SUY NIỆM Lời Chúa CÁC BÀI SUY NIỆM THỨ TƯ LỄ TRO_2015

CÁC BÀI SUY NIỆM THỨ TƯ LỄ TRO_2015

SUY NIỆM THỨ TƯ LỄ TRO

Lời Chúa: Ge 2,12-18;   2Cr 5,20-6,2;  Mt 6,1-6.16-18

 

Mục lục

1. Mùa Chay – Mùa Xuân (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Kiếp người vô thường  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

3. Dọn tâm hồn – Đón Chúa Xuân (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

4. Sám hối cụ thể (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc) 

5. Kín đáo  (Trầm Thiên Thu)

6. Hạt bụi hóa kiếp con người (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

7. Giữ Chay thế nào cho đẹp lòng Chúa (Jos. Vinc. Ngọc Biển)

 

 

MÙA CHAY – MÙA XUÂN

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Năm nay, thứ Tư lễ Tro trùng vào ngày 30 tết, làm nhiều người băn khoăn về việc ăn chay và kiêng thịt. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã quy định rời ngày ăn chay vào thứ Sáu sau Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, tức là mùng 9 tết Ất Mùi. Sự trùng hợp giữa lễ Tro và ngày cuối cùng của năm âm lịch mang một ý nghĩa đặc biệt. Bởi lẽ, trong truyền thống văn hóa của dân Việt, trong ngày cuối năm, mọi người muốn đẩy xa những điều xui xẻo, thanh toán nợ nần, dọn nhà dọn cửa, trang trí tươm tất để đón Xuân về. Trong đời sống thiêng liêng của người Công giáo, Mùa Chay là mùa canh tân hối cải, trở về với Chúa, từ bỏ tội lỗi, sám hối ăn năn để tìm được niềm vui. Hơn nữa, Mùa Xuân là mùa đầu tiên của chu kỳ mới xuân, hạ, thu, đông. Mùa Xuân cũng tượng trưng cho sức sống và niềm vui hạnh phúc vì đó là thời điểm cây cối đâm chồi nẩy lộc, muôn hoa đua sắc khoe tươi diễn tả một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Cũng thế, Mùa Chay nhắc nhở người Kitô hữu đoạn tuyệt với quá khứ đã bị nhuốm màu tội lỗi, chỗi dậy khởi đầu một hành trình mới đến gặp Chúa là Cha. Mùa Chay cũng là thời kỳ chuẩn bị cử hành sự phục sinh của Đức Giêsu. Đó cũng là sự phục sinh của mỗi tín hữu sau khi đã sám hối chân thành. Như thế, Mùa Chay và Mùa Xuân có một điểm tương đồng, đó là sự khởi đầu, canh tân đổi mới để đạt tới niềm vui.

Lời Chúa đầu mùa Chay là một lời mời gọi thống thiết. Ngôn sứ Giôen đã kêu gọi một cuộc “tổng động viên” gửi tới mọi thành phần trong xã hội Do Thái: tư tế và dân chúng; người già và trẻ em. Tất cả đều phải sám hối để được ơn tha thứ. Lời mời gọi này quyết liệt và cấp bách đến nỗi “tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê”. Tất cả những hình thức hy sinh và chay tịnh này đều nhằm kêu van lòng thương xót của Chúa để Ngài không giáng phạt.

“Hãy trở về với Ta”. Đây cũng là lời mời gọi của Chúa trong suốt lịch sử dân thánh, và cũng là lời mời gọi gửi đến thời đại của chúng ta. Bởi lẽ hết thảy chúng ta đã phạm tội. Chúng ta đã lạm dụng tự do để đi ngược lại giáo huấn của Chúa. Những thực hành đạo đức của Mùa Chay nhằm giúp chúng ta canh tân đổi mới cuộc đời, để nhờ đó, chúng ta sống trong tình con thảo đối với Chúa và tình huynh đệ đối với anh chị em.

Chúa Giêsu đã đề nghị ba thực hành cụ thể của Mùa Chay: Chia sẻ bác ái; chuyên tâm cầu nguyện; chay tịnh hy sinh. Những việc làm đạo đức này nhằm tới sửa đổi bản thân, liên kết với Chúa và hướng tới tha nhân.

Qua những nghĩa cử chia sẻ với anh chị em về tinh thần và vật chất, chúng ta thực hiện giới răn yêu thương của Chúa, nhận mọi người đều là anh chị em của con một Cha trên trời. Hơn nữa, của cải, trí tuệ, sức khỏe mà chúng ta sở hữu chỉ là Chúa trao cho chúng ta quản lý. Chúng ta có bổn phận dùng những vốn liếng ấy mà giúp đỡ anh chị em khó khăn đang sống xung quanh mình.

Qua đời sống cầu nguyện, chúng ta được liên kết mật thiết với Chúa trong tình con thảo. Lời cầu nguyện chính là những lời tâm sự chân thành giữa ta với Chúa. Nhờ cầu nguyện, chúng ta nhận được sức mạnh và nghị lực thiêng liêng để vượt lên những khó khăn của cuộc sống hàng ngày.

Qua những hy sinh chay tịnh, chúng ta kìm hãm những ham muốn hợp pháp của mình là những nhu cầu ăn uống, giải trí, vui chơi… Nhờ việc chay tịnh và hy sinh, chúng ta có thể dành ra tiền bạc vật chất và đồ dùng cho người nghèo và những ai đang túng thiếu. Nói đến chay tịnh, chúng ta thường chỉ nghĩ đến việc nhịn một vài bữa ăn. Tuy vậy, chay tịnh phải được hiểu theo nghĩa rộng hơn: đó là những nhường nhịn để không cãi vã; tiết kiệm để không hoang phí; bao dung tha thứ để không hận thù; quảng đại chia sẻ chứ không ích kỷ khép kín đối với người nghèo khổ.

Những thực hành Mùa Chay do Chúa Giêsu đề nghị nhằm tới việc cải hóa canh tân bản thân. Nhờ những thực hành này, chúng ta đến gần Chúa và đến gần anh chị em mình hơn. Mùa Chay cũng giống như mùa cây thay lá, cởi bỏ những tán lá đã già cỗi để nhường chỗ cho những mầm non sẽ mọc lên. Sau mùa lá rụng là mùa đâm chồi nẩy lộc. Sau Mùa Chay là Mùa Phục Sinh. Những cố gắng canh tân sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự sống mới trong Chúa. Đó chính là hạnh phúc tròn đầy, là mùa xuân bất diệt.

