Các bài suy niệm Tuần 2 Thường niên Năm A

78

SUY NIỆM TUẦN II MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

THỨ HAI
SỐNG NIỀM VUI CÓ CHÚA

(Hr 5:1-10; Mc 2:18-22)

Vâng phục là một trong những vấn đề khó khăn nhất trong xã hội mà trong đó con người tôn vinh ‘cái tôi’ và đi tìm sự độc lập và tự do cho riêng mình để không lệ thuộc vào bất kỳ ai. Thật vậy, con người thời đại không muốn bị người khác kiềm chế và quyết định cho những gì mình làm. Điều này giống như con dao hai lưỡi: Một bên nó giúp con người trưởng thành chịu trách nhiệm về những gì mình làm và về cuộc đời của mình; nhưng mặt khác nó làm cho con người trở nên độc lập, tự ‘làm chúa’ của cuộc đời mình. Khía cạnh thứ hai này có thể là một trong những lý do con người thời đại không muốn dấn thân cho Chúa trong đời sống thánh hiến vì họ muốn ‘làm chúa’ cuộc đời họ. Họ không muốn bị lệ thuộc vào Chúa và cơ cấu của dòng tu. Còn những người đã theo Chúa, thái độ muốn ‘làm chúa’ của đời mình làm họ xem vâng phục như là gánh nặng và bổn phận hơn là chọn lựa tự do để “Chúa hướng dẫn” cuộc đời mình. Chúng ta sống theo chủ nghĩa ‘hoàn cảnh’ trong vâng phục: Trong hoàn cảnh này, với những người này tôi vâng phục, còn trong hoàn cảnh khác và với những người khác tôi không vâng phục.

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta vâng phục là con đường đưa đến sự thiện hảo. Chính nhờ vâng phục mà Chúa Giêsu đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho con người. Tác giả thư Hípri viết: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:8-9). Vâng phục và đau khổ là bạn đồng hành. Hay nói cách khác, đau khổ chính là thầy dạy để chúng ta vâng phục. Chúng ta thường chạy trốn đau khổ vì không ai muốn mình đau khổ. Đúng là như thế, chúng ta không ‘tìm’ đau khổ. Chúng ta phải tìm mọi để cách giải thoát mình và người khác khỏi đau khổ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đối diện với đau khổ chứ không chạy trốn để từ đó học vâng phục như Chúa Giêsu đã học vâng phục qua nhiều đau khổ. Thật vậy, vâng phục chính là sự chết đi cho chính mình để hoàn toàn thuộc về Chúa, không còn ‘làm chúa’ của đời mình. Vâng phục chính là con đường dẫn đến thập giá để đóng đinh vào đó tất cả những điều chúng ta muốn, ngay cả cách thức chúng ta yêu, để muốn và yêu theo cách thức của Chúa.

Bên cạnh đó, tác giả của thư Hípri trình bày cho chúng ta về chức vụ thượng tế và sự khác biệt của chức vụ này giữa các vị thượng tế “là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội” (Dt 5:2), và Đức Giêsu Kitô “là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê” (Dt 5:6). Một vị thượng tế phàm nhân “có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính mình cũng đầy yếu đuối. Mà vì yếu đuối, nên vị thượng tế phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy” (Dt 5:2-3). Còn Đức Giêsu Kitô, vì là ‘người thật’ nên Ngài không chỉ có khả năng cảm thông với những con người yếu đuối như chúng ta, mà Ngài còn giúp chúng ta thắng vượt những yếu đuối của mình vì Ngài chỉ dâng lễ đền tội cho chúng ta, chứ không cho chính mình, và Ngài chỉ dâng một lần là đủ. Chúng ta cũng được mời gọi trở nên giống Chúa Giêsu vì qua Bí Tích Rửa Tội, tất cả chúng ta được chia sẻ trong chức vụ tư tế của mình, chúng ta trở nên ‘những thượng tế’ có khả năng cảm thông với những yếu đuối của anh chị em mình và có khả năng dâng chính mình như của lễ đền tội cho chính mình và cho anh chị em.

Tác giả Thư Hípri còn nhắc nhở chúng ta rằng: Chức vụ tư tế mà chúng ta được chia sẻ với Chúa Giêsu, qua Bí Tích Thánh Tẩy [qua việc tuyên khấn] chính là ơn gọi: “Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông Aharon đã được gọi” (Dt 5:5).  Chúng ta được Thiên Chúa gọi, chúng ta không thể tự tôn mình lên làm con cái Chúa hay tự thánh hiến mình làm một tu sĩ. Chính vì vậy, những gì chúng ta có và chúng ta là không thuộc về chúng ta, nhưng là ân ban. Điều này là một lời cảnh tỉnh cho chúng ta [nhất là cho những người thánh hiến]: Chúng ta nghĩ rằng khi rời bỏ ơn gọi mình đang sống thì chúng ta cũng vẫn được hưởng vinh dự và uy quyền như chúng ta đang có. Đó là ‘hoang tưởng!’ Khi từ chối ơn gọi mình được gọi để sống, thì chúng ta cũng mất tất cả những vinh dự và uy quyền của ơn gọi đó.

