Các bài suy niệm Lời Chúa – Chúa nhật 19 TN.A

246

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN – A
Lời Chúa: 1V. 19, 9a.11-13a; Rm. 9, 1-5; Mt. 14, 22-33

 

MỤC LỤC

1. Biển đời
2. Con đường của Chúa – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
3. Xin cho con đi trên mặt nước
4. An toàn trên biển cả
5. Nơi ẩn náu duy nhất – Achille Degeest
6. Hãy lưu lại trên thuyền – Charles E. Miller
7. Xin cứu tôi
8. Gió trở nên yên lặng
9. Chúa đi trên biển – R. Veritas
10. Đi trên mặt biển

***

1. Biển đời.

Có một cậu bé xin đi biển để học nghề làm thuỷ thủ. Ngày nọ trời dông bão, người ta bảo cậu leo lên cột buồn. Leo được nửa phần đầu thì dễ dàng vì cậu cứ đưa mắt ngước lên trời. Nhưng đến lưng chừng, cậu phạm phải một sai lầm, đó là cậu nhìn xuống mặt biển dậy sóng. Thế là cậu bị chóng mặt như muốn ngã xuống. Thấy vậy, một thuỷ thủ già bèn la lên: Này cậu bé, hãy nhìn lên trời. Nghe theo lời chỉ dẫn trên, cuối cùng cậu bé đã leo tới đỉnh cột buồm một cách an toàn.

Lỗi lầm của cậu bé giống hệt lỗi lầm của Phêrô qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay. Cậu bé đã rời mắt khỏi bầu trời và đã nhìn xuống mặt biển dông bão như Phêrô đã rời mắt khỏi Chúa và nhìn xuống những ngọn sóng.

Điều này cũng thường xảy đến với mỗi người chúng ta. Thực vậy, có những lúc trong cuộc đời, chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện đầy quyền năng và yêu thương của Chúa, nhất là những lúc chúng ta được may mắn và những thành công như mỉm cười với chúng ta. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng sóng yên biển lặng. Trái lại cuộc đời của chúng ta cũng có những ngày phong ba và bão táp. Chính trong những giờ phút đen tối này, chúng ta dễ dàng rời xa Chúa, chúng ta dễ dàng từ bỏ Ngài để đi tìm những sự vật khác, để rồi bản thân chúng ta bị chao đảo, mất thăng bằng và chìm xuống.

Đoạm Tin Mừng sáng hôm nay mời gọi chúng ta hãy thẳng thắn kiểm điểm lại đời sống của mình. Nếu lúc này, chúng ta không cảm nhận được sự bình an, niềm vui mừng và hy vọng thì chắc chắn đó là vì chúng ta đã lìa xa Chúa. Nếu như lúc này chúng ta đang chao đảo và như muốn chìm xuống đáy nước, thì chắc hẳn đó là vì chúng ta đã không còn tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa. Hãy quay trở về cùng Chúa và hãy kêu lên như thánh Phêrô: Lạy Chúa, xin cứu vớt con. Chắc chắn Ngài sẽ ra tay phù trợ, bởi vì Ngài không phải chỉ là một Thiên Chúa quyền năng, có thể làm được những sự chúng ta kêu van, mà hơn thế nữa, Ngài còn là một người cha đầy lòng thương xót, luôn sẵn sàng cứu vớt và nâng đỡ chúng ta ở mọi nơi và trong mọi lúc. Có Chúa cùng đi với chúng ta trên vạn nẻo đường đời, chúng ta sẽ không còn sợ hãi trước những phong ba và bão táp, chúng ta sẽ không còn lo lắng trước những gian nan và thử thách như lời thánh vịnh đã viết: Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả chỉ là uổng công, thành trì Chúa chẳng giữ trông, hùng binh kiện tước cũng không ra gì.

Và để kết luận, chúng ta cùng nhau ghi nhớ tư tưởng sau đây của một câu danh ngôn: Có Chúa thì màng nhện cũng sẽ trở nên tường thành. Trái lại, nếu không có Chúa, thì tường thành cũng chỉ là màng nhện mà thôi.

2. Con đường của Chúa – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.

Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nuôi năm ngàn người ăn uống no nê, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ xuống thuyền đi qua bờ bên kia. Rồi Người một mình lên núi cầu nguyện suốt đêm. Tại sao Chúa có thái độ kỳ lạ như thế? Tại sao Chúa Giêsu bắt ép các môn đệ ra đi? Tại sao giữa lúc dân chúng đang phấn khởi tinh thần, giữa lúc uy tín của Người dâng cao như núi, Người lại bỏ đi? Trong Phúc Âm, thánh Marcô và thánh Matthêu không nói rõ lý do. Nhưng Phúc Âm thánh Gioan thì nói rõ: “Chúa Giêsu bỏ đi vì Người biết dân chúng muốn tôn Người lên làm vua” (Ga 6,14-15). Thật là một quyết định khác thường. Theo thói thường, ta sẽ khuyên Chúa Giêsu lên ngôi làm vua rồi đi khắp nơi làm phép lạ nuôi người ta ăn uống no nê, mọi người sẽ theo Chúa và chịu phép rửa tội, cả thế giới sẽ thuộc về Chúa, khỏi mất công truyền giáo khổ cực.

Không, con đường của Chúa thì khác với con đường của ta.

Con đường của ta là con đường kiêu ngạo trong khi con đường của Thiên Chúa là con đường khiêm nhường. Ta luôn tìm cách nâng mình lên, còn Thiên Chúa luôn tìm cách hạ mình xuống. Ta muốn xưng mình là Chúa trong khi Thiên Chúa lại muốn xuống làm người. Không chỉ làm một người bình thường, nhưng còn mặc lấy thân phận nghèo hèn, yếu ớt, thậm chí bị coi như một người tội lỗi nữa. Khi nâng mình lên, ta thường hạ người khác xuống. Còn Thiên Chúa tự hạ mình xuống để nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Con người và Thiên Chúa đều sử dụng bậc thang, nhưng theo những mục đích khác nhau. Con người sử dụng bậc thang để leo lên cao. Ai cũng muốn lên cao trong đời sống vật chất. Ai cũng muốn leo cao trong địa vị xã hội. Ai cũng muốn leo cao trong bậc thang danh vọng. Còn Thiên Chúa lại sử dụng bậc thang để đi xuống. Từ trời Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Từ một người bình thường, Chúa còn xuống làm một người nghèo hèn, một người tội lỗi, một người thất bại.

