SUY NIỆM Lời Chúa Các Bài Suy Niệm Thứ Tư Lễ Tro

Các Bài Suy Niệm Thứ Tư Lễ Tro

Mục lục

1. Giũ Bỏ Lối Sống Giả Tạo – Giả Hình

2. Sám hối muộn màng

3. Thân Phận Người

4. Xé Tâm Hồn

 



GIŨ BỎ LỐI SỐNG GIẢ TẠO – GIẢ HÌNH

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP.Xuân Lộc

Báo chí gần đây đã đề cập đến một đại gia đã bỏ rất nhiều tiền để trùng tu nhiều ngôi chùa ở Miền Tây, điều này thì không có gì đáng trách, nhưng điều người dân bức xúc và chỉ trích là sau khi các ngôi chùa hoàn tất, thì người ta thấy hình của ông và gia đình ông được đặt ngay trong chánh điện nơi thờ Phật. Người dân cho rằng đó là một sự cao ngạo coi mình ngang hàng như Đức Phật, trong khi đó việc làm ăn của gia đình ông cũng đang nằm trong tầm ngắm của pháp luật. Một ví dụ khác: Có những vị cán bộ cấp cao trong giới lãnh đạo, bên ngoài họ mang bộ mặt thanh liêm, chuẩn mực, những người này vẫn cao giọng về sự đạo đức về thanh liêm của mình với cấp dưới, thế nhưng đàng sau đó ông có những khối tài sản quá lớn, có những phi vụ lót tay cả hàng triệu đôla…

Thói đạo đức giả, sống hình thức phô trương là một cám dỗ thường xuyên của mọi người, mọi giới, từ người bình dân đến người lãnh đạo, từ người tu hành đến giáo dân, nếu chúng ta không thường xuyên nhìn lại mình, xé bỏ cái vỏ bên ngoài để sống thật lòng với Chúa và với anh em, chúng ta cũng sẽ rơi vào lối đạo hình thức đó.

Mỗi năm Mùa Chay trở về, chúng ta lại nghe Lời Chúa thiết tha mời gọi trong bài đọc một: Hãy sám hối, hãy trở về với Chúa trong chay tịnh khóc lóc và than van, hãy xé lòng chứ đừng xé áo, để được ơn tha thứ, để được sống thân tình với Chúa. Lời mời gọi này là lời mời gọi phát xuất từ tấm lòng của một vị Thiên Chúa là Cha, Ngài luôn yêu thương, dù cho tội lỗi loài người đã ngập tràn, nhưng Thiên Chúa đã không hủy diệt con người, mà Ngài cho con người có cơ hội để làm lại cuộc đời, thay đổi lối sống. Thiên Chúa không muốn chúng ta chỉ bày tỏ sự sám hối bên ngoài, mà Ngài muốn chúng ta phải chấp nhận một sự thay đổi triệt để và quyết liệt từ bên trong để làm mới lại cuộc sống của mình, làm hòa với Chúa và với anh em.

Nhận nắm tro rắc trên đầu là một cử chỉ khiêm nhường sám hối, giúp mỗi người nhìn nhận thân phận con người của mình chỉ là bụi đất, giới hạn, là thụ tạo lệ thuộc vào Thiên Chúa và chỉ có Thiên Chúa mới là hạnh phúc đích thực và trường tồn mà thôi. Khi nhận tro trên đầu Giáo Hội lặp lại lời mời gọi của Chúa: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Với lời mời gọi này Chúa muốn chúng ta phải thực hiện hai việc song song đó là sám hốitin vào Tin Mừng, vì chúng ta không sám hối chỉ để than thân trách phận hay hối hận về quá khứ, mà là chấp nhận một sự thay đổi, từ suy nghĩ đến lời nói và hành động, giã từ quá khứ dĩ vãng, như con sâu lột bỏ cái vỏ cũ kỹ ghê sợ, để trở nên một con bướm đẹp, như cây mai cây đào chịu sư cắt tỉa đau đớn để đem đến một mùa hoa đón chào xuân mới. Tin vào Tin Mừng là tin vào Đức Giêsu, vì chính Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ Duy Nhất, là Tin Mừng cho nhân loại. Tin vào Tin Mừng là đón nhận và thực hành những gì Đức Giêsu truyền dạy là thực hiện giới răn lề luật của Ngài là để cho Ngài làm chủ, hướng dẫn và chi phối cuộc đời mình. Hai việc làm này phải là hai việc được thực hiện liên tục trong đời sống của người tín hữu.

