SUY NIỆM Lời Chúa Các Bài Suy Niệm Mồng Một Tết

Các Bài Suy Niệm Mồng Một Tết

1. Xuân Xưa và Nay

2. Chúc Nhau Mọi Điều Tốt Lành

3. Đừng Lo

XUÂN XƯA VÀ NAY

 Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

            Mùa xuân, là mùa của hội hè, của đoàn tụ, của vui chơi. Mùa xuân với không gian rộng mở để đón ánh nắng xuân, để hòa nhịp với gió xuân. Mùa xuân ai cũng muốn trải lòng mình với không gian. Ai cũng muốn hòa chung nhịp với vạn vật để trẩy hội mùa xuân. Thế nên, Mùa xuân ở đâu cũng có đám có hội. Nơi nơi đều có những hội hè, ca hát như câu thơ xưa đã diễn tả:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo “Thôn Đoài hát tối nay”

            Mùa xuân còn gợi cho chúng ta những phong tục tập quán đã ăn sâu vào nếp sống của người dân Việt. Xuân về những phong tục tập quán của phong bao giấy đỏ, của chợ tết , của hội hè mừng xuân dường như luôn được hiện tại hóa trong mỗi dịp xuân về.  Bầu khí ngày xuân thật ấm cúng linh thiêng như bài thơ “Tết của mẹ tôi” đã diễn tả:

“… Mẹ tôi gọi cả các em tôi

đến bên mà dặn :” sáng ngày mai

các con phải dạy cho thật sớm

đầu năm năm mới phải lanh trai

mặc quần mặc áo lên trên nhà

thắp hương thắp nến lễ ông bà

chớ có cãi nhau chớ có quấy đánh đổ,

đánh vỡ như người ta

Sáng ngày mồng một sáng tinh sương

Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường

Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi

rửa mặt hoa mùi nước đượm hương

            Ngày xuân người ta cũng dũ mọi lo toan thường ngày để sống  thật hoan hỉ, thật vui tươi trong ngày xuân như Nguyễn Bính đã từng nói:

Năm mới vừa sang, năm cũ qua

Tuy nghèo, ta vẫn mến nhà ta.

Chín sào tư thổ là nơi ở,

Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà.

Trước cửa khói dày non khuất bóng,

Bên tường, mưa ít, cúc thưa hoa.

Các con nối chí cha nên biết:

Nghiên bút đừng quên lúa, đậu, cà.

            Mùa xuân không chỉ hướng lòng con người đến với nhau trong hội hè, đoàn tụ gia đình hay dòng tộc. Mùa Xuân còn hướng chúng ta đến Đấng tạo thành. Chính Ngài đã làm cho con tạo xoay vần có Xuân – Hạ – Thu – Đông. Chính Ngài đã tô điểm cho mùa xuân thêm rạng ngời với ánh nắng lunh linh, với gió nhè nhẹ lượn quanh người. Ngài là chủ mùa Xuân. Ngài đã ban mùa xuân đến cho nhân trần. Ngài đã chúc phúc cho mùa xuân với biết bao niềm vui của hội hè đình đám. Chính Ngài đã tạo dựng mùa xuân đầu tiên nơi vườn địa đàng để Adam – Eva ngập tràn hạnh phúc yêu thương. Đó là một mùa xuân bất tận. Một mùa xuân trường sinh. Mùa xuân ấy đã kết thúc khi Adam –Eva quay lưng lại với Đấng tạo thành. Vườn xuân cũng khép lại. Cỏ dại và sự dữ đã đi vào trần gian.

            Thế nên, hướng về mùa xuân con người được mời gọi giữ mãi mùa xuân trong lòng mình. Một mùa xuân ngập tràn niềm vui hạnh phúc khi con người sống trong ân nghĩa với Đấng tạo thành. Một mùa xuân ngập tràn yêu thương khi con người sống hòa thuận với nhau, tránh xa những đố kỵ ghen tương và cùng nhau xây dựng hòa bình. Đó chính là cách chúng ta gìn giữ mùa xuân trong cuộc đời chúng ta. Đừng như Adam đã đánh mất mùa xuân khi phạm tội quay lưng lại với Đấng tạo thành.

