LỜI CHÚA: Ga 13, 1-15
1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.
2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su.3 Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa,4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? “7 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.”8 Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! ” Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.”9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.”10 Đức Giê-su bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! “11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.”
12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?13 Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
CÁC BÀI SUY NIỆM
1. Hãy yêu như Giê-su (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
2. Sáng kiến của tình yêu (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc)
3. Luyến thương (Trầm Thiên Thu)
4. Phải rửa chân cho nhau (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
5. Thầy rửa chân cho con ư ? (Lm. Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc)
HÃY YÊU NHƯ GIÊ-SU
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Có ai đó nói rằng: sống cho mình thì dễ, cho người khác mới khó. Khó ở chỗ bạn có thực sự dám hy sinh hay không? Vì khi hy sinh bạn có thể tự hỏi: Tại sao mình lại phải hy sinh cho họ? Tại sao mình không có quyền sống cho mình?
Đây là câu hỏi của muôn người hôm nay. Khi mà người ta tôn thờ cá nhân chủ nghĩa cũng đồng nghĩa hai chữ hy sinh bị hạn hẹp trên thế gian. Người ta thường sống ích kỷ lo cho bản thân mà bỏ rơi đồng loại. Người ta thường tính toán với nhau hơn là hy sinh cho nhau.
Mới đây trên cộng đồng mạng loan truyền nhau thông điệp: “Phụ nữ ơi! Hãy ngừng hy sinh”. Họ lý giải cho lời hiệu triệu này là: “Từ ngàn năm dưới lũy tre làng, ‘con trâu đi trước, cái cày theo sau’, người ta đã mặc nhiên thừa nhận rằng, ngay từ khi cất tiếng khóc oe oe thì thân phận của người phụ nữ đã gắn chặt với hai từ ‘hy sinh'”.
Sự hy sinh vô bờ bến ấy như được “mặc định” trong xã hội. Nó bám riết trong tâm tưởng của người phụ nữ xưa cũng như nay, có lúc sự vất vả khiến đôi chân “phái yếu” quỵ xuống, nhưng rồi họ lại cam chịu. Nhiều gương người chị, người mẹ phải sống cả cuộc đời hy sinh tảo tần lo cho cha mẹ, anh, chị, em mà bỏ mặc bản thân mình cũng được nhắc đến.
“Nghĩ cho cùng, khi kêu gọi người phụ nữ hãy cứ tiếp tục ‘hy sinh’, đó chỉ là sự ích kỷ của phái mạnh những muốn đè nặng âu lo trên vai em gầy guộc mà thôi”, tác giả nhắn gửi. Thông điệp này ngay sau đó được cư dân mạng truyền tay nhau như một “lời hiệu triệu” xuất hiện trên hàng trăm diễn đàn, trang mạng xã hội, blog…
Thực ra phụ nữ hay nam giới đều phải hy sinh. Mỗi giới mỗi vẻ. Mỗi giới đều thể hiện sự hy sinh, lòng quảng đại của mình khác nhau. Hình ảnh người nữ thêu thùa, người chồng gánh nước bổ củi vẫn là những nét đẹp của gia đình. Hình ảnh người chồng cầy ruộng, người vợ cấy lúa vẫn là những bức tranh thập đẹp về sự hy sinh tần tảo của mái ấm gia đình. Thế nên, bình đẳng giới tính không có nghĩa là làm cho phụ nữ biến thành đàn ông, mà quan yếu mỗi người đều phải biết sống hết mình với giá trị của mình trong hai chữ hy sinh.
Điều quan trọng là mỗi người biết sống đẹp trong phận mình bằng cách chu toàn tốt bổn phận. Khi chu toàn bổn phận thì đương nhiên phải có hy sinh, phải dám vượt lên trên sự lười biếng, ích kỷ để cống hiến hết mình thì mới làm nên cuộc đời đẹp. Một cuộc đời có ích cho tha nhân mới là cuộc đời đáng sống, đáng được vinh danh.
Khi Chúa Giê-su cầm bánh và nói: Này là Mình Thầy, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Dường như Ngài cũng nhắc tới hai chữ hy sinh cần phải có trong đời người ky-tô hữu. Một cuộc đời không có hy sinh thì không phải là cuộc đời đẹp. Một cuộc đời thiếu hy sinh như cây xanh thiếu lá nó sẽ trơ trụi và héo khô. Cuộc đời người ky-tô cũng cần phải có hy sinh để sống có ích cho đời, để sống phục vụ một cách quảng đại mà không nề gian khó.