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta những việc làm để thể hiện lòng sám hối đó là cầu nguyện, chay tịnh và bố thí. Người đời khi làm biệc bố thí thì muốn cho mọi người biết đến,  muốn lập nhiều thành tích, đánh bóng tên tuổi, muốn khoe sự giàu có và lòng quảng đại, để mọi người khen thưởng ca tụng. Thế nhưng Thiên Chúa lại không muốn cách bố thí đó, nhưng Ngài muốn: Khi bố thí đứng khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả cốt để người ta khen. Thày bảo các con khi bố thí đừng cho tay trái biết việc tay phải làm. Như vậy Chúa muốn người môn đệ làm việc bố thí không phài như kẻ phân phát của dư thừa, mà là chia sẻ với những người túng thiếu cả những cái mình đang cần, và bố thì không vì lòng thương hại, nhưng vì nhận ra những người nghèo là hình ảnh của Chúa và họ cũng là con cái của Thiên Chúa.

Việc thứ hai để thể hiện sự sám hối là chay tịnh. Việc chay tịnh mà Chúa muốn không phải là những hình thức bên ngoài hoặc gương mặt ủ dột, mà trái lại chay tịnh là để kiềm chế làm chủ con người và những ham muốn đòi hỏi của xác thịt. Vì thế, việc chay tịnh không chỉ là việc ăn cái gì, ăn no hay ăn đói, nhưng là sự thanh thoát, giúp con người không bị ràng buộc bởi những đam mê ăn uống, dục vọng, hưởng thụ thỏa mãn. Khác với việc ăn chay của các tôn giáo khác, họ ăn chay để tránh rơi vào kiếp luân hồi, còn chay tịnh theo Kitô giáo là sống thanh thoát, là diệt trừ những tính hư tật xấu, diệt trừ những gian tham và những cám dỗ của dục vọng xác thịt, làm chủ bản thân, thể hiện đúng tư cách là một con người tự do, là con Thiên Chúa. Ngày chay  không phải là ngày tìm mua con cá to nhất chợ, cũng không phải là cất tiền để làm giàu, nhưng là một sư hy sinh dành bớt phần chi tiêu trong ngày để chia sẻ với những anh em túng thiếu. Đó mới là cách chay tịnh Chúa muốn.

Cũng thế, việc cầu nguyện chính là những lúc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, như cha con, bạn bè gặp gỡ chuyện trò với nhau, tâm sự và lắng nghe nhau. Nhưng người biệt phái lại dùng việc cầu nguyện để phô trương sự đạo đức bản thân, để diễn kịch trước mặt thiên hạ, để tìm kiếm sự kính nể của mọi người. Trái lại Chúa muốn khi cầu nguyện hãy vào phòng đóng cửa lại, là tách khỏi sự ồn ào bên ngoài, đi vào chiều sâu tâm hồn để có thể tiếp xúc gặp gỡ riêng tư với Chúa, là để đối diện với Thiên Chúa, đối diện với chính mình, để cho Thiên Chúa nhìn thấu tâm hồn mình.

Một lân nữa mùa Chay lại về, lời mời gọi hãy sám hối sửa đổi lại đời sống và tin vào Tin Mừng lai được gửi đến với mỗi chúng ta, đây có thể là cơ hội cuối cùng Chúa cho chúng ta, chúng ta sẽ đáp lại lời mời gọi này để sống mùa Chay như thế nào?

Đừng ngần ngại cũng đừng mặc cảm, tôi tội lỗi thế này Thiên Chúa có tha cho tôi không, mà hãy lăn xả vào lòng thương xót của Chúa để quyết tâm điều chỉnh lại cuộc sống, làm hòa với Chúa và với anh em. Hãy xem lại tương quan của mỗi người với Chúa, vì thực tế, nhiều người chỉ còn một chút có đạo vào ngày Chúa nhật mà thôi, còn ngoài ra không mấy khi họ nhớ đến Chúa, không cầu nguyện, không đọc kinh, không lãnh bí tích…, đó là một lối sống đạo khô cằn, đối phó hoặc là lừa dối lương tâm.

Hãy làm mới lại tương quan trong gia đình với vợ chồng con cái, vì nhiều người đã để gia đình mình mất sức sống, thiếu niềm vui và thiếu hạnh phúc, nhiều gia đình đã mất thói quen cầu nguyện, các thành viên sống trong một mái nhà mà như người xa lạ, không nói chuyện, không hiểu nhau, không thông cảm cho nhau. Hãy cố gắng để bước đến với nhau, cầm lấy tay nhau và hãy dành cho nhau nhiều thời giờ, nhiều tình yêu thương và sự quan tâm hơn nữa.

Các bạn trẻ là những người con, cũng cần phải làm mới lại tương quan của mình với Chúa với gia đình và bạn bè. Đừng tự cho rằng, mình có thể làm được mọi sự mà không cần Thiên Chúa. Nghĩ như thế là hết sức sai lầm, vì không có Thiên Chúa tuổi trẻ của các bạn sẽ trở nên trống rỗng và mất ý nghĩa. Đừng quên gia đình chính là chỗ dựa, là nơi an toàn cho các bạn, vì thế đừng quên vun đắp và làm hết sức góp phần làm cho gia đình các bạn có được nhiền niềm vui và tiếng cười, là vơi đi sự nhọc nhằn của mẹ cha. Đối với bạn bè, hãy đến với nhau bằng sự trân trọng và chân thành, bỏ đi những bất đồng bất hòa để có những mối tương quan bạn bè tốt đẹp, và còn phải thể hiện mình là những người Công Giáo, những người tin Chúa và là những người đáng tin.

