Các Bài suy Niệm Trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh

212

Các Bài suy Niệm Trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh

Lm Ngọc Dũng, SDB

THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Thánh Têphanô, Tử Đạo Tiên Khởi

SỐNG LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY

(Cv 6:8-10; 7:54-60; Mt 10:17-22)

Theo truyền thống, chúng ta có lý do để tin rằng Thánh Têphanô là một trong 72 môn đệ của Chúa Giêsu. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, thánh nhân được chọn làm một trong bảy phó tế của Giáo Hội tiên khởi. Sứ vụ của thánh nhân sinh nhiều hoa trái và vì vậy làm cho nhiều người ghen ghét và chống đối. Cuộc sống của chúng ta cũng thế, khi sống hoàn toàn cho Chúa, chúng ta cũng sẽ đối diện với kinh nghiệm bị chống đối và loại trừ. Nhưng trong những giây phút đó, chúng ta nhận ra rằng, chúng ta được mời gọi để làm chứng cho Chúa và sống Tin Mừng yêu thương và tha thứ.

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta về việc tử đạo của Thánh Têphanô. Tác giả sách Công Vụ Các Tông Đồ trình bày Thánh Têphanô là người “được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân” (Cv 6:8). Việc làm điềm thiêng dấu lạ của những người môn đệ Chúa Giêsu luôn có nguồn gốc nơi Thiên Chúa. Nói cách khác, với quyền lực của Thiên Chúa mà người môn đệ thực hiện những kỳ công. Nhiều lần, khi làm được điều gì đó mang lại danh thơm tiếng tốt, chúng ta cho đó là do sức riêng của mình mà quên mất mọi sự đến từ Thiên Chúa. Thánh Têphanô làm điềm thiêng dấu lạ vì thánh nhân được đầy ân sủng và quyền năng của Thiên Chúa. Vì thánh nhân đã luôn sống cho Thiên Chúa nên đã gây ra sự chống đối trong những người thuộc hội đường, là những người đi tìm danh vọng riêng cho chính mình. Vì được đầy ân sủng và quyền năng, nên không ai có thể “địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông” (Cv 6:10). Chi tiết này cho thấy, Thánh Têphanô chỉ tìm kiếm sự khôn ngoan nơi Thiên Chúa, chứ không tìm ở người đời. Còn chúng ta, sự khôn ngoan của chúng ta đến từ đâu: Thiên Chúa hay người đời?

Chi tiết thứ hai đáng để chúng ta suy gẫm là những lời cuối cùng của Thánh Têphanô trước khi chết: “‘Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con.’ Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.’ Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7:59-60). Chúng ta nhận ra những lời này là lời của Chúa Giêsu khi Ngài bị treo trên thập giá. Điều này dạy chúng ta rằng: Cuộc đời của người môn đệ phải lặp lại cuộc đời của Chúa Giêsu, nhất là trong hành động tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và trong đời sống yêu thương và tha thứ. Nói cách cụ thể hơn, mỗi cử chỉ, mỗi hành động, mỗi lời nói của chúng ta phải phản chiếu những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trình bày cho các môn đệ về thực tại họ sẽ bị trao nộp khi theo Ngài. Thánh Mátthêu trình bày cho chúng ta thấy các môn đệ sẽ bị trao nộp bởi hai loại người:

(1) Những người ở bên ngoài: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10:17-20). Trong những lời này, Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ thái độ họ cần phải có khi bị “người đời” trao nộp, đó là họ hoàn toàn tin tưởng và để Thần Khí của Thiên Chúa Cha hướng dẫn họ trong việc làm chứng. Nói cách cụ thể hơn, khi chúng ta được mời gọi làm chứng cho Chúa, chúng ta phải hoàn toàn để cho mình dễ dạy với Chúa Thánh Thần chứ không đi tìm những luận chứng con người để trình bày. Thật vậy, nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta tìm những lý do con người để làm chứng cho Chúa. Càng sử dụng những lối suy luận con người bao nhiêu, ngườc khác càng xa Chúa và không tin Chúa bấy nhiêu. Tuy nhiên, những khi bị bắt bớ, chúng ta chỉ nói với ngôn ngữ của tình yêu cho dù phải đau khổ để người khác sẽ nhận ra được Thiên Chúa là ai mà chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ và chết. Đó chính là cách làm chứng tốt nhất mà chúng ta có thể làm như Thánh Têphanô đã làm.