            Hôm nay ngày đầu xuân chúng ta cũng cám ơn Ngài đã ban cho một Mùa Xuân với bao hương tình nồng ấm. Cám ơn Ngài đã dẵn dắt cuộc đời chúng ta đi qua những thăng trầm của giòng đời. Một giòng đời có xen lẫn buồn vui sướng khổ. Có nước mắt và nụ cười nhưng bàn tay quan phòng của Đấng tạo hóa luôn làm chủ mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời con người. Đồng thời cũng phó dâng lên Ngài một năm mới vừa mới bắt đầu. Xin Ngài lì xì cho một năm mới thuận buồm xuôi gió, vạn sự như ý. Một năm mới “mã đáo thành công” với bao hạnh phúc trong cuộc đời. Xin Ngài làm chủ cuộc sống của chúng ta hôm nay và mãi mãi.

            Ước gì mùa xuân mãi ở lại đây trong tâm hồn chúng ta khi có Chúa đồng hành, khi trung thành với giáo huấn của Chúa. Ước gì cuộc đời chúng ta luôn tươi trẻ vì có Chúa Xuân hiện diện chúc phúc cho cuộc đời chúng ta. Amen

CHÚC NHAU MỌI ĐIỀU TỐT LÀNH

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc

Ngày tết của người Việt hoàn toàn khác với ngày tết dương lịch, và cách đón tết của người Việt cũng khác với các dân tộc khác. Ngày tết của người Việt là ngày của tình thân, ngày của gia đình và là dịp ước nguyện, vì mọi người tin rằng ngày đầu năm khi có nguyện ước tốt đẹp thì cả năm sẽ tốt đẹp. Chính vì thế, ngày tết người ta tránh nói là làm những gì mích lòng nhau, và dù rất quen tai với lời chúc xuân, nhưng khi gặp nhau ngày tết dù quen hay lạ, mọi người luôn cầu chúc cho nhau và cho gia đình những điều chúc tốt đẹp, nào là gia đình hạnh phúc, sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng…đó là nét văn hóa rất tốt đẹp của người Việt chúng ta.

Tuy nhiên dầu có nhiều lời cầu chúc và những ước mơ tốt đẹp, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận tình hình cuộc sống kinh tế xã hội được dự báo cho năm mới còn rất nhiều khó khăn đòi mỗi người mỗi gia đình phải nỗ lực hết mình. Cũng vì thế ai cũng tin rằng những điều tốt đẹp chúng ta cầu chúc cho nhau, chỉ là bày tỏ ước nguyện điều tốt lành cho nhau, còn điều quan trọng là tất cả ơn lành là do Trời ban, mà người Công Giáo gọi là ơn do Thiên Chúa ban.

Chúng ta tin rằng chính Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và làm chủ vũ trụ và con người, Ngài còn tiếp tục quan phòng và điều khiển vũ trụ này cho nó xoay vần thời tiết thay đổi nối tiếp nhau hết mùa hạ, đến mùa thu, mùa đông rồi sang xuân để phục vụ cho con người, và tất cả mọi sự tốt lành mà chúng ta cầu chúc cho nhau đều đến từ Thiên Chúa.

Lời Chúa của ngày Mồng Một tết nhắc lại cho chúng ta giáo lý quan trọng: Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên vũ trụ, Ngài lại là người Cha yêu thương chúng ta và luôn muốn và làm điều tốt đẹp cho chúng ta là con cái Ngài. Sách Sáng Thế đã nhắc lại “Bài ca Tạo dựng” của Thiên Chúa để khẳng định về một Thiên Chúa quyền năng vượt trội trên tất cả, không có một thần linh nào sánh kịp Ngài, Ngài đã chỉ cần phán một lời: Hãy có, thì mọi vật liền từ không nên có. Thánh Kinh còn cho thấy Thiên Chúa tạo nên vũ trụ này không phải như một vật vô hồn, mà là một tuyệt tác kỳ công của Ngài, và Ngài thấy thế là tốt đẹp. Nó tốt đẹp không chỉ vì nó thỏa mãn cái nhìn của con người, mà Ngài còn thấy tất cả công trình Ngài tạo dựng nó tốt đẹp và mang lại lợi ích cho con người là tạo vật được Chúa yêu thương và nâng niu nhất. Điều quan trọng hơn nữa, Thiên Chúa giống như một nghệ nhân đã trao tặng tác phẩm của mình cho con người để con người làm chủ.