Mỗi người hãy tân dụng mùa Chay này để điểu chỉnh lại công việc, cách sống, gỡ bỏ những gì còn bận vướng trong tâm hồn, những việc làm bất công, cách cư xử thiếu bác ái, và biến mình trở nên dễ thương dễ mến trước mặt mọi người, và nhất là nhờ sự thanh tẩy của Bí tích Giải tội, và những việc hy sinh, giúp tâm hồn chúng ta nên xinh đẹp trước mặt Thiên Chúa. Amen.

Trở về mục lục

SÁM HỐI MUỘN MÀNG

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Những trận so găng giữa Mike Tyson và Evander Holyfield đã đi vào huyền thoại của môn boxing. Có lẽ không ai quên vụ cắn tai đáng nhớ trong trận chiến ở Las Vegas vào ngày 28/6/1997. Tyson đã bị xử thua trong trận đấu đó sau khi cắn đứt một vành tai của Holyfield.

Sau 16 năm tai tiếng vành tai bị Tyson ngoạm đã được trả lại cho chủ nhân Holyfield. Cả hai đã ôm lấy nhau thân tình để hóa giải toàn bộ hận thù trước đây. Tất nhiên đây chỉ là vành tai tượng trưng và clip này cũng chỉ là tượng trưng cho sự tha thứ và hòa giải của cả hai nhân vật boxing nổi tiếng thế giới.

Hành vi sám hối của Tyson là hành vi đầy dũng cảm. Anh đã dám đối diện với sự thật để sám hối, để ăn năn, để sửa lại lỗi lầm. Anh đã dám cho sự kiện sám hối của mình được công khai trên truyền hình, truyền thanh trong lần trả lại vành tai.

Nếu thế gian ai cũng biết can đảm đối diện với sự thật để sửa sai thì tốt đẹp biết bao! Phạm tội, hay vướng mắc lỗi lầm dường như ai cũng có. Điều quan yếu là dám nhìn vào sự thật để sửa đổi và làm lại cuộc đời. Không ai sinh ra đã thánh. Con người thường là tội nhân được Thiên Chúa tha thứ và anh em bao dung. Là người ai cũng lớn lên trong tình thương tha thứ của Thiên Chúa và đồng loại. Thế nên, hành vi sám hối dường như là một phần tất yếu cuả cuộc sống, vì ai cũng cần phải chuộc lỗi lầm và canh tân.

Mùa chay nhắc nhở chúng ta: “Của lễ đẹp lòng Ðức Chúa Trời là tâm thần đau thương tan nát vì tội”. Hãy nhớ mình là tội nhân. Hãy can đảm quay bước trở lại với tâm thần đau thương đó để được Ngài tiếp nhận. Ðiều Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta không chỉ là sự tha thứ mà còn biến đổi con người chúng ta nên hoàn hảo hơn. Vua Ða-vít đã từng cầu nguyện: “Lạy Ðức Chúa Trời! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng.” “Dựng nên” và “làm cho mới lại” nói đến một cái gì hoàn toàn mới, và mới tận bên trong. Mỗi người chúng ta sẽ có kinh nghiệm đó khi ăn năn quay trở lại với Thiên Chúa bằng tấm lòng đau thương thống hối. Khi ấy, chúng ta sẽ cảm thấy hoan lạc tận đáy lòng, và niềm  vui sẽ trọn vẹn tâm hồn chúng ta.

Như vậy, sám hối là điều cần thiết để làm mới lại con người. Nhờ sám hối mà con người tìm được sự tươi trẻ, niềm vui và hạnh phúc. Thân thể cần phải tắm rửa thì tâm hồn cũng cần được thanh tẩy bằng hành vi sám hối. Sám hối trong tinh thần ky-tô còn là dịp để chúng ta tắm gội trong nguồn ân sủng dồi dào của Thiên Chúa. Chính ân sủng của Thiên Chúa sẽ làm cho tâm hồn chúng ta được đổi mới, được tinh tuyền.

Có người nói rằng mình không có tội tại sao cần sám hối? Thực ra, nếu con người phàm hèn mà so với sự thánh thiện của Thiên Chúa  thì con người đều là tội nhân. Con người luôn cảm thấy mình bất xứng trước mặt Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa của yêu thương, của lòng nhân từ, thế nên không có tội nào Chúa không thể tha thứ. Ngài có giận thì giận trong giây lát nhưng yêu thương thì vô bờ. Vấn đề là chúng ta có nhận ra tội lỗi của mình mà ăn năn quay lại với Chúa hay không?