Con đường ta chọn là con đường rộng rãi, dễ dãi. Còn con đường của Chúa là con đường chật hẹp khó khăn. Ta luôn tìm sự dễ dãi: làm sao cho đời sống đỡ vất vả, làm sao cho có những tiện nghi phục vụ đời sống, làm sao cho cuộc đời thành công tốt đẹp. Còn Thiên Chúa lại chọn con đường chật hẹp, bé nhỏ, khiêm nhường. Trong nghệ thuật quảng cáo, người ta hứa hẹn cho khách hàng mọi sự tiện nghi thoải mái. Còn Chúa Giêsu thì hứa với những kẻ muốn theo Người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16, 24). Trong các trường đại học người ta quảng cáo: ai học trường này sẽ thành công, sẽ lên chức, sẽ lên lương. Còn Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ: “Trong anh em, ai lớn nhất thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26).

Chính Chúa Giêsu không đi vào con đường rộng rãi thênh thang, nhưng đã chọn con đường bé nhỏ, chật hẹp. Người không chọn cứu chuộc con người bằng những thành công lẫy lừng, những phép lạ kinh thiên động địa. Nhưng Người đã chọn cứu chuộc nhân loại bằng con đường đau khổ, con đường thập giá, con đường tử nạn. Chính vì thế, hôm nay, vì sợ đám đông tôn Người lên làm vua, đi xa con đường khiêm nhường bé nhỏ, Người đã bỏ đám đông mà đi. Người sợ các môn đệ bị nhiễm thói kheo khoang, phô trương, quyền lực, nên thúc giục các ông xuống thuyền sang bờ bên kia trước.

Đây không phải lần đầu tiên Chúa gặp cơn cám dỗ loại này. Trong sa mạc ma quỉ đã xui giục Người bỏ con đường khiêm nhường, đau khổ để đi vào con đường vinh quang, dễ dãi. Đây cũng chưa phải là cơn cám dỗ cuối cùng. Cám dỗ sẽ còn trở lại với lời khuyên của Phêrô khi ông ngăn cản Thầy ra đi chịu chết (x. Mt 16,23). Cơn cám dỗ khốc liết tiếp tục trong vườn Giệt-sê-ma-ni khiến Người nao núng hầu như muốn tháo lui (x. Mt 26, 39). Cơn cám dỗ không buông tha cả khi Người đã bị treo trên thánh giá với lời thách thức của mọi người: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin” (x. Mt 27, 42). Nhưng Người đã chiến thắng tất cả những cám dỗ của ma quỉ, kiên quyết đi vào con đường thánh ý Chúa Cha, con đường khiêm nhường, vâng lời, hi sinh gian khổ.

Bản thân ta và Hội Thánh, nếu muốn trung thành với Chúa, không thể có chọn lựa nào khác ngoài con đường của Chúa đã đi.

Quá khứ đã minh chứng: Chính khi giàu sang, quyền thế, thì Hội Thánh sa sút, khủng hoảng. Trái lại những khi gặp khó khăn, nghèo khổ, bắt bớ, Hột Thánh lại phát triển mạnh mẽ, vì đang đi vào con đường của Chúa.

Là môn đệ Chúa, ta hãy mạnh dạn bước theo Chúa vào con đường khiêm nhường bé nhỏ, vào con đường chật hẹp từ bỏ mình, vào con đường thánh giá đau khổ. Tuy khó khăn, đau đớn, nhưng đó mới là con đường dẫn ta đến với Chúa, ơn cứu độ của ta.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Chúa bỏ đi, Chúa thúc giục các môn đệ bỏ đi vì sợ người ta tôn làm vua. Tôi có lựa chọn nào khiến Chúa phải bỏ đi không?
2) Tôi mong muốn Hội Thánh có khuôn mặt nào: uy quyền giàu sang hay nghèo khó, khiêm nhường?
3) Tôi có sẵn sàng đi vào con đường của Chúa không?

3. Xin cho con đi trên mặt nước (Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Giữa lúc dân chúng định tôn Đức Giêsu làm Vua, sau khi đã được no nê bánh và cá, thì Ngài lại giải tán họ, và buộc các môn đệ phải chèo thuyền qua bờ bên kia.

Yên lặng trở lại với nơi hoang vắng.

Chỉ còn một mình Đức Giêsu, cầu nguyện. Ngài chìm sâu trong gặp gỡ Cha, Đấng sai Ngài. Nhưng Đức Giêsu không quên các môn đệ. Ngài biết họ đang vật lộn với sóng gió, một mình.

Kinh nghiệm cam go này thật cần cho họ.

Mãi gần sáng, Ngài mới đi trên mặt nước mà đến. Các môn đệ tưởng là ma, nên kêu la sợ hãi. Đức Giêsu trấn an họ: “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ.”

Tuy còn ngờ vực, Phêrô đã dám liều đề nghị: “Nếu quả là Thầy, thì xin cho con được đi trên mặt nước mà đến với Thầy.”

Thật là một lời đề nghị làm ta kinh ngạc.

Phêrô có thể chỉ cần nói: Nếu quả là Thầy, thì xin cho sóng gió yên lặng. Nói như thế dễ hơn nhiều, ít nguy hiểm hơn nhiều. Nhưng Phêrô đã chấp nhận dấn thân nghiêm túc.

Nếu không phải là Thầy, thì thật là dại dột.

Nhưng nếu đúng là Thầy, thì ông tin mình cũng đi được trên mặt nước như Thầy.

Đức Giêsu chấp nhận đề nghị của Phêrô: “Cứ đến.”

Thế là Phêrô bước ra, đi trên mặt nước, đến với Đức Giêsu.

Thật không thể tưởng tượng nổi, mặt nước trở nên cứng như đá, hay con người có đức tin trở nên nhẹ bổng.

Phêrô đi được bao xa, ta không rõ, nhưng lòng ông thì cứ reo lên sau mỗi bước đi: “Đúng là Thầy rồi!”

Phải tin thì mới dám xin đi trên mặt nước, nhưng phải dám đi trên mặt nước, thì mới tin trọn vẹn.

Cần ngắm nhìn những bước chân của Phêrô, những bước chân của lòng tin mạnh mẽ.

Nhưng khi gió lồng lên dữ dội, nỗi sợ hãi ùa vào, lòng tin bị chao đi với sóng, lúc đó Phêrô thấy mình bị hút xuống lòng biển. Ông chỉ kịp kêu lên: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Bàn tay Chúa đưa ra nắm lấy ông và đưa ông về thuyền.

“Người kém tin, tại sao lại hoài nghi!”

Hoài nghi và sợ hãi đã làm Phêrô trở nên nặng nề, và nhận chìm ông xuống.

Chúng ta chỉ bắt đầu hiểu tin là gì khi phải chịu lênh đênh giữa sóng gió và đêm tối chỉ vì Chúa buộc phải ra đi, khi dám xin đi trên mặt nước dù Chúa chỉ là cái bóng trước mặt.

