Các Bài Suy Niệm Mồng Hai Tết

109

(Lễ Mồng Hai Tết – cầu cho Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ)

1. Sống Chữ Hiếu

2. Kính nhớ tổ tiên

3. Uống nước nhớ nguồn

 

SỐNG CHỮ HIẾU

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền 

            Chuyện xảy ra ở hành lang một bệnh viện. Cô con dâu nhăn mặt nói với chồng: “ở nhà đủ thứ phải lo, làm sao mà vô trong đây hầu ba được? Anh nói cô Năm hay cô Bảy ở không thì chia nhau vô chăm sóc ba “. Anh con trai chưa kịp trả lời thì có lẽ cô Năm hay cô Bảy gì đó đã cong môi phản đối: ” Tui cũng có đủ thứ chuyện để lo chứ bộ, quên tui đi”. Một cậu con trai khác cau cau lông mày: “Nói chung là ai cũng bận hết, với lại ba mắc bệnh lây nhiễm, vô hầu ba rồi lỡ bị lây thì làm sao ? “. Cô con dâu trưởng phán một câu: “Thôi khỏi bàn tán gì hết, mướn người nuôi là xong chuyện “.

            Tất nhiên sau đó, sự việc xảy ra đúng như hoạch định của họ. Một phụ nữ khỏe mạnh, có dáng vẻ nông dân đang nuôi một người bệnh nằm giường bên cạnh ông cụ đã chủ động đề nghị nuôi bệnh cho ông cụ luôn. Công việc tỉ mỉ, cần sự chu đáo, từ việc cho uống sữa, uống thuốc đến thay quần áo, lau người, nhưng chị vẫn làm với sự chăm chút, không để lộ bất cứ thái độ ghê tởm nào, lại còn có vẻ hiền hậu, dịu dàng như con đối với cha mẹ.

            Trong lúc ấy, có lẽ yên tâm vì cha đã có người chăm sóc, đám con trai, con gái, dâu, rể hơn một chục người của ông cụ thỉnh thoảng mới lượn qua như một luồng gió nhẹ. Tiếc thay, sự chăm chút của chị phụ nữ không kéo dài bao lâu, chỉ hơn một tuần sau là ông cụ đã qua đời. Con cái, cháu chắt ông kéo vào mới đông chứ. Họ khóc lóc khá ồn ào nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy việc khâm liệm ông cụ, và ở hành lang lại xảy ra một cuộc cãi vã xem người nào phải chi nhiều nhất cho đám tang ?… Anh con trai trưởng cầm một xấp tiền đến trả cho chị phụ nữ đã nuôi bệnh cha mình. Hai mắt đỏ hoe, chị trả lời: ” Tôi nuôi cụ ấy vì thấy xót xa cho cụ có lắm con nhiều cháu mà chẳng ai đoái hoài, chứ tôi có làm cái nghề này đâu mà lấy tiền ?”.

            Đám người đang khóc mếu, cãi nhau… đột nhiên im bặt. Rồi từng người một lẻn ra ngoài…

Đúng là “một mẹ nuôi được 10 con nhưng 10 con lại không nuôi được một mẹ”. Cho dù câu ca dao xưa dạy rằng:

Đói lòng ăn hột chà là

Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng

            Thế nhưng, lời dạy ấy dường như chỉ dừng lại nơi môi miệng mà rất khó mang ra thực hành. Dẫu biết rằng đi khắp thế gian cũng không có tình nghĩa nào cao sâu cho bằng tình cha tình mẹ yêu con. Dẫu biết rằng không ở đâu có tình yêu chân thành cao cả như tình cha mẹ yêu con.