Cuộc tranh luận về việc ăn chay trong bài Tin Mừng hôm nay thường được đọc trong mùa chay. Trong cuộc tranh luận này, Chúa Giêsu chỉ ra sự khác biệt giữa các môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả và các môn đệ của người Pharisêu với các môn đệ của Ngài (x. Mc 2:18). Đâu là sự khác biệt? Sự khác biệt nằm ở chủ đề về tiệc cưới chúng ta nghe hôm qua. Nói cách khác, sự khác biệt được ẩn chứa trong hình ảnh chú rể và cô dâu, tình yêu và niềm vui. Hôm nay Chúa Giêsu gọi mình là “chàng rể” và các môn đệ chính là ‘khách dự tiệc cưới.’ Các môn đệ của Chúa Giêsu không ăn chay như các môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả và của người Pharisêu. Các môn đệ của Ngài là những người ‘của yến tiệc,’ của niềm vui. Điều này giúp chúng ta khẳng định rằng: Ở đâu có Chúa Giêsu, ở đó có tiệc cưới, ở đó có tình yêu và niềm vui. Và những người môn đệ của Chúa Giêsu là những người của niềm vui. Đức Thánh Cha Phanxicô dùng lời này áp dụng cho những người thánh hiến: Ở đâu có những người thánh hiến, ở đó có niềm vui [vì họ là những người có Chúa].

Để hiểu hơn về đề tài ăn chay trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần trình bày cách ngắn gọn ở đây việc ăn chay của người Do Thái. Đọc trong Cựu Ước, chúng ta biết là dân Do Thái chỉ ăn chay trong dịp Lễ Xá Tội (Lv 16). Họ thường ăn chay với hai lý do: (1) để đền tội; (2) khi gặp tai ương hoạn nạn. Tuy nhiên, xét cho cùng thì cũng chỉ là một lý do để họ ăn chay, đó là tội lỗi. Thật vậy, người Do Thái ăn chay là vì tội lỗi đã đẩy họ xa khỏi Chúa [hay trong niềm tin của họ là Chúa xa lánh họ]. Ăn chay là cách thức để dân xin Chúa rủ lòng thương đến gần và cứu độ họ. Chính trong bối cảnh ăn chay này mà chúng ta nghe lần đầu tiên và hiểu việc Chúa Giêsu nói cách ám chỉ về cái chết của mình (Mc 2:19b-20) để đền tội cho muôn dân: Thiên Chúa, qua Đức Kitô, không chỉ đến gần dân mà trở nên một với họ và chết cho họ để họ được sự sống muôn đời.

Điểm cuối cùng để chúng ta suy gẫm là sự tương phản giữa mới và cũ mà Chúa Giêsu dùng trong bài Tin Mừng: “Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!” (Mc 2:21-22). Điều này ám chỉ sự tương phản giữa lối thực hành đạo đức cũ và mới. Như vậy, với sự xuất hiện của Chúa Giêsu, hình thức thực hành đạo đức cũ đã không còn hợp thời: Người ta không tôn thờThiên Chúa trên núi này hoặc tôn thờ Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa, nhưng tôn thờ Ngài trong thần khí và sự thật. Nói một cách cụ thể, những người có Chúa Giêsu sẽ sống một lối sống mới, là những người biết đọc dấu chỉ của thời đại: biết vui với người vui và khóc với người khóc. Tuy nhiên, khi chúng ta đọc kỹ điều Chúa Giêsu nói, chúng ta khám phá ra rằng: Ngài không có ý bỏ đi luật cũ; Ngài muốn bảo toàn cả hai. Ngài chỉ muốn hoàn thiện cái cũ: “Ta đến không phải để bãi bỏ lề luật, Ta đến để kiện toàn” (Mt 5:17). Nhìn từ khía cạnh này, một người có Chúa Giêsu là người biết sử dụng cả cái mới và cái cũ trong kho của mình (x. Mt 13:52). Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Một mặt, chúng ta phải tránh thái độ ‘bảo thủ’ đóng kín, không đón nhận cái mới; còn mặt khác chúng ta phải bảo tồn cách khôn ngoan những gì là chân, thiện, mỹ của cái cũ. Trong bối cảnh này chúng ta có thể nói rằng: Người có Chúa Giêsu là người có con tim rộng mở trước thực tại, nhưng biết chọn lựa những gì mang lại niềm vui và hoan lạc trong Thánh Thần.

THỨ BA
NGÀY SABÁT: NGÀY CỦA YÊU THƯƠNG

(Hr 6:10-20; Mc 2:23-28)

Bài đọc 1 bắt đầu với đề tài mà ai trong chúng ta cũng mong muốn tìm được câu trả lời: Thiên Chúa có công bình không? Tại sao người ác lại an nhàn thư thái, còn người tốt thì lại đau khổ? Nhiều người còn xem Chúa là Đấng bất công. Nhưng tác giả của thư Hípri biện minh cho Thiên Chúa rằng: “Thưa anh em, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên việc anh em đã làm và lòng yêu mến anh em đã tỏ ra đối với danh Người, khi trước đây anh em phục vụ các người trong dân thánh, và hiện nay vẫn còn đang phục vụ” (Dt 6:10). Theo lời trên, Thiên Chúa luôn công bằng, Ngài sẽ trả cho chúng ta những gì chúng ta đã làm. Chúng ta có thể quên những gì chúng ta làm, còn Thiên Chúa thì không. Thiên Chúa luôn nhớ vì mọi sự đối với Ngài luôn ở hiện tại. Còn chúng ta sống trong thời gian, vì vậy, chúng ta luôn muốn thấy kết quả của những việc chúng ta làm ngay lập tức. Đây chính là lý do mà tác giả thư Hípri trong bài đọc 1 hôm nay khuyên chúng ta phải có hy vọng như là “cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh” (Dt 6:19). Chỉ những người có hy vọng mới có thể nhận ra Thiên Chúa là Đấng không bất công.