Chúa Giê-su là tấm bánh bẻ ra để mang lại sự sống cho con người. Cuộc đời người ky-tô hữu cũng chỉ có ý nghĩa khi biết bẻ cuộc đời mình ra để yêu thương và phục vụ tha nhân. Hay có thể nói, đặc tính của người tín hữu là bác ái, là yêu thương. Đây là hiệu kỳ mà người tín hữu phải có trong cuộc đời mình để làm chứng cho tình yêu của Đức Ky-tô. Đây là căn tính không thể mất đi trong phẩm chất người tín hữu.
Hôm nay Thứ Năm tuần thánh, là dịp nhắc nhở chúng ta về tình yêu cao vời của Thầy Chí Thánh Giê-su. Một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Một tình yêu không so đo tính toán nhưng chỉ biết yêu là cho đi, cho đi đến cùng. Ngài cho đi không chỉ sức lực, trí tuệ để phục vụ mà còn cho đi chính bản thân mình làm của ăn của uống cho con người. Ngài đã sống trọn vẹn tình yêu là “chết cho người mình yêu”.
Tình yêu ấy Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy làm việc “Này” mà nhớ đến Ngài. Hãy làm lại tình yêu dâng hiến mà Ngài đã hiến thân vì nhân loại. Hãy làm lại tình yêu hy sinh mà Ngài đã cống hiến cho nhân trần. Hãy sống một cuộc đời như Chúa để tình yêu của Ngài mãi ở lại trên thế gian.
Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện đặc biệt cho các linh mục, chúng ta hãy cầu cho các linh mục luôn trở thành một Ky-tô khác giữa anh. Xin cho các linh mục luôn vượt lên tính ích kỷ bản thân để cống hiến cuộc đời phục vụ anh em một cách quảng đại. Xin cho các linh mục luôn là những mục tử như lòng Chúa mong ước là dám sống hy sinh hết mình vì đàn chiên. Amen
SÁNG KIẾN CỦA TÌNH YÊU
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc
Câu chuyện được kể lại, vào cuối năm 2013, một linh mục trẻ của giáo phận Xuân Lộc bị một tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường về thăm gia đình. Ngay sau đó, cha được cấp cứu vào bệnh viện Long Khánh với một bên chân bị giập nát và mất rất nhiều máu. Khi được thông báo về tình hình của linh mục bị nạn, thì một hình ảnh khiến cho nhiều người trong bệnh viện chiều hôm đó cảm động, đó là có một hàng dài gồm có các linh mục và các chủng sinh Đại chủng viện Thánh Giuse xếp hàng ở cửa phòng cấp cứu để hiến máu tiếp sức cho người anh em của mình. Lúc đó chẳng ai còn nghĩ đến một chuyện gì khác ngoài việc làm mọi cách với mong muốn bằng bất cứ giá nào để cứu sống người anh em.
Trong tình yêu luôn luôn có sáng kiến, và khi yêu thương nhau người ta sẽ không tiếc với nhau điều gì, chỉ mong muốn cho người mình yêu được sống và được hạnh phúc, dù có phải hy sinh cả những giọt máu và mạng sống cũng có thể trao tặng cho nhau.
Từ kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày như thế, chúng ta mới có thể hiểu được tâm trạng và tình yêu của Chúa Giêsu dành cho các mộn đệ và cho nhân loại chúng ta trong đêm Thứ năm Thánh này, trước khi Người chia tay với các tông đồ. Thánh Gioan cho chúng ta cái cảm giác như nghe được tiếng thời gian chuyển động, và từng cử chỉ và hành động của Đức Giêsu như những thước phim chiếu chậm. Chúa Giêsu rất ý thức về việc mình làm : Người biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Cha. Đây không phải là một cuộc chia tay bình thường, mà là chia tay để bắt đầu một quyết định lớn lao, bắt đầu hành trình trở về với Thiên Chúa Cha, qua con đường thập giá. Người yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Yêu thương đến cùng, là một tình yêu trao ban trọn vẹn tuyệt đối, là cho đi không hề tính toán, là chấp nhận mọi sự nguy hiểm thiệt thòi về cho mình, miễn là người mình yêu được sống hạnh phúc. Chính vì yêu thương đến cùng, mà Chúa Giêsu đã có những sáng kiến, những hành động vượt quá sức tưởng tượng của các tông đồ, khiến các ông không thể hiểu được.