Con đi khắp vạn nẻo đường

Giờ con mới hiểu tình thương mẹ hiền

Người con yêu quý nhất trên đời

Chính là mẹ đó tuyệt vời tình sâu

            Ngày xuân con cái sum vầy bên cha mẹ không chỉ để nhận phong bao lì xì hay chỉ để kính biếu các ngài đồng quà tấm bánh mà quan yếu là để nhận sự chúc lành của các ngài, để nói lời cám ơn các ngài và tỏ tâm tình tri ân về tình yêu thẳm sâu mà các ngài dành cho con cháu. Ngày xuân là dịp để con cháu thổ lộ chữ hiếu dành cho các bậc sinh thành. Đây là dịp để nói lên tấm lòng chân tình tri ân dâng lên bậc sinh thành:

Tạ ơn cha đã cho con nhìn thấy

Núi rất cao và biển rất tuyệt vời

Tạ ơn mẹ, đã cho con hơi thở

Và trái tim nhân ái làm người

            Đây là dịp con cái biểu lộ chữ hiếu qua những hành vi không chỉ dâng hương kính bậc tổ tiên mà còn khiêm cung cúi mình kính lạy các bậc sinh thành.

Lạy thứ nhất con kính mừng tuổi mẹ

Phong sắc hồng hào tâm thể khang an

Những lo toan cơm áo chẳng dễ dàng

Nên quá ít thời gian hầu cận mẹ

Lạy thứ hai xin tạ lòng trời bể

Ơn sinh thành dưỡng dục kể sao khuây

Mỗi lần xuân con cháu tụ về đây

Mừng tuổi mẹ kính dâng thêm một tay

            Như thế, mùa xuân còn là mùa của đoàn tụ, của sum họp. Mùa xuân không chỉ có không gian rạng ngời mà lòng người cũng tràn ngập niềm vui vì có nghĩa tình đằm thắm của tình cha mẹ, ông bà, anh em một nhà sum vầy bên nhau. Ước chi mùa xuân mãi ở lại đây để tình nghĩa gia đình mãi hòa hợp  yêu thương, để con cháu mãi sum vầy bên cha mẹ và anh em hòa hợp bên nhau.

            Xin Chúa làm chủ thời gian xin ban cho nhân gian một mùa xuân hạnh phúc sum vầy bên nhau. Xin Chúa xuân chúc lành cho những ngày sum họp gia đình được đằm thắm yêu thương. Amen

KÍNH NHỚ TỔ TIÊN

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc

Ngày Mồng Một tết chúng ta dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn và những ước nguyện cho ngày đầu năm mới, hôm nay ngày Mồng hai, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn và thảo kính đối với ông bà tổ tiên những người còn sống cũng như đã qua đời. Tuy nhiên với thời buổi người ta đặt lợi nhuận kinh tế lên hàng đầu, thì hình như bổn phận thảo hiếu đối với tổ tiên nơi nhiều người, nhiều gia đình cũng đang bị tính toán thiệt hơn. Nhiều câu chuyện xảy ra trong năm qua đã kiến cho cộng đồng bức xúc, vì có những đứa con giàu có nhưng đùn đẩy không ai muốn đón bố về chăm sóc, nên họ đã để bố của mình năm ở vỉa hè trong lúc sắp chết, có người con thì kiện mẹ ra tòa để đòi mấy trăm triệu tiền công chăm sóc trong mấy năm trời. Đọc và nghe những mẩu tin như thế thật đau lòng khi thấy tình nghĩa đạo lý trong gia đình đã xuống cấp trầm trọng.

Những ngày cuối năm gặp nhau câu hỏi đầu tiên có lẽ là câu: Năm nay có về quê ăn tết không ? Ai đã từng phải đón cái tết xa quê thì mới thấm thía thế nào là nỗi nhớ nhà trong những ngày này. Nỗi nhớ nhà của ngày tết nó thôi thúc mọi người bằng mọi giá phải trở về với cha mẹ với tổ tiên để thắp một nén nhang trước bàn thờ tổ tiên, để được ngả đầu vào bờ vai cha mẹ, để ăn một bữa cơm đầu năm, dù là bữa cơm thật đạm bạc, nhưng trong bữa cơm ấy nó chứa đựng bao nỗi vất vả của cha, bao sự chờ đợi lo lắng của mẹ, bao tình yêu thương để chia sẻ. Sau một năm bận rộn vất vả chỉ có những ngày này trở về với gia đình, người ta mới cảm thấy thư thái bình an, vì không có nơi nào an toàn cho bằng trái tim của người mẹ, và không nơi nào vững chắc cho bằng bờ vai của cha. Vì thế những người không còn cha không còn mẹ sẽ thấm thía đến tận cùng sự trống vắng thiếu thốn trong ngày tết này, sẽ cảm nhận sự đau đớn sự buồn bã, lạc lõng khi mình đi không ai nhớ, về không ai mong.