(2) Những người trong gia đình của mình: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10:21-22). Cuộc sống dạy chúng ta rằng, chúng ta sẽ đau buồn hơn khi một người thân của chúng ta ‘phản bội’ hay ‘trao nộp’ [làm tổn thương] chúng ta. Điều này xảy ra cho hết mọi người, ngay cả những người theo Chúa Giêsu. Trong những trường hợp như thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cần có sự “bền chí” [kiên nhẫn chịu đựng]. Theo Chúa Giêsu, chỉ những người bền chí mới được cứu độ! Hay nói cụ thể hơn, chỉ những người bền chí mới có thể làm cho việc làm chứng của họ sinh hoa trái trong đời sống những người thân của họ.

***********

THỨ TƯ TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Thánh Gioan, Tông Đồ, Tác Giả Sách Tin Mừng

HÃY CHẠY TRONG CUỘC ĐUA TÌM KIẾM CHÚA

(1 Ga 1:1-4; Ga 20:2-8)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Thánh Gioan Tông Đồ, tác giả sách Tin Mừng. Theo truyền thống, thánh nhân là vị tông đồ trẻ nhất trong số các tông đồ. Thánh nhân được Chúa Giêsu gọi theo Ngài trên bờ sông Giođan trong những ngày đầu tiên của sứ vụ. Thánh nhân là một trong những môn đệ được tuyển chọn để hiện diện khi Chúa Giêsu biến hình và trong vườn cây dầu. Trong Bữa Tiệc Ly, thánh nhân tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu và trong giờ khổ nạn của Chúa Giêsu, khi các môn đệ khác bỏ chạy, bán hoặc chối Thầy mình, Thánh Gioan tiếp tục đứng bên cạnh Thầy, và cuối cùng đứng kề bên Mẹ Maria dưới chân thập tự. Những chi tiết này cho thấy thánh nhân là một người môn đệ trung thành với Thầy trong giây phút hạnh phúc cũng như đau buồn. Thánh nhân không bao giờ rời xa Thầy của mình. Học gương sáng của thánh nhân, chúng ta cũng được mời gọi trung thành với Chúa trong mọi giây phút của cuộc sống.

Trong bài đọc 1, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta về chính cuộc sống làm chứng của Ngài. Chi tiết chúng ta đáng lưu ý là thánh nhân chỉ loan báo những “điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1Ga 1:1). Nói cách khác, thánh nhân chỉ làm chứng và loan báo những gì mà chính bản thân mình đã cảm nghiệm cách cụ thể. Chúng ta đã có cảm nghiệm cụ thể gì về Thiên Chúa chưa? Người ta thường nói, chúng ta chỉ cho người khác những gì chúng ta có. Như vậy, chúng ta không thể mang Chúa đến cho người khác khi chúng ta không có Chúa trong cuộc đời của mình. Ở đây, chúng ta cũng thấy thánh nhân có một mục đích rất rõ rệt cho việc loan báo của mình, đó là “để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1 Ga 1:3). Mục đích của việc loan báo Tin Mừng là làm cho người khác được hiệp thông với Chúa và với chúng ta. Khi việc loan báo Tin Mừng chỉ dừng lại ở việc hiệp thông với chính mình, thì chúng ta đang đi tìm vinh danh cho chính mình hơn là vinh danh của Thiên Chúa và ơn cứu độ của con người.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu mà trong đó Thánh Gioan là một trong những chứng nhân đầu tiên. Bài Tin Mừng bắt đầu với sự kiện “sáng sớm ngày Phục Sinh, bà Maria Mácđala chạy đi gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: ‘Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu’ (Ga 20:2). Những lời này trình bày cho chúng ta sự kiện hai môn đệ nghe Maria Mácđala nói về việc Chúa bị người khác ‘đem đi’ và đặt nơi đâu mà bà không biết. Chi tiết này ám chỉ hai thực tại: (1) con người có thể đem Chúa đi và ‘giấu’ Chúa nơi họ muốn và (2) chúng ta thường tìm kiếm Chúa nơi chúng ta nghĩ con người đặt Ngài, chứ không tìm kiếm Ngài nơi Ngài muốn hiện diện. Nhìn vào hình ảnh Maria Mácđala, chúng ta học được điều gì? Chúng ta học được rằng, trong cuộc sống có nhiều mất mát, và mỗi mất mát mang lại những đau buồn khôn nguôi. Nhưng có bao giờ chúng ta đau buồn khi chúng ta ‘mất’ Chúa trong cuộc sống của mình không?