Về mục lục

.

KIẾP NGƯỜI VÔ THƯỜNG

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Mùa xuân luôn gợi lên trong ta những hình ảnh đẹp. Đẹp về ánh nắng xuân. Đẹp về những nụ hoa. Đẹp về cây nẩy lộc đâm chồi . . .; Đặc biệt sắc màu và hương thơm của trăm hoa đã hoà vào nhịp sống tất bật của con người, từ vùng ngoại ô thôn dã đến chốn phồn hoa đô thị, tạo nên một không khí vui tươi, một quang cảnh ấm áp và thiêng liêng của ngày xuân. Muôn hoa làm đẹp cho đời, muôn hoa xoa dịu buồn đau, muôn hoa khích lệ tinh thần, muôn hoa chia sẻ mừng vui… Nhưng đáng tiếc, những nụ hoa và cả mùa xuân đều mong manh, sớm nở chiều tàn. Tất cả dường như đều đi theo định luật của vạn vật là vô thường. Chẳng có gì bền vững với thời gian. Chẳng có gì vĩnh cửu nhưng luôn chịu cảnh phù vân mong manh.

Những điều vô thường này chúng ta có thể thấy qua vạn vật và cả qua những cảnh huống cuộc đời:

Hoa đẹp . . . . . . .Hoa thơm . . . Hoa vẫn tàn

Tình nặng . . . .  .Tình sâu . . .   Tình vẫn tan

Rượu đắng . . . . Rượu cay . . . Rượu vẫn hết

Người hứa . . . . Người thề . . . Người vẫn quên

Trăng lên . . . . . .trăng tròn . . .trăng lại khuyết

Tuyết rơi . . . . . .tuyết phủ . . . tuyết lại tan

Hoa nở . . . . . . .hoa rơi . . . . . hoa lại tàn

Tình đẹp . . . . . .tình sâu . . . . .tình lại tan !

Người đẹp….. . người xấu…… rồi cũng chết

Người giàu …..người nghèo….rồi cũng hết (ST)

Tình yêu đôi lứa  là tình thề non hẹn biển. Một cái tình tưởng chừng như trường cửu nhưng vẫn cứ mong manh. Trong tình yêu nó vẫn có mầm chia ly. Nó vẫn làm cho bao người vỡ mộng để rồi ôm hận sầu đông.

Đò tình anh đã sang sông

Sao không ngoảnh lại nhìn hàng lệ rơi

Hoa kia sớm nở chiều tàn

Tình ta cũng vỡ theo chiều hoàng hôn.

Cảnh đời là cảnh vô thường. Những lời thề non hẹn biển cũng đi vào lãng quên. Cuộc đời con người cũng vô thường như vạn vật. Có hiện hữu hữu rồi cũng có từ giã. Có sum họp rồi cũng chia ly. Xem ra cuộc đời thật mong manh. Mong manh như nụ hoa sớm nở chiều tàn. Đây là phi lý của cuộc đời khiến người ta mong được có kiếp sau, với mong ước được là cây thông để tự do tự tại, tự vui thú trần gian.

Kiếp này, ta ở nơi đây 

kiếp sau xin được làm cây thông buồn 

mặc giông tố 

mặc mưa tuôn 

mặc cho thế thái quay cuồng xung quanh 

Thông reo, reo giữa ngàn xanh 

vui cùng gió mát trăng thanh địa đàng. 

Hôm nay, ngày lễ tro như muốn nhắc nhở về thân phận mỏng dòn của kiếp người. Thân phận tro bụi rồi cũng trở về bụi tro. Kiếm tìm công danh sự nghiệp rồi cũng có ngày buông tay để trở về với bụi đất. Vun quén của cải trần gian rồi cũng ra đi với hai bàn tay trắng. Quá mải miết tìm kiếm danh lợi thú để rồi cũng có ngày nuối tiếc vì mình quá bận tâm với của phù vân. Cuộc đời thật vắn nhưng con người lại chẳng an hưởng hiện tại mà lao công vất vả tìm kiếm những thứ chẳng trường tồn.

Khi nhìn nhận sự mong manh của kiếp người sẽ giúp chúng ta biết sống thanh thoát với cõi trần. Đừng vì danh lợi thú mà làm điều sai trái. Trái với đạo đức. Trái với lương tâm. Đừng tưởng rằng mình trường sinh nên lao đầu vào đại hội trần thế chỉ để bon chen, vui chơi,  trụy lạc ; Đừng gieo vào cuộc đời những ngang trái, bất công và tội lỗi.

Khi nhìn nhận thân phận mỏng dòn của kiếp người cũng mời gọi chúng ta hãy đấm ngực ăn năn về những lạc lối của kiếp người. Hãy nhớ rằng “mọi sự là phù vân”, hãy ăn năn trước khi quá muộn, hãy sám hối và sửa lại hướng đi trước khi trở về với bụi đất. Lời bài hát của cha Kim Long như vẫn tha thiết nhắc nhở chúng ta: “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro”.

Ước gì mỗi khi chúng ta cúi mình nhận lãnh những hạt tro không chỉ là hành vi sám hối, mà còn là dịp để nhìn nhận thân phận tro bụi của mình. Một thân phận thật mỏng giòn nên hãy biết sống cho trọn ý nghĩa của kiếp người. Một thân phân mong manh sớm nở chiều tàn như loài hoa nên hãy sống có ý nghĩa với giây phút hiện tại. Xin Chúa giúp chúng ta biết sám hối về những lạc lối của mình và hoàn thiện mình thay vì chỉ mải miết chạy theo thế trần. Amen

 Về mục lục

.