Tin Mừng cho thấy trong lúc thầy trò đang ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra trao cho các ông và nói : Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em, anh em hãy cầm lấy mà ăn. Như thế, trước khi bị nộp vào tay quân dữ và cho Philatô, thì Chúa Giêsu đã phó nộp cả mạng sống, con người mình cho Thiên Chúa Cha và cho các môn đệ, biến mình trở nên như một của lễ toàn thiêu, chấp nhận đốt cháy đời mình vì yêu mến Chúa Cha để đền tội thay cho nhân loại và chấp nhận trở nên lương thực, nên tấm bánh để nuôi sống những người mình yêu thương. Chấp nhận biến thân mình làm tấm bánh, là chấp nhận chịu nhai, chịu nát tan và đi vào trong tâm hồn của người mình yêu. Tương tự như thế, cuối bữa ăn, Người cầm lấy chén trao cho các tông đồ và nói : Các con hãy cầm lấy mà uống, đấy là chén máu Thầy, máu của Giao Ước mới sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Ngay từ giây phút này trong Nhà Tiệc Ly, thì Chúa Giêsu đã hiến trao máu của mình cho các tông đồ, máu là sự sống và để cứu sống, Đức Giêsu khi trao máu cho các tông đồ, Người đã trao cho các ông sự sống của Người, và nhờ dòng máu này tẩy rửa, họ được đón nhận sự sống mới từ chính Chúa Giêsu trao ban. Cách thể hiện tình yêu của Chúa Giêsu thật là độc đáo, và quả là hết sức bất ngờ đối với các tông đồ. Vì yêu đến tận cùng, Chúa không muốn dừng lại ở bên ngoài, mà Người muốn được đi vào trong tâm hồn qua việc trở nên của ăn của uống, để có thể đi vào trong từng đường gân thớ thịt, vào trong cả huyết quản của người mình yêu, và làm nên một sức sống mới, sự sống vĩnh cửu cho người mình yêu.
Chúa Giêsu còn tiếp tục hành động yêu thương của mình, Người trao phó cả cuộc đời, con người của mình cho các tông đồ khi truyền cho các ông : Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Với lời này, Chúa Giêsu đã thiết lập chức Linh Mục và tuyển chọn các ông trở thành các linh mục đầu tiên. Có thể nói được rằng, Chúa Giêsu đã quá táo bạo khi trao cho các tông đồ một thừa tác vụ lớn lao và thánh thiêng, để từ đây các ông nhân danh Chúa tái hiện lại giây phút yêu thương và cảm động này của Nhà Tiệc Ly mỗi ngày cho đến tận thế. Dù biết rằng các tông đồ vốn là những con người thấp kém về mọi mặt, vậy mà Chúa đã cho các ông được quyền cử hành mỗi ngày hành động yêu thương của Chúa, và mỗi khi cử hành, thì chính Chúa hiện diện và thực hiện hành động yêu thương qua các ông.
Với sứ mạng nối dài tình yêu của Chúa cho nhân loại, cho đến nay, qua các tông đồ, Chúa cũng vẫn tuyển chọn và cậy nhờ những con người yếu đuối thấp hèn là các linh mục trong Giáo Hội để tiếp tục thi hành thừa tác vụ yêu thương của Chúa. Ơn Chúa trao và chức linh mục không hề làm thay đổi bản chất và sự yếu đuối của các linh mục, chính vì thế chúng ta không lạ gì khi thấy có nhiều linh mục đã không chu toàn mênh lệnh Chúa trao, hoặc vì yếu đuối, họ đã bỏ bê nhiệm vụ, và đã không sống trọn đòi hỏi yêu thương của Chúa, nhiều người đã đi chệch con đường, và còn trở thành kẻ phản bội Chúa.
Chưa hết ngỡ ngàng vì những việc Chúa vừa làm, thì các tông đồ lại chứng kiến một hành động yêu thương khác : Người chỗi dậy rời khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu mà cúi xuống rửa chân cho các tông đồ. Với việc làm này, Chúa Giêsu vừa muốn nêu gương, vừa muốn dạy các ông một bài học sống động về sự yêu thương và phục vụ. Rửa chân là việc làm chỉ dành cho nô lệ phục vụ chủ, vậy mà Đức Giêsu đã rời khỏi vị trí của mình là một vị Thiên Chúa quyền năng, là một người Thầy được kính trọng, Người cởi áo ra, tức là giũ bỏ tất cả vinh quang danh dự, không còn nghĩ gì đến địa vị của bản thân, Người lấy khăn, thắt lưng, tức là tự biến mình thành một kẻ đầy tớ sẵn sàng để cúi xuống rửa chân cho các học trò của mình. Việc làm này đã đảo lộn tất cả những suy nghĩ và quan niệm vốn có của con người về thứ bậc địa vị trong xã hội, với một mục đích duy nhất là yêu thương và phục vụ.