Gợi Ý Chia Sẻ

Qua đoạn Tin Mừng trên đây, bạn có thấy Đức Giêsu là một nhà huấn luyện giỏi để cho các môn đệ trưởng thành hơn trong đức tin không?

Thánh Phêrô đã có kinh nghiệm đi trên mặt nước. Trong đời bạn, bạn có một kinh nghiệm kinh khủng tương tự như thế không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô, nhưng nhiều khi con cảm thấy sống đức tin giữa lòng cuộc đời chẳng khác nào đi trên mặt nước.

Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.

Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.

Cả sự nặng nề của thân xác con cũng kéo ghì con xuống.

Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng. Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.

Xin cứu con khi con hầu chìm.

Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.

Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con, để con trở nên nhẹ tênh mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen.

4. An toàn trên biển cả. (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Lịch sử hàng hải chắc không bao giờ quên thảm họa đắm tàu Titanic xảy ra hồi 2 giờ 20 phút sáng ngày 15 tháng 4 năm 1912. đó là con tàu lớn nhất và sang trọng nhất thời đó. Nó được thiết kế để không thể bị đắm, thế mà đã bị đắm ngay trong chuyến vượt biển đầu tiên từ Anh sang Mỹ Châu!

Tàu Titanic với bụng tàu chia đôi thành 16 gian bít kín để nước không vào được. Theo đúng kỹ thuật thì cho dù 4 trong 16 gian bít kín ấy bị ngập nước, tàu vẫn nổi, nên kể như không thể bị đắm. Nhưng bất ngờ, tàu Titanic đang chạy thì bị đụng vào một núi băng trôi cách bãi ngầm của phần đất Tân Phần Lan (New Foundland) 150km, nay thuộc Canađa. Vì đụng mạnh, bên phải tàu bị toạc ra một vết dài 91 mét khiến 3 gian bít kín ở bụng tàu bị nước tràn vào. Kết quả là chiếc tàu với khối lượng khổng lồ là 46.000 tấn bị chìm từ từ xuống biển, mang theo số phận của 1.513 người trên tàu bị chết đuối.

Năm 1913 Hội Nghị quốc tế đầu tiên về an toàn cho sinh mạng trên biển cả được triệu tập tại Luân Đôn. Hội nghị này đã soạn một số qui định đòi mọi tàu đi biển phải có đầy đủ phương tiện cứu đắm cho mọi người trên tàu.

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng bàn về an toàn cho sự sống con người trên biển cả. Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu cũng như đối với dân Do Thái nói chung, biển cả tượng trưng cho sức mạnh của sự dữ. Sức mạnh ấy chính Thiên Chúa đặt dưới quyền năng vô song của Ngài (Tv 88,9-11). Và quyền năng vô song này cũng được tỏ hiện nơi Đức Giêsu, khi Ngài dẹp yên biển động hay khi Ngài đi trên biển sóng gió đến với các môn đệ đang hoảng sợ.

Riêng với biến cố Đức Giêsu đi trên mặt biển, điều được nhấn mạnh là: muốn được an toàn, các môn đệ phải hoàn toàn tin tưởng vào Thầy Giêsu. Nhưng trong Nhóm 12, người được chú ý hơn cả là Phêrô. Phêrô không những phải đặt niềm tin hoàn toàn nơi Thầy Giêsu mà còn phải duy trì niềm tin đó, không nao núng, không nghi ngờ. Thiếu niềm tin mạnh mẽ hơn sóng gió để đối phó với thử thách, thì cả đến Phêrô là người sốt sắng nhiệt thành đối với Thầy hơn mọi người trong Nhóm, cũng không thể đứng vững được, mà phải bị đắm chìm. Trái lại, bao lâu Phêrô vững vàng trong niềm tin, ông được tham dự vào quyền năng siêu việt của Thầy Giêsu.

Qua biến cố này, chúng ta thấy điểm chủ yếu là lòng tin. Lòng tin từ tình trạng yếu đuối tiến đến việc tuyên xưng mạnh mẽ, nhờ cảm nghiệm được sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa Giêsu trong chính hoàn cảnh thách đố lòng tin của các môn đệ. Điều này gợi lên cho chúng ta vài suy nghĩ về lòng tin của chúng ta và sự dấn thân với lòng tin trong những hoàn cảnh sống khó khăn, thử thách. Lòng tin của chúng ta là gì, nếu không phải là tin vào Thiên Chúa toàn năng và ơn cứu độ của Ngài. Đức tin còn phải được những khó khăn, thử thách rèn luyện mới lớn mạnh trưởng thành. Đức tin nằm yên một chỗ, không phải đương đầu, đối chọi với sóng gió của cuộc đời, đức tin ấy sẽ luôn yếu mềm, ấu trĩ. Tin là phải như Phêrô, nhảy vào khoảng trống, phải bước ngay xuống nước để đến với Chúa. Con người không thể đi trên nước, và niềm tin cũng không tiêu diệt được sóng gió. Nhưng có Chúa đứng đó, cũng trên mặt nước và sóng gió, nên ông không ngần ngại nhảy ngay xuống nước để đến với Ngài. Tin là một sự liều lĩnh, nhưng không phải là sự liều lĩnh tuyệt vọng: nhảy xuống nước để tự tử! Trái lại, tin là một liều lĩnh tràn đầy hy vọng, vì nắm chắc sẽ gặp được Chúa đang đứng ở bên kia bờ tuyệt vọng: Ngài là Đấng Cứu Độ, là sự sống.

Nếu giữa gian nguy, thử thách, chúng ta sợ hãi thì càng nguy hiểm hơn, vì chính nỗi sợ hãi sẽ nhấn chìm chúng ta, khiến chúng ta buông xuôi, thất vọng. Khi Phêrô chỉ nghĩ đến Chúa, chỉ dựa vào sức mạnh của Chúa, thì ông mạnh, ông nổi lên mặt nước. Nhưng khi ông nghi ngờ, chỉ nghĩ đến mình, chỉ co rút vào bản thân, thì ông bị chìm xuống. Khi ông hướng về Chúa, kêu cứu: “Lạy Chúa, xin cứu con!”Chúa Giêsu liền nắm lấy tay ông. Chúng ta yếu đuối, bất lực trước những hoàn cảnh khó khăn, thử thách, nhưng nếu chúng ta nghĩ đến Chúa, dựa vào sức mạnh toàn năng của Ngài và kêu cầu Ngài, thì Ngài sẽ kéo chúng ta lên. Cuộc sống chúng ta giống như đi trên mặt nước nổi giông bão. Chúng ta hãy kêu đến Chúa Giêsu. Trước những cơn sóng gió dù khủng khiếp đến mấy cũng đừng quên hướng về Người có thể cứu chúng ta được, đó là chính Chúa Kitô.