Vì thiếu hy vọng, rất nhiều người trong chúng ta mất đi sự nhiệt thành khi làm điều tốt, nhất là khi bị chống đối, hiểu lầm. Hoặc khi không thấy kết quả, chúng ta ngừng làm điều tốt. Nhìn từ góc độ nào đó, ngừng làm điều tốt vẫn còn có thể chấp nhận được. Nhưng nhiều người trong chúng ta bắt đầu làm điều xấu. Tác giả thư Hípri khuyên chúng ta phải hy vọng và nhiệt thành làm điều tốt cho đến cùng: “Nhưng chúng tôi ao ước cho mỗi người trong anh em cũng tỏ ra nhiệt thành như thế, để niềm hy vọng của anh em được thực hiện đầy đủ cho đến cùng. Anh em đừng trở nên uể oải, nhưng hãy bắt chước những người nhờ có đức tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa hưởng các lời hứa” (Dt 6:11-12). Để biết Thiên Chúa công bình như thế nào, chúng ta cần kiên nhẫn làm việc tốt. Đừng ngừng làm việc tốt, ngay cả khi bị hiểu lầm và chống đối.

Bài Tin Mừng hôm nay nằm giữa cuộc tranh luận về ăn chay và chữa lành người tay bị bại liệt. Chúng tạo nên một bộ ba thật ăn khớp: Ăn chay – bứt lúa ăn – bại tay. Hành động bứt lúa ăn của các môn đệ liên quan đến luật gặt hái trong ngày sa-bát: “Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động, nhưng ngày thứ bảy ngươi sẽ nghỉ ; dù đang vụ cày hay vụ gặt, ngươi cũng sẽ nghỉ” (Xh 34:21). Việc bứt lúa “của người khác” ăn thì “đúng luật”: “Khi vào vườn nho của người đồng loại của anh (em), thì anh (em) có thể ăn nho tuỳ thích, ăn cho đến no, nhưng không được bỏ vào giỏ của mình” (Đnl 23:25). Các môn đệ chỉ sai về “thời gian bứt lúa ăn,” đó là ngày sa-bát.

Điều làm chúng ta ngạc nhiên là lý do Máccô đặt cuộc tranh luận về bứt lúa ăn trong ngày sa-bát ngay sau cuộc tranh luận về việc ăn chay. Như chúng ta biết, mục đích của luật ăn chay là dấu hiệu của lòng sám hối để ‘mang’ Chúa đến gần con người hơn. Và luật của ngày sa-bát cũng không ngoại lệ. Tất cả luật lệ phải đưa con người đến gần Thiên Chúa và đến gần nhau: Luật để “nuôi dưỡng” hơn là “giết chết” con người. Nói cách khác, mục đích của luật là làm cho con người sống là ‘người’ hơn: “Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát” (Mc 2:27). Tuy nhiên, chúng ta để ý chữ ‘Con Người’ ở đây: “Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát” (Mc 2:28). Chữ này không áp dụng cho con người như chúng ta mà chỉ áp dụng cho Chúa Giêsu: Ngài là Đấng lập luật. Ngài có quyền trên luật và là người cắt nghĩa luật đúng nhất. Như vậy, qua cuộc tranh luận về ngày sa-bát, Chúa Giêsu mặc khải mình là ai, điều mà Ngài luôn cấm người khác nói đến, điều mà Tin Mừng của Máccô xem như là “bí mật của Đấng Messiah.”

Chúng ta thấy trong Tin Mừng của hôm qua và hôm nay việc Chúa Giêsu bênh vực những “sai lỗi” hay “vị phạm luật” của các môn đệ mình. Hôm qua Ngài bênh vực họ về việc không ăn chay, còn hôm nay thì bênh vực họ về việc vi phạm luật của ngày sa-bát. Hôm qua Ngài dùng hình ảnh tiệc cưới để bệnh vực, còn hôm nay thì dùng một hình ảnh trong Cựu Ước: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế’” (Mc 2:24-26). Thật vậy, Chúa Giêsu sử dụng một suy diễn loại suy lấy từ Cựu Ước để bênh vực các môn đệ. Chúng ta thấy trong hình ảnh loại suy của Cựu Ước mà Chúa Giêsu sử dụng và sự kiện bứt lúa ăn trong Tin Mừng hôm nay có những điểm tương đồng sau: (1) cả hai vi phạm luật sa-bát; (2) ăn thức ăn cấm để thoả mãn cơn đói; (3) sự kiện liên quan đến hai nhà “lãnh đạo” vĩ đại là người cho phép những người theo mình vi phạm. Những chi tiết này giúp chúng ta hiểu hai điều: thứ nhất, Chúa Giêsu muốn làm sáng tỏ điều hàm chứa trong lời dạy của Ngài hôm qua về việc phải bảo tồn cả cũ và mới; thứ hai, Chúa Giêsu dùng để chứng minh việc Ngài chính là Con Người, Đấng làm chủ ngày sa-bát.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể rút ra điều sau: Chúa Giêsu là nhà lập luật mới và những người theo Chúa Giêsu sẽ sống theo luật mới này. Và luật mới này được tìm thấy trong Tin Mừng của Thánh Gioan: “Thầy ban cho anh em một giới răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34). Những người theo Chúa Giêsu là những người chỉ có một điều trong con tim và khối óc của họ: Tình yêu [dành cho Thiên Chúa và tha nhân]. Tình yêu sẽ là luật tuyệt hảo nhất. Chỉ khi sống luật này, chúng ta mới biết Thiên Chúa là ai: Ngài là tình yêu (x. 1Ga 4:8). Ai không sống yêu thương sẽ không bao giờ biết Thiên Chúa và họ là những người chỉ “tìm tội” của người khác để lên án!

 

THỨ TƯ
SỐNG CẢM THÔNG VÀ YÊU THƯƠNG

(Hr 7:1-3.15-17; Mc 3:1-6)

Hôm qua, chúng ta đã phần nào biết được sự khác biệt giữa chức vụ thượng tế của Chúa Giêsu và chức vụ thượng tế được chọn lên giữa người phàm. Tác giả thư Hípri làm sáng tỏ hơn sự khác biệt đó trong bài đọc 1 ngày hôm nay. Chúa Giêsu là thượng tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê, người “không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế” (Dt 7:3). Theo tác giả thư Hípri, chức vụ thượng tế của Chúa Giêsu không có khởi đầu cũng không có kết thúc. Mãi mãi Ngài vẫn là thượng tế. Còn chức vụ thượng tế của các phàm nhân có giới hạn về thời gian và không gian.