Nhớ ơn cha mẹ, ông bà trong dịp đầu năm là giúp chúng ta trở về cội nguồn, với dòng tộc, giúp mỗi người sống đúng với con người của mình và sống trọn bổn phận với cha mẹ tổ tiên. Biết ơn mẹ cha là nhớ đến công sinh thành dưỡng dục. Các ngài đã trải qua bao gian lao vất vả, mang nặng đẻ đau, bao tháng ngày bú mớm chăm sóc, kể làm sao hết những gọt mồ hôi của cha, những sự lo lắng của mẹ khi chúng ta đau ốm, bao nhiêu hy sinh vất vả nắng mưa sớm hôm để cho ta được bằng người. Kể làm sao hết sự hy sinh thầm lặng nhịn ăn nhịn mặc để cho con không thua kém bạn bè, để cho con được đến trường thì mỗi ngày cha mẹ lại phải vất vả nhiều hơn.

Việc thảo hiếu với tổ tiên ông bà không chỉ là bổn phận của đạo hiếu, đạo làm người, của lòng biết ơn, mà nó còn là giới răn và đòi buộc của đạo Chúa. Tuy nhiên người ta sẽ không thể chu toàn được đạo Chúa nếu không chu toàn đạo làm con và đạo làm người. Sách Huấn Ca dạy chúng ta sống sao để làm rạng danh cha mẹ tổ tiên, và đừng bao giờ quên công đức của các ngài, và vì các ngài chính là gia tài quý giá nhất mà người ta không thể tìm kiếm hoặc mua ở đâu được, và chính chúng ta đang được hưởng phúc đức và dòng máu các ngài để lại cho chúng ta.

Ngày xưa các thày tiến sĩ Do Thái đã đưa ra một thứ luật, mà sau này Chúa Giêsu đã cực lực phản đối sự trốn tránh trách nhiệm của luật ấy. Luật dạy rằng: Ai nguyền rủa và đối xử tệ bạc với cha mẹ thì bị xử tử. Còn các ông lại nói: Ai nói với cha mẹ rằng: của phụng dưỡng cha mẹ đã được dâng cho Thiên Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.  Các ông dựa vào truyền thống của các ông để chối bỏ luật Thiên Chúa và Thiên Chúa không chấp nhận một của lễ được dâng lên do sự bất hiếu, trốn tránh trách nhiệm như thế. Sách Khôn Ngoan còn nhấn mạnh: Của dâng cho cha sẽ không bị quên lãng, của biếu cho mẹ sẽ đền bù được tội lỗi. Như thế, có thể nói việc thảo hiếu với cha mẹ được Thiên Chúa đón nhận như việc thảo hiếu đối với Ngài vậy.

Thánh Phaolô còn khuyên rằng: Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo, và ai tôn kính thảo hiếu cha mẹ thì được trường thọ trên mặt đất. Thế nhưng ngày nay đang diễn ra bao cảnh trái ngang: Con cái hất hủi coi thường, chửi mắng đánh đập cha mẹ là đấng sinh ra mình, đùn đẩy trách nhiệm báo dưỡng vì sợ phiền phức tốn kém, sợ bẩn nhà, nhiều người đối xử với cha mẹ như đầy tớ. Dịp tết này, hãy điều chỉnh lại cách sống thảo hiếu của mình với cha mẹ để còn làm gương cho con cái, vì sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy, chúng ta bắc cầu tới đâu, con cái sẽ đi tới đó. Hôm nay chúng ta đối xử với cha mẹ thế nào, thì ngày mai con cái chúng ta cũng sẽ đối xử với chúng ta y như vậy.

Trong Năm Gia đình Sống và Loan Báo Tin Mừng, trong sư mới mẻ của đất trời mùa xuân, Giáo Hội mời gọi chúng ta làm mới lại tương quan trong gia đình. Sự đổi mới phải bắt đầu từ mỗi thành viên của gia đình, nhưng trước hết vẫn là cha mẹ. Người cha người mẹ hãy nỗ lực vươn lên, sẽ là niềm vui hạnh phúc cho con cái, mọi thành viên trong gia đình cố gắng canh tân, sẽ là niềm vui hạnh phúc cho cả gia đình.