Chính vì sự đảo lộn trật tự trong quan niệm và cách sống này, mà Phêrô đã cực lực phản đối : Thưa Thầy, không đời nào mà Thầy lại rửa chân cho con. Vì từ trước đến nay chưa bao giờ có chuyện thày rửa chân cho trò, chủ phục vụ đầy tớ, vậy mà giờ đây Chúa Giêsu đã làm như thế. Chúa Giêsu đã trả lời Phêrô : Việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, sau này anh sẽ hiểu. Các con gọi Ta là Thầy là Chúa, điều đó là đúng, vậy nếu Ta là Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.
Bài học đến đây đã rõ: Thầy đã nêu gương cho anh em, anh em cũng hãy làm như Thầy đã làm cho anh em mình. Hãy yêu như Thầy đã yêu, hãy làm như Thầy đã làm, đó là mong muốn của Chúa Giêsu đối với mỗi chúng ta trong đêm cực thánh hôm nay.
Hãy yêu như Thầy đã yêu, tức là Chúa muốn chúng ta cũng hãy dám để cho tình yêu thôi thúc và đưa đến những hành động yêu thương, vì khi yêu, thì tình yêu sẽ chỉ cho chúng ta biết sẽ phải làm gì và làm như thế nào. Hãy để cho tình yêu dẫn dắt và thúc dẩy chúng ta, để rồi cũng như Chúa Giêsu dám trao phó cả con người và cuộc đời chúng ta cho anh em, và vì hạnh phúc của anh em. Các bậc cha mẹ hãy để cho trái tim của mình thôi thúc để biết hy sinh nhiều hơn nữa cho cho con cái, cho gia đình, thay vì chỉ nghĩ đến bản thân. Hy sinh để tìm kiếm lương thực nhà cửa cho con cái thì chưa đủ, nhưng còn phải hy sinh cả thời giờ và tình yêu cho con cái qua những giờ phút xum họp thân thương của gia đình. Hãy biến gia đình trở thành Nhà Tiệc Ly mỗi ngày, để trong bầu khí yêu thương, mọi thành viên tìm hết mọi cách để phục vụ, để đem đến niềm vui và hạnh phúc cho gia đình.
Mỗi người hãy dám cởi bỏ khỏi mình cái áo của địa vị, của sự tự cao tự mãn, để có thể cúi xuống phục vụ anh chị em chung quanh. Vì chúng ta không thể nhìn thấy được hoàn cảnh của anh chị em khi chúng ta không chấp nhận cúi xuống, chúng ta không thể hiểu và thông cảm với những đau khổ của anh chị em khi chúng ta không dám cởi bỏ con người của mình. Hãy làm như Thầy đã làm, là dám cúi xuống để phục vụ, giúp đỡ, và chia sẻ với những cảnh khốn cùng của anh chị em.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đang tạo ra trong Giáo Hội một tấm gương của sự nghèo khó và phục vụ, Ngài đã từ chối mọi sự vinh quang của một vị giáo hoàng để sống một cuộc sống đơn giản như một người khách trọ tại Vatican, để có thể dễ dàng đến được với mọi người. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các Giám mục và các Linh mục được sống thánh thiện, nghèo khó và biết học nơi Đức Giêsu : dám cởi bỏ con người và địa vị của mình, và dám trao phó cuộc đời của mình vì hạnh phúc của mọi người. Amen.
LUYẾN THƯƠNG
Trầm Thiên Thu
Tam Nhật Vượt Qua là ba ngày cao điểm của Phụng vụ, với các sắc màu khác nhau, khởi đầu là Thứ Năm Tuần Thánh mang sắc màu Vui, tiếp theo là Thứ Sáu Tuần Thánh mang sắc màu Thương, và từ đêm Thứ Bảy Tuần Thánh tới Chúa Nhật Phục Sinh mang sắc màu Mừng.
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày Vui, buổi sáng là Thánh Lễ Truyền Dầu, buổi chiều là Thánh Lễ kỷ niệm Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục, cũng là ngày tưởng nhớ Bữa Tiệc Ly. Trong niềm vui có lẫn nỗi buồn, tạo cảm giác rất khó tả, đặc biệt là trong đó có sự quyến luyến của cuộc chia tay.