Để tiến đến một lòng tin đích thực, chúng ta phải sống sự hiện diện của một Thiên Chúa vắng mặt. Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện mà chúng ta không thấy. Người Kitô hữu sống trong lòng Giáo Hội lắm khi bị chao đảo ghê gớm vì “con thuyền Giáo Hội”có lúc như sắp bị chìm và biến mất. Còn thân phận người Kitô hữu thì bị giằng co, giữa nỗi sợ hãi và niềm tin, giữa bất ổn và bình an. Trong những lúc ấy, người Kitô hữu phải sống kinh nghiệm của một Thiên Chúa vắng mặt. Vì hoảng hốt và sợ hãi, các môn đệ khó có thể tưởng tượng hay tin rằng Chúa vẫn hiện diện, nên khi Chúa đến, các ông đã không nhận ra Ngài mà còn tưởng là bóng ma.

Trong thực tế, đức tin của chúng ta không thể chỉ gói trọn nơi những lời tuyên xưng, những tham dự lễ nghi phụng tự, những lãnh nhận bí tích, nhưng đức tin đó phải đi vào cuộc sống thực của chúng ta với mọi hình thức sinh hoạt của xã hội loài người. Tin Chúa là phải dấn thân vào thực tại, sống chung đụng với mọi người, chấp nhận đi vào những cực nhọc, vất vả, khó khăn, nguy hiểm… để cùng với Chúa hoạt động biến đổi bộ mặt thế giới. Đó chính là sứ mạng của mỗi Kitô hữu đối với thế giới ngày nay mà Công đồng Vaticanô II đã khẳng định.

Hãy luôn tin rằng Chúa luôn hiện diện và liên đới với chúng ta trong mọi nỗi gian truân, để từ bên trong, Ngài giúp chúng ta vượt qua mọi sóng gió bão táp của cuộc hành trình về quê hương vĩnh hằng, mà không phải đắm chìm như các nạn nhân của con tàu Titanic năm xưa, nhưng được bảo đảm an toàn trên biển cả như con thuyền của các Tông đồ, vì trong đó có Chúa Giêsu đang hiện diện.

5. Nơi ẩn náu duy nhất – Achille Degeest. (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Phép lạ bước đi trên mặt nước xảy ra sau phép lạ hoá bánh ra nhiều. Chúng ta con nhớ những gì thánh Gioan tường thuật về các phản ứng của đám đông: họ muốn tôn Chúa Giêsu làm vua. Có lẽ các môn đệ không phải là không đồng ý với phản ứng của dân chúng… Vì thế Chúa Giêsu, để kéo họ khỏi sự lôi cuốn ấy, buộc họ sang bên kia hồ. Về phần Ngài, Ngài lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện. Tàn đêm, giữa 3 giờ và 6 giờ, Ngài trở lại với các môn đệ trong những điều kiện lạ lùng, làm nổi bật một trong những ý tưởng chính của đoạn Phúc Âm này: các môn đệ còn lại một mình với những cơn gian nguy chỉ có một chỗ ẩn náu: Chúa Giêsu. Chúng ta ghi nhận vài trò nổi bật dành cho Phêrô. Ông nhảy xuống nước để đi đến Chúa Giêsu, nhưng đức tin của ông chưa được vững chắc như sau này khi Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho ông. Nó chưa đủ sức để ‘củng cố đức tin anh em’, nó vẫn còn yếu đuối, nhưng vừa đủ để Đức Kitô đưa tay nắm lấy ông. Chúng ta hãy để ý các điểm này:

1) Chúa Giêsu bày tỏ trước mắt các môn đệ một quyền phép dành riêng cho Thiên Chúa. Chỉ mình Thiên Chúa có quyền năng sai khiến thiên nhiên. Kinh Thánh thường nhắc nhở việc này, từ bài tường thuật việc tạo dựng cho đến nhiều đoạn Thánh Vịnh qua biến cố vượt Biển Đỏ. Tâm lý của các môn đệ được đào tạo bởi tinh thần Kinh Thánh, nên tự nhiên sau phép lạ có khuynh hướng nhìn nhận nơi Chúa Giêsu, Đấng làm chủ thiên nhiên, một vị được nhuần thấm hoàn toàn sự hiện diện của Thiên Chúa. Thực sự đức tin của họ vào Đức Giêsu – Thiên Chúa chỉ phát triển hoàn toàn nhờ tác động của Thánh Thần nơi họ. Nhưng ngay từ lúc này họ phục lạy và thưa: Ngài thực là con Thiên Chúa.

2) Phải lượng định làm sao cách hành động của các môn đệ và của Phêrô? Trước hết người ta hiểu việc các ông hoảng sợ khi thấy hiện ra trong ánh sáng nhợt nhạt lúc trời mới rạng đông, điều mà các ông tưởng là ma. Từ lúc Chúa Giêsu nói với họ và trấn an họ, đức tin của các ông được khích động. Khi ấy người ta thấy Phêrô lẫn lộn vừa hăng hái vừa tin tưởng. Lòng hăng hái thúc đẩy ông nhảy xuống nước và lòng tin không giữ vững ông đủ; vì thế ông chìm xuống. Nhưng, với một phản ứng có tầm quan trọng tối cao, ông kêu cầu Chúa Giêsu đưa tay nắm lấy ông. Việc này chẳng tiêu biểu cho một vài lúc trong cuộc sống Kitô hữu chúng ta sao? Bài học cần ghi nhớ: khi cuộc sống Kitô hữu chúng ta xem ra giống như đi trên mặt nước nổi giông bão, hãy kêu đến Đức Kitô. Đức tin là một ân sủng, một quà tặng. Vậy phải là điều chúng ta cầu xin. Bắt chước thánh Phêrô trong một trường hợp khác, chúng ta phải thưa nhiều lần: ‘Lạy Chúa con tin, nhưng xin tăng thêm đức tin cho con’ sao?

3) … tại sao lại ngờ vực? Câu Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô đáng cho chúng ta sy nghĩ. Tại sao có lúc chúng ta ngờ vực? Chúng ta có thể thưa với Chúa mọi khó khăn đang bủa vây đức tin chúng ta. Đáng lẽ chúng ta phải nói với Ngài sự yếu đuối và các đòi hỏi của tâm trí chúng ta, các xao động của lòng chúng ta, các nỗi đau khổ đầy ứ của chúng ta. Nhưng có một cách hỏi không có ý nghĩa, đó là cách hỏi mang ẩn ý rằng Chúa Kitô xa cách chúng ta hay Ngài không hiện diện. Chúa Giêsu nói với Phêrô: Tại sao lại ngờ vực, nghĩa là tại sao có giây phút ngươi sinh lòng sợ hãi làm như thể Ta không có ở đó? Nếu có một nỗi ngờ vực trổi lên trong lòng chúng ta, chớ gì nó giống như bàn tay chúng ta đưa lên Chúa Kitô và đừng ngờ vực mà chắc chắn rằng Chúa Kitô có ở đó để nắm lấy.