DỌN TÂM HỒN – ĐÓN CHÚA XUÂN

Lm. Jos. DĐH

Một câu nói chơi đùa mà nhiều người đã nghe : rượu ngon, không có bạn hiền, (Nguyễn Khuyến); nước mắt thường song hành với chuyện buồn, ăn chay phải có kiêng thịt, mới đủ ý nghĩa. Đúng, khổ đau, mất mát, nhất định là phải buồn rồi, tiệc rượu có bạn hiền niềm vui sẽ tăng lên; người Tín hữu ăn chay chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết sám hối ăn năn. Bước vào mùa chay, chúng ta tới nhà thờ, tham dự nghi thức bỏ một chút tro lên đầu, rồi sau đó ăn chay, kiêng thịt, đó là truyền thống của Giáo hội từ xa xưa, ăn chay không kiêng thịt có phải là sám hối không ? Đặc biệt “lễ tro” năm nay nhằm ngày “30 tết”, có thể là “ngẫu nhiên” khi mà mùa xuân tới, bên ngoài ta vui, nhưng trong lòng ta vẫn dành một giờ để đến tạ ơn Chúa dịp cuối năm, để chu toàn việc xức tro.

Theo ngôn sứ Gio-el, sám hối là biết nghe Lời Chúa, là xé lòng chứ không xé áo, còn Tin mừng lại ý thức chúng ta, khi ăn năn sám hối thì hãy cẩn thận đừng phô trương. Vì bản tính loài người hay khoe khoang, phô trương việc mình làm, để mong được thiên hạ nhìn thấy, được ca tụng, được vinh danh. Tinh thần của Đức Giêsu, khiêm nhường, dù việc bác ái nhỏ đến đâu ta làm, Thiên Chúa cũng thấu biết, thế nên có ăn chay cầu nguyện, có làm việc bác ái mùa xuân, mùa chay này, đừng sợ Chúa không biết tấm lòng của ta. Mùa chay cũng dẫn đưa người Tín hữu tới lịch sử cứu độ, hiểu biết tình yêu của Thiên Chúa, và giúp chúng ta tham dự vào cuộc khổ nạn, phục sinh của Đức Giêsu Kitô.

Người Kitô hữu ăn năn sám hối khi thực sự đã chịu hy sinh mất mát một chút thời giờ cầu nguyện, một chút tiền của vật chất cho hành động bác ái đến với Chúa, đến với tha nhân. Bốn mươi ngày chay còn đưa dẫn ta đi vào con đường hy sinh, từ bỏ mình và vác lấy khổ đau của đời mình trong vui vẻ để được nên giống Chúa Giêsu.

Giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay chủ yếu nhắc nhớ đến cách thức sám hối : ăn chay cho xứng hợp phải được phát xuất tự đáy tâm hồn. Năm Giáp Ngọ đang chuyển giao cho xuân Ất Mùi, việc tham dự vào phụng vụ lễ tro lúc này ít gì cũng nói lên ý nghĩa : ta vui xuân, nhưng không quên bản chất mình là người Kitô hữu. Rất có thể ở đây chúng ta đã từng ăn chay và sống mùa chay, nhưng làm sao để việc chay tịnh đẹp lòng Chúa, đúng tinh thần của Chúa, và không bị xem là hình thức ? Hẳn hội đồng Giám mục Việt Nam chúng ta chỉ mong muốn người Tín hữu hãy tham dự phụng vụ lễ tro cho xứng hợp, và nhớ ngày thứ sáu mùng 09 tết này, ta tự giác ăn chay kiêng thịt theo luật dạy.

Sống tinh thần mùa chay mà chỉ xức tro trên đầu : dễ lắm, cứ đến nhà thờ là được; nếu đợi khi yếu đau không chơi bời xả láng được nữa ta mới kiêng khem sám hối, hẳn không có ý nghĩa gì nữa ! Hoặc đợi khi lắm tiền nhiều của ta sẽ bố thí, khi ta gặp chuyện buồn rồi đi cầu nguyện, xin ơn, như thế đâu phải là ta sống niềm tin ? Thiên Chúa không muốn chúng ta chỉ bày tỏ việc sám hối bên ngoài, mà Chúa muốn chúng ta phải chấp nhận một sự thay đổi quyết liệt từ bên trong để làm mới lại cuộc sống, làm hòa với Chúa và với anh chị em mình.

Nhạc sĩ Kim Long đã viết : Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro. Gợi ý ấy chính là điệp khúc mùa chay mà năm nào ta cũng nghe; xuân vui tươi, chỉ có khi thân xác khỏe mạnh, đón Chúa xuân sẽ trọn vẹn, khi ta có tâm hồn bình an. Cầu mong mỗi người, mỗi gia đình chúng ta sẽ cảm nhận được tràn đầy tình thương Chúa trong mùa chay đi liền với mùa xuân này, vì ai trong chúng ta cũng tin tưởng, tuyên xưng Chúa là Mùa Xuân bất diệt. Amen.

 Về mục lục

.

SÁM HỐI CỤ THỂ

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo hội bước vào mùa chay thánh, mùa thanh luyện chiến đấu, mùa của hy sinh tiết chế, đồng thời cũng là mùa của việc đại tu, làm mới lại tâm hồn. Mùa chay không chỉ là mùa cả Giáo hội khoác lên mình một màu tím u buồn, mà là một mùa tập luyện thiêng liêng, là thời gian để mỗi người nhìn lại cuộc sống của mình để có những quyết tâm sám hối và thay đổi cụ thể. Có lẽ vì đã nghe quen tai, nên nhiều người bước vào mùa chay với một thái độ bình thường, không thiện chí, không cố gắng, hoặc là chỉ có một chút hình thức bên ngoài mà không thực tâm sửa đổi cuộc sống. Vì thế, mùa chay cũng sẽ qua đi mà tâm hồn vẫn không sinh được hoa trái tốt lành.

Giáo hội khai mạc mùa chay bằng một nghi thức lâu đời, đó là việc lãnh nhận nhúm tro được bỏ trên đầu, kèm theo lời nhắc nhở : Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về tro bụi hoặc lời mời gọi : Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Lời thứ nhất nhắc cho chúng ta nhớ đến thân phận con người mỏng manh được Thiên Chúa tạo dựng từ tro bụi, rồi tất cả sẽ trở về với tro bụi. Nhắc như thế giúp mỗi người xác định lại mục đích cuối cùng của cuộc đời mình, đâu là chính yếu, đâu là tùy phụ, đâu là mau qua, đâu là bền vững. Thân xác này dù có đẹp đẽ đến mấy rồi cũng sẽ phải tàn tạ và chết đi, trở về cát bụi. Cuộc sống trần gian này dù sang trọng, dù nghèo hèn thì cũng sẽ qua đi, chỉ có Thiên Chúa mới là bền vững. Nhận ra như thế để thấy rằng, cùng đích cuộc đời của mỗi con người là hạnh phúc Nước Trời và ơn cứu rỗi là quan trọng, còn những cái chỗ nhất chỗ nhì, những cái vinh quang, tiền của, phần thưởng của thế gian này chỉ là phù du. Vì thế, đừng lo chạy đua, tranh giành cho được tiếng tăm hoặc chỗ nhất chỗ nhì hay vinh dự trần thế, vì lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì chẳng có ý nghĩa gì cho cuộc đời mình.