Nhìn vào xã hội hôm nay dường như lòng sám hối đã không còn. Người ta vẫn phạm tội và tội chồng chất. Có những người ra vào tù như cơm bữa. Có những kẻ xì ke, ma túy, cờ bạc đến thân tàn ma dại mà cũng chẳng chừa. Có những bạn trẻ nghiền net, nghiền game mà lãng phí cả tương lai. Có cả những quan chức hối lộ, tham nhũng để có tiền, có quyền và địa vị. Họ phạm tội thành lối mòn đến hóa quen nên chẳng thấy sai để sửa, thấy bẩn để làm mới. Họ ở lì trong tội vì thiếu ý thức về tội nên thiếu lòng sám hối ăn năn.

Con người vì thiếu lòng sám hối nên vẫn “chứng nào tật ấy”. Con người vẫn đi vào con đường cũ, lối mòn của tội lỗi khiến tâm hồn cằn cỗi, già nua. Giá như họ biết sai để sửa, biết bẩn để lau thì thế gian sẽ bớt đi những kẻ làm hại người, hại đời. Giá như họ biết hậu quả của việc thiếu lòng sám hối sẽ cắn rứt lương tâm, khiến đau buồn lo sợ thì họ sẽ can đảm đối diện với sự thật để canh tân sửa đổi đời sống.

Hôm nay ngày lễ tro, từng đoàn người lũ lượt lên xức tro, nhưng liệu có mấy ai có tâm hồn tan nát khiêm cung? Xức tro là biểu hiện lòng sám hối. Xức tro chỉ đem lại sự tươi trẻ tâm hồn khi chúng ta quyết tâm từ bỏ tội lỗi, tránh xa cám dỗ và làm lại cuộc đời. Xức tro lên đầu nói lên thân phận yếu đuối của con người và cần đến lòng thương xót của Chúa. Chúng ta nại đến lòng thương xót của Chúa để được ơn thứ tha, đồng thời nhờ nguồn ân thánh của Chúa sẽ làm mới lại cuộc đời chúng ta.

Ước gì tâm hồn chúng ta sẽ tràn ngập niềm vui khi biết sám hối ăn năn. Xin đừng ở lì trong tội khiến tâm hồn chúng ta già nua, thiếu sức sống. Tội lỗi, yếu đuối là bản tính mỏng dòn của con người nhưng tình yêu và lòng bao dung tha thứ là đặc tính của Thiên Chúa. Con người cần phải can đảm trở về tắm gội trong đại dương tình yêu bao la của Thiên Chúa. Xin đừng vì lối mòn tội lỗi mà làm chúng ta xa rời Thiên Chúa và đánh mất sự tươi trẻ trong tâm hồn. Amen

Trở về mục lục

THÂN PHẬN NGƯỜI

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Bước vào Mùa Chay, nghe ca khúc “Thân phận người” của nhạc sĩ Tuấn Kim như một tâm sự để suy niệm. Giai điệu và lời ca thiết tha ngân nga những thao thức, nhắc nhở mỗi người về thân phận của mình, về cõi nhân sinh: “Phù du là phận người, trăm năm như chớp mắt thôi. Công danh như nước trôi qua cầu, đời con trôi về đâu?”.

Phù du là phận người. Mọi sự chỉ là phù vân. Sách Giảng Viên viết rằng: “Tất cả chỉ là phù vân“. Phù là trôi nổi, huyền ảo. Vân là mây. Phù vân là bèo dạt mây trôi, là hay thay đổi, mau qua, tàn phai. Mọi của cải vật chất trên trần gian này, kể cả cuộc sống của mỗi người đều là phù vân.

Phù du, phù vân diễn tả thân phận bụi tro: “Người ơi hãy nhớ, mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về tro bụi“. Con người, dù trẻ hay già, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù hay quyền thế hay dân thường, dù tài giỏi hay bình thường…thì một mai cũng lìa khỏi  thế gian này trở về cát bụi. Đó là định luật muôn thuở!

Trong nghi thức khai mạc Mùa Chay, các tín hữu từ giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân, mọi người đều khiêm hạ nhận lấy một chút tro trên đầu. Người giàu cũng như người nghèo, người già cũng như người trẻ, ai cũng nhận mình là thân phận bụi đất. Nghi thức xức tro thật cảm động, vừa diễn tả lòng sám hối, vừa nói lên nguồn gốc tro bụi của đời người.

Lần lượt mỗi người, từ cụ ông cụ bà đến trẻ nhỏ bước lên để thừa tác viên rắc tro trên đầu. Nghi thức và cử chỉ ấy giúp con người ý thức thân phận mong manh và giới hạn của mình. “Hãy nhớ ngươi được tạo dựng từ bụi tro, và sẽ trở về với bụi tro”. Đó là lời Thiên Chúa đã phán với Ađam Evà. Đó là lời Chúa nói với từng người khi lên xức tro.

Ý thức thân phận giới hạn mong mong của mình, để làm gì?

