nơi cư trú mới cho Đấng Hoá Công.

Khi mừng sinh nhật nhau, chúng ta thường tặng nhau những bó hoa, những món quà. Mừng ngày sinh nhật của Mẹ hôm nay: “mãi mãi nhân loại sẽ khơng ngớt cùng Mẹ ca tụng Thiên Chúa:

Chúng con tại thế tưng bừng,
Cùng nhau ca hát vang lừng bốn phương.
Tạ ơn Thiên Chúa tình thương,
Chọn người Trinh Nữ ngát hương ngàn đời.

Chúng ta hãy quyết hái nhiều hoa xinh đẹp để dâng kính Mẹ, tỏ lòng mến yêu Mẹ bằng những kinh nguyện chân thành dâng lên Mẹ, những đóa hoa tươi kính dâng Mẹ sẽ là những tâm tình đẹp chúng ta làm vui lòng Mẹ. Nhất là chúng ta hãy tiếp tục làm những việc đạo đức thông thường dâng kính Mẹ, như : lần hạt Mân Côi, đọc kinh Truyền tin, nguyện kinh cầu, một cách phi thường. Có nghĩa là miệng đọc, lòng suy và cố gắng đem ra thực hành trong đời sống, để cuộc đời của Mẹ, vốn đã trở nên một với cuộc đời của Đức Giêsu cũng được thể thể hiện trong cuộc sống của mỗi người chúng ta.

Mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ, chúng ta hiệp cùng Giáo Hội ca tụng, tung hô Mẹ. Với những lời chúc tốt lành nhất dâng về Mẹ cuộc sống hiện tại, quá khứ và tương lai làm món quà mừng Mẹ tuổi mới.

Mẹ sinh ra giữa muôn hoa hương ngát
Với màu sắc lộng lẫy đẹp đất trời
Mẹ rạng ngời trong hào quang vời vợi
Cùng Triều Thần con chúc khen mừng Mẹ. Amen.

Về mục lục

.

THỨ SÁU TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

1.ĐỌC TIN MỪNG: Lc 6, 39-42

Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra”, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em !

2.SUY NIỆM:

Câu chuyện

The Pursuit of Happyness” là một bộ phim xúc động mang tới những thông điệp đầy tính nhân văn về ý nghĩa thực sự của từ “hạnh phúc”. Được dựa trên một câu chuyện có thật, nhân vật chính của phim là Chris, một nhân viên bán máy soi xương luôn gặp thất bại trong việc kinh doanh. Quá bức bối với việc nợ nần của gia đình, vợ Chris đã bỏ đi và để lại cậu con trai nhỏ Christopher Jr. Điều tồi tệ nhất xảy ra khi hai cha con anh bị đuổi ra khỏi căn hộ do không đủ tiền trả và trở thành những kẻ lang thang.

Đi phiêu bạt khắp nơi để kiếm sống, có lúc Chris và con trai đã phải ngủ qua đêm trong nhà vệ sinh bẩn thỉu của một ga tàu điện. Tuy nhiên, với nỗ lực phi thường, anh không ngừng mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc cho chính mình và con trai… (Theo afamily.vn).

Tình cha là thế, lo lắng và cùng con bước vào đời với bao gian nan. Tình Chúa dành cho con người được phác họa bằng hình ảnh của tình Cha: Ngài như người cha hiền luôn đồng hành và lo lắng cho con cái ở dưới nhân gian. Dù rằng nhân loại “thuộc hạ giới” (Ga 8,23).

Suy niệm

Lời kinh “Abba” mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ cầu nguyện diễn tả tâm tình đơn sơ phó thác của cả một cuộc sống thường ngày. Đầu tiên “nguyện cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến”, vì Cha là tình yêu, khi danh Cha tỏa sáng, là tình yêu Cha trải dài trên trái đất, nơi những người con của Cha hiện hữu. Tiếp đến là những nhu cầu cấp thiết nhất của cuộc sống, những thực tế của thân phận con người, sự vấp ngã, đối diện với cám dỗ và hiểm nguy cuộc sống. Trong danh Cha tỏa sáng và tình yêu Cha trải dài, con tha thiết mong Cha ở bên con vượt khó:

  • Lương thực hàng ngày trong lời cầu là cơm bánh và những gì cần cho sự sống của thân xác. Lương thực cũng được hiểu là Lời Chúa, là bí tích Thánh Thể, thứ lương thực thiêng liêng cho phận người. Đời sống của chúng ta cần được Cha trên trời nuôi dưỡng. Chúng ta cần cơm bánh nuôi thân xác, nhưng cũng cần thức ăn nuôi đời sống tinh thần. Của ăn tinh thần đó là tình yêu của Cha hiện diện bên con, dù con có hờ hững làm ngơ.
  • Tha nợ: Nợ là tượng trưng cho thân phận yếu đuối của con người. Đời sống của con cái Cha vẫn còn dính bén đến tội, vì xuất phát từ bụi tro. Ai cũng có tội, tôi phạm tội và cũng có người lỗi phạm đến tôi. Con mong được Thiên Chúa tha thứ, là tình yêu của Cha được tỏa sáng trải dài trên thế gian. Khi yêu cầu tha thứ, con cũng tha thứ cho anh em vì con học nơi Cha tình yêu tha thứ.
  • Khỏi sa chước cám dỗ: Cám dỗ trong đời sống hàng ngày là điều không sao tránh khỏi trong kiếp người, Chúa Giêsu cũng đã bị cám dỗ và đã vượt qua (x. Mt 4,1-11), Ngài cũng mong chúng ta vượt qua (x. Lc 22,40-46). Con người với những cám dỗ từ ngoài vào và những nghiêng chiều theo từ bên trong tâm hồn chính mình. Con không xin mình khỏi bị cám dỗ hay thử thách, chỉ xin được vượt qua chước cám dỗ mà vẫn giữ vẹn lòng tín trung, vững vàng trưởng thành trước những phong ba cuộc đời.

Cha luôn đồng hành với con trong cuộc sống. Chúa Giêsu khuyến khích con hãy kiên trì trong lòng trông cậy Cha bằng dụ ngôn người láng giềng xin bánh giữa đêm khuya để tiếp khách, chủ nhà nếu không vì lòng nhân nhưng vì bị quấy rầy nên phải thức dậy mà cho bánh anh láng giềng (x. Lc 11,5-8). Cha chúng ta, Người không để chúng ta thiếu thốn kia mà… Ngài luôn cho chúng ta những gì tốt nhất cho cuộc đời mình, hãy vững tin dù những lúc thử thách nhất, thử thách đó chẳng phải là “hòn đá”, “rắn rết” hay “bọ cạp” của Cha ban đâu. Ngài sẽ ban Thánh Thần để chúng ta vượt qua đồi Canvê mà tiến tới Phục sinh cùng với Đức Giêsu.

Ước chi con luôn “nhớ” về Cha và thể hiện “hiếu” cùng Cha, cũng là lúc con thành “người”, người quân bình và phát triển nhân cách và tâm linh cho chính mình.

Ý lực sống

“Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6).

Về mục lục

.

THỨ BẢY TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

1.ĐỌC TIN MỪNG: Lc 6,43-49

“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. “Tại sao anh em gọi Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa! , mà anh em không làm điều Thầy dạy? “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc.Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.”

 2.SUY NIỆM:

  • SUY NIỆM 1: NGHE VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Thời gian là lời phán xét chính xác. Thời gian sẽ cho biết cây nào xấu cây nào tốt khi chúng ra quả. Cứ xem quả thì biết cây. Thời gian sẽ cho biết ai thật ai giả.Người thật hay người giả. Đừng tin ngay vào lời nói, cứ chờ xem họ làm thế nào. Thời gian sẽ chứng nghiệm công trình xây dựng. Công trình xây dựng có giá trị hay không, mưa nắng sẽ chứng nghiệm chất lượng. Chúa Giêsu cũng căn cứ vào kết quả để biết rõ ai là môn đệ thật. Người môn đệ thật là cây tốt sinh trái tốt. Người môn đệ tốt là người không chỉ nói ngoài miệng nhưng tin thật trong lòng. Người môn đệ trung tín là người thực hành niềm tin đã lãnh nhận được. Khó khăn thử thách là tự nhiên trong đời sống. Cũng như bão lụt là hiện tượng không thể tránh khỏi. Nhà xây vững chắc sẽ bền vững qua thời gian. Người nghe và thực hành Lời Chúa đứng vững trong mọi gian nan thử thách. Người ấy đã chọn Chúa thì trung tín suốt đời.