Lời thứ hai : Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Đây là một lời mời gọi cụ thể được gửi đến cho mỗi người, mỗi gia đình. Sám hối là biết dừng lại để nhìn về con người, cách sống, tương quan của mình đối với Chúa, đối với anh chị em và dám thay đổi tận căn, sửa chữa tận nguyên nhân. Nói như tiên tri Giôen trong bài đọc một hôm nay, đó là trở về với Thiên Chúa một cách thực tâm trong chay tịnh, khóc lóc và than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo là thật sự dám nhìn nhận sai lầm khuyết điểm của mình, đừng tìm cách biện minh, chạy tội.

Sám hối không phải vì sợ hãi Thiên Chúa trừng phạt, mà vì thấy rằng mình đã làm tổn thương đến tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là cha nhân từ, yêu thương, Ngài mời gọi chúng ta sống yêu như Ngài đã yêu, vậy mà chúng ta hờ hững, xúc phạm đến tình yêu của Người hoặc xúc phạm đến con cái của Người cũng là anh em của chúng ta. Sám hối, trở về với Thiên Chúa là tin tưởng vào lòng thương xót, khoan dung của Ngài. Tin vào lòng khoan dung không phải để chúng ta ỷ nại, nhưng giúp chúng ta hy vọng và quyết tâm sửa chữa cuộc đời.

Cũng theo tiên tri Gioen, sám hối là lời kêu gọi được gửi đến cho mọi người từ tư tế đến dân thường, từ loài người đến súc vật, mỗi người đều phải làm cho mình nên xinh đẹp, trong sạch hơn trước mặt Thiên Chúa. Sám hối là một cuộc lột xác thực sự, không phải như con rắn lột xác để trở thành con rắn lớn, mà là như con sâu, cái kén lột xác trong đau đớn để trở thành một con bướm xinh đẹp trước mặt Thiên Chúa.

Tin vào Tin Mừng là tin vào Thiên Chúa và lời hứa của Ngài, tin vào Đức Giêsu và sự hướng dẫn của Ngài. Chúa Giêsu đến để chỉ cho chúng ta biết cách sống đẹp lòng Thiên Chúa, sống cho xứng với phẩm giá con người và con Chúa. Ngài còn chỉ dẫn chúng ta con đường về với Chúa là cùng đích cuộc đời chúng ta.

Bước vào Mùa Chay, Tin Mừng chỉ cho chúng ta những việc làm cụ thể để thể hiện lòng sám hối, thể hiện quyết tâm thay đổi cuộc đời bằng ba việc : cầu nguyện, bố thí và ăn chay, nhưng trước hết vẫn là lời cảnh báo : Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, đừng phô trương cho thiên hạ thấy, bằng không, anh em sẽ mất công phúc trước mặt Cha trên trời. Cái cám dỗ triền miên của con người đó là sự khoe khoang, khoác lác, là sự kể công, kể thành tích của mình và đòi người khác phải ghi công, ghi danh của mình, hoặc đòi ưu tiên quyền lợi cách này cách khác. Một khi chúng ta để mình rơi vào cám dỗ đòi quyền lợi, đòi ưu tiên khi làm việc công phúc hoặc làm việc cho Chúa, cho Giáo hội, thì chúng ta đang đánh mất phần thưởng của Chúa. Thiên Chúa biết tất cả sự hy sinh của chúng ta, chúng ta muốn được trả ở thế gian này thì chúng ta mất phần thưởng từ tay Chúa ở trên trời.

Việc làm cụ thể của mùa chay là việc bố thí : Khi bố thí thì đừng khua chiêng đánh trống cốt để người ta khen, … vì Cha anh em, Đấng thấu suốt mọi sự sẽ trả lại cho anh. Tìm tiếng tăm hay lời khen khi bố thí, thì hành động bố thí ấy không còn là việc làm bác ái xuất phát từ sự quảng đại, cũng không phải vì lòng yêu mến Chúa, mà là vì mình, làm để mua lời khen hay nể nang của người khác. Trái lại, Chúa muốn chúng ta làm tất cả các việc bác ái phải phát xuất từ tấm lòng yêu thương, muốn chia sẻ thực sự. Như thế, bác ái Kitô giáo không chỉ là cho đi những của mình dư thừa, mà dám cho đi cả những cái mình đang cần, khi thấy anh em mình cần hơn. Chia sẻ với anh em, là nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa ở nơi người anh em ấy ; giúp đỡ những việc chung là góp sự hy sinh của bản thân và gia đình vào việc làm sáng danh Chúa. Vì thế, chính Chúa là Đấng sẽ trả công cho mỗi người tùy theo sự quảng đại của họ đối với Chúa và đối với anh em.

Cầu nguyện là hơi thở và là sức sống của kẻ có đạo. Cầu nguyện là thể hiện tư cách con cái Chúa, là cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Vì vậy, Chúa muốn mỗi người hãy vào phòng đóng cửa lại để cầu nguyện, tức là hãy vào trong sự thinh lặng của tâm hồn, để tâm hồn thật thanh thản nhẹ nhàng mỗi khi gặp gỡ Chúa. Như vậy, vào phòng đóng cửa lại để cầu nguyện có nghĩa là trò chuyện riêng tư với Chúa trong tâm hồn. Như thế, chúng ta có thể gặp gỡ và cầu nguyện với Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào : ở nhà thờ, nơi làm việc, khi đi đường, lúc ở nhà. Cái cám dỗ rất lớn ngày hôm nay đối với nhiều người đó là lười cầu nguyện. Một tâm hồn không cầu nguyện là một tâm hồn không có sức sống. Không cầu nguyện còn là dấu chỉ của một tâm hồn kiêu căng, không biết cậy dựa vào Thiên Chúa, là sống vô ơn trước những ơn lành của Thiên Chúa. Bắt đầu từ mùa chay này, mỗi người hãy dành nhiều giờ hơn cho việc cầu nguyện, gặp gỡ Chúa mỗi ngày. Hãy tổ chức lại giờ kinh, giờ cầu nguyện mỗi tối trong gia đình, vì khi tụ họp lại bên nhau trước mặt Chúa, Chúa sẽ hiện diện và biến đổi mỗi thành viên trong gia đình nên tốt hơn. Chúa sẽ bảo vệ hạnh phúc và sự êm ấm của các gia đình.