Để biết rằng tôi không sống mãi trong cuộc đời này, sớm muộn gì cũng đến lúc tôi trở về với Chúa, và tôi sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về cuộc đời của mình. Con người có sinh có tử, có hợp có tan, có khởi đầu sẽ có kết thúc.

Nghĩ về sự chết để mà sống sao cho “đẹp” đời trần thế. Làm sao để tôi sống cuộc đời này cách ý thức hơn, với tinh thần trách nhiệm hơn, để khi đến trước mặt Chúa tôi có thể đến trong niềm vui, chứ không phải trong sự sợ hãi!

Vì thế, cử chỉ xức tro còn hàm chứa một lời mời gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”; hãy nhìn nhận những tội lỗi thiếu sót, những bất tất trong cuộc đời của mình và hãy cố gắng để sửa đổi những gì còn thiếu sót đó để sống hợp với thánh ý Thiên Chúa hơn.

Đó là lời mời gọi mà Chúa gởi đến từng người qua nghi thức xức tro rất đơn sơ nhưng giàu ý nghĩa và thật xúc động.

Thứ Tư Lễ Tro mở cửa vào Mùa Chay Thánh 40 ngày. Đây là thời gian giúp chúng ta ý thức về sự mong manh giới hạn của đời người, sống lời mời gọi sám hối và trở về với Tin mừng. 40 ngày Chay Thánh nhằm chuẩn bị cho chúng ta sống mầu nhiệm cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, đón nhận cái chết và mừng ngày Phục sinh của Người.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở về thân phận mỏng dòn của con người, đồng thời mời gọi chúng ta hoán cải nội tâm trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.

Tiên tri Gioel đã kêu gọi :“Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ” (Ge 2,13). “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo… Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta!” Đó là ý nghĩa cơ bản và sâu xa nhất của sự hoán cải. Cần phải thay đổi cái nhìn, thay đổi tư tưởng và ước muốn sao cho phù hợp với giao ước tình yêu của Thiên Chúa. Sự biến cải nội tâm ấy được biểu lộ bằng những hành động cụ thể, như từ bỏ thói quen xấu, kìm hãm con người xác thịt, thực hành chay tịnh, tất cả là để tái tập thế quân bình giữa hồn và xác.

Thứ Tư Lễ Tro khởi đầu Mùa Chay Thánh, mỗi người cố gắng thực hành những việc đạo đức như Giáo Hội mời gọi.

– Hòa giải với Chúa và với nhau

Do tội lỗi, con người bị cắt đứt khỏi nguồn mạch sự sống và bị dìm vào tình trạng bi thảm của sự chết. Thiên Chúa mời gọi con người trở về với Ngài, giao hòa trong tình con thảo và sống trong niềm vui ân sủng.

Sự giao hoà phải là một lời cầu nguyên khiêm tốn : “Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con đã xúc phạm đến Chúa”. Đó là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa, diễn tả tâm tình khiêm tốn tin cậy nơi lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Theo gương Thánh Giuse sống thinh lặng nội tâm và đón nhận Bí Tích Hòa Giải. Cần rút lui vào thinh lặng của tâm hồn, hãy sống kín đáo với Chúa trong tâm hồn mình. Đó là mục đích của những cuộc tĩnh tâm Mùa Chay. Có một người lâu năm không xưng tội, bỗng một ngày kia anh cho vợ con đi về nhà ngoại chơi một tuần; một mình anh ở nhà, xét mình để chuẩn bị xưng tội. Anh đến tòa giải tội với một cuốn tập viết đầy từ đầu chí cuối. Chỉ trong thinh lặng, người ta mới thấy mình được rõ hơn.

Hòa giải với tha nhân. Đó là điều Chúa Giêsu đã xác quyết : “Nếu người dâng của lễ nơi bàn thờ và ở đó nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, ngươi hãy đặt của lễ đó trước bàn thờ, đi làm hòa với anh em ngươi trước đã rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật của người“. Bởi vậy, xin ơn giải hòa với Thiên Chúa, chúng ta cũng hãy tìm mọi cách xóa đi những xích mích, bất hòa hờn giận với người khác.

– Hy sinh hãm mình

Truyền thống Giáo Hội từ xa xưa giữ chay 40 ngày, nhưng vì hoàn cảnh và sự yếu đuối của con người, Giáo Hội đã giảm bớt tối đa chỉ buộc giữ chay hai ngày : thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh. Dù vậy, tinh thần hãm dẹp xác thịt lúc nào cũng không thể bỏ qua được. Do đó “mỗi người hãy cố giữ đời sống hoàn toàn trong sạch, lợi dụng những ngày thánh này để gột rửa những sơ suất trong các mùa khác, bằng cách chế ngự các thói hư, gia tăng cầu nguyện, siêng năng đọc sách, thành tâm thống hối, để tâm hồn được vui mừng mong đợi Lễ Phục Sinh“. (Tu luật Biển Đức).