Hãy bắt đầu từ nơi người cha, người chồng : các ông hãy là mùa xuân cho gia đình bằng một đời sống đạo hạnh, hãy vì vợ, vì tương lai gia đình mà đem niềm vui về cho gia đình, hãy dẹp bỏ những đám mây u ám trong gia đình là những cuộc nhậu nhẹt rượu chè, bài bạc, chửi bới đánh đập vợ con…, đừng biến gia đình thành địa ngục cho nhau. Đừng để con cái sợ hãi, mặc cảm với bạn bè về cha của mình, vì con cái không chỉ cần tình thương, mà nó còn cần danh dự phẩm giá của cha mẹ để có thể tự hào hãnh diện với bạn bè. Cuộc sống đạo đức thành thật của người cha sẽ là tia nắng ấm mùa xuân cho gia đình, hãy trở nên người chồng người cha có trách nhiệm với gia đình, nuôi sống gia đình bằng mồ hôi lương thiện, bằng nỗ lực của chính mình.  Hãy là một người cha cương nghị, trở nên hàng rào bảo vệ gìn giữ con cái trên con đường lương thiện và là trụ cột vững chắc cho gia đình những khi sóng gió. Hãy biết chia sẻ trách nhiệm với vợ mình và hết lòng chăm lo cho cha mẹ khi các ngài luống tuổi.

Phúc đức tại mẫu, các bà vợ, người mẹ hãy có một cuộc sống đạo hạnh dịu hiền bao dung, hãy trở thành cành mai cành đào tô điểm cho gia đình thêm tươi thắm bằng sự dịu dàng khả ái, bằng đời sống nết na đạo đức. Người mẹ là người có trái tim nhạy bén, hãy thông cảm và chia sẻ những lo toan với chồng và hãy bao dung tận tụy với con cái. Người mẹ hãy trở nên mùa xuân cho gia đình bằng sự cần mẫn, hãy làm cho gia đình trở nên ấm cúng sạch sẽ ngăn nắp gọn gàng, làm cho những bữa cơm thêm thân mật, cho gia đình đầy ắp tiếng cười. Hãy dùng trái tim nhạy cảm của một người vợ, người mẹ để làm cho gia đình thực sự trở thành một tổ ấm, là nơi cư ngụ tốt nhất cho chồng con sau những ngày mệt mỏi với công việc, thông cảm với chồng, chia sẻ với những khó khăn của con cái bằng sự nhẫn nại dịu hiền.

Còn những người làm con hãy trở thành mùa xuân cho gia đình, cho cha mẹ, khi biết tôn kính mến yêu vâng lời các ngài, đừng để cha mẹ phải đau khổ hơn nữa vì sự lêu lổng ngỗ nghịch của mình, đừng để cho tệ nạn ăn chơi, nghiện hút cá độ làm tan nát gia đình. Hãy làm vơi đi sự nhọc nhằn của cha mẹ, đem lại sư hãnh diện cho cha mẹ, bằng việc chăm chỉ rèn luyện học hành, bằng tư cách đạo đức tốt. Hãy trở nên một thanh thiếu niên Công giáo tốt nơi gia đình, nơi công ty xí nghiệp trường học, hãy thảo hiếu và biết ơn cha mẹ và làm cho tình anh em trong gia đình thêm mặn mà hạnh phúc vui tươi hơn. Nếu cha mẹ già yếu, hãy kiên nhẫn yêu thương kính trọng và chăm sóc cho các ngài, vì chúng ta sẽ không thể tìm được cha mẹ nữa một khi các ngài đã không còn.

Cầu chúc cho mọi người, mọi gia đình noi gương gia đình Thánh Gia xây dựng gia đình êm ấm thuận hòa con cái thảo hiếu, chúc cho mọi người biết chu toàn bổn phận của mình như lời Chúa dạy hôm nay, và hãy dành cho nhau tình yêu thương, hãy yêu thương nhau hết lòng và hãy làm tất cả những gì tốt đẹp cho nhau, để khi cha mẹ hay người thân có mất đi, chúng ta không phải hối tiếc vì chưa làm gì cho họ. Amen.