Con người được Thiên Chúa yêu thương, Ngài trao tất cả mọi loài mọi vật và cả vũ trụ này cho con người, và Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục chăm sóc và mời gọi con người tin tưởng vào tình yêu thương quan phòng của Ngài. Hôm nay trước những lo lắng của cuộc sống của con người Chúa Giêsu đã khuyên chúng ta: Đừng lo lắng cho mạng sống: lấy gì mà ăn, cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc, hãy xem chim trời nó không gieo không gặt mà Cha anh em vẫn nuôi nó… Có ai nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được một gang nữa không? Khuyên chúng ta như thế trong ngày đầu năm, không có nghĩa là Chúa muốn chúng ta lười biếng thụ động không suy nghĩ, không tính toán, ngồi chờ sung rụng, nhưng Chúa muốn chúng ta vẫn phải làm việc hết mình hết khả năng, và còn phải làm trong sự tin tưởng và phó thác cho quyền năng và tình thương của Chúa, vì mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên, việc tính toán là của con người còn thành quả là do Chúa ban. Khi làm việc với tinh thần như thế, chúng ta sẽ không trở thành nô lệ cho công việc, nhưng trong tư cách là cộng tác viên của Thiên Chúa, cùng với Thiên Chúa làm cho cuộc sống thêm tốt đẹp hơn.

Cái ăn và cái mặc là những nhu cầu căn bản của cuộc sống, nó khiến cho con người phải vất vả tất bật sớm hôm, mỗi ngày mở mắt ra con người đều phải nghĩ đến việc ngày hôm nay mình sẽ ăn gì mặc gì? Tuy nhiên Chúa Giêsu đã cho chúng ta những hình ảnh làm ví dụ về bông hoa ngoài đồng được Chúa tô điểm cho thật rực rỡ dù nó không phải may vá gì, cũng vậy lũ chim sẻ không gieo không cấy mà Thiên Chúa vẫn nuôi nó, để cho chúng ta thấy một ý nghĩa cao hơn nữa, đó là khi chúng ta sống và làm việc trong sự phó thác hoàn toàn cho Chúa thì Chúa sẽ lo liệu cho ta còn tốt hơn rất nhiều lần chúng ta tự lo cho mình. Thiên Chúa làm tất cả điều tốt đẹp cho con người chỉ vì Ngài là Cha yêu thương chúng ta.

Điều này làm cho chúng ta khác với những người không có đức tin, người không có đức tin làm việc trong sự lẻ loi một mình, còn người có đức tin làm việc trong sự hiện diện và trợ giúp của Thiên Chúa, và khác với người không có đức tin, vì chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương ta và trợ giúp ta. Vì thế Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta : Đừng để cho công việc và những lo toan cuộc sống chiếm hết chỗ trong cuộc sống, nhưng hãy biết dành lại chỗ cho Thiên Chúa, hay nói đúng hơn, là dù có bận rộn với cuộc sống và công việc thì đừng quên tìm kiếm Nước Trời và hạnh phúc đời đời. Vì chúng ta sẽ không mãi ở trên mặt đất này, mà chúng ta sẽ phải trở về với Thiên Chúa, thì ngay hôm nay chúng ta phải làm việc trong tư thế của một người sẽ phải trở về, đừng để mình lệ thuộc vào trần gian này.

Trong niềm xác tín như thế, thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa,… sao cho mọi người thấy anh em ăn ở hiền hòa rộng rãi. Trong mọi hoàn cảnh cứ cầu khẩn, vàn xin và tạ ơn mà giải bày trước mặt Thiên Chúa điều anh em thỉnh nguyện. Như thế niềm vui phải là nét đặc trưng và luôn được thể hiện trên cuộc đời và gương mặt người tín hữu. Chúng ta luôn vui vì chúng ta sống trong sự chở che của Thiên Chúa, vui vì có Chúa là bạn và là Đấng cùng chia sẻ gánh nặng cuộc đời với chúng ta và luôn tạo mọi điều tốt đẹp cho ta. Đồng thời thể hiện niềm vui qua cuộc sống tin tưởng, vui tươi, hiền hòa nhân ái, đó phải là những nét đặc trưng của người tín hữu chúng ta.

Trong ngày đầu năm này, chúng ta mang trong mình bao nguyện ước cho mình cho gia đình và người thân, đừng ngại ngần bày tỏ những ước nguyện ấy với Chúa, hãy nói với Chúa về  toan tính của mình để xin Chúa chỉ bảo cho chúng ta biết phải làm gì và làm thế nào. Mong điều tốt lành cho nhau đã là điều tốt, song mỗi người còn phải đem đến cho nhau, cho gia đình những điều tốt lành.