Sau cùng là việc chay tịnh. Chay tịnh không chỉ là hình thức bên ngoài kiêng gì hoặc ăn gì, cũng không phải là hình thức ủ rũ, sầu não, ăn nhiều hay ăn ít, mà là biết kiềm chế những khoái lạc, những dục vọng, đam mê trong con người. Chay tịnh là biết làm chủ bản thân, không để mình bị buông theo những thỏa mãn xác thịt, không để mình bị lôi kéo bởi ăn uống, rượu chè say sưa. Chay tịnh còn là bớt những chi tiêu không cần thiết để làm việc bác ái công ích. Như thế, chay tịnh tức là biết cắt gọt những cái không cần thiết trong cuộc sống và giũ bỏ những tính hư tật xấu như rượu chè, cờ bạc, số đề…, để làm những việc giúp ích cho linh hồn mình và cho hạnh phúc của anh em.

Một số người lấy lý do giải trí trong gia đình để tổ chức cờ bạc từ ông bà cha mẹ đến con cháu ngồi chung một sòng. Vấn đề không chỉ là sát phạt nhau, nhưng là sự hủy hoại trật tự trong gia đình, sẽ là cá mè một lứa, là gương xấu cho con cháu. Chúa nói : những kẻ làm gương xấu cho trẻ thì thà buộc cối đá vào cổ mà quăng xuống biển còn hơn. Mùa chay này, mỗi người quyết tâm dứt khoát với những đam mê ấy.

Mùa chay cũng là dịp để mỗi người tập từ bỏ, sửa chữa một vài tật xấu cụ thể trong cuộc sống cá nhân cũng như trong gia đình của mình. Hãy dám chấp nhận một cuộc canh tân, lột xác trong đau đớn, thực hiện liên lỉ các việc đạo đức : cầu nguyện, chay tịnh và bác ái. Nói như Thánh Phaolô trong bài đọc hai hôm nay : Anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Mùa chay này có thể là mùa chay cuối cùng, là cơ hội cuối cùng Chúa cho ta để làm lại cuộc đời, đừng bỏ lỡ cơ hội và đừng để mùa chay qua đi cách uổng phí mà không sinh hoa trái. Amen.

Về mục lục

.

KÍN ĐÁO

Trầm Thiên Thu

Bụi tro là kiếp con người

Dù dài hay ngắn vẫn đời bụi tro

Bụi tro vẫn cất tiếng ca

Tím màu sám hối, đậm đà mến yêu

Mùa Chay là chuỗi 40 ngày sám hối và “chết” cho tội lỗi mình đã vấp phạm, ăn chay 40 ngày vì chúng ta muốn noi gương Chúa Giêsu (Mt 4:1-11). Buồn mà vui, màu tím ảm đạm mà xán lạn (xán: rực rỡ, lạn: sáng sủa). Đó là “khoảng chuẩn bị” nghiêm túc trong khi vui mừng chờ đón Con Thiên Chúa phục sinh: Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6:8).

Chay không chỉ là nhịn đói thể lý mà quan trọng là nhịn đói tinh thần, là tịnh tâm. Chay tịnh phải thực hành kín đáo chứ không tỏ vẻ hình thức, chay chỉ có Chúa và mình biết thôi. Phàm nhân ưa bề ngoài, thế nên kín đáo không là điều dễ thực hiện. Về động thái kín đáo, Thomas Carlyle (1795-1881, triết gia, sử gia, văn sĩ, người Scotland) nhận xét: “Sự kín đáo là thành tố của mọi điều tốt đẹp, thậm chí cả đức hạnh, cả cái đẹp cũng bí ẩn”. Người kín đáo là người thận trọng, “thận trọng là con trưởng của sự khôn ngoan” (Victor Hugo, 1802-1885).

Kinh Thánh không nói tới tục lệ Mùa Chay, nhưng có nói tới việc sám hối và rắc tro trên đầu (2 Sm 13:19; Et 4:1; Đn 9:3; Mt 11:21), hoặc ngồi trên đống tro (G 2:8). Đó là cách thể hiện sự trở về với Thiên Chúa. Trở về là điều không chỉ cần thiết mà còn cấp bách, vì phải trở về cho kịp trong lúc Thiên Chúa còn chờ đợi chúng ta, vì chính Ngài mời gọi: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van” (Ge 2:13).

Khóc lóc trong lòng, đau lòng vì đã làm mất lòng Chúa, điều đó quan trọng hơn là khóc lóc bề ngoài, khóc với những giọt nước mắt cá sấu: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ. Biết đâu Người chẳng nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu anh em có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em” (Ge 2:12-14). Nghi thức thời xưa khác nghi thức ngày nay, nhưng mục đích vẫn là chứng tỏ sự ăn năn sám hối thật lòng để nài van Thiên Chúa xót thương. Và chắc chắn Thiên Chúa xót thương, vì chúng ta còn đang sống trong Giờ Thương Xót của Thiên Chúa.

Ngôn sứ Giôen truyền lệnh của Thiên Chúa: “Hãy rúc tù và tại Sion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê! Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và nói rằng: Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài! Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại! Chẳng lẽ các dân lại được cớ mà nói: Thiên Chúa của chúng ở đâu rồi?” (Ge 2:15-17). Giữ chay là việc thánh, ai cũng phải thực hiện. Làm thì được phúc, không làm thì không chỉ vô phúc mà còn bị trừng phạt.