6. Hãy lưu lại trên thuyền – Charles E. Miller. (Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’)

Nước bao phủ hai phần ba bề mặt trái đất. Chúng ta biết rằng chúng ta không thể sống nếu không có nước, nhưng đôi khi chúng ta không thể sống với nước. Nước là một sức mạnh quyền năng và bí nhiệm mà có thể nói là sống hay chết.

Các tông đồ hiểu nước rất rõ. Họ là những người đánh cá, nên nước là chính cuộc sống của họ. Đối với họ, nước có nghĩa là sự sống. Nhưng rồi vào một đêm kia, với những ngọn gió gào thét trên họ và nước gầm rú dưới chiếc thuyền của họ, họ biết bây giờ nước có nghĩa là chết. Họ kinh ngạc xiết bao khi thấy Chúa Giêsu hướng về phía họ mà lại đi trên mặt hồ! Khi họ nhận biết rõ đó chính là Chúa Giêsu chứ không phải là ma, họ mới như trút được nỗi sợ hãi, nhưng sự bốc đồng của Phêrô chưa thoả mãn. Ông ước ao một điều gì đó hơn là những gì ông đã thấy nữa kia. Ông trông mong Chúa Giêsu hành động một cách kỳ lạ hơn nữa kia: “Ông thật sự muốn Chúa Giêsu ban quyền cho ông đi trên mặt nước”.

Phêrô cầu xin: “Xin cho con đi trên nước để đến với Thầy”. Ngạc nhiên Chúa Giêsu đáp: “Hãy đến”. Những điều đó không thành công. Phêrô bắt đầu chìm xuống biển vì thiếu lòng tin. Có lẽ Chúa Giêsu không muốn đáp ứng đòi hỏi không đúng của Phêrô vì Người muốn dạy cho ông và cho tất cả chúng ta một bài học, hãy bằng lòng với cách thế mà Chúa đã thực hiện chứ đừng đòi hỏi Người làm theo cách của ta.

Đó là một bài học ngay với tiên tri cao cả là Êlia cũng phải học. Êlia đã làm chứng cho quyền năng tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng đã đáp lời cầu nguyện của ông, đã mang lửa từ trời xuống thiêu rụi con bò tơ như một của lễ hy sinh. Điều này đã xảy ra khi những lời cầu nguyện của các tiên tri, các thần ngoại giáo đã được minh chứng là vô dụng. Nữ hoàng Giêzebel, kẻ thù không đội trời chung với Êlia, đã giận dữ vì sự thành công của vị tiên tri. Bà đã thề là bà sẽ giết ông cho kỳ được. Êlia đã chạy trốn để cứu lấy mạng sống. Chúng ta thấy ông đang trốn trong một cái hang bài đọc hôm nay. Chắc chắn ông đã hy vọng một sự tỏ hiện kỳ diệu của Thiên Chúa qua một cơn gió lớn mạnh tiếp đó là trong cơn động đất, rồi là lửa, nhưng Chúa không ngự trị trong những hiện tượng này. Nhưng Êlia đã thấy Chúa ngự trong ngọn gió nhẹ rì rào. Êlia học biết rằng chúng ta phải bằng lòng với cách thế mà con Thiên Chúa chọn để hành động.

Chúng ta có thể muốn Thiên Chúa hành động nhân danh chúng ta bằng những phương cách bất thường, như cho phép chúng ta đi trên nước mà đến với Người. Nhưng chúng ta vẫn ở lại trên thuyền, thuyền đây biểu trưng là Giáo Hội. Giáo Hội sẽ không bị chìm cho dù sóng to gió lớn đến mức nào, đó là những gương mù gương xấu trong Giáo Hội đã làm chúng ta phải bực tức. Giáo Hội sẽ không bị lật úp bởi những ngọn cuồng phong, đã đe doạ dập tắt đức tin của chúng ta và làm cho chúng ta phải cực lòng. Dù cho bất cứ điều gì khác có xảy đến, chúng ta biết rằng ở nơi con thuyền Giáo Hội chúng ta sẽ luôn luôn tìm gặp Thiên Chúa.

Trong Giáo Hội, Thiên Chúa hành động theo cách riêng của Người. Chúng ta sẽ run sợ và không nghi ngờ gì khi chúng ta thấy Thiên Chúa hiện diện trong ngọn lửa hồng xuống thiêu rụi lễ vật hy sinh và tiên tri Êlia dâng tiến nhưng cung cách của Chúa Giêsu đơn giản hơn, giống như ngọn gió thổi hiu hiu. Người chọn cách nói với chúng ta, không hề ồn ào trong ngọn cuồng phong nhưng trong âm vang của con người qua những lời trong Thánh Kinh. Người chọn cách đến với chúng ta không phải trong cơn run rẩy lúc động đất, nhưng dưới những hình thức đơn giản của bánh và rượu.

Trong mọi trường hợp, qua mọi nhu cầu của cuộc sống, chúng ta sẽ tìm thấy Thiên Chúa nhưng chúng ta phải ở lại trong con thuyền, để trở nên những môn đệ trung thành trong Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

7. Xin cứu tôi.

Bài học của Phêrô bước đi trên biển đến với Chúa, và khi nghi ngờ sợ hãi ông đã bị chìm xuống cũng là bài học đức tin cho tất cả mọi người Kitô hữu. Khi nào không tập trung nhìn thẳng vào Chúa Giêsu mà chỉ nhìn vào những đối tượng khác, chúng ta sẽ bị khủng hoảng.

Một nam tu sĩ trong tu hội của Mẹ Têrêsa Calcutta đã đến than phiền với mẹ về luật lệ của một vị bề trên đã ban ra, mà ông cảm thấy rằng nó đã cản trở việc mục vụ của ông. “Ơn gọi của tôi là làm việc cho những người cùi”, ông nói với Mẹ Têrêsa, “tôi muốn sống cho những người cùi”. Mẹ Têrêsa nhìn thẳng vào mắt vị tu sĩ một lúc rồi mỉm cười và nhẹ nhàng nói:“Thưa sư huynh, ơn gọi của sư huynh không phải là làm việc cho những người cùi, nhưng ơn gọi của sư huynh là thuộc về Chúa Kitô”.