Chi tiết thứ hai chúng ta lưu ý là sau khi nghe Maria Mácđala nói không nhìn thấy Chúa Giêsu, thì “ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy” (Ga 20:3-4). Theo các học giả Kinh Thánh, chi tiết “cả hai người cùng chạy” ám chỉ đến sự căng thẳng đang xảy ra trong cộng đoàn của Thánh Gioan liên quan đến vị trí của Phêrô và người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến. Dù có sự “cạnh tranh,” nhưng chúng ta thấy trong những lời sau có một sự kính trọng của người môn đệ được Chúa yêu dành cho Phêrô: “Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20:4-8). Những lời này trình bày cho chúng ta cách thức giải quyết sự căng thẳng như thế nào, đó là phải tôn trọng vai trò của người khác dù mình biết là mình ‘có thể giỏi’ hơn người khác. Cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn khi mỗi người chúng ta chỉ cạnh tranh với nhau trên hành trình đến gần Chúa và đồng thời tôn trọng vai trò của nhau trong cộng đoàn dân Chúa.

********************

THỨ NĂM TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Các Thánh Anh Hài, Tử Đạo

LÀM CHỨNG CHO CHÚA TRONG ƠN GỌI CỦA MÌNH

(1 Ga 1:5 – 2:2; Mt 2:13-18)

Chúng ta thường nghĩ rằng để làm chứng cho Chúa, chúng ta phải là những con người trưởng thành. Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống của mình như là chứng tá cho Chúa trong mọi lúc, mọi thời. Làm chứng cho Chúa không lệ thuộc vào tuổi tác, nhưng lệ thuộc vào sự đáp trả của chúng ta với lời mời gọi của Chúa theo cách thức Ngài muốn. Hôm nay, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh của các thánh anh hài, những người chưa thể dùng lời nói của mình để làm chứng cho Chúa, nhưng các ngài đã dùng chính cuộc sống, chính cái chết của mình để làm chứng cho Chúa. Chúng ta sẽ làm chứng cho Chúa như thế nào?

Trong bài đọc 1, Thánh Gioan mời gọi chúng ta làm chứng cho Chúa bằng cách luôn bước đi trong ánh sáng: “Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật. Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giêsu, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1 Ga 6-7). Theo Thánh Gioan, khi chúng ta bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa, chúng ta không chỉ hiệp thông với Thiên Chúa, nhưng còn hiệp thông với nhau. Nói cách khác, ánh sáng của Thiên Chúa không chỉ giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng còn giúp chúng ta nhận ra người khác là anh chị em của mình. Như vậy, những ai nói rằng mình nhận ra Thiên Chúa mà không nhận ra người khác, nhất là những người làm cho mình đau khổ, là anh chị em của mình thì vẫn chưa hành động theo sự thật và bước đi trong ánh sáng. Các thánh anh hài đã bước đi trong ánh sáng và như thế “Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1 Ga 1:9).

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta bối cảnh của sự kiện làm chứng cho Chúa của các thánh anh hài. Chúng ta có thể thấy rõ bài Tin Mừng gồm hai phần: phần 1 (Mt 2: 13-15) nói về việc báo mộng cho Thánh Giuse đem Chúa Giêsu trốn sang Aicập và phần 2 (Mt 2:16-18) trình bày về nguyên nhân và sự tử đạo của các thánh anh hài. Chúng ta rút ra được điều gì trong hai phần này cho ngày sống của mình?