Quả thật, vì thấy dân chúng thành tâm sám hối, Thiên Chúa đã “nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Ngài” (Ge 2:18). Tội lỗi là điều ghê tởm, là điều nguy hiểm với con người, nhưng tội lỗi sẽ hóa thành “chuyện nhỏ” nếu chúng ta thành tâm sám hối: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1:18). Chúa Giêsu đã xác định với Thánh nữ Faustina: “Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn tội lỗi của con và toàn thế giới” (Nhật Ký, số 1485). Vâng, chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa sẽ khỏa lấp tất cả nếu chúng ta thành tâm ăn năn, quyết tâm chừa cải, vấn đề quan trọng là đừng bao giờ lạm dụng Lòng Chúa Thương Xót.

Với tâm tình sám hối, tác giả Thánh Vịnh đã tha thiết cầu xin: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 51:3-6a). Biết phục thiện và nhận lỗi, Thiên Chúa tha thứ ngay, vì Ngài luôn kiên trì chờ đợi chúng ta tự thú với Ngài.

Ngài ban cho chúng ta những thứ hơn chúng ta tưởng, Ngài biết chúng ta cần gì, nhưng Ngài muốn chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta cần Ngài. Cầu xin Ngài thương xót cũng là cách thể hiện lòng yêu mến Ngài vậy: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con” (Tv 51:12-14). Hằng ngày, không chỉ trong Mùa Chay này, mà suốt cả cuộc đời, chúng ta hãy cầu xin không ngừng: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51:17). Cầu nguyện không chỉ là xin mà còn phải tôn vinh, chúc tụng, và tạ ơn Chúa.

Là phàm nhân cũng có nghĩa là tội nhân: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51:7). Ai cũng sai lầm, phạm sai lầm là xúc phạm tới người khác, nguy hiểm nhất là xúc phạm tới Thiên Chúa, vì thế mà luôn cần sự hòa giải và sự tha thứ. Thánh Phaolô nói: “Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5:20-21).

Ăn chay và sám hối là việc phải làm suốt đời, đặc biệt là Mùa Chay – mùa được mệnh danh là “cơ hội thuận tiện”, mùa của lòng thương xót, mùa cứu độ. Thánh Phaolô nói: “Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6:1-2).

Sự kín đáo cần cả bề ngoài và bề trong, đời cũng như đạo. Thiên Chúa rất ghét thói ba hoa, thói giả hình, nói hay mà làm dở. Chúa Giêsu vừa nhắc nhở vừa ra lệnh: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6:1). Hai chữ “phô trương” có vẻ “đồ sộ” lắm, nhưng không phải vậy, vì chúng ta có những kiểu phô trương rất tinh vi. Chúa biết chúng ta có “máu” này nên Ngài đã cảnh báo. Thế mà hằng ngày chúng ta vẫn “dính” thói này. Làm gì cũng muốn được khen. Tiếng khen chẳng là gì, theo gió bay tuốt luốt, ấy thế mà người ta vẫn khoái. Kể cũng lạ thật. Chắc hẳn những người này có “họ hàng” với mấy ông Pharisêu rồi!

Chúa Giêsu nói rõ ràng, nói “toạc móng heo” luôn: “Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6:2-4). Chúa nói thật chứ không đùa, nhưng rồi Chúa nói thì kệ Chúa, tay phải làm mà không cho tay trái biết thì… kỳ lắm! Thế nên người ta vẫn đua nhau làm “bảng vàng” hoặc “bằng ghi ơn” để thỏa mãn các “nhà hảo tâm” để về nhà treo cho “oai”.

Ngài còn nói thêm: “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6:5-6). Rất nên “suy tư” điều Chúa Giêsu nói là “đã được phần thưởng rồi”, suy nghĩ nghiêm túc đúng hướng chứ đừng cố ý “bẻ lái” đi đâu hết!

Trình thuật Tin Mừng hôm nay dành cho ngày đầu Mùa Chay của mọi năm (cả năm A, B và C), ít nhất mỗi năm chúng ta được “nhắc nhở” một lần. Nghĩa là ai càng nhiều tuổi thì càng được “nhắc nhở” nhiều lần. Chúa Giêsu tiếp tục cảnh báo: “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6:16-18).

Chúa Giêsu xác định rằng “họ được phần thưởng rồi”, không phải một lần mà tới ba lần, mà người Việt chúng ta thường nói là “quá tam ba bận”. Điều Ngài nói đó có nghĩa là phần thưởng đời này thôi, đời sau thì “miễn” đấy! Chúng ta không bị oan đâu, tốt nhất là đấm ngực mình chứ đừng đấm ngực ai, hãy chân thành sám hối:

Con nay biết tội mình rồi

Cầu xin Thiên Chúa nhậm lời nài van

Rửa con sạch hết oan khiên

Tha thứ lỗi lầm con trót vương mang (Tv 51)

Lạy Thiên Chúa, xin thương xót chúng con, xin giúp chúng con biết trở về với cả tấm lòng từ hôm nay, ngày mà chúng con được nhắc nhở về thân phận với chút tro tàn. Xin giúp chúng con triệt tiêu “cái tôi” mà trở nên nhỏ bé để Ngài lớn lên trong chúng con mọi nơi và mọi lúc. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Về mục lục

.

HẠT BỤI HÓA KIẾP CON NGƯỜI

Lm. Jos Tạ duy Tuyền

Mỗi lần xức tro lên trán lại được nghe âm thanh du dương bài hát: “Là hạt bụi, con chỉ là hạt bụi, rồi mai này là hạt bụi thôi”, chúng ta thấy thân phân con người sao nhỏ bé mong manh quá! Có thực kiếp người chỉ là hạt bụi vu vơ, lơ lửng giữa trời, đôi khi gây phiền toái cho ai đó khi vướng phải hạt bụi!. Hạt bụi mà có ai đó nói rằng: “chẳng chịu đứng yên một chỗ”, nhưng luôn cuốn trôi gieo trong gió, hoà lẫn trong sương, và tồn tại trong khung trời bao la rộng lớn. Một hạt bụi nhỏ bé nhưng được tự do tự tại.  Một hạt bụi có thể đi qua đại dương mênh mông, có thể cuốn theo cơn gió để đến một nơi nào đó xa, xa lắm. Hạt bụi có thể bám vào bất cứ nơi đâu dẫu đó là toà lâu đài tráng lệ hay một ngách nhỏ mà không ai để ý đến bao giờ.