Thứ Năm Tuần Thánh còn là ngày Chúa Giêsu dạy bài học yêu thương độc đáo, vì Ngài không chỉ dạy bằng lời nói mà dạy bằng HÀNH ĐỘNG cụ thể, chứng minh lời Ngài đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28; Mc 10:45). Yêu thương và Phục vụ là hai “điểm nhấn” của ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Ai yêu thương thì sẵn sàng phụng vụ, ai phục vụ là chứng tỏ yêu thương. Mối tương tác tất yếu tuyệt vời!
Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh đến chức vụ phục vụ của mình là “tôi tớ của các tôi tớ của Chúa” (Servus Servorum Dei). Ngài không tự xưng là “chúng tôi” như các giáo hoàng trước mà dùng đại danh từ “tôi”. Ngài chọn làm một lễ tấn phong đơn giản chứ không rườm rà, và không đội mũ giáo hoàng khi đảm nhiệm. Là giáo hoàng nhưng ngài không muốn được phục vụ, thể hiện đức khiêm nhường. Khi nhậm chức giáo hoàng, các hồng y quỳ gối trước ngài để tuyên hứa và hôn nhẫn, nhưng ngài đứng dậy khi ĐHY Stefan Wyszyński (người Ba Lan) quỳ gối, ngăn hồng y này hôn nhẫn và ôm hồng y này. ĐGH Phanxicô cũng đang thể hiện rõ nét khiêm nhường, nghèo khó, và cũng không muốn ai phục vụ mình. Đó là các tấm gương sáng về nhân đức khiêm nhường và tinh thần phục vụ.
Ngày xưa, Đức Chúa phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron trên đất Ai-cập: “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng” (Xh 12:1-8).
Dân nào cũng có những phong tục khác nhau theo văn hóa của mình. Với dân Chúa, cách ăn uống cũng khác, họ làm theo lời Chúa căn dặn: “Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã, Đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa” (Xh 12:11).
Người Việt không có tục lệ như vậy, nhưng vẫn không thấy lạ. Chiên hay dê một tuổi là con vật còn nhỏ, còn toàn vẹn và vô tư như đứa trẻ, máu của con vật tinh tuyền được bôi lên cửa làm dấu hiệu để gia đình đó được thoát tai họa: “Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là Đức Chúa. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập. Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này. Đó là luật quy định cho đến muôn đời” (Xh 12:12-14).
Được báo trước về cách tránh tai họa như vậy thì thật là đại phước. Ai không làm theo là cố chấp, ai làm theo là biết vâng phục và tất nhiên được hưởng lợi ích. Đối với Thiên Chúa, chúng ta chẳng là gì cả, nhưng chúng ta vẫn không ngừng được Ngài ban tặng biết bao hồng ân. Tác giả Thánh Vịnh cũng đã có kinh nghiệm đó nên tự hỏi và tự quyết định: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Con xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Chúa” (Tv 116:12-13). Vâng, chắc chắn không lễ vật nào xứng đáng bằng những gì đến từ Thiên Chúa.
Tác giả Thánh Vịnh thành tâm khấn hứa: “Lời khấn nguyền với Chúa, con xin giữ trọn, trước toàn thể dân Người. Đối với Chúa thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người. Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi” (Tv 116:15-16). Để phù hợp với Cựu ước, Chúa Giêsu cũng đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13).
Có nhiều cách chết, chúng ta cũng phải “chết” cho nhau hằng ngày, vì mọi người đều là “người yêu” của nhau. Trong ngày trọng đại này, mỗi chúng ta hãy cùng với tác giả Thánh Vịnh thân thưa với Thiên Chúa: “Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn và kêu cầu thánh danh Chúa. Lời khấn nguyền với Chúa, con xin giữ trọn, trước toàn thể dân Người” (Tv 116:17-18). Lòng biết ơn rất quan trọng nhưng người ta lại… thích “quên”. Vẫn còn đo gương mười người được ơn chữa lành nhưng chỉ có một người biết ơn, mà người này lại là người ngoại! (x. Lc 17:11-19).
Cũng với tâm tình tri ân, Thánh Phaolô nói: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy’. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: ‘Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy’. Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11:23-26).
Một điều xác định rất lạ. Chết là buồn đau, là chiến bại, là cùng đường, vậy mà lại cần loan truyền ư? Đây là loại nghịch-lý-thuận sẽ không thể hiểu nếu không có đức tin Kitô giáo. Chết không như người ta lầm tưởng, chết ngỡ như thua thiệt, là thất bại ê chề, nhưng chính cái chết lại là biên giới qua Bến Phục Sinh, là nhịp cầu tới Miền Sự Sống, là cửa ngõ vào Cõi Trường Sinh. Vô cùng kỳ diệu!