 Theo tác giả thư Hípri, Chúa Giêsu là thượng tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê. Nhưng Men-ki-xê-đê là ai? “Ông Men-ki-xê-đê là vua Sa-lem, là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, đã đón gặp và chúc lành cho ông Áp-ra-ham, lúc ông này đang trên đường về sau khi đánh bại các vua. Ông Áp-ra-ham đã chia cho ông Men-ki-xê-đê một phần mười chiến lợi phẩm. Trước hết, ông tên là Men-ki-xê-đê, nghĩa là “vua công chính”; rồi ông lại là vua Sa-lem, nghĩa là “vua bình an” (Dt 7:1-2). Hai tước hiệu này [“vua công chính” và “vua bình an”] chính là tước hiệu của Đấng Messiah sẽ sinh ra bởi Isaiah: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9:5). Chúng ta học được gì ở điều này? Như chúng ta đã chia sẻ, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được chia sẻ trong chức vụ tư tế của Chúa Giêsu, Đấng là vua công chính và hoà bình. Như vậy, chúng ta cũng được mời gọi sống công chính thánh thiện trước mặt Thiên Chúa để sự hiện diện của chúng ta là sự hiện diện mang lại sự hiệp nhất và vui tươi, chứ không phải là sự hiện diện mang đến sự chia rẽ và buồn sầu.

Cuộc tranh luận về ngày sa-bát bắt đầu hôm qua được tiếp tục cách mạnh mẽ hơn trong bài Tin Mừng hôm nay. Hôm qua, cuộc tranh luận xảy ra trên đồng lúa, còn hôm nay xảy ra trong hội đường, nơi lời Chúa được công bố và giải thích. Đây là cuộc tranh luận thứ năm giữa Chúa Giêsu với các biệt phái và kinh sư [(1) tranh luận về việc tha tội; (2) tranh luận về việc ăn uống với người tội lỗi; (3) tranh luận về việc ăn chay; (4) tranh luận về việc bứt lúa ăn trong ngày sa-bát]. Cuộc tranh luận thứ năm này giống với cuộc tranh luận thứ nhất [tranh luận về việc tha tội] vì nó được đặt trong bối cảnh chữa lành và cả hai nói lên việc Chúa Giêsu có uy quyền cả trong lời nói và việc làm. Theo các học giả Kinh Thánh, mục đích của cuộc tranh luận này cũng giống với cuộc tranh luận hôm qua là để nói về việc Giáo Hội sơ khai “bào chữa” mình về luật của ngày sa-bát. Là một cộng đoàn đang từ từ tách ra khỏi lối thờ phượng của người Do Thái, những Kitô hữu tiên khởi không còn nghĩ đến việc phải giữ luật ngày sa-bát, nhưng tìm cho mình một luật mới trong Đức Kitô, luật mà sẽ được diễn tả trong ngày phục sinh của Ngài: Ngày mà họ làm lành và cứu sống!

Chúng ta thấy thái độ của các đối thủ của Chúa Giêsu càng ngày càng trở nên ít thân thiện hơn. Trong các cuộc tranh luận trước, phản ứng của họ là sự kinh ngạc hoặc không được nhắc đến. Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Máccô nói đến phản ứng của họ: (1) Nhưng họ làm thinh (Mc 3:5), và “Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su” (Mc 3:6).  Thật vậy, chỉ trong năm cuộc tranh luận, thái độ của đối thủ của Chúa Giêsu thay đổi từ “kinh ngạc” đến “thù địch.” Điều này cảnh báo chúng ta về việc sống chung với nhau [trong gia đình hay cộng đoàn]. Thái độ của chúng ta có thể sẽ thay đổi theo thời gian khi thấy người khác sống và làm những điều “khác” với cách thức sống và làm việc quen thuộc của chúng ta. Lúc đầu, chúng ta kinh ngạc vì thấy “hay hay,” nhưng dần dần thái độ thiện cảm bị thay thế bởi thái độ “khó chịu” hoặc “chướng mắt.” Và kết quả là từ “bạn” biến thành “thù.” Tệ nhất là chúng ta “làm thinh” và xem người khác như không hiện hữu! Hãy cố gắng tránh thái độ làm thinh, không đối thoại để tìm ra ý Chúa, vì đây là thái độ của những người ‘tìm cách hại’ anh chị em mình.

Hơn nữa, thái độ “rình xem” của nhóm Pha-ri-sêu cũng là điều cảnh tỉnh chúng ta: “Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tố cáo Người” (Mc 3:2). Trong Tin Mừng hôm qua, họ đã chứng kiến các môn đệ của Chúa Giêsu phạm luật của ngày sa-bát và Chúa Giêsu đã bảo vệ các môn đệ. Bây giờ, họ xem chính Ngài có phạm luật ngày sa-bát không. Giống hôm qua, vấn đề là ở chỗ “thời gian” – đó là ngày sa-bát, và bản chất của căn bệnh không phải là nguy kịch. Theo luật, các kinh sư cho phép chữa những người mặc bệnh sinh tử trong ngày sa-bát. Chúng ta không tìm thấy điều này trong Cựu Ước, nhưng điều này được viết trong Yoma 8: 6 [luật của các Ra-bi]: “Tất cả những nguy hiểm hại đến mạng sống con người vượt qua luật ngày sa-bát.” Như vậy, vấn đề ở đây là họ quan sát Chúa Giêsu có đi vượt qua giới hạn này không, đó là cứu một người mắc bệnh không nguy hiểm đến tính mạng trong ngày sa-bát. Khi Chúa Giêsu “vi phạm” luật này, Ngài không vi phạm luật của Thiên Chúa, Ngài chỉ “vi phạm” luật của con người. Qua điều này, Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng: Luật của Thiên Chúa thì vượt trên luật của con người và mọi luật của con người phải dựa trên luật của Thiên Chúa. Nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta nại đến luật của con người hơn là luật của Thiên Chúa để đối xử với nhau. Hãy đối xử với nhau với con tim đầy yêu thương. Đó là luật căn bản nhất và tuyệt hảo nhất mà chúng ta có thể thực hành.