Nhưng chọn lựa không chỉ một lần mà trải dài suốt cuộc đời. Có bao nhiêu năm tháng là có bấy nhiêu chọn lựa. Để trung tín với Chúa và với chính mình, với niềm tin, với lời tuyên xưng, người môn đệ phải chiến đấu không ngừng. Chúa mời ta dự tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Nhưng thế gian cũng có những bàn tiệc hấp dẫn. Ma quỉ cũng biết bày ra những bàn tiệc lạc thú thịnh soạn, cũng biết nâng những chén rượu danh vọng hấp dẫn mời mọc. Lại còn thêm thói đời, người đời thân thiết lôi kéo. Nhất là khi chung quanh ta ai cũng làm giống nhau. Ta sống khác được sao? Ta phải cảnh giác để giữ lòng trung tín như thánh Phao-lô khuyên dạy: “Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỉ được; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỉ được” (năm chẵn).

Một cách giữ lòng trung tín với Chúa là nhớ lại thuở ban đầu. Thánh Phao-lô luôn nhắc nhở về thời chìm đắm trong tội lỗi để thấy ơn Chúa thương xót hoán cải ngài, tuyển chọn ngài và ban cho ngài được làm môn đệ Chúa. Vì thế ngài luôn nhớ ơn Chúa, luôn tận tâm phục vụ Chúa, sẵn sàng hi sinh tính mạng vì Chúa. Hãy chọn lựa Chúa. Vì chỉ có Người thương yêu ta. Hãy tạ ơn Chúa. Vì chính Người hạ cố đến cứu độ ta. Hãy thờ lạy Chúa. Vì chỉ có Người là vua thật thống trị vũ trụ. Hãy noi gương thánh Phao-lô mà xưng tụng: “Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen” (năm lẻ).

  • SUY NIỆM 2: NGƯỜI KHÔN XÂY NHÀ TRÊN ĐÁ  

Ngọc Biển SSP

Người xưa thường coi việc: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” là ba việc hệ trọng trong đời người. Thật vậy, nếu không kinh nghiệm về việc xem trâu, người nông dân dễ bị mua phải con trâu lười hay không biết làm việc. Cũng vậy, nếu không tìm hiểu cho kỹ, không chừng khi lấy vợ, chúng ta lấy phải cô vợ “cảnh” thì thật là tai họa cả đời. Tương tự như hai việc trên, công việc làm nhà cũng rất quan trọng. Nếu không biết tính toán, suy xét và nhất là nơi chốn, chúng ta dễ bị hậu quả nặng nề là căn nhà siêu vẹo do sức nặng và độ lún chênh lệch nên dễ làm cho căn nhà bị đổ nát, hoặc không đón được hướng gió tốt, sẽ dễ dàng gây nên sự ngột ngạt …

Hôm nay, Đức Giêsu nói đến việc xây dựng cuộc đời của mỗi người ngang qua hình ảnh xây dựng căn nhà.

Không ai dám cả gan để xây nhà trên nền cát! Cũng vậy, không có người nào dại dột đến độ phó dâng cuộc đời của mình cho kẻ chẳng hơn mình là bao? Hay đi tin một người mà do chính mình tưởng tượng rồi bịa ra để tôn thờ!

Khi Đức Giêsu nói đến độ bền chắc của đá, hay xây nhà trên nền móng bằng đá, Ngài muốn nói đến sự bền vững nơi những ai biết đặt đời mình trong bàn tay của Chúa, biết xây dựng cuộc sống trên nền tảng Tin Mừng.

Thật vậy, những người đón nhận, lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa thì được ví như người khôn ngoan xây nhà trên nền đá vững chắc. Ngược lại, những người nghe rồi bỏ bê không thực hành thì được ví như người ngu xây nhà trên cát và hệ quả là bị nước cuốn trôi và tòa nhà sẽ sụp đổ tan tành.

Mong sao, mỗi người chúng ta luôn biết khát khao lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Sẵn sàng để Lời Chúa chi phối và là kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Được như thế, chúng ta mới thực sự trở thành người khôn ngoan vì đã xây căn nhà cuộc đời của mình trên nền tảng vững chắc là chính Lời Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trở nên những viên đá sống động nhờ biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Xin cũng cho chúng con luôn ý thức mình cũng cần phải chung tay cộng góp để xây dựng tòa nhà Giáo Hội bằng chính những gương sáng của mình trong đời sống. Amen.

Về mục lục

.