Trước khi vào Vùng Sống phải qua Cõi Chết, trước khi qua Cõi Chết phải trải nghiệm Ải Đau Khổ. Đó là loại Tam Giác đặc biệt: Tam-Giác-Sống-Chết.
Trình thuật Ga 13:1-15 cho biết: Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng. Với nhân tính, chắc hẳn Ngài cũng lưu luyến lắm, nhất là với các đệ tử đã chia ngọt sẻ bùi suốt ba năm ròng. Nhưng điều gì đến sẽ đến, cuộc vui nào cũng tàn, sum họp rồi chia ly, đó là lẽ thường ở đời thôi!
Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giêsu. Đức Giêsu biết rằng Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Ngài, Ngài bởi Thiên Chúa mà đến và sắp trở về cùng Thiên Chúa. Trong tiệc mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ, và cũng là Bữa Tiệc Ly, bữa ăn cuối cùng của Ngài trên thế gian và bữa cuối cùng đồng bàn với các môn đệ, Ngài đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra và lấy khăn mà thắt lưng, rồi Ngài đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Một hành động rất lạ, chắc hẳn các môn đệ cũng chỉ thấy lạ chứ không thể biết đó là điềm báo của một người sắp chết.
Chuyện kể hôm nay là câu chuyện mà ai cũng thuộc vanh vách, dù không chính xác từng chữ. Khỏi kể lại cũng biết. Mới nghe câu đầu đã biết rõ kết thúc. Thế nhưng câu chuyện này vẫn luôn thu hút bất kỳ ai. Từ Phòng Tiệc Ly tới Vường Dầu, từ Vườn Dầu tới Dinh Cai-pha và Phi-la-tô, và từ đó tới Đồi Sọ, ai cũng biết diễn biến thế nào, thế nhưng người ta cứ nghe mãi và đọc mãi cuốn truyện đó mà không chán. Một điều rất lạ!
Một cuốn truyện hoặc một bộ phim hay tới mức nào thì người ta cũng chỉ đọc hoặc xem một lần, nhiều lắm cũng chỉ hai lần là thấy nhàm chán. Vậy mà với bộ Phúc Âm (và Kinh Thánh), người ta càng đọc càng thấy thú vị, càng nhận thấy cái mới. Tương tự, đối với Thánh Lễ cũng vậy, dù không tham dự cũng biết như thế nào. Thế mà có ai chán bao giờ đâu. Đúng là phép lạ thật!
Và câu chuyện vẫn tiếp diễn…
Khi Chúa Giêsu bưng chậu nước đến chỗ ông Phêrô, ông liền thưa: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Nhưng Ngài bảo: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”. Ông Phêrô cương quyết không để cho Thầy rửa chân cho mình, vì có đời nào lại có chuyện ngược đời như vậy được! Nhưng Ngài nghiêm giọng: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Nghe vậy, ông Phêrô nói ngay: “Thế thì xin Thầy cứ rửa, không chỉ rửa chân mà rửa cả tay và đầu con nữa”. Đúng là người có bản tính “thẳng như ruột ngựa”, nghĩ sao nói vậy. Đức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”. Thật vậy, Ngài biết ai sẽ nộp Ngài nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch”.
Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:12-15). Những lời Chúa Giêsu nói nghe rất nhẹ nhàng nhưng lại có sức khiến chúng ta “nhức tai”, “buốt óc” và “nhói tim” lắm! Thật vậy, chữ Yêu Thương rất ngắn gọn, xem chừng rất đơn giản, nhưng để thực hành cho đúng ý Thầy Giêsu thì không hề đơn giản, vì vậy mà chúng ta phải cố gắng không ngừng, phải cố gắng qua từng nhịp thở vậy.
Cũng vậy, chữ Phục Vụ cũng ngắn gọn lắm, nhưng có hai vế: Phục vụ và được phục vụ. Không ai “ưa” vế thứ nhất, nhưng ai cũng thích vế thứ nhì. Bản tính con người đâu dễ “lèo lái”, do đó mà thực hiện “bổn phận phục vụ” mãi vẫn thấy “căng” lắm, thậm chí có người còn chỉ “chăm chú” làm ngược lại là “thích được người khác phục vụ”. Lạy Chúa tôi!