Khi nào chúng ta không nhìn thẳng lên trời, không nhìn vào những điểm tích cực và lạc quan mà chỉ nhìn xuống, nhìn vào những hoàn cảnh đe dọa xung quanh, vào điều tiêu cực với lòng bi quan yếm thế, chúng ta sẽ bắt đầu chìm xuống.

Cha Mark Link đã dùng câu chuyện sau đây để minh họa cho điều này. Một con tàu đang gối sóng trên đại dương. Những cơn gió mạnh thổi ngược vào những cánh buồm làm chúng có thể bị rách bươm. Một chàng thủy thủ trẻ được lệnh phải trèo lên cột những cánh buồm lại. Anh chưa bao giờ trèo lên cột buồm chính vào thời tiết khắc nghiệt như vậy bao giờ. Anh bắt đầu trèo, và dường như muốn tụt xuống vì sự gầm thét của gió bão làm cho anh quá sợ hãi khi nhìn xuống. Trong kinh hoàng, anh tê cóng người lại, không thể leo lên hay tụt xuống được. Hoảng sợ anh la to:“Tôi sẽ ngã. Tôi sẽ ngã”. Viên chỉ huy hét lên thật lớn trong cơn gầm thét của bão tố:“Hãy nhìn lên!Hãy nhìn lên sẽ không bị ngã!” “Người đâu mà kém tin vậy!Sao lại hoài nghi?” (Mt 14,31)

Khi vượt biên đến trại tị nạn Thái Lan, tôi đã học thêm được hai từ Anh ngữ mới:“boat people and land people”, người đến bằng đường biển đã được Cao Uy Liên Hiệp Quốc áp dụng chính sách tị nạn cho đi định cư dễ dàng hơn. Sau khi vượt biên bằng đường bộ sang Campuchia, tôi đã xuống tàu vượt qua Vịnh Thái Lan. Con tàu chúng tôi sử dụng chỉ là chiếc tàu chở hàng nông sản trên dòng sông Cửu Long, chứ không phải chiếc tàu đánh cá ngoài biển khơi. Nó nhỏ bé và mong manh giống như chiếc lá trôi trên mặt đại dương bao la. Vào một đêm giông bão, trời tối đen như mực, ghé tai vào mạn thuyền có thể nghe tiếng gió kêu rít bên ngoài. Con thuyền cũ kỹ và bé nhỏ cố gắng trồi lên trên những ngọn sóng cao rồi lại lao đầu xuống vực thẳm đen tối. Sóng đập vào mạn thuyền kêu răng rắc. Mọi người trong thuyền chỉ còn nhắm mắt, bịt tai và cầu xin Thiên Chúa cùng Mẹ Maria cho qua được cơn khủng khiếp này. Bây giờ nghĩ lại kinh nghiệm này, tôi có cảm nghiệm giống như Phêrô. Ở trên một chiếc thuyền mỏng manh trôi trên biển cả, có khác nào Phêrô bước đi trên nước. Một kinh nghiệm vô cùng sợ hãi nhưng cũng tràn đầy ơn phúc!Tôi đã được cứu thoát là nhờ niềm tin và ơn phúc. Nếu bây giờ lập lại biến cố này, tôi sợ rằng sẽ chìm, vì sợ hãi đã càng ngày càng lớn và niềm tin lại suy yếu dần. Tôi đã nghi ngờ giống như Phêrô. Và chắc chắn cũng sẽ chìm giống như Phêrô!Trong lúc các môn đệ cần đến Chúa Giêsu, Ngài đã đến với họ. Khi có gió ngược và cuộc đời trở nên trắc trở khó khăn, Chúa Giêsu đã ở đó để giúp đỡ. Ngay khi chúng ta cần đến Ngài, Ngài đã ở ngay đó để giải cứu chúng ta.

William Barclay chia sẻ như sau:“Trong cuộc đời gió thường thổi ngược. Có những lần khi chúng ta đi ngược gió, và cuộc đời là một sự phấn đấu tuyệt vọng với chính mình, với những hoàn cảnh, những nỗi buồn và quyết định của mình. Những lúc đó, không ai phải phấn đấu một mình, bởi Chúa Giêsu đến với họ qua những sóng gió cuộc đời, với cánh tay đưa ra để cứu vớt và với giọng truyền êm ái ra lệnh cho chúng ta phải an tâm, đừng sợ hãi”. Thực ra câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt nước không phải là một biến cố tình cờ xảy ra cho các môn đệ. Đây là dấu hiệu và biểu tượng của tình yêu và quyền năng của Chúa Giêsu đối với dân Ngài khi gặp bão tố gian nguy. Tất cả chúng ta sẽ cảm nghiệm điều này nếu chúng ta kêu cầu với Ngài như Phêrô khi xưa: “Lậy Thầy, xin cứu con!”.

8. Gió trở nên yên lặng.

Trong Giáo Hội cũng như trong mỗi một cuộc đời người Kitô hữu, tất cả mọi sự đều diễn ra giữa niềm tin và sự sợ hãi. Đó là Tin Mừng của việc đi trên mặt nước.

Nỗi sợ hãi. Một chiếc thuyền ở xa bờ và lênh đênh giữa sóng gió. Đêm tối. Và có một con ma nữa chứ! Một nỗi sợ hãi làm cho những người mặc dầu ghê gớm cũng phải la lên.

Tin tưởng. Đêm dần tàn và người ta nhận ra Chúa Giêsu. Ngài bước đi trên biển! Ngài nói: “Thầy đây, các con đừng sợ”. Và nói với Phêrô: “ Cứ đến đây”.

Đây là ván bài của niềm tin và sự sợ hãi. Phêrô bắt đầu bước đi trên mặt nước. Nhưng ông sợ và chìm xuống: “Xin Thầy cứu con!” Chúa Giêsu nắm lấy tay ông và nói: “Tại sao ngươi lại hoài nghi?”. Đây là câu hỏi chính của bài suy niệm hôm nay. Câu trả lời sẽ là nhiệt tình tin tưởng hoàn toàn mà toàn bộ bài đọc hướng về đó: “Thầy là Con Thiên Chúa!”

Phép lạ này gây phiền nhiễu. Nó dường như vô ích (các phép lạ khác là để chữa bệnh) và theo kiểu khổ hạnh, nhưng trái lại phải thấy trong đó một bài học quan trọng đó là một phép-lạ–mạc-khải. Phép lạ này biểu thị những nỗi sợ hãi lớn lao của chúng ta và những đỉnh cao của niềm tin tưởng của chúng ta, khi chúng ta sống đức tin như là một kinh nghiệm “Thầy thật sự là Con Thiên Chúa!”