Ngày tết không chỉ tránh cho nhau những điều không hay không đẹp, mà hãy tránh cho nhau tất cả những điều không hay không đẹp trong suốt cả năm. Các bậc cha mẹ chính là người tạo nên sự may lành tốt đẹp cho gia đình. Hãy mang về cho gia đình nhiều niềm vui, nhiều nụ cười thân thương, nhiều bữa cơm ấm cúng tình gia đình. Hãy làm việc và nuôi sống gia đình trong sự tin tưởng và cậy trông phó thác nơi Chúa. Hãy nuôi gia đình không chỉ bằng cơm gạo mà còn cần phải được nuôi bằng tình yêu thương, sự hy sinh và sư ân cần dành cho nhau. Các bậc làm cha mẹ đừng xả xui cho mình bằng cờ bạc rượu chè, đề đóm, tất cả những điều đó không những không xả xui, mà còn đem đến đổ vỡ cho gia đình. Trái lại hãy hiện diện nhiều hơn bên vợ chồng bên con cái, hãy dành những ngày tết này để chuyện trò để hiểu nhau và thông cảm cho nhau hơn.

Cũng vậy những người làm con không chỉ bày tỏ lòng thảo hiếu bằng tấm bánh hay một vài lời cầu chúc, mà hãy đem đến cho cha cha mẹ niềm vui bằng sự ngoan ngoãn, thảo hiếu, biết ơn và vâng lời. Con cái là mùa xuân của gia đình, hãy làm cho gia đình mình rộn rã tiếng cười vui, hãy làm cho cha mẹ vơi đi sự nhọc nhằn bằng việc chăm chỉ học hành, đem về cho cha mẹ những kết qua học tập thật tốt và những thành công nho nhỏ, đó là những món qua mà các bậc cha mẹ nào cũng cảm thấy hạnh phúc và tự hào để đón nhận.

Xin Đức Maria ở mãi với các gia đình, đem đến cho các gia đình và mọi người người một mùa xuân mới đầy tràn ơn Thánh Chúa và cho các gia đình được tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Amen.