 

UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

Trầm Thiên Thu

Mồng Hai Tết là ngày cầu cho tiền nhân, những người đã “ra đi” trước chúng ta, mang tính cách cầu hồn. Tuy nhiên, dù cầu nguyện cho những người đã khuất bóng, nhưng lại vẫn liên quan chuyện hiếu nghĩa – tức là liên quan những người thân còn sống với chúng ta dịp Xuân này. Hãy nghe Thánh Phaolô nói: “Ai không chăm sóc người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không có đức tin” (1 Tm 5:8). Cách so sánh thật “mạnh” khiến chúng ta phải “giật mình”.

Nói đến hiếu nghĩa, nhiều người ngoại giáo thường nghĩ rằng đạo Công giáo không cho thờ kính tổ tiên. Đúng và sai. Đúng vì “không ai được thờ kính (tôn thờ) bất kỳ thụ tạo nào” (Xh 20:3; Xh 34:14; Đnl 4:35; Đnl 4:39; Đnl 5:7; Đnl 32:39), kể cả tổ tiên, nhưng họ nghĩ sai vì Công giáo không chỉ “cho phép” (được) mà còn “bắt buộc” (phải) kính nhớ tổ tiên, các thân nhân và người có công trạng. Đúng như tục ngữ Việt Nam nói: “Uống nước nhớ nguồn”. Như vậy, đừng vội “kết án” Công giáo khi chưa hiểu rõ!

Cổ thư nói về đạo hiếu rất hay, tất nhiên cũng phù hợp với tinh thần Kitô giáo: “Hiếu hữu tam: Đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ thứ năng dưỡng”. Nghĩa là “Đạo hiếu có ba điều: Hiếu lớn nhất là tôn vinh cha mẹ, hai là không làm nhục cha mẹ, ba là có thể phụng dưỡng cha mẹ”.

Liên quan đạo hiếu vào dịp Tết, chúng ta nhớ tới chuyện An Tiêm: Vào đời Hùng Vương, ở một vùng quê cách xa kinh đô Phong Châu, có một cậu bé mồ côi thường theo người lớn đi săn thú và đánh cá. Năm tám tuổi, cậu được lên kinh đô gặp vua Hùng. Thấy cậu thông minh, nhà vua nhận làm con nuôi và đặt tên là Mai An Tiêm.

Vua Hùng cưới vợ cho An Tiêm và cho cả hai vợ chồng đi phá rừng, làm rẫy trồng trọt. Chỉ ít lâu sau, An Tiêm đã dựng được nhà cửa và gặt được nhiều thóc lúa chứa đầy kho. Thấy thế, bọn người ghen tị tâu nịnh với vua vì cho rằng An Tiêm coi thường ơn vua. Vua Hùng giận lắm, không cần tìm hiểu thực hư ra sao, và đày hai vợ chồng ra hoang đảo.

Cây ngay không sợ chết đứng, vì “người công chính được Chúa độ trì” (Tv 37:17). Ở hoang đảo, có con chim trắng bay tới làm rơi hạt đen xuống bãi cát trắng. An Tiêm đem trồng thử hạt này. Chúng mọc thành những dây bò lan trên mặt cát. Cây có nhiều trái màu xanh thẫm to bằng đầu người. An Tiêm hái một trái đem về cho cả nhà ăn thấy ruột đỏ mà ngọt, lại có nhiều nước. Loại trái “xanh vỏ, đỏ lòng” đó chính là trái dưa hấu.

Bài học về chữ hiếu: Dù bị Phụ vương đày ra hoang đảo, nhưng An Tiêm vẫn giữ trọn đạo hiếu với cha, không hề trách hờn ai. Về sau, vua Hùng hối hận và phục chức cho An Tiêm.

Và chắc hẳn nhiều người (tuổi trung niên trở lên) còn nhớ sách “Nhị Thập Tứ Hiếu”, tác phẩm văn học của tác giả Quách Cư Nghiệp, kể lại gương hiếu thảo của 24 người con đời nhà Nguyên (Trung Hoa). Chính tác giả cũng là người con chí hiếu.