Quả thực nếu kiếp người chỉ là hạt bụi thì mong manh quá! Thì vô ích quá! Thì phiền toái quá! Nhưng hạt bụi đã hoá kiếp con người. Là hạt bụi nhưng Thiên Chúa đã biến thành con người có tình yêu, có sự sống. Là hạt bụi nhưng có trái tim con người biết yêu, biết ghét, biết vui, biết buồn. Một hạt bụi thật tuyệt vời mà Thiên Chúa đã tạo thành. Một Hạt bụi mà Trịnh Công Sơn đã hát lên rằng: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai vươn hình hài lớn dậy

Ôi cát bụi tuyệt vời. Mặt trời soi một kiếp rong chơi

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi về làm cát bụi

Ôi cát bụi mệt nhoài

Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi

Bao nhiêu năm làm kiếp con người

Chợt một chiều tóc trắng như vôi

Lá úa trên cao rụng đầy

Cho trăm năm vào chết một ngày

Phải chăng là hạt bụi hoá kiếp thành người nên con người vẫn mang những vô tư của hạt bụi, vẫn gây nên những phiền toái cho tha nhân, vẫn đóng bụi thêm theo thời gian bởi thói hư tật xấu, và những đam mê lầm lạc? Phải chăng vì mang thân phận hạt bụi nên con người vẫn bị những cơn lốc của lòng tham danh lợi thú làm cho con người mất định hướng, chao đảo giữa mênh mông của cuộc đời. Là hạt bụi nên con người vẫn mang tính mỏng dòn, yếu đuối. Phải chăng đó là lý do mà giáo hội luôn mời gọi con người sám hối để thanh luyện mình mỗi ngày nên tốt hơn, nên đẹp hơn? Con người cần sám hối vì đã có những lần gây phiền toái cho tha nhân. Con người cần sám hối vì đã có những lần gây nên gương mù gương xấu, làm ô uế môi trường bởi thói hư tật xấu của mình.

Hôm nay, được gọi là ngày Lễ Tro, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy xức tro trên đầu để nhớ rằng mình là cát bụi. Cát bụi cuộc đời chẳng đáng là gì, chỉ “một cơn gió thoảng cũng đủ làm biến tan đi”. Thế nên, hãy khiêm tốn để sống đúng với thân phận thọ tạo là phải vâng phục Đấng Tạo Hoá. Là hạt bụi nhưng được Chúa yêu thương tạc vẽ nên hình hài một con người giống hình ảnh Thiên Chúa, thế nên, hãy sống đúng với phẩm giá cao quý của mình. Xức tro trên đầu còn là hành vi sám hối ăn năn, vì những tham vọng kiêu căng, sống bất tuân lệnh Chúa đã gây nên biết bao sự dữ cho nhân gian. Xức tro trên đầu là nhìn nhận sự yếu hèn của mình để cần đến tình thương và ân sủng của Chúa  gìn giữ hồn xác chúng ta luôn trong sạch vẹn tuyền. Xin đừng để chúng ta tan biến đời mình bằng đời sống tội lỗi và bán rẻ linh hồn của mình cho danh lợi thú trần gian. Nhưng xin Chúa giúp chúng ta luôn sống thanh thoát khỏi những quyến luyến tội lỗi trần gian. Amen

Về mục lục

.

GIỮ CHAY THẾ NÀO CHO ĐẸP LÒNG CHÚA

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta bước vào Mùa tập luyện thiêng liêng bằng việc xức tro và ăn chay để khởi đầu Mùa Chay Thánh. Mùa Chay được bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào thứ Sáu Tuần Thánh. Mùa Chay được kéo dài năm tuần lễ để chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Phục Sinh là đỉnh cao của niềm tin Kitô Giáo. Tuy nhiên, có điều là: Mùa Chay đã diễn ra hằng năm, nhưng tại sao đời sống đạo của chúng ta vẫn chỉ dừng lại nhiều ở góc độ bên ngoài mà đời sống tâm linh không có gì thay đổi lắm! Nguyên nhân tại đâu và việc chúng ta ý thức về nó như thế nào? Đâu là điều Chúa và Giáo Hội muốn nơi người tín hữu mỗi khi Mùa Chay về? Nhân ngày thứ Tư Lễ Tro, chúng ta hãy làm mới lại tinh thần về ngày lễ này.

 

  1. Xức Tro

Việc xức tro lên đầu nhắc chúng ta về thân phận hữu hạn, tro bụi của kiếp người. Vì thế, Tổ Phụ Abraham đã thưa với Chúa: “Con chỉ là thân tro bụi” (St 18, 27).

Thật vậy, con người được hiện hữu trên trần gian này là do tình thương của Thiên Chúa. Nhưng tiếc thay, tình thương ấy đã bị con người lạm dụng và hướng chiều về tội lỗi thay vì biết ơn! Mỗi khi xức tro, Giáo Hội nhắc chúng ta: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 14) để được Thiên Chúa tha thứ.

Những ý nghĩa này được khởi đi từ những câu chuyện trong Kinh Thánh Cựu Ước, điển hình như: tiên tri Giêrêmia kêu gọi sám hối: “Thiếu nữ dân tôi ơi, hãy quấn vải thô vào mình và lăn trên tro bụi” (Gr 6, 26).  Không chỉ dừng lại ở lời khuyên, tiên tri Đanien xin Chúa cứu dân Itrael, và nêu gương cho họ khi nói và hành động: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9, 3). Đến thời Giona, Đức Chúa truyền cho ông loan báo về tai ương mà Đức Chúa sẽ giáng xuống trên dân, nếu dân không ăn năn sám hối. Ông đã loan báo công khai, mãnh liệt, ráo riết,  nên: “Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (Gn 3, 6).

Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa của việc xức tro. Tuy nhiên, Ngài hối thúc và cảnh báo sự trai lỳ cứng cỏi của dân khi nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi” (Mt 11, 21 – 22; x. Lc 10, 13).

Tro còn nói đến một điềm gở, mà cụ thể là cái chết của mỗi người và nhân loại. Vì thế, tiên tri Giêrêmia đã mô tả như: “Thung lũng tử thi và tro thiêu xác” (x. Gr 31, 40). Nói như thánh Phaolô: “Mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết” (1 Cr 15, 31). Vì thế, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, không thể trần chừ. Chuẩn bị tức là sống theo tinh thần của Chúa.