Mùa Chay là một thời gian thuận tiện để rèn luyện tâm hồn. Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta chương trình ba điểm để rèn luyện trong Mùa Chay. Đó là ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái.

Ăn chay là một phương thế hữu hiệu để rèn luyện tâm hồn. Cầu nguyện càng sâu xa chúng ta càng thân thiết với Chúa, ai siêng năng cầu nguyện sẽ được sức mạnh cần thiết để chiến thắng các cơn cám dỗ. Làm việc bác ái, tình yêu Chúa thực sự sẽ được thể hiện trong tình yêu mến anh em đồng loại.

Mùa Chay là những ngày thánh: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ”. Thiên Chúa lúc nào cũng sẵn sàng ban ơn cứu độ với điều kiện con người phải chuẩn bị tâm hồn để đón nhận.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin Chúa giúp chúng con trong Mùa Chay Thánh này, biết ý thức thân phận của mình, thực thi việc phải làm là được hòa giải với Thiên Chúa, với chính mình và với anh em.

Xin Thánh Giuse hướng dẫn chúng con trong cuộc hành trình này, để chúng con có thể hoán cải bản thân và nghiệm thấy ân sủng của Thiên Chúa luôn tuôn đổ trên mỗi người chúng con, giúp chúng con được biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Amen.

Trở về mục lục

XÉ TÂM HỒN

Trầm Thiên Thu

Lời Chúa hôm nay dùng cho cả chu kỳ phụng vụ: năm A, năm B và năm C, nghĩa là chúng ta đã từng nghe nhiều lần, ít nhất mỗi năm một lần, tức là gần bằng tuổi đời mỗi người. Ví dụ: Nếu bạn 40 tuổi thì bạn đã nghe khoảng 35 lần, trừ 5 năm còn nhỏ. Quả thật, tỷ lệ số lần được nhắc nhở “hãy xé lòng” và “đừng giả hình” không hề nhỏ so với số tuổi – dù ở bất kỳ độ tuổi nào.

Đó là hai dạng mệnh lệnh cách. Một là mệnh-lệnh-cách-xác-định và một là mệnh-lệnh-cách-phủ-định.

MỆNH LỆNH XÁC ĐỊNH: XÉ TÂM HỒN

Có những chất cay khiến chúng ta cảm thấy như xé miệng, xé lưỡi, xé họng. Có những nỗi đau khiến chúng ta như xé nát tâm can.

Xé là một động từ, nghĩa là “làm rách” cái gì đó. Có thể “xé” là hành vi chủ động hoặc thụ động, miễn cưỡng. Thiên Chúa bảo chúng ta không nên “xé áo”, vì đó là hành động của kẻ điên, vả lại như vậy là làm hư hại phương tiện sống. Nhưng về tâm linh, Ngài lại muốn chúng ta “điên” thật, vì Ngài bảo chúng ta phải thực sự chủ động mà tự xé lòng mình, xé nát tâm hồn vì cảm thấy mình khốn nạn và bất xứng với Ngài. Phải “tự xé lòng” bất cứ lúc nào trong cuộc sống, nhưng đặc biệt là trong khoảng thời gian Mùa Chay, vì “đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6:2).

Thiên Chúa là Cha Nhân Từ vẫn dang tay chờ đợi chúng ta trở về càng sớm càng có lợi cho chính chúng ta, thế nên sấm ngôn của Đức Chúa mời gọi: “Lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van” (Ge 2:12). Một loạt các động từ quan trọng mà Thiên Chúa muốn chúng ta làm với cả tấm lòng chứ không giả bộ hoặc làm sơ sài, làm chiếu lệ, làm cho xong lần.

Thật vậy, chính Thiên Chúa đã nói rõ ràng: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ” (Ge 2:13). Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, tội lỗi chúng ta có thế nào thì cũng chẳng là gì, vì “dù tội đỏ như son cũng ra trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều cũng hoá trắng như bông” (Is 1:18), tội của cả thế gian này cũng không bằng lòng thương xót của Chúa, chỉ cần chúng ta chân thành sám hối thì Ngài sẽ sẵn sàng thứ tha ngay, và Ngài cũng chỉ muốn thứ tha mà thôi: “Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được?” (Tv 130:3). Nhưng đừng lấy cớ đó mà “được đằng chân lân đằng đầu”!

Ngôn sứ Giô-en nói rằng nếu chúng ta thành tâm sám hối, vì “biết đâu Người chẳng nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu anh em có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em” (Ge 2:114), nói là “biết đâu” chứ Thiên Chúa thực sự tha thứ. Ngôn sứ Giô-en kêu gọi: “Hãy rúc tù và tại Sion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê!” (Ge 2:115-16).

Với “tình huống” này, chúng ta nhớ tới việc ăn chay nghiêm ngặt của cả thành Ni-ni-vê, từ vua tới dân, từ người tới súc vật, khi được ngôn sứ Giô-na kêu gọi, và Thiên Chúa đã tha tội chết cho cả thành (x. Gn 3:4-10).