Tôi có nói về biểu tượng để ám chỉ rằng phép lạ đã không xảy ra và phép lạ chỉ là một điều giảng dạy hình tượng về niềm tin hay không? Không, những người này đã thấy rõ Chúa Giêsu bước đi trên mặt nước. Họ đã thấy gió lặng yên. Chúa Giêsu đã làm điều đó vì họ, để làm cho niềm tin của họ vững mạnh: “Thầy đây, các con đừng sợ!”

Giờ đây, được chúng ta đọc lại, cũng chính biến cố này làm cho chúng ta suy nghĩ về niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu. Trong cuộc sống yên ổn, tin vào Chúa Giêsu chính làTin Mừng hy vọng: chúng ta thích điều Ngài nói, chúng ta muốn làm điều Ngài yêu cầu, nhất là khi Ngài nói về yêu thương.

Bão tố, đêm đen của những đau khổ thể xác, đêm đen của những thất bại, của phản bội, của tuổi già đang đến. Tin rằng Chúa Giêsu sẽ kéo chúng ta ra khỏi những làn nước này như thế nào?

Phép lạ xưa kia có thể trở thành phép lạ cho chúng ta. Cũng chính Chúa Giêsu ở đó và nói: “Đừng sợ”. Và Ngài nói: “Hãy đến đây!”. Nghe và hiểu được tiếng hãy đến đây chính là cảm thấy trong ta một ngọn lửa tin tưởng giống như canxi trong các mạch máu của chúng ta. Chúng ta hỏi Ngài chúng ta có thể đi tới Ngài, đi tới sự vững vàng và an bình, và Ngài nói với chúng ta: “Hãy đến đây!”. Nếu cuộc chiến chống lại sự sợ hãi rất gay go, chúng ta cảm thấy Ngài nhìn chúng ta với vẻ nghiêm khắc dịu dàng: “Kém tin thế, tại sao ngươi hoài nghi?”

Ngài nói với chúng ta và với Giáo Hội như thế. Con thuyền tượng trưng cho Giáo Hội. Giáo Hội bị sóng gió vây bủa, nhưng Ngài hiện diện ở đó.

Khi chúng ta lắng nghe được tiếng nói này “đừng sợ”, sự việc có thay đổi hay không? Không hẳn, mặc dầu điều này vẫn có thể xảy ra. Nhưng chắc chắn chúng ta thay đổi, chúng ta mang cái dường như chúng ta không thể mang được. “Thầy là Con Thiên Chúa. Có Thầy con sẽ tiến bước trên các làn nước sợ hãi và đau khổ này”.

Tôi không thể đi xa hơn được, duy chỉ kẻ nào đã có kinh nghiệm về niềm tin mới biết câu “và gió trở nên lặng” có nghĩa là gì.

9. Chúa đi trên biển – R. Veritas.

Đứng bên cạnh con đang chuẩn bị qua cơn giải phẫu nguy hiểm, người cha không ngừng trấn an con mình với những lý luận dựa trên tài năng nổi tiếng của nhóm bác sĩ giải phẫu với những phương tiện tối tân, ông còn trấn an con là sẽ hiện diện bên cạnh để cung ứng mọi nhu cầu cho con.

Nghe xong lời cha khuyên, người con trả lời cho cha:

Xin cha đừng lo lắng nhiều, con không sợ đâu, con tin tưởng phó thác mọi sự cho Chúa Giêsu, Người hiện diện bên con và giúp con chịu đựng, hy sinh âm thầm trong tâm trí.

Người cha cảm phục lòng tin của con, vừa hổ thẹn vì mình không có được thái độ tin Chúa như con mình.

Chúng ta cũng thường hành xử như vậy khi gặp những thử thách xảy ra cho anh chị em xung quanh, cũng như và nhất là cho chính chúng ta. Phản ứng tự nhiên trước những thử thách, chúng ta thường nghĩ ngay đến những phương thế, những tài năng riêng của con người mà quên đi phần đóng góp tích cực và quan trọng của Chúa.

Bài Phúc Âm của Chúa Nhật 19 mùa thường niên năm A, trích từ Phúc Âm Thánh Mátthêu hôm nay trình bày cho chúng ta một toàn cảnh thật ý nghĩa. Ở đây chúng ta thấy hai khía cạnh: trước hết, Chúa Giêsu cầu nguyện trên núi, xem ra như Ngài xa cách không còn quan tâm gì đến những nguy hiểm mà các Tông Đồ đang gặp sóng to gió lớn trên mặt biển hồ Galilêa. Mặt hồ của toàn cảnh là cảnh tượng các Tông Đồ đang trên thuyền và phải tận lực chiến đấu với những nguy hiểm. Các ngài là những ngư phủ trên biển hồ Galilêa này, và có thể nói là đã quen thuộc với những cơn sóng to gió lớn. Hai khía cạnh này xem ra như không có gì liên hệ với nhau; Thiên Chúa xem ra như hoàn toàn xa lạ, vắng mặt khỏi hoàn cảnh sống của con người, xa lạ, lạnh lùng với những thử thách của con người đang gặp phải.

Là môn đệ của Chúa Giêsu, các ngài cũng có thể bị cám dỗ có những suy nghĩ như vậy. Chúa ở đâu mà tôi không nhìn thấy Ngài đâu cả? Nhưng thật sự không phải như vậy. Thiên Chúa không vắng mặt, không rời xa con người. Các Tông Đồ đang gặp sóng to gió lớn là vì tuân lệnh Chúa Giêsu mà chèo thuyền vượt biển cực khổ giữa ban đêm để qua bên kia bờ. Ban đêm thường có sóng to gió lớn, các Tông Đồ biết như thế, vì là những ngư phủ trong vùng.

Thông thường các ngài có thể lý luận với Chúa để ở lại với Chúa chờ qua ngày hôm sau đi lại ít nguy hiểm hơn, và cũng để được nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc vì bận rộn lo cho hơn năm ngàn người ăn uống khi nghe Chúa giảng dạy. Thế nhưng lý do gì mà Chúa ra lệnh cho các Tông Đồ lên thuyền chèo qua bên kia bờ biển hồ và giữa đêm khuya như vậy?

Các Tông Đồ gặp thử thách nguy hiểm kia là vì tuân lệnh Chúa, và chúng ta thấy Chúa không để cho những người vâng phục Chúa bị thiệt hại. Phải, bị thử thách và chịu thử thách nhưng không bị đè bẹp, Chúa để cho các Tông Đồ phải chiến đấu với thử thách trong một thời gian mãi đến ba giờ sáng rồi Chúa mới đến với các ngài. Sau biến cố, sau kinh nghiệm và có thể nói được là hai kinh nghiệm, tập thể các Tông Đồ đi trên thuyền và Phêrô muốn đi trên mặt nước đang nổi sóng. Sau kinh nghiệm đó, Chúa Giêsu rút ra bài học cho các ông: “Tại sao các con kém tin thế?”, tại sao không tin rằng Chúa hằng hiện diện bên cạnh, Ngài không xa vắng, Ngài không ngủ quên hay bỏ mặc những kẻ Ngài đã chọn.