Trước thái độ thù nghịch và chống đối của những người “rình xem để tố cáo Ngài,” Chúa Giêsu bình thản hỏi họ về mục đích và ý nghĩa của ngày sa-bát: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết người ?” (Mc 3:4). Câu hỏi này đi vượt ra ngoài giới hạn của luật mà thầy thông luật đặt ra. Qua câu hỏi này, Chúa Giêsu tuyên nhận mình là “Con Người” trong bài Tin Mừng hôm qua, Đấng có quyền trên ngày sa-bát, Đấng hiểu thấu ý nghĩa và mục đích của ngày sa-bát là để cứu sống và làm lành. Trái ngược với các thầy thông luật, Chúa Giêsu muốn khẳng định cho họ rằng: Làm điều lành và cứu sống không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Nói cách khác, đừng chậm trễ trong việc làm lành và cứu chữa anh chị em của mình. Nếu chúng ta có thể làm một việc tốt cho nhau, hãy làm ngay, đừng đợi đến ngày mai, vì chúng ta không biết chúng ta hoặc người khác còn sống đến ngày mai hay không. Hãy yêu thương và tha thứ ngay, đừng đợi đến lúc quá muộn để hối hận cả đời!

Điểm cuối cùng chúng ta quan tâm đó chính là thái độ “giận dữ” của Chúa Giêsu khi thấy những người biệt phái lòng chai đá: “Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn bực vì lòng họ chai đá” (Mc 3:4). Theo Mác-cô, đây là lối diễn tả cảm xúc để chứng mình rằng Chúa Giêsu là con người thật. Nếu đọc Tin Mừng Máccô, chúng ta thấy những diễn tả như, “Người cảm thấy đói” (cám dỗ trong sa mạc), hay “Ta khát” (trên cây thập giá), không được tìm thấy trong Tin Mừng của Matthêu. Cảm xúc ‘giận dữ’ này là cảm xúc của một “con người thật” – giận dữ trước “lòng họ chai đá.” Sự giận dữ này khác với giận dữ bình thường của chúng ở chổ là sự giận giữ của Chúa Giêsu không chứa đựng ‘sự trả thù’ hoặc ‘hơn thua,’ nhưng là sự “giận dữ” của Người muốn làm cho trái tim người khác trở nên bằng xương bằng thịt để có không còn chai đá, nhưng biết rung động và cảm thông với nỗi khổ của người khác. Hãy dừng sự giận dữ làm chúng ta mất bình an và tình thân với người khác. Nhưng hãy giận dữ vì con tim của chúng ta quá chai đá trước những đau khổ của người khác!

THỨ NĂM
DÀNH THỜI GIAN RIÊNG VỚI CHÚA GIÊSU

(Hr 7:25 – 8:6; Mc 3:7-12)

Một trong những câu hỏi làm cho nhiều người khắc khoải là: Chúng ta sinh ra trong đời để làm gì? Đây là câu hỏi liên quan đến ý nghĩa của cuộc đời mỗi con người. Câu trả lời của vấn nạn trên là kim chỉ nam cho cuộc đời của mỗi người khi đến trong thế gian này. Lời Thánh Vịnh trong đáp ca hôm nay là câu trả lời hay và đúng nhất cho tất cả những ai [nhất là những người sống đời thánh hiến] tin vào Thiên Chúa: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài. Chúng ta tin rằng: Chúng ta đến trong thế gian này do ý muốn của Thiên Chúa. Theo các giáo phụ và giáo huấn của Giáo Hội, chỉ có con người trong các tạo vật được Thiên Chúa dựng nên cho chính nó. Như vậy, mục đích và ý nghĩa của sự sống con người chỉ tìm thấy trong Thiên Chúa mà thôi. Tuy nhiên, chúng ta thường đi tìm ý nghĩa của đời mình trong những tạo vật chóng qua. Những tạo vật này chỉ mang lại cho chúng ta một hạnh phúc chóng tàn. Và lòng chúng ta sống trong khắc khoải và trống vắng. Chỉ những ai tìm kiếm và thực thi ý Chúa cho cuộc đời của mình mới tìm thấy được hạnh phúc viên mãn.

Đề tài về sự khác biệt giữa chức vụ thượng tế của Chúa Giêsu và các thượng tế khác được tác giả thư Hípri tiếp tục khai triển trong bài đọc 1 ngày hôm nay: “Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình, và chỉ dâng một lần là đủ. Vì Luật Môsê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời” (Dt 7:27-28). Theo tác giả thư Hípri, Chúa Giêsu là mẫu gương thánh thiện và thập toàn cho chúng ta. Ngài không phạm tội như các thượng tế phàm nhân, nhưng Ngài chấp nhận hiến thân mình làm của lễ đền tội cho mọi người. Con chúng ta thì sao? Chúng ta có đủ can đảm để hiến thân làm của lễ đền tội cho những người làm chúng ta đau khổ, những người xúc phạm chúng ta không? Những ai nói “xin lỗi” sau khi phạm lỗi là những người sống theo bổn phận và đức công bằng. Những người nói “xin lỗi” khi người khác xúc phạm đến mình vì không muốn đánh mất mối tương quan đã được xây dựng là những người sống theo tình yêu và con tim của Chúa.