Sách Huấn Ca dạy: “Hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ” (Hc 44:1). Đồng thời xác nhận: “Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế” (Hc 44:10-14). Do đó, nhân dân sẽ “kể lại đức khôn ngoan của họ và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen họ” (Hc 44:15).

Thánh Vịnh ca tụng những thành quả của gia đình: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn” (Tv 128:1-3). Tuy nhiên, phúc lộc đó không phải ai cũng có được: “Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128:4). Đúng nhu Chúa Giêsu đã nói chắc: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).

Thánh Phaolô phân tích lý do mà con cái phải tuân giữ đạo hiếu: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6:1-3). Tuy nhiên, không phải là làm lớn thì có thể làm láo, là cha mẹ thì có thể độc đoán, muốn làm gì thì làm, mà cũng phải tuân giữ nghiêm luật và thể hiện tình yêu thương đúng nghĩa: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6:4).

Cuộc sống đời thường và tâm linh đều có những điều phức tạp, cần phải biết kết hợp và cân bằng. Thánh Phaolô nói: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh. Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng, tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói” (Ep 6:18-20).

Về đạo hiếu, sách Huấn Ca nhắc nhở những người con: “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7:27-28). Và Công đồng Vatican II dạy: “Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh” (Hiến chế Gaudium et Spes – Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, số 48).

Hãy ghi nhớ và noi theo tấm gương tột đỉnh: Dù là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng khi mặc xác phàm và làm con trong một gia đình, Chúa Giêsu đã chu toàn bổn phận làm con với cha mẹ trong suốt 30 năm (x. Lc 2:51-52).

Không chỉ vậy, Chúa Giêsu còn có phong cách hoàn toàn không giống ai khác. (Mt 15:1-6

Một hôm, có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và nói: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” (Mt 15:2). Đúng là lũ người xấu bụng, chuyên thọc gậy bánh xe, thích phá rối, ưa gài bẫy, chuyên gia sử dụng loại phần mềm về “dấu trừ” và “dấu chia”, chứ không rành (hoặc không thích) sử dụng “dấu cộng” và “dấu nhân”.

Chọc vào ổ kiến lửa thì sẽ “đỏ người”, chọc tổ ong vò vẽ thì “sáng mắt” ngay thôi. Họ vừa hỏi xong, Chúa Giêsu liền trả lời một hơi: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15:4-6).

Tất nhiên là họ chỉ có nước ngậm bồ hòn và im như thóc thối. Ai bảo ngu dốt mà lại chảnh, dám vênh váo “ta đây”, muốn chứng tỏ mình là “ngon” lắm! Thùng càng rỗng càng kêu to, kêu càng to càng mau… xẹp. Phải thế mới đáng đời bè lũ Pha-ri-sêu hèn nhát!

Lạy Thiên Chúa, chúng con chúc tụng Ngài là Chúa Tể càn khôn! Chúng con xin lỗi Chúa về mọi lỗi lầm năm cũ, xin ban Thánh Linh để chúng con biến đổi nên giống Ngài mỗi ngày mỗi hơn. Chúng con xin tán dương Ba Ngôi Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết một lòng hướng về Mùa Xuân Vĩnh Hằng trên Thiên quốc; xin Chúa lì xì nhiều Hồng Ân để chúng con sống trọn vẹn năm mới; và chúng con cũng xin lì xì cả cuộc đời của chúng con cho Chúa, xin Ngài thương thánh hóa và hướng dẫn chúng con đi đúng Đường Chân Lý của Ngài.

Xin Đức Mẹ Maria, Đức Thánh Giuse, chư Thần và chư Thánh nguyện giúp cầu thay cho chúng con luôn, để mai đây chúng con cũng được hợp đoàn và chung lời với các ngài mà ca tụng Thiên Chúa muôn đời. Nguyện xin Chúa thương cho mọi người đã hoàn tất đường lữ hành trần gian được niềm vui Xuân Trường Sinh nơi Thiên Quốc.

Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người và cứu độ chúng con, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.