Trong phần 1, chúng ta thấy lại một lần nữa Thánh Giuse được báo cho biết thánh ý Thiên Chúa qua giấc mộng. Chi tiết này mời gọi chúng ta phải luôn tỉnh thức và nhạy bén với sự hiện diện của Chúa và cách thức Ngài thông truyền thánh ý cho chúng ta. Nội dung của thánh ý Thiên Chúa cho Thánh Giuse là phải bảo vệ Chúa Giêsu: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2:13). Điều này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Chúng ta phải chân nhận rằng nhiều lần trong ngày sống chúng ta đã để cho mãnh lực tội lỗi giết chết Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình. Chúng ta cần phải ý thức rằng có nhiều mãnh lực đang rình rập để tìm giết sự hiện diện của Chúa trong chúng ta. Chúng ta cần phải học nơi Thánh Giuse, phải bảo vệ Chúa Giêsu bằng mọi cách, bằng việc hoàn toàn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và mau mắn đem ra thực hành: “Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Aicập” (Mt 2:14-15). Một cách cụ thể, chúng ta cần phải ra khỏi giấc mộng của mình để trở về với thực tế của đời sống thường ngày để làm chứng cho Chúa. Chúng ta phải thực hiện điều này cho đến khi nguyên nhân ‘gây hại’ cho sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống mình không còn hiện hữu. Vì vậy, chúng ta cần phải chiến đấu liên lỉ, không bao giờ được bỏ cuộc.

Phần 2 trình bày cho chúng ta nguyên nhân cái chết của các thánh anh hài: “Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh” (Mt 2:16). Bản văn này có thể được giải thích theo nhiều nghĩa. Tuy nhiên, bản văn trình bày cho chúng ta rằng nguyên nhân của sự việc là Hêrôđê “thấy mình bị các nhà chiêm tinh lừa, thì đùng đùng nổi giận.” Trong những lời này, chúng ta nhận ra được nguyên nhân chính là sự “nổi giận.” Chúng ta học thấy trong cuộc sống thường ngày rằng khi chúng ta giận ai, một cách nào đó chúng ta đã giết chết người đó trong trái tim của mình. Nóng giận phá hoại rất nhiều mối tương quan và làm tổn thương nhiều người, vì trong khi nóng giận chúng ta sẽ nói những lời thiếu tế nhị, thiếu cảm thông, thiếu tha thứ, thiếu tình thương và thực hiện những hành động gây hại cho người khác. Đây chính là điều Hêrôđê đã làm trong cơn nóng giận của mình, là ra lệnh ‘giết tất cả con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận.’ Chúng ta thường nghe ông bà ta nói rằng: giận quá mất khôn. Vì vậy, chúng ta cần phải học nơi Chúa Giêsu ‘sự hiền lành và  khiêm nhường’ để đối xử với mọi người với lòng kính trọng và yêu thương.

Chi tiết cuối cùng làm chúng ta suy gẫm là việc ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia về những gì đã xảy ra cho các thánh anh hài: Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia đã nói: Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rỉ: tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa” (Mt 2:17-18). Những lời này cho chúng ta thấy có nhiều sự kiện không may xảy ra trong cuộc đời chúng ta, nếu nhìn từ khía cạnh con người thì chúng ta không thể chấp nhận vì nó không mang lại ý nghĩa gì cho cuộc sống. Nhưng nếu nhìn từ khía cạnh trên cao, chúng ta sẽ nhận thấy toàn bộ bức tranh và như thế chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa của những sự kiện không may đó. Cuộc sống chỉ trở nên đẹp và có ý nghĩa khi chúng ta không than trách những giây phút đau buồn của cuộc sống, nhưng biết nhìn những sự kiện đó trong toàn bộ lịch sử đời mình để tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống.