Một điểm khác mà bài đọc 1 hôm nay nói cho chúng ta là công việc của vị thượng tế: Trở thành trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Hay nói cách khác, công việc chính của thượng tế là chuyển cầu cho con người: “Đức Giê-su được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn” (Dt 8:6). Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta cũng được chia sẻ trong công việc trung gian của Chúa Giêsu. Như vậy, khi một người anh chị em của chúng ta lỗi phạm, chúng ta không kết án, không khó chịu, không tức giận và không loại bỏ. Nhưng chúng ta khẩn cầu cho người đó trước toà Thiên Chúa để họ được Chúa xót thương và tha thứ. Để thực hiện công việc chuyển cầu này, giống như Chúa Giêsu, chúng ta cần sở hữu những phẩm chất sau: thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời (Dt 7:26).

Bài Tin Mừng hôm nay là bản tóm tắt mang tính chuyển tiếp của Thánh Máccô. Một cách cụ thể, Thánh Máccô sử dụng đoạn Tin Mừng hôm nay để chuyển từ đề tài chữa bệnh và tranh luận với các biệt phái sang đề tài dùng dụ ngôn và trừ quỷ để giảng dạy các môn đệ và dân chúng. Trong bản tóm tắt này, chúng ta thấy thái độ đón nhận Chúa Giêsu của dân chúng hoàn toàn trái ngược với thái độ từ chối và tìm cách loại bỏ của các biệt phái và kinh sư. Đối với dân chúng, Chúa Giêsu được đón nhận như một “thầy thuốc” – Đấng chữa lành tất cả những ai đến với Ngài. Trong bản tóm tắt này chúng ta có thể nhận ra ba điểm quan trọng mà Thánh Máccô muốn nói đến: (1) Chúa Giêsu có một năng lực hấp dẫn đặc biệt đến nỗi nhiều người từ nhiều miền khác nhau đến với Ngài (Mc 3:7-8); (2) Ngài dặn các môn đệ dành sẵn một chiếc thuyền nhỏ để Ngài không bị chen lấn bởi những bệnh nhân đổ xô đến để sờ vào Ngài (Mc 3:9-10); (3) Chúa Giêsu ra lệnh cho các thần ô uế không được tiết lộ chân tính của người (Mc 3:11-12). Từ ba điểm này, chúng ta rút ra được ba bài học sau:

(1) Chúa Giêsu có một sức hấp dẫn đặc biệt: “Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê, từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm” (Mc 3:7-8). Người ta đến với Chúa Giêsu từ mọi ngã [chỉ có Samaria không được đề cập ở đây; còn vùng thập tỉnh sẽ được giữ lại đến chương 5]. Sự khác biệt ở đây là: Chúa Giêsu đến với các môn đệ, còn dân Chúa đến với Chúa Giêsu. Chúng ta thấy, Chúa Giêsu trở thành trung tâm của sự hấp dẫn. Sự hấp dẫn của Chúa Giêsu không đến từ những gì người nói, nhưng từ những gì người đã làm. Hành động “nói” lớn hơn lời nói. Hãy để cho lời nói dạy và hành động làm chứng!

(2) Chúa Giêsu dặn “các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.” Ngài muốn có một chỗ riêng với các môn đệ, trong lòng từng môn đệ. Ngài muốn một chỗ nhỏ nơi mà Ngài có thể một mình với các môn đệ mà không bị ai quấy rầy, chen lấn. Chúng ta có dành một chỗ như thế cho Ngài trong con tim, trong công việc, trong thời khoá biểu hằng ngày của chúng ta không?

(3) Chúa Giêsu ra lệnh cho các thần ô uế không được tiết lộ chân tính của Người. Điều này, như chúng ta đã biết, là “bí mật của Đấng Messiah.” Tuy nhiên, thái độ không “phô trương” của Chúa Giêsu là điều chúng ta học hỏi trong điểm này. Quyền năng của Ngài trên các thần ô uế nói đến chiến thắng của Ngài trên sự dữ. Nhưng Ngài không vì chiến thắng này mà trở nên tự mãn. Ngài biết rằng sự dữ chỉ có thể chiến thắng bằng tình yêu tự hiến trên thập giá chứ không phải bằng việc chữa lành thể lý. Chiến thắng lớn nhất trong đời của chúng ta là: Làm điều tốt cho người những người làm chúng ta tổn thương – đây là “bí mật của Đấng Messiah.”

THỨ SÁU
ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ Ở VỚI CHÚA GIÊSU

(Hr 8:6-13; Mc 3:13-19)

Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả thư Hípri trình bày cho chúng ta điều làm cho giao ước mới tốt đẹp hơn giao ước cũ. Cốt lõi của sự cao trọng này hệ tại việc có vị Thượng Tế làm trung gian (x. Hr 8:6). Tác giả thư Hípri cho biết giao ước cũ là giao ước không hoàn hảo vì con cái Israel đã không trung thành với giao ước mà Đức Chúa đã thiết lập với họ. Thiên Chúa là Đấng trung thành với giao ước của mình, nên giao ước Ngài lập ra luôn hoàn hảo. Giao ước trở nên không hoàn hảo vì con người đã không trung tín với Thiên Chúa. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là Đức Chúa không “huỷ giao ước” [huỷ hợp đồng] với con người, mà Ngài lập một giao ước mới tốt đẹp hơn với con người: “Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó, Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là Dân của Ta. Không ai còn phải dạy đồng bào mình, không ai còn phải dạy anh em mình rằng: ‘Hãy học cho biết Đức Chúa,’ vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ dung thứ những điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Hr 8:10-12). Trong giao ước này, chúng ta thấy Đức Chúa làm hết mọi sự cho dân của Ngài. Ngài chỉ đòi hỏi nơi dân của Ngài một điều, đó là “thuộc về Ngài.” Chúng ta cũng đã ký kết một giao ước với Thiên Chúa trong ngày rửa tội [trong ngày thánh hiến]. Qua giao ước này, Thiên Chúa hứa sẽ chăm sóc, bảo vệ chúng ta. Về phần mình, chúng ta hứa thuộc trọn về Ngài. Nhìn lại đời sống Kitô hữu [đời sống thánh hiến], đã bao nhiêu lần chúng ta đã không trung thành với lời hứa thuộc trọn về Thiên Chúa vì chúng ta chạy theo những gì thuộc về thế gian. Nhưng Thiên Chúa đã dung thứ, đã không nhớ đến những lỗi lầm của chúng ta. Ngài luôn yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Để đáp lại tình yêu bao dung của Ngài, chúng ta cần thay đổi lối sống ích kỷ, hẹp hòi, không chạy theo những gì thuộc về thế gian để hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa như chúng ta đã hứa với Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu chọn và thiết lập Nhóm Mười Hai mặc dầu Chúa Giêsu đã gọi một vài người theo Ngài (x. Mc 1:16-20; 2:14), và nhiều người khác theo Ngài. Việc Chúa Giêsu thiết lập Nhóm Mười Hai có một ý nghĩa quan trọng như là biểu tượng đầu tiên trong việc Ngài thiết lập dân Thiên Chúa. Nhóm Mười Hai hàm chứa ý nghĩa của các chi tộc Israel và chỉ đến dân Thiên Chúa trong thời cánh chung trong Nước Thiên Chúa. Chúng ta có thể suy gẫm bài Tin Mừng hôm nay dựa trên các điểm sau:

Thứ nhất, hành động của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn” (Mc 3:13). Hình ảnh núi trong truyền thống Kinh Thánh là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, nơi Thiên Chúa mặc khải chính mình. Việc gọi và chọn những kẻ Người muốn là việc quan trọng. Những kẻ Người [Chúa Giêsu] muốn cũng phải là những kẻ Thiên Chúa muốn. Chính vì điều này mà Chúa Giêsu đã “lên núi” để hiệp nhất với Chúa Cha, để biết được những kẻ Chúa Cha muốn. Cũng trên núi, những người được chọn sẽ hiểu rằng họ không chỉ được Chúa Giêsu gọi và chọn, mà chính Thiên Chúa của Israel đã gọi và chọn họ. Mỗi người Kitô hữu [mỗi tu sĩ] cũng được Thiên Chúa gọi và chọn để theo Chúa Giêsu. Đầy là một món quà vô giá và nhưng không Thiên Chúa dành cho những người khiêm nhường biết để cho Thiên Chúa hướng dẫn đời mình. Hành động của Chúa Giêsu cũng nhắc nhở chúng ta về những quyết định trong đời sống thường ngày. Khi đối diện với những quyết định quan trọng, chúng ta phải chìm đắm trong đời sống cầu nguyện để được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Chỉ có như thế thì điều chúng ta chọn và muốn cũng là điều Thiên Chúa chọn và muốn.

Thứ hai, hành động của Nhóm Mười hai: “Các ông đến với Người” (Mc 3:13). Khi được mời gọi, các môn đệ đã đến với Chúa Giêsu. Nói cách khác, họ đã đáp trả lại lời mời gọi. Họ đáp trả vì họ “lắng nghe” và để lời Chúa Giêsu “quyến rũ” và “chiếm lấy họ. Đây cũng phải là thái độ của chúng ta, đó là biết lắng nghe cách chăm chú, nếu chúng ta muốn đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu cách mau mắn. Người khôn ngoan là người ít nói, lắng nghe Thiên Chúa, lắng nghe anh chị em mình trước khi làm bất kỳ điều gì.

Thứ ba, mục đích của Chúa Giêsu trong việc thiết lập Nhóm Mười Hai: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3:14-15). Trong những lời này, Thánh Máccô chỉ ra rằng: Mục đích của người môn đệ là “ở với Chúa Giêsu.” Chỉ khi người môn đệ ở với Chúa Giêsu mới có thể chia sẻ trong sứ vụ của Ngài, đó là được sai đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. Ở đây chúng ta thấy nguyên tắc căn bản của người môn đệ, đó là điều “tôi là” quyết định điều “tôi làm.” Ở lại với Chúa Giêsu là điều quan trọng nhất quyết định chân tính của người môn đệ. Ngày hôm nay, chúng ta thường đánh giá nhau dựa trên hiệu quả của công việc, dựa trên những gì chúng ta làm hơn là chúng ta là. Để rồi khi không có gì làm, chúng ta rơi vào tình trạng “khủng hoảng về căn tính.” Hãy đặt việc ở lại với Chúa Giêsu trên các công việc tông đồ, để khi không thể làm việc tông đồ thì chúng ta vẫn ở với Chúa Giêsu trong mối tương quan thân tình nhất.