Ngôn sứ Giô-en tiếp tục kêu gọi: “Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và nói rằng: “Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài! Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại! Chẳng lẽ các dân lại được cớ mà nói: Thiên Chúa của chúng ở đâu rồi?” (Ge 2:17). Quả thật, “Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Người, tai ương chấm dứt và dân được giải thoát” (Ge 2:18). Chứng cớ rành rành, không thể chối cãi!

Ai trong phàm nhân chúng ta cũng đều là tội nhân, như tác giả Thánh Vịnh xác nhận: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51:7). Vì thế, chúng ta rất cần được ơn thứ tha từ lòng thương xót của Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta phải van xin không ngừng: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:3-4).

Biết thú nhận thì được thứ tha. Vấn đề là không được vòng vo, tránh né, hoặc đổ lỗi cho người khác – dù chỉ một phần nhỏ, mà phải thành tâm và khiêm nhường một thực-tế-thật: “Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử” (Tv 51:5-6).

Hằng ngày, chúng ta vẫn cùng nhau thú tội: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót”. Đủ dạng phạm tội. Thú nhận với Thiên Chúa là điều hiển nhiên, nhưng có lẽ chúng ta “ngại” thú tội với tha nhân, có thể chỉ mới làm theo “nghi thức”. Thật vậy, ngay khi chúc bình an cho nhau mà nhiều người vẫn có vẻ miễn cưỡng, làm một cách máy móc hoặc làm cho xong lần, thậm chí là “đứng nghiêm”.

Có một thực tế khác cũng rất thật: “Chiên hiền” ở trong nhà thờ bỗng hóa “cọp dữ” khi ra khỏi nhà thờ! Ảo thuật, xảo thuật, hay là “sự lạ”? Mọi kiểu phạm tội không phải là lỗi của ai khác mà của chính mình, chúng ta cùng xác nhận ba lần: “Lỗi tại tôi mọi đàng”. Và cầu xin Thiên Chúa thương xót mà tha thứ. Nhưng Ngài chỉ tha cho chúng ta nếu chúng ta tha cho tha nhân. Đó là điều kiện ắt có và đủ để “nên hoàn thiện”, để làm thánh, nhất là trong Mùa Chay Thánh này.

Không có ơn Chúa thì chúng ta chẳng làm gì được (x. Ga 15:5). Đã bao lần chúng ta ăn năn sám hối, có vẻ rất chân thành, nhưng rồi chúng ta lại như “ngựa quen đường cũ”, bằng chứng minh nhiên là chúng ta vẫn dễ dàng tái phạm, để rồi phải liên tục lãnh nhận Bí tích Hòa Giải. Hãy cố gắng van xin ơn phù trợ liên lỉ và khao khát được tái tạo: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con” (Tv 51:12-14).

Cầu xin là bổn phận của chúng ta, nhưng xin để được điều này hay điều nọ mới chỉ là dạng “cấp thấp”, dạng “cấp cao” là không xin gì cả, chỉ muốn tán dương và tôn vinh Thiên Chúa: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51:17). Càng sống lâu càng được nhiều ơn, dù có những ơn chúng ta không hề xin mà vẫn được Chúa thương ban – đơn giản nhất mà cần thiết nhất là không khí để sống, thế thì không thể không tạ ơn.

Thánh Phaolô cũng kêu gọi ăn năn: “Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5:20-21). Kỳ diệu quá, chúng ta không thể nào hiểu thấu. Ngày nay vẫn có những người không tin hoặc không muốn tin điều đó, nhưng sự thật vẫn mãi là sự thật!

Với kinh nghiệm bản thân, Thánh Phaolô thành thật khuyên nhủ mỗi chúng ta: “Anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu” (2 Cr 6:1). Vả lại, chính Chúa đã xác định: “Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6:2).

MỆNH LỆNH PHỦ ĐỊNH: CHỚ GIẢ HÌNH

Thể phủ định là dạng nhấn mạnh của thể xác định. Giả hình là làm cho cái ảo như có thật, bề ngoài thấy rõ ràng như thật mà lại không phải là thật – như dạng ảo thuật hoặc xảo thuật. Về phương diện tâm linh, giả hình là thói đạo đức giả. Giả hình còn là thái độ lững lờ nước đôi, sống “hai lòng”. Người đời còn không thể chấp nhận thì huống chi Thiên Chúa là Đấng chí thánh.

Muốn tránh giả hình thì phải can đảm dứt khoát. Dứt khoát là kết thúc sự giằng co, là “xé” chính lòng mình vậy!

Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối, Ngài rất ghét thái độ đạo đức giả, do đó Ngài đã gay gắt lên án và cảnh cáo:“Ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:16). Rất khó nghe. Ai thấy “sốc” là tốt!