*********************

THỨ SÁU TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

AI BIẾT CHÚA LUÔN SỐNG ĐỜI YÊU THƯƠNG

(1 Ga 2:3-11; Lc 2:22-35)

Ai trong chúng ta cũng tự hào là chúng ta biết Chúa và biết người khác. Chúng ta không chỉ đơn thuần biết, nhưng chúng ta còn cho rằng chúng ta biết rất nhiều và rất tường tận về Chúa vì chúng ta có “bằng cấp” để chứng minh cho cái biết của mình. Nhưng cái “biết” theo nghĩa Kinh Thánh hoàn toàn khác với cái biết mà chúng ta thường hiểu. Theo nghĩa Kinh Thánh, biết không đơn thuần là “kết luận” của một tiến trình lý luận của lý trí, nhưng là “hoa trái của một kinh nghiệm, một cuộc gặp gỡ liên vị”; khi sự hiểu biết này đạt đến mức hoàn hảo, nó là “tình yêu.” Nói một cách ngắn gọn, người biết là “người yêu”: Khi tôi nói tôi biết Chúa và tôi biết người khác thì đồng nghĩa với việc tôi yêu Chúa và yêu người khác. Nhưng điều này không thường xảy ra trong cuộc sống vì có nhiều người họ biết Chúa rất tường tận nhưng họ không yêu Chúa, hoặc có yêu Chúa thì cũng chỉ yêu bằng môi bằng miệng, còn lòng họ thì xa Chúa, và con tim của họ thì bị của cải và danh vọng thế gian chiếm lấy.

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Gioan chỉ cho chúng ta cách thức để chúng ta chắc chắn rằng chúng ta biết Chúa, đó là, chúng ta giữ các giới răn của Ngài (1 Ga 2:3). Nói cách khác, chúng ta là những người nói dối khi chúng ta nói chúng ta biết Chúa mà chúng ta không tuân giữ giới răn của Ngài. Nếu chúng ta giữ lời Ngài, thì tình yêu của Thiên Chúa đã trở nên hoàn hảo trong chúng ta. Nếu chúng ta nói rằng chúng ta ở trong Ngài thì chúng ta phải sống một cuộc sống như Ngài đã sống, đó là, sống yêu thương: Cứ dấu này mà người khác biết anh [chị] em là môn đệ của thầy là anh [chị] em “ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15:9) và “anh [chị] em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh [chị] em (Ga 13:34). Trong giới răn mới về yêu thương, Chúa Giêsu thay đổi tiêu chuẩn của tình yêu từ “yêu tha nhân như chính mình” thành “yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Tiêu chuẩn của tình yêu bây giờ chính là Thiên Chúa, Đấng “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Như vậy, chúng ta không còn yêu người khác theo cách thức “chúng ta thích,” nhưng theo cách thức “Chúa muốn”.

Khi đọc Tin Mừng và các thư của Thánh Gioan, một trong những đề tài mà Thánh Gioan ưa thích đó là sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Chúng ta thấy điều này trong bài đọc 1 hôm nay: Ai yêu anh chị em của mình thì ở trong ánh sáng và ai ghét anh em của mình thì ở trong bóng tối. Ai ghét anh chị em của mình sẽ không biết mình đang đi về đâu vì bóng tối làm cho chúng ta mù loà, và không còn nhận ra người khác là anh chị em của mình (1 Ga 2:9-11). Thường những kẻ trộm thích bóng tối để người khác không xem thấy việc họ làm. Còn những người sống ngay thẳng và làm việc tốt họ không thích “bóng tối.” Đời sống trong ánh sáng là đời sống yêu thương và “nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm” (1 Ga 2:10).

Điều đầu tiên làm chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay đó là việc Chúa Giêsu là Chúa, và theo Tin Mừng của Matthêu, là Môisen mới – người ban luật, mà vẫn tôn trọng và giữ luật. Chúng ta thấy rõ điều này trong việc Thánh Giuse và Mẹ Maria đem Ngài lên đền thờ để thực hiện cho Ngài những gì mà lề luật buộc “mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa” (Lc 2:23). Các ngài dâng của lễ theo luật Chúa truyền và đây là của lễ của những người nghèo, “một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu non” (Lc 2:24). Trong đêm Giáng Sinh, chúng ta thấy Ngài sinh ra nghèo và Ngài sống mối phúc của những “người nghèo của Thiên Chúa” suốt cuộc đời dương thế của Ngài. Qua điều này Ngài muốn dạy chúng ta về mối phúc của những người có “tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ” (Mt 5:3).