Cuối cùng, danh sách của Nhóm Mười Hai: “ông Simôn – Người đặt tên là Phêrô, ông Giacôbê con ông Dêbêđê, và ông Gioan em ông Giacôbê – Người đặt tên cho hai ông là Bôanêghê, nghĩa là con của thiên lôi, rồi đến các ông Anrê, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simôn thuộc nhóm Nhiệt Thành, và Giuđa Ítcariốt là chính kẻ nộp Người” (Mc 3:16-19). Nhìn danh sách các tông đồ, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về những kẻ Chúa Giêsu muốn ở với Ngài. Họ thuộc mọi tầng lớp, khác biệt trong nghề nghiệp và cá tính. Điều đáng để chúng ta lưu ý là trong số những kẻ Chúa Giêsu muốn, có một người “sẽ nộp Ngài.” Chi tiết này cho thấy, Chúa Giêsu không loại trừ ai ra khỏi ơn gọi làm tông đồ của Ngài. Ngài muốn kẻ nộp Ngài “ở với Ngài.” Điều này nhắc nhở chúng ta về tình yêu của mình: Có bao giờ chúng ta muốn ở với một người nộp chúng ta không? Chiều sâu của tình yêu hệ tại việc sẵn sàng chấp nhận mọi sự để người được yêu có cơ hội cảm nghiệm được tình yêu bao dung để trở về.

THỨ BẢY
HÃY ĐỂ CHÚA GIÊSU LÀ CHÚA ĐỜI BẠN

(Hr 9:2-3.11-14; Mc 3:20-21)

Tác giả thư Hípri thuật lại cho chúng ta “cấu trúc” của Đền Thờ qua việc sử dụng hình ảnh “cái lều.” Như chúng ta biết, đối với người Do Thái trong thời lưu lạc trong sa mạc, lều là nơi Thiên Chúa hiện diện, nơi con cái Israel gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng lều này được dựng nên bằng bàn tay con người theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Còn lều mà Chúa Giêsu tiến vào thì không do bàn tay con người làm nên: “Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này” (Hr 9:11). Tác giả thư Hípri tiếp tục trình bày mục đích của việc Chúa Giêsu vào trong cung thánh, đó là “lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Hr 9:13). Ơn cứu chuộc vĩnh viễn của con người được Chúa Giêsu dùng chính máu mình chuộc lại: “Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Hr 9:13-14). Trong mỗi thánh lễ, Chúa Giêsu hiến tế thân mình để cứu chuộc chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi sự chết và làm cho chúng ta xứng đáng để phụng thờ Thiên Chúa. Cuộc sống của chúng có xứng đáng để tôn vinh Thiên Chúa không? Nhiều lần, chúng ta đã để cho máu Chúa Giêsu trở nên vô hiệu vì chúng ta vẫn ở mãi trong lối sống ghen tỵ, không yêu thương, không tha thứ. Hãy biến đời sống mình thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa mỗi ngày qua đời sống vui tươi, cảm thông và tha thứ.

Chúng ta chỉ hiểu bài Tin Mừng hôm nay khi chúng ta liên kết nó với bài Tin Mừng hôm qua. Tin Mừng hôm qua thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu thiết lập Nhóm Mười Hai như là nền tảng của “gia đình mới” của Ngài. Tiêu chuẩn của gia đình mới này không dựa trên huyết nhục, nhưng dựa trên ý muốn của Thiên Chúa. Đứng trước tiêu chuẩn mới này, nhiều người đã có phản ứng tiêu cực, bắt đầu với những người thân của Chúa Giêsu mà Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta. Bài Tin Mừng chỉ có hai câu. Câu 20 nêu lên bối cảnh hay lý do dẫn đến việc “hiểu lầm” của người thân Chúa Giêsu: “Khi ấy, Đức Giêsu cùng với các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được.” Sau khi gọi những kẻ Ngài muốn đến với Ngài để ở với Ngài, Chúa Giêsu và các môn đệ “trở về nhà.” Theo các học giả Kinh Thánh, đây là nhà ở Nadarét nơi người thân của Chúa Giêsu đang ở. Nhưng đây chưa phải là lý do để người thân của Ngài có phản ứng tiêu cực. Lý do nằm ở chỗ là Ngài để cho đám đông kéo đến nhà và “bận rộn” tiếp họ đến nỗi không còn thời gian cho chính mình, không có thời gian để ăn uống. Đây chính là điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ, những người Ngài muốn nhận ra: Một khi đã ở với Ngài, họ sẽ chịu chung số phận với Ngài, đó là không còn giờ cho chính mình, sẵn sàng tận hiến chính mình cho những người đến với họ hoặc họ được sai đến. Là người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta có sẵn sàng chịu chung số phận với Chúa Giêsu không?

Chi tiết thứ hai làm chúng ta suy gẫm là thái độ tiêu cực của người thân của Chúa Giêsu trong câu 21: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.” Những lời này chỉ cho thấy người thân của Chúa Giêsu muốn “kiểm soát” hay đúng hơn “giam” Ngài trong lối suy nghĩ hạn hẹp của họ. Họ không muốn Chúa Giêsu phải làm cho gia đình, người thân phải xấu hổ. Như chúng ta biết, trong thời đại của Chúa Giêsu, cảm thức dân tộc hoặc gia đình rất mạnh mẽ trong tâm thức mỗi người: Một người làm quan, cả họ được nhờ. Nhưng ngược lại, thất bại của một người sẽ liên luỵ cả dòng tộc. Chính trong lối suy nghĩ này mà người thân của Chúa Giêsu không muốn “lối sống mới” của Chúa Giêsu mang sự chống đối của các nhà lãnh đạo tôn giáo lên trên họ. Vì vậy, họ muốn “kiểm soát” Chúa Giêsu. Đây cũng là thái độ của chúng ta. Nhiều lần, chúng ta cũng muốn kiểm soát Chúa Giêsu, cũng muốn giam hãm Ngài trong khối óc và con tim chật hẹp của mình để rồi Ngài không còn là Chúa, là Thầy, là Người hướng dẫn chúng ta mà trở thành Người làm theo điều chúng ta muốn. Hãy để Chúa Giêsu là Chúa! Hãy để Ngài đưa chúng ta vào trong quỹ đạo yêu thương của Ngài hơn là đưa Ngài vào trong quỹ đạo nhỏ bé giới hạn của chúng ta.