Được biết, tại phòng thánh của nhà dòng, Chân phước Mẹ Teresa Calcutta đã ghi lời nhắc nhở: “Xin các linh mục hãy dâng mỗi Thánh lễ như Thánh lễ đầu tiên và như Thánh lễ cuối cùng trong đời”. Đúng là ý tưởng của thánh nhân, thật là thâm thúy đầy tính tâm linh, nhưng đó cũng là lời nhắc nhở “đáng phải giật mình” lắm đấy, dù là ai – tức là cả giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân!
Bài học Yêu Thương và Phục Vụ mà Chúa Giêsu đã dạy vẫn luôn nóng bỏng ngay trong thời đại ngày nay, dù bài học đó đã được Ngài dạy từ hai ngàn năm trước. Bất kỳ ai cũng phải thuộc lòng và làm đúng từng chi tiết trong bài học này của Thầy Giêsu vậy. Yêu mến Chúa và lưu luyến Ngài thì phải thực hiện lệnh Ngài truyền, đó là điều hoàn toàn hợp lý, vì có vậy mới chứng tỏ tình yêu mà chúng ta dành cho Ngài!
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin đổi mới trái tim chúng con nên giống Chúa càng ngày càng nhiều, xin giúp chúng con say yêu Thánh Thể và Thánh Lễ để chúng con được sống dồi dào nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, đồng thời xin giúp chúng con quyết tâm thực hiện bài học Yêu Thương và Phục Vụ đúng theo Tôn Ý Ngài. Chúng con tin thật chính Ngài là Đấng cứu độ, hằng sinh và đồng trị với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
PHẢI RỬA CHÂN CHO NHAU
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
SUY NIỆM
Người biết mình sắp qua đời thường để lại di chúc cho con cái.
Di chúc nói lên ước nguyện, lời nhắn nhủ hay lệnh truyền của người sắp ra đi.
Có thể nói Thầy Giêsu khi biết cuộc Khổ Nạn gần đến
cũng đã để lại một di chúc kép cho các môn đệ dấu yêu :
Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và nhất là Ngài đã lập bí tích Thánh Thể.
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày chúng ta đặc biệt nhớ đến di chúc ấy.
Sống di chúc của Chúa Giêsu là cách biểu lộ tình yêu đối với Ngài.
Có nhiều điểm giống nhau nơi việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể.
Cả hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết.
Cả hai đều được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua.
Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ,
Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy lễ hiến dâng đời mình.
Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá.
Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ.
Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ,
thì bây giờ Thầy làm cho trò.
Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân.
Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy.
Trong bí tích này, tấm bánh trở nên Mình Thầy bị bẻ ra và trao đi.
Rượu trở nên Máu Thầy, Máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới.
Trong cả hai biến cố Rửa chân và Bí tích Thánh Thể,
Thầy Giêsu đều mời các môn đệ tham dự cách tích cực.
Tham dự vào cái chết của Thầy bằng cách để cho Thầy rửa chân,
hay tham dự bằng cách ăn uống Mình và Máu Ngài.
Hai biến cố trên không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần bởi Thầy Giêsu.
Thầy mời các môn đệ cũng làm như Thầy, và lặp đi lặp lại những cử chỉ đó.
“Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14).
“Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22, 19).
Cúi xuống phục vụ tha nhân và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể
sẽ giúp chúng ta tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.
Muốn ở lại trong tình thương của Thầy Giêsu,
cần giữ lệnh Thầy truyền (Ga 15, 10).
Mà “đây là lệnh truyền của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).
Hơn nữa, Thầy Giêsu còn cho ta một cách khác để ở lại trong Thầy :
“Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi,
và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất.
Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu.
Ước gì chúng ta được ở lại trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.
LỜI NGUYỆN
Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thày dạy chúng con một bài học rất ấn tượng
khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.
THẦY RỬA CHÂN CHO CON Ư?
Lm. Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc
Đã là người Việt Nam ai cũng nghe qua câu chuyện tình “Lan và Điệp” đầy trái ngang, nếu xét về tình yêu, họ có tội gì đâu sao vướng vào sầu đau ! Sống vào thời đại hôm nay, hầu như mọi người bỏ cụm từ “ăn khao” mà thay vào đó “rửa” ! Người ta rửa nhà mới, rửa xe mới, rửa văn bằng tốt nghiệp, rửa chức rửa quyền…., mọi người không còn thấy lạ nữa, có lạ kỳ là người ta không rửa với nước thường mà rửa bằng rượu bia và sơn hào hải vị, như thế tiệc vui mới trọn vẹn.