Như vậy, hành động xức tro lên đầu ngoài việc công khai nhận mình là người có tội và tỏ lòng sám hối chân thành, để xin ơn thương xót của Thiên Chúa, chúng ta còn thể hiện sự quyết tâm trở về với Chúa, đổi mới tâm hồn để xứng đáng là con Chúa.

Một trong những điều thể hiện sự trở về, đó là việc chay tịnh. Tuy nhiên, giữ chay thế nào mới đúng với tinh thần mà Chúa mong muốn?

 

  1. Ăn Chay

Ăn chay khởi đi từ tinh thần thờ phượng Thiên Chúa và làm đẹp lòng Người, để dâng cho Người một phân nửa của cải (x. Ds 29,7; Cv 13,2),  (x. Tl 20,26; Gđt 8,6). Ăn chay còn có ý nghĩa nữa là thể hiện lòng đạo đức để được Thiên Chúa nhận lời (x. 2Sm 12,16-22; Er 8,21; để đền tội, xin Thiên Chúa tha thứ (x. Lv 23,27; Hc 34,26; Đn 10,2); hỗ trợ việc để trừ quỉ… (x. Mt 17,21).

Ăn chay còn thể hiện tính vị tha là thực hiện công lý và tình thương (x. Is 58,6-7), để thánh hóa bản thân, siêu thoát tinh thần để được sự sống đời đời. Không bám vúi vào của cải, sức riêng cách thái quá, vì: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4).

Thật vậy, nếu không ăn chay với những mục đích đã kể trên thì sẽ trở thành công dã tràng! Điều này đã được thánh Phaolô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).

 

  1. Cách giữ chay của người Công Giáo hiện nay

Ngày nay, tinh thần ăn chay của người Công Giáo xem ra đã bị lạm dụng, hay hướng chiều về những hành vi tiêu cực.

Có những người ăn chay, bố thí… chỉ vì mục đích được khen là đạo đức, họ ủ rột, thê lương, cốt để làm sao cho mọi người biết mình là người nghiêm chỉnh giữ chay. Lại có những người ăn chay chỉ vì vụ luật hay sợ Chúa phạt. Vì thế, nếu trong ngày, lỡ cách nào đó mà phạm luật, họ hoang mang đến bất an chỉ vì chót ăn vặt, không đúng giờ, đúng bữa… Cũng có những người tính toán đến độ ngày mai ăn chay, thì hôm nay ăn uống cho đã để ngày mai đỡ thèm, hoặc ăn trực nằm chờ cho qua thời gian luật định, tức là qua 24h, sau đó nhậu nhẹt hả hê. Họ làm như thế và an tâm vì đã giữ trọn ngày chay theo đúng luật. Vì thế, không lạ gì khi có những người mỉa mai cách thức ăn chay của chúng ta rằng: “thứ ba béo”; “thứ năm sung sướng”. Đáng buồn hơn nữa là: có nhiều gia đình ngày chay kiêng thịt thì lại đi mua những thứ cao lương mỹ vị như: hải sản, tôm hùm hay những thứ khác đắt tiền hơn thịt nhiều…

Tinh thần ăn chay như thế, hẳn chúng ta thua xa về ý thức nơi anh chị em các tôn giáo khác về việc giữ chay! Mặt khác, điều chúng ta dè bửu người Pharisêu hình thức khi xưa, khi họ lo giữ cho sạch chén bát bên ngoài, còn trong lòng thì toàn sự hận thù, ghen ghét, ích kỷ, kiêu ngạo (x. Mc 7,1-8a.14-15.21-23), thì nay, chúng ta lại đi vào chính vết xe đổ của họ, chẳng khác gì “gậy ông đập xuống lại dần lưng ông”. Nói cách khác, chúng ta là con đẻ của nhóm hình thức vụ luật. Thiết nghĩ, ăn chay như vậy, hẳn chúng ta chẳng khác gì những Pharisêu! Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Đấng thấu suốt mọi điều kín nhiệm là Đức Giêsu đã quả trách họ cách nặng nề: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7, 6). Ăn chay kiểu như thế quả thật vô nghĩa vì đã đánh mất đi ý nghĩa thánh thiêng của ngày Thánh, ngày dành cho Thiên Chúa và vì ơn cứu độ của mình và tha nhân.

Việc ăn chay của Kitô giáo phải gắn liền cuộc đời, lời nói và hành vi của mình với Đức Kitô, nếu không, chúng ta chỉ là cỗ máy không hồn, như chiếc thùng kêu to, nhưng thực chất nó rỗng, và đôi khi chúng ta trở thành danh hài hay con hề trên sân khấu. Thánh Phaolô đã cẩn trọng nhắc nhở những kẻ như trên trong thời của Ngài, khi nói: “Anh em mà tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng” (Gl 5,4) khi chỉ lo giữ luật mà không có đức mến và đức ái đi kèm.

Người Công Giáo ăn chay, ngoài việc liên đới với Thiên Chúa, chúng ta còn gắn liền với các mối tương quan nơi tha nhân. Vì thế, Giáo Hội mời gọi chúng ta dành ra một chút hy sinh về của cải vật chất mà lẽ ra chúng ta được hưởng để chia sẻ cho người túng nghèo, lo truyền giáo, giúp đỡ các bệnh nhân… Nói cách khác, việc ăn chay phải nhằm xây dựng Nước Trời ở trần gian này, nghĩa là phải biến việc ăn chay thành một phong cách sống nhằm xây dựng xã hội hay Giáo Hội ngày càng tốt đẹp hơn, công lý và tình thương hơn.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo ” (Ge 2, 12-18); “Hãy làm hoà cùng Chúa đi… Bây giờ là cơ hội thuận tiện” (2 Cr 5, 20 – 6, 2).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con hiểu rằng: muốn được phục sinh với Chúa, chúng con phải qua con đường thập giá. Phải chiến đấu và tập luyện các nhân đức cách sốt sắng, để thêm lòng yêu mến Chúa và liên đới với tha nhân. Amen.

Về mục lục

.

Exit mobile version