Thật vậy, Chúa Giêsu đã từng cảnh báo: “Các con hãy coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả” (Lc 12:1). Một lần khác, Ngài gay gắt lên án thói đạo đức giả ấy bằng cách ví von với những hình ảnh rất thực tế:“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!” (Mt 23:27-28; Lc 11:42-44). Thói “đạo đức giả” hoặc “ra vẻ đạo đức” không chỉ phổ biến ở thời xưa, mà ngày nay cũng còn phổ biến lắm. Ngày xưa dễ nhận biết vì người thời đó có “tua áo dài”, nhưng ngày nay rất khó nhận biết vì quá đỗi tinh vi!

Người ta có thể “lấy vải che mắt” đối với người trần mắt thịt, nhưng không thể “qua mặt” Thiên Chúa, nhưng rồi người ta cũng sẽ biết một lúc nào đó: “Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết” (Lc 12:2). Người Việt chúng ta cũng nói: “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Cái gì thật thì vẫn thật, cái gì giả thì không thể là thật, chắc chắn mọi bí mật sẽ được/bị “bật mí”.

Về việc sống Mùa Chay, người ta thường thích “biểu diễn đạo đức”, thế nên Chúa Giêsu nhắc nhở: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6:1-4).

Chúa Giêsu muốn người ta bố thí nhưng phải bí mật. Chúa có “chơi ép” chúng ta? KHÔNG. Vì làm bí mật mới đáng công trạng. Thế nhưng ngày nay, chúng ta vẫn thường “đánh trống, khua chiêng” bằng nhiều kiểu mỗi khi đi xa với danh nghĩa “làm từ thiện” trong khi lại “làm ngơ” trước nỗi khổ của những người ngay bên cạnh mình. Liệu có phải là “máu Pha-ri-sêu”, là giả hình hoặc thói đạo đức giả? Và Chúa có vui chút nào không?

Về việc cầu nguyện, Chúa Giêsu bảo: “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6:5-6). Với “tình huống” này, chúng ta lại nhớ tới hai người lên Đền Thờ để cầu nguyện (Lc 18:9-14). Người Pha-ri-sêu (biệt phái) rất “chảnh”, vênh váo vỗ ngực tự tôn, còn người thu thuế thì vô cùng xấu hổ và đấm ngực ăn năn, xin Chúa tha thứ.

Chúa Giêsu dạy chúng ta “phong cách” ăn chay: “Chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6:17-18). Có lẽ chúng ta không khoái cái kiểu ăn chay “ngầm” như vậy. Không ai biết thì… chán lắm!

Nhưng Chúa lại muốn chúng ta có “phong cách” ăn chay như vậy. Nếu không thì chúng ta “đã được phần thưởng rồi”. Rất lô-gích, rất hợp lý, rất công bằng, và cũng rất… thú vị. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, câu “đã được phần thưởng rồi” được Chúa Giêsu nhắc tới BA LẦN đấy, nghĩa là chúng ta phải rất thận trọng và tỉnh táo! Chúa Giêsu còn nói thẳng luôn: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứnói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6:7-8). Chua choa! Xem chừng “nhức óc” dữ dằn, vì Ngài dùng chữ “lải nhải”. Phải thế thôi, không nói mạnh thì không được, vì chúng ta “lì lợm” lắm!

Một Mùa Chay nữa lại về, có lẽ không ai lại không nhớ rõ dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15:11-32), dụ ngôn điển hình về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ước gì mỗi người đều đủ can đảm để trở về ngay lập tức. Hãy quyết tâm sống đúng điều mình thầm nhủ:

Xé tâm hồn, xé tâm can

Ăn chay, sám hối, được ơn Chúa Trời

Đừng chần chừ nữa, tôi ơi!

Một lần dứt khoát cho đời bình an

Giá của Nước Trời rất mắc (đắt, đắt đỏ, tốn phí) vì phải thực hành đức tin và sám hối cả đời, lơ đãng một chút là “rớt giá” ngay. Nhưng giá của Nước Trời cũng rất rẻ, đó là chỉ cần chân thành sám hối, chứng cớ “điển hình” là Thánh Tướng Cướp Tốt Lành Dimas (Dismas – x. Lc 23:43). Chúng ta có “cơ may” hơn Thánh Dimas rất nhiều. Hãy cố gắng không ngừng tín thác vào lòng thương xót của Chúa, đừng bao giờ tuyệt vọng dù có thể có lúc chúng ta cảm thấy thất vọng (x. 2 Cr 4:8).

Lạy Thiên Chúa nhân hậu, xin dạy chúng con đường lối của Ngài để chúng con vững bước theo Chân lý (Tv 86:11). Xin ban Thần Khí biến đổi chúng con ngay từ lúc này để chúng con dứt khoát với quá khứ và bắt đầu trang đời mới. Xin Đức Thánh Maria và Đức Thánh Giuse, các thiên thần, các thánh và các linh hồn cùng nguyện giúp cầu thay để chúng con sống trọn Mùa Chay đúng Ý Chúa. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của chúng con. Amen.

 Trở về mục lục

Exit mobile version