Đó là bài học cho các Tông Đồ sau này khi lãnh nhận sứ mạng chính thức sau khi Chúa phục sinh: “Thầy đã được mọi quyền năng trên trời dưới đất, chúng con hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân”. Đây không phải là lời hứa suông, mà là một bảo đảm mạnh hơn mọi thứ bảo đảm do con người đặt ra trong xã hội hôm nay. Những bảo hiểm của con người sẽ vô ích nếu như không có sự bảo đảm của Thiên Chúa, dù con người không chấp nhận hay không biết đến sự bảo đảm này, hơn ai hết, sau khi đã trải qua kinh nghiệm trên biển hồ nổi sóng, các Tông Đồ sẽ xác tín hơn sau này cho sứ mạng làm chứng cho Chúa: “Không gì có thể tách rời tôi ra khỏi tình yêu Chúa”.

Mọi gian nan thử thách đều trở nên tốt đẹp, hữu ích cho những ai yêu mến Chúa. Chúng ta hãy nhìn lại xem mình đã có kinh nghiệm sống như bài học của Phúc Âm hôm nay Chúa đã dạy các Tông Đồ chưa? Cùng với các ngài vâng lệnh Chúa vào thuyền, và sau cơn giông tố chúng ta tuyên xưng: “Thầy là Con Thiên Chúa”, Chúa sống với chúng ta thì chúng ta còn lo sợ chi nữa.

10. Đi trên mặt biển.

Sự kiện xảy ra qua đoạn Tin Mừng vừa nghe không có chi là khó hiểu, thế nhưng đâu là mục đích mà Chúa Giêsu định nhắm tới.

Đi trên mặt nước và làm cho sóng gió im lặng, mục đích của Chúa Giêsu là muốn làm cho các tông đồ vững tin và cậy trông ở Chúa. Thực vậy, sau phép lạ bánh hóa nhiều Ngài truyền cho các ông lên đường. Lúc bấy giờ trời đã về chiều mà nước thì lại ngược và gió đã nổi lên, các tông đồ cảm thấy nặng nề và không mấy hứng khởi. Vượt biển trong tình trạng đó sẽ không thể nào tránh khỏi vất vả và mệt nhọc. Đang lúc vật lộn với sóng gió, Chúa Giêsu thân hành hiện đến để an ủi và giúp đỡ. Trông thấy Chúa, lúc đầu các ông tưởng là ma. Nhưng Chúa đã lên tiếng để trấn an, rồi lại truyền cho sóng gió yên lặng và con thuyền yên hàn cặp bến.

Trước hết đối với Phêrô, phép lạ này có tính cách quan trọng, ông đã tỏ ra yêu mến và nhiệt thành đối với Chúa, nhưng việc xin phép lạ vô cớ đã tỏ ra ông là người hấp tấp thiếu suy xét, nhiệt thành không phải lúc khi xin phép lạ được đi trên mặt nước. Trong trường hợp này cũng như trong nhiều trường hợp khác, ông đã nói trước và làm trước các tông đồ. Để đem lại cho ông một bài học, Chúa đã để ông lảo đảo đến sắp chìm và sau này Chúa còn để ông sa ngã… song nhờ lòng tin mạnh mẽ, trong lúc nguy cơ ông đã kêu cầu Chúa và Chúa đã giơ tay cho ông nắm lấy, rồi đưa ông lên thuyền với Ngài. Như thế, Chúa muốn bảo ông hãy tin tưởng vào Chúa và chỉ nhờ một mình Ngài, ông mới được đứng vững. Ông chỉ được cứu thoát nếu biết nắm chặt vào bàn tay Chúa.

Tiếp đến là đối với Giáo Hội. Con thuyền của các tông đồ là một hình ảnh tượng trưng cho Giáo Hội, trong đó Phêrô là người đứng đầu, vì Chúa đã thiết lập Giáo Hội trên nền tảng Phêrô… Đúng thế, Giáo Hội không khác gì một con thuyền của các tông đồ, vượt biển giữa cảnh bão táp. Có những khó khăn từ bên ngoài, khác nào những trận cuồng phong thổi ngược, đồng thời cũng có những khó khăn tự bên trong khác nào những ngọn sóng ngầm không kém phần nguy hiểm. Các tông đồ đã phải cực nhọc chèo chống, mà đôi khi còn có cảm giác chìm mất, đến nỗi phải thốt lên: “Lạy Thầy, xin hãy cứu chúng con kẻo chúng con chết mất”.

Tuyệt vọng mà không mất niềm tin, trong lúc không đợi chờ, thì Chúa Giêsu đã đến, Ngài khiến sóng gió phải yên lặng và đưa con thuyền tới bến bình an. Bao giờ Chúa cũng bảo vệ Giáo Hội Ngài khỏi đắm chìm cho dù cuồng phong và sóng gió có thổi mạnh.

Và sau cùng là đối với mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta là một phần tử của Giáo Hội, cũng thường gặp phải những khó khăn, những giông tố từ bên trong cũng như bên ngoài, làm cho chúng ta có cảm giác bị bỏ rơi và chìm mất. Tuy nhiên, cũng như Giáo Hội, Chúa luôn nâng đỡ và cứu giúp, miễn là chúng ta biết tin tưởng chạy đến với Ngài. Bão táp sẽ qua, cuồng phong sẽ dứt, trời quang mây tạnh sẽ trở lại và chúng ta sẽ được sống trong tình thương và sự an bình của Chúa. Trong những ngày hạnh phúc, chúng ta đã dễ dàng lãng quên Chúa và chỉ trong giờ phút đen tối, chúng ta mới nhớ đến Ngài, đó là dấu chỉ của một đức tin thiếu trưởng thành, mang nặng tính chất vị kỷ và cầu an. Chính vì thế mà hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ và đặt lại vấn đề niềm tin của chúng ta đối với Chúa hiện giờ như thế nào? Đức tin chân chính sẽ giúp chúng ta nhận ra dấu chỉ của Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, trong sáng cũng như đen tối, vui sướng cũng như đau khổ để rồi chúng ta sẽ xử sự đúng với tinh thần Phúc Âm.

Bởi vì, trong giây phút này, chúng ta hãy thành tâm kêu lên: “Lạy Chúa, xin hãy thêm đức tin cho chúng con…”