ĐỪNG LO

TRẦM THIÊN THU
Một năm đã cũ qua, một năm mới vừa tới. Đó là quy luật tự nhiên bất biết muôn thuở, vì cái gì cũng có hai “điểm” – khởi sự và kết thúc. Cả hai “điểm” đó đều là Chúa: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 22:13).
Mồng Một Tết là ngày cầu bình an cho năm mới. Khởi đầu cuộc đời, khởi đầu công việc, khởi đầu hôn nhân, khởi đầu sự nghiệp,… đặc biệt là khởi đầu năm mới. Tất cả những cái khởi đầu đều làm người ta cảm thấy lo – lo đủ thứ, đủ kiểu, đủ mức độ. Lẽ tất nhiên, vì chúng ta không thể chủ động, không biết tương lai ra sao. Thời gian là của Chúa. Vì vậy mà người ta cần và phải tín thác vào Chúa. Đó là sống khôn ngoan!
Tại giáo xứ Thánh Gioan Chrysostom ở Inglewood (California, Hoa Kỳ) có một chiếc đồng hồ lớn. Trên chiếc đồng hồ đó có khắc chữ “Tempus Fugit” – La ngữ nghĩa là “thời giờ trôi qua”. Thật là chí lý! Cũng giống như người Việt chúng ta nói: “Thời giờ thấm thoắt thoi đưa, nó đi đi mãi có chờ đợi ai”. Và hôm nay, mồng Một Tết, Thiên Chúa động viên mỗi chúng ta: “ĐỪNG LO!” (Mt 6:34).
Mùa Xuân chỉ là một phần của thời gian. Xuân đến rồi Xuân lại đi. Tác giả Thánh Vịnh xác định: “Chính Ngài vạch biên cương cho cõi đất, thời hạ, tiết đông, cũng chính Ngài thiết lập” (Tv 74:17).
Sau mùa Đông giá lạnh là mùa Xuân ấm áp, mọi vật đều biến đổi, khác lạ, y như được hồi sinh từ cõi chết vậy. Lạ lắm, đúng như sách Diễm Ca (2:11-12) mô tả, đơn giản mà tinh tế và khéo léo:
Tiết Đông giá lạnh đã qua
Mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi
Sơn hà nở rộ hoa tươi
Và mùa ca hát vang trời về đây
Tiếng chim gáy hót mê say
Văng vẳng cả ngày trên khắp đồng quê
Mùa Xuân là mùa khởi đầu một năm mới, cái vẻ “mới lạ” của mùa Xuân khiến chúng ta nhớ tới việc sáng tạo của Thiên Chúa từ thuở hồng hoang. Khoảng thời gian đó được Kinh Thánh cụ thể hóa là sáu ngày, và thêm một ngày nghỉ nữa là thành một tuần.
Ngày thứ tư trong công trình khai thiên lập địa, Thiên Chúa phán: “Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất” (St 1:14-15). Tức thì đã xảy ra như vậy.
Kinh Thánh tường thuật chi tiết: “Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao. Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1:16-18). Ngày để làm việc, đêm để nghỉ ngơi. Thiên Chúa đã tạo cơ hội thuận lợi để chúng ta có thể cân bằng cuộc sống, nhờ đó mà làm việc có hiệu quả cao nhất. Xin tạ ơn Chúa Tể càn khôn!
Cuộc sống luôn có những nỗi lo, không nhiều thì ít, không to thì nhỏ, chẳng ai có thể vô tư. Ngay cả người điên cũng có nỗi lo riêng của họ, thậm chí người sống thực vật cũng lo – vì họ não và tim của họ vẫn hoạt động, tức là vẫn sống. Thật vậy, cứ mở mắt ra là thấy lo rồi. Tuy nhiên, lo là lẽ thường tình của nhân sinh, nhưng đừng lo quá, vì chúng ta “không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen” (Mt 5:36). Việc nhỏ như vậy còn chưa làm nổi kia mà! Do đó, tác giả Thánh Vịnh nhắc nhở chúng ta “thoát” ra khỏi cái “vỏ ốc yếu đuối” của mình: “Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn. Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay” (Tv 37:4-5).
Không chỉ vậy, Chúa còn làm cho chúng ta hơn vậy nữa: “Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh, công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ” (Tv 37:6). Tuy nhiên, chúng ta phải chú ý đến “chính nghĩa” (lẽ phải, sự thật) và “công lý” (công minh, chính trực). Tức là phải nghiêm túc, rạch ròi, thẳng thắn, chứ đừng “bẻ cong” hoặc “bóp méo”. Không dễ đâu đấy, thế nên phải can đảm mới khả dĩ thực hiện.
Tác giả Thánh Vịnh bày tỏ: “Chúa giúp con người bước đi vững chãi, ưa chuộng đường lối họ dõi theo. Dầu họ có vấp cũng không ngã gục, bởi vì đã có Chúa cầm tay. Từ nhỏ dại tới nay tôi già cả, chưa thấy người công chính bị bỏ rơi, hoặc dòng giống phải ăn mày thiên hạ. Ngày ngày họ thông cảm và cho mượn cho vay, dòng giống mai sau hưởng phúc lành”(Tv 37:23-26). Mấy câu này làm sáng tỏ mấy câu trên. Rất lô-gích!
Sống tốt thì người ta an vui, hy vọng cũng làm người ta vui, và càng an tâm hơn nếu người ta biết phó thác tất cả cho Chúa. Thánh Phaolô kêu gọi: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4:4-6). Sống tín thác cũng là sống “con đường thơ ấu” của Thánh Hoa Hồng Nhỏ Tê-rê-xa Hài Đồng.
Đây là hệ quả tất yếu dành cho những ai sống tín thác: “Bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4:7). Thánh Phaolô nhắn nhủ thêm về các đức tính cần thiết để sống tốt lành và đạo đức: “Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4:8).
Chính xác và rõ ràng nhất là lời khuyên của Đại sư Giêsu: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (Mt 6:25). Một câu nghi-vấn-xác-định thật độc chiêu quá chừng!
Chúa Giêsu biết chúng ta yếu đuối, chưa đủ tin, nên Ngài phải “dài hơi” giải thích và đưa ra chứng cớ minh nhiên: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6:26-29). Chúng ta có thực sự tâm phục khẩu phục chưa?
Ngài nhấn mạnh: “Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:30-33). Với sức con người thì khó lắm, nhưng với niềm tín thác, chúng ta sẽ làm được nhờ Đức Giêsu Kitô.
Cuối cùng, Chúa Giêsu vừa động viên vừa khuyến cáo khi Ngài xác định: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34).
Giờ đây, ngay giây phút đầu tiên của mùa Xuân, khi hòa chung niềm vui mừng của muôn loài và cùng nhau ăn Tết, mỗi người chúng ta hãy ghi nhớ và chân thành thề hứa với Chúa: “Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời” (Tv 145:2).
Lạy Chúa, chúng con tin kính và yêu mến Ngài, xin giúp chúng con thể hiện niềm tin yêu đó qua động thái yêu thương tha nhân, hôm nay và mãi mãi. Đó là TÌNH XUÂN của chúng con, và chúng con muốn chia sẻ với tha nhân, nhất là những người chưa có thể tận hưởng ngày Xuân trọn vẹn vì lý do nào đó – tội nhân, bệnh tật, mồ côi, ưu sầu, chia ly, tù đày, nghèo khổ, bị ruồng bỏ, bị phản bội,… Xin Chúa thương ban an bình cho mọi người. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người và cứu độ chúng con, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
 

Exit mobile version