Cũng phát xuất từ tình yêu thương, chuyện “rửa” mà người Công giáo chúng ta nhắc tới chiều thứ Năm Tuần Thánh, không phải là cho hết “xui xẻo” như đôi trai gái Lan và Điệp ; mà câu chuyện “rửa” lúc này nói lên một nghịch lý : “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư ?”. Các môn đệ không thể hiểu nổi việc làm của Thầy mình, tưởng như Thầy nói chơi mà Thầy rửa chân cho anh em thật.
Các môn đệ hiểu việc rửa chân là hèn hạ, vì đầy tớ mới rửa chân cho chủ ! Lẽ nào các ông không thắc mắc, vì khi người ta ăn xong phải rửa tay, rửa miệng, đằng này ăn xong rồi “Sư phụ” mình lại rửa chân cho đệ tử ! Làm sao các ông có thể hiểu “quyền bính” là để phục vụ : Thầy rửa chân cho học trò, Chúa rửa chân cho phàm nhân, anh em hãy rửa chân cho nhau, đó mới là tinh thần phục vụ, là yêu như Thầy yêu ! Các môn đệ hoảng hốt bởi hành động lạ kỳ của Thầy mình cũng đúng thôi, vì tâm lý tự nhiên ai mà chẳng ngại với quy trình mới : Thầy rửa chân cho trò, người trên hầu hạ kẻ dưới, người làm lớn phục vụ kẻ bé nhỏ nghèo hèn.
Nếu như trong chữ “thành”, phải được nối với một từ nữa mới đủ nghĩa, thì người ta sẽ chọn chữ “công”, vì “thành công” ai cũng thích. Nếu như các môn đệ hiểu được đôi chân thật quan trọng, chân có sạch, có đứng vững, mới làm tốt việc được giao ; hẳn các ông không phải thắc mắc tại sao Thầy lại rửa chân cho học trò, tại sao anh em cần phải rửa chân cho nhau !
Trong bầu khí bữa ăn của thầy trò Giêsu hôm nay, Thầy không hề nói đến phương án, kế hoạch để làm kinh tế chính trị gì cả, Thầy chỉ mong các học trò hãy sống tinh thần của “người thầy” : “bác ái phục vụ”, nghĩa là Yêu đến cùng. Nói một cách mạnh mẽ hơn, Chúa Giêsu không nhằm rửa sạch đôi chân của các học trò mà là rửa sạch bên trong tâm hồn của các ông. Rửa đi những bụi đời, những toan tính trần thế. Chúa còn quả quyết, “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”.
Đỉnh cao của bác ái phục vụ tất nhiên không phải là cái chết khổ hình, không phải là cho đi một ít đồng tiền dư thừa, điều đẹp ý Thầy Giêsu là hãy biến những gì mình đang có trở thành phương tiện phục vụ cho lợi ích gia đình và xã hội. Bài học mà Chúa muốn dạy các môn sinh trong Bữa Tiệc Ly năm xưa chính là : “Anh em hãy yêu thương nhau”. Một tình yêu tha thứ có thể rửa xóa đi những thù hận, có thể làm sạch mọi vết nhơ của hiểu lầm, ghen ghét.
Vì chấp nhận để Thầy mình rửa chân, rửa sạch tâm hồn, các môn đệ sau này mới biết thực hiện hành vi tẩy rửa cho nhau được sạch, được dự phần với Thầy mình. Ngày hôm nay, mỗi lần tham dự phụng vụ chiều thứ Năm Tuần Thánh, các bạn có nghĩ, có muốn được Thầy Giêsu rửa chân cho mình không ? Mỗi khi tới tòa giải tội, các bạn vẫn ước muốn lòng sám hối thành thật để được Thầy Giêsu rửa sạch sẽ tâm hồn chứ ? Lời giáo huấn : “Các con gọi Ta là Thầy, là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con hãy rửa chân cho nhau”. Và mỗi khi thực hiện lệnh truyền của Thầy, các bạn thử nghĩ xem mình đang làm vì tình “bác ái phục vụ”, hay chỉ vì “bề trên”, vì miễn cưỡng phải giúp đỡ anh chị em, chứ tôi chưa có lòng yêu mến ! Các bạn cũng đừng lấy bia Hineken hay rượu ngoại, hãy lấy nước tự nhiên, lấy tình yêu thương mà giúp bạn mình, họ rất đáng yêu, cũng cần được sạch đôi chân, được sạch tâm hồn như chúng ta. Amen.