Bài Tin Mừng hôm nay nói về hai nhân vật, “thuộc thời Cựu Ước” [chúng ta có thể nói như thế] được ơn trông thấy vị Cứu Tinh, đó là ông Simêon và nữ ngôn sứ Anna. Điều chúng ta đáng suy gẫm ở đây chính là thái độ và cảm xúc của Simêon khi ông bồng ẵm Hài Nhi Giêsu trong tay. Cảm xúc vui sướng dâng trào khi “có Chúa trong tay” đã làm cho ông cảm thấy mãn nguyện, không còn mong ước gì khác. Mọi khát vọng của ông được thoả mãn! Đối với ông, giây phút bồng ẵm Chúa trong tay là giây phút những đau khổ và đắng cay của những năm tháng chờ đợi tan biến: mọi nỗi buồn của ông đã trở thành niềm vui. Chỉ có Chúa là tất cả và trong niềm vui sướng hân hoan ông cất lên lời kinh “Nunc Dimittis” (“Muôn Lạy Chúa”), lời kinh mà Giáo Hội dùng mỗi tối trước khi con cái của mình đi vào giấc ngủ. Còn chúng ta, chúng ta “bồng ẵm” Chúa trong tay khi chúng ta rước Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, cảm xúc của chúng ta thế nào? Chúng ta có cảm nghiệm được Ngài là tất cả không? Có Ngài, mọi đau khổ, tổn thương và thất bại của chúng ta có tan biến và trở thành niềm vui không?

Một điều khác làm chúng ta ngạc nhiên trong Tin Mừng hôm nay là việc ông Simêon nói tiên tri không chỉ về Hài Nhi Giêsu, mà còn nói tiên tri về Mẹ Maria: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra” (Lc 2:35). Trong niềm vui có Chúa là tất cả, Mẹ Maria cũng sẽ phải thông phần vào những đau khổ của Chúa Giêsu, Đấng “được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng” (Lc 2:34). Trong đêm Giáng Sinh, Mẹ đã giữ mọi sự ấy và suy niệm trong lòng (Lc 2:19): Mẹ không giữ gì trong trái tim Mẹ ngoài tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho Mẹ và nhân loại trong chính Người Con bé nhỏ của Mẹ. Khi lưỡi gươm đâu thâu trái tim Chúa Giêsu trên thập giá, trái tim Mẹ cũng bị đâm thâu, để rồi tất cả tâm tư của những ai khát mong một “tình yêu chân thật” và “yêu cho đến cùng” được tỏ lộ. Những ai chỉ giữ tình yêu của Thiên Chúa trong tim sẽ hiểu được thế nào là “yêu cho đến cùng,” và “yêu vô điều kiện”!

*******************

THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

SỐNG TƯƠNG QUAN MẬT THIẾT VỚI THIÊN CHÚA

(1 Ga 2:12-17; Lc 2:36-40)

Trong bài đọc 1 hôm nay, thánh Gioan nhắc nhở các tín hữu trong cộng đoàn của ngài nhớ rằng họ “được tha tội nhờ danh Đức Giêsu Kitô” (1 Ga 2:12). Khi đã được tha tội, họ đã chiến thắng tử thần và thuộc về Thiên Chúa. Vì vậy, họ được mời gọi yêu mến Thiên Chúa hơn là yêu những gì thuộc về thế gian: “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1 Ga 2:15-17). Trong những lời này, Thánh Gioan chỉ rõ rằng khi chúng ta yêu những gì thuộc về thế gian này thì chúng ta không có lòng mến dành cho Thiên Chúa vì chúng ta không thể làm tôi hai chủ. Thật vậy, khi con tim chúng ta chứa đựng những gì thuộc về thế gian này thì Thiên Chúa không còn chỗ. Kinh nghiệm cuộc sống dạy chúng ta rằng nhiều người chạy theo của cải vật chất và những dục vọng của thế gian, đến khi nhắm mắt xuôi tay thì cũng không mang được gì. Mọi sự ở thế gian này đều chóng tàn và thoảng qua như cơn gió. Chỉ có Thiên Chúa và những giá trị thiêng liêng thuộc về Ngài như tình yêu, sự cảm thông, tha thứ mới vĩnh cửu.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta hình ảnh của một người nữ trong bối cảnh dâng Chúa Giêsu trong đền thờ. Như chúng ta biết trong Tin Mừng của mình, Thánh Luca thường trình bày hình ảnh người nam và người nữ cùng với nhau trong mọi bối cảnh. Hình ảnh của bà Anna đi cùng với ông Simêon. Thánh Luca ám chỉ trong chi tiết này sự kiện là tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho mọi người, cả nam lẫn nữ, như nhau. Thánh Luca vẽ lên hình ảnh của bà Anna thật đẹp: “Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa” (Lc 2:36-37). Trong những lời này, chúng ta lưu ý đến ba chi tiết sau: (1) bà Anna đã nhiều tuổi. Theo tư tưởng của người Do Thái, sống lâu là dấu hiệu của sự chúc lành của Thiên Chúa; (2) bà Anna là một bà goá. Trong văn hoá của người Do Thái, những người nữ goá bụa luôn là những người bị đối xử bất công. Vì vậy, họ luôn cậy dựa vào Thiên Chúa như là nguồn nâng đỡ duy nhất của họ. Điều này được diễn tả qua chi tiết thứ ba (3), đó là bà luôn chìm sâu trong đời sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa [ở trong Đền Thờ, là nhà của Thiên Chúa – hay nói cách khác, bà luôn ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa luôn ở trong bà]. Ba công việc chính bà thực hiện để nuôi dưỡng mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa là ăn chay, cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa liên lỉ trong đời sống của mình. Ai trong chúng ta cũng muốn có được mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại không muốn ở trong nhà Chúa hay ở trong Ngài. Học ở bà Anna, chúng ta cần phải trau dồi đời sống cầu nguyện, ăn chay, và thờ phượng Thiên Chúa qua lời ăn tiếng nói cũng như hành động của mình.

Điều thứ hai chúng ta học nơi bà Anna là đời sống tạ ơn: “Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (Lc 2:38). Vì luôn sống trong Chúa nên bà Anna nhật ra mọi sự là ân sủng mà ân sủng lớn nhất Thiên Chúa ban cho con người là việc Ngài ban chính Con Một của Ngài. Đứng trước món quà lớn lao này, không có thái độ nào tương xứng cho bằng việc tạ ơn Thiên Chúa không ngừng và đồng thời làm chứng cho người khác biết về món quà cao quý đó. Mỗi ngày [mỗi tuần] chúng ta cũng đến với Thánh Thể, thái độ của chúng ta thế nào? Như chúng ta biết, Thánh Thể [Eucharistia] có nghĩa là tạ ơn. Chúng ta tạ ơn Chúa về món quà thật cao trọng, đó chính là chính Đức Giêsu Kitô. Niềm vui nhận được món quà tuyệt hảo nhất này phải được rao truyền cho hết mọi người qua đời sống yêu thương và vui tươi. Mỗi khi đến với Thánh Thể, chúng ta có thái độ thế nào?

Bài Tin Mừng kết với việc tập trung vào hình ảnh Hài Nhi Giêsu: “Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Nadarét, miền Galilê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2:39-40). Trong những lời này chúng ta lưu ý đến hai điểm sau: (1) Thánh Giuse và Mẹ Maria là những người sống trọn luật Chúa truyền, và (2) Chúa Giêsu lớn lên trong ân sủng và được đầy ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa. Hai chi tiết này nhắc nhở chúng ta về ơn gọi làm con Thiên Chúa của mình. Chúng ta cũng được mời gọi sống trọn luật Chúa truyền, đó là luật yêu thương và mỗi ngày lớn lên trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa hầu làm đẹp lòng Ngài hơn là chạy theo những vinh hoa lợi lộc của thế gian.